Bản án 195/2018/HSPT ngày 10/04/2018 về tội giết người và cố ý gây thương tích

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 195/2018/HSPT NGÀY 10/04/2018 VỀ TỘI GIẾT NGƯỜI VÀ CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Ngày 10 tháng 4 năm 2018 tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số: 516/2017/TLPT- HS ngày 05 tháng 10 năm 2017 đối với bị cáo Nguyễn Bỉnh N do có kháng cáo của bị cáo Nguyễn Bỉnh N và người đại diện hợp pháp của bị hại Võ Quách K (chết) là bà Trần Thị Thùy D, chị Lê Thị S và người bị hại là anh Lê Trọng B đối với Bản án hình sự sơ thẩm số: 305/2017/HS-ST ngày 25 tháng 8 năm 2017 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

- Bị cáo có kháng cáo, bị kháng cáo:

Bị cáo Nguyễn Bỉnh N sinh năm 1996 tại tỉnh Bạc Liêu; nơi đăng ký thường trú: ấp Đ, xã V, huyện H, tỉnh Bạc Liêu; nơi cư trú: 860/60S/9 đường X, Phường 25, quận B1, Thành phố Hồ Chí Minh; nghề nghiệp: công nhân; trình độ văn hóa: 07/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Nguyễn Việt D1 và bà Nguyễn Kim Đ1; hoàn cảnh gia đình: chưa có vợ con; Tiền án, tiền sự: Không có; Bắt, tạm giam: 18/9/2016; có mặt;

Người bào chữa cho bị cáo: Ông Nguyễn Mạnh H1, Công ty Luật TNHH A, Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh; có mặt;

- Người tham gia tố tụng khác có kháng cáo:

Người bị hại:

1.Anh Võ Quách K; sinh năm 1992 (đã chết); nơi đăng ký thường trú trước khi chết: 709 đường X, Phường 26, quận B1, Thành phố Hồ Chí Minh; có mặt;

Người đại diện của anh K:

-Bà Trần Thị Thùy D; sinh năm 1964; nơi đăng ký thường trú: Ấp 4, xã C, huyện L, tỉnh Sóc Trăng; nơi cư trú: 709 đường X, Phường 26, quận B1, Thành phố Hồ Chí Minh; là mẹ anh K; có mặt;

-Ông Võ Văn Đ2, sinh năm 1966; nơi đăng ký thường trú: Ấp 4, xã C, huyện L, tỉnh Sóc Trăng; nơi cư trú: 709 đường X, Phường 26, quận B1, Thành phố Hồ Chí Minh; là cha đẻ anh K; có mặt;

-Chị Lê Thị S, sinh năm 1993; nơi đăng ký thường trú: thôn 2, xã X1, thị xã S1, tỉnh Phú Yên; nơi cư trú: 709 đường X, Phường 26, quận B1, Thành phố Hồ Chí Minh; là vợ của anh K; có mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà D, ông Đ2: Ông Nguyễn Tấn T, luật sư thuộc Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh; có mặt;

2.Anh Lê Trọng B; sinh năm 1990; nơi đăng ký thường trú: thôn 2, xã X1, thị xã S1, tỉnh Phú Yên; nơi cư trú: 85/66/53B đường X, Phường 26, quận B1, Thành phố Hồ Chí Minh; có mặt;

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa thì nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Khoảng 22 giờ ngày 17/9/2016, Nguyễn Bỉnh N cùng Sơn Sà R, Lê Thị N1, Nguyễn Thanh T1, Phan Văn M, Lý Siêu H2, Dương Thúy N2, Trần Trí T2, Lâm Thị Hồng T3 và Trà Ngọc M1 (đều là công nhân của Công ty mỹ phẩm H) đến ăn nhậu tại quán ốc 756 đường X, Phường 25, quận B1, Thành phố Hồ Chí Minh. Khi đi, R có mang theo 1 đèn pin hình trụ (dài khoảng 12cm, đường kính khoảng 2cm), có tính năng phóng điện, N thì mang theo con dao bấm (trước đó mượn của R) để ở trong túi quần.

Khoảng 22 giờ 30 phút cùng ngày, Võ Quách K, Lê Trọng B, Đinh Văn N3 và Nguyễn Quang L1cũng đến quán ốc nhậu và ngồi cách bàn của R khoảng 20m.

Khoảng 23 giờ cùng ngày, Lâm Thị Hồng T3 đi vệ sinh ra gặp K. K nói “Con gái nhậu lầy mà còn đi vệ sinh lâu nữa”. Lâm Thị Hồng T3 không nói gì mà đi về bàn và kể lại sự việc vừa nêu. R có nói rằng “Người ta nói gì thì kệ người ta”. Đồng thời R lấy đèn pin bấm cho xẹt tia lửa điện, mục đích để cho những người ngồi bên bàn của K nhìn thấy mà không gây sự.

Khoảng 23 giờ 50 phút cùng ngày, K đến bàn của R và đạp vào chân trái của R làm R ngã khỏi ghế. R đứng dậy nói “Tại sao đánh em, em có làm gì anh đâu”. K trả lời “Thấy ghét nên đánh”. Đồng thời K dùng tay đánh R nhưng không trúng nên bị mất đà và khom xuống. K tiếp tục nhặt vỏ chai bia đánh R nhưng không trúng nên vỏ chai bia rơi xuống đất và bị vỡ. R cầm đèn pin bấm xẹt tia lửa điện và cảnh báo K nếu nhào tới R sẽ bấm nhưng K vẫn nhào đến đánh. R bấm đèn pin xẹt điện chích K nhưng không trúng. Lúc này, B chạy đến can ngăn. Thấy vậy, N cầm dao bấm bằng tay phải, bật lưỡi (mũi dao hướng về ngón út) chạy đến đâm 1 nhát trúng vào bả vai trái của K; đâm 2 nhát trúng vào vai trái và tay phải của B. Do bị đâm nên K lảo đảo bước về phía R, R đẩy K ra. N tiếp tục đâm K nhưng không trúng mà trúng vào tay trái của R, con dao dính ở tay của R rồi rơi xuống đất.

N3 và L1 chạy đến dùng vỏ chai bia ném N nhằm ngăn cản không cho N tiếp tục đâm K và B nhưng không trúng. R kêu mọi người bỏ chạy. R được N, T1, N2, Trí T2 và Hồng T3 đưa đến Bệnh viện 115 để băng bó vết thương. K và B được N3 và L1đưa đến Bệnh viện nhân dân Gia Định để cấp cứu nhưng K chết trước khi nhập viện; B được điều trị đến ngày 21/9/2016 thì xuất viện.

Ngày 18/9/2016, N bị Công an quận B1 bắt khẩn cấp.

Tại Bản kết luận giám định pháp y tử thi số 757-16/KLGĐ-PY ngày 19/01/2017 và văn bản số 140/PC54-Đ4 ngày 09/01/2017 của Phòng kỹ thuật hình sự - Công an Thành phố Hồ Chí Minh kết luận: “Võ Quách K chết do sốc mất máu không hồi phục do vết thương đâm thủng động mạch chủ ngực và đứt phổi trái. Nồng độ cồn trong máu là 206mg/100ml” (bút lục 252-257); con dao bấm dài 21,2cm, cán dao bằng kim loại màu đen dài 11,5cm, lưỡi dao bằng kim loại màu đen dài 9,5cm, mũi dao nhọn, bề bản chỗ rộng nhất 2cm có thể gây ra vết thương ở vùng bả vai trái nạn nhân K.

Tại bản Kết luận giám định pháp y về thương tích số 669/TgT.16 ngày 20/10/2016 của Trung tâm pháp y - Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh kết luận về thương tích của anh B như sau:

-Vết thương phần mềm gây thủng đứt da, đã được điều trị thám sát và khâu vết thương, hiện còn 1 sẹo 2,4x0,2cm sau hố nách trái;

-Vết thương phần mềm gây đứt bán cầu gân cơ gấp cổ tay quay và cổ tay trụ đã được phẫu thuật khâu nối gân cơ, hiện còn sẹo kích thước 9,5x0,15cm tại cẳng tay phải;

-Các thương tích đã nêu do vật sắc, vật sắc nhọn, vật có cạnh sắc nhọn gây ra;

-Các thương tích không ảnh hưởng đến tính mạng;

-Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên là 7%.

Tại bản Kết luận giám định pháp y về thương tích số 678/TgT.16 ngày 21/10/2016 của Trung tâm pháp y-Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh kết luận về thương tích của anh R như sau:

-Hai vết thương phần mềm đã được điều trị khâu vết thương, hiện còn 2 sẹo tại cẳng tay trái kích thước 3,8x0,2cm tại cẳng tay, có tổn thương nhánh cảm giác thần kinh trụ trên cơ điện đồ, không rối loạn vận động;

-Các thương tích không ảnh hưởng đến tính mạng;

-Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên là 9%.

Ngày 08/11/2016, anh B có đơn yêu cầu xử lý hình sự đối với N; cùng ngày, anh R có đơn không yêu cầu xử lý hình sự và không yêu N phải bồi thường.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm 305/2017/HSST ngày 25/8/2017 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Thông báo sửa chữa, bổ sung Bản án số 440/TB-TA ngày 23/10/2017 đã quyết định:

Bị cáo Nguyễn Bỉnh N phạm tội “Giết người” và “Cố ý gây thương tích”.

Áp dụng điểm n khoản 1 Điều 93, điểm a và i khoản 1 Điều 104, khoản 2 Điều 46, điểm b khoản 1 Điều 50 Bộ luật hình sự năm 1999, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009,

Xử phạt Nguyễn Bỉnh N 20 (hai mươi) năm tù về tội “Giết người” và 2 (hai) năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”; tổng hợp hình phạt, buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung là 22 (hai mươi hai) năm tù; thời hạn tù tính từ ngày 18/9/2016;

Về mặt dân sự:

Áp dụng Điều 42 Bộ luật hình sự năm 1999, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009; Điều 584, Điều 586, Điều 591, Điều 357, Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015; Buộc bị cáo phải bồi thường cho người bị hại, người có quyền lợi liên quan các khoản tiền cụ thể như sau:

Bồi thường cho bà Trần Thị Thùy D, ông Võ Văn Đ2 142.000.000đ  (một trăm bốn mươi hai triệu đồng) tiền chi phí mai táng anh Võ Quách K; Bồi thường tiền bù đắp tổn thất về mặt tinh thần cho bà Trần Thị Thùy D, ông Võ Văn Đ2, chị Lê Thị S và trẻ Võ Kim G mỗi người 32.500.000đ (ba mươi hai triệu năm trăm nghìn đồng)

Bồi thường cho ông Lê Trọng B 33.982.000đ (ba mươi ba triệu chín trăm tám mươi hai nghìn đồng) bao gồm:

-Tiền chi phí cứu chữa: 10.982.000đ;

-Tiền bồi dưỡng phục hồi sức khỏe: 5.000.000đ;

-Tiền mất thu nhập trong thời gian chữa trị: 16.000.000đ;

-Tiền bồi thường tổn thất về mặt tinh thần: 2.000.000đ.

Buộc bị cáo cấp dưỡng một lần cho trẻ Võ Kim G 55.000.000đ (năm mươi lăm triệu đồng), tương ứng với thời hạn cấp dưỡng từ khi anh Võ Quách K bị chết đến ngày 25/8/2017.

Buộc bị cáo cấp dưỡng cho trẻ Võ Kim G mỗi tháng 5.000.000đ (năm triệu đồng) theo phương thức cấp dưỡng hàng tháng; thời hạn cấp dưỡng tính từ ngày tuyên án cho đến khi phát sinh căn cứ làm chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật.

Kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án cho đến khi thi hành xong các khoản tiền bồi thường đã nêu, bị cáo còn phải trả thêm tiền lãi cho người được thi hành theo mức lãi suất quy định khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự 2015, tương ứng với số tiền và thời gian chậm thi hành.

Ngoài ra Bản án sơ thẩm còn tuyên về xử lý vật chứng, án phí, quyền kháng cáo và thi hành án theo quy định pháp luật.

Ngày 29/8/2017 bị cáo Nguyễn Bỉnh N kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Ngày 25/8/2017  bị hại anh Lê Trọng B có đơn kháng cáo đề nghị hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, trả hồ sơ để điều tra truy tố và xét xử lại.

Ngày 25/8/2017 đại diện hợp pháp của người bị hại Võ Quách K là bà Trần Thị Thùy D và chị Lê Thị S có đơn kháng cáo đề nghị hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, trả hồ sơ để điều tra truy tố và xét xử lại theo hướng tuyên bị cáo Nguyễn Bỉnh N với mức án tử hình, truy tố Sơn Sà R về tội giết người và gây rối trật tự công cộng, truy tố Lê Thị N1, Nguyễn Thanh T1,Phan Văn M, Lý Siêu H2, Dương Thúy N2, Trần Trí T2, Lâm Thị Hồng T3, Trà Ngọc M1 về tội gây rối trật tự công cộng.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Bỉnh N, đại diện hợp pháp của người bị hại Võ Quách K là bà Trần Thị Thùy D và chị Lê Thị S vẫn giữ nguyên nội dung kháng cáo. Bị hại anh Lê Trọng B rút lại toàn bộ nội dung kháng cáo.

Đại diện Viện kiểm sát tham gia phiên tòa nêu quan điểm:

Đối với yêu cầu kháng cáo của bị hại B: Bị hại B không có quyền kháng cáo tăng hình phạt với bị cáo N về tội giết người. Cấp sơ thẩm truy tố đúng người, đúng tội, chứng cứ buộc tội bị cáo N đã thực hiện đầy đủ. Tại cơ quan điều tra cũng cho đối chất. Bị cáo N bị xét xử về tội "Giết người" và "Cố ý gây thương tích" là đúng pháp luật.

Đối với yêu cầu kháng cáo của đại diện bị hại K là bà D và chị S: Cấp sơ thẩm đã thực hiện đầy đủ các thủ tục tố tụng. Cấp sơ thẩm hỏi những người tham gia phiên tòa và đồng ý để xét xử bị cáo. Đối với việc đề nghị xử lý Sơn Sà R thì K là người chủ động gây sự R và tấn công R. R không có bàn bạc trước với bị cáo nên không có đồng phạm với bị cáo về tội "Giết người". Đối với các người khác thì có mặt tại bàn của bị cáo N, nhóm người này bỏ ra ngoài, không tham gia trực tiếp khi sự việc xảy ra. Hành vi của họ chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đối với kháng cáo của N xin giảm nhẹ hình phạt: Bị cáo cho rằng bị tấn công, không cố ý giết bị hại. Qua lời khai của R và những người làm chứng đã thể hiện bị cáo dùng dao đâm bị hại. Bị cáo phạm tội có tính chất côn đồ. Cấp sơ thẩm xét xử bị cáo điểm n khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự, áp dụng các tình tiết giảm nhẹ xử phạt bị cáo 20 năm là có cơ sở. Tại phiên tòa phúc thẩm, gia đình bị cáo đã khắc phục hậu quả cho bị hại, đây là tình tiết giảm nhẹ mới, đề nghị Hội đồng xét xử cân nhắc và giảm án cho bị cáo, xử bị cáo từ 18 -19 năm.

Bị cáo trình bày: Đề nghị Hội đồng xét xử giảm hình phạt và mức bồi thường thiệt hại.

Người bào chữa cho bị cáo: Ông Nguyễn Mạnh H1, Công ty Luật TNHH A, Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh trình bày: Không đồng tình về tội danh và khung hình phạt mà Viện kiểm sát truy tố. Bị cáo bị truy tố về tội giết người Điều 93 với tính chất côn đồ là không đúng vì hậu quả vụ án có mối quan hệ nhân quả do bị hại tấn công nhóm bị cáo, bị hại nói câu xúc phạm với người trong nhóm bị cáo, bị hại tiếp tục đạp chân R để R bị té ngã. Do đó, xét xử bị cáo về tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh hoặc xét xử theo khoản 2 Điều 93 là phù hợp. Bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ mới nhưng chưa được áp dụng như bị cáo thành thật khai báo, ăn năn hối cải, bị cáo thừa nhận cái chết của anh K và gây thương tích cho hai người khác. Ngay khi gây án, bị cáo không hề bỏ trốn. Bị cáo phạm tội trong tình trạng tinh thần bị kích động mạnh, bị cáo có uống rượu bia nên không làm chủ bản thân, dễ nóng giận, bị hại tấn công người trong nhóm bị cáo, gia đình bị cáo đã khắc phục hậu quả cho bị hại 120.000.000 đồng trong đó bồi thường chi phí mai táng cho ông Đ2, bà D là 65.000.000 đồng, chi phí cấp dưỡng một lần cho trẻ Võ Kim G số tiền 55.000.000 đồng; mẹ bị hại B đã có nhận của gia đình bị cáo 5.000.000 đồng chi phí điều trị cho bị hại B nhưng Tòa án cấp sơ thẩm chưa xem xét. Bản thân là luật sư cho bị cáo nhiều lần liên hệ với gia đình bị hại để giải quyết vấn đề bồi thường nhưng gia đình bị hại không hợp tác. Bị cáo không nhớ các khoản phải bồi thường nên không kháng cáo. Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét các khoản bồi thường chi phí mai táng 142 triệu và mức cấp dưỡng 5 triệu đồng là quá cao. Người bị hại cũng có lỗi.

Bị cáo trình bày: thống nhất với ý kiến của luật sư.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà D, ông Đ2 trình bày: Tại phiên tòa, bị cáo và người bào chữa không có lời xin lỗi gia đình bị hại. Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận một phần kháng cáo của bị hại. Cấp sơ thẩm xét xử bị cáo điểm n khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự hoàn toàn thống nhất, không đồng ý với ý kiến của người bào chữa cho bị cáo. Án sơ thẩm không áp dụng điểm p khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự đối với bị cáo là hoàn toàn có cơ sở. Bị cáo không thừa nhận sự việc xảy ra, không đồng ý việc Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự đối với bị cáo. Anh K gây sự với R, không có gây sự với bị cáo thì bị cáo bức xúc gì, bị cáo có uống rượu mà gây án là tình tiết tăng nặng, không phải là tình tiết giảm nhẹ. Đề nghị Hội đồng xét xử bác toàn bộ kháng cáo của bị cáo, người bào chữa. Còn việc đề nghị truy tố R và những người khác, người bị hại nên rút, đề nghị Hội đồng xét xử kiến nghị xem xét xử lý R về hành vi gây rối trật tự công cộng, sửa án sơ thẩm tăng hình phạt đối với bị cáo, không cho bị cáo hưởng tình tiết giảm nhẹ khoản 2 Điều 46, không áp dụng tình tiết giảm nhẹ thành thật khai báo, ghi nhận việc bồi thường của gia đình bị cáo cho bị hại 120.000.000 đồng trong đó bồi thường chi phí mai táng cho ông Đ2, bà D là 65.000.000 đồng, chi phí cấp dưỡng một lần cho trẻ Võ Kim G số tiền 55.000.000 đồng.

Bà D, ông Đ2 trình bày: thống nhất với ý kiến của luật sư T. Đề nghị tăng hình phạt đối với bị cáo, những phần khác rút lại.

Chị S trình bày: Đề nghị tăng hình phạt đối với bị cáo, nhưng phần khác rút lại.

Bị hại B trình bày: Xin rút lại toàn bộ kháng cáo. Xác nhận mẹ bị hại B đã có nhận của gia đình bị cáo 5.000.000 đồng chi phí điều trị cho bị hại B. Số tiền này cấn trừ vào số tiền bị cáo có trách nhiệm bồi thường cho bị hại B ở giai đoạn thi hành án.

Đại diện Viện kiểm sát tham gia phiên tòa tranh luận:

Đối với ý kiến của bị hại B: Bị hại B rút toàn bộ kháng cáo, đề nghị Hội đồng xét xử đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với việc rút kháng cáo của anh B.

Đối với ý kiến của Luật sư của bị cáo cho rằng bị cáo phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật của nạn nhân, bị cáo phạm tội không có tính chất côn đồ: Bị cáo hoàn toàn có thể xử sự như những người bình thường là can ngăn như B và L1 đã thực hiện nhưng bị cáo không can ngăn, lấy dao ra đâm bị hại ngay. Hoàn toàn không có truyền thống nào người nhà bị tấn công mà rút dao ra đâm, giết người khác. Cấp sơ thẩm không áp dụng tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo là có cơ sở mặc dù bị cáo thừa nhận giết bị hại, gây thương tích cho hai người khác. Bị cáo có uống rượu bia là tình tiết giảm nhẹ do bị kích động tinh thần là không đúng. Phiên tòa sơ thẩm xét xử công khai, sau khi xét xử bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, không kháng cáo về phần bồi thường do đó không xem xét về phần bồi thường vì không có kháng cáo.

Đối với ý kiến của người bảo vệ cho bà D, chị S: Đề nghị tăng nặng hình phạt đối với bị cáo. Viện kiểm sát đã xem xét tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ đầy đủ nên không tranh luận.

Người bào chữa cho bị cáo trình bày tranh luận: Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo đã xin lỗi gia đình bị hại. Luật sư của bị hại mới tham gia phiên tòa phúc thẩm nên không biết việc bị cáo có xin lỗi. Bị cáo có uống rượu bia, tinh thần dễ bị kích động, không phải là tình tiết tăng nặng. Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm cân nhắc nên xử bị cáo 20 năm. Tuy nhiên, bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ chưa áp dụng. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo đồng ý với kết luận của cơ quan điều tra, cáo trạng, không chối cãi. Bị hại B đã rút kháng cáo thể hiện đúng bản chất của vụ án. Đề nghị Hội đồng xét xử vẫn áp dụng điểm p khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự cho bị cáo. Xem xét hoàn cảnh chung thì thấy bị cáo không kiềm nén được do người trong nhóm của bị cáo liên tục bị tấn công.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà D, ông Đ2 tranh luận: Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự là không có cơ sở, chấp nhận việc áp dụng thêm điểm b khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, gia đình bị cáo bồi thường cho bị hại 120.000.000 đồng trong đó bồi thường chi phí mai táng cho ông Đ2, bà D là 65.000.000 đồng, chi phí cấp dưỡng một lần cho trẻ Võ Kim G số tiền 55.000.000 đồng, không thống nhất với ý kiến của Viện kiểm sát về giảm nhẹ hình phạt, đề nghị Hội đồng xét xử tăng hình phạt đối với bị cáo từ 20 năm lên chung thân.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Bỉnh N thừa nhận cái chết của Võ Quách K và thương tích của Lê Trọng B là do bị cáo gây ra vào ngày 17/9/2016. Khoảng 22 giờ ngày 17/9/2016, Nguyễn Bỉnh N cùng Sơn Sà R, Lê Thị N1, Nguyễn Thanh T1,Phan Văn M, Lý Siêu H2, Dương Thúy N2, Trần Trí T2, Lâm Thị Hồng T3 và Trà Ngọc M1 (đều là công nhân của Công ty mỹ phẩm H) đến ăn nhậu tại quán ốc 756 đường X, Phường 25, quận B1, Thành phố Hồ Chí Minh. Khi đi, R có mang theo 1 đèn pin hình trụ (dài khoảng 12cm, đường kính khoảng 2cm), có tính năng phóng điện, N thì mang theo con dao bấm (trước đó mượn của R) để ở trong túi quần. Khoảng 22 giờ 30 phút cùng ngày, Võ Quách K, Lê Trọng B, Đinh Văn N3 và Nguyễn Quang L1 cũng đến quán ốc nhậu và ngồi cách bàn của R khoảng 20m.

Khoảng 23 giờ cùng ngày, Lâm Thị Hồng T3 đi vệ sinh ra gặp K. K nói “Con gái nhậu lầy mà còn đi vệ sinh lâu nữa”. Lâm Thị Hồng T3 không nói gì mà đi về bàn và kể lại sự việc vừa nêu. R có nói rằng “Người ta nói gì thì kệ người ta”. Đồng thời R lấy đèn pin bấm cho xẹt tia lửa điện, mục đích để cho những người ngồi bên bàn của K nhìn thấy mà không gây sự.

Khoảng 23 giờ 50 phút cùng ngày, K đến bàn của R và đạp vào chân trái của R làm R ngã khỏi ghế. R đứng dậy nói “Tại sao đánh em, em có làm gì anh đâu”. K trả lời “Thấy ghét nên đánh”. Đồng thời K dùng tay đánh R nhưng không trúng nên bị mất đà và khom xuống. K tiếp tục nhặt vỏ chai bia đánh R nhưng không trúng nên vỏ chai bia rơi xuống đất và bị vỡ. R cầm đèn pin bấm xẹt tia lửa điện và cảnh báo K nếu nhào tới R sẽ bấm nhưng K vẫn nhào đến đánh. R bấm đèn pin xẹt điện chích K nhưng không trúng. Lúc này, B chạy đến can ngăn. Thấy vậy, N cầm dao bấm bằng tay phải, bật lưỡi (mũi dao hướng về ngón út) chạy đến đâm 1 nhát trúng vào bả vai trái của K; đâm 2 nhát trúng vào vai trái và tay phải của B. Do bị đâm nên K lảo đảo bước về phía R, R đẩy K ra. N tiếp tục đâm K nhưng không trúng mà trúng vào tay trái của R, con dao dính ở tay của R rồi rơi xuống đất.

N3 và L1 chạy đến dùng vỏ chai bia ném N nhằm ngăn cản không cho N tiếp tục đâm K và B nhưng không trúng.  R kêu mọi người bỏ chạy. R được N, T1, N2, Trí T2 và Hồng T3 đưa đến Bệnh viện 115 để băng bó vết thương. K và B được N3 và L1 đưa đến Bệnh viện nhân dân Gia Định để cấp cứu nhưng K chết trước khi nhập viện; B được điều trị đến ngày 21/9/2016 thì xuất viện.

[2] Lời khai nhận tội của bị cáo phù hợp với lời khai những người làm chứng, biên bản khám nghiệm hiện trường, bản kết luận giám định pháp y và các tài liệu khác đã có trong hồ sơ.

[3] Xét kháng cáo của bị cáo Nguyễn Bỉnh N, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận thấy chỉ vì duyên cớ nhỏ nhặt đó là bênh vực cho anh R trong lúc anh R và anh K có mâu thuẫn, bị cáo đã có hành vi tước đoạt trái phép sinh mạng của anh K và gây thương tích cho anh B với tỷ lệ tổn thương cơ thể là 7%.  Hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến quyền được bảo vệ tính mạng, sức khỏe của công dân, gây mất trật tự trị an xã hội, tạo tâm lý hoang mang lo sợ cho mọi người. Khi thấy anh R và anh K có mâu thuẫn và đánh nhau, bị cáo đã không can ngăn mà còn sử dụng dao nhọn (là hung khí nguy hiểm) chủ động lao vào đâm anh K, đồng thời đâm cả anh B là người đang can ngăn anh K và anh R đánh nhau. Sau đó, khi thấy anh K lảo đảo ngã về phía anh R, bị cáo tiếp tục đâm anh K nhưng lại đâm trúng vào tay anh R. Hành vi của bị cáo có tính chất côn đồ. Tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm n khoản 1 Điều 93, điểm a và i khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009. Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử bị cáo về tội “Giết người” theo điểm n khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự và tội "Cố ý gây thương tích" theo điểm a và i khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 là đúng người, đúng tội, có căn cứ pháp luật.

Tại phiên tòa phúc thẩm, gia đình bị cáo có nộp thêm chứng cứ mới là số tiền khắc phục hậu quả 125.000.000 đồng trong đó mẹ của bị hại B nhận 5.000.000 đồng mà cấp sơ thẩm chưa ghi nhận. Anh B xác nhận mẹ bị hại B đã có nhận của gia đình bị cáo 5.000.000 đồng chi phí điều trị cho bị hại B. Số tiền này cấn trừ vào số tiền bị cáo có trách nhiệm bồi thường cho bị hại B ở giai đoạn thi hành án. Biên lai số 0048599 ngày 15/01/2018 của Cục Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh số tiền 120.000.000 đồng để bồi thường chi phí mai táng cho ông Đ2, bà D2 là 65.000.000 đồng, chi phí cấp dưỡng một lần cho trẻ Võ Kim G số tiền 55.000.000 đồng.

Tòa án cấp sơ thẩm đã cân nhắc các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo. Hội đồng xét xử phúc thẩm thống nhất áp dụng thêm các tình tiết giảm nhẹ thành thật khai báo, ăn năn hối cải, khắc phục hậu quả được quy định tại điểm b, p khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999 cho bị cáo.

Tuy nhiên, án sơ thẩm xử phạt bị cáo 20 (hai mươi) năm tù về tội “Giết người” và 2 (hai) năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”; tổng hợp hình phạt, buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung là 22 (hai mươi hai) năm tù là phù hợp quy định của pháp luật. Do đó, Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị cáo. Vấn đề dân sự bị cáo không có kháng cáo trong đơn kháng cáo nên bị cáo trình bày tại phiên tòa, Hội đồng xét xử không xem xét.

[4] Xét kháng cáo của bị hại Lê Trọng B: Tại phiên tòa, anh Lê Trọng B rút toàn bộ kháng cáo nên Hội đồng xét xử chấp nhận việc rút đơn kháng cáo của anh B, đình chỉ xét xử phúc thẩm.

[5] Xét kháng cáo của đại diện hợp pháp của người bị hại Võ Quách K là bà Trần Thị Thùy D và chị Lê Thị S đề nghị hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ xét xử lại theo hướng tuyên bị cáo Nguyễn Bỉnh Nvới mức án tử hình, truy tố Sơn Sà R về tội giết người và gây rối trật tự công cộng, truy tố Lê Thị N1, Nguyễn Thanh T1,Phan Văn M, Lý Siêu H2, Dương Thúy N2, Trần Trí T2, Lâm Thị Hồng T3, Trà Ngọc M1 về tội gây rối trật tự công cộng,

Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận thấy trong quá trình điều tra, Cơ quan điều tra đã thực hiện đúng quy định của pháp luật, kết quả điều tra cho thấy, anh K là người đã gây hấn trước, R không biết N mang theo dao, R cũng không tham gia đánh anh K hoặc B. Sơn Sà R có hành vi cho Nguyễn Bỉnh N mượn con dao là hung khí N sử dụng gây án. R cho N mượn dao là để phòng thân. Khi đi đến quán ăn, R không biết N mang theo dao. Nguyễn Bỉnh N còn đâm một nhát vào cẳng tay trái của R gây thương tích 9%. R có đơn không yêu cầu xử lý hình sự nên Cơ quan điều tra không xử lý hình sự đối với hành vi này của N. Việc R có đem theo cây đèn pin có tính năng phóng điện khi xô xát với K, R sử dụng đèn pin phóng điện chỉ để tự vệ khi bị K đánh. R không tham gia đánh nhau và gây thương tích cho ai. Cơ quan điều tra đã thông báo đến chính quyền địa phương nơi R cư trú có biện pháp quản lý giáo dục và không xử lý hình sự đối với R.

Lê Thị N1, Nguyễn Thanh T1,Phan Văn M, Lý Siêu H2, Dương Thúy N2, Trần Trí T2, Lâm Thị Hồng T3, Trà Ngọc M1 có đi ăn uống với N và R nhưng không tham gia đánh nhau, không có hành vi gây rối.

Do vậy, Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh không truy tố đối với R về tội giết người và gây rối trật tự công cộng, không truy tố Lê Thị N1, Nguyễn Thanh T1,Phan Văn M, Lý Siêu H2, Dương Thúy N2, Trần Trí T2, Lâm Thị Hồng T3, Trà Ngọc M1 về tội gây rối trật tự công cộng và Tòa án cấp sơ thẩm không xét xử R, Lê Thị N1, Nguyễn Thanh T1,Phan Văn M, Lý Siêu H2, Dương Thúy N2, Trần Trí T2, Lâm Thị Hồng T3, Trà Ngọc M1 là có cơ sở.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bà Trần Thị Thùy D và chị Lê Thị S đã rút yêu cầu xử lý hình sự Sơn Sà R về tội giết người và gây rối trật tự công cộng, và Lê Thị N1, Nguyễn Thanh T1,Phan Văn M, Lý Siêu H2, Dương Thúy N2, Trần Trí T2, Lâm Thị Hồng T3, Trà Ngọc M1 về tội gây rối trật tự công cộng.

Hình phạt mà Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử đối với bị cáo N là phù hợp.

Về mặt dân sự: Tòa án cấp sơ thẩm buộc bị cáo bồi thường cho ông Đ2, bà D, chị S và trẻ G 130.000.000đ tiền bù đắp tổn thất về mặt tinh thần (phần được bồi thường của mỗi người là 32.500.000đ; buộc bị cáo bồi thường cho anh  B 2.000.000đ tiền bù đắp tổn thất về mặt tinh thần, không chấp nhận yêu cầu cấp dưỡng của ông Đ, bà D; bị cáo phải cấp dưỡng ngay cho trẻ G 55.000.000đ (tương ứng với thời gian cấp dưỡng từ khi anh K chết đến ngày xét xử). Đồng thời, buộc bị cáo phải tiếp tục cấp dưỡng cho trẻ G mỗi tháng 5.000.000đ theo phương thức cấp dưỡng hàng tháng, thời hạn cấp dưỡng tính từ ngày tuyên án cho đến khi phát sinh căn cứ chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật là đúng pháp luật. Tại phiên tòa, bà D, chị S chỉ đề nghị tăng hình phạt, không có ý kiến về phân dân sự, bị cáo N không có kháng cáo về phần dân sự nên Hội đồng xét xử giữ nguyên phần dân sự.

Số tiền 120.000.000 đồng đã nộp theo Biên lai số 0048599 ngày 15/01/2018 của Cục Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh để bồi thường chi phí mai táng cho ông Đ2, bà D là 65.000.000 đồng, chi phí cấp dưỡng một lần cho trẻ Võ Kim G số tiền 55.000.000 đồng; số tiền 5.000.000 đồng gia đình bị cáo chi phí điều trị cho bị hại B sẽ được giải quyết, cấn trừ tại Cơ quan Thi hành án dân sự có thẩm quyền.

Do đó, Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bà Trần Thị Thùy D và chị Lê Thị S.

[6] Ý kiến của người bảo vệ quyền lợi của bà D, ông Đ2 không đồng ý áp dụng khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự. Hội đồng xét xử nhận thấy Tòa án cấp sơ thẩm đã nêu rõ trong Bản án cụ thể lý do áp dụng là tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo tỏ ra có thiện chí trong việc thỏa thuận giải quyết bồi thường, bản thân thuộc thành phần lao động, chưa có tiền án tiền sự, nguyên nhân dẫn đến việc phạm tội cũng có một phần lỗi của anh K khi đã có hành vi xử sự không đúng đối với anh R. Do đó, Hội đồng xét xử vẫn giữ nguyên việc áp dụng khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự.

[7] Các ý kiến của người bào chữa về việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ thành thật khai báo, ăn năn hối cải, bồi thường cho gia đình bị hại được quy định tại điểm p, b khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, phù hợp nhận định của Hội đồng xét xử nên được chấp nhận.

[8] Các ý kiến khác của luật sư bị cáo, chị S, người bảo vệ quyền lợi của bà D, ông Đ2 không phù hợp nhận định của Hội đồng xét xử nên không chấp nhận.

[9] Từ những phân tích nêu trên, Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị cáo, bà D và chị S, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

[10] Do giữ nguyên bản án sơ thẩm, bị cáo Nguyễn Bỉnh N phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ Điều 342, khoản 1 Điều 348 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015;

Chấp nhận việc rút đơn kháng cáo của anh Lê Trọng B, Đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với yêu cầu kháng cáo của anh Lê Trọng B.

Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355, Điều 356 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015;

Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nguyễn Bỉnh N, đại diện hợp pháp của người bị hại Võ Quách K là bà Trần Thị Thùy D và chị Lê Thị S. Giữ nguyên án sơ thẩm.

Áp dụng điểm n khoản 1 Điều 93, điểm a và i khoản 1 Điều 104, khoản 2 Điều 46, điểm b khoản 1 Điều 50 Bộ luật hình sự năm 1999, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009,

Xử phạt Nguyễn Bỉnh N 20 (hai mươi) năm tù về tội “Giết người” và 2 (hai) năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”; tổng hợp hình phạt, buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung là 22 (hai mươi hai) năm tù; thời hạn tù tính từ ngày 18/9/2016;

Tiếp tục tạm giam bị cáo Nguyễn Bỉnh N theo quyết định của Hội đồng xét xử để đảm bảo thi hành án.

2. Các nội dung khác trong quyết định Bản án hình sự sơ thẩm số 305/2017/HSST ngày 25/8/2017 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Thông báo sửa chữa, bổ sung Bản án số 440/TB-TA ngày 23/10/2017 có hiệu lực pháp luật.

Số tiền 120.000.000 đồng đã nộp theo Biên lai số 0048599 ngày 15/01/2018 của Cục Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh để bồi thường chi phí mai táng cho ông Võ Văn Đ2, bà Trần Thị Thùy D là 65.000.000 đồng, chi phí cấp dưỡng một lần cho trẻ Võ Kim G số tiền 55.000.000 đồng; số tiền 5.000.000 đồng gia đình bị cáo chi phí điều trị cho bị hại B sẽ được giải quyết, cấn trừ tại Cơ quan Thi hành án dân sự có thẩm quyền.

3. Bị cáo Nguyễn Bỉnh N phải chịu án phí hình sự phúc thẩm là 200.000 đồng.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

441
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 195/2018/HSPT ngày 10/04/2018 về tội giết người và cố ý gây thương tích

Số hiệu:195/2018/HSPT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 10/04/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;