Bản án 227/2020/DS-PT ngày 29/09/2020 về tranh chấp chia thừa kế quyền sử dụng đất

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH CÀ MAU

BẢN ÁN 227/2020/DS-PT NGÀY 29/09/2020 VỀ TRANH CHẤP CHIA THỪA KẾ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT 

Trong các ngày 28, 29 tháng 9 năm 2020 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 237/2020/TLPT-DS ngày 31 tháng 8 năm 2020 về việc tranh chấp chia thừa kế quyền sử dụng đất.

Do bản án dân sự sơ thẩm số: 52/2020/DS-ST ngày 07 tháng 7 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện Phú Tân bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 210/2020/QĐ-PT ngày 04 tháng 9 năm 2020 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn:

1. Bà Nguyễn Thị D, sinh năm 1962 (Có mặt);

Địa chỉ cư trú: Ấp T, xã T, huyện P, tỉnh C ..

2. Ông Lâm Minh T1, sinh năm 1985 (Có mặt);

Địa chỉ cư trú: Ấp T, xã T, huyện P, tỉnh C ..

- Bị đơn: Ông Nguyễn Văn L, sinh năm 1960 (Có mặt);

Địa chỉ cư trú: Ấp T, xã T, huyện P, tỉnh C ..

- Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:

1. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh huyện Phú Tân (Vắng mặt);

Địa chỉ: Ấp C, thị t, huyện P, tỉnh C ..

2. Ủy ban nhân dân huyện Phú T (Vắng mặt);

Địa chỉ cư trú: Ấp Cái Đôi Nhỏ, xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân, tỉnh cà Mau.

3. Bà Lâm Thị B1 (Vắng mặt);

Địa chỉ cư trú: Ấp N, xã K, huyện T, tỉnh C ..

4. Ông Lâm Văn C4, sinh năm 1967 (Có mặt);

Địa chỉ cư trú: Ấp T, xã T, huyện P, tỉnh C ..

5. Bà Lâm Thị C3, sinh năm 1975 (Có mặt);

6. Bà Lâm Lệ T3, sinh năm 1966 (Có mặt);

Cùng địa chỉ cư trú: Ấp K, xã K, huyện T, tỉnh C ..

7. Bà Lâm Thị P, sinh năm 1972 (Vắng mặt);

Địa chỉ cư trú: Ấp C, xã T, huyện P, tỉnh C ..

8. Bà Tô Thị M2, sinh năm 1979 (Vắng mặt);

9. Ông Nguyễn Văn T2, sinh năm 1977 (Có mặt);

10. Bà Nguyễn Thị N, sinh năm 1960 (Vắng mặt);

11. Bà Nguyễn Thị M1, sinh năm 1968 (Có mặt);

12. Ông Nguyễn Ngọc A1, sinh năm 1952 (Vắng mặt);

Cùng địa chỉ cư trú: Ấp T, xã T, huyện P, tỉnh C ..

13. Ông Nguyễn Văn C2, sinh năm 1964 (Có mặt);

Địa chỉ cư trú: Ấp T, xã T, huyện P, tỉnh C ..

14. Bà Nguyễn Thị Ch, sinh năm 1958 (Vắng mặt);

Địa chỉ cư trú: Ấp K, xã V, huyện P, tỉnh C ..

15. Bà Nguyễn Thị S, sinh năm 1951 (Có mặt);

Địa chỉ cư trú: Ấp T, xã T, huyện P, tỉnh C ..

- Người kháng cáo: Ông Nguyễn Văn L, là bị đơn.

NỘI DUNG VỤ ÁN

- Theo bà Nguyễn Thị D trình bày:

Cha mẹ bà là cụ Nguyễn Văn M4, sinh năm 1926 và cụ Huỳnh Thị K, sinh năm 1936 có tạo lập được hai phần đất ở ấp Tân Phú Thành, xã Tân Hưng Tây, huyện Phú Tân với tổng diện tích 48.220 m2, được Ủy ban nhân dân huyện Cái Nước (nay là huyện Phú Tân) cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 17/01/1994 do cụ M4 đứng tên quyền sử dụng đất. Cụ M4 và cụ K có 08 người con gồm: Bà Nguyễn Thị T4 (chết năm 2011), bà Nguyễn Thị S, bà Nguyễn Ngọc A21, bà Nguyễn Thị Ch, ông Nguyễn Văn L, bà Nguyễn Thị D, ông Nguyễn Văn C2, bà Nguyễn Thị M1. Năm 1995, cụ Nguyễn Văn M4 chết không để lại di chúc. Ngày 16/11/2004 cụ Huỳnh Thị K có họp thân tộc gồm các con của cụ M4 và cụ K thống nhất cho con tên Nguyễn Thị D 02 công tầm lớn (tương đương 2.596m2) và để di chúc cho bà Nguyễn Thị T4 phần đất diện tích 3.402m2. Bà D và bà T4 sử dụng đất từ đó đến nay. Năm 2005 cụ K chết không để lại di chúc. Năm 2011 bà T4 chết; năm 2015 ông Lâm Văn Đ1 (chồng bà T4) chết. Năm 2006, ông L tự ý đi làm thủ tục chuyển tên quyền sử dụng đất từ cụ Nguyễn Văn M4 sang ông L mà không được sự thống nhất của những người con của cụ M4 và cụ K. Ông L được Ủy ban nhân dân huyện Phú T cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với tổng diện tích theo đo đạc thực tế 46.502m2 (bao gồm cả phần đất của bà Nguyễn Thị T4 và bà Nguyễn Thị D). Bà yêu cầu chia thừa kế theo quy định của pháp luật đối với phần di sản của cụ M4 và cụ K để lại theo quy định của pháp luật và bà yêu cầu được nhận bằng giá trị.

- Theo ông Lâm Minh T1 trình bày:

Ông bà ngoại của ông là cụ Nguyễn Văn M4, sinh năm 1926 và cụ Huỳnh Thị K, sinh năm 1936 có tạo lập được hai phần đất ở ấp Tân Phú Thành, xã Tân Hưng Tây, huyện Phú Tân với tổng diện tích 48.220 m2 đã được Ủy ban nhân dân huyện Cái Nước (nay là huyện Phú Tân) cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 17/01/1994 do cụ M4 đứng tên quyền sử dụng đất. Cụ M4 và cụ K có 08 người con gồm: Bà Nguyễn Thị T4 (chết năm 2011), bà Nguyễn Thị S, ông Nguyễn Ngọc A1, bà Nguyễn Thị Ch, ông Nguyễn Văn L, bà Nguyễn Thị D, ông Nguyễn Văn C2, bà Nguyễn Thị M1. Năm 1995 cụ Nguyễn Văn M4 chết không để lại di chúc. Ngày 29/9/1999 cụ K có lập di chúc để lại cho mẹ ông là bà T4 phần đất diện tích 3.402m2. Năm 2005 cụ K chết; năm 2011 bà T4 chết không để lại di chúc, năm 2015 ông Lâm Văn Đ1 (chồng bà T4) chết. Bà T4 và ông Đạt có 06 người con gồm: Bà Lâm Lệ T3, ông Lâm Văn C4, bà Lâm Thị B1, bà Lâm Thị P, bà Lâm Thị C3, ông Lâm Minh T1. Năm 2006 ông L tự ý đi làm thủ tục chuyển tên quyền sử dụng đất từ cụ Nguyễn Văn M4 sang ông L mà không được sự thống nhất của những người con của cụ M4 và cụ K. Ông Nguyễn Văn L đã được Ủy ban nhân dân huyện Phú T cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với tổng diên tích theo đo đạc thực tế 46.502m2 (bao gồm cả phần đất của bà T4). Ông yêu cầu Tòa án công nhận di chúc của cụ K để anh em ông được hưởng thừa kế theo di chúc phần di sản bà T4 được chia và yêu cầu chia thừa kế theo quy định của pháp luật đối với phần di sản của cụ M4 và cụ K để lại không có di chúc để anh em ông được hưởng phần di sản bà T4 được hưởng theo quy định của pháp luật và ông yêu cầu được nhận bằng giá trị.

- Theo ông Nguyễn Văn L trình bày:

Bà D và ông T1 trình bày nguồn gốc đất là của cụ M4 và cụ K để lại là đúng. Cụ M4 và cụ K có 08 người con đúng như bà D và ông T1 trình bày. Phần đất cụ M4 và cụ K để lại, cụ K có làm giấy ủy quyền cho ông nên sau khi cụ K chết ông đã làm thủ tục chuyển tên từ cụ M4 sang tên ông và đã được Ủy ban nhân dân huyện Phú T cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 2006. Đối với yêu cầu của bà D ông không đồng ý vì khi cụ K còn sống, cụ K có cho bà D mượn hai công đất để canh tác do hoàn cảnh bà D khó khăn, khi bà D sang đất nơi khác thì cụ K có cho bà D 02 chỉ vàng 24k để sang đất. Đối với yêu cầu của ông Lâm Minh T1 thì ông không đồng ý vì trước đây cụ K có cho bà T4 mượn một phần đất để canh tác. Nay vợ chồng bà T4, ông Đạt đã chết nên ông lấy lại để canh tác. Phần đất này trước đây ông cho vợ chồng con ông là Nguyễn Văn T2 và Tô Thị M2 canh tác nhưng hiện nay ông đã lấy lại để canh tác. Giấy chứng nhận quyền sử dung đất ông đã thế chấp cho Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Chi nhánh huyện Phú Tân để vay tiền, thời gian vay và số tiền cụ thể ông không nhớ vì ông vay đã lâu.

- Theo bà Nguyễn Thị S, ông Nguyễn Văn C2, bà Nguyễn Thị M1 trình bày:

Cụ Nguyễn Văn M4, sinh năm 1926 và cụ Huỳnh Thị K, sinh năm 1936 có tạo lập được hai phần đất tọa lạc tại ấp Tân Phú Thành, xã Tân Hưng Tây, huyện Phú Tân với tổng diện tích 48.220 m2 và được Ủy ban nhân dân huyện Cái Nước (nay là huyện Phú Tân), tỉnh Cà Mau cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào ngày 17/01/1994 do cụ M4 đứng tên quyền sử dụng. Cụ M4 và cụ K có 08 người con gồm: Bà T4 (chết năm 2011), bà Nguyễn Thị S, ông Nguyễn Ngọc A1, bà Nguyễn Thị Ch, ông Nguyễn Văn L, bà Nguyễn Thị D, ông Nguyễn Văn C2, bà Nguyễn Thị M1. Năm 1995 cụ M4 chết, năm 2005 cụ K chết, cụ M4 và cụ K không có để lại di chúc. Năm 2006 ông L tự ý làm thủ tục chuyển tên từ cụ M4 sang ông L chỉ có sự đồng ý của ông A1, không có sự đồng ý của các người con còn lại của cụ M4, cụ K. Ông L đã được Ủy ban nhân dân huyện Phú T cấp giấy chứng nhận quyền sự dụng đất với tổng diện tích theo đo đạc thực tế 46.502 m2. Bà S, ông C2, bà M1 yêu cầu chia thừa kết theo quy định của pháp luật phần đất theo đo đạc thực tế 46.502m2 là di sản của cụ M4 và cụ K để lại; bà S, ông C2, bà M1 yêu cầu được nhận giá trị.

- Theo ông Nguyễn Ngọc A1 và bà Nguyễn Thị Ch thống nhất trình bày:

Ông A221, bà Ch là người được hưởng di sản của cụ Nguyễn Văn M4 và cụ Huỳnh Thị K; ông A1, bà Ch cho rằng ông L có công nuôi dưỡng cụ M4, cụ K khi còn sống và là người thờ cúng cụ M4, cụ K nên ông A221, bà Ch giao phần di sản mà ông A221, bà Ch được hưởng lại cho ông L quản lý sử dụng.

- Theo bà Nguyễn Thị N trình bày:

Bà thống với lời trình bày của chồng bà là ông Nguyễn Văn L, bà không đồng ý với yêu cầu chia thừa kế của ông T1, bà D, ông C2 bà M1, bà S vì phần đất ông L đã được nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đúng theo quy định của pháp luật.

- Theo ông Nguyễn Văn T2 trình bày:

Trước đây ông và vợ ông là bà Tô Thị M2 có thuê một phần đất của ông Lâm Văn Đ1 (là chồng của bà Nguyễn Thị T4) để canh tác, sau đó ông Đạt chết, ông L đã lấy đất lại để canh tác. Việc tranh chấp giữa ông T1, bà D với ông L ông và bà M2 không có liên quan nên không có ý kiến.

- Theo ông Lâm Văn C4, bà Lâm Thị C3, bà Lâm Lệ T3, bà Lâm Thị P thống nhất trình bày: Thống nhất với lời trình bày của nguyên đơn ông Lâm Minh T1, ông C4, bà C3, bà T3, bà Phương yêu cầu được nhận phần di sản mà bà Nguyễn Thị T4 được hưởng, yêu cầu được nhận giá trị.

- Tại Công văn số 49/NHNNo-PT ngày 19 tháng 5 năm 2010 của Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Chi nhánh huyện Phú Tân trình bày:

Ông Nguyễn Văn L hiện đang thế chấp tại Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Chi nhánh huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau quyền sử dụng đất số A2D278714 có diện tích 18.004m2 và quyền sử dụng đất số A2DD278715 có diện tích 28.498m2 cùng được Ủy ban nhân dân huyện Phú T cấp giấy chứng nhận ngày 03/7/2006. Số tiền nợ tính đến ngày 18/5/2020 là 567.974.937 đồng; trong đó tiền nợ gốc là 440.000.000 đồng, nợ lãi 127.974.937 đồng. Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Chi nhánh huyện Phú Tân không khởi kiện ông L trong vụ án tranh chấp chia thừa kế quyền sử dụng đất.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số: 52/2020/DS-ST ngày 07 tháng 7 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện Phú Tân quyết định:

- Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Lâm Minh T1, bà Nguyễn Thị D.

- Chấp nhận yêu cầu độc lập của ông Nguyễn Văn C2, bà Nguyễn Thị S, bà Nguyễn Thị M1.

Buộc ông Nguyễn Văn L trả cho bà Nguyễn Thị D, ông Nguyễn Văn C2, Bà Nguyễn Thị S, bà Nguyễn Thị M1 giá trị di sản với số tiền mỗi người là 237.372.750 đồng.

Buộc ông Nguyễn Văn L trả cho những người thừa kế của bà T4 gồm ông Lâm MinhT1, ông Lâm Văn C4, bà Lâm Thị B1, bà Lâm Thị C3, bà Lâm Lệ T3 và bà Lâm Thị P giá trị di sản với số tiền là 407.472.750 đồng Ông Nguyễn Văn L được quản lý, sử dụng toàn bộ phần đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có diện tích 46.502m2.

Ngoài ra, án sơ thẩm còn tuyên về lãi suất chậm trả, án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.

Ngày 08/7/2020, ông Nguyễn Văn L có đơn kháng cáo yêu cầu sửa bản án sơ thẩm, bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và yêu cầu độc lập của những người có liên quan. Ngày 28/7/2020, ông Nguyễn Văn L có đơn kháng cáo bổ sung cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm xác định diện tích đất 46.502m2 là di sản của cha mẹ ông để chia thừa kế nhưng chưa xem xét các vấn đề sau:

- Khi cha mẹ ông lâm bệnh và qua đời, vợ chồng ông là người chăm sóc, lo chôn cất mai táng và thờ cúng, nhưng không xem xét phần công sức của vợ chồng ông để trích ra một phần đất để vợ chồng ông thờ cúng và chăm sóc cha mẹ khi cha mẹ bệnh;

- Trước khi mẹ ông qua đời, mẹ ông đã thế chấp quyền sử dụng đất do cha ông đứng tên vay tiền Ngân hàng chưa trả, sau khi mẹ ông qua đời ông đã vay tiền bên ngoài trả nợ thay mẹ ông, nhưng Tòa án không xem xét số tiền ông trả nợ thay cho mẹ ông;

- Trước đây đất trồng lúa giá trị thấp, khi chuyển sang nuôi tôm ông đã đầu tư cải tạo nên giá trị đất tăng lên, nhưng không xem xét công gìn giữ, cải tạo làm tăng giá trị đất đối với ông;

- Trước đây ông được cho 14 công đất, nhưng cha ông đã đổi cho ông C2 sử dụng nhưng không trừ ra phần đất 14 công của ông trong diện tích đất chia thừa kế;

- Nếu chia thừa kế thì phải chia bằng giá trị đất tại thời điểm cha ông qua đời chứ không chia theo giá trị hiện nay, vì vợ chồng ông và các con ông canh tác cải tạo đất mới làm tăng giá tri đất nhưng không xem xét công sức của vợ chồng ông và các con ông;

- Việc ông đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và vay tiền Ngân hàng cũng có một phần để cải tạo đất, lo cho mẹ ông khi bệnh, đau ốm nhưng không xem xét đến số nợ này.

Tại phiên tòa phúc thẩm, ông Nguyễn Văn L giữ nguyên yêu cầu kháng cáo. Phần tranh luận tại phiên toà: Các đương sự không có ý kiến tranh luận.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cà Mau tham gia phiên toà phát biểu: Việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán trong quá trình giải quyết vụ án; của Hội đồng xét xử và những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng tại phiên tòa đúng quy định pháp luật. Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 1 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự, không chấp nhận kháng cáo của ông Nguyễn Văn L, giữ nguyên bản án sơ thẩm .

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Xét kháng cáo của ông Nguyễn Văn L, Hội đồng xét xử xét thấy:

[1] Thời kỳ hôn nhân cụ Nguyễn Văn M4 và cụ Huỳnh Thị K có tạo lập được phần đất diện tích 48.202m2 theo đo đạc thực tế diện tích hiện nay là 46.502m2 tọa lạc tại ấp Tân Phú Thành, xã Tân Hưng Tây, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau. Do đó, phần diện tích đất 46.502m2 nêu trên được xác định đây là tài sản chung của cụ M4 và cụ K, nên phần của cụ M4 và cụ K mỗi người ½ là 23.251m2.

[2] Cụ M4 chết năm 1995 không để lại di chúc, nên phần diện tích đất 23.251m2 là tài sản của cụ M4 để lại được xác định là di sản thừa kế cụ M4, được chia thừa kế theo pháp luật cho cụ K và 08 người con, gồm 09 kỷ phần, mỗi người được hưởng 01 kỷ phần bằng nhau (mỗi kỷ phần tương đương diện tích 2.583,44m2). Cụ K chết năm 2005, phần tài sản của cụ K để lại được xác định là di sản gồm: diện tích đất 23.251m2 trong khối tài sản chung của vợ chồng và kỷ phần thừa kế với diện tích đất tương đương 2.583,44m2.

[3] Đối với cụ K, vào ngày 16/01/1998 có làm uỷ quyền toàn bộ diện tích đất cho ông L thừa kế và canh tác nuôi cụ suốt đời và sau này thờ phượng cúng kiến; đồng thời, ngày 29/9/1999 cụ K lập Tờ di chúc cho bà T4 diện tích đất 3.402m2. Như vậy, khi cụ K chết thì các văn bản này phát sinh hiệu lực đối với phần sản của cụ K; phần di sản của cụ M4 để lại do không có di chúc nên được xem xét chia thừa kế theo quy định pháp luật. Do toàn bộ diện tích đất nêu trên hiện nay ông L quản lý sử dụng và đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ông L đã thế chấp vay tiền tại Ngân hàng nên việc các nguyên đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập yêu cầu nhận bằng giá trị di sản là phù hợp, được chấp nhận.

[4] Theo chứng thư thẩm định giá thể hiện giá đất 1m2 = 50.000 đồng, nên phần di sản của cụ M4 để lại được phân chia có giá trị là: 23.251m2 x 50.000 đồng = 1.162.550.000 đồng; được chia cho 09 kỷ phần, nên mỗi kỷ phần = 129.172.000 đồng. Do đó, bà D, bà S, ông C2, bà M1, bà T4 mỗi người được hưởng 01 kỷ phần từ di san của cụ M4 giá trị bằng 129.172.000 đồng; ông L được hưởng 4 kỷ phần (gồm của ông L, ông A221, bà Ch, cụ K) = 516.688.000 đồng. Riêng bà T4 còn được hưởng phần di sản theo di chúc của Kỉnh có giá trị bằng: 3.402m2 x 50.000 đồng = 170.100.000 đồng; tổng cộng bà T4 phần di sản có giá trị bằng 299.272.000 đồng. Hiện nay bà T4 đã chết, nên các con của bà T4 là người thừa kế chuyển tiếp và được nhận phần di sản của bà T4 được hưởng. Do ông L là người đang quản lý di sản, nên buộc ông L có trách nhiệm giao lại bà D, bà S, ông C2, bà M1 và các con của bà T4 đối với phần di sản mà những người này được hưởng.

[5] Ông L được quản lý sử dụng toàn bộ diện tích đất 46.502m2 (là di sản thừa kế của cụ K và cụ M4 để lại) đã được Ủy ban nhân dân huyện Phú T cấp quyền sử dụng đất cho ông L đứng tên.

[6] Đối với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất Ủy ban nhân dân huyện Phú T cấp cho ông L, do những người thừa kế của cụ M4, cụ K yêu cầu chia giá trị nên không cần thiết phải hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà Ủy ban nhân dân huyện Phú T đã cấp cho ông L.

[7] Đối với các căn cứ kháng cáo ông L nêu tại đơn kháng cáo bổ sung, xét thấy là không có căn cứ chấp nhận. Bởi lẽ: Việc vợ chồng ông chăm sóc cha mẹ khi lâm bệnh, lo chôn cất, thờ cúng cha mẹ là trách nhiệm của con đối với cha mẹ; khi cha mẹ ông qua đời thì ông là người quản lý sử dụng toàn bộ diện tích đất của cha mẹ ông để lại, việc ông đầu tư, cải tạo đất thì cũng chính gia đình ông hưởng lợi trên phần đất này; trong quá trình giải quyết vụ án tại cấp sơ thẩm đến khi kháng cáo ban đầu ông cũng không đặt ra việc ông trả nợ thay cho mẹ ông, việc ông vay tiền lo cho mẹ ông khi bệnh, không đặt ra việc ông được cho 14 công đất nhưng cha ông đã đổi cho ông M1 sử dụng và hồ sơ cũng không thể hiện có việc ông được cho 14 công đất như ông trình bày; việc xác định giá trị đất để chia thừa kế phải được xác định tại thời điểm giải quyết việc chia thừa kế chứ không thể xác định giá trị tại thời điểm người để lại di sản thừa kế chết.

[8] Từ phân tích trên, cấp phúc thẩm chấp nhận kháng cáo của ông Nguyễn Văn L, sửa bản án sơ thẩm là phù hợp. [9] Án phí dân sự sơ thẩm các đương sự phải chịu được điều chỉnh lại theo quy định pháp luật; ông L là người cao tuổi, có đơn xin miễn án phí nên được xét miễn chịu án phí.

[10] Án phí dân sự phúc thẩm ông L không phải chịu, đã dự nộp được nhận lại.

[11] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị nên không đặt ra xem xét.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 2 Điều 308, Điều 309 của Bộ luật tố tụng dân sự; Nghị quyết số 326/2016/UB2TVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án.

Chấp nhận kháng cáo của ông Nguyễn Văn L.

Sửa một phần bản án dân sự sơ thẩm số 52/2020/DS-ST ngày 07 tháng 7 năm 2020 của Toà án nhân dân huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau.

Tuyên xử:

- Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Lâm Minh T1, bà Nguyễn Thị D. Chấp nhận yêu cầu độc lập của ông Nguyễn Văn C2, bà Nguyễn Thị S, bà Nguyễn Thị M1.

Buộc ông Nguyễn Văn L trả cho bà Nguyễn Thị D, ông Nguyễn Văn C2, B2à Nguyễn Thị S, bà Nguyễn Thị M1 giá trị di sản với số tiền mỗi người là 129.172.000 đồng.

Buộc ông Nguyễn Văn L trả cho những người thừa kế của bà Nguyễn Thị T4 gồm ông Lâm Minh T1, ông Lâm Văn C4, bà Lâm Thị B1, bà Lâm Thị C3, bà Lâm Lệ T3 và bà Lâm Thị P giá trị di sản với số tiền là 229.272.000 đồng.

Ông L được quản lý sử dụng toàn bộ diện tích đất 46.502m2 đã được Ủy ban nhân dân huyện Phú T cấp quyền sử dụng đất cho ông L đứng tên.

Kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án cho đến khi thi hành xong các khoản tiền nêu trên thì hàng tháng ông L còn phải chịu thêm khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự.

- Án phí dân sự sơ thẩm:

Bà Nguyễn Thị D phải chịu số tiền 6.458.600 đồng; bà D đã dự nộp 2.907.000 đồng theo biên lai thu tiền số 0006812 ngày 16/11/2017 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Phú Tân, đối trừ bà D còn phải nộp tiếp 3.551.600 đồng.

Ông Lâm Minh T1, ông Lâm Văn C4, bà Lâm Thị B1, bà Lâm Thị C3, bà Lâm Lệ T3 và bà Lâm Thị P phải chịu số tiền 11.463.600 đồng; ông T1 đã dự nộp 2.907.000 đồng theo biên lai thu tiền số 0006811 ngày 16/11/2017 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Phú Tân, đối trừ ông T1, ông C4, bà B1, bà C3, bà T3 và bà P còn phải nộp tiếp 8.556.600 đồng.

Ông Nguyễn Văn C2 phải chịu số tiền 6.458.600 đồng; ông C2 đã dự nộp 1.163.000 đồng theo biên lai thu tiền số 0007074 ngày 15/5/2018 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Phú Tân, đối trừ ông C2 phải nộp tiếp 5.295.600 đồng.

Bà Nguyễn Thị S phải chịu số tiền 6.458.600 đồng; bà S đã dự nộp 2.906.000 đồng theo biên lai thu tiền số 0007028 ngày 24/4/2018 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Phú Tân, đối trừ bà S còn phải nộp tiếp 3.552.600 đồng.

Bà Nguyễn Thị M1 phải chịu số tiền 6.458.600 đồng; bà M1 đã dự nộp 2.906.000 đồng theo biên lai thu tiền số 0007027 ngày 24/4/2018 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Phú Tân, đối trừ bà M1 còn phải nộp tiếp 3.552.600 đồng.

Ông Nguyễn Văn L được miễn chịu án phí.

- Án phí dân sự phúc thẩm ông Nguyễn Văn L không phải chịu. Ngày 08 tháng 7 năm 2020, ông L đã dự nộp 300.000 đồng theo biên lai thu số 0011793 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Phú Tân được nhận lại.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

384
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 227/2020/DS-PT ngày 29/09/2020 về tranh chấp chia thừa kế quyền sử dụng đất

Số hiệu:227/2020/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Cà Mau
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 29/09/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;