Bản án 19/2022/HNGĐ-PT về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN

BẢN ÁN 19/2022/HNGĐ-PT NGÀY 09/12/2022 VỀ THAY ĐỔI NGƯỜI TRỰC TIẾP NUÔI CON SAU LY HÔN

Ngày 09 tháng 12 năm 2022 Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 14/2022/TLPT-HNGĐ ngày 03 tháng 10 năm 2022 về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn.

Do bản án Hôn nhân gia đình sơ thẩm số 48/2022/HNGĐ-ST ngày 26 tháng 7 năm 2022 của Tòa án nhân dân thành phố T, tỉnh Thái Nguyên bị kháng cáo.

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 16/2022/QĐXX-PT ngày 15 tháng 11 năm 2022 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Chị Nguyễn Thùy D, sinh năm 1994.

Nơi thường trú: Số nhà 412, đường T.N, Tổ 12, phường T.T, thành phố T, tỉnh Thái Nguyên. (Có mặt) 2. Bị đơn: Anh Nguyễn Phi C, sinh năm 1987.

Nơi ĐKHKTT: Tổ 5, phường H.V.T, thành phố T, tỉnh Thái Nguyên. (Có mặt)

3. Những người tham gia tố tụng khác:

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn:

Luật sư Lại Huy S (Vắng mặt - Gửi bản luận cứ và ủy quyền cho các luật sư khác tham gia phiên tòa).

Phạm Hoàng H1, Lưu Tiến H2 - Thuộc công ty luật B.T. (Đều có mặt)

4. Người kháng cáo: Anh Nguyễn Phi C là bị đơn.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo nội dung vụ án, quyết định của Toà án cấp sơ thẩm, nội dung kháng cáo, tóm tắt như sau:

Chị và anh C trước đây là vợ chồng và có 01 con chung là Nguyễn Kiều T, sinh ngày 03/4/2017. Ngày 08/6/2021, chị và anh C đã được Tòa án nhân dân thành phố T giải quyết ly hôn bằng Quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự số 268. Theo quyết định của Tòa án, chị và anh C thỏa thuận: Anh C là người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn, chị được quyền đi lại thăm nom con chung, không ai được cản trở. Sau khi ly hôn, chị đã đến thăm con và thi thoảng xin đón con về ngủ với mẹ 1 - 2 hôm để bù đắp tình cảm cho con nhưng sau khoảng 01 tháng, gia đình anh C gây khó khăn, cản trở chị đến đón con. Mỗi lần chị đến thăm và muốn đón con về chơi với mẹ và ông bà ngoại thì bố mẹ anh C và anh C đã cản trở, làm ầm lên, không cho chị đón, thậm chí còn thách thức chị khởi kiện, ngay cả ngày mùng 2 Tết Nguyên đán vừa qua cũng không cho chị đón cháu về chúc tết ông bà ngoại. Thứ hai, trong quá trình chị đến thăm con, chị nhận thấy ông nội có những hành vi, lời nói không đúng mực, văng tục chửi bậy trước mặt cháu, điều đó ảnh hưởng đến việc dạy dỗ nhân cách của cháu. Mặt khác, trong quá trình ông bà nội ở cùng cháu đã có những hành vi đối xử không tốt, dạy dỗ cháu không đúng cách, biểu hiện như khi cháu chơi và vô tình làm rơi cám xuống nền nhà (vì gia đình nhà nội làm nghề chăn nuôi) thì bà mắng cháu và dọa nếu lần sau mà cháu còn như vậy thì bà sẽ bắt cháu ra liếm. Thứ ba, bản thân anh C là người bố nhưng coi thường tính mạng của con bằng việc mang con ra thề độc với người phụ nữ mà anh C có quan hệ là “nếu anh nói sai thì anh và con sẽ bị xe kẹp chết” khiến cho chồng của người phụ nữ này sau khi phát hiện ra tin nhắn giữa vợ mình với anh C, người đó đã bức xúc đăng lên mạng xã hội facebook. Điều đó khiến chị nhận thấy không thể chấp nhận và không dám mạo hiểm tin tưởng giao con cho anh C được, anh C không đủ tư cách để nuôi con. Thứ tư, về môi trường sống của cháu ở gia đình nội không tốt vì gia đình anh C làm nghề chăn nuôi, chuồng trại ở ngay sát nhà, không khí thường xuyên bị ô nhiễm và nhiều côn trùng như ruồi muỗi, khi chị sang thăm con thì chân tay cháu bị muỗi đốt kín. Thứ năm, cháu T là con gái, năm nay cháu 5 tuổi, đang ở độ tuổi rất cần sự quan tâm, chỉ bảo dạy dỗ ân cần, tỉ mỉ của mẹ về các vấn đề tâm sinh lý và mọi sinh hoạt hàng ngày của cháu, anh C là bố không thể làm tốt được điều đó bằng chị. Mặt khác, anh C làm nghề lái xe, thường xuyên phải đi qua đêm, không có điều kiện trực tiếp chăm sóc con được như chị, chủ yếu phải nhờ ông bà nội chăm sóc trong khi điều kiện công việc của chị rất thuận lợi và chủ động về mặt thời gian nên chị có nhiều thời gian chăm sóc con hơn anh C. Tại phiên tòa, chị xác định, sở dĩ trước đây, tại thời điểm ly hôn, chị đồng ý nhường quyền cho anh C nuôi con là vì bản thân anh C nhất trí thỏa thuận cho chị được đi lại thăm nom và đưa đón, quan tâm, chăm sóc đến con, hơn nữa ông bà nội khóc lóc xin được nuôi cháu, chị nghĩ đến tình cảm gia đình, cháu đã ở với ông bà từ nhỏ nên chị mới đồng ý, nay gia đình anh C vi phạm thỏa thuận, chị nhận thấy cháu ở với bố và ông bà nội khi không có mẹ là điều rất thiệt thòi, việc chị bị gây khó khăn trong việc quan tâm đến con khiến con bị ảnh hưởng nghiêm trọng về quyền lợi. Vì những lý do trên đây, chị đề nghị Tòa án giải quyết chuyển quyền nuôi con từ anh C sang cho chị, giao con chung là cháu Nguyễn Kiều T cho chị nuôi dưỡng để đảm bảo sự phát triển mọi mặt của con. Đồng thời, chị yêu cầu anh C cấp dưỡng nuôi con mỗi tháng 1.000.000đ (một triệu đồng), lý do chị yêu cầu anh C cấp dưỡng nuôi con là vì chị muốn gắn trách nhiệm của anh C đối với con chung.

Bị đơn anh Nguyễn Phi C thừa nhận mối quan hệ hôn nhân và con chung cũng như việc giải quyết ly hôn, quyền nuôi con tại Tòa án như chị D trình bày. Anh xác định, sau khi ly hôn, anh có để chị D được đi lại thăm con chứ không phải anh gây khó khăn cho chị D. Việc chị D cho rằng sau 01 tháng anh không cho đón con là không đúng, phải sau vài tháng, do dịch covid nên anh mới không đồng ý cho chị D đón con vì con chưa được tiêm. Bản thân chị D khi đến đón con còn đưa theo hai thanh niên xăm trổ đến nhà anh đe dọa khiến anh phải gọi đại diện tổ dân phố đến can thiệp. Hơn nữa, có lần con đi với mẹ xong về nhà có nói với anh là con không đi với mẹ nữa, mẹ cứ bắt con gọi người khác là bố, con sợ và không muốn sang với mẹ. Nay chị D xin chuyển quyền nuôi con, anh không nhất trí. Còn về yêu cầu cấp dưỡng nuôi con, nếu chị D được quyền nuôi con, anh nhất trí cấp dưỡng nuôi con mỗi tháng 1.000.000đ theo mức chị D yêu cầu.

Người làm chứng là ông Nguyễn Văn C và bà Nguyễn Thị D là bố mẹ của anh C, là ông bà nội của cháu T xác định ông bà chăm sóc cháu từ nhỏ, chị D sinh con được 4 tháng thì đi làm, không cho con bú nên bị mất sữa khiến ông bà phải cho cháu ăn sữa ngoài. Sau khi vợ chồng chị D – anh C ly hôn, cháu T ở với bố và ông bà, ông bà vẫn chăm sóc cháu tốt, còn việc quát mắng cháu như chị D khai là điều bình thường, việc bà bắt cháu ra liếm cám là không có, chỉ là bà nói dọa cháu như vậy và điều đó diễn ra từ khi chị D chưa ly hôn anh C. Nay, không có việc ông bà ngăn cản chị D thăm đón con hay thách thức chị D khởi kiện.

Bà Lê Thị Mùi là người sinh sống ở gần nhà anh C khai: Gia đình bà sống ở gần nhà anh C, bà thấy ông bà nội của cháu T chăm sóc cháu từ nhỏ, thi thoảng bà thấy ông bà nội dong cháu đi khắp phố để bón cho cháu ăn. Bà có được nghe thấy 1 – 2 lần gia đình anh C và chị D to tiếng nhưng bà không rõ là nói với nhau những gì, cũng có lần bà nhìn thấy 1 - 2 thanh niên đến đứng ở cổng nhà anh C chứ họ không vào trong. Tại phiên tòa, bà không thừa nhận lời khai có trong biên bản làm việc mà Luật sư của anh C lập với nội dung những thanh niên mà bà nhìn thấy trông rất hung hãn và xăm trổ, bà xác định chỉ nhìn loáng thoáng thấy họ đứng ở ngoài cổng nhà anh C, sau đó bà đi vào nhà chứ không được tận mắt chứng kiến, bà không hiểu tại sao biên bản Luật sư lập lại có nội dung đó.

Luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị đơn đề nghị Hội đồng xét xử xem xét điều kiện của chị D về mức thu nhập hàng tháng, hơn nữa, chị D không có điều kiện nuôi con từ nhỏ, phải nhờ đến ông bà nội của cháu bé, việc ông bà nội giúp đỡ anh C trong việc nuôi con là không vi phạm quy định của pháp luật. Việc chị D xin đón con về chúc Tết ông bà ngoại vào ngày mùng 2 Tết nhưng trước đó, chị D có đến gia đình anh C từ ngày 29 Tết lại không thông báo trước cho gia đình anh C về việc ngày mùng 2 Tết sẽ xin đón con về bên ngoại là không hợp lý. Các bản vi bằng mà chị D cung cấp cho Tòa án không đảm bảo tính xác thực vì nội dung các bản vi bằng đều là cắt ghép những nội dung có lợi cho phía chị D, hơn nữa không có căn cứ xác định giọng nói của cháu bé trong đoạn ghi âm là cháu Nguyễn Kiều T. Việc thay đổi nuôi con theo yêu cầu của chị D không thỏa mãn quy định tại khoản 2 Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình. Vì vậy, đề nghị tiếp tục giao con chung cho anh C trực tiếp nuôi dưỡng.

Do đó, ngày 24/3/2022 chị D đã làm đơn yêu cầu xin thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn, Tòa án nhân dân thành phố T đã tiến hành các thủ tục thụ lý và giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.

Tại bản án số 48/2022/HNGĐ-ST ngày 26 tháng 7 năm 2022 của Tòa án nhân dân thành phố T, tỉnh Thái Nguyên đã xét xử và quyết định:

Áp dụng khoản 3 Điều 28, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, Điều 147, Điều 273 của Bộ luật tố tụng Dân sự; Điều 357, Điều 468 Bộ luật dân sự; Điều 81, Điều 82, Điều 83, Điều 84 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014; khoản 2 Điều 26, khoản 6 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của chị Nguyễn Thùy D đối với anh Nguyễn Phi C về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.

Giao con Nguyễn Kiều T, sinh ngày 03/4/2017 cho chị D trực tiếp nuôi dưỡng, anh C có trách nhiệm cấp dưỡng nuôi con mỗi tháng 1.000.000đ (một triệu đồng) cho đến khi con thành niên (đủ 18 tuổi) hoặc đến khi có sự thay đổi khác. Anh C có quyền và nghĩa vụ thăm nom con chung, không ai được cản trở.

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, chị D có đơn yêu cầu thi hành án, nếu anh C chậm thi hành thì phải chịu lãi suất đối với số tiền chậm thi hành tương ứng với thời gian chậm thi hành án. Mức lãi suất do các đương sự thỏa thuận nhưng không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền chậm thi hành. Trường hợp không thỏa thuận được thì lãi suất được xác định bằng 50% của mức lãi suất quy định tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật dân sự.

Án phí: Anh Nguyễn Phi C phải chịu 300.000đ (ba trăm nghìn đồng) án phí dân sự sơ thẩm và 300.000đ (ba trăm nghìn đồng) án phí cấp dưỡng nuôi con sung quỹ nhà nước. Hoàn trả cho chị D 300.000đ (ba trăm nghìn đồng) tạm ứng án phí theo biên lai số 0001081 ngày 04/4/2022 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố T, tỉnh Thái Nguyên.

Về quyền kháng cáo: Chị D, anh C có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.

Ngày 27/7/2022, anh Nguyễn Phi C có đơn kháng cáo với nội dung:

Bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân thành phố T xét xử ngày 26/7/2022 đã giao quyền nuôi dưỡng và chăm sóc con chung là cháu Nguyễn Kiều T, sinh ngày 13/4/2017 cho chị Nguyễn Thùy D và yêu cầu anh cấp dưỡng số tiền 1.000.000đ/tháng. Anh hoàn toàn không đồng ý với nội dung bản án Tòa tuyên bởi gia đình anh đủ điều kiện nuôi dưỡng chăm sóc cháu T, anh và gia đình không vi phạm các quyền và nghĩa vụ chăm sóc nuôi dưỡng con chung. Việc Tòa án thay đổi quyền nuôi con là chưa đúng, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của anh và con anh. Anh đề nghị tòa Phúc thẩm bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của chị D.

Tại phiên tòa phúc thẩm anh Nguyễn Phi C có quan điểm giữ nguyên nội dung kháng cáo và đề nghị Luật sư có ý kiến bổ sung thêm:

Luật sư Phạm Hoàng H1 có ý kiến: Bị đơn là anh Nguyễn Phi C vẫn giữa nguyên quan điểm trong đơn kháng cáo và không đồng ý với toàn bộ quyết định của bản án sơ thẩm; Việc Tòa án thành phố T đã áp dụng những căn cứ pháp luật để giao con cho chị D là không đúng; Anh C là người có nơi cư trú ổn định, có thu nhập bình quân hàng tháng từ 20 đến 25 triệu/ tháng; Anh C là người nuôi cháu Nguyễn Kiều T chu đáo và đầy đủ cho cháu.

Chị D trình bày: Tôi có nguyện vọng được nuôi cháu Nguyễn Kiều T vì hiện nay tôi đủ điều kiện về thu nhập, nơi ở ổn định để nuôi con. Đồng thời cháu T là con gái nên cần sự chăm sóc của mẹ. Mặt khác, anh C là người lái xe lên thường xuyên vắng nhà; môi trường sống nhà anh C không đảm bảo vì có chăn nuôi gia súc; Việc bố mẹ anh C có hành vi bắt cháu liếm cám, tôi lo sợ cháu T bị bạo hành. Tôi đề nghị Tòa phúc thẩm giữ nguyên bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân thành phố T, không chấp nhận kháng cáo của anh C.

Trong phần tranh luận, Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn trình bày quan điểm:

Luật sư Phạm Hoàng H1: Tòa án cấp sơ thẩm không đi xác minh thu nhập của chị D để giải quyết vụ án khách quan; Các vi bằng do chị D cung cấp không đủ cơ sở để tin tưởng; Tòa bộ tài liệu do chị D cung cấp thì không có tài liệu nào để xác định bố mẹ anh C có cư xử không đúng mực; Việc Tòa án cấp sơ thẩm chỉ căn cứ vào tài liệu của chị D là trái quy định của pháp luật và không khách quan; Về điều kiện của anh C, chúng tôi thấy thu nhập của anh C ổn định đảm bảo đủ điều kiện để cháu T có môi trường sống tốt. Tôi đề nghị tòa cấp phúc thẩm sửa án sơ thẩm và bác yêu cầu của chị D và giao quyền nuôi con cho anh C.

Luật sư Lưu Tiến H1: Cấp sơ thẩm đã không đánh giá đúng về hợp đồng lao động của chị D. Tôi đồng ý với quan điểm của luật sư đồng nghiệp.

Chị D có ý kiến đối đáp: Tôi khẳng định ý kiến của hai vị luật sư là không có căn cứ, và tôi không đồng ý với quan điểm đó. Tôi xác định đủ điều kiện để chăm sóc, nuôi dưỡng cháu Tr.

Tại phiên tòa phúc thẩm đại diện Viện kiểm sát phát biểu về sự tuân theo pháp luật của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa và Hội đồng xét xử từ khi thụ lý vụ án đến trước khi nghị án đã thực hiện đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Về quan điểm giải quyết vụ án, đề nghị Hội đồng xét xử:

Căn cứ khoản 1 Điều 308, Điều 148 của Bộ luật tố tụng dân sự; Nghị quyết 326 của Quốc hội về án phí lệ phí. Không chấp nhận kháng cáo của anh Nguyễn Phi C. Giữ nguyên bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân thành phố T, tỉnh Thái Nguyên. Giao con chung Nguyễn Kiều T, sinh ngày 03/4/2017 cho chị D trực tiếp nuôi dưỡng. Anh Nguyễn Phi C phải chịu án phí phúc thẩm nộp sung quỹ nhà nước.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, sau khi nghe đại diện Viện kiểm sát phát biểu ý kiến, Hội đồng xét xử phân tích, đánh giá, nhận định như sau:

[1.]. Về căn cứ pháp luật tố tụng:

Đơn kháng cáo của anh Nguyễn Phi C làm trong hạn luật định, đã nộp tạm ứng án phí phúc thẩm, do đó kháng cáo của anh C là hợp lệ và được thụ lý và đưa ra xét xử theo trình tự phúc thẩm.

[2.]. Xét yêu cầu kháng cáo và việc giải quyết, xét xử của Tòa án cấp sơ thẩm:

Anh Nguyễn Phi C không đồng ý với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm, đã làm đơn kháng cáo và đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm bác yêu cầu của chị D về việc nuôi con chung là cháu Nguyễn Kiều T. Anh C cho rằng, anh và gia đình anh đủ điều kiện nuôi dưỡng chăm sóc cháu T, gia đình anh vẫn bảo đảm đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ chăm sóc nuôi dưỡng cháu. Việc Tòa án sơ thẩm thay đổi người nuôi con giao con chung cho chị D nuôi dưỡng là chưa đúng, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của anh và con anh.

Xét kháng cáo của anh C, Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy cháu T là con gái, hiện cháu còn nhỏ, đang học mẫu giáo nên sẽ cần sự chăm sóc của mẹ hơn. Trong khoảng thời gian anh C và chị D ly hôn, anh C có biểu hiện ngăn cản, thiếu thiện chí trong việc tạo điều kiện cho chị D được thăm nom, quan tâm đến con, đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của con. Bởi lẽ, cháu T đã thiệt thòi khi không được ở cùng bố cùng mẹ, lẽ ra bố mẹ cần phải đảm bảo cháu được bù đắp về tình cảm nhiều hơn thì anh C lại không tạo điều kiện cho chị D thăm gặp với lý do là đang trong thời điểm dịch bệnh và không cho đón con. Mặt khác, việc anh C đưa ra các lý do để ngăn cản chị D đưa đón con ngay cả vào dịp lễ Tết là ảnh hưởng đến quyền lợi của chị D và cháu T. Trong quá trình giải quyết vụ án, cả anh C và chị D đều có nguyện vọng được nuôi con là hoàn toàn chính đáng. Xét một cách toàn diện thì điều kiện của anh C và chị D đều như nhau về công việc, thu nhập, chỗ ở, đều đảm bảo quyền nuôi dưỡng, chăm sóc con chung. Nhưng để bảo đảm cho cháu T phát triển tốt nhất về mọi mặt khi cha mẹ ly hôn thì cần giao cháu T cho chị D trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục cháu T. Vì vậy, không có cơ sở để chấp nhận kháng cáo của anh C.

Xét bản án số 48/2022/HNGĐ-ST ngày 26 tháng 7 năm 2022 của Tòa án nhân dân thành phố T, tỉnh Thái Nguyên đã xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ tài liệu, những căn cứ pháp luật để cho chị Nguyễn Thùy D được quyền nuôi cháu T là phù hợp với thực tế và quy định của pháp luật. Hội đồng xét xử phúc thẩm cần bác kháng cáo của anh C và giữ nguyên bản án sơ thẩm theo quy định tại khoản 1 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự.

[3]. Đối với ý kiến phát biểu, đề nghị của Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Nguyên tham gia phiên tòa là phù hợp quy định của pháp luật, nên cần được chấp nhận.

[4]. Về án phí Hôn nhân và gia đình sơ thẩm: Chị Nguyễn Thùy D tự nguyện chịu án phí dân sự sơ thẩm, được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 300.000 đồng theo biên lai thu số 0001081 ngày 04/4/2022 tại cơ quan Thi hành án dân sự thành phố T, Thái Nguyên.

[5]. Về án phí Hôn nhân và gia đình phúc thẩm: Do cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo và giữ nguyên án sơ thẩm, nên anh Nguyễn Phi C phải chịu án phí Hôn nhân và gia đình phúc thẩm nộp sung quỹ nhà nước. Do anh C đã nộp tạm ứng án phí phúc thẩm là 300.000đ theo biên lai thu số 0000005 ngày 10/8/2022 của Chi cục Thi hành án dân sự Thành phố T, tỉnh Thái Nguyên. Vì vậy, được khấu trừ vào khoản tiền án phí phúc thẩm.

[6]. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 308; Điều 148 của Bộ Luật tố tụng dân sự;

Không chấp nhận kháng cáo của anh Nguyễn Phi C. Giữ nguyên bản án hôn nhân và gia đình sơ thẩm số 48/2022/HNGĐ-ST ngày 26 tháng 7 năm 2022 của Tòa án nhân dân thành phố T, tỉnh Thái Nguyên về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.

Căn cứ vào khoản 3 Điều 28, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm b khoản 1 Điều 39, Điều 147, 271, 272, 273, 278, 280 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015;

Áp dụng Điều 81, 82, 83, 84 của Luật n nhân và gia đình năm 2014; khoản 1 Điều 29 của Nghị quyết 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 về việc quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của chị Nguyễn Thùy D về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn. Giao con chung là cháu Nguyễn Kiều T, sinh ngày 03/4/2017 cho chị Nguyễn Thùy D được trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng cho đến khi con trưởng thành đủ 18 tuổi. Anh Nguyễn Phi C có quyền đi lại thăm nom con chung không ai được cản trở.

2. Về cấp dưỡng nuôi con: Anh Nguyễn Phi C có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con chung 1.000.000đ (Một triệu đồng)/ Tháng cho đến khi con đủ 18 tuổi hoặc có sự thay đổi khác. Thời điểm cấp dưỡng tính từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật.

3. Về án phí Hôn nhân và gia đình sơ thẩm: Anh Nguyễn Phi C phải chịu 300.000đ (ba trăm nghìn đồng) án phí dân sự sơ thẩm và 300.000đ (ba trăm nghìn đồng) án phí cấp dưỡng nuôi con sung quỹ Nhà nước. Hoàn trả cho chị D 300.000đ (Ba trăm nghìn đồng) theo biên lai thu số 0001081 ngày 04/4/2022 tại cơ quan Thi hành án dân sự thành phố T, Thái Nguyên.

4. Về án phí Hôn nhân và gia đình phúc thẩm: Anh Nguyễn Phi C phải chịu án phí Hôn nhân và gia đình phúc thẩm là 300.000đ (Ba trăm nghìn đồng). Được trừ vào khoản tiền tạm ứng phí đã nộp tại Chi cục Thi hành án dân sự thành phố T, tỉnh Thái Nguyên theo biên lai thu số 0000005 ngày 10/8/2022.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực thi hành./. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

61
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 19/2022/HNGĐ-PT về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn

Số hiệu:19/2022/HNGĐ-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Thái Nguyên
Lĩnh vực:Hôn Nhân Gia Đình
Ngày ban hành: 09/12/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;