Bản án 23/2019/DS-ST ngày 27/02/2019 về tranh chấp hợp đồng dịch vụ

 TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN CHÂU PHÚ, TỈNH AN GIANG

BẢN ÁN 23/2019/DS-ST NGÀY 27/02/2019 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG DỊCH VỤ

Ngày 27 tháng 02 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Châu Phú xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số 264/2018/TLST-DS ngày 06 tháng 9 năm2018 về việc Tranh chấp về hợp đồng dịch vụ.

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số 282/2018/QĐXX ST-DS ngày 25 tháng 12 năm 2018, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Ông Phạm Minh Q, sinh năm 1973 nơi cư trú: Tổ 03, ấp LH, xã ÔLV, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang.(có mặt)

- Bị đơn: Hợp tác xã nông nghiệp HA, có trụ sở tại: Ấp LA, xã ÔLV, huyện Châu Phú, An Giang.(vắng mặt)

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện ngày 23 tháng 5 năm 2017 và lời khai của nguyên đơn ông Phạm Minh Q trình bày:

Ông có trồng lúa nếp vụ Thu đông năm 2016 diện tích 3,5 ha tọa lạc tại ấp LH, xã ÔLV, huyện Châu Phú, An Giang.

Ngày 25/11/2016 Hợp tác xã nông nghiệp HA (sau đây gọi tắt Hợp tác xã HA) có tổ chức họp bàn với các hộ dân sử dụng dịch vụ tưới tiêu của Hợp tác xã, theo đó vào ngày 26/11/2016 Hợp tác xã sẽ bơm tiêu nước để chống ngập cho các hộ có lúa đến ngày thu hoạch. Tuy nhiên đến ngày 28/11/2016 thì hợp tác xã không thực hiện việcbơm tiêu mà thực hiện bơm nước vào. Từ đó, gây ngập úng lúa nếp của nhiều người và gây thiệt hại cho nhiều hộ dân trong đó có 3,5 ha nếp của ông trong kỳ thu hoạch bị ngập úng hoàn toàn. Ngày 06/12/2016 Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Châu Phú cùng với Ủy ban nhân dân xã ÔLV đã tiến hành khảo sát thực tế về việc các hộ dân của diện LA yêu cầu xem xét giải quyết việc Hợp tác xã HA không rút nước để bà con nông dân thu hoạch lúa vụ Thu đông bị ngập úng gây thiệt hại. Tại biên bản làm việc ngày 06/12/2016 thì đoàn khảo sát xác định nguyên nhân dẫn đến ngập úng là do Hợp tác xã HA không tiêu nước ra và Hợp tác xã đã thừa nhận hành vi gây thiệt hại.

Nay ông Q yêu cầu Hợp tác xã Hòa An phải bồi thường thiệt hại các khoản:

- Thiệt hại do năng suất nếp bị giảm, các hộ xung quanh không bị ngập úng thu hoạch 700kg/công, còn nếp ông bị ngập úng thu hoạch 579kg/1.000m2, giảm121kg/1.000m2, số tiền: 160 kg/1.000m2 x 35.000m2 x 5.900đồng/kg = 24.986.500 đồng

- Thiệt hại do giá nếp giảm do bị ngập úng chất lượng thấp, giá nếp không bị ngập úng là 5.900đồng/kg, còn nếp của ông bán chỉ được 4.000 đồng/kg, chênh lệch 1.900 đồng/kg, số tiền: 1.900 đồng x 35.000m2 x 579 kg = 38.480.700 đồng.

- Thiệt hại do thuê người cắt tay với giá 1.000.000 đồng/1.000m2, trong khi đó nếu nếp không bị ngập úng cắt máy chỉ 200.000/công, thiệt hại 800.000 đồng/1.000m2 x 35.000m2 = 28.000.000 đồng.

- Tiền xăng do dùng máy bơm của gia đình rút nước là 1.137.000 đồng.

- Thuê 04 người be bờ để rút nước x 200.000 đ/ngày= 800.000 đồng

- Thuê 01 người giữ máy rút nước 03 ngày x 200.000 đ/ngày= 600.000 đồng.

Tồng số tiền thiệt hại là: 94.004.200 đồng nhưng ông chỉ yêu cầu Hợp tác xã Hoa An bồi thường 35.750.000 đồng.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Châu Phú phát biểu ý kiến:

+Về việc tuân theo pháp luật: Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, Hội đồng xét xử, Thư ký và nguyên đơn tham gia tố tụng đã thực hiện đúng những quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Bị đơn không chấp hành theo giấy triệu tập của Tòa án là vi phạm quy định tại Điều 70, Điều 72 Bộ luật tố tụng dân sự.

+Về nội dung giải quyết vụ án: Đề nghị chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc Hợp tác xã HA phải bồi thường cho ông Q 35.750.000 đồng.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

 [1] Về thủ tục tố tụng:

Hợp tác xã HA là bị đơn đã được tống đạt giấy triệu tập xét xử lần thứ hai nhưng không có mặt. Do đó, Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt bị đơn theo quy định tại khoản 2 Điều 227, Điều 228 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

 [2] Về nội dung giải quyết vụ án:

 [2.1] Ông Phạm Minh Q có thuê đất trồng lúa nếp diện tích 35.000m2 tại ấp LA, xã ÔLV, huyện Châu Phú, An Giang thuộc khu vực tưới tiêu nước 03 vụ do Hợp tác xã HA phục vụ. Ông Q thuê đất thời hạn một năm, đã trồng lúa được vụ Hè Thu năm 2016. Đến vụ Thu đông năm 2016, nếp của ông Q đến ngày thu hoạch thì bị ngập úng dẫn đến năng suất nếp bị giảm, giá thấp, tốn tiền xăng rút nước, thuê người đấp bờ ranh rút nước, chi phí thu hoạch tăng cao gây thiệt hại cho ông Q. Ông Q cho rằng Hợp tác xã đã không tiêu nước làm nếp bị ngập úng gây thiệt hại cho ông tổng cộng 94.004.200 đồng.

 [2.2] Biên bản làm việc ngày 06-12-2016 giữa Đoàn cán bộ của Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Châu Phú và Ủy ban nhân dân xã ÔLV với các hộ dân có lúa bị ngập úng trong vùng đê bao ba vụ do Hợp tác xã HA tưới tiêu nước thì xác định nguyên nhân gây ngập úng là do trong vùng đê bao có 02 diện thuộc ấp Long An và Long Hòa. Người dân trong diện LA đa số làm lúa ngắn ngày đã đến ngày thu hoạch, còn diện LH làm lúa dài ngày còn khoảng 30 ngày mới đến ngày thu hoạch. Ngày 25-11-2016, Hợp tác xã HA có tổ chức hợp dân, diện LA đa số người dân yêu cầu rút nước ra để thu hoạch lúa, còn diện LH người dân thì muốn xả nước vào cử nước cuối. Ngày 28-11-2016, Hợp tác xã HA không bơm tiêu nước mà lại xả nước vào, thời điểm xả nước thì trời có mưa lớn dẫn đến ngập úng lúa cho các hộ dân có lúa đến ngày thu hoạch, trong đó có hộ ông Q.

 [2.3] Vụ lúa Thu đông là vụ được sản xuất vào mùa nước nổi, Hợp tác xã phục vụ tưới tiêu nước chủ yếu bơm tiêu nước chống ngập úng. Ngày 25-11-2016 Hợp tác xã HA tổ chức lấy ý kiến thì người dân diện Long An yêu cầu được bơmtiêu nước để lúa thu hoạch, còn người dân của diện Long Hòa yêu cầu được xả nước vào cử nước cuối cho lúa phát triển. Do cả hai diện cùng sử dụng chung mương 500 dùng tưới tiêu nước nhưng lại có yêu cầu trái ngược nhau nên phần nào gây khó khăn cho việc phục vụ của Hợp tác xã. Nếu Hợp tác xã HA bơm tiêu nước cho diện Long An trước, sau đó mới xả nước vào tưới nước cho diện Long Hoa thì Hợp tác xã sẽ tốn tiền cho hai lần bơm tiêu nước. Chính vì muốn tiết kiệm chi phí nên Hợp tác xã không bơm tiêu trước mà tiến hành xả nước vào tưới trước, trùng với thời điểm trời mưa liên tục nhiều ngày Hợp tác xã HA trở lại tiêu nước không kịp đã gây ngập úng lúa đang kỳ thu hoạch của diện LA. Hợp tác xã HA không lường trước được khả năng trời có mưa nhiều hoặc nghĩ Hợp tác xã hoàn toàn đủ khả năng tiêu nước chống ngập úng cho người dân. Như vậy, lúa ông Q bị ngập úng là do hợp tác bơm tưới tiêu không đúng gây thiệt hại. Tuy nhiên thiệt hại xảy ra một phần khách quan là do thời điểm này có mưa nhiều ngày liên tục, được cơ quan có thẩm quyền xác định là thiên tai, một số hộ dân được Nhà nước hỗ trợ tiền ngập úng 200.000 đồng/1.000m2 nên có thể xem xét giảm một phần nghĩa vụ bồi thường như ý kiến đề nghị của đại diện Viện kiểm sát.

 [2.4] Xét yêu cầu bồi thường thiệt hại của ông Q:

Khi lúa nếp ông Q thu hoạch ngày 13/12/2016, Ủy ban nhân dân xã ÔLV cử cán bộ đến lập biên bản xác định sản lượng lúa, giá bán, chi phí thu hoạch như sau: Hộ ông Q trồng lúa nếp 3 tháng, diện tích 3,5ha (trong đó thiệt hại 3,35ha), năng suất thu hoạch được 20.253kg bình quân 579kg/1.000m2, giá bán 4.000đ/kg. Ông Q cho rằng nếp của ông nếu không bị ngập úng năng suất khoảng 700kg/1.000m2, thương lái đã trả giá 5.900 đ/kg nhưng ông chưa bán, đòi giá 6.000đ/kg, ông phải thuê nhân công be bờ, trong máy, mua xăng và thuê nhân công cắt tay gây thiệt hại các khoản tổng cộng 94.004.200 đồng. Nhưng ông Q chỉ yêu cầu Hợp tác xã HA bồi thường 35.750.000 đồng chỉ nhằm bù đắp một phần thiệt hại cho ông.

Theo công văn số 333/NN ngày 05/7/2018 của Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Châu Phú cho biết năng suất lúa bình quân vụ Thu đông năm 2016 của xã ÔLV là 638kg/1000m2. Ông Q cho rằng năng suất của các hộ không bị ngập úng thu hoạch 700kg/1.000m2 để yêu cầu bồi thường là chưa phù hợp với năng suất bình quân Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Châu Phú 638 kg/1.000m2. Do đó, cần điều chỉnh chênh lệch giữa năng suất lúa nếp bị giảmsút gây thiệt hại cho ông Q là 638 – 579 = 59 kg/1.000m2 x 35.000m2 =2.065 kg. Lúa nếp của ông Q nằm trong diện và bị thiệt hại cùng thời điểm với bà Hồ Thị Kiều Oanh (đã được giải quyết bằng bản án số 154/2018/DS-ST ngày 20-8-2018 của Tòa án nhân dân huyện Châu Phú có hiệu lực pháp luật) đã có hợp đồng bán cho thương lái giá 6.000đ/kg nhưng bị ngập úng giá bán chỉ còn 4.030đ/kr, do đó ông Q cho rằng lúa ông giá bán 5.900đ/kg để yêu cầu bồi thường chênh lệch giá 1.900kg là phù hợp. Còn các khoản chi phí thuê người đắp be bờ ranh đất, trông giữ máy bơm nước, xăng chạy máy và nhân công cắt tay là phù hợp nên được chấp nhận. đồng.

- Thiệt hại do năng suất nếp bị giảm 2.065kg x 5.900đ/kg = 13.583.500 đồng

- Thiệt hại do giá nếp giảm 1.900 đồng/kg x 20.253kg = 38.480.700 đồng.

- Thiệt hại do thuê người cắt tay: 800.000đ/1.000m2 x 35.000m2= 28.000.000

- Tiền xăng bơm rút nước là 1.137.000 đồng.

- Thuê 04 người be bờ để rút nước : 800.000 đồng

- Thuê 01 người giữ máy rút nước 03 ngày = 600.000 đồng.

Tồng cộng thiệt hại là: 82.601.200 đồng.

Thiệt hại gây ra cho ông Q là lớn nhưng ông Q chỉ yêu cầu Hợp tác xã HA bồi thường 35.750.000 đồng là có lợi cho hợp tác xã, do đó yêu cầu bồi thường thiệt hại của ông Q được chấp nhận.

 [2.5] Về án phí:

Hợp tác xã phải chịu án phí dân sự sơ thẩm. Ông Q không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào Điều 26, Điều 91, Điều 147, Điều 266, Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 513, Điều 514, Điều 516, Điều 517 Bộ luật dân sự năm 2015; Điều 26 Nghị quyết 326/2016/PL-UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 về án phí, lệ phí Tòa án.

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Phạm Minh Q.

Buộc Hợp tác xã nông nghiệp HA có nghĩa vụ bồi thường cho ông Phạm Minh Q số tiền 35.750.000 (Ba mươi lăm triệu bảy trăm năm mươi nghìn đồng)

Kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, người phải thi hành án không thanh toán số tiền trên thì hàng tháng còn phải chịu tiền lãi theo lãi suất chậm thanh toán theo quy định khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015 trên số tiền chậm thi hành án.

Hợp tác xã nông nghiệp HA phải chịu 1.787.000 (một triệu bảy trăm tám mươi bảy nghìn đồng) án phí dân sự sơ thẩm.

Ông Q không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm. Trả lại ông Q 893.000 đồng tiền tạm ứng án phí theo biên lai thu số 0010136 ngày 06-09-2018 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Châu Phú.

Các đương sự có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án để yêu cầu Toà án nhân dân tỉnh An Giang xét xử phúc thẩm. Hợp tác xã nông nghiệp HA vắng mặt thời hạn kháng cáo 15 ngày tính từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.

Trường hợp Bản án này được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

610
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 23/2019/DS-ST ngày 27/02/2019 về tranh chấp hợp đồng dịch vụ

Số hiệu:23/2019/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Châu Phú - An Giang
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 27/02/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;