TOÀ ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CÀ MAU, TỈNH CÀ MAU
BẢN ÁN 22/2018/HSST NGÀY 02/02/2018 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH
Ngày 02 tháng 02 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Cà Mau xét xử công khai sơ thẩm vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số: 04/2018/TLST-HS ngày05 tháng 01 năm 2018 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 16/2018/HSST -QĐXX ngày 11 tháng 01 năm 2018 đối với bị cáo:
Họ và tên: Trần Minh Q, sinh năm: 1993; tại Cà Mau; nơi cư trú: Số B, khóm 3, phường 1, thành phố M, tỉnh Cà Mau; nghề nghiệp: Thợ sơn; trình độ học vấn: 3/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông: Trần Minh C và bà Nguyễn Thị Q; vợ, con: chưa có; tiền án, tiền sự: Không; nhân thân: Cho đến ngày thực hiện hành vi phạm tội, chưa có án tích hay bị xử phạt, xử lý vi phạm hành chính; cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 22/9/2017 cho đến nay (có mặt).
- Bị hại: Ông Lữ Kìm A, sinh năm: 1968 (vắng mặt).
Địa chỉ: số 16B, đường L, khóm 3, Phường 1, thành phố M, tỉnh Cà Mau.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Khoảng 18 giờ 00 phút ngày 19/7/2017, sau khi nhậu xong, Trần Minh Q về nhà tại khóm 3, phường 1, thành phố M thì cãi nhau với cha ruột của Q là ông Trần Minh C. Lúc này, ông Lữ Kìm A là người gần nhà ông C đến can ngăn. Q quay sang nói với ông A “ông là cái thá gì mà xen vô” và đuổi ông A về nên ông A bỏ ra về.
Khoảng 20 phút sau, ông A đi đến nhà bà Phạm Thị U gần đó để mua rượu. Tại đây, ông A đang ngồi đợi bà U đong rượu thì bất ngờ bị Q dùng dao tự chế chém trúng vào vùng mặt của ông A (từ sóng mũi phải sang má phải) gây thương tích. Sau đó, được mọi người đến can ngăn và ông A được đưa đi Bệnh viện đa khoa M để khâu vết thương và điều trị.
Theo giấy chứng nhận thương tích số 260/CN, ngày 01/8/2017 của bệnh viện đa khoa M chứng nhận tình trạng của ông Lữ Kìm A khi nhập viện là: vết thương rách da má phải- mũi khoảng 12cm.
Theo bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 13/TgT ngày 17/8/2017 của Trung tâm pháp y tỉnh Cà Mau đối với thương tích của ông Lữ Kìm A, kết luận: 01 vết sẹo từ giữa sóng mũi sang má phải, kích thước 7,6cm x 0,2cm. Tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là 12%. Sẹo ảnh hưởng thẩm mỹ.
Đối với cây dao mà Q dùng để chém ông A, trong lúc mọi người căn ngăn kéo Q ra ngoài đã lấy dao từ tay của Quí nhưng hiện tại không xác định được ai đang giữ hung khí trên. Cơ quan điều tra đã tiến hành truy tìm nhưng không tìm được.
Ngày 29/9/2017, gia đình của Q đã thỏa thuận và nộp bồi thường cho Lữ Kìm A tổng số tiền là 27.000.000 đồng. Hiện tại, ông A không yêu cầu gì thêm về trách nhiệm dân sự đối với Q. Đồng thời, ông A có đơn bãi nại xin giảm nhẹ hình phạt cho Q.
Tại bản cáo trạng số 15/KSĐT-TA ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cà Mau đã truy tố bị cáo Trần Minh Q phạm tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 2 Điều 104 của Bộ luật hình sự năm 1999.
Tại phiên tòa:
Đại diện Viện kiểm sát bảo vệ toàn bộ nội dung cáo trạng đã truy tố đối với bị cáo và cho rằng trong suốt quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cãi, bị cáo có tác động đối với gia đình nên đã bồi thường thiệt hại xong cho bị hại, bị hại cũng có đơn xin bãi nại cho bị cáo. Bị cáo phạm tội ở thời điểm Bộ luật hình sự năm 1999 đang có hiệu lực nhưng căn cứ Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Quốc Hội thì hành vi của bị cáo được quy định tại Bộ luật hình sự năm 2015 có hình phạt nhẹ hơn. Vì vậy, theo nguyên tắc có lợi cho người phạm tội đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm đ khoản 2 Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015 và điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 của Bộ luật hình sự năm 1999, tuyên bố bị cáo phạm tội “Cố ý gây thương tích”, xử phạt bị cáo từ 02 năm tù đến 02 năm 06 tháng tù. Về trách nhiệm dân sự không đặt ra xem xét.
Bị cáo thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội và xin giảm nhẹ hình phạt.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Tại phiên tòa bị cáo khai nhận: Vào khoảng 18 giờ 00 phút ngày 19/7/2017 sau khi đi nhậu xong về nhà thì bị cáo và ông C là cha ruột của bị cáo có cãi nhau, ông A là hàng xóm đến can ngăn nhưng bị cáo đuổi ông A về, đến khoảng 20 phút sau, khi ông A đang ngồi trước cửa nhà bà Phạm Thị U tại khóm 3, phường 1, thành phố M thì bị cáo dùng dao tự chế, lưỡi dao bằng inox màu trắng, cán dao tròn bằng ixox, dao dài khoảng 40cm, bề rộng lưởi dao khoảng 02cm, bất ngờ chém trúng vào vùng mặt của ông A một cái (từ sóng mũi phải sang má phải) gây thương tích cho ông A với tỷ lệ tổn thương cơ thể là 12%. Sẹo ảnh hưởng thẩm mỹ.
[2] Lời khai của bị cáo tại phiên tòa phù hợp với lời khai của người bị hại, của người làm chứng, phù hợp với vết thương của ông Lữ Kìm A thể hiện tại bản kết luận giám định pháp y về thương tích, giấy chứng nhận thương tích và bệnh án ngoại khoa, và phù hợp các chứng cứ khác thể hiện tại các bút lục từ số 51 đến số 56, từ số 66 đến số 73, từ đó đủ cơ sở kết luận bị cáo là người trực tiếp dùng dao chém gây thương tích cho bị hại A, theo kết quả giám định ông A bị thương tích tỷ lệ tổn thương cơ thể 12%. Khi thực hiện hành vi phạm tội, bị cáo có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự, thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Đồng thời, bị cáo dùng dao tự chế là loại hung khí nguy hiểm chém gây thương tích cho bị hại ở vùng mặt ảnh hưởng đến thẩm mỹ, trong khi giữa bị cáo và bị hại không có mâu thuẫn gì với nhau, nên việc bị cáo dùng dao gây thương tích cho bị hại là thể hiện tính chất côn đồ và ý thức xem thường pháp luật của bị cáo. Căn cứ theo quy định tại mục 3 Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự thì trong trường hợp này dao được xem là hung khí nguy hiểm. Nên hành vi của bị cáo đã phạm vào tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 2 điều 104 Bộ luật hình sự năm 1999 với tình tiết định tiết định khung tăng nặng “dùng hung khí nguy hiểm” và “có tính chất côn đồ” đúng như Viện kiểm sát đã truy tố.
[3] Bị cáo phạm tội ở thời điểm Bộ luật hình sự năm 1999 đang có hiệu lực, nhưng hành vi phạm tội của bị cáo được quy định tại khoản 2 Điều 134 của Bộ luật hình sự năm 2015 có hình phạt nhẹ hơn hình phạt được quy định tại khoản 2 Điều 104 của Bộ luật hình sự năm 1999 theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Quốc Hội, theo nguyên tắc có lợi cho người phạm tội nên Hội đồng xét xử áp dụng Bộ luật hình sự 2015 để xét xử bị cáo theo đại diện Viện Kiểm sát tại phiên tòa là phù hợp.
[4] Xét hành vi của bị cáo gây ra là nguy hiểm cho xã hội, đã trực tiếp xâm phạm đến sức khỏe của ông A, gây mất an ninh trật tự xã hội tại địa phương nên phải xử lý nghiêm để đảm bảo tính răn đe và phòng ngừa chung trong xã hội. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử xem xét đến các tình tiết giảm nhẹ, bị cáo được hưởng: xét về nhân thân bị cáo: chưa tiền án, tiền sự; bị cáo đã tác động đến gia đình để gia đình bồi thường xong toàn bộ thiệt hại cho bị hại; quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; người bị hại có đơn xin bãi nại cho bị cáo. Vì vậy, việc bị cáo bị Viện kiểm sát đề nghị xử phạt từ 02 năm đến 02 năm 06 tháng tù là phù hợp với quy định của pháp luật, tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội, phù hợp với nhân thân, tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ của bị cáo nên được chấp nhận.
[5] Về trách nhiệm dân sự, bị hại ông Lữ Kìm A đã nhận bồi thường xong từ gia đình bị cáo tổng số tiền là 27.000.000 đồng. Nay ông không yêu cầu gì về trách nhiệm dân sự đối với bị cáo, nên Hội đồng xét xử không đề cập xem xét.
[6] Về tang vật vụ án: Cây dao mà bị cáo Q dùng để chém bị hại A, hiện tại không xác định được ai đang giữ hung khí trên. Cơ quan điều tra đã tiến hành truy tìm hung khí nhưng không tìm được nên không đặt ra xem xét.
[7] Về thủ tục tố tụng, bị hại ông Lữ Kìm A có ý kiến tại biên bản ghi ý kiến ngày 15/01/2018 ông xin vắng mặt tại phiên xét xử và không có yêu cầu gì trách nhiệm dân sự đối với bị cáo Trần Minh Q nên Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử vụ án vắng mặt ông Lữ Kìm A.
[8] Về án phí hình sự sơ thẩm bị cáo phải nộp theo quy định.
Trong quá trình điều tra, truy tố, Điều tra viên, Kiểm sát viên đã có hành vi, quyết định tố tụng đúng quy định.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào điểm đ khoản 2 Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự 1999; Điều 136, Điều 292 Bộ luật tố tụng hình sự; Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Quốc Hội; Điều 23 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
1. Tuyên bố bị cáo Trần Minh Q phạm tội “Cố ý gây thương tích”. Xử phạt bị cáo Trần Minh Q 02 (hai) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính kể từ ngày bị cáo vào trại thụ hình án.
2. Án phí: Án phí hình sự sơ thẩm, bị cáo phải nộp số tiền là 200.000 đồng (chưa nộp).
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6,7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Bị cáo, có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.
Bị hại có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận hoặc niêm yết bản án.
Bản án 22/2018/HSST ngày 02/02/2018 về tội cố ý gây thương tích
Số hiệu: | 22/2018/HSST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Thành phố Cà Mau - Cà Mau |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 02/02/2018 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về