TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ THÁI BÌNH, TỈNH THÁI BÌNH
BẢN ÁN 202/2017/HSST NGÀY 13/12/2017 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH
Ngày 13 tháng 12 năm 2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình xét xử sơ thẩm vụ án hình sự thụ lý số 199/2017/HSST ngày 27 tháng 11 năm 2017, Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 224/2017/HSST- QĐ ngày 01/12/2017, đối với bị cáo:
Phạm Thị N - sinh ngày 02/10/1974; Nơi cư trú: Số nhà 29, Ngõ 50, đường L, Tổ 02, phường T, thành phố T, tỉnh Thái Bình; Trình độ văn hóa: 7/10; Nghề nghiệp: Lao động tự do; Con ông Phạm Văn B, sinh năm 1935 và bà Nguyễn Thị T, sinh năm 1944; Chồng là Khiếu Văn C, sinh năm 1970; Có B con, con lớn sinh năm 1995, con nhỏ sinh năm 2007; Tiền án, tiền sự: Không; Bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 15/8/2017, có mặt.
- Người bào chữa cho bị cáo Phạm Thị N: Ông Phạm Văn Hoàng – Luật sưVăn phòng luật sư Thái Bình, Đoàn luật sư tỉnh Thái Bình. Vắng mặt.
- Người bị hại: Bà Nguyễn Thị B, sinh năm 1936
Nơi cư trú: Số nhà 27, Ngõ 50, đường L, Tổ 02, phường T, thành phố T,tỉnh Thái Bình. Có mặt tại phiên tòa.
- Người làm chứng:
2.1. Bà Trần Thị S, sinh năm 1965
Nơi cư trú: Số nhà 23, ngõ 50, đường L, Tổ 02, phường T, thành phố T,tỉnh Thái Bình.
2.2. Anh Khiếu Vĩnh T, sinh năm 1962
Nơi cư trú: Số nhà 18, ngõ 50, đường L, Tổ 02, phường T, thành phố T, tỉnh Thái Bình.
2.3. Cháu Khiếu Ngọc A, sinh ngày 10/5/2000
Nơi cư trú: Số nhà 29, ngõ 50, đường L, Tổ 02, phường T, thành phố T, tỉnh Thái Bình.
Người giám hộ cho cháu Khiếu Ngọc A: Chị Phạm Thị N (dì ruột cháu A) – sinh năm 1977; Địa chỉ: Số nhà 145, phố L, Tổ 01, xã P, thành phố T, tỉnh Thái Bình.
(Bà S, anh T, cháu A, chị N có mặt tại phiên tòa).
NỘI DUNG VỤ ÁN
Qua các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và quá trình xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Khoảng 14 giờ ngày 01/6/2017, Phạm Thị N cùng cháu Khiếu Hoàng H, sinh năm 2007 (là con trai của N) đến nhà bà Nguyễn Thị B (mẹ chồng của N). Lúc này bà B và cháu Khiếu Ngọc A đang ngồi chơi thì N và cháu H đi vào trong nhà. N để chiếc mũ bảo hiểm và túi đựng quần áo xuống nền nhà và nói “Tôi trả cháu bà, tôi không nuôi được, bà nhận bà nuôi cháu thì tôi mang về trả”. Bà B trả lời “Bây giờ bà già rồi, không nuôi được, cháu cứ ở đây với bà mấy hôm, bà không nuôi được thì có người khác nuôi’. Thấy bà B và N to tiếng với nhau, cháu A nói “Mẹ để H ở đây thì con cho H đi Hà Nội, ở nhà đéo ai nuôi”. Tức giận với thái độ của cháu A nên N đã dùng tay phải tát ba nhát vào mặt và ngực A. Thấy vậy, bà B chạy lại can ngăn, trong lúc can ngăn, bà B gọi “Thịnh ơi, Trà ơi cái N nó đánh tao”. Lúc này, anh Khiếu Vĩnh T (con trai bà B) và chị Trần Thị S nghe thấy bà B kêu liền chạy đến can ngăn. Bà B tiếp tục nói “Nhà người ta năm, bảy đứa con còn nuôi được, nhà mày nuôi có một đứa mà mày không nuôi được, mày bỏ nó mày đi theo trai à”. N nghe thấy bà B nói vậy nên tiến lại giường nơi bà B đang ngồi, cúi xuống dùng tay trái cầm chiếc mũ bảo hiểm bằng nhựa cứng, màu đỏ mà N mang đến, đập liên tiếp 02 nhát theo hướng từ phải qua trái, từ trên xuống dưới về phía đầu bà B. Thấy vậy, bà B giơ tay lên đỡ thì bị N đập trúng vào cẳng tay trái làm mũ bảo hiểm rơi xuống nền nhà. Chị S vào can ngăn và nhặt chiếc mũ bảo hiểm cùng chiếc túi xách đưa cho N để đi về nhà. Bà Nguyễn Thị B sau khi bị N đánh đã bị xưng, đau ở cổ tay trái nên anh T, chị S, cháu A dùng dầu gió xoa nhưng không đỡ. Đến sáng ngày 02/6/2017, bà B được đưa đến bệnh viện đa khoa Hoàng An, thành phố Thái Bình khám và điều trị.
Tại bản kết luận giám định số 82/17/TgT ngày 04/8/2017 của Trung tâm pháp y tỉnh Thái Bình kết luận thương tích của bà Nguyễn Thị B như sau: “Thương tích vùng cẳng tay trái do vật tày rắn tác động, làm gãy 1/3 dưới trụ tay trái, đã được xử trí: Kéo, nắn, bó bột rạch dọc cố định cẳng bàn tay trái. Kết quả chụp X-Quang xương cẳng tay trái ngày 02/8/2017 – Bệnh viện đa khoa Thái Bình: Hình ảnh gãy 1/3 dưới xương trụ tay trái đã xan xấu. Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là 21%”.
Bản cáo trạng số 210/KSĐT ngày 24 tháng 11 năm 2017 của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Thái Bình truy tố bị cáo Phạm Thị N về tội “Cố ý gây thương tích” theo Khoản 2 Điều 104 Bộ luật hình sự (thuộc trường hợp quy định tại Điểm a, đ Khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự).
Tại giai đoạn điều tra bị cáo Phạm Thị N không thừa nhận hành vi gây thương tích cho bà B. Tuy nhiên, tại phiên tòa, bị cáo đã Phạm Thị N khai nhận: do có nhiều mâu thuẫn từ trước với bà B trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng cháu Khiếu Hoàng H nên ngày 01/6/2017, bị cáo chở H đến nhà bà B để bà B nuôi, khi đến nơi bà B có nhiều lời lẽ xúc phạm đến bị cáo như việc nói bị cáo bỏ bê con cái, đánh đĩ theo trai nên bị cáo rất bức xúc, không kìm chế được hành vi nên đã dùng chiếc mũ bảo hiểm màu đỏ của bị cáo đập về phía bà B hai nhát, do bà B giơ tay lên nên mũ đập trúng vào tay của bà B, làm bà B bị gẫy tay, thương tích theo kết luận giám định là 21%. Tại phiên tòa, bị cáo đã nhận thức được những sai trái của mình nên đã thành khẩn khai báo toàn bộ hành vi phạm tội do mình gây ra, bị cáo tác động đến gia đình (chồng bị cáo) để bồi thường một phần thiệt hại về sức khỏe cho bà B, đồng thời trực tiếp xin lỗi người bị hại nên bị cáo đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm hình phạt cho bị cáo và cho bị cáo được hưởng án treo để có điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng con nhỏ.
Quá trình điều tra và tại phiên tòa, người bị hại là bà Nguyễn Thị B trình bày: Giữa bà với bị cáo N cũng có nhiều mâu thuẫn trong việc chăm sóc, giáo dục con cái của bị cáo N. Ngày 01/6/2017, do bị cáo N đến nhà bà và có nhữnghành động, cư xử không tốt với con cái nên bà B có chửi bới N mấy câu. Do vậy, N đã dùng mũ bảo hiểm nhặt ở dưới đất lên đập vào người bà hai nhát, nhưng do bà giơ tay lên đỡ nên mũ đập trúng vào tay bà gây ra gẫy cẳng tay trái của bà phải bó bột. Bà B đồng ý với kết luận giám định, tỷ lệ thương tích của bà là 21%. Tại phiên tòa, bà B cho rằng, N đã nhận tội, nhận ra sai lầm của mình, đồng thời xin lỗi bà. Ngày 12/12/2017, anh Khiếu Văn C (là con trai bà, là chồng của bị cáo) thay mặt N đến xin lỗi bà và bồi thường cho bà B 5.000.000 đồng, nhưng bà B cho lại cháu nội của bà là Khiếu Hoàng H. Bà B không yêu cầu bị cáo N phải bồi thường khoản tiền nào khác. Vì vậy, bà B đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm hình phạt cho bị cáo N và cho bị cáo N được hưởng án treo để có điều kiện chăm sóc, nuôi dạy con cái.
Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Thái Bình vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố theo cáo trạng và đề nghị Hội đồng xét xử:
Tuyên bố bị cáo Phạm Thị N phạm tội “Cố ý gây thương tích”.
Áp dụng Khoản 2 Điều 104 (thuộc trường hợp quy định tại Điểm a; Điểm đ Khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự năm 1999); Nghị quyết số 41/2017/QH ngày 20/6/2017 của Quốc hội; khoản 3 Điều 7 và khoản 2 Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015; Điểm b, p Khoản 1, Khoản 2 Điều 46; Điểm h Khoản 1 Điều 48; Điều 60 Bộ luật hình sự, xử phạt bị cáo Phạm Thị N từ 02 (Hai) năm đến 02 (Hai) năm 06 (Sáu) tháng tù, nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách từ 48 tháng đến 60 tháng tính từ ngày tuyên án. Áp dụng Khoản 4 Điều 227 Bộ luật tố tụng hình sự, tuyên trả tự do ngay tại phiên tòa cho bị cáo Phạm Thị N.
Về trách nhiệm dân sự: Người bị hại là bà Nguyễn Thị B không yêu cầu bồi thường khoản tiền nào khác nên không đặt ra giải quyết.
Về xử lý vật chứng: Áp dụng Điều 41 Bộ luật hình sự; Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự, tuyên tịch thu tiêu hủy 01 chiếc mũ bảo hiểm màu đỏ.
Bị cáo đồng ý với tội danh mà Viện kiểm sát nhân dân thành phố Thái Bình đã truy tố và không có ý kiến tranh luận đối với bản luận tội của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Thái Bình.
NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận thấy như sau: Trong quá trình điều tra và truy tố cũng như tại phiên tòa bị cáo không cókhiếu nại về hành vi, quyết định tố tụng của các cơ quan tiến hành tố tụng vàngười tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.
Tại phiên tòa, bị cáo Phạm Thị N đã thừa nhận ngày 01/06/2017 đã dùng mũ bảo hiểm gây thương tích cho bà Nguyễn Thị B với tỷ lệ tổn thương cơ thể là 21%. Như vậy có đủ cơ sở kết luận bị cáo Phạm Thị N đã phạm tội “Cố ý gây thương tích”, tuy thương tích không vượt quá 30 % theo khoản 2 Điều 104 Bộ luật hình sự nhưng bị cáo sử dụng chiếc mũ bảo hiểm, được xác định là hung khí nguy hiểm để thực hiện tội phạm đối với mẹ chồng của bị cáo nên hành vi phạm tội của bị cáo thuộc trường hợp Điểm a, Điểm đ Khoản 1 Điều 104 là “Dùng hung khí nguy hiểm” và “Phạm tội đối với cha mẹ”. Vì vậy, bị cáo bị xét xử theo Khoản 2 Điều104 Bộ luật hình sự là chính xác.
Tuy nhiên, cần phải áp dụng Nghị quyết số 41/2017/QH ngày 20/6/2017 của Quốc hội; khoản 3 Điều 7 và khoản 2 Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015, là những quy định, hướng dẫn về việc áp dụng pháp luật theo hướng có lợi cho bị cáo, bởi theo quy định tại Bộ luật hình sự năm 2015 thì mức hình phạt cao nhất tại khoản 2 điều 134 về tội “Cố ý gây thương tích” nhẹ hơn mức hình phạt cao nhất theo khoản 2 điều 104 Bộ luật hình sự năm 1999. Vì vậy, cần phải áp dụng quy định tại khoản 2 điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015 để quyết định mức hình phạt đối với bị cáo.
Điều 104 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định:
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tích từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:a, Dùng hung khí nguy hiểm…
2.. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1
Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định:
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a, Dùng hung khí nguy hiểm…
đ, Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng….
2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, d, đ, e, g, h, i, k, m, n và o khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.
Xét tính chất, mức độ, hậu quả hành vi phạm tội của bị cáo thấy: hành vi của bị cáo N là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm đến sức khỏe của người khác được pháp luật bảo vệ. Bị cáo là người có đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mình nhưng chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ bị cáo đã không kiềm chế được bản thân để lựa chọn giải quyết mâu thuẫn với mẹ chồng bằng cách khác như bình tĩnh ngồi lại với bà B nói chuyện đúng, sai mà lại lựa chọn việc dùng hung khí gây thương tích cho bà B. Việc làm này của bị cáo N không chỉ vi phạm pháp luật hình sự mà còn vi phạm đạo đức, lẽ sống của đạo làm con. Bởi vậy, cần phải xét xử bị cáo N với mức hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ phạm tội mà bị cáo đã gây ra. Tuy nhiên, trong vụ án này, bà B cũng là người có một phần lỗi, bởi bà B có những lời lẽ thiếu tôn trọng, xúc phạm đến bị cáo N, đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội của bị cáo N. Do vậy, cũng phải xem xét để giảm nhẹ cho bị cáo N một phần hình phạt để tạo cho bị cáo một cơ hội ăn năn, hối cải, trở thành người tốt trong xã hội và thiết lập lại mối quan hệ trong gia đình bị cáo.
Đánh giá về nhân thân, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ đối với bị cáo: Hội đồng xét xử xét thấy bị cáo là người có nhân thân tốt, không có tiền án, tiền sự; tại phiên tòa bị cáo đã tỏ ra ăn năn hối cải và thành khẩn khai báo về hành vi phạm tội của mình, bị cáo tác động đến gia đình (chồng bị cáo) để bồi thường một phần thiệt hại cho người bị hại, đồng thời người bị hại đề nghị giảm hình phạt cho bị cáo; Bị cáo có bố đẻ là ông Phạm Văn B là người có công với cách mạng, tham gia hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và Mỹ, ông B là thương binh loại 4/4. Vì vậy, bị cáo được áp dụng hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm b, p khoản 1 Điều 46 và hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự. Bị cáo phạm tội đối với bà Nguyễn Thị B, sinh năm 1936 khi bà B đã 81 tuổi, nên bị cáo phải chịu một tình tiết tăng nặng là phạm tội đối với người già quy định tại Điểm h Khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự.
Về trách nhiệm dân sự: Ngày 12/12/2017, bị cáo N đã tác động đến người nhà là anh Khiếu Văn C (chồng bị cáo) để bồi thường cho bà B một phần thiệt hại đã gây ra cho bà B. Tuy nhiên, bà B không nhận tiền bồi thường mà cho lại cháu nội là Khiếu Hoàng H. Bà B không yêu cầu bị cáo N phải bồi thường khoản tiền nào khác nên không đặt ra giải quyết.
Về xử lý vật chứng: 01 chiếc mũ bảo hiểm màu đỏ bị cáo dùng làm côngcụ phạm tội nên cần tịch thu tiêu hủy
Về án phí: bị cáo Phạm Thị N phải chịu án phí hình sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
1. Tuyên bố: bị cáo Phạm Thị N phạm tội "Cố ý gây thương tích”.
2. Hình phạt: Áp dụng Khoản 2 Điều 104 (thuộc trường hợp Điểm a,Điểm đ Khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự năm 1999); Nghị quyết số 41/2017/QH ngày 20/6/2017 của Quốc hội; khoản 3 Điều 7 và khoản 2 Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015; Điểm b, p Khoản 1, Khoản 2 Điều 46; Điểm h Khoản1 Điều 48; Điều 60 Bộ luật hình sự.
Xử phạt bị cáo Phạm Thị N 02 (Hai) năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 48 tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm 13/12/2017.
Áp dụng Khoản 4 Điều 227 Bộ luật tố tụng hình sự, tuyên bố trả tự do Ny tại phiên tòa cho bị cáo Phạm Thị N nếu bị cáo không bị tạm giam về một tội phạm khác.
Giao bị cáo Phạm Thị N cho Ủy ban nhân dân phường Tiền Phong, thànhphố Thái Bình, tỉnh Thái Bình quản lý, giáo dục trong thời gian thử thách.
Trong trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 của Luật thi hành án hình sự.
3. Về trách nhiệm dân sự: Người bị hại là bà Nguyễn Thị B không yêu cầu bị cáo phải bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm nên không đặt ra giải quyết.
4. Về xử lý vật chứng: Áp dụng Điều 41 Bộ luật hình sự; Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự, tịch thu tiêu hủy 01 mũ bảo hiểm màu đỏ.
(Vật chứng đã được Cơ quan điều tra Công an thành phố Thái Bình bàn giao cho Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Thái Bình ngày 29/11/2017).
5. Về án phí: Áp dụng điều 99 Bộ luật tố tụng hình sự, buộc bị cáo PhạmThị N phải nộp 200.000đ án phí hình sự sơ thẩm.
6. Về quyền kháng cáo: Bị cáo Phạm Thị N, người bị hại bà Nguyễn ThịB có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án sơ thẩm 13/12/2017. Người bào chữa cho bị cáo có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành án theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6,7, 7a và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 của Luật thi hành án dân sự.
Bản án 202/2017/HSST ngày 13/12/2017 về tội cố ý gây thương tích
Số hiệu: | 202/2017/HSST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Thành phố Thái Bình - Thái Bình |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 13/12/2017 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về