Bản án 201/2018/HS-PT ngày 31/07/2018 về tội tàng trữ, lưu hành tiền giả

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG

BẢN ÁN 201/2018/HS-PT NGÀY 31/07/2018 VỀ TỘI TÀNG TRỮ, LƯU HÀNH TIỀN GIẢ

Ngày 31 tháng 7 năm 2018, tại trụ sở của Tòa án nhân dân tỉnh Kon Tum, Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng mở phiên tòa công khai để xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số 13/2016/HSPT ngày 04/10/2016 đối với bị cáo Nguyễn Quang P về tội “Tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả”, do có Quyết định giám đốc thẩm số 11/2016/HS-GĐT ngày 04/8/2016 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tuyên hủy bản án phúc thẩm số 93/2015/HSPT ngày 25/3/2015 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

1. Bị cáo có kháng cáo:

Nguyễn Quang P, sinh  ngày 06/8/1974. tại Hải  Dương; Nơi đăng ký HKTT và chỗ ở trước khi bị bắt: Tổ dân phố 1, thị trấn Đ, huyện Đ, tỉnh Kon Tum; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: Không; Nghề nghiệp: Công an; Trình độ văn hóa: 12/12; Tiền án, tiền sự: Không. Con ông: Nguyễn Quang Ph, sinh năm 1948 và bà Nguyễn Thị V, sinh năm 1952; Vợ là: Hoàng Mỹ H, sinh năm 1978 và có 02 con chung, lớn sinh năm 2003, nhỏ sinh năm 2006. Bị cáo bị bắt tạm giam từ  ngày 28/5/2013 (BL.428, 429)  đến  ngày 25/3/2015. Bị cáo hiện tại ngoại, có mặt tại phiên tòa.

2. Người bào chữa: Luật sư Bùi Bá D – Văn phòng Luật sư HH, Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Nam bào chữa theo yêu cầu của bị cáo; có mặt tại phiên tòa.

3. Người làm chứng:

3.1. Lê Trần Quốc Đ1, sinh năm 1971; Nơi ĐKNKTT: Thôn 7, xã Tân Châu, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng; có mặt tại phiên tòa.

3.2. Ngô Quốc T, sinh năm 1976; Nơi ĐKNKTT: Thôn 5, xã Ia Băng, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai; vắng mặt tại phiên tòa.

3.3. Ông Hoàng Công V1, sinh năm 1987; Thôn 12, xã ĐH, huyện Đ, tỉnh Kon Tum; có mặt tại phiên tòa.

3.4. Ông Hoàng Văn H1, sinh năm 1990 - Lễ Tân Khách sạn PH; Địa chỉ: 28 Y, Tp. Kon Tum, tỉnh Kon Tum; vắng mặt tại phiên tòa.

3.5. Ông Nguyễn Văn H2, sinh năm 1962 - Chủ tịch UBND xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum; có mặt tại phiên tòa.

3.6. Ông Phạm Ngọc Đ3, sinh năm 1986 - Công an hợp đồng của UBND xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum; có mặt tại phiên tòa.

3.7. Ông Nguyễn Hữu H3, sinh năm 1958; có mặt tại phiên tòa.

3.8. Ông J ( Ma H), sinh năm 1961; trú tại: Làng A Dơk Kơng, xã A Dơk, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai, có mặt tại phiên tòa.

4. Những người tiến hành tố tụng ở giai đoạn điều tra được triệu tập:

4.1. Các Điều tra viên:

- Ông Nguyễn Mạnh H4 - Điều tra viên cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Kon Tum; vắng mặt tại phiên tòa.

- Ông Lê Xuân Đ2 - Điều tra viên cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Kon Tum; vắng mặt tại phiên tòa. - Ông Trần Anh T1 - Điều tra viên cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Kon Tum; vắng mặt tại phiên tòa.

4.2. Các Kiểm sát viên:

- Ông Đào Thế K – Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Kon Tum; vắng mặt tại phiên tòa.

- Ông Hồ Đắc D1 – Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Kon Tum; vắng mặt tại phiên tòa.

NỘI DUNG VỤ ÁN

1. Tóm tắt nội dung vụ án:

Theo Bản cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Kon Tum và bản án hình sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Kon Tum thì vụ án được tóm tắt như sau:

Vào năm 2003, trong một lần lên thị trấn Đ, huyện Đ, tỉnh Kon Tum tìm mua đá cảnh, Lê Trần Quốc Đ1 (Trú tại 83/35/3, khu phố 2, phường T, quận X, Thành phố Hồ Chí Minh) đến nhà một người quen tên là Quế; tại đây Đ1 gặp và làm quen với Nguyễn Quang P (Lúc này P đang là Cán bộ điều tra - Công an huyện Đ). Kể từ đó trở về sau, mỗi khi đi ngang qua địa phận huyện Đ, có việc gì cần, như bị cảnh sát giao thông thổi phạt thì Đ1 đều gọi điện thoại nhờ P giúp đỡ. Có lần Đ1 đã đưa một số mẫu đá cảnh cho P tìm mua; P đã vài lần gửi mẫu đá xuống cho Đ1 xem, nhưng vì đá có giá trị thấp nên Đ1 không mua.

Trong khoảng thời gian từ tháng 02 đến tháng 3 năm 2012, khi đi ngang qua xã ĐH, huyện Đ, tỉnh Kon Tum, đã có hai lần Đ1 vào Công an xã ĐH chơi và thăm Nguyễn Quang P (Lúc này P đang là Trưởng Công an xã ĐH); một lần được Nguyễn Quang P mời ở lại ăn nhậu thịt vịt tại nhà của Hoàng Công V1 (Phó trưởng Công an xã ĐH) và một lần được P mời ăn thịt thú rừng tại quán 78 ở xã ĐH, huyện Đ, tỉnh Kon Tum (BL.211; 212; 215; 216). 

Lê Trần Quốc Đ1 sử dụng 05 sim điện thoại di động; nhưng chỉ sử dụng sim số 0939 572 322 (Mua lại sim cũ, loại thuê bao trả trước; mang tên Nguyễn Thanh T4) để liên lạc làm ăn buôn bán và để liên lạc với Ngô Quốc T và Nguyễn Quang P (BL.203; 204; 331).

Ngô Quốc T (Trú tại Thôn 5, xã I, huyện 2Đ, tỉnh Gia Lai) làm nghề môi giới buôn bán tự do và có mối quan hệ quen biết từ trước với Lê Trần Quốc Đ1. Vào đầu năm 2012, Đ1 có đến tỉnh Gia Lai chơi với T. Sau đó Đ1 và T có đến tiệm điện thoại PK ở thành phố PleiKu, Đ1 mua một sim điện thoại di động cũ có số 0935 789 280 (Loại thuê bao trả trước; mang tên Đào Văn Tu) để sử dụng. Sau khi sử dụng được một thời gian ngắn thì Đ1 đưa cho T chiếc sim điện thoại này để T sử dụng và từ đó trở về sau khi cần liên lạc với T thì Đ1 đều gọi vào số sim này.

Vào lúc 07:36:23 ngày 01/5/2012, Nguyễn Quang P sử dụng sim điện thoại di động số 0983 407 927 của P gọi vào số máy di động 0939 572 322 của Đ1 và nói Đ1 tìm những người mua gian, bán lận, lừa đảo, nhiều tiền dẫn lên Kon Tum “Ký quỹ” để cho P bắt. Đ1 trả lời: “Để tôi tìm thử xem”.

Khi nghe P đặt vấn đề tìm người “Ký quỹ” để cho P bắt thì Đ1 nghĩ đến Ngô Quốc T chuyên làm nghề môi giới buôn bán tự do sẽ có nhiều mối quan hệ xã hội với nhiều đối tượng mua bán khác; nên ngày 03/5/2012 Đ1 gọi điện thoại vào số máy 0935 789 280 của Ngô Quốc T và nói với T: “Cháu xem có ai ký quỹ mua lư hương bằng đồng đổi màu thì nói cho chú”. T hỏi lại: “Ở đâu chú” Đ1 trả lời: “Ở Đ, Kon Tum”; Đ1 giới thiệu là có bạn tên là P làm ở Công an huyện Đ có lư hương bằng đồng đổi màu muốn “Ký quỹ”. T hỏi lại Đ1: “Sao chú không hỏi mấy người ở Sài Gòn”. Đ1 trả lời: “Chú tìm mà không có”. T nói: “Để cháu liên lạc đã”. Sau đó Đ1 còn nói với T: “Để dụ bọn “Ký quỹ” lên thì phải có hàng có giá trị, đó là lư hương bằng đồng đổi màu, khoảng 03 kg, giá khoảng 04 - 05 tỉ”. T có hỏi Đ1: “Không có tiền thì làm sao được”; thì Đ1 nói: “Có tiền, mày cứ lo đối tác thôi”... (BL.215; 229, 241...).

Chiều ngày 09/5/2012, Ngô Quốc T gọi vào số máy di động: 0919 052 223 của ông Mùi C (Trú tại A9/20 đường V, huyện B, thành phố Hồ Chí Minh) cũng là người làm nghề môi giới buôn bán tự do mà T đã quen trước đây. T hỏi ông Mùi C: “Có ai mua đồ cổ không”. Mùi C hỏi lại: “Cái gì? Đồ gia bảo hả”. T trả lời: “Dạ, có cái bát hương bằng đồng đổi màu nặng khoảng 03kg”. Mùi C hỏi: “Giá bao nhiêu”. T trả lời: “Giá 5 tỉ”. Mùi C đồng ý liên hệ tìm đối tác mua. Sau đó Mùi C và T còn thống nhất việc “Ký quỹ” để chứng minh về khả năng mua và bán của hai bên; Cụ thể là: bên T sẽ bỏ ra 100 triệu đồng và bên mua của Mùi C sẽ bỏ ra 01 tỉ đồng để “Ký quỹ”. Nếu bên T không có hàng để bán thì bị mất 100 triệu đồng đã “Ký quỹ”; còn có hàng mà bên phía Mùi C không mua hoặc không đủ tiền để mua thì bị mất 01 tỷ đồng đã “Ký quỹ” (BL.01, 02; 215, 252, 253...).

Sau khi liên hệ tìm được đối tác “Ký quỹ” mua chiếc lư hương bằng đồng đổi màu, Mùi C gọi điện báo cho T biết và hẹn ngày 14/5/2012 Mùi C sẽ ra thành phố Kon Tum gặp T trước để bàn bạc cụ thể (BL.239...).

Khi nghe Mùi C nói vậy, T đã gọi điện báo lại cho Lê Trần Quốc Đ1 biết việc đã tìm được đối tác “Ký quỹ” và ngày 14/5/2012 Mùi C sẽ ra Kon Tum. Trong thời gian này Đ1 vẫn đang ở thành phố Hồ Chí Minh; nên Đ1 nói T: “Thế thì mai mốt chú sắp xếp lên Kon Tum bàn tiếp”.

Tối ngày 11/5/2012, Đ1 từ thành phố Hồ Chí Minh gọi điện thoại cho Nguyễn Quang P và nói: “Tối nay đi lên Kon Tum”. Nghe Đ1 nói lên Kon Tum, P nói với Đ1: “Anh lên thì lên thẳng cơ quan em”. Do hết vé xe đi Kon Tum, nên Đ1 đã đi xe của hãng “G P” tỉnh Gia Lai. 19 giờ ngày 11/5/2012, Đ1 lên xe đi và sáng ngày 12/5/2012 Đ1 đến bến xe Đức Long, tỉnh Gia Lai. Lúc 05:34:23 Đ1 gọi điện thoại báo cho Ngô Quốc T biết. Sau đó, T đã dùng xe mô tô biển kiểm soát: 81 Cl- 056.60 của gia đình chở Đ1 lên Kon Tum. Vào lúc 07:16:30, khi xe chạy đến đoạn đường thuộc địa phận xã Hòa Phú, huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai, Đ1 đã gọi điện thoại báo cho P biết. Khi đi đến thành phố Kon Tum, Đ1 chỉ đường cho T đến khách sạn PH ở số 28 đường Y, thành phố Kon Tum và lấy phòng số 304 (Đây là khách sạn mà Đ1 thường ngủ, nghỉ mỗi khi đến Kon Tum).

Sau khi cất đồ xong, T tiếp tục sử dụng xe mô tô của mình chở Đ1 lên trụ sở Công an xã ĐH, huyện Đ để gặp P bàn bạc cụ thể kế hoạch “Ký quỹ”. Khi xe chạy ra khỏi thành phố Kon Tum, đến đoạn gần cầu Đắk Cấm, do chạy quá tốc độ nên T bị tổ tuần tra thuộc Phòng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh Kon Tum bắn tốc độ và lập biên bản xử phạt hành chính số tiền 150.000 đồng. Khi bị bắn tốc độ, Đ1 đã gọi điện cho P 02 lần; vào lúc 08:50:20 và 08:51:22 và nói: “Anh bị bắn tốc độ rồi, chú xem xin cho anh được không”. P trả lời: “Chuyện nhỏ mà, xe máy thì nộp phạt có mấy trăm, nộp đi rồi lên em”. Vì không xin được nên T đã chở Đ1 quay lại thành phố Kon Tum đi nộp tiền phạt tại Kho Bạc Nhà nước tỉnh Kon Tum; sau đó quay lại chỗ tổ tuần tra Cảnh sát giao thông nộp biên lai thu tiền phạt để lấy lại bằng lái xe, rồi tiếp tục chở Đ1 lên Công an xã ĐH, huyện Đ để gặp P. Khoảng 10:30 phút cùng ngày, khi tới UBND xã ĐH thấy cổng UBND xã đóng nên Đ1 chỉ cho T điều khiển xe chạy theo đường tắt bên hông UBND xã để vào phòng làm việc của P tại Công an xã ĐH (vì Đ1 đã nhiều lần đi vào bằng lối tắt này).

Khi vào tới trụ sở Công an xã ĐH thì thấy P đang đứng đợi tại đây. Sau khi dẫn Đ1 và T vào trong phòng làm việc của mình thì P đóng cửa lại. Đ1 giới thiệu với P: “Đây là thằng cháu T”. P gật đầu chào T. Đ1 ngồi nhìn quanh rồi hỏi: “V1 đi đâu”. P trả lời: “V1 đang đi học”. Đ1 tiếp tục hỏi P về số tiền dùng để “Ký quỹ” thì P nói: “Tiền ký quỹ không phải lo, cứ mang nó lên đây”; sau đó P đi tới chiếc tủ gỗ bên trong, gần giường ngủ của P lấy ra một bọc tiền bỏ ra giữa bàn cho Đ1 và T xem rồi nói: “Tiền đây, tiền em mới bắt được về dùng để ký quỹ”. Đ1 và T nhìn thấy có 06 cục tiền Polime, loại có mệnh giá 200.000 đồng. Lúc này Đ1 nói chọc P: “Thế chú định bắt bọn đó ở đây à”. P trả lời: “Anh bị điên à, tí nữa đi ăn cơm rồi em dẫn đi xem luôn chỗ em bố trí”. Sau đó, P hỏi T: “Đối tác khi nào lên?”. T trả lời: “Người ta nói cuối tuần Ngân hàng không làm việc, đầu tuần người ta lên”.

Nói chuyện được một lúc thì P mời Đ1 và T đi ăn cơm, tiện thể đi xem chỗ P bố trí bắt. P chạy xe mô tô của P đi trước dẫn đường, còn T chở Đ1 đi theo sau. Khi đến một bãi đất trống ven đường liên xã ĐH và ĐP; cách đường Quốc lộ 14 khoảng 02 km; cách ngã ba thôn 1 xã ĐH khoảng 20 mét có một đường đi vào xã ĐP, một đường cấp phối đi vào thôn 3 xã ĐH. Đến đây P dừng xe lại và nói với T: “Mày dẫn đôi tác tới đây rồi đi bộ vào con đường này (P vừa nói vừa chỉ tay vào con đường cấp phối đi vào thôn 3 xã ĐH), mày đi một đoạn sẽ có người đón, việc của mày chỉ có vậy thôi” còn sau đó thì P sẽ lo. Nói xong P dẫn Đ1 và T đi ăn thịt thú rừng tại quán 78 thuộc thôn 12, xã ĐH. Khoảng 15 giờ cùng ngày, ăn nhậu xong T chở Đ1 về lại Khách sạn PH, thành phố Kon Tum (BL.107-114, 186, 194 và 215, 216, 241, 242, 245).

Vào lúc 16:39:21, ngày 13/5/2012, Đ1 gọi điện cho P thì P đang ở phòng nào để P đến chơi. Đ1 nói ở phòng 304. Sau đó P đến khách sạn PH và vào phòng 304. Khi vào phòng, P lấy gói thuốc lá ra hút thì hết thuốc nên P bỏ vỏ gói thuốc lá ra bàn. thấy vậy Đ1 nói T xuống lễ tân của khách sạn mua thuốc lá cho P hút. Trong lúc T đi mua thuốc lá thì P hỏi Đ1: “Khi nào đối tác tới”. Đ1 trả lời: “Thằng T bảo đối tác đang lên; khi nào lên Đ1 sẽ gọi cho P”. Khi T mang thuốc lá lên phòng thì P mở ra lấy một điếu hút, hút xong điếu thuốc thì P ra về. Buổi tối hôm đó Đ1 còn gọi cho P thêm 03 cuộc điện thoại nữa để bàn chuyện “Ký quỹ; cụ thể vào lúc: 18:11:08;19:19:48 và lúc 20:23:22 (BL.79; 216; 246...).

Vào lúc 08:54:50 ngày 14/5/2012, ông Mùi C (T gọi là chú Đức) gọi điện nói cho T biết đã lên Kon Tum và nói T đến phòng 202 Khách sạn HT nằm trên đường NH, thành phố Kon Tum để bàn chuyện “Ký quỹ”. Tại phòng 202 Khách sạn HT, T và Mùi C, Vòng Kín đã thống nhất lại việc mua bán chiếc lư hương bằng đồng đổi màu với giá là 04 tỉ đồng và để chứng minh khả năng mua, bán thì bên bán bỏ ra 100 triệu đồng, bên mua bỏ ra 01 tỷ đồng để tiến hành “Ký quỹ”, hai bên đồng ý. Mùi C nói: Ngày mai những người ở thành phố Hồ Chí Minh sẽ lên mua hàng và nói T chuẩn bị tiền. T trả lời: Ở đây người ta cũng có tiền rồi. Khoảng 11 giờ cùng ngày thì T quay về lại khách sạn PH (BL.252...).

Khoảng 12 giờ ngày 14/5/2012, Nguyễn Quang P đi cùng với Hoàng Công V1 đến phòng 304 khách sạn PH. Khi vào trong phòng P lấy trong túi áo khoác ra một bọc tiền và ném ra giường nằm của Đ1 và nói: “Tiền em mang xuống để ký quỹ”. Đ1 nói với T: “Tiền chú nó mang xuống này”. Sau đó, Đ1 và T mở bọc tiền ra xem thì thấy toàn bộ số tiền đều bị ướt hết; T lấy chiếc chăn ở giường để trải tiền lên lau cho khô (Lúc này V1 đang nằm trên giường của T, mặt quay vào tường và không nói gì). T lau được 01 cục tiền thì phát hiện thấy màu tiền hơi lạ, nên hỏi P: “Tiền này giống tiền giả”; sau đó T cầm một nắm tiền vò vò rồi thả ra giường thì thấy tiền không bung thẳng ra, cho nên T biết chắc chắn là tiền giả. Trong lúc đang lau tiền thì Đ1 cũng nói: “Ôi tiền rởm”. Thấy vậy, P nói: “Tiền này không được xài đâu, chỉ cầm nhá cho người ta xem thôi”. Lau tiền xong, T đếm được 06 cục tiền Polime, mệnh giá 200.000 đồng, thì biết tổng cộng có 120 triệu đồng. Lúc này có anh J (Còn có tên gọi khác là Ma H, sinh năm 1961, dân tộc Bahnar ở huyện Đắk Đoa tỉnh Gia Lai, là người quen của T được T dẫn lên Kon Tum để mua bán đất và tối 13/5/2012 anh J đã ngủ chung với Đ1 tại phòng 304 Khách sạn PH) đến gõ cửa phòng. T ở trong phòng nói ra: “Mình đang có khách, anh đi chơi đi, tí nữa lên”. Nghe T nói vậy, Anh J đi xuống nơi để xe trước khách sạn ngồi chờ. Lúc này ở trong phòng P còn tiếp tục dặn T: “Tiền này không được xài đâu, chỉ nhá cho người ta thấy có đủ tiền là được, không được ký giấy tờ gì với bọn nó đâu”. Sau đó T cất bọc tiền vào tủ ti vi tại phòng 304 của khách sạn PH. Khoảng 13 giờ cùng ngày thì P và V1 ra về; lúc ra đến cửa phòng P còn nói với Đ1: “Khi nào T gửi biển số xe của đối tác thì anh nhắn biển số xe ô tô cho em” (BL.216, 247, 260...).

Chiều ngày 14/5/2012, T nói với Đ1 là T về Gia Lai để dự đám tang bà cô mới mất, sáng mai sẽ lên sớm.

Khoảng gần 9 giờ sáng ngày 15/5/2012, P gọi điện cho Đ1 và hỏi: “Đối tác thế nào rồi”. Đ1 trả lời: “T chưa lên, tôi không biết; lúc nào T lên tôi điện lại cho”. Khi T vừa lên thì Đ1 nói T gọi điện cho Mùi C hỏi xem chuyện giao dịch tiền bạc tới đâu. Vào lúc 08:59:29 cùng ngày, T gọi điện thoại cho Mùi C thì Mùi C nói T qua khách sạn HT đi uống Cà phê rồi chờ đối tác lên luôn. Khi gặp Mùi C, T hỏi: “Tiền bạc sao rồi”. Mùi C nói: “11 giờ mới có người mang tiền ra”.

Khoảng gần trưa cùng ngày 15/5/2012 thì những người “Ký quỹ” trong nhóm của Mùi C từ thành phố Hồ Chí Minh đi trên 01 chiếc xe Inova 7 chỗ, Biển kiểm soát: 51A - 16196 ra tới thành phố Kon Tum. Mùi C đưa họ về nghỉ tại Khách sạn HT; sau đó một số người đến Ngân hàng S ở số 70A đường PĐP, thành phố Kon Tum rút 01 tỉ đồng để đi “Ký quỹ”.

Vào lúc 11:32:45 cùng ngày, sau khi thấy những người “Ký quỹ” trong nhóm của Mùi C từ thành phố Hồ Chí Minh đi trên 01 một chiếc xe Inova 7 chỗ, biển kiểm soát: 51A - 16196 đến thì T đã nhắn tin số xe của đối tác về cho Đ1, tin nhắn có nội dung: “soxe 51A -16196”.

Sau khi đi ăn cơm trưa với Mùi C xong, Mùi C nói T về lấy tiền. T chạy xe mô tô về khách sạn PH; lúc này Đ1 đang đi ăn cơm trưa, không có ở trong phòng nên T gọi điện nói Đ1 về mở cửa phòng cho T lấy tiền để đi gặp đối tác. Khi Đ1 về mở cửa thì T nói: “Đưa tiền đây cháu đi”. Đ1 lấy tiền đưa cho T. T hỏi Đ1: “Có đi luôn không”. Đ1 trả lời: “Tí nữa tôi lên sau”. T hỏi tiếp: “Cầm hết số tiền 120 triệu à”. Đ1 trả lời: “Cứ cầm hết đi”. Sau đó Đ1 lấy xe mô tô của T chở T mang theo 120 triệu đồng tiền giả đi từ khách sạn PH ra đến ngã 3 TP - NH, thành phố Kon Tum thì T xuống xe và đi bộ đến chỗ các đối tác đang đứng gần xe ô tô đang đậu trước khách sạn HT, trên đường NH, thành phố Kon Tum; còn Đ1 chạy xe về lại khách sạn PH.

Sau khi nhận được tin nhắn của T, Đ1 đã gọi điện cho P và nói: “Em lấy bút ra ghi số xe của bọn đi buôn này”; P trả lời: “Tí nữa, em đang chạy xe, anh nhắn tin qua cho em đi”. Một lúc sau, vào lúc 11:46:16 Đ1 đã sử dụng nguyên văn tin nhắn của T có nội dung: “soxe 51A-16196” để nhắn tin chuyển tiếp tới tới máy di động của P và P đã nhận được tin nhắn này.

Còn T sau khi lấy 120 triệu đồng tiền giả đã lên xe ô tô BKS 51A-16196; hiệu Inova, loại 7 chỗ của đối tác đang đậu trước khách sạn HT và đi cùng các đối tác lên huyện Đ. Trên xe lúc này có 07 người của phía Mùi C. Khi mọi người đã lên xe, nhớ lời P dặn, T đã lấy bọc tiền ra nhá cho Mùi C xem; sau khi xem xong Mùi C nói: “Thôi cất đi đã”.

Khi xe ô tô chạy đến trước Ngân hàng S, số 70A, đường PĐP, Thành phố Kon Tum thì dừng lại để đón thêm 02 người của phía Mùi C lên xe. Vì xe Inova chỉ chở tối đa được 7 người, nên Mùi C đã gọi thêm một chiếc xe Taxi của hãng Mai Linh. Mùi C nói với T: “Cháu đi xe này với chú Năm, để chú đi xe Taxi Mai Linh”. Khi xe tiếp tục chạy được một đoạn thì người đàn ông tên là Năm hỏi T: “Tiền đâu cháu”; lúc này T đưa gói tiền ra nhá cho ông Năm biết là T có tiền, nhưng khi vừa đưa bọc tiền ra nhá thì người đàn ông tên là Năm đã chụp luôn lấy bọc tiền, rồi đưa cho một người ngồi phía trước bỏ vào trong hộc xe.

Khi xe chạy qua ngã 3 Trung Tín (trên Quốc lộ 14) được khoảng 01 Km thì ông Năm nhận thấy có điều gì nghi vấn là tại sao thỏa thuận “Ký quỹ” chỉ có 100 triệu đồng mà T lại đưa tới 120 triệu đồng, nên ông Năm đã lấy bọc tiền ra kiểm tra xem thì thấy có nhiều tờ tiền có số Seri trùng nhau nên đã phát hiện ra toàn bộ số tiền 120 triệu đồng mà T đã đưa dùng để giao dịch “Ký quỹ” đều là tiền giả. Vì vậy ông Năm hô mọi người trên xe bắt giữ T và cho xe quay lại thành phố Kon Tum. Khi xe chạy đến Ngân hàng S, số 70A, PĐP, thành phố Kon Tum thì dừng lại để một số người xuống xe để gửi lại số tiền 01 tỷ đồng vừa mới rút ra lúc sáng vào tài khoản trong Ngân hàng; sau đó đã giao nộp Ngô Quốc T cùng 120 triệu đồng tiền giả cho phòng PC 81 và Cơ quan An ninh điều tra - Công an tỉnh Kon Tum lập biên bản bắt người phạm tội quả tang.

Trong thời gian T bị phía Mùi C bắt giữ và thời gian Cơ quan An ninh điều tra tiến hành lập biên bản bắt người phạm tội quả tang đối với T. Do chờ lâu mà không thấy T dẫn đối tác lên nên Nguyễn Quang P đã liên tục gọi điện cho Đ1 và hỏi: “Thằng T đi đến đâu rồi? Em đón ở ngoài đường mà không thấy”. Đ1 trả lời: “Coi đó, anh ở khách sạn không biết, anh điện nó cũng không nghe máy”.

Sau khi bị bắt, Ngô Quốc T đã khai: Lê Trần Quốc Đ1 là đồng phạm và đang ở tại phòng 304, khách sạn PH, thành phố Kon Tum. Vì vậy, ngay sau đó, Cơ quan An ninh điều tra đã tiến hành lập biên bản bắt người phạm tội quả tang đối với Đ1 cùng thời điểm trong ngày với T.

Trong thời gian Cơ quan An ninh điều tra tiến hành lập biên bản bắt người phạm tội quả tang đối với Lê Trần Quốc Đ1; vì không biết được thông tin về Đ1 đã bị bắt cho nên Nguyễn Quang P đã gọi liên tục 03 lần vào số máy di động của Đ1 để hỏi xem tình hình của đối tác “Ký quỹ” nhưng vì Đ1 đã bị bắt nên không nghe máy được. Vào lúc 15:04:30, P tiếp tục gọi cuộc gọi thứ 04 vào số máy di động của Đ1 thì đồng chí Nguyễn Thanh Nhàn (T phòng An ninh điều tra - Công an tỉnh Kon Tum) đã bấm máy lên nghe và nói: “Tôi là Nhàn, Trưởng phòng An ninh điều tra - Công an tỉnh Kon Tum; chủ thuê bao anh gọi tới đã bị bắt; anh có quan hệ với người này như thế nào?”, thì P trả lời: “Tôi là P, trưởng Công an xã ĐH, tôi có quen biết với anh Tuấn chủ thuê bao này, lý do làm sao mà anh ấy bị bắt?”, anh Nhàn trả lời: “Việc này là của chúng tôi”; nói đến đây anh Nhàn đã tắt máy. Kể từ đó trở về sau Nguyễn Quang P không còn gọi vào số máy điện thoại di động của Lê Trần Quốc Đ1 nữa.

Toàn bộ 600 tờ tiền Polime, loại mệnh giá 200.000 đồng, mà Nguyễn Quang P đã đưa cho Lê Trần Quốc Đ1 và Ngô Quốc T sử dụng vào việc giao dịch “Ký quỹ” mua bán chiếc lư hương bằng đồng đổi màu với đối tác phía Mùi C, bị thu giữ vào ngày 15/5/2012, gồm 27 seri cụ thể như sau:

STT

Mệnh giá (đồng)

Số Seri

Số tờ

Ghi chú

01

200.000,đ

AT 05515820

06

 

02

nt

AT 05515821

27

 

03

nt

AT 05515822

04

 

04

nt

AT 05515823

03

 

05

nt

AT 05515825

14

 

06

nt

AT 05515826

04

 

07

nt

AT 05515827

07

 

08

nt

AT 05515828

40

 

09

nt

AT 05515832

11

 

10

nt

AT 05515833

45

 

11

nt

AT 05515834

76

 

12

nt

AT 05515835

09

 

13

nt

AT 05515836

04

 

14

nt

AT 05515837

69

 

15

nt

AT 05515838

24

 

16

nt

AT 05515839

16

 

17

nt

AT 05515840

28

 

18

nt

AT 05515841

05

 

19

nt

AT 05515842

24

 

20

nt

AT 05515843

19

 

21

nt

AT 05515858

20

 

22

nt

AT 05515861

41

 

23

nt

AT 05515862

37

 

24

nt

AT 05515863

16

 

25

nt

AT 05515864

35

 

26

nt

AT 05515866

09

 

27

nt

AT 05515867

07

 

Ngày 03/7/2012, Cơ quan An ninh điều tra - Công an tỉnh Kon Tum ra Quyết định trưng cầu giám định tiền giả toàn bộ số tiền 120.000.000 đồng đã thu giữ ngày 15/5/2012 gửi đến Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh Kon Tum.

Tại Thông báo kết quả giám định số 13/GĐTP-2012, ngày 10/07/2012 của Phòng kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh Kon Tum kết luận:

“600 tờ loại tiền Polyme Việt Nam mệnh giá 200.000 đồng có trong 27 sêri gửi đến giám định (có bảng kê kèm theo) là không phải do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành”. (Bút lục số: 01, 02, từ số 25 đến 31).

Trong quá trình điều tra đã xác minh làm rõ được từ ngày 01/5/2012 đến chiều ngày 15/5/2012: Nguyễn Quang P đã gọi cho Lê Trần Quốc Đ1 tổng cộng 26 cuộc điện thoại. Đ1 đã gọi cho P tổng cộng 53 cuộc điện thoại; Đ1 đã gọi cho T tổng cộng 51 cuộc điện thoại; T đã gọi cho Đ1 28 cuộc điện thoại; ngoài ra giữa P, Đ1, T còn nhiều lần sử dụng máy điện thoại di động để nhắn tin trao đổi với nhau về việc thực hiện kế hoạch “Ký quỹ” mua bán chiếc lư hương bằng đồng đổi màu với đối tác phía Mùi C.

Lê Trần Quốc Đ1 khai toàn bộ các cuộc điện thoại nêu trên đều nhằm mục đích bàn bạc để thực hiện kế hoạch “Ký quỹ” mua bán chiếc lư hương bằng đồng đổi màu với đối tác phía Mùi C. Trong 2 ngày 14 và 15/5/2012 là những ngày cao điểm nhất, Đ1 đã gọi cho P 19 cuộc; P đã gọi cho Đ1 11 cuộc; Đ1 đã gọi cho T: 07 cuộc; T đã gọi cho Đ1 07 cuộc. Vì Nguyễn Quang P không cho Ngô Quốc T biết số điện thoại của mình; cho nên giữa T và P không liên lạc trực tiếp qua điện thoại với nhau.

Trong quá trình điều tra đã xác định được thực tế không có chiếc lư hương bằng đồng đổi màu, nặng 03 kg, trị giá từ 4 - 5 tỉ đồng. Đây chỉ là thủ đoạn gian dối do P, Đ1, T bịa đặt ra để câu nhử, lừa những người phía đối tác do Mùi C môi giới từ thành phố Hồ Chí Minh ra tỉnh Kon Tum và mang theo 01 tỉ đồng tiền mặt “Ký quỹ” để P bắt.

Đối với Phạm Ngọc Đ3: Tại phiên tòa Phúc thẩm ngày 22/8/2013, Đ3 là người đã làm chứng về thời gian ngoại phạm vào buổi trưa ngày 14/5/2012 cho Nguyễn Quang P. Tuy nhiên trong quá trình điều tra lại, Đ3 đã tự nguyện xin đính chính lại lời khai của mình vì lý do Đ3 đã nhớ nhầm. Đ3 khai lại: Sự việc Đ3 đã nhìn thấy P đang nằm ngủ trong phòng làm việc của P là vào buổi trưa ngày 13/5/2012 chứ không phải là vào buổi trưa ngày 14/5/2012 như Đ3 đã khai tại phiên tòa phúc thẩm.

Mặc dù trong quá trình điều tra và điều tra lại, Nguyễn Quang P không thừa nhận hành vi phạm tội của mình nhưng trên cơ sở lời khai của Lê Trần Quốc Đ1, Ngô Quốc T và lời khai của những người làm chứng: Hoàng Văn H1, Phạm Ngọc Đ3, Nguyễn Hữu H3, Nguyễn Văn H2...và những tài liệu, chứng cứ về các cuộc gọi, tin nhắn giữa P, Đ1, T... thấy rằng đã đủ cơ sở để kết luận hành vi phạm tội đối với Nguyễn Quang P.

2. Giải quyết của Tòa án cấp sơ thẩm:

Với những hành vi như trên, tại Bản án hình sự sơ thẩm số 60/2014/HSST ngày 02/10/2014 của Tòa án nhân dân tỉnh Kon Tum đã xử:

Tuyên bố: Bị cáo Nguyễn Quang P phạm tội “Tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả”.

Áp dụng khoản 3 Điều 180, điểm g khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự;

Xử phạt: Bị cáo Nguyễn Quang P 10 (Mười) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày bắt tạm giam 28/5/2013.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí, quyền kháng cáo, kháng nghị theo luật định.

3. Kháng cáo, kháng nghị:

Sau khi xét xử sơ thẩm:

- Ngày 06/10/2014, bị cáo Nguyễn Quang P có đơn kháng cáo kêu oan.

- Ngày 14/10/2014, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Kon Tum kháng nghị tăng mức xử phạt tù đối với Nguyễn Quang P.

4. Tại phiên tòa phúc thẩm:

4.1. Trong phần xét hỏi:

- Bị cáo Nguyễn Quang P vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo kêu oan, không có hành vi phạm tội “Tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả”. 

- Đại diện Viện Kiểm sát tham gia phiên tòa vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng nghị, tăng hình phạt tù đối với bị cáo P.

- Các người làm chứng khai:

+ Lê Trần Quốc Đ1 : Phủ nhận toàn bộ lời khai của mình tại cơ quan điều tra, cho rằng bản thân bị xét xử oan, các lời khai trước đây đối với hành vi phạm tội của Nguyễn Quang P là do bị ép cung nên không đúng sự thật.

+ Ông Hoàng Công V1:  Trưa ngày 14-5-2012, khi đến cơ quan chỉ thấy Phạm Ngọc Đ3 ở trong phòng làm việc của Nguyễn Quang P, nhưng không gặp P từ 11h đến 14h, sau đó mới gặp P tại sân bóng chuyền cơ quan.

+ Ông Nguyễn Văn H2 và ông Nguyễn Hữu H3: Cho rằng trưa ngày 14-5- 2012 đã cùng Nguyễn Quang P ăn trưa, nhưng không có sổ sách ghi chú lại sự việc trên do sổ chấm ăn cơm đã thất lạc.

+ Ông Phạm Ngọc Đ3: Cho rằng trưa ngày 14-5-2012 có gặp Nguyễn Quang P tại phòng  làm việc, nhưng sau đó thay đổi lời khai chỉ gặp P vào trưa ngày 13-5-2012 do sự hướng dẫn của cơ quan điều tra, tuy nhiên việc gặp P lại không bàn bạc gì về giải bóng chuyền sắp thi đấu nên mâu thuẫn với lời khai của P trong quá trình điều tra.

+ Ông J ( Ma H): Trưa ngày 14-5-2012, ông có đến phòng 304 khách sạn PH, nhưng Ngô Quốc T nói có khách không cho vào, sau đó khoảng 15h T mới gọi điện cho ông lên phòng nghỉ, ngoài ra ông không biết gì.

4.2. Trong phần tranh luận:

- Vị đại diện Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng giữ nguyên quan điểm xác định Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật đối với bị cáo. Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm áp dụng điểm b khoản 2 Điều 355, khoản 2 Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự, không chấp nhận kháng cáo kêu oan của bị cáo, sửa bản án sơ thẩm theo hướng tăng nặng hình phạt đối với bị cáo.

- Luật sư Bùi Bá Dũng bào chữa cho bị cáo P cho rằng: Lời khai của Ngô Quốc T và Lê Trần Quốc Đ1 là không thống nhất trong quá trình điều tra, không phù hợp với lời khai của người làm chứng tại phiên tòa hôm nay. Những người đi cùng nhóm của ông Mùi C lên thành phố Kon Tum để mua lư hương đồng cổ chưa được cơ quan điều tra lấy lời khai đầy đủ, bị cáo Nguyễn Quang P lại phủ nhận toàn bộ lời khai của Ngô Quốc T, của Lê Trần Quốc Đ1 trong quá trình điều tra nên không đủ căn cứ kết tội Nguyễn Quang P tại thời điểm này, do đó đề nghị Hội đồng xét xử hủy án sơ thẩm để điều tra xét xử lại.

- Bị cáo P tham gia tranh luận, cho rằng:  Ngô Quốc T, Lê Trần Quốc Đ1 đã có những lời khai không đúng sự thật trong quá trình điều tra, việc vẽ sơ đồ vị trí sẽ bắt nhóm Mùi C là do cơ quan điều tra hướng dẫn và tại phiên tòa hôm nay Lê Trần Quốc Đ1 đã trình bày do bị ép cung. Có thể có việc Ngô Quốc T tự giao dịch với nhóm của Mùi C bằng tiền thật, nhưng lại bị nhóm Mùi C tráo tiền giả ngay trong xe ô tô đang đi nhưng cơ quan điều tra không làm rõ vấn đề này do không khám xét, kiểm tra xe ô tô tại thời điểm phát hiện vụ án. Mặt khác, lời khai nhân chứng trước đây đều do cơ quan điều tra hướng dẫn, ép cung; việc nhận diện của anh Hoàng Văn H1 là không đúng quy định pháp luật, Ngô Quốc T khai nhận có nhiều mâu thuẫn nên việc cấp sơ thẩm kết tội tôi là oan, đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố tôi không phạm tội “ Tàng trữ, lưu hành tiền giả”.

Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa phúc thẩm; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa. Trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các tài liệu, chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, của các bị cáo,

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

1. Trách nhiệm hình sự:

Tại giai đoạn điều tra, cũng như tại phiên tòa sơ thẩm và phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Quang P đều giữ nguyên lời khai không có hành vi phạm tội “Tàng trữ, lưu hành tiền giả”; bị án Nguyễn Quốc T khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình và của bị cáo P; bị án Lê Trần Quốc Đ1 khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình và của bị cáo Nguyễn Quang P ở giai đoạn điều tra và ở phiên tòa phúc thẩm ngày 22/8/2013 (BL.507-513), và phản cung ở các phiên tòa sơ thẩm ngày 06-07/6/2013 (BL.447-466) và ngày 01-02/10/2014 (BL.669- 692).

Căn cứ vào sự phù hợp với nhau giữa lời khai nhận tội của bị án Ngô Quốc T với lời khai tại giai đoạn điều tra và tại phiên tòa phúc thẩm ngày 22/8/2013 của bị án Lê Trần Quốc Đ1; phù hợp giữa lời khai trên của các bị án T, Đ1 với lời khai của các người làm chứng khác, lời khai của các người liên quan; phù hợp với các chứng cứ như “Biên bản bắt người có hành vi phạm tội quả tang”, 120.000.000đ tiền giả vật chứng thu giữ được từ Ngô Quốc T khi bị bắt quả tang (BL.01-02), bản “Kết luận giám định” số 13/GĐTP-2012 ngày 10/7/2012 của phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Kon Tum (BL.30-31) cũng như các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án. Vì vậy, có đủ cơ sở để xác định: Trưa ngày 14/5/2012, tại phòng 304 khách sạn PH, số 28 đường Y, thành phố Kon Tum, bị cáo Nguyễn Quang P đã có hành vi đưa cho các bị án Đ1 và T 120.000.000đ tiền Ngân hàng nhà nước Việt Nam giả, loại mệnh giá 200.000đ để Đ1 và T đem đi ký quỹ trong vụ mua bán chiếc lư hương cổ. Tòa án cấp sơ thẩm quy kết cho bị cáo Nguyễn Quang P phạm tội “Tàng trữ, lưu hành tiền giả” theo quy định tại khoản 3 Điều 180 Bộ luật hình sự là có căn cứ, đúng pháp luật và phù hợp với hướng dẫn tại điểm c tiểu mục 3.2 mục 3 phần I Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Không có căn cứ để chấp nhận yêu cầu kháng cáo kêu oan của bị cáo Nguyễn Quang P.

Tòa án cấp sơ thẩm đã đánh giá đúng tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ án, nhân thân, vai trò chủ mưu, cầm đầu và thái độ khai báo xấu của bị cáo; đã xem xét và cho bị cáo được hưởng đúng và đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ được quy định tại điểm g (“Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại”) khoản 1 và khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999 trong lượng hình phạt.

Khoản 3 Điều 180 Bộ luật hình sự có khung hình phạt từ 10 năm đến 20 năm tù hoặc tù chung thân. Với vai trò chủ mưu, cầm đầu và với số tiền giả là 120.000.000đ (gấp 1,2 lần mức khởi điểm của khung), Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo Nguyễn Quang P ở mức khởi điểm 10 năm tù là có phần nhẹ, chưa tương xứng với vai trò đầu vụ, tính chất đặc biệt nghiêm trọng trong hành vi phạm tội, thái độ khai báo quanh co của bị cáo. Vì vậy, có căn cứ để chấp nhận yêu cầu kháng nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Kon Tum.

Lời khai của bị án Lê Trần Quốc Đ1, của người làm chứng cho rằng bị ép cung, mớm cung, nhưng không xuất trình được tài liệu, chứng cứ nào chứng minh các lời khai trong quá trình điều tra là có sự hướng dẫn của điều tra viên, của kiểm sát viên nên không có căn cứ chấp nhận.

2. Về án phí:

Do Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của bị cáo, nên căn cứ vào khoản 1 Điều 23 Pháp lệnh Án phí, lệ phí Tòa án, bị cáo Nguyễn Quang P phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên,

Căn cứ vào khoản 2 Điều 3, khoản 1 Điều 29, Điều 98 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014; khoản 2, khoản 9 Điều 2 Nghị quyết số 81/2014/QH13 ngày 24/11/2014 của Quốc Hội.

Căn cứ vào điểm b khoản 2 Điều 355; khoản 2 Điều 357 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.

QUYẾT ĐỊNH

Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo; chấp nhận kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Kon Tum, sửa bản án sơ thẩm đối với bị cáo Nguyễn Quang P;

1. Về trách nhiệm hình sự:

Tuyên bố: Bị cáo Nguyễn Quang P phạm tội “Tàng trữ, lưu hành tiền giả”.

- Áp dụng khoản 3 Điều 180; điểm g khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự.

Xử phạt bị cáo Nguyễn Quang P 12 (mười hai) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù được tính từ ngày bị bắt tạm giam 28/5/2013.

2. Về án phí:

Áp dụng khoản 1 Điều 23 Pháp lệnh Án phí, lệ phí Tòa án,

Bị cáo Nguyễn Quang P phải nộp 200.000 (hai trăm nghìn) đồng án phí hình sự phúc thẩm;

3. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

519
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 201/2018/HS-PT ngày 31/07/2018 về tội tàng trữ, lưu hành tiền giả

Số hiệu:201/2018/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 31/07/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;