Bản án 221/2020/HNGĐ-ST về hủy kết hôn trái pháp luật

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ H

BẢN ÁN 221/2020/HNGĐ-ST NGÀY 21/02/2020 VỀ HỦY VIỆC KẾT HÔN TRÁI PHÁP LUẬT

Trong ngày 21 tháng 02 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân Thành phố H (số 26 đường LT, phường BN, Quận M, Thành phố H) mở phiên họp sơ thẩm công khai giải quyết việc dân sự thụ lý số 01/2019/TLST-HNGĐ ngày 02 tháng 01 năm 2019 về “Hủy việc kết hôn trái pháp luật” theo Quyết định mở phiên họp số 204/2020/QĐST-HNGĐ ngày 11 tháng 02 năm 2020, giữa:

1. Người yêu cầu giải quyết việc dân sự: Ông C, sinh năm 1983 Địa chỉ: số 116/62 đường TP, Phường 9, Quận TB, Thành phố H

2. Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:

Bà P, sinh năm 1977 Địa chỉ: AK, O, K1 , Japan.

Địa chỉ liên lạc: AK, O, K, Japan.

3. Nội dung và những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết:

Theo đơn yêu cầu ngày 04/12/2018 và tại bản tự khai ngày 22/02/2019, người yêu cầu – ông C trình bày:

Ông C quen biết bà P qua sự giới thiệu của người thân, sau 01 năm tìm hiểu cả 02 tự nguyện đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân quận T, Thành phố H (theo Giấy chứng nhận kết hôn số 258 ngày 18/12/2017).

Sau khi kết hôn, bà P trở về Nhật để sinh sống còn Ông vẫn ở lại Việt Nam. Cuối tháng 12/2017, khi Phòng Tư pháp quận T mời đến làm việc và thông báo việc kết hôn của Ông và bà P là trái pháp luật đồng thời thu hồi Giấy chứng nhận kết hôn số 258 ngày 18/12/2017 thì Ông mới biết trước khi kết hôn với Ông, bà P đã kết hôn với ông D (sinh ngày 19/01/1968, cư trú tại 1235 PTH, Phường 5, Quận 8, Thành phố H) theo Giấy chứng nhận kết hôn số 159 ngày 16/8/2017.

Ông C yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn giữa Ông và bà P.

Ông C và bà P không có con chung, tài sản chung và nợ chung.

Tại Đơn khai và xin giải quyết đề ngày 20/8/2019 (do Đại sứ quán Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Nhật Bản chuyển đến), bà P trình bày:

Bà và ông C quen biết nhau sau vài tháng nhắn tin qua mạng, đến ngày 18/12/2017 thì cả 02 tự nguyện đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân quận T, Thành phố H; sau khi kết hôn Bà có về Việt Nam 01 lần sau đó thì không về nữa.

Bà P đồng ý hủy việc kết hôn giữa Bà và ông C như ông C đã yêu cầu. Bà và ông C không có con chung và không có tranh chấp gì với nhau. Tại phiên họp:

Ông C và bà P có đơn xin vắng mặt.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố H phát biểu quan điểm:

- Về thủ tục tố tụng:

+ Vụ án được Tòa án nhân dân Thành phố H thụ lý đúng thẩm quyền; việc cấp, tống đạt các văn bản tố tụng cho các đương sự tuân thủ đúng pháp luật; gửi hồ sơ cho Viện Kiểm sát nghiên cứu đúng thời hạn luật định.

+ Phiên họp được tiến hành đúng thời gian, địa điểm và thành phần như đã nêu trong Quyết định mở phiên họp. Tại phiên họp, Thẩm phán – Chủ tọa phiên họp tuân thủ đúng quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

- Về nội dung yêu cầu: Căn cứ các tài liệu, chứng cứ thể hiện tại hồ sơ có cơ sở xác định việc kết hôn giữa ông C và bà P tại Ủy ban nhân dân quận Tlà trái pháp luật, do đó yêu cầu của ông C như đã nêu trên là có cơ sở. Đề nghị Tòa án nhân dân Thành phố H căn cứ điểm a khoản 2 Điều 10 và khoản 1 Điều 11 chấp nhận yêu cầu của đương sự.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ việc dân sự được thẩm tra tại phiên họp, Tòa án nhân dân Thành phố H nhận định:

[1]. Về thủ tục tố tụng và thẩm quyền giải quyết:

Ông C yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật giữa Ông và bà P, yêu cầu này thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định tại khoản 1 Điều 29 Bộ luật tố tụng dân sự. Yêu cầu của ông C có liên quan đến bà P – là đương sự có nơi cư trú ở nước ngoài và việc đăng ký kết hôn trái pháp luật được thực hiện tại Ủy ban nhân dân quận T, Thành phố H nên Tòa án có thẩm quyền giải quyết là Tòa án nhân dân Thành phố H theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 37 và điểm g khoản 2 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự.

Trong quá trình tố tụng, sau khi cung cấp lời khai và trình bày ý kiến, ông C và bà P có đơn xin vắng mặt, xét thấy việc vắng mặt của đương sự tại phiên họp không gây ảnh hưởng hoặc làm thay đổi nội dung vấn đề cần xem xét đồng thời phù hợp với khoản 1 Điều 228, khoản 2 và khoản 3 Điều 367 Bộ luật tố tụng dân sự nên chấp nhận.

[2]. Về yêu cầu của đương sự:

Theo lời trình bày của ông C và bà P thì sau thời gian tìm hiểu 02 bên tiến hành đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân quận TB (theo Giấy chứng nhận kết hôn số 258 ngày 18/12/2017) và hôn nhân là tự nguyện, không bị ép buộc. Tuy nhiên, căn cứ Giấy chứng nhận kết hôn số 159 ngày 16/8/2017 của Ủy ban nhân dân Quận 8, Văn bản số 204/TP ngày 17/5/2018 của Phòng Tư pháp quận TB gửi Sở Tư pháp Thành phố H về việc đăng ký kết hôn của ông C và Biên bản làm việc giữa Phòng Tư pháp quận T với ông C thể hiện khi ông C và bà P đăng ký kết hôn thì bà P vẫn còn tồn tại hôn nhân hợp pháp với ông D (sinh ngày 19/01/1968, cư trú tại 1235 PTH, Phường 5, Quận 8, Thành phố H). Theo quy định tại khoản 6 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình thì việc kết hôn giữa ông C và bà P là kết hôn trái pháp luật do vi phạm điểm c khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình; do đó, ông C yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật giữa Ông và bà P là phù hợp với quy định tại điểm a khoản 2 Điều 10 và khoản 1 Điều 11 Luật Hôn nhân và Gia đình nên có cơ sở chấp nhận.

[3]. Về lệ phí: Ông C phải chịu theo quy định.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 6 Điều 3; điểm c khoản 2 Điều 5; điểm a khoản 2 Điều 10; khoản 1 Điều 11 và khoản 1 Điều 12 Luật Hôn nhân và Gia đình;

Căn cứ Pháp lệnh số 10/2009/UBTVQH12 ngày 27 tháng 02 năm 2009 quy định về lệ phí, án phí Tòa án và Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;

1. Chấp nhận yêu cầu của ông C.

Hủy việc kết hôn trái pháp luật giữa ông C và bà P (theo Giấy chứng nhận kết hôn số 258 ngày 18/12/2017 của Ủy ban nhân dân quận T, Thành phố H).

Ông C và bà P phải chấm dứt quan hệ như vợ chồng.

2. Lệ phí yêu cầu giải quyết việc dân sự là 300.000 (ba trăm ngàn) đồng ông C chịu, được tính cấn trừ số tiền tạm ứng lệ phí đã nộp là 300.000 (ba trăm ngàn) đồng theo biên lai số AA/2017/0045911 ngày 26/12/2017 của Cục Thi hành án dân sự Thành phố H. Ông C không phải nộp thêm lệ phí dân sự sơ thẩm.

Ông C có quyền kháng cáo Quyết định này trong thời hạn 10 (mười) ngày kể từ ngày nhận được Quyết định hoặc kể từ ngày Quyết định được thông báo, niêm yết.

Bà P có quyền kháng cáo Quyết định này trong thời hạn 01 (một) tháng kể từ ngày nhận được Quyết định hoặc kể từ ngày Quyết định được thông báo, niêm yết.

Viện kiểm sát có quyền kháng nghị theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

138
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 221/2020/HNGĐ-ST về hủy kết hôn trái pháp luật

Số hiệu:221/2020/HNGĐ-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh
Lĩnh vực:Hôn Nhân Gia Đình
Ngày ban hành: 21/02/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;