TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH CÀ MAU
BẢN ÁN 21/2018/DS-PT NGÀY 17/01/2018 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT
Ngày 16 và 17 tháng 01 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 248/2017/TLPT-DS ngày 03 tháng 11 năm 2017 về việc “Tranh chấp quyền sử dụng đất”.
Do bản án dân sự sơ thẩm số: 42/2017/DSST ngày 28 tháng 9 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện PT bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 300/2017/QĐ-PT ngày 16 tháng 11 năm 2017 giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Ông Huỳnh Văn M, sinh năm 1967 (Có mặt).
Cư trú: Ấp CĐN, xã NVK, huyện PT, tỉnh Cà Mau.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Luật sư Lâm Hồng Cẩm – Công ty luật hợp danh Tạ Nguyệt Thanh thuộc đoàn luật sư tỉnh Bạc Liêu; Địa chỉ: Số 200/12 Quang Trung, khóm 3, phường 5, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà mau (Có mặt)
- Bị đơn:
1. Ông Huỳnh Minh H, sinh năm 1970 (Có mặt)
2. Bà Võ Thị C (Võ Hồng C), sinh năm 1977 (Có mặt)
Cùng cư trú: Ấp TVB, xã THT, huyện PT, tỉnh Cà Mau.
Người đại diện hợp pháp của bị đơn: Ông Quách Trọng Phú, sinh năm 1981; Địa chỉ: ấp Trại Lưới B, xã Lâm Hải, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau; Là người đại diện theo ủy quyền của ông Huỳnh Minh H và bà Võ Thị C (văn bản ủy quyền được chứng thực ngày 22/12/2017, có mặt)
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1. Bà Võ Thị H, sinh năm 1968 (Có mặt)
Cư trú: Ấp CĐN, xã NVK, huyện PT, tỉnh Cà Mau.
2. Anh Huỳnh Văn Nh (Huỳnh Công Nh), sinh năm 1999 (Vắng mặt)
3. Chị Huỳnh Thị Ý (Huỳnh Như Ý), sinh năm 1998 (Vắng mặt)
4. Anh Huỳnh Phương Đ, sinh năm 1987 (Vắng mặt)
5. Bà Võ Thị Th, sinh năm 1959 (Có mặt)
6. Chị Nguyễn Thị Ng, sinh năm 1991 (Vắng mặt).
7. Anh Tô Văn H, sinh năm 1991 (Vắng mặt).
8. Chị Huỳnh Thị M, sinh năm 1984 (Vắng mặt).
9. Anh Huỳnh Văn Hậu (Huỳnh Hữu Hậu), sinh năm 1990 (Vắng mặt).
Cùng cư trú: Ấp TVB, xã THT, huyện PT, tỉnh Cà Mau.
10. Anh Huỳnh Phương N, sinh năm 1986 (Vắng mặt).
Cư trú: Ấp Mai Hoa, xã Tam Giang Đông, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau.
11. Ông Lê Trung B, sinh năm 1950 (Vắng mặt).
12. Anh Lê Tiệp Khắc, sinh năm 1987 (Vắng mặt).
Cùng cư trú: Ấp Đất Sét, xã Phú Thuận, huyện PT, tỉnh Cà Mau.
13. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh huyện PT, tỉnh Cà Mau.
Người đại diện hợp pháp cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh huyện PT, tỉnh Cà Mau: Ông Trần Thanh Thắng, chức vụ: Giám đốc, là người đại diện theo pháp luật (Vắng mặt).
Cùng cư trú: Ấp CĐV, thị trấn CĐV, huyện PT, tỉnh Cà Mau.
14. Bà Nguyễn Thị V, sinh năm 1932 (đã chết).
Cư trú: Ấp TVB, xã THT, huyện PT, tỉnh Cà Mau.
Người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của bà Nguyễn Thị V: Bà Huỳnh Thị T, sinh năm 1952 (Vắng mặt).
Cư trú: Ấp Đất Sét, xã Phú Thuận, huyện PT, tỉnh Cà Mau.
Bà Huỳnh Thị Đ, sinh năm 1950 (Vắng mặt).
Ông Huỳnh Văn B, sinh năm 1993 (Vắng mặt).
Ông Huỳnh Văn Nh, sinh năm 1963 (Có mặt).
Cùng cư trú: Ấp TVB, xã THT, huyện PT, tỉnh Cà Mau.
- Người kháng cáo: Ông Huỳnh Văn M – Nguyên đơn.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện đề ngày 16/01/2015 của ông Huỳnh Văn M, trong quá trình giải quyết và tại phiên tòa, ông Huỳnh Văn M trình bày:
Vào năm 1993 ông Huỳnh Minh Bằng (chết năm 2001) là cha ruột của ông, cho ông diện tích đất là 12.960 m2, tọa lạc tại ấp Thứ Vải B, xã Tân Hưng Tây, huyện PT, tỉnh Cà Mau, không có giấy tờ, mẹ ông là bà Nguyễn Thị V (chết năm 2016). Ông canh tác đến năm 1995 thì cho ông Huỳnh Minh H mượn canh tác để nuôi cha mẹ. Đến năm 1997 ông Huỳnh Hữu Nghĩa (chết không nhớ rõ năm) là anh ruột của ông định bán diện tích đất của phụ ấm nên cha ông lấy diện tích đất cho ông để đổi với ông Nghĩa. Trong quá trình giao dịch đổi đất thì cha ông là người trực tiếp giao dịch, có bàn với ông và ông cũng chấp nhận. Diện tích đất đổi hiện ông Nghĩa còn đứng tên quyền sử dụng, do ông Nghĩa thế chấp vay vốn tại Ngân hàng nên ông không chuyển tên quyền sử dụng đất được. Khi cho ông H mượn để canh tác cũng không có giấy tờ, không ai chứng kiến. Sau khi cha và mẹ ông chết có để lại di chúc hay không thì ông không biết.
Quá trình sử dụng diện tích đất là 12.960 m2 theo đo đạc thực tế là 12.217,8 m2 thì ông H có lấy diện tích đất là 4.220,8 m2 để đổi với ông Lê Trung B (anh rễ ông) nhưng ông Bằng cho ông Lê Tiệp Khắc và ông Bằng lấy 1.858,5 m2 để đổi với ông Huỳnh Phương Đ (là con ông Nghĩa) để ông có đường mương nước, diện tích còn lại ông H đang quản lý là 6.138,5 m2. Trên diện tích đất tranh chấp có ½ diện tích đầm tôm của ông Lê Trung B, ngoài ra không còn công trình vật kiến trúc hay hoa màu, cây cối gì khác.
Đến năm 2017 thì ông Đ, bà Th (vợ ông Nghĩa) lấy một phần diện tích đất trong diện tích đất ông Bằng đổi để có đường nước cầm cố cho ông Tô Văn H. Nay ông yêu cầu yêu cầu hủy hợp đồng chuyển đổi đất giữa ông H với ông Lê Tiệp Khắc và hợp đồng chuyển đổi đất giữa ông Lê Tiệp Khắc với ông Huỳnh Phương Đ để ông H và bà C trả ông diện tích đất là 12.217,8 m2 tọa lạc tại ấp Thứ Vải B, xã Tân Hưng Tây, huyện PT, tỉnh Cà Mau như hiện trạng ban đầu. Ông yêu cầu rút yêu cầu khởi kiện hủy hợp đồng cầm cố đất giữa bà Th và ông Tô Văn H.
Ngày 16/01/2017 và ngày 13/6/2017 ông Huỳnh Văn M khởi kiện bổ sung yêu cầu hủy hợp đồng cầm cố đất giữa bà Th và ông Tô Văn H; yêu cầu hủy hợp đồng chuyển đổi đất giữa ông H với ông Lê Tiệp Khắc và hợp đồng chuyển đổi giữa ông Lê Tiệp Khắc với ông Huỳnh Phương Đ.
Bị đơn ông Huỳnh Minh H và bà Võ Thị C thống nhất trình bày:
Về nguồn gốc đất và diện tích đất chuyển đổi đúng như ông M trình bày nhưng cha ông cho đất thì ông M không nhận mà về bên vợ ông M sinh sống và không có nói cho diện tích là bao nhiêu. Cha ông chia đất cho các con thì ông chưa có gia đình, sau này thì cha ông có để lại di chúc là cho ông toàn bộ diện tích đất còn lại 33.000 m2. Ông M cho rằng ông mượn đất để nuôi cha mẹ là không có. Diện tích đất cha ông đổi với ông Nghĩa thì ông Nghĩa đứng tên quyền sử dụng đất và thế chấp vay vốn Ngân hàng nên không thể chuyển quyền sử dụng cho ông. Sau đó, ông Nghĩa có làm hai hợp đồng chuyển nhượng đất cho ông và ông Khắc để hợp thức hóa và sau này chuyển tên quyền sử dụng đất dễ hơn. Nay ông không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông M.
Tại đơn khởi kiện ngày 11/7/2016 của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh huyện PT cùng các văn bản khác kèm theo thể hiện vào năm 2012 ông Nghĩa và bà Th có ký hợp đồng vay vốn tại Ngân hàng với số tiền là 115.000.000 đồng và lãi là 40.033.241 đồng. Vào năm 2017 bà Th đã thanh toán xong nợ cho Ngân hàng nên vào ngày 05/9/2017 Ngân hàng có đơn yêu cầu rút toàn bộ nội dung khởi kiện đối với bà Th.
Bà Võ Thị Th trình bày: Bà là vợ của ông Huỳnh Hữu Nghĩa (chết năm 2013), về nguồn gốc đất, việc vợ chồng bà đổi đất với cha chồng bà và có đổi đất với ông Lê Trung B và có lấy một phần diện tích đất đổi với ông Lê Trung B cầm cố cho Tô Văn H là đúng. Theo bà biết thì cha chồng bà cho ông M diện tích đất đổi với vợ chồng bà là đúng. Diện tích đất này do ông Nghĩa đứng tên quyền sử dụng đất và thế chấp vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh huyện PT vào thời gian nào bà cũng không nhớ, chỉ biết còn nợ lại vốn và lãi khoảng 145.000.000 đồng nhưng bà đã trả nợ xong cho Ngân hàng. Diện tích đất đổi với ông Lê Trung B hiện ông Đ đang quản lý chớ ông Đ không có đổi đất với ông Khắc. Nay ông M, ông H đang tranh chấp thì bà không có ý kiến gì. Đối với hợp đồng cầm cố đất giữa bà và ông Tô Văn H, ông M không khởi kiện nữa bà cũng không có yêu cầu gì.
Tại các biên bản hòa giải của Tòa án nhân dân huyện PT, ông Huỳnh Phương Đ trình bày: Thống nhất với lời trình bày của bà Th.
Ông Lê Trung B trình bày: Ông là con rể của ông Huỳnh Minh Bằng nên ông biết việc đổi đất giữa ông Nghĩa và ông già vợ của ông đúng như ông H trình bày. Đến năm 2000 thì ông già vợ của ông để lại toàn bộ diện tích đất này cho ông H. Đến 2001 thì ông H mới lấy diện tích đất 6.500 m2 trong tổng diện tích đất đổi với ông Nghĩa để đổi đất với ông nhưng ông cho con ông là Lê Tiệp Khắc đứng tên. Sau đó ông lấy một phần diện tích đất đổi của ông H để đổi với ông Nghĩa để ông có đường thoát nước. Vào ngày 27/12/2004 có đoàn đo đạc xuống khảo sát để cấp giấy chứng nhận thì ông Nghĩa mới làm giấy chuyển nhượng diện tích đất này cho con ông là Lê Tiệp Khắc để thuận lợi trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hiện tại diện tích đất đổi ông Nghĩa vẫn đứng tên quyền sử dụng đất, do ông Nghĩa thế chấp vay vốn vay ngân hàng nên ông không tách quyền sử dụng được.
Bà Võ Thị H thống nhất với lời trình bày của ông Huỳnh Văn M, không có bổ sung gì thêm.
Các đương sự còn lại được Tòa án triệu tập hợp lệ nhưng vẫn không cung cấp tài liệu, chứng cứ liên quan đến việc khởi kiện của ông M.
Tại bản án dân sự sơ thẩm số 42/2017/DS-ST ngày 28/9/2017 của Tòa án nhân dân huyện PT đã quyết định:
Căn cứ vào khoản 9 Điều 26 và điểm a khoản 1 điều 35, các Điều 157, 165, điểm c khoản 2 Điều 217, Điều 219 và các khoản 1, 3 Điều 228 của Bộ luật tố tụng dân sự và khoản 4 Điều 27 của Pháp lệnh số 10/2009/PL-UBTVQH12 ngày 27 tháng 02 năm 2009 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về án phí và lệ phí Tòa án.
Áp dụng Điều 688 Bộ luật dân sự năm 2005 và các điều 10, 50, 105, 136 Luật đất đai năm 2003.
1. Bác toàn bộ yêu cầu của ông Huỳnh Văn M về việc buộc ông H, bà C trả lại diện tích đất là 12.217,8 m2 tọa lạc tại ấp Thứ Vải B, xã Tân Hưng Tây, huyện PT.
2. Đình chỉ xét xử đối với yêu cầu của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh huyện PT về việc yêu cầu bà Võ Thị Th trả tổng số tiền là 155.033.251 đồng. Đương sự có quyền khởi kiện lại vụ án theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, án sơ thẩm còn tuyên về án phí, nghĩa vụ thi hành án và quyền kháng cáo theo quy định.
Ngày 07/10/2017 ông M kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm hủy hợp đồng chuyển đổi giữa ông Huỳnh Minh H với anh Lê Tiệp Khắc; giữa anh Lê Tiệp Khắc với anh Huỳnh Phương Đ; hủy hợp đồng cầm cố đất giữa bà Võ Thị Th với anh Tô Văn H; hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do ông Huỳnh Hữu Nghĩa đứng tên. Buộc ông H, bà C trả lại cho ông phần đất có diện tích 12.217,8m2.
Tại phiên tòa phúc thẩm, ông M xác định ông thay đổi một phần yêu cầu kháng cáo là không yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do ông Huỳnh Hữu Nghĩa đứng tên, đối với các nội dung kháng cáo còn lại thì giữ nguyên.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cà Mau phát biểu về việc tuân theo pháp luật của Hội đồng xét xử là đúng theo quy định của pháp luật tố tụng và các đương sự cũng chấp hành đúng với quyền và nghĩa vụ của các đương sự được pháp luật quy định. Đồng thời đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của ông M, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Luật sư bảo vệ quyền lợi ích của nguyên đơn có ý kiến tranh luận cho rằng phần đất đang tranh chấp có nguồn gốc của cụ Huỳnh Minh Bằng nhưng hiện nay do ông Huỳnh Hữu Nghĩa đứng tên nên việc cụ Bằng có di chúc cho ông Huỳnh Minh H là không đúng quy định pháp luật. Phần đất này là di sản của ông Nghĩa để lại nên bản thân bà Võ Thị Th không có quyền định đoạt như biên bản họp thân tộc xác định giao trả đất lại cho ông H. Di chúc được lập không đúng về hình thức theo quy định của Bộ luật dân sự. Án sơ thẩm không tuyên có chấp nhận hay không việc ông M yêu cầu hủy các giao dịch của ông H đối với phần đất tranh chấp là chưa giaỉ quyết một cách toàn diện vụ án. Ngoài ra án sơ thẩm còn vi phạm tố tụng do không đưa các con của ông Nghĩa vào tham gia tố tụng vì phần đất đang tranh chấp là di sản của ông Nghĩa để lại.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Tại hồ sơ và tại phiên tòa phúc thẩm, các đương sự đều thừa nhận phần đất tranh chấp có nguồn gốc là của cụ Huỳnh Minh Bằng (cha của nguyên đơn và bị đơn). Tuy nhiên, nguyên đơn cho rằng vào năm 1993 cụ Bằng đã tặng cho ông và ông cho ông H mượn lại để canh tác nên ông không thống nhất án sơ thẩm đã tuyên bác yêu cầu khởi kiện đòi lại đất của ông. Qua xem xét Hội đồng xét xử thấy rằng:
[1] Quan hệ tranh chấp trong vụ án này các đương sự đều xác định là tranh chấp quyền sử dụng đất và ông M xác định ông khởi kiện yêu cầu ông H trả lại phần đất mà cụ Bằng đã tặng cho ông và ông đã cho ông H mượn quản lý sử dụng từ năm 1995 đến nay. Do đó, án sơ thẩm chỉ xem xét và nhận định các căn cứ do ông M đưa ra để chứng minh phần đất tranh chấp có phải là của ông M hay không là hoàn toàn có căn cứ.
[2] Tại phiên tòa sơ thẩm và phiên tòa phúc thẩm, ông M thừa nhận chứng cứ cho yêu cầu khởi kiện của ông là các giấy xác nhận do ông nộp, ngoài ra thì ông không có chứng cứ gì chứng minh cho diện tích đất ông đang kiện đòi ông H, bà C trả được pháp luật công nhận là đất của ông hoặc có giấy tờ theo quy định của Luật đất đai năm 2003. Quá trình Tòa án giải quyết vụ án đã xác minh làm rõ các giấy xác nhận do ông M cung cấp cụ thể như của ông Huỳnh Văn Nh, bà Huỳnh Thị Vọng, bà Huỳnh Thị Tưởng, bà Huỳnh Thị Đ và chính những người đã xác nhận cho ông M cũng có nhiều lời khai mâu thuẫn với nhau, cụ thể: Đối với lời khai của ông Nhân, có lúc ông cho rằng cha ông cho ông M và ông M cho ông H mượn lại nhưng tại biên bản hòa giải ngày 13/7/2017 của Tòa án nhân dân huyện PT thì ông Nhân cho rằng phần đất trước đây cha mẹ cho ông M sau này ông M có cho ông H mượn hay không thì ông không biết; Đối với lời khai của bà Vọng, bà cho rằng bà biết ông Bằng có cho ông M diện tích đất là 12.960m2 và ông M sử dụng được 03 năm thì cho ông H mượn, điều này có sự mâu thuẫn với ông M về thời gian ông M sử dụng, canh tác trên diện tích đất này; Đối với lời khai của bà Tưởng, bà cho rằng bà biết ông Bằng có cho ông M diện tích đất là 12.960m2 và ông M sử dụng được 02 năm thì cho ông H mượn nhưng bản thân bà lại hoàn toàn không nhớ diện tích đất của những anh em khác được cho đất cùng thời điểm; Đối với lời khai của bà Đẹp thì bà biết việc ông M cho ông H mượn đất nhưng khi Tòa án xác minh lại thì bà cho rằng việc ông M có cho ông H mượn đất hay không thì bà không biết. Do đó, án sơ thẩm không chấp nhận chứng cứ do ông M đưa ra là hoàn toàn phù hợp.
[3] Ngoài ra, ông M và Luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho ông M còn cho rằng bà Võ Thị Th là vợ ông Huỳnh Hữu Nghĩa (người đang đứng tên quyền sử dụng đất) chính là chứng cứ có giá trị trực tiếp để khẳng định phần đất tranh chấp là của ông M, bà Th hiện nay vẫn xác định ông Nghĩa đứng tên quyền sử dụng đất giùm cho ông M. Tuy nhiên, lời khai của bà Th lại không nhất quán. Tại phiên sơ thẩm, bà Th xác định đất do ông Nghĩa đang đứng tên quyền sử dụng có đổi với ông Bằng diện tích là 13.000m2 là đúng sự thật nhưng tại phiên tòa phúc thẩm thì bà Th lại cho rằng phần đất đang tranh chấp là của ông Nghĩa không có việc ông Nghĩa đứng tên giùm cho ai nên đề nghị giao phần đất này cho ông M và có lúc bà Th cho rằng phần đất đang tranh chấp là của ông M do ông M đã hoán đổi đất với ông Bằng. Tại hồ sơ còn có biên bản họp gia đình ngày 08/11/2013 thể hiện bà Th, ông M, anh Đông đều thừa nhận “… còn lại nhà cửa tài sản trong nhà và một miến đất diện tích 19.600m2 có đổi cho em tôi là Huỳnh Minh H 13.000m2…”. Mặt khác, ông M cũng không chứng minh được ông được cha ông cho đất, trong khi đó phần đất này ông H đã quản lý, sử dụng ổn định từ năm 1994 cho đến nay. Do đó, án sơ thẩm xác định ông H không có mượn đất của ông M là có căn cứ.
[4] Đối với việc Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông M cho rằng di chúc của cụ Bằng không đúng về hình thức được pháp luật quy định và cụ Bằng đã định đoạt phần đất cho ông Huỳnh Hữu Nghĩa đứng tên, ông Nghĩa đã chết nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không đưa các con của ông Nghĩa vào tham gia tố tụng trong vụ án là vi phạm về mặt tố tụng. Qua xem xét Hội đồng xét xử thấy rằng, các đương sự không có tranh chấp về thừa kế nên Tòa án không xem xét tính hợp pháp của di chúc mà chỉ xem xét yêu cầu khởi kiện tranh chấp quyền sử dụng đất của ông M đối với vợ chồng ông H và có hay không việc ông M cho ông H mượn đất. Phần đất đang tranh chấp hiện nay do ông H quản lý sử dụng nhưng các con ông Nghĩa hoàn toàn không có tranh chấp nên không cần thiết đưa con ông Nghĩa vào tham gia tố tụng, do đó, vấn đề do Luật sự đặt ra không có căn cứ chấp nhận.
[5] Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông M cho rằng án sơ thẩm không tuyên có chấp nhận hay không việc ông M yêu cầu hủy các giao dịch của ông H đối với phần đất tranh chấp là chưa giải quyết một cách toàn diện vụ án và các giao dịch của ông H được thực hiện trong khi ông Nghĩa đang thế chấp quyền sử dụng đất tại Ngân hàng là vi phạm pháp luật. Xét thấy, việc yêu cầu đòi lại đất của ông M không được chấp nhận thì bản thân ông M không có quyền yêu cầu hủy các giao dịch của ông H trên phần đất tranh chấp, do các giao dịch này không ảnh hưởng đến quyền lợi của ông và những người có liên quan trực tiếp phần đất, cũng không có tranh chấp đối với giao dịch của ông H nên án sơ thẩm không xem xét là không sai.
[6] Đối với việc tự nguyện rút một phần kháng cáo của ông M về việc yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Nghĩa là phù hợp nên đình chỉ phần này.
[7] Từ những phân tích trên, Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của ông Huỳnh Văn M, ông M phải chịu án phí phúc thẩm theo quy định. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Đình chỉ một phần kháng cáo của ông Huỳnh Văn M về việc yêu cầu hủy giấy chứng nhận của ông Huỳnh Hữu Nghĩa.
Không chấp nhận kháng cáo của ông Huỳnh Văn M.
Giữ nguyên bản án sơ thẩm số 42/2017/DS-ST ngày 28/9/2017 của Tòa án nhân dân huyện PT.
Bác toàn bộ yêu cầu của ông Huỳnh Văn M về việc buộc ông H, bà C trả lại diện tích đất là 12.217,8 m2 tọa lạc tại ấp Thứ Vải B, xã Tân Hưng Tây, huyện PT.
Đình chỉ xét xử đối với yêu cầu của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh huyện PT về việc yêu cầu bà Võ Thị Th trả tổng số tiền là 155.033.251 đồng. Đương sự có quyền khởi kiện lại vụ án theo quy định của pháp luật.
Án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch, ông Huỳnh Văn M chịu là 12.217.800 đồng. Ông Huỳnh Văn M dự nộp tạm ứng tổng cộng là 3.840.000 đồng theo các biên lai thu tiền án phí lệ phí Tòa án số 08605 ngày 22/01/2015; 006364 ngày 20/01/2016; 0006612 ngày 30/6/2017 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện PT, tỉnh Cà Mau, nay đối trừ ông Huỳnh Văn M phải nộp thêm số tiền là 8.377.800 đồng.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chi nhánh huyện PT được nhận lại số tiền 3.875.800 đồng theo biên lai số 09357 ngày 13/7/2016 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện PT, tỉnh Cà Mau.
Án phí dân sự phúc thẩm: Ông Huỳnh Văn M phải nộp 300.000 đồng. Ngày 17/10/2017, ông M đã dự nộp 300.000 đồng theo biên lai số 0006759 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện PT được chuyển thu án phí.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 21/2018/DS-PT ngày 17/01/2018 về tranh chấp quyền sử dụng đất
Số hiệu: | 21/2018/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Cà Mau |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 17/01/2018 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về