TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN PHONG THỔ, TỈNH LAI CHÂU
BẢN ÁN 22/2017/HSST NGÀY 27/11/2017 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH
Trong ngày 27 tháng 11 năm 2017 tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện PhongThổ, tỉnh Lai Châu xét xử sơ thẩm vụ án hình sự thụ lý số: 22/2017/HSST, ngày 16 tháng 11 năm 2017 đối với bị cáo:
Họ và tên: Giàng Phủ L (tên gọi khác: Không), sinh năm 1984 tại huyện P, tỉnh Lai Châu; Nơi ĐKNKTT và chỗ ở hiện nay: bản III, xã V, huyện P, tỉnh Lai Châu; nghề nghiệp: Làm ruộng; trình độ học vấn: Không biết chữ; con ông Giàng Sì P, sinh năm 1955 và bà Chẻo Lở M, sinh năm 1960; Bị cáo có vợ là Phàn Tả M sinh năm 1984 và có 02 con; tiền sự, tiền án: không. Bị cáo bị tạm giam từ ngày 08/11/2017 đến nay có mặt tại phiên tòa
* Người bị hại:
Ông Giàng Láo S, sinh năm 1945. Trú tại bản III, xã V, huyện P, tỉnh Lai Châu. Vắng mặt có lý do.
* Những người làm chứng:
Anh Giàng Vần H, sinh năm 1983.
Trú tại bản III, xã V, huyện P, tỉnh Lai Châu. Vắng mặt tại phiên tòa.
Anh Chẻo Láo T, sinh năm 1994. Trú tại bản T, xã V, huyện P, tỉnh Lai Châu. Vắng mặt tại phiên tòa.
NHẬN THẤY
1. Theo cáo trạng số 75/KSĐT - TA ngày 16 tháng 11 năm 2017 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Phong Thổ thì bị cáo Giàng Phủ L bị truy tố về hành vi như sau:
Ngày 15/6/2017 Giàng Phủ L, sinh năm 1984 trú tại bản III, xã V, huyện P, tỉnh Lai Châu có nhờ Chẻo Láo T, sinh năm 1994 trú tại bản T, xã V, huyện P, tỉnh Lai Châu và Giàng Vần H, sinh năm 1983 trú tại bản III, xã V, huyện P, tỉnh Lai Châu đi cấy lúa hộ cho gia đình. Đến khoảng 15 giờ cùng ngày cấy xong lúa, mọi người đi vào lán ruộng chuẩn bị về thì ông Giàng Láo S (là bác ruột của Giàng Phủ L) sinh năm 1945 trú cùng bản với L đi qua nhìn thấy ruộng lúa đã cấy, do mâu thuẫn trong việc tranh chấp ruộng lúa trên nên ông Giàng Láo S đi xuống ruộng nhoỏ lúa vứt lên bờ, thấy vậy Giàng Phủ L chạy ra ngăn cản nhưng ông S không dừng lại, hai bên tranh cãi nhau, do không giữ được bình tĩnh nên L đã lấy một thanh tre (răng bừa của L đã hỏng vứt ở ruộng lúa), một đầu nhọn, một đầu hình vuông, chiều dài 25 cm, chỗ rộng nhất 3 cm, dầy 01 cm, đánh liên tiếp hai cái vào gò má bên trái của ông S, làm cho ông S ngã xuống ruộng và bị thương, thấy vậy anh T và anh H chạy ra can ngăn, sau đó mọi người đi về nhà. Sau khi bị L đánh về nhà ông S bị đau ở vùng mặt, đến ngày 22/6/2017 ông S đã đi điều trị tại bệnh viện đa khoa tỉnh Lai Châu, tại bệnh xá đã xác định ông S bị gãy thành trước xương hàm trái, vỡ thành sau xoang hàm trái, gãy cung tiếp gò má trái.
Ngày 20/9/2017 ông Giàng Láo S đã làm đơn trình báo sự việc và đơn xin giám định sức khỏe. Ngày 22/9/2017 cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Phong Thổ ra quyết định trưng cầu giám định. Tại bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 68/BKL – TTPY ngày 22/9/2017 kết luận: Tại vùng gò má bên trái có 01 sẹo vết thương, kích thước 3cmX0,1cm. Tại đuôi cung lông mày bên trái có 01 sẹo vết thương, kích thước 2,3cmX0,1cm. Cách đuôi mắt bên trái hướng xuống dưới 1,5 cm có 01 sẹo vết thương, kích thước 1,5cmX0,1cm. Hình ảnh gãy cung tiếp gò má trái và thành trước xương hàm trái còn phương tiện kết hợp xương, xương can chưa vỡ hoàn toàn; vỡ thành sau xong hàm trái, đường vỡ 7mm xương chưa can. Tỷ lệ tổn thương cơ thể của Giàng Láo S do thương tích gây nên hiện tại là 24% (hai mươi bốn phần trăm)
2. Bị cáo tại phiên tòa thừa nhận hành vi của mình như nội dung cáo trạng đã nêu. Người bị hại có đơn xin vắng mặt và đề nghị xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo. Người bị hại đã được bị cáo và gia đình bồi thường thỏa đáng nên không đề nghị tòa án giải quyết về trách nhiệm dân sự của bị cáo.
3. Tại phiên tòa vị đại diện viện kiểm sát vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố như cáo trạng và đề nghị hội đồng xét xử áp dụng: khoản 2 Điều 104; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46, Điều 60 BLHS năm 1999; điểm h khoản 2 Điều 2 NQ 41/2017/QH14; điểm đ khoản 2 Điều 134 BLHS năm 2015 đối với bị cáo Giàng Phủ L. Tuyên bố bị cáo phạm tội cố ý gây thương tích và đề nghị xử phạt bị cáo từ 24 tháng đến 30 tháng tù, cho hưởng án treo. Đề nghị tòa án ấn định thời gian thử thách đối với bị cáo.
Xử lý vật chứng: Đề nghị tịch thu tiêu hủy 01 thanh tre (răng bừa) một đầu nhọn, một đầu hình vuông, dài 25 cm, chỗ rộng nhất 3 cm, dày 1cm.
Về trách nhiệm dân sự: Người bị hại không có đề nghị nên không xem xét. Bị cáo không có ý kiến gì tranh luận
Căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà, căn cứ vào lời khai của bị cáo và ý kiến của kiểm sát viên.
XÉT THẤY
1. Lời khai nhận tội của bị cáo tại phiên tòa hôm nay có đủ cơ sở để khẳng định: Xuất phát từ mâu thuẫn trong việc tranh chấp đất đai giữa người bị hại là ông Giàng Láo S, sinh năm 1945 và bị cáo Giàng Phủ L, nên vào khoảng 15 giờ ngày 15/6/2017 tại khu vực ruộng lúa tranh chấp giữa ông S và L ở bản III, xã V, huyện P, tỉnh Lai Châu, bị cáo và ông S đã xảy ra cãi cọ, do không kiềm chế được nên bị cáo đã dùng 01 thanh tre dùng làm răng bừa mà trước đó bị cáo vứt ở ruộng trước đó một đầu nhọn, một đầu hình vuông, dài 25 cm, chỗ rộng nhất 3 cm, dày 1cm đánh liên tiếp 02 cái vào gò má bên trái của ông S gây thương tích gãy thành trước xương hàm trái, vỡ thành sau xoang hàm trái, gãy cung tiếp gò má trái với tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên là 24%. Bị cáo là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự do đó bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi của mình.
Như vậy hội đồng xét xử có đủ cơ sở để kết luận bị cáo đã phạm vào tội Cố ý gây thương tích quy định tại điểm a, d khoản 2 Điều 104 BLHS. Điểm a, d khoản 2 Điều 104 BLHS năm 1999 có quy định: “1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người; ...
d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;...
2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù hai năm đến bảy năm.”
Tuy nhiên BLHS năm 2015 được công bố ngày 9/12/2015 tại Điều 134 có quy định: “1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người; ...
c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ hai năm đến sáu năm:
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này” ...
Do đó Hội đồng xét xử căn cứ vào khoản 3 Điều 7 BLHS năm 2015; Nghị quyết 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội và các quy định trên để xem xét khi lượng hình đối với bị cáo.
2. Xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ đối với bị cáo: Hội đồng xét xử thấy rằng bị cáo trong quá trình điều tra cũng như tại phiên toà hôm nay có thái độ khai báo thành khẩn, tỏ ra ăn năn hối cải. Quá trình giải quyết vụ án bị cáo đã dùng tiền của bản thân, tác động tích cực gia đình để bồi thường thiệt hại cho người bị hại, người bị hại không yêu cầu gì về trách nhiệm dân sự với bị cáo và xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo, bị cáo là người dân tộc thiểu số, sống ở vùng sâu vùng xa đây là các tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo quy định tại các điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự. Bị cáo không có tình tiết tăng nặng. Bị cáo có nơi cư trú rõ ràng, nhân thân tốt nên Hội đồng xét xử áp dụng thêm Điều 60 BLHS đối với bị cáo cho bị cáo hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách đối với bị cáo cũng đủ tác dụng để răn đe phòng ngừa chung và giáo dục bị cáo.
3. Về trách nhiệm dân sự của bị cáo: Người bị hại không có yêu cầu gì nên Hội đồng xét xử không xem xét.
4. Về vật chứng của vụ án: Tịch thu tiêu hủy 01 thanh tre (răng bừa) một đầu nhọn, một đầu hình vuông, dài 25 cm, chỗ rộng nhất 3 cm, dày 1cm do không còn giá trị sử dụng. Theo quy định tại Điều 41 BLHS và Điều 76 BLTTHS.
5. Bị cáo phải nộp án phí hình sự sơ thẩm theo quy định tại điều 99 Bộ luật Tố tụng Hình sự và Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 cuả Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Vì các lẽ trên:
QUYẾT ĐỊNH
1. Tuyên bố bị cáo Giàng Phủ L phạm tội “Cố ý gây thương tích”.
Áp dụng khoản 2 Điều 104, điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 60 Bộ luật hình sự năm 1999. Nghị quyết 41/2017/QH14, ngày 20/6/2017 của Quốc hội; khoản 3 Điều 7, điểm đ khoản 2 Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015.
Xử phạt bị cáo Giàng Phủ L 30 tháng tù, cho hưởng án treo. Thời gian thử thách là 60 tháng. Thời gian thử thách tính từ ngày tuyên án sơ thẩm ngày 27/11/2017.
Áp dụng khoản 4 Điều 227 Bộ luật Tố tụng hình sự tuyên trả tự do cho bị cáo ngay tại phiên tòa nếu không bị tạm giam về một tội phạm khác. Giao bị cáo cho Ủy ban nhân dân xã V, huyện P, tỉnh Lai Châu giám sát, giáo dục.
2. Về xử lý vật chứng: Áp dụng Điều 41 BLHS và Điều 76 BLTTHS Tịch thu tiêu hủy 01 thanh tre (răng bừa) một đầu nhọn, một đầu hình vuông, dài 25 cm, chỗ rộng nhất 3 cm, dày 1cm do không còn giá trị sử dụng.
3. Về án phí: Áp dụng điều 99 Bộ luật Tố tụng Hình sự; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 cuả Ủy ban thường vụ Quốc hội. Bị cáo phải nộp 200.000đ tiền án phí hình sự sơ thẩm.
Bị cáo có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Người bị hại có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.
Bản án 22/2017/HSST ngày 27/11/2017 về tội cố ý gây thương tích
Số hiệu: | 22/2017/HSST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Phong Thổ - Lai Châu |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 27/11/2017 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về