Bản án 21/2017/HSST ngày 01/08/2017 về tội cố ý gây thương tích

TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN HÒA AN, TỈNH CAO BẰNG

BẢN ÁN 21/2017/HSST NGÀY 01/08/2017 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Trong các ngày 31 tháng 7 và ngày 01 tháng 8 năm 2017 tại Trụ sở Tòa án nhân dân huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng xét xử sơ thẩm vụ án hình sự thụ lý số: 19/2017/HSST ngày 01 tháng 6 năm 2017 đối với bị cáo:

VI MINH Đ; Sinh ngày: 16/10/1957.

Nơi ĐKHKTT và chỗ ở hiện nay: xóm P, xã Đ, huyện H, tỉnh Cao Bằng.

Nghề nghiệp: Làm ruộng; Quốc tịch: Việt Nam;

Tôn giáo: Không; Dân tộc: Tày; Trình độ văn hóa: 07/10.

Con ông: Vi Văn A (đã chết) và bà: Nguyễn Thị B (đã chết); có vợ là Trương Thị K, sinh năm 1957, trú tại: xóm P, xã Đ, huyện H, tỉnh Cao Bằng và 03 con.

Bị cáo có 04 chị em, bị cáo là con thứ 02 trong gia đình. Tiền án: Không; tiền sự: Không.

Hiện nay bị cáo đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn là cấm đi khỏi nơi cư trú, bị cáo có mặt tại phiên toà.

- Người bào chữa cho bị cáo: Ông Nguyễn C, thuộc Văn phòng luật sư Nguyễn C.

Địa chỉ: Số nhà 49, tổ 22 phường S, thành phố C, tỉnh Cao Bằng; Có mặt.

- Người bị hại: Bà Vi Thị N; Sinh năm: 1962

Địa chỉ: xóm P, xã Đ, huyện H, tỉnh Cao Bằng; Có mặt.

- Người bảo vệ quyền lợi của người bị hại: Ông Vương Bá H, thuộc Văn phòng luật sư Vương Bá H.

Địa chỉ: Số nhà 051, tổ 11 phường N, thành phố C, tỉnh Cao Bằng; Có mặt.

- Người làm chứng:

+ NLC1; sinh năm: 1978. Có mặt.

+ Bà Trương Thị K; sinh năm: 1957. Có mặt.

+ NLC2; sinh năm: 1959. Có mặt.

+ NLC3; sinh năm: 1959. Có mặt

+ NLC4; sinh năm: 1982. Có mặt

Cùng địa chỉ: xóm P, xã Đ, huyện H, tỉnh Cao Bằng. Có mặt

NHẬN THẤY

Bị cáo Vi Minh Đ bị Viện kiểm sát nhân dân huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng truy tố về hành vi phạm tội như sau:

Sáng ngày 05/7/2016 gia đình bị cáo Vi Minh Đ trú tại xóm P, xã Đ, huyện H, tỉnh Cao Bằng đi nhổ mạ, sau khi nhổ mạ xong gia đình đã đem mạ rải xuống đám ruộng M, xóm P, xã Đ, huyện H, tỉnh Cao Bằng để chuẩn bị cấy. Đến trưa mọi người về nhà nghỉ ăn cơm thì có bà Vi Thị N (gọi bị cáo bằng chú) ở cùng xóm P, xã Đ, huyện H, tỉnh Cao Bằng đi xuống đám ruộng của gia đình bị cáo (đám ruộng buổi sáng gia đình bị cáo vừa rải mạ xuống), bà N đã cầm lấy các bó mạ ném vào bụi rậm ở gần đó với mục đích là không cho gia đình bị cáo canh tác (theo bà N đây là ruộng đang tranh chấp).

Đến buổi chiều cùng ngày, bà Trương Thị K (vợ của bị cáo) cùng NLC2, NLC3 đến cấy lúa thì thấy những bó mạ ở trong ruộng chỉ còn một vài bó thưa thớt, quan sát xung quanh thì thấy những bó mạ đã bị ném vào bụi rậm, bụi chuối nằm ngổn ngang gần đó, bà K liền đi nhặt các bó mạ về rải xuống ruộng để cấy nhưng vì lúc đó đang có người đến giúp cấy nên bà K về gọi chồng là bị cáo Đ và con trai Vi Văn L đến giúp nhặt các bó mạ bị vứt rải xuống ruộng để kịp cho NLC2 và NLC3 cấy giúp, hai bố con bị cáo đến và tìm nhặt các bó mạ rải xuống ruộng. Sau khi tìm nhặt các bó mạ xong thì L về nhà, còn bị cáo ở lại và ngồi ở bờ ruộng của gia đình lúc này có NLC2, NLC3 đang cấy ở đó (khoảng 15 giờ). Cùng lúc đó bà N đi đến trên vai vác 01 chiếc đòn sóc, sau lưng đeo theo con dao quắm và dắt theo 02 con trâu đang trên đường, bị cáo nhìn thấy bà N liền lên tiếng nói với bà N “Sao mày lại ném mạ của tao đi”, bà N đáp lại “Tao cứ ném sợ gì mày”, cứ thế hai bên lời qua tiếng lại chửi nhau được một lúc thì dẫn đến xô sát lẫn nhau, bị cáo dùng đòn gánh vụt vào bà N và bà N dùng đòn sóc đỡ. Hậu quả: chiếc đòn sóc của bà N bị gẫy, bà N bị thương tích vào vùng trán bên trái rách da chảy máu và vùng khuỷu tay, bị đánh đau bà N liền gọi em trai là NLC1 đang cày ruộng ở gần đó đến giúp.

Nghe thấy vậy, NLC1 liền chạy đến kéo giữ và can ngăn bị cáo không cho đánh nhau thì sự việc mới được chấm dứt. Sau đó, NLC1 đến báo chính quyền, nhận được tin báo chính quyền xóm P, xã Đ, huyện H, tỉnh Cao Bằng đã đến hiện trường lập biên bản vụ việc và có thu giữ được 01 đoạn đòn sóc bị gẫy. Chính quyền xóm làm việc xong thì bà N đi về nhà và được em trai là NLC1 đưa đi bệnh viện huyện H, tỉnh Cao Bằng để chữa trị, bà N vào viện lúc 19 giờ 15 phút cùng ngày, sau đó chuyển đến bệnh viện tỉnh Cao Bằng để điều trị.

Hậu quả của việc đánh nhau giữa bị cáo và bà N đã làm cho bà N bị thương, theo kết quả giám định của Trung tâm pháp y tỉnh Cao Bằng kết luận: Bà Vi Thị N bị gãy xương trụ tay trái, sẹo phần mềm vùng trán và sẹo cẳng tay trái ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên là 15%.

Tại Bản cáo trạng số: 18/CTr-KSĐT ngày 17/5/2017 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Hòa An, Cao Bằng truy tố bị cáo Vi Minh Đ về tội “Cố ý gây thương tích” theo Khoản 2 Điều 104 Bộ luật hình sự.

Tại phiên tòa vị đại diện viện kiểm sát giữ quyền công tố vẫn giữ nguyên quyết định truy tố và đề nghị Hội đồng xét xử: tuyên bố bị cáo Vi Minh Đ phạm tội “Cố ý gây thương tích”; áp dụng điểm a khoản 1 khoản 2 Điều 104; Điểm b, đ khoản 1 Điều 46; Điều 60 của Bộ luật hình sự. Đề nghị mức hình phạt đối với bị cáo là 24 đến 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

- Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 584, 585, 586, 590 Bộ luật dân sự để xem xét, giải quyết.

- Về vật chứng: Áp dụng Khoản 2 Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự đối với: 01 (Một) đoạn cây tròn bằng tre dài 70 cm, có đường kính khoảng 05 cm (hai đầu đoạn cây vát nham nhở). Hiện không còn giá trị sử dụng nên tịch thu, tiêu hủy.

Tại phần tranh luận bị cáo và người bào chữa của bị cáo, người bảo vệ quyền lợi của bị hại có ý kiến về bản luận tội của kiểm sát viên.

Ý kiến của bị cáo: Không nhất trí với bản luận tội của đại diện Viện kiểm sát. Theo bị cáo thì bị cáo không cố ý gây thương tích cho bà N, không được dùng đòn gánh đánh bà N. Do bà N cầm đòn sóc đánh bị cáo trước, bị cáo cướp được một nửa chiếc đòn sóc của bà N bị gẫy nên mới đánh trả lại.

Ý kiến phát biểu của người bào chữa cho bị cáo tại phiên tòa cho rằng cáo trạng truy tố bị cáo tội cố ý gây thương tích theo Khoản 2 Điều 104 là chưa đủ cơ sở với các lý do sau: Hành vi phạm tội của bị cáo từ giai đoạn điều tra bị cáo khai là tự vệ không được dùng đòn gánh để đánh bà N, cùng với lời khai của NLC2 tại phiên tòa khai không nhìn thấy bị cáo dùng chiếc đòn gánh để đánh bà N. Khi xảy ra đánh nhau do phía bị hại đánh trước, bị cáo gây ra thương tích cho bà N là do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng; Các lời khai của các nhân chứng có sự mâu thuẫn; Chiếc đòn gánh cơ quan điều tra không thu giữ được đây là vật chứng để chứng minh “Có hành vi phạm tội xảy ra hay không, là chứng cứ để xác định hành vi xảy ra đó có đủ yếu tố cấu thành tội phạm cụ thể được quy định trong Bộ luật hình sự hay thuộc các trường hợp không phải là hành vi phạm tội (Phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết, sự kiện bất ngờ, quan hệ dân sự, kinh tế, vi phạm hành chính,...)”. 

Căn cứ vào điểm a khoản 2 Điều 1 của Thông tư liên tịch 01/2010/TTLT-VKSNDTC-BCA-TANDTC ngày 27/8/2010 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao-Bộ công an-Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Đề nghị hội đồng xét xử xem xét hoãn phiên tòa trả hồ sơ cho viện kiểm sát để điều tra bổ sung về thu thập chứng cứ. Bị cáo có tội đến đâu thì phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi mà bị cáo gây ra. Đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại căn cứ theo quy định của pháp luật để giải quyết. Những khoản bị hại yêu cầu không có căn cứ, không có hóa đơn thì bị cáo sẽ không bồi thường.

Ý kiến phát biểu của người bảo vệ quyền lợi cho người bị hại bà N: Nhất trí với bản luận tội của đại diện viện kiểm sát đề nghị xử phạt bị cáo mức 24 đến 30 tháng tù cho hưởng án treo là phù hợp với quy định của pháp luật.

Qua quá trình xét hỏi và tranh tụng tại phiên tòa xác định về lỗi là phía bà N có lỗi trước, nguyên nhân giữa hai gia đình có mâu thuẫn về tranh chấp đất đai bà N thấy giải quyết chưa hợp lý, do đó bà N thấy bức xúc nên mới xảy ra việc bà N có hành vi vứt mạ ngày 5/7/2016. Lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra cũng như tại phiên tòa khai quanh co, không thành khẩn, lời khai của những người làm chứng cụ thể lời khai NLC2 có thay đổi, mâu thuẫn so với lời khai tại cơ quan điều tra đã gây khó khăn cho công tác xét xử và làm phức tạp thêm vụ án. Về vật chứng của vụ án không thu giữ được chiếc đòn gánh đây là lỗi từ cấp cơ sở lập biên bản sự việc sơ sài, dẫn đến công tác điều tra gặp khó khăn. Tuy nhiên, lời khai của những người làm chứng tại cơ quan điều tra khẳng định bị cáo được dùng đòn gánh để đánh bà N và đòn sóc của bà N bị gẫy. Bị cáo thừa nhận là được dùng đòn sóc bị gẫy đánh bà N đây là cơ sở để buộc tội bị cáo là có căn cứ.

Bị cáo không nhất trí với bản kết quả giám định vì khi giám định không có mặt của bị cáo. Tuy nhiên theo quy định của pháp luật khi giám định không cần có mặt của bị cáo nên phía bị hại bác bỏ yêu cầu của bị cáo.

Về trách nhiệm bồi thường dân sự: Căn cứ điều 590 BLDS năm 2015 yêu cầu bị cáo bồi thường thiệt hại sức khỏe cho bị hại bao gồm: Chi phí thuốc men theo hóa đơn là 16.380.000đ; Bồi dưỡng sức khỏe sau khi điều trị 3.000.000đ; Công người phục vụ 16 ngày x 160.000đ/ ngày = 2.560.000đ; mất thu nhập là 16 ngày x 160.000d/ ngày = 2.560.000đ; Sức khỏe bị giảm sau khi ra viện chưa lao động được 4.300.000đ; Xăng xe đi lại bệnh viện 2 chiều 400.000đ; Chi phí rút đinh theo chỉ dẫn của bác sỹ chưa có hóa đơn 4.500.000đ tổng số tiền bị hại yêu cầu là 34.760.000đ. Ngoài ra khoản tiền mất sức khỏe vĩnh viễn theo đơn ban đầu 10.000.000đ nay không yêu cầu nữa.

Ý kiến của đại diện viện kiểm sát vẫn giữ nguyên quan điểm:

- Không nhất trí với lời khai của bị cáo: Lời khai của bị cáo không đúng thực tế khách quan. Theo bị cáo cho rằng: Bà N xuống ruộng nhổ lúa, bị cáo.

mới lôi bà N lên bờ làm cho bà N bị ngã ra. Sau đó, bà N cầm đòn sóc đánh bị cáo, bị cáo cướp lấy đòn sóc, bà N lại dùng dao dạng liềm đánh bị cáo thì bị cáo mới dùng đòn sóc chống lại, làm cho đòn sóc bị gẫy nên mảnh gẫy đòn sóc bay vào bà N làm bà N thương tích là không có căn cứ vì:

+ Không có sự việc bà N xuống ruộng nhổ lúa, chỉ có lời khai của bị cáo là như vậy, biên bản hiện trường không có.

+ Bà N không mang theo dao dạng liềm. 

+ Không có căn cứ nào để chứng minh lời khai của bị cáo là đúng thực tế.

- Về ý kiến phản biện đối với người bào chữa cho bị cáo, đại diện Viện kiểm sát trình bày:

+ Không đồng ý với ý kiến của người bào chữa cho bị cáo cho rằng: hành vi của bị cáo chỉ là phòng vệ, vì: Khi bà N trên vai vác đòn sóc dắt trâu đi đến thì liền xảy ra cãi cọ, thách thức lẫn nhau, sau đó dẫn đến việc bị cáo dùng đòn gánh đánh, bà N cầm đòn sóc chống đỡ làm đòn sóc gãy (sự việc được chứng minh qua lời khai của NLC2, NLC1 và dấu vết vật chứng để lại).

+ Không nhất trí với ý kiến của người bào chữa cho bị cáo cho rằng: hành vi của bị cáo là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, bởi vì: Không có sự việc bà N xuống ruộng nhổ lúa do đó không có việc bị cáo kéo bà N lên làm cho bà N ngã, sau đó bà N cầm đòn sóc đánh, bị cáo tước lấy, bà N lại dùng dao dạng liềm đánh nên bị cáo mới dùng đòn sóc chống đỡ làm đòn sóc gãy văng vào người bà N.

+ Theo ý kiến của người bào chữa cho bị cáo cho rằng: Lời khai của các nhân chứng đều có sự mâu thuẫn. Quan điểm của vị đại diện Viện kiểm sát cho rằng: Nhân chứng khai không mâu thuẫn, phù hợp với kết quả, thể hiện qua nhân chứng NLC2, NLC1, bị hại bà N và dấu vết của vật chứng, NLC3 có thấy tiếng cây va đập vào nhau, bà K có để đòn gánh ở chỗ xảy ra đánh nhau. Những lời khai khác của NLC3, bà K không khách quan vì bà K là vợ bị cáo, NLC3 có mâu thuẫn với bà N.

+ Về chiếc đòn gánh, người bào chữa cho bị cáo cho rằng: không thu giữ được chiếc đòn gánh để chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo. Đại diện viện kiểm sát nhất trí với ý kiến này của người bào chữa cho bị cáo. Tuy nhiên, việc không thu giữ được chiếc đòn gánh là do: Sự yếu kém của cấp xã ghi lại biên bản hiện trường không chặt chẽ, kịp thời, nhưng có đủ căn cứ để chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo, thể hiện: Bà K để đòn gánh ở chỗ xảy ra đánh nhau; NLC1, NLC2 đều khẳng định bị cáo cầm đòn gánh để đánh bà N; dấu vết va đập làm đòn sóc gãy không phải do dao dạng liền gây ra; NLC3 cũng nghe thấy tiếng cây va đập vào nhau khi xảy ra đánh nhau.

Do đó có đủ cơ sở để kết luận: Việc bị cáo dùng đòn gánh đánh bà N gây thương tích là có căn cứ, đại diện Viện kiểm sát giữ nguyên quan điểm truy tố.

Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu đã được thẩm tra tại phiên toà, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà. Trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa của bị cáo, bị hại và những người tham gia tố tụng khác.

XÉT THẤY

Tại phiên toà hôm nay bị cáo Vi Minh Đ không nhất trí với nội dung bản cáo trạng phản ánh về hành vi phạm tội của bị cáo, bị cáo không thừa nhận được dùng đòn gánh để đánh bà N mà chỉ thừa nhận sau khi cãi nhau với bà N do bà N xuống ruộng để nhổ những cây lúa vừa cấy thì bị cáo kéo bà N lên nên bà N bị ngã ra bờ đường. Sau đó, bà N cầm đòn sóc đánh bị cáo trước. Lúc này, bị cáo cướp được đòn sóc thì bà N cầm dao (dạng liềm) có tra cán đánh lại bị cáo, trong lúc hai người đánh nhau thì đòn sóc bị gãy do đập trúng dao bà N đang cầm trên tay và đoạn đòn sóc bị gãy văng trúng trán bà N gây ra vết thương và bị cáo thừa nhận có được cầm đoạn đòn sóc bị gãy đánh vào người, 02 tay và chân bà N.

Tuy nhiên lời khai của bà N khẳng định sau khi hai người cãi nhau thì bị cáo có được cầm đòn gánh đánh bà N và bà N có được cầm đòn sóc chống đỡ lại và đòn gánh của bị cáo đánh trúng đòn sóc, làm cho đòn sóc gãy nhiều đoạn. Việc bị cáo cầm đòn gánh còn được thể hiện tại lời khai của NLC1 (em trai bà N) lúc đến can ngăn hai người đánh nhau và được thể hiện trong lời khai của người làm chứng là NLC2 đến giúp gia đình bị cáo cấy ruộng. Lời khai của những người làm chứng tại cơ quan điều tra đều khẳng định là bị cáo có cầm đòn gánh và bà N cầm đòn sóc hai người dùng cây đánh nhau và còn nghe thấy tiếng đòn sóc của bà N bị gãy, còn việc đánh vào vị trí nào trên cơ thể thì NLC2, NLC3 không xác định được. Ngoài ra, NLC2, NLC3 còn xác định bà N chỉ dắt theo 01con dao quắm dài khoảng 30 cm ở sau lưng, không thấy bà N cầm theo dao (dạng liềm) và xác định không thấy bà N xuống ruộng để nhổ những cây lúa vừa cấy như trong lời khai của bị cáo.

Lời khai tại phiên tòa và lời khai tại cơ quan điều tra của NLC2, NLC3 có sự mâu thuẫn nhau. Tại phiên tòa NLC2, NLC3 khai là do thời gian quá lâu nên không nhớ nhưng lời khai tại cơ quan điều tra của NLC2 ngày 02/11/2016 khẳng định bị cáo được dùng đòn gánh để đánh bà N là phù hợp với lời khai của NLC1 và bà N, lời khai của NLC3 ngày 11/7/2016 tại cơ quan điều tra khai không nhìn thấy. Đối với bà K (là vợ bị cáo) thừa nhận là có dùng đòn gánh để đi gánh mạ xuống ruộng, sau đó để đòn gánh ở trên bờ ruộng nơi xảy ra đánh nhau. Tuy bị cáo không thừa nhận là được dùng đòn gánh để đánh bà N nhưng qua các lời khai của những người làm chứng đều khẳng định bị cáo được dùng đòn gánh để đánh bà N trước làm cho chiếc đòn sóc của bà N bị gẫy là có căn cứ.

Như vậy, có đủ cơ sở để khẳng định hành vi phạm tội của bị cáo như sau: Vào khoảng 15 giờ ngày 05/7/2016 tại gần đám ruộng M, xóm P, xã Đ, huyện H, tỉnh Cao Bằng, xuất phát từ việc bà Vi Thị N có hành vi ném mạ, ngăn cản không cho phía gia đình bị cáo cấy lúa, nên đã xảy ra việc bị cáo dùng đòn gánh và bà Vi Thị N dùng đòn sóc đánh nhau gây thương tích. Hậu quả bà N bị thương phải đi bệnh viện Đa khoa huyện H và bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng để điều trị từ ngày 05/7/2016 đến ngày 20/07/2016.

Căn cứ vào các lời khai và tài liệu thu thập được xác định nguyên nhân dẫn đến vụ việc xảy ra đánh nhau giữa bị cáo và bà N vào ngày 05/7/2017 là do có phần lỗi từ bà N, cụ thể là buổi trưa cùng ngày bà N đã có hành vi nhặt ném các bó mạ của gia đình bị cáo vừa rải xuống ruộng để cấy. Sau khi gặp nhau giữa bị cáo và bà N có sự cãi nhau và bà N có nói lời thách thức dẫn đến tinh thần bị cáo bị kích động. Trong quá trình xảy ra đánh nhau cả hai người đều dùng hung khí (đòn gánh và đòn sóc).

Tuy nhiên về sức mạnh thì bị cáo là người đàn ông và cầm đòn gánh còn bà N là phụ nữ và cầm đòn sóc nên khi phang cây vào nhau đòn sóc bà N đã bị gẫy. Sau đó, bị cáo còn tiếp tục đánh bà N dẫn đến gây thương tích cho bà N. Mặc dù bị cáo không thừa nhận là được dùng đòn gánh để đánh nhưng bị cáo được dùng nửa đòn sóc để đánh đây là hung khí nguy hiểm theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 104 của Bộ luật hình sự và theo quy định tại Nghị quyết 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự.

Theo bản kết luận giám định pháp y về thương tích của Trung tâm pháp y tỉnh Cao Bằng số 081/2016/TgT ngày 11/8/2016 kết luận:

- Bà Vi Thị N bị gãy thân xương trụ tay trái, sau mổ kết hợp xương, xương thẳng trục, can tốt: 10%

- Vết sẹo phần mềm vùng trán và sẹo cẳng tay trái ảnh hưởng đến thẩm mỹ: 06%.

Tỉ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là 15%.

Tại phiên tòa bị cáo yêu cầu phía bị hại phải bồi thường 1.000.000đ cho việc bà N đã có hành vi vứt mạ của bị cáo ngày 5/7/2016 bao gồm tiền công thuê người nhổ mạ và tiền thóc giống. Đối với bồi thường thiệt hại sức khỏe mà bà N yêu cầu bị cáo chỉ chấp nhận một nửa số tiền chi phí theo hóa đơn thuốc, ngoài ra không chấp nhận khoản nào thêm.

Bà N yêu cầu bị cáo bồi thường thiệt hại sức khỏe do bị cáo gây ra bao gồm chi phí thực tế thuốc men, công người phục vụ, mất thu nhập, xăng xe, Bồi dưỡng sức khỏe, sức khỏe bị giảm sau 2 tháng ra viện chưa lao động được, tiền tổn hại sức khỏe vĩnh viễn tổng số tiền 34.760.000đ. Tại phiên tòa bà N chỉ chấp nhận bồi thường thiệt hại tài do lỗi của mình gây ra ngày 5/7/2016 cho bị cáo là 80.000đ.

Đối với ý kiến đề nghị của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại đề nghị là có cơ sở, căn cứ theo quy định của pháp luật để xem xét mức bồi thường nên cần được chấp nhận.

Đối với ý kiến đề nghị của người bào chữa cho bị cáo đề nghị hội đồng xét xử xem xét hoãn phiên tòa trả hồ sơ cho viện kiểm sát để điều tra bổ sung về thu thập chứng cứ là chưa đủ cơ sở để chấp nhận. Tuy bị cáo không thừa nhận là được dùng đòn gánh để đánh nhưng bị cáo được dùng nửa đòn sóc để đánh bà N gây ra thương tích. Căn cứ lời khai của những người làm chứng đều khẳng định bị cáo dùng đòn gánh đánh trước, trong lúc xô sát hai chiếc đòn phang vào nhau làm cho chiếc đòn sóc bà N đã bị gẫy. Sau đó, bị cáo còn tiếp tục đánh bà N dẫn đến gây thương tích cho bà N. Đây là hung khí nguy hiểm nên bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi mà bị cáo gây ra và có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật là có căn cứ.

Căn cứ vào đơn trình báo của người bị hại, lời khai của những người làm chứng và các chứng cứ bệnh án, bản giám định pháp y về thương tích số 081/2016/TgT ngày 11/8/2016 của trung tâm pháp y Sở Y tế Cao Bằng về phần giám định thương tích đối với Vi Thị N, kết luận tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là: 15%. Như vậy, hành vi của bị cáo đã đủ yếu tố cấu thành tội "Cố ý gây thương tích" được quy định tại khoản 2 Điều 104 Bộ luật hình sự.

Điều 104 BLHS quy định:

"1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm: 

a, Dùng hung khí nguy hiểm, hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;

b, ....................................

2. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm".

Như vậy bản cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện Hoà An, Cao Bằng truy tố bị cáo Vi Minh Đ về tội: "Cố ý gây thương tích" theo khoản 2 điều 104 Bộ luật hình sự là có căn cứ, đúng pháp luật do đó cần xử nghiêm hành vi đó để đảm bảo tính giáo dục riêng đối với bị cáo và phòng ngừa chung.

Xét tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm quyền được bảo hộ về sức khoẻ của con người, hành vi của bị cáo đã làm ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Do vậy bị cáo Vi Minh Đ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi Cố ý gây thương tích mà bị cáo đã thực hiện.

Xét nhân thân bị cáo có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự. Tuy nhiên, xét về mức độ hành vi của bị cáo là nghiêm trọng, bị cáo là người có đầy đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự đã coi thường tính mạng, sức khoẻ của người khác, coi thường pháp luật, gây thương tích cho bà N là sai trái. Tuy nhiên xác định về lỗi bên bà N cũng có lỗi trước, giữa bị cáo và bị hại có quan hệ họ hàng chú cháu, chỉ do xích mích mâu thuẫn về việc giải quyết đất đai giữa hai gia đình dẫn đến cãi nhau, do bị cáo không kiềm chế được bản thân mà đã thực hiện hành vi với lỗi cố ý.

Hành vi của bị cáo đã xâm phạm trực tiếp đến thân thể của người khác, bị cáo dùng đòn gánh đánh bà N trước làm cho đòn sóc bà N bị gẫy sau đó bị cáo dùng nửa đòn sóc bị gẫy đánh bà N, đây được coi là dùng hung khí nguy hiểm, là tình tiết định khung hình phạt của tội cố ý gây thương tích.

Hơn nữa, tại cơ quan điều tra và tại phiên tòa hôm nay bị cáo không thành khẩn khai báo, lời khai của bị cáo mâu thuẫn với lời khai của người bị hại, người làm chứng trong vụ án cụ thể là không được dùng đòn gánh đánh bà N mà chỉ khai nhận sau khi cướp được đòn sóc từ bà N mới dùng đòn sóc để đánh bà N. Bị cáo đã có thời gian phục vụ trong quân đội, có hiểu biết về pháp luật, nhận thức được hành vi gây thương tích là nguy hiểm cho xã hội, ảnh hưởng đến sức khỏe người khác nhưng vẫn thực hiện. Do đó, để bảo vệ tính mạng, sức khoẻ của công dân được pháp luật bảo vệ, nhằm gìn giữ trật tự an ninh tại địa phương và răn đe những người có ý định dùng vũ lực xâm hại sức khoẻ, tính mạng của người khác, những người có ý định vi phạm pháp luật cần buộc bị cáo chịu hình phạt tương xứng với hành vi bị cáo đã thực hiện.

Tại cơ quan điều tra và tại phiên tòa bị cáo khai báo quanh co nhằm che dấu hành vi phạm tội của bản thân gây khó khăn trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử. Sau khi thực hiện hành vi xong bị cáo không đến thăm hỏi người bị hại do hai bên không thể thỏa thuận được với nhau. Xong bị cáo đã có thiện trí tạm nộp số tiền bồi thường là 5.000.000đ (Năm triệu đồng) theo biên lai thu số AA/2011/00670 ngày 21/7/2017 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Hòa An. Bị cáo phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của bị hại. Tại phiên tòa bị hại bà N yêu cầu Hội đồng xét xử xem xét mức hình phạt của bị cáo theo quy định của pháp luật. Các tình tiết giảm nhẹ này được quy định tại điểm b, đ khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự.

Từ những nhận định, đánh giá trên đây, xét thấy không cần thiết phải cách ly bị cáo ra khỏi xã hội một thời gian mà vẫn cải tạo bị cáo thành người công dân lương thiện có ích cho xã hội nên khi xem xét mức hình phạt hội đồng xét xử cân nhắc với mức tương xứng.

- Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng các Điều 584, 585, 586, 590 Bộ luật dân sự. Bà N yêu cầu bị cáo phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại sức khỏe do bị cáo gây ra và nhất trí theo yêu cầu của người bảo vệ quyền lợi cho bị hại đưa ra bao gồm: Chi phí thực tế thuốc men, công người phục vụ, mất thu nhập, xăng xe, Bồi dưỡng sức khỏe, sức khỏe bị giảm sau 2 tháng ra viện chưa lao động được, tiền tổn hại sức khỏe vĩnh viễn tổng số tiền 34.760.000đ trong thời gian điều trị từ ngày 05/7/2016 đến ngày 20/07/2016 cụ thể:

- Chi phí cho việc chữa trị theo hóa đơn với số tiền: 16 380.000đ (Mười sáu triệu ba trăm tám mươi nghìn đồng) đây là chi phí thực tế nên cần được chấp nhận.

- Thu nhập thực tế bị mất:

+ Trong thời gian điều trị : 16 ngày x 160.000đ/ngày = 2.560.000đ (Hai triệu năm trăm sáu mươi nghìn đồng)

+ Chi phí cho người phục vụ, chăm sóc trong thời gian điều trị tại bệnh viện: 16 ngày x 160.000đ/ngày = 2.560.000đ (Hai triệu năm trăm sáu mươi nghìn đồng) 

Hai khoản này cần được chấp nhận là phù hợp với quy định của pháp luật

- Chi phí xe đi lại: 400.000đ (Bốn trăm nghìn đồng) đây là chi phí thực tế nên cần được chấp nhận.

- Chi phí tháo đinh chấn chỉnh lại vết thương: 4.500.000đ (Bốn triệu năm trăm nghìn đồng) khoản tiền này chưa có hóa đơn nhưng thực tế sẽ phải chi phí sau theo chỉ dẫn của bác sỹ do vậy cần được chấp nhận.

- Sau thời gian điều trị sức khỏe bị tổn hại 02 tháng giảm 75% sức lao động với số tiền: 4.300.000đ (Bốn triệu ba trăm nghìn đồng) khoản tiền này do sau khi ra viện sức lao động bị giảm nên cần được chấp nhận.

- Bồi dưỡng sức khỏe số tiền 3.000.000đ (Ba triệu đồng) khoản tiền này cần được chấp nhận.

- Chi phí tổn hại sức khỏe vĩnh viễn: 10.000.000đ (Mười triệu đồng) khoản tiền này nay bà N không yêu cầu do vậy Hội đồng xét xử không đặt vấn đề xem xét giải quyết.

Tổng số tiền bà N đề nghị bị cáo phải bồi thường là 34.760.000đ nhưng sau đối chiếu với các khoản tiền mà bà N yêu cầu tại phiên tòa là 33.700.000đ (Ba mươi ba triệu bảy trăm nghìn đồng). Đây là các khoản chi phí thực tế và phù hợp với quy định của pháp luật do vậy cần được chấp nhận.

Tại phiên tòa bị cáo yêu cầu bà N phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại tài sản do bà N đã có hành vi vứt mạ ngày 5/7/2016 với số tiền: 1.000.000đ (Một triệu đồng). Đây là lỗi của bà N gây ra nên buộc bà N phải có trách nhiệm bồi thường cho bị cáo là phù hợp với quy định của pháp luật. Tuy nhiên số tiền bị cáo đưa ra là quá cao, bị cáo không chứng minh được số lượng mạ bị mất, nên chỉ được chấp nhận một nửa là 500.000đ (Năm trăm nghìn đồng).

Tuy nhiên khi xét về lỗi bên bà N cũng có lỗi do vậy khi xem xét mức bồi thường thiệt hại cần phải xem xét đến lỗi của bà N phải chịu 3 phần lỗi trên tổng số tiền được chấp nhận là 10.110.000đ (Mười triệu một trăm mười nghìn đồng) và bà N còn phải bồi thường cho bị cáo số tiền 500.000đ (Năm trăm nghìn đồng) bồi thường thiệt hại tài sản số mạ bị mất. Bị cáo phải chịu 7 phần lỗi với tổng số tiền bị cáo phải bồi thường: 23.590.000đ (Hai mươi ba triệu năm trăm chín mươi nghìn đồng), nhưng được đối trừ số tiền 500.000đ mà bà N phải bồi thường cho bị cáo và số tiền bị cáo đã tạm nộp số tiền bồi thường là 5.000.000đ (Năm triệu đồng) theo biên lai thu số AA/2011/00670 ngày 21/7/2017 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Hòa An.

Tổng số tiền bị cáo còn bồi thường thiệt hại sức khỏe cho bà N với số tiền: 18.090.000đ (Mười tám triệu không trăm chín mươi nghìn đồng).

- Về vật chứng: Áp dụng Điều 41 Bộ luật hình sự; Khoản 2 Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự đối với: 01 (Một) đoạn cây tròn bằng tre dài 70 cm, có đường kính khoảng 05 cm (hai đầu đoạn cây vát nham nhở). Đây là vật chứng của vụ án hiện không còn giá trị sử dụng nên tịch thu, tiêu hủy là phù hợp với quy định của pháp luật.

- Về án phí: Áp dụng điều 99 Bộ luật tố tụng hình sự; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án. Buộc bị cáo Vi Minh Đ phải chịu án phí hình sự sơ thẩm và án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch; Bà N phải chịu án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch để sung quỹ Nhà nước là phù hợp với quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

1.Tuyên bố: Bị cáo Vi Minh Đ phạm tội “Cố ý gây thương tích”.

Áp dụng: Khoản 2 Điều 104; điểm b, đ khoản 1 Điều 46; Điều 60 của Bộ luật hình sự.

- Xử phạt: Bị cáo Vi Minh Đ 24 (Hai mươi bốn) tháng tù, cho hưởng án treo. Thời gian thử thách là 48 (Bốn mươi tám) tháng. Tính từ ngày tuyên án sơ thẩm ngày 01/8/2017, giao bị cáo Vi Minh Đ cho Uỷ ban nhân dân xã Đ, huyện H, Cao Bằng giám sát và giáo dục trong thời gian thử thách.

2. Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng các Điều 584, 585, 586, 590 Bộ luật dân sự.

- Buộc bà Vi Thị N phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tài sản cho bị cáo Vi Minh Đ trú tại: xóm P, xã Đ, huyện H, tỉnh Cao Bằng số tiền là: 500.000đ (Năm trăm nghìn đồng).

- Buộc bị cáo Vi Minh Đ phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại sức khoẻ cho người bị hại bà Vi Thị N trú tại: xóm P, xã Đ, huyện H, tỉnh Cao Bằng số tiền: 23.590.000đ (Hai mươi ba triệu năm trăm chín mươi nghìn đồng), nhưng được đối trừ số tiền 500.000đ (Năm trăm nghìn đồng) mà bà N phải bồi thường cho bị cáo và số tiền bị cáo đã tạm nộp số tiền bồi thường là 5.000.000đ (Năm triệu đồng) theo biên lai thu số AA/2011/00670 ngày 21/7/2017 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Hòa An, Cao Bằng. Nay bị cáo còn phải bồi thường thiệt hại sức khỏe cho bà N với số tiền là: 18.090.000 (Mười tám triệu không trăm chín mươi nghìn đồng).

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, người bị hại bà N có đơn yêu cầu thi hành án, nếu bị cáo không thi hành khoản tiền bồi thường nêu trên thì hàng tháng bị cáo còn phải trả cho người bị hại số tiền lãi theo mức lãi suất cơ bản do N hàng nhà nước qui định tương ứng với số tiền và thời gian chậm thanh toán.

3. Về vật chứng: Áp dụng Điều 41 Bộ luật hình sự; Khoản 2 Điều 76 BLTTHS. 

Tịch thu, tiêu hủy đối với: 01 (Một) đoạn cây tròn bằng tre dài 70 cm, có đường kính khoảng 05 cm (hai đầu đoạn cây vát nham nhở).

Vật chứng này đang được tạm giữ tại kho Chi cục Thi hành án dân sự huyện Hoà An, Cao Bằng theo biên bản giao nhận vật chứng ngày 26/5/2017.

4.Về án phí: Áp dụng Điều 99 Bộ luật tố tụng hình sự; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án.

Buộc bị cáo Vi Minh Đ phải chịu 200.000đ (Hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự sơ thẩm và 904.500đ (Chín trăm linh tư nghìn năm trăm đồng) án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch. Tổng cộng cả hai khoản án phí bị cáo phải nộp là 1.104.500đ (Một triệu một trăm linh tư nghìn năm trăm đồng) để sung công quỹ nhà nước.

Buộc bà Vi Thị N phải chịu 300.000đ (Ba trăm nghìn đồng) án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch để sung công quỹ nhà nước.

Trường hợp bản án, quyết định thi hành theo qui định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo qui định tại các điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo qui định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Án xử công khai sơ thẩm có mặt bị cáo, người bào chữa của bị cáo, Người bị hại; Người bảo vệ quyền lợi cho người bị hại; báo cho biết có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

316
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 21/2017/HSST ngày 01/08/2017 về tội cố ý gây thương tích

Số hiệu:21/2017/HSST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Hoà An - Cao Bằng
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 01/08/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;