Bản án 23/2019/DS-PT ngày 15/03/2019 về tranh chấp bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN

BẢN ÁN 23 /2019/DS-PT NGÀY 15/03/2019 VỀ TRANH CHẤP BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO SỨC KHỎE BỊ XÂM PHẠM

Ngày 15 tháng 3 năm 2019 tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Lạng Sơn xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 68/2018/TLPT-DS ngày 24/12/2018 về việc tranh chấp bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm.

Do Bản án dân sự sơ thẩm số 16/2018/DS-ST ngày 22//11/2018 của Tòa án nhân dân huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 10/2019/QĐ-PT ngày 09 tháng 01 năm 2019; Quyết định hoãn phiên tòa ngày 22 tháng 2 năm 2019 và Quyết định hoãn phiên tòa ngày 06 tháng 3 năm 2019 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị T, sinh năm 1968. Cư trú tại: Thôn L, xã T, huyện H, tỉnh Lạng Sơn; vắng mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Ông Trần Công T2

– Luật sư thuộc Văn phòng Luật sư V, Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang. Có mặt.

- Bị đơn: Ông Phó Đức T1; Cư trú tại: Thôn Đ, xã Đ, huyện Y, tỉnh Bắc Giang; có mặt.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ L1 quan: Ông Hoàng Bảo S; Cư trú tại: Thôn L, xã T, huyện H, tỉnh Lạng Sơn; có mặt.

- Người làm chứng:

- Ông Hoàng Hải L, sinh năm 1950. Cư trú tại: Thôn L, xã T, huyện H, tỉnh Lạng Sơn; vắng mặt.

- Ông Hoàng Văn T3, sinh năm 1969. Cư trú tại: Thôn L, xã T, huyện H, tỉnh Lạng Sơn; có mặt.

- Anh Hoàng Minh T4, sinh năm 1987. Cư trú tại: Thôn L, xã T, huyện H, tỉnh Lạng Sơn; có mặt.

- Người kháng cáo: Bà Nguyễn Thị T là nguyên đơn.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo tài liệu có trong hồ sơ vụ án và Bản án dân sự sơ thẩm, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Bà Nguyễn Thị T yêu cầu ông Phó Đức T1 phải bồi thường thiệt hại sức khỏe cho bà vì năm 2011 ông T1 kinh doanh khai thác đá tại mỏ đá C, thuộc thôn L, xã T, huyện H nên giữa nhóm của bà gồm bà, anh Triệu Văn D, bà Nông Thị H, bà Trần Thị K, bà Lô Thị L1 và ông T1 có thỏa thuận miệng ông T1 thuê bà và những người trong nhóm của bà làm công việc nổ mìn, bốc xếp, vận chuyển đá lên xe ô tô của ông T1, ngày công trả khoán nhưng mức lương ông T1 trả bà dao động từ khoảng 3,3 triệu đến 3,6 triệu/tháng. Quá trình ông T1 sử dụng người lao động là bà, anh Triệu Văn D, bà Nông Thị H, bà Trần Thị K, bà Lô Thị L1 ông T1 không tuân thủ đúng quy định về sử dụng vật liệu nổ, an T3 lao động nên khoảng 05 giờ 30 phút ngày 22/6/2013 khi bà và những người nêu trên đang bốc đá lên xe của ông T1 (hôm đó do anh Phó Đức S1 con trai ông T1 lái xe) thì bị đá từ trên cao (từ chỗ ông T1 nổ mìn 02 hôm trước ngày 22/6/2013) sập xuống làm bà H và bà L1 chết tại chỗ, bà và con trai ông T1 bị thương nặng, mức độ tổn hại sức khỏe của bà là 67%. Quá trình bà nằm điều trị tại các bệnh viện như Bệnh viện V, Đa khoa B, Viện Quân y B1, ông T1 đã hỗ trợ bà tiền viện phí, chi phí khác, tiền ăn, công người phục vụ (do ông Hoàng Bảo S chồng bà phục vụ) với tổng số tiền là 62.640.000 đồng nhưng ông T1 chưa bồi thường cho bà các khoản tiền sau:

1. Chi phí làm lại 03 chiếc răng: 4.600.000 đồng.

2. Bồi thường tiền mất thu nhập do không lao động được (từ ngày 22/6/2013 đến ngày 22/6/2018) = 5 năm x 1.600.000đ/tháng = 96.000.000 đồng và bồi thường tiếp từ ngày 23/6/2018 trở về sau cho đến khi sức khỏe bình phục hoàn T3, mỗi tháng 1.600.000 đồng nhưng để thuận tiện cho hai bên bà yêu cầu bồi thường trọn gói một lần là 100.000.000 đồng, sau này sức khỏe của bà có làm sao bà cũng không yêu cầu bồi thường nữa.

3. Chi phí giám định: 875.000 đồng.

4. Bồi thường tiền điều trị phục hồi chức năng bị mất, bị giảm sút, bà yêu cầu bồi thường trọn gói một lần: 100.000.000 đồng.

5. Bồi thường tai nạn theo quy định của pháp luật lao động và luật Bảo hiểm xã hội, vì bà có quá trình làm việc cho ông T1 hơn 02 năm, mức lương bình quân hàng tháng là 3,3 triệu x 24,3 x 67 % = 80.190.000 đồng. Đối với yêu cầu bồi thường tổn thất về tinh thần với 50 tháng lương cơ sở là 1.300.000đ/tháng = 65.000.000 đồng. Theo đơn khởi kiện bà yêu cầu nhưng tại phiên tòa bà rút yêu cầu bồi thường khoản này. 

Tổng số tiền bà yêu cầu ông T1 bồi thường là 381.665.000 đồng.

Để chứng minh cho yêu cầu của mình, bà T cung cấp tài liệu là giấy lời khai viết tay (bản phô tô) của ông T1 đưa cho để dặn bà cách khai với cơ quan điều tra thời điểm năm 2013 và giấy xác nhận có nội dung xác nhận của bà Trần Thị K, anh Hoàng Hải L, anh Hoàng Văn T3, anh Hoàng Minh T4, anh Ngô Văn H1, bà Nguyễn Thị T cũng xác nhận ông T1 là chủ khai thác đá (bản sao), có Trưởng thôn L, xã T và Ủy ban nhân dân xã T xác nhận tháng 11/2018 xác nhận nội dung những người có tên trên có hộ khẩu thường trú tại địa phương.

Bị đơn ông Phó Đức T1 trình bày: Ông có hộ khẩu thường trú tại thôn Đ, xã Đ, huyện Yến T, tỉnh Bắc Giang và có 01 ô tô vận chuyển, thi thoảng có đi mua đá của các Công ty về bán và nung vôi nên thi thoảng ông vẫn mua đá của bà Lô Thị L1, còn bà L1 gọi ai đi bốc đá thì ông không biết. Ngày 21/6/2018 bà Lô Thị L1 (đã chết năm 2013) có biết ông mua đá nên hôm đó đã gọi điện thoại cho ông bảo ông cho xe vào bốc đá tại mỏ đá C, thuộc thôn L, xã T. Ngày22/6/2013 do có hẹn với bà L1, khoảng 05 giờ sáng ông có bảo con trai là Phó ức S1 đánh xe ô tô đến mỏ đá C bốc đá. Đến khoảng 05 giờ 30 phút thì ông nhận được tin có tai nạn xảy ra tại mỏ đá và con trai ông bị thương. Ông đến hiện trường thấy bà H và bà L1 bị đá đè chết tại chỗ, con trai ông và bà T bị thương nặng nằm cạnh đó. Ông nhờ mọi người đưa con trai ông và bà T đi cấp cứu, điều trị tại Bệnh viện V, Đa khoa B, Viện Quân y B1. Ông đã hỗ trợ T3 bộ tiền viện phí và các chi phí khác khi bà T đi điều trị tại các bệnh viện với số tiền là 62.640.000đ, ông S (chồng bà T) là người nhận tiền. Sau khi vụ tai nạn xảy ra Công an huyện Hữu Lũng đã điều tra làm rõ do mỏ đá C không có cá nhân, tổ chức nào quản lý, khai thác nên năm 2011 ông và ông Triệu Quang N (có vườn bãi ở gần mỏ đá) thuê một số người dân quanh khu vực tận dụng khai thác những sản phẩm đá có sẵn mang đi tiêu thụ, cứ mỗi xe ô tô chở đá qua bãi đất của ông N ông trả cho ông N 20.000 đồng. Ngày 09/5/2012 UBND xã T lập biên bản đình chỉ hoạt động khai thác đá của ông và ông N. Sau khi mỏ đá bị đình chỉ một số người dân như bà T, bà K, bà H, bà L1, bà H1 tự rủ nhau thành nhóm đến mỏ đá thu gom nhặt đá bán cho ông. Sự việc xảy ra đá lở dẫn đến tai nạn lao động gây lên cái chết cho bà H, bà L1 và gây thương tích cho con ông và bà T là do đá tự lở, không ai trực tiếp tác động làm đá lở. Trên thực tế những người bị thiệt hại về tính mạng, sức khỏe ông không phải chịu trách nhiệm với họ nhưng vì lương tâm nên ông đã hỗ trợ một phần nào cho họ, trong đó có bà T, bởi việc mua bán giữa ông với bà L1 không có hợp đồng hay cam kết gì mà chỉ thỉnh thoảng có người bán thì ông mua chứ ông không kinh doanh khai thác đá. Những người còn lại như bà K, bà H, bà T, bà H1 là do bà L1 gọi đến cùng bốc đá lên xe, thông thường sau khi bốc đá xong con trai ông trả tiền mua đá cho bà L1, còn bà L1 trả cho những người khác như thế nào ông không biết. Ông T1 không thừa nhận ông được thỏa thuận thuê bà T và một số người như bà T nêu làm các công việc như trình bày của bà T. Ngày 22/6/2013 ông không thuê bà T, nhóm của bà T khai thác đá tại mỏ đá núi C, sự việc như bà T trình bày là không đúng. Vì thực tế ông không gây thiệt hại cho bà T nên ông không nhất trí với các yêu cầu khởi kiện của bà T. Ông yêu cầu giải quyết vụ án theo pháp luật.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Hoàng Bảo S trình bày: Ông là chồng bà T. Năm 2011 ông T1 kinh doanh khai thác mỏ đá tại mỏ đá C, thuộc thôn L, xã T. Ông T1 thuê bà T và một số người lao động tại địa phương làm công việc nổ mìn, vận chuyển đá. Ngày 22/6/2013 vụ việc tai nạn xảy ra như trình bày của bà T là đúng. Sau khi tai nạn xảy ra, bà T giám định sức khỏe tổn hại 67%. Trong thời gian bà T điều trị tại các Bệnh viện, ông T1 đã đưa đón, đóng viện phí và các chi phí cho bà T khi điều trị và hỗ trợ tiền ăn, tiền công cho ông chăm sóc bà T khi nằm viện với tổng số tiền là 62.640.000 đồng, gia đình ông đã nhận số tiền này. Nay ông không yêu cầu ông T1 bồi thường gì cho ông, ông yêu cầu giải quyết vụ án theo quy định pháp luật.

Người làm chứng: Ông Hoàng Hải L trình bày: Sáng ngày 15/5/2013 âm lịch, ông đang ngủ thì nghe tiếng ồn lớn và nghe tiếng người gào thét, ông chạy đến nơi thấy một nhóm người khá đông ở đó. Ông thấy bà H, bà L1 bị đá đè chết tại chỗ, bà T và anh S1 bị thương nặng. Qua quan sát ông đoán là do đá từ trên cao sập xuống đè lên người, còn nguyên nhân thế nào ông không nắm được. Nhà ông ở gần hiện trường xảy ra vụ việc, sau đó ông giúp đưa bà T, anh S1 lên xe đưa đi cấp cứu. Ngoài ra ông không biết gì thêm.

Ông Hoàng Văn T3 trình bày: Ông là em chồng bà T. Sáng ngày 15/5/2013 âm lịch, ông vừa thức dậy thì đột nhiên nghe tiếng ồn ào và nghe tiếng người gào thét, chạy đến nơi thì thấy có một nhóm người khá đông ở đó, ông thấy có 02 người bị thương khá nặng khả năng không cứu được là bà H là hàng xóm của ông, còn người nữa ông không biết là ai. Ngoài ra ông còn thấy bà T và anh S1 bị thương nặng. Qua quan sát ông thấy là do đá trên cao sập xuống đè lên người nên khiến mọi người bị thương, còn nguyên nhân thế nào ông không nắm được. Nhà ông gần hiện trường xảy ra tai nạn nên ông ra xem, ông khẳng định không trực tiếp chứng kiến tai nạn xảy ra. Trước hôm xảy ra tai nạn khoảng 02 hôm anh không được nhìn thấy ông T1 cho nổ mìn ở khu vực núi đá này, mỏ đá C trước kia đã có Trại giam của Công an vào khai thác, sau đó trại giam không khai thác nữa thì có một số người dân trong đó có ông T1 đã vào núi đã C khai thác đá. Sau nhiều năm bị khai thác đã tạo nên nhiều tầng hàm ếch sâu vào trong, còn việc ông T1 khai thác đá ở mỏ đá này các anh không có chứng cứ gì chứng minh.

Anh Hoàng Minh T4 trình bày: Anh là cháu ruột của bà T. Khoảng tháng 6/2013, không nhớ chính xác ngày, hôm đó tôi đi hái thuốc lá, đang hái thì chú T3 gọi điện báo có sự việc tai nạn xảy ra và gọi tôi đến đưa người đi cấp cứu, ngay sau đó tôi đến nơi xảy ra tai nạn thì thấy bà T đang bị đá đè lên người bị thương khá nặng, bên cạnh bà L1 đang bị đá đè nửa người khả năng không cứu được, bà H chết tại chỗ, ngoài ra có anh S1 cũng bị thương. Anh không trực tiếp chứng kiến tai nạn xảy ra, chỉ sau tại nạn xảy ra anh mới có mặt đưa bà T đi cấp cứu. Trước hôm xảy ra tai nạn khoảng 02 hôm anh không được nhìn thấy ông T1 cho nổ mìn ở khu vực núi đá này, mỏ đá C trước kia đã có Trại giam của Công an vào khai thác, sau đó trại giam không khai thác nữa thì có một số người dân trong đó có ông T1 đá vào núi đá C khai thác đá. Sau nhiều năm bị khai thác đã tạo nên nhiều tầng hàm ếch sâu vào trong, còn việc ông T1 khai thác đá ở mỏ đá này các anh không có chứng cứ gì chứng minh.

Tòa án nhân dân huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn đã tiến hành xác minh tại chính quyền thôn L, xã T và Ủy ban nhân dân xã T, huyện Hữu Lũng về nội dung tranh chấp. Đại diện chính quyền thôn L và UBND xã T khẳng định, năm 2013 mỏ đá Núi C thôn L, xã T quản lý, cơ quan có thẩm quyền không cấp phép hoạt động khai thác cho ai. Trước đó năm 2012 có một số người khai thác mỏ đá trái phép, trong đó có ông T1 đã bị UBND xã T lập biên bản đình chỉ hoạt động, những người khai thác bị UBND xã T lập biên bản đình chỉ hoạt động không còn hoạt động khai thác đá nữa. Năm 2013 có một nhóm người trong đó có nhóm bà T tự ý vào mỏ đá đó nhặt đá, gom lại bán cho ông T1 là người mua, không khai thác. Do trời mưa to đá lở tự nhiên rơi xuống trúng một số người trong đó có bà T.

Tòa án nhân dân huyện Hữu Lũng đã tiến hành xác minh tại Công an huyện Hữu Lũng, Công an huyện Hữu Lũng cho biết nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn lao động là do mỏ đá C từ trước đến nay có nhiều người khai thác đá trái phép, quá trình khai thác không khai thác cắt tầng từ trên xuống dưới mà khai thác theo kiểu cắt chân khoét vào sườn núi nên tạo thành vách núi cao dựng đứng, có nhiều tầng hàm ếch. Nhóm người gồm bà T, anh D, chị K, bà H, bà L1, anh S1 tự ý vào khu vực mỏ đá đã bị chính quyền địa phương cấm khai thác để gom nhặt đá là vi phạm về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nhưng những người này không trực tiếp tác động làm đá lở gây nên vụ tai nạn. Tại bản kết luận điều tra vụ tai nạn lao động số 06/BKLĐT ngày 10/01/2014 của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Hữu Lũng đã nhận xét và kết luận: Vụ tai nạn xảy ra có nhiều người tham gia khai thác tại mỏ đá núi C nhưng chỉ là tự phát, không có tổ chức, không sử dụng thuốc nổ, máy móc để khai thác đã mà chỉ tận dụng khai thác những sản phẩm đá có sẵn tại mỏ do những người khai thác ra từ trước. Các đối tượng Phó Đức T1, Phó Đức S1, Nguyễn Thị T, Trần Thị K, Hà Thị H1, Nông Thị H, Lô Thị L1 là những người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, biết việc tự ý đến mỏ đá núi C để khai thác đá là vi phạm pháp luật, nhưng trong lúc nông nhàn đã vào mỏ đá núi C tận dụng khai thác thu nhặt những sản phẩm đá có sẵn bán và chở đi bán cho người khác kiếm lời thì bị đá lở xuống tự nhiên gây tai nạn, không phải khai thác những sản phẩm đá tận dụng có sẵn gây nên. Vì vậy không khởi tố vụ án hình sự đối với vụ tai nạn lao động chết người ngày 22/6/2013 tại mỏ đá núi C thôn L, xã T, huyện H.

Ý kiến của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn: Ông Trần Công T2 đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu của bà Nguyễn Thị T, buộc ông Phó Đức T1 phải bồi thường thiệt hại cho bà T các khoản bà T yêu cầu với tổng số tiền 381.665.000 đồng theo quy định của Luật lao độngLuật Bảo hiểm xã hội. Vì ông T1 là người sử dụng lao động, bà T là người lao động cho ông T1. Tuy ông T1 không có hợp đồng lao động với bà T nhưng có hợp đồng miệng là căn cứ chứng minh ông T1 là chủ sử dụng lao động, chủ máng đá tại nơi xảy ra lở đá núi C ngày 22/6/2013, do đó ông T1 phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bà T như đã nêu.

Với nội dung vụ án như trên, tại Bản án dân sự sơ thẩm số 16/2018/DS-ST ngày 22 tháng 11 năm 2018 của Tòa án nhân dân huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn đã quyết định: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Nguyễn Thị T về yêu cầu ông Phó Đức T1 phải bồi thường thiệt hại sức khỏe.

Ngoài ra Bản án sơ thẩm còn thông báo cho các đương sự biết về quyền kháng cáo theo quy định chung.

Ngày 05/12/2018, nguyên đơn bà Nguyễn Thị T kháng cáo Bản án sơ thẩm, yêu cầu Tòa phúc thẩm xử hủy Bản án sơ thẩm vì lý do Hội đồng xét xử, thư ký phiên tòa không đúng theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử; xét xử không đúng yêu cầu khởi kiện; xét xử tuyên án vào ban đêm, kết thúc phiên tòa vào hồi 20 giờ 30 phút, cho cả chó vào phòng xử án, xét xử thiên vị, áp đặt, áp chế tinh thần người khởi kiện, tại phiên tòa phúc thẩm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà T, giữ nguyên kháng cáo. Với lý do ông T1 tự nhận trách nhiệm bồi thường cho gia đình các nạn nhân. Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận đơn kháng cáo, buộc ông Nguyễn Đức T1 phải bồi thường cho bà Nguyễn Thị T theo đơn yêu cầu khởi kiện của bà T.

Ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Lạng Sơn:

- Về thủ tục tố tụng: Quá trình thụ lý và giải quyết tại cấp phúc thẩm, Thẩm phán chủ tọa và Hội đồng xét xử phúc thẩm đã thực hiện đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự tại cấp phúc thẩm;

Quan điểm của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Lạng Sơn, nội dung kháng cáo của nguyên đơn, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ, kết luận của cơ quan Điều tra Công an huyện Hữu Lũng qua tranh tụng tại phiên Tòa. Cấp sơ thẩm xử có căn cứ, đúng pháp luật đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm, không chấp nhận kháng cáo. Áp dụng khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự, giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

 [1] Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã được thẩm tra tại phiên tòa; căn cứ kết quả tranh luận tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ và ý kiến của các đương sự, Kiểm sát viên và những người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa.

 [2] Xét đơn kháng cáo của nguyên đơn bà Nguyễn Thị T trong thời hạn luật định nên là hợp lệ.

 [3] Về nội dung kháng cáo: Bà Nguyễn Thị T kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xử hủy Bản án dân sự sơ thẩm vì lý do Hội đồng xét xử, thư ký phiên tòa không đúng theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử; xét xử không đúng yêu cầu khởi kiện; xét xử tuyên án vào ban đêm, kết thúc phiên tòa vào hồi 20 giờ 30 phút, cho cả chó vào phòng xử án, xét xử thiên vị, áp đặt, áp chế tinh thần người khởi kiện.

 [4] Hội đồng xét xử thấy rằng việc thay đổi Thư ký phiên tòa thì trong hồ sơ có thể hiện Quyết định thay đổi thư ký và đã được giao, thông báo cho các đương sự, thực hiện đúng theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, việc Hội đồng xét xử sơ thẩm tuyên án kết thúc vào hồi 20 giờ 30 phút, ngày 22/11/2018 là quá giờ làm việc của Nhà Nước tuy nhiên do vụ án có tính chất phức tạp, diễn biến tại phiên tòa kéo dài nên Hội đồng xét xử làm việc và tuyên án liên tục như vậy cũng không ảnh hưởng đến quá trình xét xử của vụ án, còn việc có cho chó vào phòng xử án đó là do công tác chuẩn bị của phiên tòa chưa được tốt, cần rút kinh nghiệm.

 [5] Việc bà T cho rằng Hội đồng xét xử sơ thẩm thiên vị, áp đặt, áp chế tinh thần người khởi kiện thấy rằng bà T chỉ đưa ra căn cứ cho rằng bị đơn ông Phó Đức T1 là chủ mỏ đá, ông T1 đã thuê bà T và một số người khác đến mỏ đá Núi C thôn L, xã T, huyện H khai thác đá, bà và một số người khác làm việc nổ mìn, bốc xếp, vận chuyển đá cho ông T1 chứ ông T1 không phải là người đến mua đá nhưng bà T không có tài liệu chứng cứ gì chứng minh. Theo bà T cho rằng do ông T1 trước đó nổ mìn khai thác đá là nguyên nhân để xảy ra vụ đá lở rơi vào người bà T, làm bà T tổn hại 67% sức khỏe tại thời điểm giám định năm 2013, do đó ông T1 có lỗi gây ra thương tích cho bà T, bà T yêu cầu ông T1 phải bồi thường thiệt hại cho bà với 06 khoản với tổng số tiền là 381.665.000 đồng. Tuy nhiên theo các tài liệu trong hồ sơ như lời khai ban đầu năm 2013 của các bên tại Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Hữu Lũng và của người làm chứng tại Tòa án thể hiện thời điểm xảy ra vụ việc ông T1 không có mặt tại đó, hôm đó ông chỉ đến đó mua đá như mọi khi do bà L1 gọi ông đến mua đá và do nhóm bà L1 trong đó có bà T tự bốc đá lên xe ô tô do con trai ông T1 đánh xe đến đó mua. Tại biên bản ghi lời khai và các tài liệu khác của bà T thời điểm năm 2013 tại Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Hữu Lũng bản thân bà T tự thừa nhận bà không có hợp đồng lao động với người nào, hôm đó do trời mưa to đá lở tự nhiên rơi xuống trúng một số người trong đó có bà T. Kết quả thông tin trả lời của Sở tài nguyên – Môi trường tỉnh Lạng Sơn và Ủy ban nhân dân huyện H, tỉnh Lạng Sơn thì mỏ đá Núi C thôn L, xã T cơ quan có thẩm quyền không cấp phép hoạt động khai thác cho ai; bản điều tra tai nạn lao động chết người số 03/BB-TNLĐ ngày 16 tháng 8 năm 2013 của Đoàn điều tra tai nạn lao động tỉnh Lạng Sơn và Bản kết luận điều ra vụ tai nạn lao động số 06/BKLĐT ngày 10 tháng 01 năm 2014 của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Hữu Lũng thì nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn lao động là do mỏ đá C từ trước đến nay có nhiều người khai thác đá trái phép, trong đó có bà T, quá trình khai thác không khai thác cắt tầng từ trên xuống dưới mà khai thác theo kiểu cắt chân khoét vào sườn núi nên tạo thành vách núi cao dựng đứng, có nhiều tầng hàm ếch. Nhóm người gồm bà T, anh D, chị K, bà H, bà L1, anh S1 tự ý vào khu vực mỏ đá đã bị chính quyền địa phương cấm khai thác để gom nhặt đá là vi phạm về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nhưng những người này không trực tiếp tác động làm đá lở gây nên vụ tai nạn. Bà T cho rằng ông T1 là người kinh doanh khai thác đá đã thuê bà làm việc bằng hợp đồng miệng, làm các công việc nổ mìn, vận chuyển, bốc đá là không có cơ sở vì giữa ông T1 và bà không có hợp đồng lao động thỏa thuận, điều này phù hợp với lời khai của ông T1 và các chứng cứ thu thập được là biên bản lấy lời khai của ông T1 và các chứng cứ thu thập được là biên bản lấy lời khai ngày 25/9/2013 của bà T, bà thừa nhận bà là lao động tự do, không có hợp đồng với ai, khi chị L1 gọi thì bà đi làm cùng chị L1, khi nhà CH gọi bà đi làm cho nhà CH. Mặt khác theo tài liệu trong hồ sơ thì ông T1 là người khai thác đá trái phép từ thời điểm khoảng năm 2011, khi đó ông T1 và ông Triệu Quang N (có đất vườn bãi cạnh mỏ đá) cùng hợp tác khai thác sản phẩm đá có sẵn tại mỏ đá C, nhưng do khai thác trái phép nên chủ máng đá ông N đã bị Ủy ban nhân dân xã T lập biên bản đình chỉ không cho khai thác vào ngày 09/5/2012, từ khi bị đình chỉ ông T1 chỉ thực hiện việc mua bán đá khi có nhu cầu và không trực tiếp làm chủ kinh doanh khai thác đá có thuê người làm việc nổ mìn, vận chuyển đá, bốc đá như lời khai trong quá trình giải quyết vụ án của bà T. Hơn nữa, theo trả lời của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lạng Sơn cũng như Ủy ban nhân dân huyện H thì mỏ đá núi C chưa được cơ quan có thẩm quyền nào cấp phép hoạt động khai thác cho ai và vụ tai nạn xảy ra ngày 22/6/2013 tại mỏ đá này là do đá lở tự nhiên. Vậy, có cơ sở khẳng định, ông T1 không phải là người kinh doanh khai thác đá tại mỏ đá C nên không có cơ sở khẳng định ông T1 thuê bà T nổ mìn, vận chuyển, bốc đá.

 [6] Do ông T1 không phải là người có hành vi gây thương tích 67 % cho bà T. Tuy nhiên khi bà T bị thương tích phải điều trị tại các bệnh viện ông T1 đã tự nguyện chịu các chi phí cứu chữa và các chi phí khác cho gia đình bà T với số tiền 62.640.000 đồng. Theo ông T1 ông không phải là người có trách nhiệm bồi thường sức khỏe cho bà T nhưng ông là người được mua đá với nhóm bà T hôm xảy ra tai nạn lao động, vì lương tâm ông đã hỗ trợ phần nào cho các gia đình nạn nhân và cho bản thân bà T. Số tiền ông hỗ trợ cho các gia đình, trong đó có gia đình bà T là tự nguyện của ông nên ông không đặt vấn đề xem xét. Còn đối với các yêu cầu khởi kiện của bà T yêu cầu ông bồi thường các khoản thiệt hại với tổng số tiền 381.665.000 đồng là không có căn cứ ông không chấp nhận. Tuy nhiên bản thân ông trong quá trình giải quyết vụ án ông vẫn mong muốn được hỗ trợ cho gia đình bà T số tiền 50.000.000 đồng nhưng bà T không đồng ý. Đây là sự tự nguyện của ông chứ không phải là trách nhiệm của ông phải bồi thường cho bà T.

 [7] Việc bà T cho rằng bà có những người làm chứng do bà yêu cầu làm chứng chứng minh cho thiệt hại của bà do ông T1 gây ra, tuy nhiên qua trình bày của những người làm chứng thấy rằng những người làm chứng do bà T yêu cầu triệu tập thì có anh T4 là cháu ruột bà T, ông T3 là em chồng bà T, ông L là hàng xóm thì đều khẳng định là do đá trên cao sập xuống đè lên người nên khiến có người bị chết, người bị thương, còn nguyên nhân thế nào không nắm được.

 [8] Đối với tài liệu bà T giao nộp qua xem xét lấy lời khai ông T1 thừa nhận chữ viết nội dung trong giấy là do ông viết nhưng không có việc ông đưa cho bà T để dặn bà cách khai với cơ quan điều tra vào thời điểm xảy ra tai nạn lao động và thời gian viết giấy này không được thể hiện về thời gian, ông cũng không biết viết giấy này khi nào. Đối với giấy xác nhận của Trưởng thôn L, xã T và Ủy ban nhân dân xã T xác nhận tháng 11/2018 chỉ xác nhận nội dung bà Trần Thị K, anh Hoàng Hải L, anh Hoàng Văn T3, anh Hoàng Minh T4, anh Ngô Văn H1, bà Nguyễn Thị T có hộ khẩu thường trú tại địa phương, không xác nhận chữ ký, chữ viết và nội dung họ trình bày nên không có cơ sở xem xét đánh giá tài liệu này.

 [9] Xét đề nghị của người bảo vệ quyền và lợi ích cho nguyên đơn bà Nguyễn Thị T thấy rằng không có căn cứ chấp nhận.

 [10] Vì vậy, Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn bà Nguyễn Thị T vì không có căn cứ.

 [11] Phát biểu của đại diện Viện Kiểm sát tỉnh Lạng Sơn về nội dung vụ án tại phiên tòa phù hợp với nhận định trên.

 [12] Về án phí: Do yêu cầu của bà Nguyễn Thị T là yêu cầu bồi thường về sức khỏe, bà Nguyễn Thị T có đơn xin được miễn án phí, nên bà thuộc trường hợp được miễn nộp tiền án dân sự phúc thẩm theo quy định tại khoản 1 Điều 148 của Bộ luật Tố tụng dân sự; điểm d khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 1 Điều 308; Điều 584, Điều 588 Bộ luật Dân sự năm 2015; khoản 6 Điều 26; khoản 1 Điều 148; khoản 2 Điều 229, Điều 266 Bộ luật tố tụng dân sự; điểm d khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Không chấp nhận kháng cáo của bà Nguyễn Thị T.

Giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 16/2018/DS-ST ngày 22/11/2018 của Tòa án nhân dân huyện Hữu Lũng về việc tranh chấp bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm giữa nguyên đơn bà Nguyễn Thị T1 và bị đơn ông Phó Đức T1 cụ thể: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Nguyễn Thị T về yêu cầu ông Phó Đức T1 phải bồi thường thiệt hại sức khỏe.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

738
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 23/2019/DS-PT ngày 15/03/2019 về tranh chấp bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm

Số hiệu:23/2019/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Lạng Sơn
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 15/03/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;