TÒA ÁN NHÂN DÂN QUẬN HẢI CHÂU, THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
BẢN ÁN 23/2019/KDTM-ST NGÀY 16/10/2019 VỀ YÊU CẦU BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI
Ngày 16 tháng 10 năm 2019 tại Trụ sở Tòa án nhân dân quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng mở phiên tòa công khai xét xử sơ thẩm vụ án thụ lý số số 04/2019/TLST-KDTM ngày 10 tháng 01 năm 2019 về “Yêu cầu bồi thường thiệt hại” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 16/2019/QĐXXST-KDTM ngày 26/6/2019 giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Ông Hoàng Kim L – sinh năm 1953 - Địa chỉ: Số 263 Lê Tấn Tr, tổ 91, phường T, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng.
Đại diện theo ủy quyền: Ông Dương Văn Ph - sinh năm 1965; địa chỉ: 405 đường N, tổ 82 phường T, quận Sơn Trà, thành phố. Có mặt
- Bị đơn: Công ty D – Địa chỉ: Số 83 đường Ng, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.
Đại diện theo ủy quyền: Ông Trương Văn B - sinh năm 1959 - Địa chỉ: Tổ 69 phường K, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng và Ông Nguyễn Văn L - sinh năm 1954 - Địa chỉ: 60 đường D, thành phố Đà Nẵng. (Giấy ủy quyền lập ngày 01/01/2019). Ông B vắng mặt không lý do. Ông L có đơn xin xét xử vắng mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
* Tại đơn khởi kiện sửa đổi bổ sung nộp Tòa án ngày 03/01/2019 nguyên đơn trình bày:
Ngày 11 tháng 4 năm 2018 ông L có đến Công ty D thỏa thuận mua chai nhựa để đựng nước giải khát. Khi trao đổi về mẫu chai ông L có đưa ra mẫu chai loại 330ml, ông L đề nghị làm cao hơn chai này 2 phân rưỡi và eo sơ bụng chai lại có dung tích là 380ml. Ông L có tạm ứng cho kế toán của Công ty là bà V 10.000.000đ . 15 ngày sau bà V bảo đã có chai, ông L đến nhà máy lấy chai về làm mẫu để in nhãn, ông L thấy chai xấu quá và nhỏ nên liền qua phản ánh với bà V, bà nói để đó sửa lại và đề nghị ông L thanh toán tiếp cho Công ty D 5.000.000đ. Lúc đó ông L rất nóng ruột về công việc làm ăn lo về vấn đề thủ tục giấy tờ kéo dài đã 3 năm rồi nay mới xong, nên ông L chiều theo ý kiến của bà V cho có chai để về làm. Khi sản phẩm ra thị trường thì người tiêu dùng phản ánh chai không đủ dung tích và chai xấu, ông L đã nhiều lần qua đề nghị bị đơn sửa lại đúng ý kiến theo mẫu. Hợp đồng mỗi lần như thế tốn thời gian, 1 tháng mới xong, trong lúc chờ đợi ông L phải chạy đi mua chai ở ngoài vừa giá cao và căng nhất là đủ loại chai cho nên gây ảnh hưởng rất lớn cho sự hoạt động sản xuất của cơ sở ông L. Vừa rồi ông L đến Công ty thì bà V nói: ‘Sửa lại thì tốn quá, phải trả 8.000.000đ bằng giá tiền đi đúc mới nơi khác.
Do vậy, ông L khởi kiện đề nghị nếu Công ty D có ý muốn tiếp tục quan hệ làm ăn với ông L thì sửa lại hoặc làm mới khuôn theo mẫu ông L đã yêu cầu thì ông L không buộc bồi thường gì. Nếu Công ty D không đồng ý thì đề nghị phải bồi thường cho ông L 139.000.000đ. Cụ thể: bồi thường tiền lương mà ông L đã phải trả cho 08 công nhân trong 2 tháng 20 ngày ngừng hoạt động là 124.000.000đ và 15.000.000đ tiền tạm ứng ông L đã đặt cọc đúc khuôn. Ngoài ra Công ty phải chịu tiền án phí và chi phí thử nghiệm.
Quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa hôm nay ông Hoàng Kim L trình bày:
Do các bên không thương lượng được nên ông L đã hợp tác với cơ sở khác để mua vỏ chai. Vì vậy, ông L đề nghị Tòa án buộc Công ty D phải bồi thường cho ông L 139.000.000đ. Cụ thể: bồi thường tiền lương mà ông L đã phải trả cho 08 công nhân trong 2 tháng 20 ngày ngừng hoạt động là 124.000.00đ và 15.000.000đ tiền tạm ứng ông L đã đặt cọc đúc khuôn. Ngoài ra bị đơn phải chịu tiền án phí và chi phí thử nghiệm.
Tại phiên tòa, người đại diện theo ủy quyền của ông L là ông Dương Văn Ph thống nhất với lời trình bày của ông L.
Tại phiên tòa hôm nay, đại diện bị đơn là ông Nguyễn Văn L có đơn xin xét xử vắng mặt, nhưng tại đơn trình bày ngày 16/10/2019 thể hiện:
Ngày 11/4/2018, Ông L đến Công ty D yêu cầu làm khuôn chai pet với thông tin dựa trên mẫu chai ông L cung cấp và mô tả bằng miệng chứ không có một chuẩn mực, kích thước nào chính xác, khoa học cả. Giá trị hợp đồng: 15.000.000đ, ông L đặt cọc 10.000.000đ.
Ngày 26/4/2018, ông L đến nhận chai mẫu, và không có bất kỳ ý kiến gì về dung tích hay khối lượng. Ông L thanh toán 5.000.000 đồng (Năm triệu đồng) còn lại, và ký xác nhận đồng ý vào chai (“Mẫu 1”). Trên cơ sở đó ông L đặt hàng sản xuất vỏ chai.
Ngay sau khi nhận vỏ chai, ông L hoàn toàn có thể yêu cầu kiểm tra thể tích hoặc trọng lượng vỏ chai, tuy nhiên ông L hoàn toàn không làm việc này, trên thực tế hai bên cũng không tiến hành lập biên bản kiểm tra chất lượng mẫu vỏ chai. Có thể nhận thấy, việc ông L quan tâm nhất chính là hình dạng vỏ chai, chứ không phải là khối lượng, hay thể tích. Việc ông L đặt bút ký vào vỏ chai chứng tỏ ông hoàn toàn đồng ý với mẫu mã này và không có bất kỳ ý kiến nào, trên cơ sở đó ông mới đặt hàng yêu cầu sản xuất.
Sau khi nhận hàng đợt 1 và tiêu thụ hết, ông L quay lại đặt hàng đợt 2 và yêu cầu điều chỉnh mẫu chai. Công ty D chỉ sản xuất những đơn đặt hàng có sẵn mẫu chai. Tuy nhiên, với thiện chí hợp tác vì trước đây ông L đã có hợp đồng làm khuôn chai, nên công ty hỗ trợ chỉnh sửa.
- Chỉnh sửa lần 1: Ông L yêu cầu phình to đáy và chu vi thân chai. Sau khi nhận mẫu chai thổi thử, không bỏ vừa nhãn mà ông L đã làm sẵn theo mẫu 1. Công ty đưa ra giải pháp cắt bớt một chút ở phần cuối nhãn để bỏ vừa chai (đã làm mẫu), tuy nhiên ông L không đồng ý và yêu cầu chỉnh sửa tiếp.
- Công ty tiếp tục chỉnh sửa lần 2: Ông L yêu cầu bóp lại đáy để có thể bỏ nhãn thân được. Sau khi nhận chai thổi thử, ông L ký xác nhận vào mẫu chai (Mẫu 2) và đồng ý sản xuất mẫu này. Ông L đã ký đơn đặt hàng sản xuất 5.000 vỏ chai, và đặt cọc 2.000.000đ.
Ngày 15/8/2018, Công ty D giao đủ hàng, ông L thanh toán đủ phần còn lại. Khi nhận hàng ông cũng không có bất kỳ ý kiến nào khác về vỏ chai.
Ngày 29/8/2018, ông L đặt sản xuất vỏ chai đợt 3 với số lượng 5.000 vỏ chai như mẫu 2 nêu trên. Lần này ông L thanh toán ngay toàn bộ giá trị đơn hàng là 4.000.000đ. Ngày 04/9/2018 Công ty D giao đủ hàng. Khi nhận hàng ông L hoàn toàn đồng ý và không có phản hổi gì.
Vì thiện chí trong quá trình hợp tác giữa hai bên, Công ty hỗ trợ chỉnh sửa cho ông L 02 lần mà không thu tiền sửa khuôn. Khi chỉnh sửa, ông L chỉ yêu cầu bóp lại đáy để vừa nhãn chai mà không yêu cầu gì khác. Lúc đó, mục đích duy nhất mà ông L muốn khi chỉnh sửa vỏ chai là bóp nhỏ để vừa vỏ nhãn mà ông L đã đặt trước, để không phải tốn thêm chi phí in vỏ nhãn lần nữa, chứ ông L không quan tâm đến dung tích chai là bao nhiêu. Chính vì yêu cầu này đã làm cho thân chai nhỏ và hụt dung tích.
Khi nhận mẫu chai, ông L cũng đồng ý với mẫu mã và ký nhận trên vỏ chai. Trên cơ sở đó, ông L đặt 5.000 vỏ chai và nhận hàng ngày 15/8/2019. Hộ kinh doanh ông Hoàng Kim L kinh doanh nước giải khát, cụ thể ông L phải đong nước vào chai. Chính vì thế, ông L hoàn toàn có thể biết được vỏ chai đang sử dụng (Mẫu 2) có dung tích < 370ml, ông L chấp nhận điều đấy, thể hiện qua việc ông biết mà vẫn tiếp tục đặt thêm 5000 vỏ chai tiếp theo vào ngày 29/8/2019, và nhận hàng ngày 04/9/2019.
Khoản 4 Điều 44 Luật thương mại 2005 quy định: “Bên bán không phải chịu trách nhiệm về những khiếm khuyết của hàng hóa mà bên mua hoặc đại diện của bên mua đã biết hoặc phải biết nhưng không thông báo cho bên bán trong thời hạn hợp lý sau khi kiểm tra hàng hóa.” Điều 49 Luật thương mại 2005 quy định về Nghĩa vụ bảo hành hàng hóa như sau: “Trường hợp hàng hóa mua bán có bảo hành thì bên bán phải chịu trách nhiệm bảo hành hàng hóa đó theo nội dung và thời hạn đã thỏa thuận.” Điều 446 Bộ luật dân sự 2015 quy định về Nghĩa vụ bảo hành như sau: “Bên bán có nghĩa vụ bảo hành đối với vật mua bán trong một thời hạn, gọi là thời hạn bảo hành, nếu việc bảo hành do các bên thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.” Có thể nhận thấy, nghĩa vụ bảo hành chỉ phát sinh trong trường hợp hai bên có thỏa thuận trong hợp đồng.
Quay về hợp đồng đặt khuôn, giữa Công ty D và ông L không có thỏa thuận về việc bảo hành sản phẩm, cụ thể là chỉnh sửa mẫu chai theo yêu cầu của ông L. Chính vì vậy, Công ty không có nghĩa vụ chỉnh sửa mẫu chai theo ý kiến ông L.
Việc ông L đưa sản phẩm ra thị trường và nhận được những phản hồi không tốt về mẫu mã chai hoàn toàn không liên quan và phía Công ty D không có nghĩa vụ chịu trách nhiệm, bởi Công ty D đã chỉnh sửa theo ý kiến yêu cầu của ông L, và ông L cũng đồng ý mẫu mã bằng cách ký xác nhận vào vỏ chai, và đặt hàng 03 đơn hàng.
Khi kinh doanh bắt buộc phải có những thay đổi, sửa chữa để đáp ứng thị hiếu khách hàng, những chi phí này phải do doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh bỏ ra, cụ thể là phía ông L. Việc ông L cáo buộc Công ty sản xuất không đúng yêu cầu về mẫu mã và dung tích và yêu cầu Công ty tiếp tục chỉnh sửa mẫu chai là hoàn toàn vô căn cứ.
Với những lý do trên Công ty đề nghị tòa án không chấp nhận đơn khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại của ông Hoàng Kim L.
Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng phát biểu ý kiến: Thống nhất về việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán và Hội đồng xét xử cũng như việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng đã thực hiện theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
+ Về yêu cầu khởi kiện: Xét yêu cầu khởi kiện của ông Hoàng Kim L đối với Công ty D cùng các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ thì thấy:
Ngày 11/4/2018, ông Hoàng Kim L và Công ty D có xác lập giao dịch thỏa thuận việc Công ty D sản xuất chai nhựa cho ông L theo mẫu và dung tích ông L yêu cầu. Các bên chỉ trao đổi bằng miệng mà không lập hợp đồng để ghi nhận lại các thỏa thuận. Quá trình thực hiện, ông L đã nhiều lần yêu cầu Công ty D chỉnh sửa theo đúng yêu cầu của mình. Khi sản phẩm được tiêu thụ, người tiêu dùng phản ánh chai không đủ dung tích và xấu, ông L đã nhiều lần yêu cầu Công ty Dahaco sửa lại theo đúng mẫu, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của cơ sở ông. Do vậy, ô ng Hoàng Kim L khởi kiện yêu cầu Tòa án nhân dân quận Hải Châu giải quyết buộc Công ty D phải bồi thường cho ông số tiền 139.000.000đ, cụ thể:
- Tiền lương mà ông phải trả cho 08 công nhân trong 02 tháng 20 ngày ngừng hoạt động là 124.000.000đ;
- Tiền tạm ứng ông L đã đặt cọc đúc khuôn là 15.000.000đ.
Công ty D không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của ông Hoàng Kim L. Ông L đã ký xác nhận mẫu chai thì Công ty D mới sản xuất và cung cấp cho ông L. Công ty D đã hỗ trợ sửa chữa khuôn theo yêu cầu của ông L cho đến khi ông L đồng ý mẫu và ký xác nhận lần thứ hai vào ngày 11/8/2018. Việc mua bán giữa hai bên là hoàn toàn tự nguyện, ông L đã đặt hàng 03 đợt và thanh toán đầy đủ tiền khuôn và tiền mua hàng cho Công ty D. Trên Giấy đặt hàng ông L có yêu cầu ghi rõ nếu không đúng mẫu đã xác nhận thì ông L không lấy hàng và Công ty phải trả lại tiền cọc. Nay, ông L đã nhận hàng và thanh toán đầy đủ nghĩa là ông L đã chấp nhận theo mẫu đã sản xuất. Do đó, Công ty không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của ông Hoàng Kim L.
Qua nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa hôm nay xét thấy:
Ngày 11/4/2018, ông Hoàng Kim L – Chủ hộ kinh doanh Hoàng Kim L và Công ty D có xác lập giao dịch thỏa thuận việc Công ty D sản xuất chai nhựa cho ông L theo mẫu và dung tích ông L yêu cầu. Các bên chỉ trao đổi bằng miệng mà không lập hợp đồng để ghi nhận lại các thỏa thuận. Do đó, cần xác định đây là hợp đồng mua bán hàng hóa quy định tại Khoản 1, Điều 24 Luật Thương mại giữa các tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh với nhau chịu sự điều chỉnh của Luật Thương mại.
Theo kết quả kiểm tra dung tích 05 mẫu chai (nguyên đơn cung cấp: 03 mẫu chai ký hiệu 1, 2, 3; bị đơn cung cấp 02 mẫu chai ký hiệu chai sản xuất lần thứ nhất và chai sản xuất lần thứ hai) của Công ty cổ phần tập đoàn V thì thấy, các mẫu chai ký hiệu 1, 2, 3 và chai sản xuất lần 1, 2 đều không đủ dung tích 370ml theo yêu cầu của ông Hoàng Kim L. Do đó, có cơ sở xác định Công ty D đã có vi phạm về dung tích chai trong quá trình thực hiện hợp đồng với ông Hoàng Kim L. Công ty D cho rằng ông L đã ký xác nhận mẫu trước khi sản xuất, ông L đã nhận hàng và thanh toán đầy đủ nghĩa là ông L đã chấp nhận theo mẫu đã sản xuất nên không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông L. Tuy nhiên, thực tế ông L chỉ có thể xác nhận và kiểm tra về mẫu mã của chai, đối với dung tích ông L không thể kiểm tra bằng mắt thường được, Công ty D phải có trách nhiệm đảm bảo đủ dung tích cho khách hàng.
Tại các Giấy đặt hàng ngày 15/6/2018 và ngày 29/8/2018 các bên thỏa thuận trường hợp chai không như mẫu xác nhận thì không nhận hàng và trả lại tiền. Như đã phân tích ở trên, với các biện pháp kiểm tra thông thường ông L không thể xác định được chai có đảm bảo dung tích hay không. Vì vậy, ông Hoàng Kim L yêu cầu Công ty D phải hoàn trả số tiền 15.000.000đ đã đặt cọc để đúc khuôn là có cơ sở để chấp nhận. Đối với yêu cầu bồi thường số tiền 124.000.000đ là tiền lương mà ông L phải trả cho 08 công nhân trong 02 tháng 20 ngày ngừng hoạt động thì thấy, ông L không cung cấp được chứng cứ chứng minh việc ngừng hoạt động kinh doanh trong thời gian 02 tháng 20 ngày, ông L cũng không có chứng cứ để xác định hộ kinh doanh có 08 công nhân làm việc và mức lương cụ thể đối với từng người nên không có cơ sở để chấp nhận yêu cầu này của ông Hoàng Kim L.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
+ Về thử tục tố tụng:
- Tòa án đã tống đạt hợp lệ ông Nguyễn Văn B, nhưng ông B vẫn vắng mặt và không có lý do về việc vắng mặt. Do ông Nguyễn Văn B vắng mặt tại phiên tòa lần thứ 2 nên căn cứ điểm b khoản 2 Điều 227 Bộ luật tố tụng dân sự Tòa án vẫn tiến hành xét xử vụ án.
- Tòa án nhận được đơn xin xét xử vắng mặt của ông Nguyễn Văn L, là đại diện theo ủy quyền của bị đơn. Căn cứ khoản 1 Điều 228 của Bộ luật tố tụng dân sự HĐXX tiến hành xét xử vắng mặt đại diện bị đơn.
- Ngày 01/4/2019 ông Hoàng Kim L đã làm thủ tục chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh và đã được phòng tài chính – kế hoạch quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng ra thông báo số 56/ĐKKD ngày 01/4/2019 về việc chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh. Vì vậy, Tòa án xác định nguyên đơn là ông Hoàng Kim L là phù hợp với khoản 2 Điều 68 của Bộ luật tố tụng dân sự.
+ Về nội dung tranh chấp: Tại phiên tòa hôm nay, đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn và nguyên đơn là ông Hoàng Kim L thống nhất trình bày do bị đơn sản xuất chai không đúng với dung tích mà nguyên đơn yêu cầu, làm ảnh hưởng đến quá trình kinh doanh, gây thiệt hại cho nguyên đơn, vì vậy yêu cầu Tòa án buộc bị đơn phải bồi thường cho nguyên đơn 139.000.000đ. Cụ thể: bồi thường tiền lương mà nguyên đơn đã phải trả cho 08 công nhân trong 2 tháng 20 ngày ngừng hoạt động là 124.000.000đ và 15.000.000đ tiền tạm ứng nguyên đơn đã đặt cọc đúc khuôn. Ngoài ra bị đơn phải chịu tiền án phí và chi phí thực nghiệm. Còn đại diện bị đơn vắng mặt tại phiên tòa nhưng qua đơn trình bày gửi đến Tòa án thể hiện không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Xét yêu cầu của nguyên đơn và ý kiến của bị đơn thì thấy:
Ngày 11 tháng 4 năm 2018 nguyên đơn và bị đơn có thỏa thuận với nhau bằng miệng về việc làm khuôn và sản xuất vỏ chai. Cùng ngày bị đơn có nhận của nguyên đơn 10.000.000đ để làm khuôn chai 370ml. Theo thỏa thuận thời gian làm khuôn từ 15 đến 20 ngày. Khi nào làm khuôn xong và ra sản phẩm vỏ chai sẽ thanh toán số tiền còn lại. Đến ngày 26 tháng 4 năm 2018 nguyên đơn giao thêm cho bị đơn 5.000.000đ. HĐXX thấy việc thỏa thuận của các bên đã xác lập hợp đồng mua bán hàng hóa được quy định tại khoản 1, Điều 24 Luật Thương mại.
Quá trình thực hiện hợp đồng, từ ngày 10/5/2018 đến ngày 04/9/2018 nguyên đơn đã nhận vỏ chai 03 đợt, tổng cộng 14.750 vỏ chai và thanh toán xong. Cụ thể như sau:
Ngày 10/5/2018: bị đơn xuất cho nguyên đơn 4750 chai, giá 650đ/chai, trọng lượng 14,4g, thành tiền: 4750 x 650 = 3.087.500đ.
Ngày 15/8/2018: bị đơn xuất cho nguyên đơn 5000 chai, giá 800đ/chai, trọng lượng 15g, thành tiền: 5000 x 800 = 4.000.000đ.
Ngày 04/9/2018: bị đơn xuất cho nguyên đơn 5000 chai, giá 800đ/chai, trọng lượng 15g, thành tiền: 5000 x 800 = 4.000.000đ.
Trong số 14.750 vỏ chai mà nguyên đơn đặt bị đơn sản xuất, chỉ có đợt hàng ngày 10/5/2018 là do các bên xác nhận và làm theo mẫu nghiệm thu là 375 ml +/- 5 ml (máy đo),còn đợt hàng ngày 15/8/2018 và ngày 04/9/2018 theo yêu cầu của nguyên đơn, bị đơn đã chỉnh sửa cho phù hợp với nhãn thân mà nguyên đơn đã đặt. Tuy nhiên, khi nhận hàng với các biện pháp kiểm tra thông thường bằng mắt nguyên đơn không thể xác định được vỏ chai có dung tích 370ml hay không.
Căn cứ vào kết quả thử nghiệm của Công ty cổ phần tập đoàn V thực hiện ngày 20/5/2019 thì các mẫu vỏ chai do nguyên đơn và bị đơn cung cấp thì dung tích ở mức ngang cổ chai đều dưới 370 ml. Cụ thể 03 mẫu chai do nguyên đơn cung cấp ký hiệu 1,2,3 thì dung tích ở mức ngang cổ chai tương ứng 338,66 ml; 356,26 ml; 349,19ml. Dung tích ở đầy mức chai tương ứng là 346,93ml; 363,66ml; 356,95 ml. Đối với 02 mẫu chai do bị đơn cung cấp ký hiệu là sản xuất lần 1 và lần 2 thì dung tích ở mức ngang cổ chai tương ứng 355,57ml và 348,53ml. Dung tích ở đầy mức chai tương ứng là là 363,38ml và 356,98ml.
Như vậy đối chiếu với mẫu vỏ chai bị đơn cung cấp để thực nghiệm có ký hiệu sản xuất lần 1 chỉ đạt dung tích ở mức ngang cổ chai tương ứng 355,57ml, dung tích ở đầy mức chai tương ứng là là 363,38ml. Đây là mẫu vỏ chai sản xuất lần đầu, chưa qua chỉnh sửa. Tại biên bản đối chất ngày 22/3/2019 do Tòa án lập thì bị đơn thừa nhận khi đặt vỏ chai, nguyên đơn không yêu cầu chiều cao mà chỉ có nói sản xuất chai có dung tích 370ml. Do bị đơn sản xuất cung cấp cho nguyên đơn mẫu vỏ chai không đủ dung tích như nguyên đơn yêu cầu, vì vậy nguyên đơn yêu cầu bị đơn phải bồi thường cho nguyên đơn số tiền đúc khuôn là 15.000.000đ là có cơ sở phù hợp với Điều 39 Luật thương mại và Điều 439 của Bộ luật dân sự.
Đối với yêu cầu của nguyên đơn buộc bị đơn phải trả cho nguyên đơn số tiền bồi thường tiền lương mà nguyên đơn đã phải trả cho 08 công nhân trong 02 tháng 20 ngày ngừng hoạt động là 124.000.000đ. HĐXX xét thấy, theo công văn số 392/TCKH ngày 09/5/2019 của Phòng tài chính kế hoạch quận Sơn Trà thì trong quá trình hoạt động ông Hoàng Kim L không nộp đơn xin tạm dừng hoạt động. Do vậy không có cơ sở để chấp nhận yêu cầu này của nguyên đơn.
Chi phí thử nghiệm 1.100.000đ bị đơn phải chịu. Do nguyên đơn đã nộp tạm ứng, nên buộc bị đơn phải trả lại cho nguyên đơn số tiền 1.100.000đ.
Án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm 3.000.000đ Công ty D phải chịu.
- Xét thấy ông Hoàng Kim L - sinh năm 1953, là người cao tuổi nên thuộc trường hợp được miễn nộp án phí quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí của Tòa án.
Hoàn tạm ứng án phí 3.175.000đ cho ông Hoàng Kim L đã nộp theo biên lai thu số 6787 ngày 10 tháng 01 năm 2019 tại Chi cục Thi hành án dân sự quận Hải Châu, TP Đà Nẵng.
Vì các lẽ trên:
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 1 Điều 24, Điều 39 Luật thương mại;
Căn cứ Điều 439 của Bộ luật dân sự;
Căn cứ khoản 1 Điều 68, điểm b khoản 2 Điều 227 và khoản 1 Điều 228 của Bộ luật tố tụng dân sự;
Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;
Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện về việc " Yêu cầu bồi thường thiệt hại” của ông Hoàng Kim L đối với Công ty D.
Xử:
1. Buộc Công ty D phải bồi thường ông Hoàng Kim L số tiền đúc khuôn là 15.000.000đ.
2. Không chấp nhận yêu cầu của ông Hoàng Kim L về việc buộc Công ty D phải bồi thường cho ông số tiền 124.000.000đ.
Kể từ ngày án có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, mà người phải thi hành án không thi hành án thì hàng tháng người phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi theo mức lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật dân sự tương ứng với thời gian và số tiền chậm trả.
3. Án phí kinh doanh thương mại là 3.000.000đ Công ty D phải chịu.
- Ông Hoàng Kim L được miễn nộp tiền án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm. Hoàn tạm ứng án phí 3.175.000đ cho ông Hoàng Kim L đã nộp theo biên lai thu số 6787 ngày 10 tháng 01 năm 2019 tại Chi cục Thi hành án dân sự quận Hải Châu, TP Đà Nẵng.
Chi phí thử nghiệm 1.100.000đ bị đơn phải chịu. Do nguyên đơn đã nộp tạm ứng, nên buộc bị đơn phải trả lại cho nguyên đơn số tiền 1.100.000đ.
4. Án xử công khai sơ thẩm, nguyên đơn có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án. Bị đơn vắng mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận (hoặc niêm yết) bản án.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân.
Bản án 23/2019/KDTM-ST ngày 16/10/2019 về yêu cầu bồi thường thiệt hại
Số hiệu: | 23/2019/KDTM-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Quận Hải Châu - Đà Nẵng |
Lĩnh vực: | Kinh tế |
Ngày ban hành: | 16/10/2019 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về