Bản án 211/2021/HS-PT về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước quản lý kinh tế, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG

BẢN ÁN 211/2021/HS-PT NGÀY 26/04/2021 VỀ TỘI CỐ Ý LÀM TRÁI QUY ĐỊNH CỦA NHÀ NƯỚC QUẢN LÝ KINH TẾ, THIẾU TRÁCH NHIỆM GÂY HẬU QUẢ NGHIÊM TRỌNG

Ngày 26 tháng 4 năm 2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai, Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số 275/2020/TLPT-HS ngày 30/7/2020 đối với bị cáo Nguyễn Công N và đồng phạm về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Do có kháng cáo đối với bản án hình sự sơ thẩm số 27/2020/HS-ST ngày 19/6/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai.

Bị cáo có kháng cáo:

1. Nguyễn Công N. Sinh ngày 01/5/1955, tại Tây Sơn, Bình Định. Nơi ĐKHKTT và chỗ ở: 26B, Trần Quang Khải, phường D1, thành phố P, tỉnh Gia Lai; nghề nghiệp: Bác sỹ; trình độ học vấn: 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Nguyễn Công Tánh (đã chết) và bà Nguyễn Thị Phiệt; bị cáo có vợ là Nguyễn Thị Ngọc Ánh, có 03 con, lớn nhất sinh năm 1988, nhỏ nhất sinh năm 1998; tiền án, tiền sự: Không. Bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 21/12/2011 đến ngày 21/12/2012 được áp dụng biện pháp ngăn chặn cho Bảo lĩnh. Có mặt.

2. Đặng Đức C. Sinh ngày 21/12/1963, tại Phù Mỹ- Bình Định. Nơi ĐKHKTT và chỗ ở: 10A/17 Hai Bà Trưng, phường T6, thành phố P, tỉnh Gia Lai; nghề nghiệp: Bác sỹ; trình độ học vấn: 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Đặng Văn Chí và bà Vũ Thị Thái (đã chết); bị cáo có vợ là Nguyễn Thị Linh Chi, có 02 con sinh năm 1988 và sinh năm 1991; tiền án, tiền sự: Không. Bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 21/12/2011 đến ngày 21/12/2012 được áp dụng biện pháp ngăn chặn cho Bảo lĩnh. Có mặt.

3. Phan Minh H. Sinh ngày 05/02/1968, tại H1, Bình Định. Nơi ĐKHKTT và chỗ ở: 93 đường D, phường D1, thành phố P, tỉnh Gia Lai, nghề nghiệp: Bác sỹ; trình độ học vấn: 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Phan N và bà Võ Thị H2 bị cáo có vợ là Trần Dương Thị Mỹ D3, có 02 con sinh năm 1995 và 2004; tiền án, tiền sự: Không. Bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 18/11/2011, chấp hành án đến ngày 20/11/2015, được trả tự do. Có mặt.

4. Đoàn C1. Sinh ngày 23/7/1963, tại Đại Lộc, Quảng Nam. Nơi ĐKNKTT: 241 đường C2, tổ 12, phường H3, thành phố P, tỉnh Gia Lai; chỗ ở: 16 Bùi Dự, Tổ 11, phường H3, thành phố P, tỉnh Gia Lai; nghề nghiệp: Dược sỹ; trình độ học vấn: 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Đoàn Đ2 (đã chết) và bà Phan Thị Đ1; bị cáo có vợ là Nguyễn Thị H4, có 03 con lớn nhất sinh năm 1986 và nhỏ nhất sinh năm 1989; tiền án, tiền sự: Không. Bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 18/11/2011 đến ngày 18/5/2015 chấp hành xong án phạt. Có mặt.

5. Lê Khánh L. Sinh ngày 20/8/1956, tại Đ, Phú Yên. Nơi ĐKNKTT và chỗ ở: lô A5 số 43 Đường T2, thành phố P, tỉnh Gia Lai; nghề nghiệp: Nguyên là cán bộ phòng Kế hoạch tài vụ - Sở Y tế tỉnh Gia Lai; trình độ học vấn: 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Lê Th2 (đã chết) và bà Lê Thị M; bị cáo có vợ là Nguyễn Thị Th1, có 03 con lớn nhất sinh năm 1978 và nhỏ nhất sinh năm 1983; tiền án, tiền sự: Không. Bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 21/12/2011 đến ngày 15/8/2012 được áp dụng biện pháp ngăn chặn cho Bảo lĩnh. Có mặt.

6. Bùi Ngọc Th. Sinh ngày 02/8/1968, tại T3, Bình Định. Nơi ĐKHKTT: 338/46 đường T4, phường T5, thành phố P, tỉnh Gia Lai; chỗ ở: 20/17/1A đường L2, Tổ 11, phường P1, thành phố P, tỉnh Gia Lai (Hiện trú tại: 177/7 đường H5, phường H3, thành phố P, tỉnh Gia Lai); nghề nghiệp: Bác sỹ; trình độ học vấn: 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Bùi Thanh Ch và bà Nguyễn Thị Th3; bị cáo có vợ là Nguyễn Thị Tr, có 02 con sinh năm 1999 và sinh năm 2004; tiền án, tiền sự: Không. Bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 21/12/2011 đến ngày 04/02/2013 được áp dụng biện pháp ngăn chặn cho Bảo lĩnh. Có mặt.

7. Phùng Xuân Q. Sinh ngày 26/11/1953, tại V, Quảng Trị. Nơi ĐKNKTT và chổ ở: 99 đường P2, phường T6, thành phố P, tỉnh Gia Lai; tạm trú tại: Lô số C1 nhà 325, Chung cư N1, Số 270 đường N2, phường T7, Quận 7, Tp. Hồ Chí Minh; nghề nghiệp: Bác sỹ; trình độ học vấn: 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Phùng C3 (đã chết) và bà Nguyễn Thị T8 (đã chết); bị cáo có vợ là Vương Thị V1, có 03 con lớn nhất sinh năm 1984 và nhỏ nhất sinh năm 1997; tiền án, tiền sự: Không. Có mặt.

Người bào chữa cho bị cáo Đặng Đức C, theo yêu cầu bị cáo: Luật sư Nguyễn Quang A - Công ty luật TNHH S, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội. Có mặt.

Người bào chữa cho bị cáo Đặng Đức C theo yêu cầu của Tòa án: Luật sư Đào Văn T1, Đoàn Luật sư tỉnh Gia Lai. Có đơn xin hoãn phiên tòa.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Đại diện hợp pháp của Công ty Cổ phần Dược Vật tư Y tế Gia Lai: Bà Trần Thị Thùy L1 – Kế toán. Có đơn xin xét xử vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Thực hiện quy định của Nhà nước về đấu thầu thuốc, từ năm 2008 đến năm 2010, UBND tỉnh Gia Lai giao cho Sở Y tế tỉnh tổ chức đấu thầu tập trung những loại thuốc có nhu cầu sử dụng thường xuyên, ổn định và có số lượng lớn cho tất cả các cơ sở Y tế công lập trên địa bàn tỉnh. Các cơ sở Y tế công lập căn cứ kết quả đấu thầu này để ký kết hợp đồng mua thuốc theo nhu cầu trong năm. Để tiến hành hoạt động đấu thầu thuốc, Giám đốc Sở Y tế là Phùng Xuân Q có quyết định thành lập Hội đồng và Tổ chuyên gia đấu thầu thuốc theo từng năm như sau:

Hội đồng đấu thầu thuốc năm 2008 được thành lập theo Quyết định số 760/QĐ- SYT ngày 19/12/2007 của Giám đốc Sở Y tế Gia Lai, gồm có:

1. Ông Nguyễn Công N - Bác sỹ, Phó Giám đốc Sở Y tế - Chủ tịch Hội đồng.

2. Ông Đặng Đức C - Bác sỹ, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y dược (NVYD) Sở Y tế - Thành viên.

3. Ông RMah P - Bác sỹ, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính (KH-TC) - Thành viên.

4. Ông Phan Minh H - Bác sỹ, Phó phòng NVYD - Thành viên 5. Ông Lê Khánh L - Chuyên viên, Phó phòng KH-TC - Thành viên 6. Ông Đoàn C1 - Dược sỹ, Chuyên viên phòng NVYD - Thành viên 7. Bà Nguyễn Thị Kim L3 - Dược sỹ, Chuyên viên phòng NVYD - Thành viên.

Tổ thư ký gồm các ông:

- Lê Khánh L - Tổ trưởng - Phan Minh H - Đoàn C1 Phùng Xuân Q là chủ đầu tư dự án.

Ngày 02/5/2008, Giám đốc Sở Y tế Gia Lai có Quyết định số 224/QĐ-SYT thành lập Tổ chuyên gia đấu thầu thuốc gồm có 6 thành viên trên (không có ông Nguyễn Công N vì ông Nguyễn Công N đi công tác tăng cường xã), giao cho ông Đặng Đức C làm Tổ trưởng, chịu trách nhiệm từ khâu mở, xét thầu.

Tổ chuyên gia đấu thầu thuốc năm 2009 được thành lập theo Quyết định số 471/QĐ-SYT ngày 21/10/2008 của Giám đốc Sở Y tế Gia Lai, gồm có:

1. Ông Nguyễn Công N – Phó Giám đốc Sở Y tế - Tổ trưởng 2. Ông Đặng Đức C – Trưởng phòng NVYD - Thành viên 3. Ông Lê Khánh L – Phó phòng KH-TC – Thành viên 4. Ông Phan Minh H – Phó phòng NVYD - Thành viên 5. Ông Đoàn C1 – Chuyên viên phòng NVYD – Thành viên Tổ thư ký gồm:

- Lê Khánh L - Tổ trưởng - Phan Minh H - Đoàn C1 Tổ chuyên gia đấu thầu thuốc năm 2010 được thành lập theo Quyết định số 235/QĐ-SYT ngày 11/8/2009 của Giám đốc Sở Y tế Gia Lai, gồm có:

1. Ông Nguyễn Công N – Phó Giám đốc Sở Y tế - Tổ trưởng 2. Ông Đặng Đức C – Trưởng phòng Nghiệp vụ Y - Thành viên 3. Ông Bùi Ngọc Th – Bác sỹ, Phó phòng KH TC – Thành viên, thư ký.

4. Ông Phan Minh H – Phó phòng Nghiệp vụ Y - Thành viên 5. Ông Đoàn C1 – Phó phòng Nghiệp vụ Dược – Thành viên.

Căn cứ các Quyết định thành lập Tổ chuyên gia đấu thầu thuốc nêu trên thì các bị can Phan Minh H, Đoàn C1 và Đặng Đức C tham gia đấu thầu thuốc 03 năm; các bị can Nguyễn Công N và Lê Khánh L tham gia đấu thầu thuốc 02 năm; các bị can Nguyễn Thị Kim L3, RManh-Pl tham gia đấu thầu 01 năm.

Các thành viên nêu trên đều được tập huấn lớp đấu thầu thuốc và được cấp chứng chỉ.

Tại các Quyết định thành lập Tổ chuyên gia đấu thầu thuốc đã nêu rõ nhiệm vụ của Tổ chuyên gia như sau:

+ Lập tổng dự toán kinh phí mua thuốc và danh mục chi tiết những loại thuốc có nhu cầu sử dụng thường xuyên, ổn định cho tất cả các cơ sở Y tế công lập trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

+ Lập kế hoạch đấu thầu và Hồ sơ mời thầu cung ứng thuốc theo quy định hiện hành của Nhà nước.

+ Chịu trách nhiệm thực hiện quá trình mở, xét thầu, bao gồm: Phân tích, đánh giá hồ sơ dự thầu, so sánh và xếp hạng các nhà thầu một cách trung thực và khách quan dựa trên yêu cầu: hồ sơ pháp lý, chủng loại; hàm lượng; chất lượng; dạng bào chế của các loại thuốc và các nội dung khác đáp ứng các điều kiện mà Hồ sơ mời thầu cung ứng thuốc đã nêu.

+ Tổng hợp quá trình đánh giá Hồ sơ dự thầu và báo cáo kết quả đánh giá Hồ sơ dự thầu cho Giám đốc Sở Y tế.

+ Bảo mật thông tin theo quy định của pháp luật và không cộng tác với các nhà thầu dưới bất cứ hình thức nào.

+ Chịu trách nhiệm trước cấp có thẩm quyền về quá trình, kết quả đánh giá Hồ sơ dự thầu của các nhà thầu và được bảo lưu ý kiến để cấp trên xem xét.

+ Kết quả đánh giá của Tổ chuyên gia đấu thầu thuốc sẽ được báo cáo lên cấp trên có thẩm quyền để tiến hành các bước tiếp theo.

Trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được giao, Tổ chuyên gia đã tiến hành các hoạt động như: Xây dựng danh mục chi tiết thuốc đấu thầu, xây dựng kế hoạch đấu thầu, xây dựng Hồ sơ mời thầu...để trình Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt. Trên cơ sở kết quả phê duyệt của UBND tỉnh Gia Lai, Tổ chuyên gia tiến hành triển khai hoạt động xét thầu.

- Về quy trình xét thầu: Được tiến hành xét theo 03 bước:

+ Bướ c 1 : Xét về tiêu chuẩn năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu. Chỉ những hồ sơ đạt các điều kiện tiên quyết quy định tại Mục 25, Chương I Hồ sơ mời thầu thì mới xét tiếp ở bước 2.

+ Bước 2: Đánh giá về mặt kỹ thuật theo từng danh mục thuốc của từng nhà thầu theo các tiêu chí nêu tại Mục 2, Chương III Bảng dữ liệu trong Hồ sơ mời thầu. Chỉ những mặt hàng thuốc được xét đạt yêu cầu thì mới xét tiếp ở bước 3.

Mục 2 chương III Hồ sơ mời thầu quy định Tiêu chuẩn đánh giá về mặt kỹ thuật để chọn từng mặt hàng quy định cụ thể về các tiêu chí bắt buộc phải đáp ứng, nếu không đảm bảo sẽ bị loại và không xét tiếp là:

- Thuốc tham gia dự thầu phải đảm bảo đúng: Chủng loại, đúng nồng độ, hàm lượng, dạng dùng và đảm bảo hạn dùng theo quy định tại Hồ sơ mời thầu.

- Đáp ứng quy định về đăng ký thuốc lưu hành, phải đạt một trong hai yêu cầu là:

Hoặc có số Visa nhập khẩu thuốc hoặc số đăng ký lưu hành; hoặc Giấy phép nhập chuyến.

- GMP (Giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc) phải đạt tiêu chuẩn GMP của WHO hoặc đạt tiêu chuẩn của GMP ASEAN.

Ngoài ra còn có Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, có phiếu kiểm nghiệm chất lượng của sản phẩm, quy cách đóng gói...

+ Bướ c 3 : Xác định giá đánh giá, tiến hành hiệu chỉnh lỗi, hiệu chỉnh các sai lệch và so sánh đối chiếu để lựa chọn các mặt hàng đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, có giá chào thầu thấp nhất và không vượt quá giá dự toán được duyệt để được đề nghị trúng thầu.

Bước này do bị cáo Phan Minh H thao tác trên máy tính trên cơ sở kết quả của bước 2 - Bước đánh giá về mặt kỹ thuật đạt.

- Về phương pháp xét thầu:

Các thành viên Tổ chuyên gia đấu thầu làm việc theo nguyên tắc tập thể, sử dụng 04 quyển Hồ sơ dự thầu (01 quyển gốc và 03 quyển sao) để đánh giá hồ sơ của từng nhà thầu theo từng tiêu chí nêu trong Hồ sơ mời thầu.

Trong ba năm xét thầu, bị cáo Phan Minh H là người sử dụng phần mềm Excell để soạn thảo, lập các biểu mẫu có các tiêu chí đánh giá theo quy định của Hồ sơ mời thầu để sử dụng trong quá trình xét thầu.

Quá trình xét thầu, một người trong Tổ (thông thường là bị cáo H) đọc từng tiêu chí trong Hồ sơ mời thầu để cả Tổ chuyên gia xét thầu cùng xem xét các tài liệu trong Hồ sơ dự thầu xác định tiêu chí đó có “đạt” hay “không đạt” để bị can H nhập kết quả vào máy tính có kết nối với máy chiếu Prozeter chiếu hiển thị màn hình máy tính lên màn ảnh để mọi người cùng theo dõi.

Khi nhập dữ liệu vào máy, nếu Hồ sơ dự thầu nào không đáp ứng các tiêu chuẩn bắt buộc thì máy tính tự chấm điểm và loại ra không xét tiếp.

Thời gian xét thầu mỗi đợt là từ 07 – 15 ngày, toàn bộ tài liệu xét thầu để tại phòng làm việc và sau mỗi buổi xét thầu thì tiến hành niêm phong cửa. Nhưng dữ liệu liên quan đến xét thầu như thẻ nhớ (USB), máy tính xách tay là do H quản lý đem về nhà, các thành viên Tổ chuyên gia biết nhưng không ai có ý kiến gì.

Khi xét thầu, các bị cáo khai không có ai ghi chép vào sổ sách cá nhân hay sổ sách của Tổ để theo dõi kết quả xét thầu hàng ngày và không ai có ý kiến yêu cầu bị can H in kết quả xét thầu hàng ngày ra bản giấy để kiểm tra. Việc xét thầu tiến hành theo từng mặt hàng của từng nhà thầu theo các gói thầu, xét xong nhà thầu này mới xét sang nhà thầu khác. Trong một gói thầu có nhiều nhà thầu tham gia nhiều mặt hàng và có từ 03 đến 05 gói thầu hàng năm, nhưng đến cuối kỳ khi xét xong bước xét “Xác định giá đánh giá” của gói thầu cuối thì bị cáo H mới in kết quả xét thầu của tất cả các gói thầu ra bản giấy để các thành viên trong Tổ chuyên gia kiểm tra và ký tên xác nhận kết quả xét thầu nên không thể kiểm soát được kết quả xét thầu của những ngày trước.

Kết thúc mỗi đợt xét thầu, Tổ thư ký có lập Báo cáo đánh giá Hồ sơ dự thầu để tất cả các thành viên cùng ký tên xác nhận kết quả xét thầu. Báo cáo này được gửi kèm theo Tờ trình về việc phê duyệt kết quả các gói thầu để Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định và sau đó trình UBND tỉnh phê duyệt.

Năm 2008 bị cáo Q ký Tờ trình đề nghị phê duyệt kết quả đấu thầu; năm 2009 và 2010, bị cáo Q ủy quyền cho bị cáo Nguyễn Công N là chủ đầu tư dự án nên bị cáo Nguyễn Công N ký các Tờ trình năm 2009 và 2010.

Theo Kết luận giám định số 89/KL-TTrB ngày 28/9/2011 của Thanh tra Bộ Y tế kết luận về việc Giám định hồ sơ đấu thầu thuốc của Sở Y tế Gia Lai năm 2008, 2009, 2010 kết luận như sau:

Trong quá trình xét thầu Tổ chuyên gia đấu thầu đã chưa tuân thủ theo quy định như sau:

1, Có 09 mặt hàng thuốc là: Bifuroxim; Dong Do Calio; Amoxicilin MKP; Quincef 250 mg 2009; Quincef 250 mg 2010; Wonforazone; Bioszone; Codamox; Cefuroxime đều đạt 3 tiêu chí bắt buộc để xét tiếp nhưng Tổ chuyên gia đấu thầu đã không xét tiếp:

+ Thuốc tham gia dự thầu đảm bảo đúng chủng loại, đúng nồng độ, hàm lượng, dạng dùng và đảm bảo hạn dùng theo quy định Hồ sơ mời thầu .

+ Thuốc có số Đăng ký lưu hành.

+ Thuốc Đạt tiêu chuẩn GMP-WHO cho 8 mặt hàng và GMP-ASEAN cho 1 mặt hàng.

2, Cho trúng thầu các mặt hàng thuốc dự thầu sai về xuất xứ (nơi sản xuất) theo hồ sơ mời thầu là 07 mặt hàng. 07 mặt hàng thuốc có xuất xứ không đáp ứng các yêu cầu của Hồ sơ mời thầu là:

- Thuốc sản xuất tại Việt Nam gồm:

+ Trimetazidin 20mg (Trimetazidine Winthrop-20mg) + N-acetylcystein 200mg (Acemuc-200mg) - Thuốc sản xuất thuộc khu vực Châu Á gồm:

+ Lansoprazole 30 mg (Lansoliv) + Lactobacillus acidophillus 75 mg (Antibio Granules) + Cefixim 200 mg (Acicef) + Gliclazid 80 mg (Glucodex) + Cefixim 200 mg (Acicef) 3, Trong số 83 mặt hàng được xét trúng thầu mà Cơ quan điều tra trưng cầu giám định thì:

+ Có 29 mặt hàng thuốc có giấy chứng nhận GMP hết hạn + Có 09 mặt hàng thuốc có giấy chứng nhận GMP không ghi ngày hết hạn.

+ Có 03 mặt hàng thuốc có số đăng ký hết hạn công ty đã nộp hồ sơ đăng ký lại tại Cục quản lý dược Bộ Y tế.

+ Có 26 mặt hàng thuốc nhập khẩu có giấy chứng nhận CPP thay cho giấy chứng nhận GMP, trên giấy chứng nhận CPP không thể hiện chính xác ngày hết hạn của dây truyền GMP sản xuất thuốc .

+ Có 04 mặt hàng thuốc không có giấy chứng nhận GMP chỉ có giấy chứng nhận kinh doanh, sản xuất .

Việc cho xét trúng thầu sai phạm nêu trên là không tuân thủ các quy định sau:

- Điều 29 đánh giá Hồ sơ dự thầu của Nghị định 85/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật đấu thầu quy định “…Sau khi mở thầu, nhà thầu có trách nhiệm làm rõ Hồ sơ mời thầu khi có yêu cầu của bên mời thầu theo quy định tại Điều 36 của Luật đấu thầu. Trường hợp Hồ sơ dự thầu thiếu tài liệu như giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đầu tư, quyết định thành lập, chứng chỉ chuyên môn phù hợp và các tài liệu khác theo yêu cầu của Hồ sơ mời thầu thì bên mời thầu yêu cầu nhà thầu bổ sung tài liệu nhằm chứng minh tư cách hợp lệ, năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu…”.

- Tại điểm b khoản 1 Điều 29 đánh giá Hồ sơ dự thầu của Nghị định 85/2009/NĐ- CP ngày 15/10/2009: Loại bỏ hồ sơ dự thầu không đáp ứng các điều kiện tiên quyết trong Hồ sơ mời thầu theo quy định… Việc không xét tiếp 09 mặt hàng thuốc đạt 3 tiêu chí bắt buộc của Hồ sơ mời thầu là không tuân thủ Điều 63 của Luật đấu thầu quy định về quyền và nghĩa vụ của Tổ chuyên gia mời thầu: Khoản 1 quy định: Đánh giá về Hồ sơ dự thầu theo đúng yêu cầu của Hồ sơ mời thầu và tiêu chuẩn đánh giá nêu trong Hồ sơ mời thầu.

Khoản 4 Điều 63 qui định: Trung thực, khách quan, công bằng trong quá trình đánh giá Hồ sơ dự thầu và báo cáo kết quả đánh giá.

Theo Kết luận số 05/GĐV-TC ngày 08/11/2011 của Giám định viên Tài chính - Kế toán tỉnh Gia Lai Giám định thiệt hại đấu thầu thuốc của Sở Y tế Gia Lai năm 2008, 2009,2010 như sau:

- Thiệt hại tài chính cho Nhà nước do mua 09 mặt hàng thuốc có giá cao trong khi giá thấp hơn vẫn đảm bảo yêu cầu về Hồ sơ mời thầu nhưng không được xét tiếp tổng số tiền thiệt hại là: 7.467.393.672 đồng.

- Thiệt hại tài chính cho Nhà nước do mua 7 mặt hàng thuốc sai xuất xứ (sai nơi sản xuất) trúng thầu không đúng quy định đã gây thiệt hại là: 1.124.058.299 đồng. Thiệt hại tài chính của 07 mặt hàng thuốc sai xuất xứ được xác định qua kết quả thẩm định của Công ty thẩm định giá.

- Như vậy, 09 mặt hàng thuốc có giá cao và 07 mặt hàng thuốc sai xuất xứ (nơi sản xuất) do Tổ chuyên gia Sở Y tế xét thầu không đúng quy định gây thiệt hại về tài chính cho Nhà nước tính cho từng năm và tổng cộng 03 năm như sau :

Năm 2008: 2.900.266.021 đồng; Năm 2009: 3.613.749.945 đồng; Năm 2010: 2.077.435.340 đồng;

Tổng cộng 03 năm: 8.591.451.306 đồng.

Với kết quả giám định nêu trên, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Công an tỉnh Gia Lai đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị cáo đối với 08/09 đối tượng là thành viên của Tổ chuyên gia xét thầu nêu trên về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 165 BLHS năm 1999; khởi tố Phùng Xuân Q về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 285 Bộ luật Hình sự năm 1999 và điều tra vụ án; kết thúc điều tra đề nghị truy tố như trên.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 26/2013/HSST ngày 22, 23, 24, 25, 26/4/2013 của Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai đã xét xử 06 bị cáo Đặng Đức C, Phan Minh H, Đoàn C1, Nguyễn Thị Kim L3, RMah P về tội “Cố ý làm trái qui định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại khoản 3 Điều 165 Bộ luật Hình sự năm 1999; xét xử Nguyễn Công N, Lê Khánh L và Phùng Xuân Q về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo khoản 2 Điều 285 Bộ luật Hình sự năm 1999.

Tại Bản án phúc thẩm số 292/2013/HSPT ngày 23/8/2013 Tòa phúc thẩm tại Đà Nẵng xét xử vụ án, cho 02 bị cáo Đặng Đức C và Nguyễn Thi Kim L3 được hưởng án treo.

Tại Quyết định giám đốc thẩm số 05/2015/HS-GĐT ngày 17/4/2015 Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hủy Bản án hình sự phúc thẩm và Bản án hình sự sơ thẩm nêu trên; giao hồ sơ cho Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai để xét xử sơ thẩm lại theo đúng qui định của pháp luật.

- Ngày 09/9/2015, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai Quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung để làm rõ về mặt hàng thuốc Bifuroxim 500.

Tại Kết luận giám định lại số 1485/KL-BYT ngày 28/12/2018 của Hội đồng giám định Bộ Y tế kết luận như sau:

- Đối với 08 mặt hàng Dong Do Calio; Amoxicilin MKP; Quincef 250 mg (2009); Quincef 250 mg (2010); Wonforazone; Bioszone; Cefuroxime và Codamox Tổ chuyên gia xét thầu của Sở Y tế tỉnh Gia Lai loại 08 mặt hàng này với lý do không đáp ứng 03 tiêu chí bắt buộc (chủng loại thuốc, GMP, Số đăng ký) để xét tiếp là sai.

- Đối với mặt hàng Bifuroxim 500mg Gói 2 năm 2008 Gói thầu cung ứng thuốc Nhóm thuốc kháng sinh, Tổ chuyên gia xét thầu của Sở Y tế tỉnh Gia Lai loại mặt hàng này do không đáp ứng tiêu chí bắt buộc GMP để được xét tiếp là đúng.

- 07 mặt hàng Trimetazidine Winthrop, Acemuc-200mg, Lansoliv, Antibio Granules, Acicef (Gói 1 năm 2019), Glucodex, Acicef (Gói 1 năm 2010) được Tổ chuyên gia xét trúng thầu của Sở Y tế tỉnh Gia Lai xét trúng thầu là sai.

Tại Kết luận số 01/KL-GĐV ngày 30/9/2019 v/v Giám định lại thiệt hại đấu thầu thuốc của Sở Y tế Gia Lai năm 2008, 2009 và 2010 của Giám định viên tài chính trong lĩnh vực tài chính kết luận như sau:

- Thiệt hại về tài chính đối với 08 mặt hàng thuốc có giá cao trúng thầu không đúng quy định gây thiệt hại là 4.982.925.767 đồng.

- Thiệt hại về tài chính đối với 07 mặt hàng thuốc sai xuất xứ trúng thầu không đúng qui định đã gây thiệt hại cho nhà nước số tiền 1.124.059.431 đồng.

Thiệt hại tài chính nêu trên tính cho từng năm và tổng cộng 03 năm như sau:

Năm 2008: 415.798.781 đồng + Các mặt hàng thuốc có giá cao: 156.300 đồng + Các mặt hàng thuốc sai xuất xứ: 415.642.481 đồng Năm 2009: 3.613.059.573 đồng.

+ Các mặt hàng thuốc có giá cao: 3.053.810.343 đồng + Các mặt hàng thuốc sai xuất xứ: 559.249.230 đồng Năm 2010: 2.077.118.181 đồng + Các mặt hàng thuốc có giá cao: 1.927.950.461 đồng + Các mặt hàng thuốc sai xuất xứ: 149.167.720 đồng Tổng cộng 3 năm: 6.105.976.535 đ Hành vi phạm tội của các bị can thể hiện cụ thể qua từng năm như sau:

* Năm 2008: Tổ chuyên gia gồm các bị can Đặng Đức C (Tổ trưởng), Phan Minh H, Đoàn C1, Nguyễn Thị Kim L3 và Rmah P là những người trực tiếp xét thầu bước đánh giá về mặt kỹ thuật của Hồ sơ dự thầu; bị cáo L được phân công là thành viên, kiêm Tổ trưởng Tổ thư ký nhưng do không có nghiệp vụ về y dược nên bị cáo L chủ yếu là xét bước đánh giá năng lực kinh nghiệm nhà thầu, không trực tiếp xét thầu bước đánh giá kỹ thuật nhưng bị cáo cũng không làm nhiệm vụ cập nhật, theo dõi, tổng hợp tình hình, tiến độ và kết quả xét thầu mà đã để cho bị cáo H làm tất cả các việc của thư ký trên máy tính của H.

Năm 2008, Tổ chuyên gia đã xét 03 Gói thầu, 742 mặt hàng của 4 nhà thầu, đề nghị trúng thầu 344 mặt hàng.

Trong đó, có 04 mặt hàng thuốc do Công ty cổ phần Dược Vật tư Y tế tỉnh Gia Lai dự thầu, được Tổ chuyên gia xét trúng thầu sai xuất xứ như sau:

- Mặt hàng thuốc Trimetazidin Winthrop 20mg nơi sản xuất là Công ty Sanofi Synthelabo-Việt Nam nhưng các bị cáo xét cho trúng thầu theo danh mục mời thầu thuốc có khối nước sản xuất tại Châu Âu;

- Mặt hàng thuốc Lansoliv nơi sản xuất là Công ty ACI Pharma PVT.Ltd-Ấn Độ nhưng các bị cáo xét cho trúng thầu theo danh mục mời thầu thuốc có khối nước sản xuất tại Châu Âu;

- Mặt hàng Antibio Granules nơi sản xuất là Công ty Han Wha Pharma Co. Ltd Korea nhưng các bị cáo xét cho trúng thầu theo danh mục mời thầu thuốc có khối nước sản xuất tại Châu Âu;

- Mặt hàng thuốc Acemuc 200mg nơi sản xuất là Công ty Sanofi Aventis-Việt Nam nhưng các bị cáo xét cho trúng thầu theo danh mục mời thầu thuốc có khối nước sản xuất tại Châu Âu;

Việc xét thầu sai và cho trúng thầu sai xuất xứ 04 mặt hàng như trên làm thiệt hại cho ngân sách Nhà nước theo Kết luận giám định là 415.642.481đ;

Đồng thời, năm 2008, các bị cáo đã có hành vi xét thầu sai - loại bỏ ra ngoài không xét tiếp đối với 01 mặt hàng thuốc đảm bảo theo 3 tiêu chí bắt buộc của Hồ sơ mời thầu như sau: Mặt hàng thuốc Dong Do Calio (do Cty Xuất nhập khẩu Vật tư Y tế dự thầu) đạt các tiêu chí theo quy định tại Hồ sơ mời thầu, có giá dự thầu 1.298 đ/viên, nhưng các bị cáo trong Tổ chuyên gia loại không xét điểm vì cho rằng không đáp ứng các tiêu chuẩn bắt buộc, dẫn đến việc mặt hàng thuốc Rofcal 0,25 mcg (Calcitriol 0,25 mcg) (do Cty Dược Vật tư Y tế dự thầu) có giá 1.300 đ/viên trúng thầu (thiệt hại 2đ/1 viên).

Việc xét thầu sai này dẫn đến mặt hàng khác có giá dự thầu cao trúng thầu nêu trên đã làm thiệt hại cho ngân sách của Nhà nước theo Kết luận giám định là 156.300 đồng.

Tổng cộng 05 mặt hàng xét thầu sai, cho trúng thầu sai năm 2008 nêu trên gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước là 415.798.781đ.

Ngoài ra, còn có 25 mặt hàng có Số đăng ký hết hạn, hoặc có GMP hoặc CPP hết hạn, nhưng vẫn được Tổ chuyên gia xét trúng thầu.

Bị cáo Phùng Xuân Q với tư cách là Giám đốc Sở Y tế, là chủ đầu tư dự án năm 2008 nhưng thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, thiếu biện pháp kiểm tra, giám sát, nhắc nhở việc xét thầu nên đã để xảy ra tình trạng các bị cáo là thành viên của Tổ chuyên gia đấu thầu không tuân thủ các quy định về xét thầu, xét thầu sai. Bản thân bị cáo Q đã ký vào Tờ trình số 37/TT-SYT ngày 12/5/2008 về việc phê duyệt kết quả các gói thầu cung ứng thuốc cho các cơ sở y tế công lập trực thuộc Sở Y tế Gia Lai năm 2008 để Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định và Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai phê duyệt, trong đó có 05 mặt hàng xét thầu sai, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước là 415.798.781đ.

* Năm 2009: Tổ chuyên gia gồm các bị cáo Nguyễn Công N, Đặng Đức C, Phan Minh H, Lê Khánh L và Đoàn C1. Trong đó, các bị cáo H, C1 và C là những người trực tiếp xét bước đánh giá về mặt kỹ thuật của Hồ sơ dự thầu. Quá trình xét thầu, có nhiều buổi chỉ có H và C1 trực tiếp xét thầu về bước đánh giá về mặt kỹ thuật; còn bị cáo Nguyễn Công N là thành viên kiêm Tổ trưởng nhưng bị cáo Nguyễn Công N không trực tiếp tham gia xét bước đánh giá kỹ thuật mà chỉ đôn đốc nhắc nhở và ký vào từng trang của Hồ sơ dự thầu khi đã được Tổ chuyên gia xét thầu; bị cáo L cũng chỉ tham gia xét thầu bước 1, không trực tiếp tham gia xét bước đánh giá về mặt kỹ thuật như năm 2008.

Tổ chuyên gia đã xét 05 Gói thầu, 1103 mặt hàng của 8 nhà thầu, đề nghị trúng thầu 495 mặt hàng.

Trong đó, có 2 mặt hàng thuốc Tổ chuyên gia xét trúng thầu sai xuất xứ cho Công ty cổ phần Dược Vật tư Y tế tỉnh Gia Lai như sau:

- Mặt hàng thuốc Acicef nơi sản xuất là Công ty ACI Pharma PVT.Ltd-Ấn Độ nhưng các bị cáo xét cho trúng thầu theo danh mục mời thầu thuốc có khối nước sản xuất tại Châu Âu.

- Mặt hàng thuốc Glucodex nơi sản xuất là Công ty PT Dexa Medica Indonesia nhưng các bị cáo xét cho trúng thầu theo danh mục mời thầu thuốc có khối nước sản xuất tại Châu Âu;

Việc xét thầu và cho trúng thầu sai xuất xứ 02 mặt hàng như trên làm thiệt hại cho ngân sách Nhà nước là 559.249.230đ.

Đồng thời, năm 2009, các bị cáo đã có hành vi xét thầu sai - loại bỏ ra ngoài không xét tiếp đối với 03 mặt hàng thuốc đảm bảo theo 3 tiêu chí bắt buộc của Hồ sơ mời thầu cụ thể như sau:

- Mặt hàng thuốc Amoxicilin MPK (do Cty Cổ phần Dược Vật tư Y tế dự thầu) đạt các tiêu chí theo quy định tại Hồ sơ mời thầu, có giá dự thầu 635,37 đ/viên, nhưng các bị cáo trong Tổ chuyên gia loại không xét tiếp vì cho rằng không đáp ứng các tiêu chuẩn bắt buộc, dẫn đến việc mặt hàng thuốc Codamox (của Cty Xuất nhập khẩu Y tế Gia Lai dự thầu) giá 785 đ/viên trúng thầu (thiệt hại 149,63 đồng/1 viên).

- Mặt hàng thuốc Cefuroxime 750 (của Cty Xuất nhập khẩu Y tế tỉnh Gia Lai dự thầu) đạt các tiêu chí theo quy định tại Hồ sơ mời thầu, có giá dự thầu 30.875 đ/lọ nhưng các bị cáo trong Tổ chuyên gia loại không xét tiếp vì cho rằng không đáp ứng các tiêu chuẩn bắt buộc, dẫn đến việc mặt hàng thuốc Furoxingo 750 (do Cty Dược Vật tư Y tế tỉnh Gia Lai dự thầu) có giá 33.920 đ/lọ được trúng thầu (thiệt hại 3.045 đồng/lọ).

- Mặt hàng thuốc Quicef 250 mg (có tên thuốc gốc là cefuroxim 250 mg) (do Cty Xuất nhập khẩu Y tế dự thầu) đạt các tiêu chí theo quy định tại Hồ sơ mời thầu, có giá 3.955 đ/viên nhưng các bị cáo trong Tổ chuyên gia loại không xét tiếp vì cho rằng không đáp ứng các tiêu chuẩn bắt buộc, dẫn đến việc mặt hàng thuốc Travinat 250mg (có tên thuốc gốc là cefuroxim 250 mg) (do Cty Cổ phần Dược Vật tư Y tế dự thầu) có giá 7.208 đ/viên được trúng thầu (thiệt hại 3.253 đồng/1 viên).

* Việc xét thầu sai 03 mặt hàng nêu trên, dẫn đến 03 mặt hàng khác có giá dự thầu cao được trúng thầu nêu trên đã làm thiệt hại cho ngân sách của Nhà nước theo Kết luận giám định là 3.053.810.343đ.

Tổng cộng 05 mặt hàng thuốc xét thầu sai, dẫn đến trúng thầu sai nêu trên gây thiệt hại cho ngân sách của Nhà nước là 3.613.059.573 đồng.

Ngoài ra, còn có 27 mặt hàng có Số đăng ký hết hạn, hoặc có GMP hết hạn, hoặc có CPP hết hạn, nhưng vẫn được các bị cáo xét cho trúng thầu.

* Năm 2010, Tổ chuyên gia gồm các bị cáo Nguyễn Công N, Đặng Đức C, Phan Minh H, Đoàn C1 và Bùi Ngọc Th. Trong đó, các bị cáo C, H, C1 và Th là những người trực tiếp xét bước đánh giá về mặt kỹ thuật của Hồ sơ dự thầu. Trong quá trình xét thầu, bị cáo C và Th có vắng một vài buổi; bị cáo Nguyễn Công N là thành viên kiêm Tổ trưởng nhưng bị cáo Nguyễn Công N không trực tiếp tham gia xét bước đánh giá kỹ thuật, chỉ đôn đốc và ký vào từng trang của Hồ sơ dự thầu; bị cáo Th được phân công là thành viên, kiêm thư ký nhưng Th chỉ tham gia xét thầu, chứ không làm nhiệm vụ cập nhật, theo dõi, tổng hợp tình hình, tiến độ và kết quả xét thầu mà để cho bị cáo H làm tất cả các việc của thư ký trên máy tính của H.

Tổ chuyên gia đã xét 05 Gói thầu, 1445 mặt hàng của 9 nhà thầu; đề nghị trúng thầu 566 mặt hàng.

Trong đó, có 01 mặt hàng thuốc Acicef (do Cty Dược Vật tư Y tế tỉnh Gia Lai dự thầu) nơi sản xuất là Công ty ACI Pharma PVT.Ltd-Ấn Độ nhưng được Tổ chuyên gia xét trúng thầu theo danh mục mời thầu thuốc có khối nước sản xuất ở Châu Âu, làm thiệt hại cho ngân sách của Nhà nước theo Kết luận giám định là 149.167.720đ.

Đồng thời năm 2010, các bị cáo đã có hành vi xét thầu sai - loại bỏ ra ngoài không xét tiếp đối với 04 mặt hàng thuốc đảm bảo theo 3 tiêu chí bắt buộc của Hồ sơ mời thầu cụ thể như sau:

- Mặt hàng thuốc Codamox (do Cty Xuất nhập khẩu Y tế tỉnh Gia Lai dự thầu) đạt các tiêu chí theo quy định tại Hồ sơ mời thầu, có giá dự thầu 1.091,8 đ/viên, nhưng các bị cáo trong Tổ chuyên gia loại không xét tiếp vì cho rằng không đáp ứng các tiêu chuẩn bắt buộc, dẫn đến việc mặt hàng thuốc Aumoxtine 500 (do Cty Dược Vật tư Y tế tỉnh Gia Lai dự thầu) có giá 1.050 đ/viên được trúng thầu (thiệt hại 41,80 đồng/1 viên).

- Mặt hàng Wonforazone 1g inj (do Cty Xuất nhập khẩu Y tế tỉnh Gia Lai dự thầu) đạt các tiêu chí theo quy định tại Hồ sơ mời thầu, giá dự thầu 50.614 đ/lọ, nhưng các bị cáo trong Tổ chuyên gia loại không xét tiếp vì cho rằng không đáp ứng các tiêu chuẩn bắt buộc, dẫn đến việc mặt hàng thuốc Zeefora (do Cty Dược Vật tư Y tế tỉnh Gia Lai dự thầu) có giá 65.720 đ/lọ được trúng thầu, (làm thiệt hại 15.106 đồng/1 lọ).

- Mặt hàng thuốc Quincef 250 (do Cty Xuất nhập khẩu Y tế dự thầu) đạt các tiêu chí theo quy định tại Hồ sơ mời thầu, có giá dự thầu 3.742đ/viên, nhưng các bị cáo trong Tổ chuyên gia loại không xét tiếp vì cho rằng không đáp ứng các tiêu chuẩn bắt buộc, dẫn đến việc mặt hàng thuốc Travinat 250 mg (do Cty Vật tư Y tế tỉnh Gia Lai dự thầu) có giá 6.784 đ/viên được trúng thầu (thiệt hại 3.042 đồng/1 viên).

- Mặt hàng thuốc Bioszone 2g inj (do Cty Xuất nhập khẩu tỉnh Gia Lai dự thầu) đạt các tiêu chí theo quy định tại Hồ sơ mời thầu, có giá dự thầu 89.995 đ/lọ nhưng các bị cáo trong Tổ chuyên gia loại không xét tiếp vì cho rằng không đáp ứng các tiêu chuẩn bắt buộc, dẫn đến việc mặt hàng thuốc Karezone S (do Cty Dược Vật tư Y tế tỉnh Gia Lai dự thầu) có giá 94.000 đ/lọ được trúng thầu (thiệt hại 4.505 đ/1 lọ). Tuy nhiên, đối với mặt hàng thuốc Karezone S, tuy được trúng thầu, nhưng sau đó không thực hiện việc ký kết hợp đồng mua thuốc nên không gây ra thiệt hại.

Việc xét thầu sai dẫn đến 04 mặt hàng khác có giá dự thầu cao trúng thầu nêu trên đã làm thiệt hại cho ngân sách của Nhà nước theo Kết luận giám định là 1.927.950.461đ .

Tổng cộng 05 mặt hàng xét thầu sai, trúng thầu sai năm 2010 nêu trên gây thiệt hại là 2.077.118.181đ.

Ngoài ra còn có 9 mặt hàng có Số đăng ký hết hạn, hoặc có GMP hết hạn, hoặc có CPP hết hạn, nhưng vẫn được Tổ chuyên gia xét trúng thầu.

Như vậy, trong 3 năm Tổ chuyên gia đấu thầu Sở Y tế tỉnh Gia Lai đã làm trái các quy định về xét thầu: Xét loại ra 08 mặt hàng đạt đầy đủ các tiêu chí theo quy định tại Hồ sơ mời thầu, có giá dự thầu thấp, dẫn đến 08 mặt hàng khác có giá dự thầu cao được trúng thầu và xét cho trúng thầu 07 mặt hàng sai khối nước sản xuất gây hậu quả thiệt hại cho ngân sách Nhà nước tổng cộng là 6.105.976.535đ.

* Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 27/2020/HSST ngày 19/6/2020, Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai đã quyết định:

1. Về tội danh:

Tuyên bố các bị cáo Nguyễn Công N, Đặng Đức C, Phan Minh H, Đoàn C1, Lê Khánh L Bùi Ngọc Th, Nguyễn Thị Kim L3 và Rmah P phạm tội: “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; bị cáo Phùng Xuân Q phạm tội: „Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

2. Về hình phạt:

- Áp dụng khoản 3 Điều 165 Bộ luật hình sự năm 1999; điểm b, s, v khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52; Điều 38, Điều 54 BLHS năm 2015.

Xử phạt bị cáo Nguyễn Công N 5 (năm) năm tù. Được khấu trừ thời gian tạm giam từ ngày 21/12/2011 đến ngày 21/12/2012, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị cáo chấp hành án.

- Áp dụng khoản 3 Điều 165 Bộ luật hình sự năm 1999; điểm b, s, v khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52; Điều 38, Điều 54 BLHS 2015.

Xử phạt bị cáo Đặng Đức C 6 (sáu) năm tù. Được khấu trừ thời gian tạm giam từ ngày 21/12/2011 đến ngày 21/12/2012, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị cáo chấp hành án.

- Áp dụng khoản 3 Điều 165 Bộ luật hình sự năm 1999; điểm b, s, v khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52; Điều 38, Điều 54 BLHS 2015.

Xử phạt bị cáo Phan Minh H 6 (sáu) năm tù. Được khấu trừ thời gian tạm giam từ ngày 18/11/2011 đến ngày 20/11/2015, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị cáo chấp hành án.

- Áp dụng khoản 3 Điều 165 Bộ luật hình sự năm 1999; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52; Điều 38, Điều 54 BLHS năm 2015.

Xử phạt bị cáo Đoàn C1 6 (sáu) năm tù. Được khấu trừ thời gian tạm giam, chấp hành án trước đây là 48 tháng, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị cáo chấp hành án.

- Áp dụng khoản 3 Điều 165 Bộ luật hình sự năm 1999; điểm b, s, v khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 38, Điều 54 BLHS năm 2015.

Xử phạt bị cáo Bùi Ngọc Th 3 (ba) năm 6 (sáu) tháng tù. Được khấu trừ thời gian tạm giam từ ngày 21/12/2011 đến ngày 04/02/2013, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị cáo chấp hành án.

- Áp dụng khoản 3 Điều 165 Bộ luật hình sự năm 1999; điểm b, s, v khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52; Điều 38, Điều 54 BLHS năm 2015.

Xử phạt bị cáo Lê Khánh L 3 (ba) năm 6 (sáu) tháng tù. Được khấu trừ thời gian tạm giam từ ngày 21/12/2011 đến ngày 15/8/2012, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị cáo chấp hành án.

- Áp dụng điểm d khoản 1 Điều 360; điểm b, s, v khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 38 BLHS năm 2015.

Xử phạt bị cáo Phùng Xuân Q 18 (mười tám) tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị cáo chấp hành án.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về tội danh và hình phạt đối với các bị cáo khác trong vụ án, trách nhiệm dân sự, án phí và quyền kháng cáo.

- Ngày 24 tháng 6 năm 2020, bị cáo Phan Minh H kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

- Ngày 26 tháng 6 năm 2020, bị cáo Đoàn C1 kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

- Ngày 29 tháng 6 năm 2020, bị cáo Lê Khánh L kháng cáo xem lại phần tội danh và xin giảm án và xin được hưởng án treo.

- Ngày 29 tháng 6 năm 2020, bị cáo Phùng Xuân Q kháng cáo xin hưởng án treo;

- Ngày 30 tháng 6 năm 2020, bị cáo Đặng Đức C kháng cáo xin chuyển tội danh, giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo.

- Ngày 30 tháng 6 năm 2020, bị cáo Nguyễn Công N kháng cáo xem lại phần tội danh, xin giảm nhẹ hình phạt, xin được hưởng án treo.

- Ngày 01 tháng 7 năm 2020, bị cáo Bùi Ngọc Th kháng cáo xin giảm án, xin hưởng án treo.

Tại phiên tòa Kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo; giữ nguyên bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có tại hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa;

căn cứ vào kết quả tranh luận; Hội đồng xét xử xét thấy:

[1]. Về tố tụng: Xét thấy tại phiên tòa Luật sư Đào Văn T1 bào chữa cho bị cáo Đặng Đức C theo yêu cầu của Tòa án vắng mặt và có đơn xin hoãn phiên tòa; tuy nhiên bị cáo C đề nghị Hội đồng xét xử tiếp tục giải quyết vụ án, nên Hội đồng xét xử chấp nhận.

[2]. Về nội dung:

[2.1]. Xét kháng cáo xin xem xét lại phần tội danh của các bị cáo Lê Khánh L, Đặng Đức C và Nguyễn Công N, nhận thấy: Các bị cáo Nguyễn Công N, Đặng Đức C, Phan Minh H, Đoàn C1, Lê Khánh L, Bùi Ngọc Th, Nguyễn Thị Kim L3 và Rmah P là các thành viên trong Tổ chuyên gia đấu thầu thuốc để tiến hành hoạt động đấu thầu thuốc có nhu cầu sử dụng thường xuyên, ổn định và có số lượng lớn cho tất cả các cơ sở Y tế công lập trên địa bàn tỉnh. Trước khi tham gia Tổ chuyên gia đấu thầu, các bị cáo đã được tập huấn và có chứng chỉ theo quy định, được thành lập và phân công nhiệm vụ theo các Quyết định thành lập Tổ chuyên gia đấu thầu thuốc hàng năm của Giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai. Tuy nhiên, trong các năm 2008, 2009, 2010 các bị cáo trong tổ xét thầu đã vi phạm các nguyên tắc và trình tự đánh giá hồ sơ dự thầu được quy định tại các Điều 28, 35, 38 và 63 Luật Đấu thầu số 61/2005/QH11 ngày 29/11/2005 và Luật đấu thầu sửa đổi, bổ sung năm 2009; vi phạm Điều 27 Nghị định số 111/2006/NĐ-CP ngày 29/9/2006 của Chính phủ; Điều 29 Nghị định số 58/2008/NĐ-CP ngày 05/5/2008 của Chính phủ và Điều 29 Nghị định số 85/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật đấu thầu đã xét cho trúng thầu 07 mặt hàng thuốc sai xuất xứ và đã xét loại bỏ 08 mặt hàng đạt đầy đủ các tiêu chí tại Hồ sơ mời thầu, không đưa vào xét tiếp, dẫn đến có 08 mặt hàng khác trúng thầu.

Theo kết luận giám định lại số 1485/KL-BYT ngày 28/12/2018 của Hội đồng giám định Bộ Y tế kết đối với 8 mặt hàng Dong Do Calio; Amoxicilin MKP; Quincef 250 mg (2009); Quincef 250 mg (2010); Wonforazone; Bioszone; Cefuroxime và Codamox Tổ chuyên gia xét thầu của Sở Y tế tỉnh Gia Lai loại 08 mặt hàng này với lý do không đáp ứng 03 tiêu chí bắt buộc (chủng loại thuốc, GMP, Số đăng ký) để xét tiếp là sai; 07 mặt hàng Trimetazidine Winthrop, Acemuc-200mg, Lansoliv, Antibio Granules, Acicef (Gói 1 năm 2019), Glucodex, Acicef (Gói 1 năm 2010) được Tổ chuyên gia xét trúng thầu của Sở Y tế tỉnh Gia Lai xét trúng thầu là sai. Tại Kết luận số 01/KL-GĐV ngày 30/9/2019 v/v Giám định lại thiệt hại đấu thầu thuốc của Sở Y tế Gia Lai năm 2008, 2009 và 2010 của Giám định viên tài chính trong lĩnh vực tài chính kết luận đối với 08 mặt hàng thuốc có giá cao trúng thầu không đúng quy định gây thiệt hại là 4.982.925.767 đồng và đối với 07 mặt hàng thuốc sai xuất xứ trúng thầu không đúng qui định đã gây thiệt hại cho nhà nước số tiền 1.124.059.431 đồng. Tổng thiệt hại là 6.105.976.535 đồng (Trong đó năm 2008 thiệt hại: 415.798.781 đồng; năm 2009 thiệt hại: 3.613.059.573 đồng; năm 2010 thiệt hại: 2.077.118.181 đồng).

Do đó, Bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai tuyên bố các bị cáo Nguyễn Công N, Đặng Đức C, Phan Minh H, Đoàn C1, Lê Khánh L, Bùi Ngọc Th, Nguyễn Thị Kim L3 và Rmah P phạm tội: “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 165 Bộ luật hình sự năm 1999, là có căn cứ, đúng người, đúng tội, nên không có cơ sở để chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Lê Khánh L, Đặng Đức C và Nguyễn Công N xin xem xét lại tội danh; giữ nguyên bản án sơ thẩm về phần tội danh đối với các bị cáo.

[2.2]. Xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của các bị cáo Phan Minh H, Đoàn C1, Đặng Ngọc C, Nguyễn Công N, Lê Khánh L và Bùi Ngọc Th. Xét thấy: Vụ án xảy ra đã nhiều năm (từ 2008 đến 2010); theo kết luận tại Bản án hình sự sơ thẩm số 26/HS-ST ngày 26/4/2013 của Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai, Bản án hình sự phúc thẩm số 292/2013/HS-PT ngày 23/8/2013 của Tòa phúc thẩm tại Đà Nẵng và Quyết định giám đốc thẩm số 05/2015/HS-GĐT ngày 17/4/2015 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, thì thiệt hại do hành vi phạm tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” của các bị cáo gây ra là 8.591.451.306 đồng. Sau khi Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai thụ lý lại vụ án và trả hồ sơ điều tra bổ sung thì theo Kết luận số 01/KL-GĐV ngày 30/9/2019 của Sở Y tế tỉnh Gia Lai, thiệt hại thực tế do hành vi vi phạm nêu trên là 6.105.976.535 đồng. Như vậy, thiệt hại do các bị cáo gây ra được giảm một phần đáng kể. Đồng thời các bị cáo đều có nhân thân tốt, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, đã khắc phục phần lớn thiệt hại xảy ra, các bị cáo đều có thành tích xuất sắc trong quá trình công tác; gia đình các bị cáo Nguyễn Công N, C là người có công với đất nước; các bị cáo L, Q, C là người cao tuổi, đều có nhiều bệnh tật, sức khỏe yếu. Đồng thời, trong quá trình xem xét đơn kháng cáo của các bị cáo cũng cần xem xét “Nguyên tắc xử lý đối với tội phạm tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ” được quy định tại Điều 5 Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP ngày 30/12/2020 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự trong xét xử tội tham nhũng và tội phạm khác về chức vụ.

[2.3] Đối với các bị cáo Đặng Đức C, Nguyễn Công N nhận thấy: Bị cáo C tham gia 03 lần; trong đó một lần được phân công làm Tổ trưởng tổ chuyên gia đấu thầu thuốc, cùng các đồng phạm gây thiệt hại 6.105.976.535 đồng; đã khắc phục 370.000.000 đồng, còn phải bồi thường tiếp 626.374.481 đồng. Bị cáo Nguyễn Công N tham gia 02 lần, cả 02 lần đều được phân công làm Tổ trưởng tổ chuyên gia đấu thầu thuốc, cùng các đồng phạm gây thiệt hại 5.690.177.754 đồng; đã khắc phục 770.000.000 đồng, còn phải bồi thường tiếp 226.325.162 đồng.

Với vai trò trong Tổ chuyên gia đấu thầu thuốc, số lần tham gia, số tiền thiệt hại, số tiền đã khắc phục và nhân thân như đã nêu trên; bản án sơ thẩm áp dụng khoản 3 Điều 165 Bộ luật hình sự năm 1999; điểm b, s, v khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52; Điều 38, Điều 54 BLHS năm 2015; xử phạt bị cáo C 6 năm tù, bị cáo Nguyễn Công N 5 năm tù là phù hợp. Sau khi xét xử sơ bị thẩm bị cáo Nguyễn Công N đã bồi thường đủ số tiền còn lại là 226.325.162 đồng; bị cáo C bồi thường đủ số tiền còn lại là 626.374.491đồng. Đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mới trong giai đoạn phúc thẩm, nên chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nguyễn Công N, C giảm một phần hình phạt.

[2.4] Đối với bị cáo Phan Minh H, Đoàn C1: Các bị cáo H, C1 tham gia 03 lần, cùng các đồng phạm gây thiệt hại 6.105.976.535 đồng; cả hai bị cáo chỉ là thành viên trong Tổ chuyên gia, đã khắc phục toàn bộ thiệt hại do mình gây ra là 996.374.491 đồng, nhưng án sơ thẩm xử phạt cả 02 bị cáo với mức án 6 năm tù, bằng mức án bị cáo C và cao hơn bị cáo Nguyễn Công N là chưa phù hợp, có phần nghiêm khắc. Mặt khác bị cáo C1 cũng đã chấp hành xong mức án mà Bản án hình sự sơ thẩm số 26/HS-ST ngày 26/4/2013 của Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai là 4 năm tù; bị cáo H cũng đã tạm giam từ ngày 18/11/2011 đến ngày 20/11/2015 (4 năm 2 ngày). Đồng thời hiện nay các bị cáo mới tìm được việc làm ổn định ở đơn vị mới và có nhiều đóng góp cho xã hội, nên Hội đồng xét xử xét thấy lên mức hình phạt tù đối với hai bị cáo C1, H bằng mức thời gian đã tạm giam và thời gian đã chấp hành hình phạt tù cũng phù hợp, tạo điều kiện cho 02 bị cáo tiếp tục sự nghiệp vì sức khỏe của cộng đồng.

[2.5] Đối với các bị cáo Lê Khánh L, Bùi Ngọc Th nhận thấy: Bị cáo L tham gia 02 lần, cùng các đồng phạm gây thiệt hại 4.028.858.354 đồng; bị cáo Th tham gia 01 lần, cùng đồng phạm gây thiệt hại 2.077.118.181 đồng. Cả 02 bị cáo chỉ là thành viên trong Tổ chuyên gia. Bị cáo L đã bồi thường 84.625.398 đồng, còn phải bồi thường 525.959.000 đồng; bị cáo Th đã bồi thường 40.000.000 đồng, còn phải bồi thường 345.590.093 đồng. Án sơ thẩm áp dụng khoản 3 Điều 165 Bộ luật hình sự năm 1999; điểm b, s, v khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52; Điều 38, Điều 54 BLHS năm 2015; xử phạt bị cáo L 3 năm 6 tháng tù; áp dụng khoản 3 Điều 165 Bộ luật hình sự năm 1999; điểm b, s, v khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 38, Điều 54 BLHS năm 2015; xử phạt bị cáo Th 3 năm 6 tháng tù là phù hợp. Sau khi xét xử sơ bị thẩm bị cáo L đã bồi thường đủ số tiền còn lại là 525.959.000 đồng, bị cáo Th bồi thường tiếp số tiền 260.000.000 đồng. Đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mới trong giai đoạn phúc thẩm, nên chấp nhận kháng cáo của bị cáo L, Th giảm một phần hình phạt cho các bị cáo.

[2.6] Xét kháng cáo xin hưởng án treo của các bị cáo Lê Khánh L, Đặng Đức C, Nguyễn Công N, Phùng Xuân Q và Bùi Ngọc Th nhận thấy:

- Đối với các bị cáo Đặng Đức C, Nguyễn Công N, Lê Khánh L, Bùi Ngọc Th: Bị cáo C tham gia 03 lần; trong đó một lần được phân công làm Tổ trưởng tổ chuyên gia đấu thầu thuốc, cùng các đồng phạm gây thiệt hại 6.105.976.535 đồng; bị cáo Nguyễn Công N tham gia 02 lần, cả 02 lần đều được phân công làm Tổ trưởng tổ chuyên gia đấu thầu thuốc, cùng các đồng phạm gây thiệt hại 5.690.177.754 đồng; bị cáo L tham gia 02 lần, cùng các đồng phạm gây thiệt hại 4.028.858.354 đồng; bị cáo Th tham gia 01 lần, cùng đồng phạm gây thiệt hại 2.077.118.181 đồng. Với vai trò của các bị cáo trong Tổ chuyên gia đấu thầu thuốc, số lần tham gia, số tiền thiệt hại thuộc trường hợp “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”; bị tuy tố, xét xử theo khoản 3 Điều 165 Bộ luật hình sự năm 1999 nên ánh sơ thẩm xử phạt tù không cho hưởng án treo là đúng quy định tại Điều 3 “Những trường hợp không cho hưởng án treo” của Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật hình sự về án treo, nên Hội đồng xét xử xét thấy không có cơ sở để chấp nhận kháng cáo xin hưởng án treo của các bị cáo C, Nguyễn Công N, Th, L.

- Đối với bị cáo Phùng Xuân Q: Với tư cách là Giám đốc Sở Y tế, là chủ đầu tư dự án năm 2008 nhưng thiếu trách nhiệm, thiếu biện pháp kiểm tra, giám sát, nhắc nhở việc xét thầu nên đã để xẩy ra tình trạng các bị cáo là thành viên của Tổ chuyên gia đấu thầu không tuân thủ các quy định về xét thầu, xét thầu sai. Bản thân bị cáo Q đã ký vào Tờ trình số 37/TT-SYT ngày 12/5/2008 về việc phê duyệt kết quả các gói thầu cung ứng thuốc cho các cơ sở y tế công lập trực thuộc Sở Y tế Gia Lai năm 2008 để Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định và Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai phê duyệt, trong đó có 05 mặt hàng xét thầu sai, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước; xét thấy: Theo kết luận tại Bản án hình sự sơ thẩm số 26/HS-ST ngày 26/4/2013 của Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai, Bản án hình sự phúc thẩm số 292/2013/HS-PT ngày 23/8/2013 của Tòa phúc thẩm tại Đà Nẵng và Quyết định giám đốc thẩm số 05/2015/HS-GĐT ngày 17/4/2015 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, thì thiệt hại do hành vi phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” của các bị cáo gây ra là 2.900.266.021 đồng. Sau khi Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai thụ lý lại vụ án và trả hồ sơ điều tra bổ sung thì theo Kết luận số 01/KL- GĐV ngày 30/9/2019 của Sở Y tế tỉnh Gia Lai, thiệt hại thực tế do hành vi vi phạm nêu trên là 415.798.781 đồng. Như vậy thiệt hại do bị cáo gây ra được giảm một phần lớn đáng kể. Do đó, án sơ thẩm xử phạt bị cáo 18 tháng tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 360 Bộ luật hình sự năm 2015 là có căn cứ, đúng pháp luật. Tuy nhiên xét thấy vụ án đã xẩy ra trên 10 năm, hiện nay bị cáo Q hiện cũng đã nghỉ hưu, là người cao tuổi, có nhiều bệnh tật, sức khỏe yếu và thiệt hại cũng đã được khắc phục phần lớn. Do đó, để thể hiện tính nhân đạo của pháp luật, Hội đồng xét xử xét thấy cần chấp nhận kháng cáo của bị cáo Q cho bị cáo được hưởng án treo cũng đủ tác dụng giáo dục các bị cáo trở thành công dân có ích cho xã hội.

[3] Các Quyết định khác của Bản án hình sự sơ thẩm số 27/2020/HS-ST ngày 19/6/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai không có kháng cáo, kháng nghị, Hội đồng xét xử không xét và đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

 [4] Các bị cáo C, H, C1, L, Nguyễn Công N, Th, Q không phải chịu án phí phúc thẩm.

Từ nhận định trên;

Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355; Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự.

QUYẾT ĐỊNH

1. Chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Đặng Đức C, Nguyễn Công N, Đoàn C1, Phan Minh H, Lê Khánh L, Bùi Ngọc Th và Phùng Xuân Q; sửa án sơ thẩm.

2. Tuyên bố các bị cáo Nguyễn Công N, Đặng Đức C, Phan Minh H, Đoàn C1, Lê Khánh L, Bùi Ngọc Th phạm tội: “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; bị cáo Phùng Xuân Q phạm tội: “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

* Áp dụng khoản 3 Điều 165 Bộ luật hình sự năm 1999; điểm b, s, v khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52; Điều 38, Điều 54 BLHS năm 2015.

- Xử phạt bị cáo Nguyễn Công N 03 (ba) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị cáo chấp hành án, nhưng được khấu trừ thời gian tạm giam từ ngày 21/12/2011 đến ngày 21/12/2012.

- Xử phạt bị cáo Đặng Đức C 04 (bốn) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị cáo chấp hành án, nhưng được khấu trừ thời gian tạm giam từ ngày 21/12/2011 đến ngày 21/12/2012.

- Xử phạt bị cáo Phan Minh H 04 (bốn) năm 02 (hai) ngày tù. Đã chấp hành xong.

- Xử phạt bị cáo Bùi Ngọc Th 01 (một) năm 06 tháng tù; thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị cáo chấp hành án, nhưng được khấu trừ thời gian đã tạm giam từ ngày 21/12/2011 đến ngày 04/02/2013.

- Xử phạt bị cáo Lê Khánh L 01 (một) năm 06 tháng tù; thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị cáo chấp hành án, nhưng được khấu trừ thời gian đã tạm giam từ ngày 21/12/2011 đến ngày 15/8/2012.

* Áp dụng khoản 3 Điều 165 Bộ luật hình sự năm 1999; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52; Điều 38, Điều 54 Bộ luật Hình sự 2015.

- Xử phạt bị cáo Đoàn C1 04 (bốn) năm tù. Đã chấp hành xong.

* Áp dụng điểm d khoản 1 Điều 360; điểm b, s, v khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 38; khoản 1, 2, 5 Điều 65 BLHS năm 2015.

- Xử phạt bị cáo Phùng Xuân Q 18 (mười tám) tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách tính từ ngày tuyên án phúc thẩm (ngày 26/4/2021).

Giao bị cáo Phùng Xuân Q cho UBND phường T6, thành phố P, tỉnh Gia Lai nơi cư trú của bị cáo để giám sát và giáo dục. Gia đình bị cáo có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục bị cáo. Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 của Luật thi hành án hình sự.

3. Về án phí phúc thẩm: Áp dụng Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án.

Các bị cáo Đặng Đức C, Phan Minh H, Đoàn C1, Lê Khánh L, Nguyễn Công N, Phùng Xuân Q và Bùi Ngọc Th không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

4. Các quyết định khác của Bản án hình sự sơ thẩm số 27/2020/HS-ST ngày 19/6/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

328
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 211/2021/HS-PT về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước quản lý kinh tế, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng

Số hiệu:211/2021/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 26/04/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;