Bản án 20/2021/HS-ST ngày 23/09/2021 về tội trộm cắp tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN NGÂN SƠN, TỈNH BẮC KẠN

BẢN ÁN 20/2021/HS-ST NGÀY 23/09/2021 VỀ TỘI TRỘM CẮP TÀI SẢN

Trong ngày 23 tháng 9 năm 2021, tại Hội trường xét xử của Tòa án nhân dân huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số: 18/2021/TLST-HS ngày 09 tháng 8 năm 2021 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 20/2021/QĐXXST-HS ngày 09 tháng 9 năm 2021 đối với bị cáo:

Bàn Văn P, sinh ngày 21 tháng 11 năm 1987 tại huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn. Nơi ĐKHKTT và nơi cư trú: Thôn N, xã T, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn; Nghề nghiệp: Làm ruộng; Trình độ học vấn: Lớp 11/12; Dân tộc: Dao; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông Bàn Văn C, sinh năm 1963; Con bà Lý Thị C, sinh năm 1960; Bị cáo có vợ là Liễu Thị L, sinh năm 1986 và 02 người con, con lớn sinh năm 2009, con nhỏ sinh năm 2011;

Tiền án, Tiền sự: Không.

Bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú, có mặt tại phiên tòa.

Người tham gia tố tụng khác:

- Người bào chữa cho bị cáo: Bà Hoàng Thu Chung - Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Bắc Kạn. Có mặt.

- Bị hại:

+ Anh Chu Văn L, sinh năm 1990. Địa chỉ: Thôn N, xã T, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn. Có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Bàn Văn P, sinh năm 1987, trú tại thôn N, xã T, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn do trước đó biết được gia đình anh Chu Văn L, sinh năm 1990, trú cùng thôn (nhà anh L ở đối diện nhà P, cách khoảng 100 mét) có 01 bộ trang sức bằng bạc của người dân tộc Dao nên vào khoảng 14 giờ 30 phút chiều ngày 03/9/2020, khi P đang phát cỏ trong vườn thì quan sát thấy nhà anh L đóng cửa, không có ai ở nhà, P nảy sinh ý định trộm cắp tài sản. P về nhà cầm theo một con dao nhọn (loại dao gọt hoa quả) của gia đình rồi một mình đi bộ đến khu vực đằng sau nhà anh L, P dùng con dao nhọn chọc qua khe cửa đằng sau nhà, bẩy then chốt cửa (bằng gỗ) theo hướng từ phải sang trái nhiều lần để mở cửa. Sau khi mở được cửa, P đi vào nhà, tiến đến khu vực đặt 01 tủ gỗ của gia đình anh L ở gian giữa nhà, thấy có một bên cánh tủ đã khóa, Phòng nghĩ tài sản được cất giấu ở đây nên P dùng con dao chọc vào khe tủ làm cậy làm khóa tủ bật ra, mở được cửa tủ, P dùng tay sờ nắn các túi nilon bên trong tủ thì phát hiện 01 túi nilon màu xanh bên trong chứa một bộ trang sức bạc của người dân tộc Dao gồm: 07 chiếc vòng đeo cổ (kiềng hở), 101 chiếc cúc hình tròn, 02 chùm dây đeo, 05 quả chuông hình cầu hở, 02 chiếc vòng đeo tay hở và 01 tấm vải. P cầm túi nilon trên ra khỏi tủ, đóng cửa tủ lại rồi đi ra khỏi nhà và khép cửa đằng sau nhà anh L lại. Sau khi trộm được tài sản, P cất giấu túi trang sức bạc ở trong vườn nhà rồi tiếp tục phát cỏ. Đến khoảng 17 giờ cùng ngày P đem túi trang sức bạc vừa trộm cắp được cất giấu ở đằng sau lán của gia đình P (cách nhà P khoảng 300 mét).

Đến khoảng tháng 8 năm 2020 âm lịch (không rõ ngày), P lấy trong túi trang sức bạc đang cất giấu ra 02 chiếc vòng đeo tay hở, 05 quả chuông bạc và 01 tấm vải với ý định đem đi bán, số tài sản còn lại vẫn để chỗ cũ. Trên đường đi bán tài sản, P nghĩ 05 quả chuông và 01 tấm vải không có giá trị nên đã đem vứt xuống suối thuộc thôn N, xã T, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn. Còn 02 chiếc vòng đeo tay P đem bán tại Cửa hàng Vàng bạc D thuộc Tiểu khu X, thị trấn N, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn được số tiền 1.100.000 đồng, số tiền này P đem đi tiêu xài cá nhân hết. Đến ngày 15/01/2021, khi biết nhà anh L đang truy tìm bộ trang sức bằng bạc bị mất, do hoang mang lo sợ và thấy hành vi của mình là sai trái nên P đã đem số tài sản còn lại trong bộ trang sức bạc trộm cắp được sang trả cho gia đình anh L, sau đó đến cơ quan Công an xã T đầu thú về hành vi phạm tội của mình. Ngày 16/01/2021, P đã đem 02 chiếc vòng đeo tay bạc bố mẹ cho và mua mới 05 quả chuông bạc và 01 tấm vải đến trả cho gia đình anh L. Toàn bộ số tài sản trên cơ quan Công an đã tiến hành tạm giữ, niêm phong trong các phong bì ký hiệu từ A1 đến A6 để phục vụ điều tra.

Tại bản Kết luận giám định số 1158/C09-P4 ngày 31/3/2021 của Viện khoa học hình sự Bộ Công an kết luận:

- 01 (một) chiếc kiềng hở bằng kim loại màu trắng bạc, có các chữ tượng hình và hoa văn (ký hiệu A1) gửi giám định có khối lượng 103,30 gam, là hợp kim của bạc, đồng, kẽm; hàm lượng bạc: 71,53%; đồng: 27,31%; kẽm: 1,16%.

- 06 (sáu) chiếc kiềng hở bằng kim loại màu trắng bạc có kích cỡ khác nhau đều có các chữ tượng hình (ký hiệu A6) gửi giám định gồm:

+ 01 (một) chiếc kiềng (ký hiệu 1) có khối lượng 146,50 gam và 01 (một) chiếc kiềng (ký hiệu 2) có khối lượng 118,20 gam đều là hợp kim của bạc, đồng, kẽm; hàm lượng trung bình bạc: 34,75%; đồng: 63,43%; kẽm: 1,82%.

+ 01 (một) chiếc kiềng (ký hiệu 3) có khối lượng 365,30 gam, 01 (một) chiếc kiềng (ký hiệu 5) có khối lượng 270,90 gam và 01 (một) chiếc kiềng (ký hiệu 6) có khối lượng 395,00 gam đều là hợp kim của bạc, đồng, cadimi, kẽm; hàm lượng trung bình bạc: 88,66%; đồng: 11,06%; cadimi: 0,17%; kẽm: 0,11%.

+ 01 (một) chiếc kiềng (ký hiệu 4) có khối lượng 175,10 gam là hợp kim của bạc, đồng, kẽm; hàm lượng bạc: 58,02%; đồng: 40,94%; kẽm: 1,04%.

- 101 (một trăm linh một) chiếc cúc hình tròn bằng kim loại màu trắng bạc, ở giữa được chế tác dạng bông hoa tám cánh (ký hiệu A5) gửi giám định có tổng khối lượng 91,00 gam đều là hợp kim của bạc, đồng, kẽm; hàm lượng trung bình bạc: 77,04%; đồng: 22,77%; kẽm: 0,19%.

- 01 (một) chùm dây số 01 bằng kim loại màu trắng bạc (ký hiệu A4) gửi giám định có tổng khối lượng 121,30 gam đều là hợp kim của bạc, đồng, kẽm; hàm lượng trung bình bạc: 67,29%; đồng: 28,15%; kẽm: 4,56%;

- 01 (một) chùm dây số 2 bằng kim loại màu trắng bạc (ký hiệu A4) gửi giám định có tổng khối lượng 160,40 gam đều là hợp kim của bạc, đồng, kẽm; hàm lượng trung bình bạc: 73,24%; đồng: 25,95%; kẽm: 0,81%.

- 05 (năm) quả chuông hình cầu hở bằng kim loại màu trắng bạc, có móc treo (ký hiệu A2) gửi giám định có tổng khối lượng 14,00 gam đều là hợp kim của bạc, cadimi, đồng, kẽm; hàm lượng trung bình bạc: 85,23%; cadimi: 12,16%; đồng: 1,60%; kẽm: 1,01%.

- 01 (một) chiếc vòng đeo tay hở số 1 bằng kim loại màu trắng bạc, trên mỗi vòng đều có hoa văn (ký hiệu A3) gửi giám định có khối lượng 59,25 gam là hợp kim của bạc, đồng, kẽm; hàm lượng bạc: 48,11%; đồng: 49,18%; kẽm: 2,71%.

- 01 (một) chiếc vòng đeo tay hở số 2 bằng kim loại màu trắng bạc, trên mỗi vòng đều có hoa văn (ký hiệu A3) gửi giám định có khối lượng 94,15 gam là hợp kim của bạc, đồng, kẽm; hàm lượng bạc: 66,74%; đồng: 32,60%; kẽm: 0,66%.

Các ký hiệu 1,2,3,4,5,6 do Giám định viên đặt.

Tại bản Kết luận định giá tài sản số 14 ngày 18/5/2021 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự Ủy ban nhân dân huyện Ngân Sơn kết luận: Giá trị của 01 bộ trang sức bằng bạc trắng của dân tộc Dao tiền, chi tiết bao gồm: 07 chiếc vòng đeo cổ (kiềng hở) có các chữ tượng hình và hoa văn; 101 chiếc cúc hình tròn ở giữa được chế tác dạng bông hoa tám cánh; 02 chùm dây và các dụng cụ kèm theo; 05 quả chuông hình cầu hở; 02 chiếc vòng đeo tay hở và 01 tấm vải có họa tiết hoa văn tại thời điểm xảy ra vụ việc là 30.000.000đ (ba mươi triệu đồng).

Tại cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Bàn Văn P đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Lời khai nhận của bị cáo phù hợp với lời khai của bị hại, biên bản khám nghiệm hiện trường, biên bản thực nghiệm điều tra và các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án.

Tại bản cáo trạng số 18/CT-VKSNS, ngày 06/8/2021 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn truy tố bị cáo Bàn Văn P về tội “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại khoản 1 Điều 173 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Tại phiên tòa đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Ngân Sơn giữ nguyên quan điểm truy tố. Đề nghị Hội đồng xét xử tuyên xử bị cáo phạm tội: “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại khoản 1 Điều 173 của BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và đề nghị xử lý bị cáo như sau:

- Về trách nhiệm hình sự:

+ Về hình phạt chính: Đề nghị áp dụng khoản 1 Điều 173; Điều 38, Điểm b, i, r, s Khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 65 của BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) để xử phạt bị cáo từ 09 tháng đến 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách từ 18 tháng đến 24 tháng.

+ Hình phạt bổ sung: Không đề nghị áp dụng đối với bị cáo.

- Về xử lý vật chứng: Đề nghị áp dụng khoản 2, khoản 3 Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015; Điều 47, Điều 48 của BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Tịch thu tiêu hủy:

+ 01 phong bì dán kín niêm phong, ký hiệu V2, bên trong có chứa các phong bì cũ và túi đựng niêm phong cũ;

+ 01 phong bì dán kín niêm phong, ký hiệu Q2, bên trong có chứa phong bì cũ sau giám định;

+ 01 con dao (Loại dao gọt hoa quả) có chiều dài 21,5 cm; chuôi dao bằng nhựa màu đen có chiều dài 10 cm, phần rộng nhất của chuôi dao là 3 cm, phần hẹp nhất của chuôi dao là 2 cm; phần lưỡi dao một cạnh sắc nhọn bằng kim loại màu trắng bạc, có chiều dài là 11,5 cm, trên lưỡi dao có ghi dòng chữ "KIWI BRAND INTHAILAND", loại dao cũ đã qua sử dụng và được dán kín niêm phong.

Trả lại cho bị hại thông qua đại diện bị hại là anh Chu Văn L:

+ 01 tấm vải có họa tiết hoa văn, có nhiều màu sắc khác nhau được chia làm 08 dây nhỏ được đựng trong 01 phong bì dán kín niêm phong, ký hiệu V1.

+ 02 vòng đeo tay bằng bạc và 05 quả chuông bằng bạc hình cầu hở có móc treo.

- Về trách nhiệm dân sự: Đã được giải quyết trước khi xét xử, do vậy không đề nghị xem xét.

- Về án phí: Đề nghị xử lý theo quy định của pháp luật.

Tại phiên tòa, người bào chữa cho bị cáo có bản bào chữa nhất trí với tội danh và điều luật áp dụng như cáo trạng Viện kiểm sát đã truy tố, nhất trí với bản luận tội của Viện kiểm sát về tình tiết giảm nhẹ áp dụng, mức hình phạt đề nghị, đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) không áp dụng hình phạt bổ sung đối với bị cáo. Về xử lý vật chứng đề nghị xử lý theo quy định của pháp luật. Đề nghị miễn toàn bộ án phí hình sự sơ thẩm cho bị cáo với lý do bị cáo là người dân tộc thiểu số, sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và có đơn xin miễn án phí.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về hành vi và quyết định của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Ngân Sơn, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện Ngân Sơn, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, những người tham gia tố tụng không có khiếu nại về hành vi, quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, hành vi, quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2] Về hành vi phạm tội của bị cáo: Khoảng 14 giờ 30 phút ngày 03/9/2020, Bàn Văn P, sinh năm 1987, trú tại thôn N, xã T, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn có hành vi một mình lén lút trộm cắp tài sản của gia đình anh Chu Văn L, sinh năm 1990 (người cùng thôn) 01 bộ trang sức bằng bạc bao gồm: 07 chiếc vòng đeo cổ (kiềng hở) có các chữ tượng hình và hoa văn; 101 chiếc cúc hình tròn ở giữa được chế tác dạng bông hoa tám cánh; 02 chùm dây và các dụng cụ kèm theo; 05 quả chuông hình cầu hở; 02 chiếc vòng đeo tay hở và 01 tấm vải có họa tiết hoa văn. Tại kết luận định giá, tổng giá trị các tài sản tại thời điểm bị mất là 30.000.000 đồng.

Xét hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm quyền sở hữu tài sản của công dân đã được pháp luật ghi nhận và bảo vệ. Việc Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Ngân sơn ra quyết định khởi tố vụ án, tiến hành điều tra và Viện kiểm sát nhân dân huyện Ngân Sơn quyết định truy tố bị cáo trước Tòa án để xét xử về tội: “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại khoản 1 Điều 173 của Bộ luật hình sự năm 2015 là đúng quy định của pháp luật, đúng với diễn biến khách quan của vụ án, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.

Điều luật có nội dung:

“1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2…;

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng.” Người bào chữa tại phiên tòa đã đưa ra được những chứng cứ chứng minh về các tình tiết giảm nhẹ và các vấn đề khác cho bị cáo. Xét thấy bản bào chữa của người bào chữa có căn cứ và cơ sở pháp luật đối với các tình tiết giảm nhẹ, về xử lý vật chứng, về việc không áp dụng hình phạt bổ sung và xét miễn toàn bộ án phí hình sự sơ thẩm cho bị cáo, xét thấy cần chấp nhận bản bào chữa của người bào chữa cho bị cáo.

[3] Về nhân thân và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị cáo:

3.1. Về tình tiết tăng nặng: Căn cứ quy định của pháp luật, Hội đồng xét xử nhận thấy bị cáo không phải chịu tình tiết tăng nặng nào.

3.2. Về nhân thân và tình tiết giảm nhẹ: Bản thân bị cáo có nhân thân tốt, có nơi cư trú rõ ràng, phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng. Trong quá trình điều tra, truy tố và tại phiên tòa bị cáo đã thành khẩn khai báo về hành vi phạm tội của mình, sau khi phạm tội, bị cáo đã ra tự thú, nên căn cứ quy định của pháp luật, HĐXX nhận thấy bị cáo được hưởng các tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm b, i, r, s khoản 1 Điều 51 của BLHS năm 2015 đó là “Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả”, “Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”, “Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải”, “Người phạm tội tự thú”. Ngoài ra, cha đẻ của bị cáo là ông Bàn Văn C được hưởng chế độ của Nhà nước do có thời gian tham gia hỏa tuyến, trước và tại phiên tòa gia đình bị hại có yêu cầu xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo, vì vậy bị cáo được hưởng thêm tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của BLHS năm 2015.

[4] Về hình phạt:

4.1. Về hình phạt chính: Xét tính chất, mức độ, tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi bị cáo, Hội đồng xét xử nhận thấy cần buộc bị cáo phải chịu hình phạt tại trại giam một thời gian nhất định, tuy nhiên không cần thiết phải buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt ngay mà cho bị cáo được hưởng án treo, ấn định thời gian thử thách qua đó vẫn đạt được mục đích răn đe, giáo dục bị cáo và phòng ngừa chung trong xã hội. Điều đó cũng thể hiện chính sách nhân đạo, khoan hồng của chính sách pháp luật nhà nước ta đối với người phạm tội.

4.2. Ngoài hình phạt chính, bị cáo còn có thể phải chịu hình phạt bổ sung là phạt tiền quy định tại khoản 5 Điều 173 của BLHS năm 2015. Tuy nhiên, qua xem xét thấy bị cáo là người dân tộc thiểu số, sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nên Hội đồng xét xử không xem xét áp dụng.

[5] Về trách nhiệm bồi thường dân sự: Bị hại là anh Chu Văn L đã được cơ quan điều tra trả lại một phần bộ trang sức bạc bị trộm cắp và được Bàn Văn P tự nguyện bồi thường số tiền 5.000.000 đồng chi phí tìm kiếm tài sản và làm lễ theo phong tục;

Tại phiên tòa bị hại anh L đề nghị được nhận lại số đồ vật mà P được bố mẹ cho và mua mới để trả cho gia đình anh L hiện vẫn đang bị tạm giữ (gồm 02 chiếc vòng đeo tay bạc, 05 quả chuông bạc và 01 tấm vải) và không có yêu cầu, đề nghị gì thêm do vậy HĐXX không xem xét.

Bố mẹ của bị cáo P (đại diện là ông Bàn Văn C) xác nhận tự nguyện cho Phòng 02 chiếc vòng đeo tay bạc và số tiền 1.000.000 đồng để bồi thường cho gia đình anh Chu Văn L và không có yêu cầu gì đối với P.

[6] Đối với một số vấn đề liên quan trong vụ án:

Đối với anh Đỗ Văn D, sinh năm 1984 và chị Đoàn Thị B, sinh năm 1990 (chủ cửa hàng Vàng bạc D thuộc Tiểu khu X, thị trấn N, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn) là nơi P khai đã bán 02 chiếc vòng bạc trộm cắp được. Quá trình điều tra xác định cửa hàng được mua số tài sản trên, tuy nhiên không biết tài sản do phạm tội mà có, hiện 02 chiếc vòng đã được bán đi nên Cơ quan điều tra không đủ căn cứ thu hồi vật chứng và xem xét xử lý.

[7] Về xử lý vật chứng trong vụ án:

Quá trình điều tra thu giữ:

- 01 phong bì dán kín niêm phong, ký hiệu V2, bên trong có chứa các phong bì cũ và túi đựng niêm phong cũ. Xét không có giá trị cần tịch thu tiêu hủy.

- 01 phong bì dán kín niêm phong, ký hiệu Q2, bên trong có chứa phong bì cũ sau giám định. Xét không có giá trị cần tịch thu tiêu hủy.

- 01 con dao (Loại dao gọt hoa quả) có chiều dài 21,5 cm; chuôi dao bằng nhựa màu đen có chiều dài 10 cm, phần rộng nhất của chuôi dao là 3 cm, phần hẹp nhất của chuôi dao là 2 cm; phần lưỡi dao một cạnh sắc nhọn bằng kim loại màu trắng bạc, có chiều dài là 11,5 cm, trên lưỡi dao có ghi dòng chữ "KIWI BRAND INTHAILAND", loại dao cũ đã qua sử dụng và được dán kín niêm phong. Xét không có giá trị cần tịch thu tiêu hủy.

- 01 tấm vải có họa tiết hoa văn, có nhiều màu sắc khác nhau được chia làm 08 dây nhỏ được đựng trong 01 phong bì dán kín niêm phong, ký hiệu V1 và 02 vòng đeo tay bằng bạc và 05 quả chuông bằng bạc hình cầu hở có móc treo. Xét cần trả lại cho gia đình bị hại anh Chu Văn L.

[7] Về án phí: Bị cáo là người dân tộc thiểu số, sống ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và có đơn xin miễn án phí, do vậy cần miễn án phí hình sự sơ thẩm cho bị cáo theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 1 Điều 173, Điều 38, Điều 47; Điểm b, i, r, s khoản 1 + khoản 2 Điều 51, Điều 65 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); Khoản 2, khoản 3 Điều 106, Điều 135, 136 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

1. Tuyên bố bị cáo Bàn Văn P phạm tội: “Trộm cắp tài sản”.

2. Về hình phạt

2.1. Hình phạt chính: Xử phạt bị cáo 09 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách 18 tháng. Thời hạn thử thách tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Giao bị cáo cho Ủy ban nhân dân xã T, huyện Ngân Sơn, tỉnh bắc Kạn giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách.

Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Trường hợp bị cáo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 92 Luật Thi hành án hình sự. Trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 Bộ luật Hình sự.

2.2. Hình phạt bổ sung: Không áp dụng đối với bị cáo.

3. Về xử lý vật chứng trong vụ án:

3.1. Tịch thu tiêu hủy:

- 01 phong bì dán kín niêm phong, ký hiệu V2, bên trong có chứa các phong bì cũ và túi đựng niêm phong cũ;

- 01 phong bì dán kín niêm phong, ký hiệu Q2, bên trong có chứa phong bì cũ sau giám định;

- 01 con dao (loại dao gọt hoa quả) có chiều dài 21,5 cm; chuôi dao bằng nhựa màu đen có chiều dài 10cm, phần rộng nhất của chuôi dao là 3cm, phần hẹp nhất của chuôi dao là 2cm; phần lưỡi dao một cạnh sắc nhọn bằng kim loại màu trắng bạc, có chiều dài là 11,5cm, trên lưỡi dao có ghi dòng chữ "KIWI BRAND INTHAILAND", loại dao cũ đã qua sử dụng và được dán kín niêm phong.

3.2. Trả lại cho gia đình bị hại anh Chu Văn L, sinh năm 1990, trú tại thôn N, xã T, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn:

- 01 tấm vải có họa tiết hoa văn, có nhiều màu sắc khác nhau được chia làm 08 dây nhỏ được đựng trong 01 phong bì dán kín niêm phong, ký hiệu V1.

- 02 vòng đeo tay bằng bạc và 05 quả chuông bằng bạc hình cầu hở có móc treo được đựng trong 01 phong bì dán kín niêm phong, ký hiệu Q1.

(Tình trạng, số lượng vật chứng như biên bản giao, nhận vật chứng ngày 12/8/2021 giữa Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Ngân Sơn và Chi cục thi hành án dân sự huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn).

4. Về án phí: Miễn toàn bộ án phí hình sự sơ thẩm cho bị cáo.

“Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6,7, 7a và 9 Luật Thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự”.

5. Quyền kháng cáo: Bị cáo, bị hại có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án./

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

196
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 20/2021/HS-ST ngày 23/09/2021 về tội trộm cắp tài sản

Số hiệu:20/2021/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Ngân Sơn - Bắc Kạn
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 23/09/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký



  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;