TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
BẢN ÁN 198/2019/HNGĐ-PT NGÀY 31/12/2019 VỀ LY HÔN, TRANH CHẤP NUÔI CON
Trong các ngày 27 và 31 tháng 12 năm 2019 tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử phúc thẩm công khai vụ án hôn nhân gia đình thụ lý số 172/2019/TLPT-HNGĐ ngày 03 tháng 12 năm 2019 về Ly hôn, tranh chấp về nuôi con.
Do Bản án hôn nhân gia đình sơ thẩm số 29/2019/HNGĐ-ST ngày 05/09/2019 của Tòa án nhân dân huyện M bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 106/2019/QĐPT-HNGĐ ngày 03 tháng 12 năm 2019 giữa các đương sự:
Nguyên đơn: Chị Nguyễn Thị V, sinh năm 1991; hộ khẩu thường trú: Đội 18, thôn V, xã H, huyện M, thành phố Hà Nội; tạm trú: Xóm C, xã P, huyện Đ, tỉnh T; nghề nghiệp: Nhân viên; nơi làm việc: Công ty TNHH thương mại và xây dựng Đ; địa chỉ: Phường Q, thành phố T, tỉnh T (Có mặt)
Bị đơn: Anh Nguyễn Văn L, sinh năm 1981; nơi cư trú: Đội 18, thôn V, xã H, huyện M, thành phố Hà Nội; nghề nghiệp: Giáo viên; nơi làm việc: Trường Trung học phổ thông H, huyện M (Có mặt)
Người làm chứng:
1. Anh Nguyễn Tiến D, sinh năm 1993 (Có mặt)
2. Chị Nguyễn Thị H, sinh năm 1993 (Có mặt)
Cùng địa chỉ: Đội 18, thôn V, xã H, huyện M, thành phố Hà Nội.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Chị Nguyễn Thị V và anh Nguyễn Văn L tự nguyện kết hôn, có đăng ký kết hôn tại UBND xã P, huyện Đ, tỉnh T ngày 06/9/2014. Sau khi kết hôn, vợ chồng chung sống cùng gia đình anh L tại Thôn V, xã H, huyện M, thành phố Hà Nội. Quá trình chung sống, vợ chồng phát sinh mâu thuẫn.
Theo chị V, nguyên nhân là do vợ chồng bất đồng quan điểm sống, tính tình không hòa hợp, thường xuyên xảy ra cãi nhau. Từ tháng 11/2018 đến nay chị và anh L đã sống ly thân không còn quan tâm đến nhau. Nhận thấy tình cảm vợ chồng không còn, mâu thuẫn đã đến mức trầm trọng, không thể hàn gắn nên chị yêu cầu ly hôn để ổn định cuộc sống.
Theo anh L, nguyên nhân mâu thuẫn chủ yếu là do vợ chồng xung đột về phương pháp nuôi dạy con, sau đó chị V tự ý bỏ về ở tại nhà mẹ đẻ. Mặc dù anh đã có nhiều biện pháp để hàn gắn tình cảm vợ chồng nhưng đều không có kết quả; trường hợp chị V kiên quyết yêu cầu ly hôn thì anh cũng đồng ý.
Vợ chồng có 01 con chung là Nguyễn Hoàng H, sinh ngày 09/02/2016 (nữ), hiện đang ở với chị V và ông bà ngoại tại xã P, huyện Đ, tỉnh T.
Khi ly hôn, chị V yêu cầu được nuôi con chung và không yêu cầu anh L phải cấp dưỡng nuôi con. Anh L không đồng ý vì thu nhập, điều kiện kinh tế, nhà đất riêng và thời gian chăm sóc con của chị V không đảm bảo. Anh L đề nghị được nuôi con chung và không yêu cầu chị V phải cấp dưỡng nuôi con.
Về tài sản chung, công sức và nợ chung: Chị V đề nghị tự thỏa thuận và không yêu cầu Tòa án giải Quyết. Anh L có yêu cầu phản tố về nợ chung, đã nộp tiền tạm ứng án phí nhưng sau đó đã rút yêu cầu phản tố, đề nghị tự thỏa thuận và không yêu cầu Tòa án giải quyết.
Tại bản án số 29/2019/HNGĐ-ST ngày 05/9/2019 của Tòa án nhân dân huyện M đã xử cho chị V được ly hôn anh L; giao con chung cho chị V nuôi dưỡng; tạm hoãn việc cấp dưỡng nuôi con chung cho anh L đến khi có yêu cầu mới; đình chỉ xét xử yêu cầu phản tố của anh Nguyễn Văn L về việc trả nợ anh Lê Đăng K 10 triệu đồng, anh Trần Thanh S 40 triệu đồng, anh Phạm Văn C 10 triệu đồng và chị Nguyễn Thị L 20 triệu đồng. Ngoài ra bản án còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo bản án của các đương sự.
Sau khi xử sơ thẩm, anh Nguyễn Văn L kháng cáo yêu cầu được nuôi dưỡng con chung, không yêu cầu chị V cấp dưỡng nuôi con chung với lý do: Chị V không đủ điều kiện về vật chất và tinh thần để trực tiếp nuôi dưỡng con một cách tốt nhất vì không có nghề nghiệp, thu nhập ổn định; không có nhà riêng, chỗ ở ổn định; không có tài sản riêng; thường xuyên có những hành vi bạo lực với con về thể xác và tinh thần; có dấu hiệu triệu chứng suy yếu và đảo lộn cơ năng tâm thần do suy nhược thần kinh ngoại thương do đã từng mổ u não; không thể nhận thức đúng sai, phải trái, tốt xấu, hay dở; không làm chủ được hành vi của mình, khả năng kiểm soát điều chỉnh bản thân yếu kém; gửi con đi làm xa không thường xuyên ở bên con, trung bình một tuần mới về với con một lần; chị V tốt nghiệp Trung học phổ thông, có quan điểm giáo dục sai lầm lệch lạc; nhiều lần nói dối, trốn con, bỏ con đi chơi, không muốn ở gần vướng víu bận bịu vì con, không muốn gần chồng con để xây dựng hạnh phúc gia đình mà muốn đi làm xa để ở trọ cho son rảnh, tự do, thỏa mái; nơi chị V ở là vùng sâu vùng xa của tỉnh T, cách xa trung tâm, thiếu thốn điều kiện vui chơi giải trí, cách 40km lên thành phố mới có chỗ vui chơi, giải trí.
Tại phiên tòa phúc thẩm, anh L nộp bổ sung tài liệu chứng minh về thu nhập của anh; về điều kiện môi trường sống và học tập tại địa phương; về việc chị V đi làm xa nhà phải thuê nhà trọ cuối tuần mới về hoặc đi chơi để con ở nhà cho bố mẹ đẻ nên anh không đồng ý cho chị V nuôi con. Chị V không đồng ý giao con cho anh L nuôi vì con chung là con gái, hiện còn đang rất nhỏ, cần sự chăm sóc của người mẹ; nếu sau này con lớn mà anh L vẫn muốn nuôi con thì chị sẽ đồng ý thay đổi sau. Những người làm chứng là cháu gọi anh L bằng chú khai chứng kiến việc chị V cho con ăn thường quát mắng, dọa nạt con khiến con bị nôn, chớ.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội giữ nguyên án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, ý kiến của Kiểm sát viên, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Anh Nguyễn Văn L có mặt tại phiên tòa ngày 05/9/2019, nộp trực tiếp đơn kháng cáo tại Tòa án nhân dân huyện M ngày 13/9/2019 nên đơn kháng cáo của anh L làm trong thời hạn quy định tại Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự.
[2] Anh Nguyễn Văn L tự nguyện rút yêu cầu phản tố, Tòa án cấp sơ thẩm đã đình chỉ xét xử đối với yêu cầu phản tố của anh L về nợ chung, những người cho vay không có yêu cầu độc lập, anh L không kháng cáo về vấn đề này nên Hội đồng xét xử không đưa những người cho vay là anh Lê Đăng K, anh Trần Thanh S, anh Phạm Văn C và chị Nguyễn Thị L vào tham gia tố tụng tại phiên tòa phúc thẩm và không xem xét giải quyết về vấn đề này.
[3] Xét kháng cáo của anh Nguyễn Văn L:
{3.1} Về nội dung anh L chỉ rút yêu cầu phản tố đối với nợ chung, không rút yêu cầu phản tố đề nghị xử lý vi phạm của chị V theo quy định của pháp luật.
Tại Đơn phản tố ngày 03/01/2019, anh L trình bày rất nhiều nhưng gộp chung lại đề nghị Tòa án giải quyết các yêu cầu như sau:
(1) Yêu cầu xử lý chị V về hành vi vi phạm Điều 17, Khoản 2 Điều 19, Điều 20, Điều 21, Điều 31, Điều 68, Điều 69, Khoản 1 và 3 Điều 70, Khoản 1 Điều 71, Điều 72, Điều 85, Điều 103, Điều 110 Luật hôn nhân và gia đình 2014;
Điều 6, Điều 12, Điều 15, Điều 22, Điều 27, Điều 28, Điều 47, Điều 70, Điều 96, Điều 98 Luật trẻ em 2016; Điều 53 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP; Điều 120 Bộ luật hình sự.
(2) Yêu cầu Tòa án có biện pháp can thiệp kịp thời để buộc chị V phải đưa con chung về nhà – nơi con chung có hộ khẩu.
(3) Yêu cầu chị V trả cho anh L 20 triệu tiền anh đã vay hộ để chị V mua xe máy; yêu cầu chị V trả nợ chung 60 triệu đồng.
(4) Yêu cầu Tòa án hoãn phiên tòa, tạm đình chỉ giải quyết vụ án, bác đơn ly hôn của chị V.
(5) Yêu cầu Tòa án không giải quyết cho chị V trực tiếp nuôi con.
Xét thấy các yêu cầu số (1), (2), (4), (5) của anh L tại đơn phản tố ngày 03/01/2019 không phải là yêu cầu phản tố mà chỉ là ý kiến đối với yêu cầu khởi kiện (4,5) hoặc là yêu cầu không phù hợp quy định của pháp luật (1,2) nên tại Thông báo số 310A/TB-TLVA ngày 09/01/2019, Tòa án cấp sơ thẩm chỉ thụ lý yêu cầu phản tố về việc giải quyết nợ chung là đúng quy định tại Điều 200 Bộ luật tố tụng dân sự.
Ngày 06/8/2019, anh Nguyễn Văn L có đơn rút yêu cầu phản tố đối với vấn đề nợ chung. Tại bản án sơ thẩm, Tòa án nhân dân huyện M đã nhận định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu này của anh L là đúng. Nhưng nhận định “Các yêu cầu phản tố khác do không có căn cứ nên không chấp nhận” là chưa chính xác mà cần phải nhận định “Các yêu cầu khác của anh L tại Đơn phản tố ngày 03/01/2019 không phải là yêu cầu phản tố quy định tại Điều 200 Bộ luật tố tụng dân sự, không được Tòa án thụ lý nên không được giải quyết”.
Do yêu cầu của anh L về việc đề nghị xử lý vi phạm của chị V theo quy định của pháp luật không phải là yêu cầu phản tố, không được Tòa án thụ lý giải quyết nên nên sau khi anh L rút yêu cầu phản tố về nợ chung thì không còn yêu cầu phản tố nào của anh L cần phải giải quyết trong vụ án. Nội dung kháng cáo này của anh L không có căn cứ.
{3.2}Xét kháng cáo anh Nguyễn Văn L về việc nuôi con chung:
Khoản 2 Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định trường hợp vợ chồng không thỏa thuận được về người trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con. Xét về điều kiện, khả năng của 2 bên trong việc đảm bảo quyền lợi về mọi mặt của con, nhận thấy:
{3.2.1} Anh L và chị V đều sinh sống tại nhà đất của gia đình bố mẹ đẻ, không có quyền sử dụng, sỡ hữu nhà đất đứng tên riêng mình (tài liệu, chứng cứ anh L giao nộp không đủ căn cứ chứng minh nhà đất anh L đang ở thuộc quyền sở hữu, sử dụng của anh); cả hai nơi sinh sống đều là vùng nông thôn nhưng nơi anh L ở là huyện ngoại thành thủ đô Hà Nội, còn nơi chị V ở là huyện của tỉnh T. Tuy nhiên, khoảng cách từ nơi chị V ở xã P đến trung tâm huyện Đ khoảng 14km, đến trung tâm tỉnh T khoảng 39km; còn khoảng cách từ nơi anh L ở xã H đến trung tâm huyện M chỉ khoảng 5km, nhưng đến trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 68km. Anh L cho rằng nơi ở của chị V cách xa trung tâm và có dân trí thấp hơn nơi anh ở là không đúng, không có căn cứ.
Anh L không có đưa ra được tài liệu chứng minh chị V thuê nhà trọ đến cuối tuần mới về nhà bố mẹ đẻ ở mà chỉ dựa vào việc gọi điện thoại có hình ảnh cho con vào buổi tối nhưng không thấy chị V ở nhà hoặc cho rằng khung cảnh nơi con đang ở là nhà trọ.
Như vậy, về điều kiện nơi ở của hai bên là như nhau, còn việc có đảm bảo cho con quyền vui chơi, giải trí theo quy định tại Điều 17 Luật trẻ em hay không thì không phụ thuộc vào nơi ở đó có chỗ vui chơi, giải trí hay không hoặc chỗ nào có nhiều điểm vui chơi, giải trí hơn mà phụ thuộc vào việc bố, mẹ có cho con tham gia vào các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, vui chơi, giải trí đó hay không. Do đó, không có cơ sở để chấp nhận ý kiến, tài liệu, chứng cứ mà anh L đưa ra để chứng minh anh L có điều kiện về nơi ở tốt hơn chị V.
{3.2.2} Cả hai đều làm việc giờ hành chính nhưng khoảng cách từ nơi ở đến nơi làm việc của anh L gần hơn chị V. Chị V cho rằng mặc dù chị đi làm cách nhà 30km nhưng chị vẫn đảm bảo việc đưa đón con đi học; trường hợp chị không đưa đón con được thì có bố mẹ đẻ chị đưa đón giúp. Anh L cho rằng anh có nhiều thời gian để chăm con hơn chị V vì anh L chỉ có tiết dạy chính vào 03 buổi sáng và 03 buổi chiều, một số buổi dạy phụ đạo. Xét thấy, việc chị V đi làm xa nhà, phải đưa đón con đi học chỉ ảnh hưởng đến thời giờ làm việc của chị V chứ không ảnh hưởng đến con; còn trong thời gian con ở trường mà anh L không có tiết dạy học thì nhàn cho anh L chứ không giúp được gì cho con. Do đó, các lý lẽ anh L đưa ra để chứng minh anh có nhiều thời gian để chăm sóc con hơn chị V là không có căn cứ.
{3.2.3} Anh L và chị V có mức lương cao tương đương nhau. Mức lương của chị V được xác định trong Hợp đồng lao động là đủ để chứng minh còn việc anh L cho rằng không có cơ sở vì chị V chỉ tốt nghiệp Trung học phổ thông không thể có mức lương như thế là thiếu căn cứ bởi anh L không đưa ra được tài liệu để phản bác, Tòa án không có nghĩa vụ thu thập để chứng minh sự thật như anh nói. Mặt khác, không có căn cứ nào để khẳng định mức lương là do một Công ty TNHH trả lại thấp hay cao hơn lương do nhà nước trả như ý kiến của anh L.
{3.2.4} Anh L và những người làm chứng là cháu ruột của anh L không đưa ra được chứng cứ về việc chị V có hành vi bạo lực đối với con mà chỉ là lời khai nhìn thấy, nghe thấy chị V quát mắng, dọa nạt con khi cho con ăn. Hành vi này của chị V không phải là hành vi bạo lực gia đình quy định tại Điều 2 Luật phòng, chống bạo lực gia đình 2007.
{3.2.5} Các tập tài liệu anh L in từ tin nhắn ngày 09/9/2019 để chứng minh chị V không ở bên con để chăm lo cho con mà gửi con dẫn đến con bị ốm sốt phải cấp cứu tại bệnh viện hay để chứng minh chị V nói dối con, trốn con, bỏ con đi chơi với bạn ở Sầm Sơn, Tam Đảo hoặc để chứng minh chị V không ở bên con để chăm sóc, giáo dục mà gửi con để đi làm cả tuần đến thứ 7 mới về đều không có tin nhắn, hình ảnh nào thể hiện những điều mà anh L muốn chứng minh, mà chỉ là sự suy diễn của anh L từ những tin nhắn, hình ảnh trong sinh hoạt hàng ngày của chị V.
{3.2.6} Ngoài ra, những ý kiến mà anh L đưa ra để chứng minh chị V không có đủ điều kiện để nuôi con nhưng không đưa ra được chứng cứ chứng minh như chị V bị bệnh về tâm thần, không kiểm soát được hành vi; hoặc không có cơ sở như bố chị V ở rể, bị lệ thuộc mọi mặt nên gia đình không có nề nếp, con cái thường để phát triển tự do, tùy tiện sẽ ảnh hưởng đến môi trường hình thành và phát triển nhân cách của trẻ nhỏ; hoặc suy nghĩ lệch lạc như chị V chỉ có trình độ Trung học phổ thông nên có phương pháp giáo dục con sai lầm, còn anh L có trình độ đại học thì cách giáo dục con là đúng đắn.
{3.2.7} Con chung của anh L, chị V còn nhỏ (tại thời điểm xét xử sơ thẩm là 43 tháng tuổi), chưa thể tự chăm sóc, vệ sinh cho bản thân, lại là con gái nên rất cần sự chăm sóc của người mẹ, đó là quyền lợi chính đáng của con để đảm bảo sự phát triển tốt về thể chất và tinh thần. Tòa án cấp sơ thẩm quyết định giao con chung cho chị V nuôi dưỡng là căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của trẻ và tránh sự thay đổi môi trường sống của con nên yêu cầu kháng cáo về việc nuôi con chung của anh L không được Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận.
[4] Theo quy định tại Điều 293 Bộ luật tố tụng dân sự, Tòa án cấp phúc thẩm chỉ xem xét lại phần của bản án sơ thẩm có kháng cáo hoặc có liên quan đến việc xem xét nội dung kháng cáo nên những phần khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo thì Tòa án cấp phúc không xem xét giải quyết.
[5] Không có căn cứ chấp nhận toàn bộ kháng cáo của anh L, giữ nguyên án sơ thẩm nên anh L phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào Điều 293, Khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; Khoản 2 Điều 81, Điều 82, Điều 83 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014; Nghị quyết 326/2016/NQ-UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Xử: Giữ nguyên Bản án sơ thẩm số 29/2019/HNGĐ-ST ngày 05/9/2019 của Tòa án nhân dân huyện M 1. Về quan hệ hôn nhân: Chị Nguyễn Thị V được ly hôn anh Nguyễn Văn L.
2. Về con chung: Giao con chung Nguyễn Hoàng H, sinh ngày 09/02/2016 cho chị Nguyễn Thị V trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục cho đến khi đủ 18 tuổi hoặc có sự thay đổi khác. Ghi nhận sự tự nguyện của chị Nguyễn Thị V không yêu cầu anh Nguyễn Văn L cấp dưỡng nuôi con chung. Tạm hoãn việc cấp dưỡng nuôi con chung cho đến khi có yêu cầu mới.
Anh Nguyễn Văn L có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chung, không ai được cản trở.
3. Đình chỉ xét xử yêu cầu phản tố của anh Nguyễn Văn L về việc trả nợ anh Lê Đăng K 10 triệu đồng, anh Trần Thanh S 40 triệu đồng, anh Phạm Văn C 10 triệu đồng và chị Nguyễn Thị L 20 triệu đồng.
4. Về án phí: Chị Nguyễn Thị V phải chịu 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng) án phí dân sự sơ thẩm, được trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 2075 ngày 12/12/2018 của Chi cục thi hành án dân sự huyện M, thành phố Hà Nội.
Anh Nguyễn Văn L phải chịu 300.000đ đồng (Ba trăm nghìn đồng) án phí dân sự phúc thẩm nhưng được trừ vào số tiền 2.000.000 đồng (Hai triệu đồng) tạm ứng án phí đã nộp theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 2115 ngày 09/01/2019 của Chi cục thi hành án dân sự huyện M. Anh Nguyễn Văn L được nhận lại số tiền 1.700.000đ (Một triệu bẩy trăm nghìn đồng) Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 198/2019/HNGĐ-PT ngày 31/12/2019 về ly hôn, tranh chấp nuôi con
Số hiệu: | 198/2019/HNGĐ-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hà Nội |
Lĩnh vực: | Hôn Nhân Gia Đình |
Ngày ban hành: | 31/12/2019 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về