TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA-VŨNG TÀU
BẢN ÁN 21/2018/HNGĐ-PT NGÀY 04/10/2018 VỀ THAY ĐỔI NGƯỜI NUÔI CON
Ngày 04 tháng 10 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa VũngTàu, xét xử phúc thẩm công khai vụ án Hôn nhân gia đình thụ lý số 20/2018/TLPT-HNGĐ ngày 30/7/2018 về tranh chấp “Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn”, do có kháng cáo của bị đơn.
Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 85/2018/QĐPT ngày 04/9/2018; Quyết định tạm hoãn phiên tòa số 10/2018/QĐPT ngày 11/9/2018, giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Bà Lê Thị TT sinh năm 1984 (có mặt)
Địa chỉ: 156A LL, phường 3, TP. X, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
- Bị đơn: Ông Phan NU, sinh năm 1977 (có mặt)
Địa chỉ: 133/3/5 ĐC, phường 3, TP. X, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
- Người làm chứng: Bà Phạm Thị AN, sinh năm 1961
Địa chỉ: Phòng 1602 CCA, 199 NKKN, phường 3, thành phố X, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (có mặt).
NỘI DUNG VỤ ÁN
- Theo đơn khởi kiện và quá trình tố tụng, bà Lê Thị TT trình bày:
Bà và ông Phan NU két hôn với nhau vào năm 2010; trong quá trình chung sống hai người sinh được có 02 người con chung là Phan Lê GB, sinh ngày 29/10/2010 và Phan Lê GA, sinh ngày 10/4/2012. Năm 2017, do không thể tiếp tục chung sống với ông NU nên Bà đã yêu cầu ly hôn. Theo “Quyết định công nhậnthuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự” số 369/2017/QĐST-HNGĐ ngày 08/8/2017 của Tòa án nhân dân thành phố X thì ông NU được trực tiếp nuôi dưỡng 02 con chung, Bà không phải cấp dưỡng nuôi con.
Từ khi ly hôn đến nay, ông NU sống riêng tại căn nhà của mẹ ruột ở đường ĐC. Bà nội Phạm Thị AN là người cùng ông NU chăm sóc, nuôi dưỡng 02 cháu ở khu chung cư đường NKKN. Do Bà và mẹ chồng (bà AN) có quan hệ không tốt nên việc thăm nuôi, chăm sóc con bị cản trở. Gần đây các con có biểu hiện xa lánh và có những ngôn ngữ, thái độ thù hận đối với Bà, nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng xấu đến sự phát triển nhân cách của các con nên Bà đề nghị Tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con, Bà nhận nuôi cả 02 con, không yêu cầu ông NU cấpdưỡng nuôi con. Trường hợp ông NU không chấp nhận để bà nuôi cả 02 con thì đề nghị để bà nuôi con gái GA, ông NU nuôi con trai GB.
- Theo bản tự khai ngày 17/4/2018 và quá trình tố tụng, bị đơn ông Phan NU trình bày:
Theo “Quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự” số 369/2017/QĐST-HNGĐ ngày 08/8/2017 của TAND thành phố X, ông được quyền trực tiếp nuôi dưỡng 02 con chung là Phan Lê GB và Phan Lê GA. Ông không đồng ý với yêu cầu của bà TT vì hiện nay các con được Ông và mẹ ruột phụ chăm sóc nuôi dưỡng phát triển rất tốt về mặt thể chất và tinh thần. Công việc làm của Ông là tự do, không ổn định nhưng thu nhập cũng đủ để nuôi và chăm sóc các con.
- Người làm chứng, bà Phạm Thị AN trình bày:
Bà là bà nội của hai cháu GB và GA. Bà là người chu cấp về kinh tế từ khi các cháu ra đời cho đến nay. Hiện nay bà vẫn cùng với ông NU nuôi dưỡng, chăm sóc hai cháu kể từ khi bà TT giao các cháu cho ông NU. Trong quá trình sống các cháu đều phát triển tốt về thể chất và tinh thần. Bà mong muốn được tiếp tục cùng với ông NU chăm sóc các cháu để các cháu không bị xáo trộn về môi trường sống dẫn tới tâm sinh lý bị ảnh hưởng.
Bản án Hôn nhân sơ thẩm số 64/2018/DSST ngày 20/06/2018 của Tòa án nhân dân thành phố X đã Tuyên xử:
Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Lê Thị TT:
1. Bà TT được quyền trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc con chung tên Phan Lê GA và ông Phan NU được quyền trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc con chung tên Phan Lê GB.
2. Về cấp dưỡng nuôi con: Các bên không yêu cầu giải quyết nên Hội đồng xét xử không xem xét.
Ngoài ra án sơ thẩm còn tuyên về quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con, quyền và nghĩa vụ thi hành án, án phí và q uyền kháng cáo theo quy định.
Ngày 02/7/2018, bị đơn có đơn kháng cáo Bản án sơ thẩm:
Yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xét xử lại theo hướng sửa án sơ thẩm và bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện thay đổi quyền nuôi con của của nguyên đơn.
Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn vẫn giữ nguyên nội dung đơn khởi kiện; Bị đơn vẫn giữ nguyên nội dung đơn kháng cáo. Các đương sự không tự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.
Đại diện Viện kiểm sát phát biểu ý kiến về vụ án:
+ Về tố tụng: Hội đồng xét xử, thư ký Tòa án và các đương sự đã thực hiện đúng trình tự, thủ tục tố tụng dân sự;
+ Về nội dung: Án sơ thẩm đã xem xét và giải quyết giao cháu lớn GB cho ông NU nuôi và giao cháu nhỏ GA là con gái cho bà TT nuôi là thấu tình đạt lý và đúng pháp luật. Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ “Đơn đề nghị thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn” đề ngày 08/3/2018 do ông NU lập gửi cho Tòa án sơ thẩm, không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông NU, giữ nguyên bản án sơ thẩm về quyền nuôi con.
Về án phí sơ thẩm: Cấp sơ thẩm áp dụng Điều 27 Nghị Quyết số 326/2016 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội về án phí, lệ phí Tòa án để buộc nguyên đơn phải chịu là chưa chính xác, cần áp dụng khoản 2 Điều 26 mới đúng. Đề nghị Hội đồng xét xử sửa án sơ thẩm về án phí, buộc ông NU phải chịu toàn bộ theo quy định.
Về án phí phúc thẩm: Do sửa án sơ thẩm nên ông NU không phải chịu.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Về tố tụng:
[1.1] Đơn kháng cáo của bị đơn được lập đúng thủ tục và còn trong thời hạn quy định, nên được chấp nhận để xem xét theo trình tự phúc thẩm.
[1.2] Về quan hệ tranh chấp và thẩm quyền giải quyết vụ án:
Xác định quan hệ tranh chấp cần được giải quyết là “Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn” theo quy định của luật hôn nhân và gia đình, vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết sơ thẩm của TAND thành phố X theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.
[2] Về nội dung tranh chấp và yêu cầu kháng cáo:
[2.1] Ông NU và bà TT đều thừa nhận là có 02 người con chung tên Phan Lê GB và Phan Lê GA. Theo “Quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự” số 369/2017/QĐST-HNGĐ ngày 08/8/2017 của TAND thành phố X thì ông NU được quyền trực tiếp nuôi dưỡng cả 02 con, bà TT không phải cấp dưỡng nuôi con.
Trong quá trình tố tụng, các đương sự đều thừa nhận là từ thời điểm hai người ly hôn tới nay 02 cháu GB và GA đều nhờ bà nội của các cháu là Phạm Thị AN chăm sóc, nuôi dưỡng. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với sự trình bày của bà AN.
Tuy nhiên, xét về quyền và nghĩa vụ nuôi con theo quy định của pháp luật thì điều đầu tiên phải là bố, mẹ, trừ khi trường hợp bố, mẹ không đủ điều kiện thì sau đó mới tiếp đền ông, bà, cô, bác, cậu, gì nuôi các cháu. Pháp luật luôn coi trọng và căn cứ vào điều kiện, hoàn cảnh của cha, mẹ để thực hiện việc giao con cho ai nuôi dưỡng là phù hợp nhất. Mục đích cũng chỉ để đảm bảo một cuộc sống tốt nhất cho con trẻ. Trường hợp của ông NU, bà TT, nhận thấy:
+ Về điều kiện kinh tế:
Ông NU và bà TT đều cho rằng đã, đang và sẽ nhận được sự hỗ trợ từ gia đình nếu được trực tiếp nuôi con. Hội đồng xét xử nhận định nghĩa vụ nuôi dưỡng, chăm sóc con là của cha mẹ, những khoản tiền hỗ trợ từ anh em, bố mẹ không phải là thu nhập thường xuyên nên việc ông NU, bà TT đưa các khoản hỗ trợ của bố mẹ vào để xem xét về việc mình đảm bảo quyền nuôi con là không có cơ sở.
Về công việc làm và thu nhập: Hiện nay của bà TT đang có công việc làm và thu nhập ổn định tại UBND phường 3, thành phố X với mức lương bình quân là 4.000.000 đống/tháng cộng thêm công việc làm thêm ngoài giờ, tổng cộng gần 12.000.000đồng/tháng. Còn ông NU, theo trình bày thì hiện nay đang làm nghề dịch vụ môi giới bảo vệ cho các Cty, xí nghiệp, các cơ sở kinh doanh với mức thu nhập không ổn định nhưng tháng thấp nhất cũng trên 6.000.000đồng.
Về nhà ở: Hiện nay ông NU và bà TT đều chưa có nhà ở riêng. Ông NU ở nhờ nhà của mẹ ruột, bà TT phải ở nhà thuê. Do đó về chỗ ở của 02 người đều không ổn định.
+ Về điều kiện mọi mặt đảm bảo cho việc nuôi con:
Theo quy định tại Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình thì sau khi ly hôn, cha mẹ có quyền nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng con. Hội đồng xét xử nhận thấy: Về điều kiện kinh tế của ông NU và bà TT là gần ngang nhau, bà TT có sự ổn định hơn một chút vì có thu nhập cố định từ tiền lương. Ông NU không có thu nhập ổn định, không tự lập được về kinh tế mà phải nhờ mẹ ruột trực tiếp giúp đỡ trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc 02 con từ khi ông được quyền nuôi con cho đến nay. Trong khi đó bà AN là cán bộ nghỉ hưu, tuổi già, sức khỏe yếu lại phải cưu mang thêm gánh nặng nuôi 02 cháu, nên việc bà TT yêu cầu được nuôi 01 con để san sẻ gánh nặng kinh tế với ông NU là hợp tình, hợp lý và đúng quy định của pháp luật. Hơn nữa, cháu GA là con gái tuổi còn nhỏ, cần có sự chăm sóc, nuôi dưỡng và dạy giỗ của người mẹ hơn nên yêu cầu của bà TT về việc được nhận nuôi cháu GA, để ông NU nuôi cháu GB là có căn cứ, cần được chấp nhận. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với “Đơn đề nghị thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn” đề ngày 08/3/2018 do ông NU đứng tên gửi cho Tòa án sơ thẩm yêu cầu Tòa án giải quyết giao con cho bà TT nuôi dưỡng.
Từ những phân tích, nhận định nêu trên, có đủ căn cứ để chấp nhận ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát, không chấp nhận kháng cáo của bị đơn, giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm về quyền nuôi con.
[3] Về cấp dưỡng nuôi con: Ông NU và bà TT không yêu cầu giải quyết nên Tòa án không xem xét.
[4] Về án phí sơ thẩm: Cấp sơ thẩm áp dụng Điều 27 Nghị Quyết số 326/2016 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội về án phí, lệ phí Tòa án để buộc nguyên đơn phải chịu là chưa chính xác. Bởi trong vụ án này cần áp dụng khoản 2 Điều 26 bị đơn phải chịu án phí dân sự không giá ngạch mới đúng. Cần sửa án sơ thẩm về án phí, buộc ông NU phải chịu toàn bộ theo quy định.
[5] Về án phí phúc thẩm: Do sửa án sơ thẩm nên ông NU không phải chịu.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
- Căn cứ khoản 2 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự;
- Căn cứ Điều 81, Điều 82, Điều 83, Điều 84 Luật hôn nhân và gia đình;
- Căn cứ khoản 2 Điều 26 Nghị Quyết số 326/2016-UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội về án phí, lệ phí Tòa án.
Tuyên xử:
1. Không chấp nhận kháng cáo của bị đơn, giữ nguyên Bản án sơ thẩm số 64/2018/HNS T ngày 20/6/2018 của Tòa án nhân dân thành phố X về quyền nuôi con.
2. Sửa Bản án sơ thẩm về phần án phí.
3. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Lê Thị TT;
+ Bà Lê Thị TT được quyền trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc con chung tên Phan Lê GA, sinh năm 10/4/2012 và ông Phan NU được quyền trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc con chung tên Phan Lê GB sinh ngày 29/10/2010.
+ Về cấp dưỡng nuôi con: Các bên đương sự không yêu cầu giải quyết nên Hội đồng xét xử không xem xét.
Trên cơ sở lợi ích của con, trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 điều 84 Luật Hôn nhân gia đình, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.
4. Án phí sơ thẩm:
+ Bà Lê Thị TT không phải chịu. Hoàn trả lại số tiền 300.000đ (ba trăm ngàn đồng) cho bà TT đã nộp tạm ứng án phí theo biên lai thu tiền số 0001218 ngày 30/3/2018 của Chi cục thi hành án dân sự thành phố X.
+ Ông NU phải chịu số tiền 300.000đồng
5. Án phí phúc thẩm: Ông NU không phải chịu. Hoàn trả lại số tiền 300.000đồng cho ông NU theo biên lai nộp tạm ứng án phí số 0003430 ngày 02/7/2018 của Chi cục thi hành án dân sự thành phố X. Tuy nhiên, do ông NU phải nộp án phí sơ thẩm 300.000đồng, nên cấn trừ vào nghĩa vụ nộp án phí sơ thẩm, nên ông NU đã nộp đủ.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a. 7b và Điều 9 của Luật Thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
Bản án có hiệu lực kể từ ngày tuyên án (Ngày 04/10/2018).
Bản án 21/2018/HNGĐ-PT ngày 04/10/2018 về thay đổi người nuôi con
Số hiệu: | 21/2018/HNGĐ-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Bà Rịa - Vũng Tàu |
Lĩnh vực: | Hôn Nhân Gia Đình |
Ngày ban hành: | 04/10/2018 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về