Bản án 19/2020/KDTM-ST ngày 09/09/2020 về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa

TÒA ÁN NHÂN DÂN QUẬN HAI BÀ TRƯNG, THÀNH PHỐ HÀ NỘI

BẢN ÁN 19/2020/KDTM-ST NGÀY 09/09/2020 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA

Ngày 09/9/2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội xét xử sơ thẩm công khai vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số 50/2018/TLST-KDTM ngày 01/10/2018 về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 63/2020/QĐXXST-KDTM ngày 14/7/2020; Quyết định hoãn phiên toà số 38/2020/QĐST-KDTM ngày 30/7/2020 và Quyết định hoãn phiên tòa số 64/2020/QĐST-KDTM ngày 28/8/2020 giữa các đương sự:

* Nguyên đơn: Công ty T Trụ sở: phố N, phường M, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Bùi Minh N - Chức danh: Giám đốc. Người đại diện theo ủy quyền: Bà Phạm Minh T - Cán bộ Công ty (theo Giấy ủy quyền số 02/2020/GUQ ngày 08/9/2020 của Giám đốc Công ty); Có mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nguyên đơn: Luật sư Trần Đại N - Công ty Luật TNHH N, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội; Có mặt.

* Bị đơn: Công ty Đ Trụ sở: phố G, phường Đ, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội. Người đại diện theo pháp luật: Ông Hồ Mai H - Chức danh: Giám đốc. Người đại diện theo ủy quyền:

- Ông Phạm Thanh S; sinh năm 1975; hộ khẩu thường trú: phố T, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội (theo Hợp đồng ủy quyền lập ngày 04/12/2018); Vắng mặt.

- Bà Nguyễn Thị Kim L; sinh năm 1959; hộ khẩu thường trú: phố H, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội (theo Hợp đồng ủy quyền lập ngày 25/5/2019); Vắng mặt.

* Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan: Công ty N Trụ sở: phố H, phường P, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Lê Văn T - Chức danh: Tổng Giám đốc.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Trọng H - Chức danh:

Trưởng phòng pháp chế Công ty N (theo Giấy ủy quyền số 382/GUQ-CT ngày 25/8/2020 của Tổng Giám đốc Công ty); có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

[1] Theo Đơn khởi kiện ngày 29/5/2018, Đơn khởi kiện ngày 16/8/2018 và những lời khai trong quá trình Toà án giải quyết vụ án, Nguyên đơn là Công ty T trình bày:

Từ năm 2008, Công ty N có quan hệ mua bán hàng hóa với Công ty Đ. Hai bên đã ký kết và thực hiện nhiều hợp đồng mua bán, đối tượng chủ yếu là linh kiện điện tử đèn LED. Hầu hết các hợp đồng đều được bên mua là Công ty Đ thực hiện nghiêm túc, chỉ còn lại hai hợp đồng cuối cùng, Công ty Đ đã không thanh toán đầy đủ nên vẫn còn tồn đọng công nợ, đó là:

- Hợp đồng về việc cung cấp linh kiện LED số 72/2011/HADICO -IEC ngày 1/4/2011 (sau đây gọi là “Hợp đồng số 72”) có tổng giá trị hàng hóa là: 12.157.302.008 đồng; loại hàng hóa: thiết bị điện tử được liệt kê rõ trong hợp đồng.

- Hợp đồng về việc cung cấp linh kiện LED số 155/2012/HADICO -IEC ngày 13/7/2012 (sau đây gọi là “Hợp đồng số 155”) có tổng giá trị hàng hóa là: 1.731.603.262 đồng; loại hàng hóa: thiết bị điện tử được liệt kê rõ trong hợp đồng.

Tổng giá trị hai hợp đồng: là 13.888.905.270 đồng.

Thực hiện hai hợp đồng mua bán trên, bên bán là Công ty N đã giao cho Xí nghiệp S trực thuộc Công ty N thực hiện. Xí nghiệp đã trực tiếp nhập khẩu hàng hóa và bàn giao hàng cho bên mua là Công ty Đ đúng chất lượng, số lượng, thời gian. Công ty Đ đã nhận đủ hàng và không có bất kỳ khiếu nại nào. Công ty N cũng đã xuất hóa đơn giá trị gia tăng cho bên mua đúng quy định. Tuy nhiên, sau khi nhận hàng, Công ty Đ không thanh toán cho bên bán đủ số tiền hàng như thoả thuận trong hợp đồng. Chỉ đến khi Công ty N thúc giục thì Công ty Đ mới thanh toán nhưng với số tiền không đáng kể so với tổng khoản nợ, lúc 20.000.000 đồng, lúc 30.000.000 đồng.

Ngày 31/3/2014, Công ty Đ và Công ty N đã ký Biên bản xác nhận công nợ theo đó Công ty Đ xác nhận còn nợ Công ty N số tiền hàng đến ngày 31/3/2014 là: 13.263.021.168 đồng.

Năm 2015, Xí nghiệp Strực được cổ phần hóa thành Công ty T, trong đó Công ty N chiếm 95,18% cổ phần trong Công ty T. Quá trình chuyển đổi, Công ty N cũng chuyển giao toàn bộ các quyền và nghĩa vụ có được theo các hợp đồng đã ký kết với Công ty Đ cho Công ty T. Việc chuyển giao quyền và nghĩa vụ này đã được ba bên là: Công ty N, Công ty T và Công ty Đ thống nhất ký vào Biên bản chuyển giao quyền và nghĩa vụ ngày 31/12/2017. Do đó, sau khi chuyển giao, toàn bộ số nợ của Công ty Đ đối với Công ty N sẽ được chuyển trả cho Công ty T.

Cùng ngày 31/12/2017, Công ty Đ và Công ty T ký Biên bản đối chiếu công nợ theo đó, Công ty Đ xác nhận còn nợ Công ty T số tiền gốc tính đến hết ngày 31/12/2017 là: 12.603.021.168 đồng.

Sau khi tiếp nhận quyền yêu cầu thanh toán nợ, Công ty T đã nhiều lần yêu cầu Công ty Đ trả hết số nợ nhưng Công ty Đ không thanh toán đủ mà chỉ thanh toán với số tiền rất nhỏ. Từ ngày 01/4/2014 đến ngày xét xử, Công ty Đ đã thanh toán được tổng số tiền là 925.000.000 đồng, còn nợ số nợ gốc là: 12.278.021.168 đồng. Vì các lần thanh toán, Công ty Đ không nói rõ thanh toán theo hợp đồng nào mà chỉ thanh toán khoản nợ còn lại của hai hợp đồng nêu trên, nên Công ty T đã cộng tổng nợ của cả hai hợp đồng và trừ đi các lần thanh toán của Công ty Đ.

Tại khoản 2 Điều 4 Hợp đồng số 72 và Điều 3 Hợp đồng số 155 quy định: Trách nhiệm bên B (Công ty Đ): Thanh toán cho bên A (Công ty N)đầy đủ và đúng tiến độ thời gian đã quy định trong Hợp đồng. Bên B sẽ thanh toán ngay cho Bên A 100% giá trị của Hợp đồng trong vòng 6 tháng kể từ ngày bên A nhận hàng hóa. Nếu bên B chậm thanh toán cho Bên A theo quy định nêu trên, Bên B phải thanh toán lãi suất quá hạn như sau: Chậm thanh toán tháng đầu tiên: 120% so với lãi suất cho vay của Ngân hàng Ngoại thương tại thời điểm chậm trả cho bên A; Chậm thanh toán tháng thứ 2 trở đi: 150% so với lãi suất cho vay của Ngân hàng Ngoại thương tại thời điểm chậm trả cho Bên A.

Việc Công ty Đ đã nhận đủ hàng nhưng không thanh toán đủ tiền hàng theo hai hợp đồng nêu trên đã vi phạm khoản 2 Điều 4 Hợp đồng số 72 và Điều 3 Hợp đồng số 155. Mặc dù hai bên đã nhiều lần làm việc, đối chiếu công nợ và Công ty N và Công ty T cũng đã tạo điều kiện để cho Công ty Đ trả nợ nhưng khoản nợ vẫn không được thanh toán dứt điểm, kéo dài nhiều năm đã gây rất nhiều khó khăn cho Công ty T như: không có vốn để kinh doanh, nợ Ngân hàng với lãi suất cao, nợ lương nhân viên...Vì vậy, Công ty T khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết: Buộc Công ty Đ thực hiện nghĩa vụ thanh toán số tiền hàng chưa trả của hai hợp đồng: Hợp đồng số 72 và Hợp đồng số 155 tính đến ngày 24/04/2018 là: 12.583.021.168 đồng.

Quá trình giải quyết vụ án, ngày 25/01/2019, Công ty T có đơn bổ sung yêu cầu khởi kiện đòi Công ty Đ phải trả số tiền lãi chậm trả là 8.356.558.812 đồng, trong đó:

- Từ ngày 01/4/2014 đến 31/12/2017 (tính từ thời điểm chốt nợ đầu tiên ngày 31/3/2014 đến ngày chuyển giao nợ 31/12/2017) lãi chậm trả là: 6.522.704.466 đồng.

- Từ 01/01/2018 đến 31/01/2019 (tính từ thời điểm chuyển giao nợ ngày 31/12/2017 đến thời điểm nộp đơn khởi kiện bổ sung ngày 31/01/2019) lãi chậm trả là: 1.833.854.346 đồng.

Số tiền lãi trên được tính theo lãi suất cơ bản 9%/năm do Ngân hàng Nhà nước công bố theo Quyết định số 2868/QĐ-NHNN ngày 29/11/2010.

Trong quá trình giải quyết vụ án, ngày 02/01/2020, Công ty T và Công ty Đ đã ký Biên bản đối chiếu công nợ, theo đó Công ty Đ xác nhận còn nợ Công ty T số tiền nợ gốc là: 12.298.021.168 đồng. Tháng 3/2020, Công ty Đ trả thêm được 20.000.000 đồng. Về số tiền lãi chậm trả, Công ty T đề nghị Toà án tính theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường, chi tiết việc tính lãi được thể hiện tại Bảng tính lãi chậm trả từ ngày 01/4/2014 đến ngày 09/9/2020 xuất trình cho Toà án. Do đó tổng số tiền Công ty T yêu cầu Công ty Đ phải thanh toán theo hai Hợp đồng số 72 và Hợp đồng số 155 tính đến thời điểm xét xử là:

- Nợ gốc: 12.278.021.168 đồng;

- Lãi chậm thanh toán: 8.005.311.437 đồng;

Tổng cộng: 20.283.332.605 đồng.

[2] Bị đơn là Công ty Đ trình bày:

Tại văn bản số 0111/2018/CV ngày 01/11/2018, bản trình bày ý kiến ngày 29/5/2019, ngày 11/7/2019, Công ty Đ có ý kiến cho rằng: Nguyên đơn xác định giá trị Hợp đồng số 72, tính số tiền nợ gốc, nợ lãi chưa đúng vì: tính lãi từ 2014 đến nay tính cả phần lãi quá hạn là lãi trồng lãi, hợp đồng chỉ quy định tính lãi tháng thứ nhất và tháng thứ hai, giá hợp đồng là tạm tính và sẽ tính lại theo tỉ giá đồng EURO tại thời điểm Công ty Nông nghiệp thanh toán tiền hàng cho nhà cung cấp. Do đó, Công ty Đ đề nghị phải tính lại nợ gốc, giảm trừ lãi, giảm trừ giá trị hợp đồng 72 theo tỉ giá thanh toán thực tế của đồng EURO. Tuy nhiên, Công ty Đ không cung cấp cách tính số tiền nợ gốc, nợ lãi của mình và cũng không cung cấp tài liệu chứng cứ nào khác để chứng minh.

Tại bản trình bày ý kiến ngày 06/8/2020, ngày 07/9/2020 người đại diện hợp pháp Công ty Đ trình bày: Trong quá trình giải quyết vụ án, với thiện chí ưu tiên hàng đầu là công tác hòa giải nên ngày 02/01/2020, Công ty T và Công ty Đ đã ký biên bản đối chiếu công nợ, trong đó Công ty Đ xác nhận còn nợ Công ty T số tiền nợ gốc là 12.298.021.168 đồng. Tuy nhiên, Công ty Đ chậm trả nợ là do tình hình kinh doanh khó khăn, Công ty Đ có một số công nợ phải thu khó đòi. Lô hàng mua của Công ty T nhằm mục đích cho thuê nhưng thị trường cho thuê không được như mong muốn, hơn nữa hàng điện tử là loại hàng hóa dễ bị hỏng và lỗi thời. Do đó, Công ty Đ đề nghị Công ty T tạo điều kiện cho Công ty Đ được trả số nợ gốc trong vòng 07 năm kể từ 01/3/2020 đến 31/12/2027, cụ thể: Năm 2020 trả 150.000.000 đồng; năm 2021 trả 900.000.000 đồng; năm 2022 trả 1.200.000.000 đồng; các năm 2023, 2024, 2025, 2026 mỗi năm trả 2.040.000.000 đồng; năm 2027 trả 1.888.021.168 đồng. Về toàn bộ số tiền lãi chậm trả: với những khó khăn như trình bày trên, Công ty Đ đề nghị Công ty T miễn 100% các khoản lãi phát sinh. Kèm theo là kế hoạch trả nợ chi tiết.

[3] Tại các bản tự khai ngày 07/12/2018, 22/5/2019 và những lời khai trong quá trình Tòa án giải quyết vụ án, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là Công ty N do người đại diện hợp pháp trình bày:

Công ty N xác nhận việc ký kết và thực hiện Hợp đồng số 72, Hợp đồng số 155 với Công ty Đ, việc ký kết các Biên bản đối chiếu công nợ ngày 31/3/2014, 31/12/2017, biên bản chuyển giao quyền và nghĩa vụ ngày 31/12/2017 đúng như nguyên đơn là Công ty T đã trình bày và bổ sung thêm: Thực hiện chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, ngày 6/3/2014, UBND thành phố Hà Nội có Quyết định số 1327/QĐ-UBND về việc thành lập Ban Chỉ đạo cổ phần hóa Xí nghiệp S trực thuộc Công ty N. Ngày 31/3/2014, Công ty N có Quyết định số 115/QĐ-CT về việc bàn giao vốn, tài sản, đất đai, lao động cho Xí nghiệp, trong đó có tài sản là khoản nợ phải thu của Công ty Đ, UBND Thành phố Hà Nội có Quyết định số 4929/QĐ-UBND về việc phê duyệt giá trị doanh nghiệp tại thời điểm 31/3/2014 và phương án cổ phần hóa, trong đó có khoản nợ phải thu của Công ty Đ đến thời điểm 31/3/2014 (nợ gốc) là: 13.203.021.168 đồng. Ngày 6/4/2015, UBND thành phố Hà Nội có Quyết định số 1437/QĐ-UBND về việc chuyển Xí nghiệp Strực thành Công ty cổ phần Kinh doanh và chế biến thực phẩm Hà Nội. Vốn điều lệ của Công ty Cổ phần Kinh doanh và Chế biến thực phẩm Hà Nội là 30.000.000.000 đồng (Ba mươi tỷ đồng), tương đương 3.000.000 cổ phần, trong đó vốn thuộc sở hữu của nhà nước là 28.553.000.000 đồng, tương đương 2.855.300 cổ phần, chiếm 95,18% vốn điều lệ của Công ty T. Do đó, số nợ của Công ty Đ là phần vốn nhà nước nắm giữ trong Công ty T do Công ty Nông nghiệp đại diện quản lý. Quá trình cổ phần hóa, Công ty N cũng chuyển giao toàn bộ các quyền và nghĩa vụ mà công ty có theo các hợp đồng đã ký kết với Công ty Đ cho Công ty T, được thể hiện tại Biên bản chuyển giao quyền và nghĩa vụ ngày 31/12/2017.

Sau đó, Công ty T, Công ty N đã có nhiều buổi họp, các văn bản yêu cầu Công ty Đ thanh toán công nợ nợ, nhưng Công ty Đ có biểu hiện chây ì, trốn tránh, không thiện chí trả nợ, gây khó khăn rất lớn cho Công ty T và Công ty N như: không có vốn để kinh doanh, vay nợ ngân hàng với lãi suất cao, chậm trả lương cho người lao động...

Trong quá trình giải quyết vụ án, ngày 02/01/2020, Công ty T và Công ty Đ đã ký Biên bản đối chiếu công nợ, theo đó Công ty Đ đã xác nhận còn nợ Công ty T số tiền nợ gốc là: 12.298.021.168 đồng. Do đó, việc Công ty T khởi kiện yêu cầu Công ty Đ phải thanh toán số tiền còn nợ theo hai Hợp đồng số 72 và Hợp đồng số 155 tính đến thời điểm xét xử gồm: nợ gốc 12.278.021.168 đồng, lãi chậm trả 8.005.311.437 đồng là hoàn toàn có cơ sở, đề nghị Tòa án chấp nhận.

Tại phiên tòa:

- Công ty T vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và trình bày bổ sung: Công ty T không đồng ý với phương án trả nợ gốc trong 7 năm do Công ty Đ đưa ra. Tại đơn khởi kiện bổ sung, Công ty T có yêu cầu Công ty Đ thanh toán số tiền lãi chậm trả tính theo lãi suất 9%/năm theo Quyết định số 2868/QĐ-NHNN ngày 29/11/2010 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Tuy nhiên tại phiên tòa hôm nay, Công ty T đề nghị tính lãi trên số tiền chậm trả theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán theo quy định tại Điều 306 Luật thương mại. Dựa trên các công văn cung cấp lãi suất nợ quá hạn của 3 ngân hàng thương mại: Nông nghiệp, Công thương và Ngoại thương, Công ty T đã có bảng tính lãi xuất trình cho Toà án. Do đó, số tiền Công ty Đ còn nợ tính đến ngày xét xử 09/9/2020 là: Nợ gốc: 12.278.021.168 đồng; nợ lãi chậm trả 8.005.311.437 đồng. Tổng cộng: 20.283.332.605 đồng. Đề nghị Tòa án giải quyết buộc Công ty Đ phải thanh toán trả Công ty T số tiền nêu trên.

- Người đại diện theo ủy quyền của Công ty Đ gồm: ông Phạm Thanh Sơn, bà Nguyễn Thị Kim L đã được triệu tập hợp lệ đến tham gia phiên toà nhưng vắng mặt và có văn bản xin vắng mặt tại phiên tòa, đồng thời trình bày quan điểm của bị đơn về việc giải quyết vụ án. Đối với người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty Đ: Ngày 14/7/2020, Văn phòng luật sư N có đơn đề nghị Tòa án chấm dứt tư cách người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của Luật sư Phạm Văn P đối với Công ty Đ vì hiện Luật sư đang được Văn phòng phân công công việc khác, nên không thể tiếp tục tham gia tố tụng. Ngày 08/9/2020, ông Hồ Mai H đại diện theo pháp luật của Công ty Đ đã có văn bản gửi Tòa án xác nhận đồng ý với việc chấm dứt tư cách người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Luật sư Phạm Văn P trong vụ án trên và đồng ý mở phiên tòa kể cả khi vắng mặt những người đại diện theo ủy quyền.

- Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là Công ty N giữ nguyên quan điểm đã trình bày và cho rằng: Khoản nợ phải thu của Công ty Đ được xác định là phần vốn Nhà nước, do Công ty N là đại diện quản lý trong Công ty T, đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt giá trị doanh nghiệp trong quá trình cổ phần hóa Xí nghiệp Chế biến thực phẩm thành Công ty Cổ phần và đã được kiểm toán, báo cáo tài chính đầy đủ. Trước đây Công ty Đ đã nhiều lần có văn bản khất nợ và hứa hẹn thanh toán, Công ty T và Công ty Nông nghiệp cũng đã tạo điều kiện rất nhiều nhưng Công ty Đ vẫn không thực hiện, có biểu hiện dây dưa, kéo dài, thiếu thiện chí trả nợ, gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của Công ty T, cũng như ảnh hưởng đến nguồn vốn Nhà nước do Công ty N đại diện quản lý. Do đó, đề nghị Tòa án giải quyết buộc Công ty Đ phải thanh toán trả Công ty T số tiền gốc và lãi như nội dung khởi kiện.

- Đại diện Viện kiểm sát nhân dân quận Hai Bà Trưng tham gia phiên tòa phát biểu ý kiến:

+ Về việc tuân theo pháp luật tố tụng: Thẩm phán, Thư ký Tòa án thực hiện đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự trong quá trình giải quyết vụ án kể từ khi thụ lý cho đến trước khi mở phiên tòa. Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa thực hiện đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự tại phiên tòa. Các đương sự chấp hành đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

+ Về việc giải quyết vụ án: Quá trình thực hiện hợp đồng, giữa Công ty N, Công ty Đ và Công ty T đã có các biên bản đối chiếu công nợ ngày 31/3/2014, 31/12/2017, biên bản chuyển giao quyền và nghĩa vụ ngày 31/12/2017 theo đó các bên đều xác nhận số nợ, không có tranh chấp gì khác. Quá trình giải quyết vụ án, ngày 02/01/2020, Công ty T và Công ty Đ đã ký Biên bản đối chiếu công nợ, theo đó Công ty Đ tiếp tục xác nhận còn nợ Công ty T số tiền nợ gốc là: 12.298.021.168 đồng và có văn bản đưa ra phương án trả nợ gốc trong vòng 7 năm từ năm 2020 đến 2027, đề nghị miễn 100% lãi chậm trả phát sinh. Như vậy, Công ty Đ đã thừa nhận nghĩa vụ nợ gốc và nợ lãi đối với Công ty T. Về lãi suất chậm thanh toán: do bên mua hàng chậm thanh toán tiền hàng nên theo Điều 306 Luật thương mại, bên bị vi phạm có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền số tiền chậm trả theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán. Vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc bị đơn phải thanh toán số tiền hàng chưa trả và lãi chậm trả tính đến ngày xét xử 09/9/2020 là: nợ gốc 12.278.021.168 đồng; nợ lãi chậm trả 8.005.311.437 đồng. Về án phí: đề nghị tính theo quy định của pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên toà, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về thẩm quyền giải quyết vụ án: T khởi kiện vụ án kinh doanh thương mại về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa đối với Đ, có trụ sở tại: phố G, phường Đ, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội. Căn cứ khoản 1 Điều 30, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự, vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án nhân dân quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.

[2] Về việc xét xử trong trường hợp vắng mặt người đại diện theo ủy quyền và việc chấm dứt tư cách người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Trong vụ án này, Công ty Đ là bị đơn, không có yêu cầu phản tố. Tòa án đã triệu tập hợp lệ nhiều lần đối với ông Phạm Thanh S, bà Nguyễn Thị Kim L - là những người đại diện theo ủy quyền của Công ty Đ để tham gia phiên tòa nhưng người đại diện theo ủy quyền đều vắng mặt và có văn bản ngày 07/9/2020 xin vắng mặt tại phiên tòa. Đối với người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Công ty Đ: Ngày 02/11/2018, Văn phòng Luật sư N có văn bản cử Luật sư Phạm Văn P là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Công ty Đ trong vụ án. Ngày 14/7/2020, Văn phòng có đơn đề nghị Tòa án chấm dứt tư cách người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của Luật sư Phạm Văn P do Luật sư không thể tiếp tục tham gia tố tụng nhưng không có cử người khác thay thế. Ngày 15/7/2020, Tòa án có văn bản thông báo cho Công ty Đ biết về việc Văn phòng Luật sư N gửi đơn chấm dứt tư cách người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.

Ngày 8/9/2020, ông Hồ Mai H - là Giám đốc, đại diện theo pháp luật của Công ty Đ có văn bản xác nhận đồng ý với việc chấm dứt tư cách người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Luật sư Phạm Văn Pvà đề nghị Tòa án xét xử vụ án kể cả trong trường hợp những người đại diện ủy quyền vắng mặt, nên căn cứ điểm b khoản 2 Điều 227, khoản 3 Điều 228 Bộ luật tố tụng dân sự, Tòa án tiến hành xét xử vụ án theo quy định.

[3] Về hiệu lực của hợp đồng:

Ngày 01/4/2011, Công ty N (bên bán-bên A) và Công ty Đ (bên mua-bên B) đã ký Hợp đồng số 72/2011/HADICO-IEC về việc cung cấp linh kiện LED, theo đó Công ty N bán cho Công ty Đ các linh kiện LED với tổng giá trị đã bao gồm VAT 10% (tạm tính): 11.657.302.008 đồng. Theo hợp đồng các bên có thỏa thuận: Bên bán giao hàng, bàn giao hóa đơn tài chính trước tháng 5/2011; phương thức thanh toán: bằng đồng Việt Nam qua chuyển khoản. Bên mua sẽ thanh toán ngay cho bên bán 100% giá trị hợp đồng trong vòng 6 tháng kể từ ngày bên bán nhận hàng hóa. Nếu bên mua chậm thanh toán cho bên bán thì bên mua phải thanh toán lãi suất quá hạn: Chậm thanh toán tháng đầu tiên: 120% so với lãi suất cho vay của Ngân hàng ngoại thương tại thời điểm chậm trả; chậm thanh toán tháng thứ 2: 150% so với lãi suất cho vay của Ngân hàng ngoại thương tại thời điểm chậm trả.

Ngày 13/7/2012, Công ty N (bên bán-bên A) và Công ty Đ (bên mua-bên B) tiếp tục ký Hợp đồng số 155/2012/HADICO-IEC về việc cung cấp linh kiện LED, theo đó Công ty N cung cấp gia công lắp đặt hệ thống chữ INOX dùng cho công trình Novotel - Đà Nẵng theo thiết kế mà bên B cung cấp cho bên A và cung cấp thiết bị LED đi kèm, với tổng giá trị đã bao gồm VAT là 1.731.603.5262 đồng. Theo hợp đồng, các bên thỏa thuận: gia công lắp đặt hoàn chỉnh bộ chữ INOX và kết cấu thép trong vòng 40 ngày kể từ ngày 26/6/2012 và cung cấp thiết bị LED trong tháng 7/2012; Về phương thức thanh toán: các bên thỏa thuận giống như thỏa thuận tại Hợp đồng số 72/2011/HADICO-IEC.

Thực hiện các hợp đồng trên, Công ty N đã giao cho Xí nghiệp S là đơn vị trực thuộc Công ty N thực hiện. Quá trình thực hiện hợp đồng, bên bán đã giao đủ hàng đúng thời hạn, bên mua đã nhận đủ hàng, không bên nào có thắc mắc khiếu nại về chất lượng, số lượng hàng hóa, thời hạn giao hàng. Quá trình giải quyết vụ án, hai bên cũng không có tranh chấp gì về những nội dung liên quan đến việc giao hàng. Bên bán là Công ty N đã xuất hóa đơn giá trị gia tăng số 001467 ngày 30/6/2011 với tổng giá trị hàng hóa gồm thuế VAT là:

12.157.302.008 đồng và hóa đơn số 001920 ngày 25/12/2012 với tổng giá trị hàng hóa gồm thuế VAT là cho bên mua là 1.731.603.262 đồng cho bên mua là Công ty Đ theo những hợp đồng mua bán trên. Tổng giá trị theo hai hóa đơn là: 13.888.905.270 đồng và đã bàn giao hoá đơn cho bên mua.

Xét thấy các hợp đồng mua bán trên được Công ty N và Công ty Đ ký kết trên cơ sở tự nguyện, không bị ai ép buộc, có nội dung không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội, nên căn cứ các Điều 24, 34, 35, 37 Luật thương mại xác định hợp đồng có hiệu lực pháp luật và phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa hai bên.

[4] Về việc chuyển giao quyền và nghĩa vụ từ Công ty N cho Công ty T:

Ngày 31/12/2017, đại diện ba bên gồm: Bên chuyển giao là Công ty N (bên A), bên nhận chuyển giao: Công ty T (bên B), bên có quyền và nghĩa vụ liên quan đến việc chuyển giao là Công ty Đ (bên C) đã ký “Biên bản chuyển giao quyền và nghĩa vụ”, theo đó: bên A chuyển giao toàn bộ các quyền và nghĩa vụ mà bên A có phát sinh từ các Hợp đồng mà bên A ký kết với bên C trước thời điểm ký kết Biên bản chuyển giao này cho bên B dưới sự chứng kiến của bên C. Bên B đồng ý tiếp nhận, kế thừa và tiếp tục thực hiện các quyền lợi và nghĩa vụ mà bên A có theo các Hợp đồng mà bên A đã ký kết với bên C kể từ thời điểm ký biên bản chuyển giao này. Như vậy, trong trường hợp này Công ty Nông nghiệp đã chuyển giao quyền đòi nợ theo các Hợp đồng mà Công ty Nông nghiệp đã ký kết với Công ty Đ trước đó cho người thế quyền là Công ty T với sự đồng ý của bên có nghĩa vụ là Công ty Đ. Do đó, Công ty T trở thành bên có quyền yêu cầu và có quyền khởi kiện với tư cách là nguyên đơn đối với Công ty Đ là phù hợp với quy định tại Điều 365 Bộ luật Dân sự 2015.

[5] Xét yêu cầu đòi nợ gốc:

Tại Điều V Hợp đồng 72 các bên thỏa thuận: “Bên B sẽ thanh toán ngay cho bên A 100% giá trị của Hợp đồng trong vòng 6 tháng kể từ ngày bên A nhận hàng hóa. Nếu bên B chậm thanh toán cho bên A theo quy định nêu trên, bên B phải thanh toán lãi quá hạn...”; Tại Điều 4 Hợp đồng số 155 quy định: “Trách nhiệm bên B: Thanh toán cho bên A đầy đủ và đúng tiến độ thời gian đã quy định trong Hợp đồng. Bên B sẽ thanh toán ngay cho Bên A 100% giá trị của Hợp đồng trong vòng 6 tháng kể từ ngày bên A nhận hàng hóa. Nếu bên B chậm thanh toán cho Bên A theo quy định nêu trên, Bên B phải thanh toán lãi suất quá hạn ...” Tài liệu trong hồ sơ thể hiện các đương sự đều xác nhận bên bán đã giao hàng, xuất hóa đơn cho bên mua và bên mua đã nhận hàng đầy đủ, không có tranh chấp gì về số lượng, chất lượng của hàng hóa. Do đó việc bị đơn không thanh toán đầy đủ và đúng hạn cho nguyên đơn tiền hàng là vi phạm điều khoản thanh toán của hợp đồng như nêu trên.

Ngày 31/3/2014, Công ty N và Công ty Đ đã ký Biên bản xác nhận công nợ theo đó, Công ty Đ xác nhận còn nợ Công ty N số dư công nợ đến ngày 31/3/2014 là: 13.203.021.168 đồng.

Quá trình cổ phần hóa Xí nghiệp S thành Công ty T, Công ty N đã chuyển giao toàn bộ các quyền và nghĩa vụ có được theo các hợp đồng đã ký kết với Công ty Đ cho Công ty T, trong đó có khoản nợ phải thu của Công ty Đ. Việc chuyển giao đã được UBND thành phố Hà Nội chấp thuận phê duyệt giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa, thể hiện tại Quyết định số 4929/QĐ-UBND ngày 24/9/2014. Việc chuyển giao đã được cũng được ba bên là: Công ty N, Công ty Đ và Công ty T ký xác nhận tại Biên bản chuyển giao quyền và nghĩa vụ ngày 31/12/2017.

Ngày 31/12/2017, Công ty T và Công ty Đ đã ký Biên bản đối chiếu công nợ xác nhận số tiền gốc Công ty T phải thu của Công ty Đ tại ngày 31/12/2017 là 12.603.021.168 đồng.

Quá trình Tòa án giải quyết vụ án, ngày 02/01/2020, Công ty T và Công ty Đ ký Biên bản đối chiếu công nợ theo đó Công ty Đ tiếp tục xác nhận còn nợ Công ty T số tiền nợ gốc tính đến hết ngày 31/12/2019 là: 12.298.021.168 đồng. Tháng 3/2020, nguyên đơn xác nhận Công ty Đ đã trả thêm được 20.000.000 đồng nữa, nên số tiền nợ gốc còn là 12.278.021.168 đồng.

Xét thấy: về số tiền hàng chưa thanh toán theo các hợp đồng mua bán, các bên đã ký các biên bản đối chiếu công nợ ngày 31/3/2014, 31/12/2017, biên bản chuyển giao quyền và nghĩa vụ ngày 31/12/2017. Tại các biên bản này, Công ty Đ đều xác nhận số nợ đối với Công ty T. Quá trình giải quyết vụ án, ngày 02/01/2020, Công ty T và Công ty Đ tiếp tục ký Biên bản đối chiếu công nợ, theo đó Công ty Đ vẫn xác nhận còn nợ Công ty T số tiền nợ gốc tính đến 31/12/2019 là: 12.298.021.168 đồng. Ngoài ra, Công ty Đ cũng có văn bản đề ngày 10/3/2020 gửi Công ty T xác nhận nguyên nhân chậm trả là do gặp khó khăn trong kinh doanh, đồng thời đưa ra phương án trả toàn bộ số nợ gốc trong vòng 07 năm kể từ năm 2020 đến năm 2027 và đề nghị miễn 100% lãi phát sinh từ khoản nợ. Như vậy, Công ty Đ đã thừa nhận nghĩa vụ nợ gốc và nợ lãi đối với Công ty T. Khoản nợ cũng được ghi nhận trong sổ sách kế toán, kiểm toán và được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt giá trị doanh nghiệp trong quá trình cổ phần hóa Xí nghiệp S thành Công ty Cổ phần. Do đó, căn cứ Điều 50, khoản 5 Điều 297 Luật thương mại, khoản 4 Điều 92 Bộ luật tố tụng dân sự, bên mua có nghĩa vụ thanh toán tiền mua hàng theo thỏa thuận và bên bán có quyền yêu cầu bên mua phải trả tiền hàng theo quy định trong hợp đồng, nên có cơ sở chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty T, buộc Công ty Đ phải trả cho Công ty T số tiền hàng chưa thanh toán của hai hợp đồng là: 12.278.021.168 đồng.

[6] Xét yêu cầu đòi tiền lãi trên số tiền chậm trả thấy:

Theo hai hợp đồng, bên bán và bên mua có thỏa thuận về nghĩa vụ trả lãi do chậm thanh toán như sau: “Nếu bên B chậm thanh toán cho Bên A theo quy định nêu trên, Bên B phải thanh toán lãi suất quá hạn như sau: Chậm thanh toán tháng đầu tiên: 120% so với lãi suất cho vay của Ngân hàng Ngoại thương tại thời điểm chậm trả cho bên A. Chậm thanh toán tháng thứ 2 trở đi: 150% so với lãi suất cho vay của Ngân hàng Ngoại thương tại thời điểm chậm trả cho Bên A”. Tại phiên tòa, nguyên đơn đề nghị tính lãi chậm trả theo lãi suất nợ quá hạn trên thị trường theo Luật Thương mại, Công ty Đ có ý kiến cho rằng theo Hợp đồng các bên chỉ thỏa thuận tính lãi chậm thanh toán tháng đầu tiên và tháng thứ hai mà không thỏa thuận lãi cho các tháng tiếp theo. Do các bên không thống nhất được cách tính lãi suất nên cần phải áp dụng quy định của Luật thương mại để xác định tiền lãi chậm thanh toán.

Điều 306 Luật thương mại có quy định:“Trường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng...thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”. Do đó trong trường hợp này, Công ty Đ chậm thanh toán tiền hàng nên phải chịu trách nhiệm trả lãi chậm thanh toán theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán cho Công ty T.

* Về mức lãi suất:

Hội đồng xét xử căn cứ Điều 11 Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn xác định lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường quy định tại Điều 306 Luật Thương mại và căn cứ vào Án lệ số 09/AL/2016 do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 17/10/2016 thì khi xác định lãi suất chậm trả đối với số tiền chậm trả, Tòa án căn cứ vào mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường của ít nhất 03 (ba) ngân hàng thương mại (Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam,...) có trụ sở, chi nhánh hoặc phòng giao dịch tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi Tòa án đang giải quyết, xét xử có trụ sở tại thời điểm xét xử sơ thẩm để quyết định mức lãi suất chậm trả. Theo các công văn cung cấp mức lãi suất cho vay quá hạn của 03 ngân hàng trong hồ sơ vụ án thể hiện: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là 9%/năm, Ngân hàng TMCP ngoại thương Việt Nam 8,4%/năm, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam 12%/năm. Do đó, lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm xét xử là 9,8%/năm, tức 0,81%/tháng.

* Về thời điểm tính lãi:

Theo Điều 4 Hợp đồng số 72 ngày 01/4/2011 và Hợp đồng số 155 ngày 13/7/2012, các bên thỏa thuận bên mua sẽ thanh toán ngay cho bên bán 100% giá trị của Hợp đồng trong vòng 6 tháng kể từ ngày bên mua nhận hàng hóa. Ngày 25/12/2012, bên mua đã nhận đủ hàng hóa của cả hai hợp đồng, Công ty Nông nghiệp đã xuất hóa đơn giá trị gia tăng cho Công ty Đ. Do đó kể từ ngày 25/12/2012, bên mua phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán trong vòng 6 tháng, tức ngày 25/6/2013 là phải thanh toán xong toàn bộ khoản nợ. Tuy nhiên quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn tự nguyện đề nghị Tòa án tính lãi chậm thanh toán kể từ thời điểm các bên đối chiếu công nợ ngày 31/3/2014 cho đến thời điểm xét xử theo mức lãi suất quá hạn trung bình trên thị trường để tạo điều kiện cho bị đơn trong việc trả nợ, nên Tòa án ghi nhận.

Xét thấy:

1. Theo Biên bản xác nhận công nợ ngày 31/3/2014, Công ty Đ xác nhận còn nợ Công ty N số tiền tính đến 31/3/2014 là: 13.203.021.168 đồng. Do đó, ngày đến hạn Công ty Đ phải thanh toán là ngày 31/3/2014. Thời điểm từ ngày 31/3/2014 đến 31/12/2017, Công ty Đ đã trả được tổng cộng là 600.000.000 đồng. Số tiền này nguyên đơn xác nhận trừ dần vào nợ gốc nên số tiền lãi chậm thanh toán theo từng giai đoạn như sau:

- Từ tháng 4/2014 đến tháng 01/2015: 13.203.021.168 đồng x (9,8%/12 tháng/100%) x 10 tháng =1.078.246.730 đồng (1) - Tháng 02/2015, Công ty Đ trả được 50.000.000 đồng nên số tiền nợ gốc còn là: 13.203.021.168 đồng - 50.000.000 đồng = 13.153.021.168 đồng. Do đó số tiền lãi chậm thanh toán từ tháng 02/2015 đến tháng 3/2015 là:

13.153.021.168 đồng x (9,8%/12 tháng/100%) x 2 tháng = 214.832.680 đồng (2) - Tháng 04/2015, Công ty Đ trả được 50.000.000 đồng nên số tiền nợ gốc còn là: 13.153.021.168 đồng - 50.000.000 đồng = 13.103.021.168 đồng. Do đó số tiền lãi chậm thanh toán từ tháng 4/2015 đến tháng 5/2015 là: 13.103.021.168 đồng x (9,8%/12 tháng/100%) x 2 tháng = 214.016.012 đồng (3) - Tháng 06/2015, Công ty Đ trả được 50.000.000 đồng nên số tiền nợ gốc còn là: 13.103.021.168 đồng - 50.000.000 đồng = 13.053.021.168 đồng. Do đó số tiền lãi chậm thanh toán từ tháng 6/2015 đến tháng 9/2015 là: 13.053.021.168 đồng x (9,8%/12 tháng/100%) x 4 tháng = 426.398.692 đồng (4) - Tháng 10/2015, Công ty Đ trả được 80.000.000 đồng nên số tiền nợ gốc còn là: 13.053.021.168 đồng - 80.000.000 đồng = 12.973.021.168 đồng. Do đó số tiền lãi chậm thanh toán từ tháng 10/2015 đến tháng 12/2015 là:

12.973.021.168 đồng x (9,8%/12 tháng/100%) x 3 tháng = 317.839.020v (5) - Tháng 01/2016, Công ty Đ trả được 150.000.000 đồng nên số tiền nợ gốc còn là: 12.973.021.168 đồng - 150.000.000 đồng = 12.823.021.168 đồng. Do đó số tiền lãi chậm thanh toán từ tháng 01/2016 đến tháng 3/2016 là: 12.823.021.16 đồng x (9,8%/12 tháng/100%) x 3 tháng = 314.164.020 đồng (6) - Tháng 04/2016, Công ty Đ trả được 20.000.000 đồng nên số tiền nợ gốc còn là: 12.823.021.168 đồng - 200.000.000 đồng = 12.803.021.168 đồng. Do đó số tiền lãi chậm thanh toán tháng 4/2016 đến tháng 5/2016 là: 12.803.021.168 đồng x (9,8%/12 tháng/100%) x 1 tháng= 104.558.006đ (7) - Tháng 05/2016, Công ty Đ trả được 30.000.000 đ nên số tiền nợ gốc còn là: 12.803.021.168 đồng - 30.000.000 đồng = 12.773.021.168 đồng. Do đó số tiền lãi chậm thanh toán tháng 05/2016 là: 12.773.021.168 đồng x (9,8%/12 tháng/100%) x1 tháng = 104.313.00 đồng (8) - Tháng 06/2016, Công ty Đ trả được 30.000.000 đồng nên số tiền nợ gốc còn là: 12.773.021.168 đồng - 30.000.000 đồng = 12.743.021.168v. Do đó số tiền lãi chậm thanh toán tháng 6/2016 đến tháng 7/2016 là: 12.743.021.168 đồng x (9,8%/12 tháng/100%) x 2 tháng= 208.136.012 đồng (9) - Tháng 08/2016, Công ty Đ trả được 60.000.000 đồng nên số tiền nợ gốc còn là: 12.743.021.168 đồng - 60.000.000 đồng = 12.683.021.168 đồng. Do đó số tiền lãi chậm thanh toán tháng 8/2016 đến tháng 10/2016 là: 12.683.021.168 đồng x (9,8%/12 tháng/100%) x 3 tháng= 310.734.018 đồng (10) - Tháng 11/2016, Công ty Đ trả được 30.000.000 đồng nên số tiền nợ gốc còn là: 12.683.021.168 đồng - 30.000.000 đồng = 12.653.021.168 đồng. Do đó số tiền lãi chậm thanh toán tháng 11/2016 đến hết tháng 12/2016 là: 12.683.021.168 đồng x (9,8%/12 tháng/100%) x 2 tháng= 206.666.012 đồng (11) - Tháng 01/2017, Công ty Đ trả được 50.000.000 đồng nên số tiền nợ gốc còn là: 12.653.021.168 đồng - 50.000.000 đồng = 12.603.021.168 đồng. Do đó số tiền lãi chậm thanh toán tháng 01/2017 đến hết tháng 12/2017 là: 12.603.021.168 đồng x (9,8%/12 tháng/100%) x 12 tháng= 1.235.096.074 đồng (12) Tộng cộng số tiền lãi chậm thanh toán từ 01/4/2014 đến 31/12/2017 (cộng từ mục (1) đến mục (12)) là: 4.735.000.279 đồng (a) 2. Theo Biên bản đối chiếu công nợ ngày 31/12/2017: Công ty Đ xác nhận còn nợ Công ty T số tiền tính đến ngày 31/12/2017 là:12.603.021.168 đồng. Tính đến ngày xét xử 09/9/2020, Công ty Điện tử đã trả được 325.000.000 đồng vào nợ gốc. Giai đoạn từ ngày 01/01/2018 đến ngày xét xử sơ thẩm 09/9/2020, Công ty Đ đã trả được 325.000.000 đồng vào nợ gốc nên số tiền lãi chậm thanh toán từng giai đoạn như sau:

- Từ tháng 01/2018 đến tháng 03/2018: 12.603.021.168 đồng x (9,8%/12 tháng/100%) x 3 tháng =308.774.019 đồng (13) - Tháng 04/2018, Công ty Đ trả được 20.000.000 đồng nên số tiền nợ gốc còn là: 12.603.021.168 đồng - 20.000.000 đồng =12.583.021.168 đồng. Do đó số tiền lãi chậm thanh toán tháng 04/2018 đến tháng 07/2018 là: 12.583.021.168 đồng x (9,8%/12 tháng/100%) x 4 tháng = 411.045.360 đồng (14) - Tháng 08/2018, Công ty Đ trả được 30.000.000 đồng nên số tiền nợ gốc còn là: 12.583.021.168 đồng - 30.000.000 đồng = 12.553.021.168 đồng. Do đó số tiền lãi chậm thanh toán tháng 08/2018 đến tháng 09/2018 là: 12.553.021.168 đồng x (9,8%/12 tháng/100%) x 2 tháng= 205.032.680 đồng (15) - Tháng 10/2018, Công ty Đ trả được 55.000.000 đồng nên số tiền nợ gốc còn là: 12.553.021.168 đồng - 55.000.000 đồng = 12.498.021.168 đồng. Do đó số tiền lãi chậm thanh toán tháng 10/2018 là: 12.498.021.168 đồng x (9,8%/12 tháng/100%) x 1 tháng = 102.067.173 đồng (16) - Tháng 11/2018, Công ty Đ trả được 50.000.000 đồng nên số tiền nợ gốc còn là: 12.498.021.168 đồng - 50.000.000 đồng = 12.448.021.168 đồng. Do đó số tiền lãi chậm thanh toán tháng 11/2018 đến tháng 12/2018 là: 12.448.021.168 đồng x (9,8%/12 tháng/100%) x 2 tháng = 203.317.680 đồng (17) - Tháng 01/2019, Công ty Đ trả được 80.000.00 đồng nên số tiền nợ gốc còn là: 12.448.021.168 đồng - 80.000.000 đồng = 12.368.021.168 đồng. Do đó số tiền lãi chậm thanh toán tháng 01/2019 đến tháng 02/2019 là: 12.368.021.168 đồng x (9,8%/12 tháng/100%) x 2 tháng = 202.011.012 đồng (18) - Tháng 03/2019, Công ty Đ trả được 30.000.000 đồng nên số tiền nợ gốc còn là: 12.368.021.168 đồng - 30.000.000 đồng = 12.338.021.168 đồng. Do đó số tiền lãi chậm thanh toán tháng 03/2019 đến tháng 7/2019 là: 12.338.021.168 đồng x (9,8%/12 tháng/100%) x 5 tháng = 503.802.530 đồng (19) - Tháng 08/2019, Công ty Đ trả được 20.000.000 đồng nên số tiền nợ gốc còn là: 12.338.021.168 đồng - 20.000.000 đồng = 12.318.021.168 đồng. Do đó số tiền lãi chậm thanh toán tháng 8/2019 đến tháng 10/2019 là: 12.318.021.168 đồng x (9,8%/12 tháng/100%) x 3 tháng = 301.791.519 đồng (20) - Tháng 11/2019, Công ty Đ trả được 20.000.000 đồng nên số tiền nợ gốc còn là: 12.318.021.168 đồng - 20.000.000 đồng =12.298.021.168 đồng. Do đó số tiền lãi chậm thanh toán tháng 11/2019 đến tháng 02/2020 là: 12.298.021.168 đồng x (9,8%/12 tháng/100%) x 4 tháng= 401.735.360 đồng (21) - Tháng 03/2020, Công ty Đ trả được 20.000.000 đồng nên số tiền nợ gốc còn là: 12.298.021.168 đồng - 20.000.000 đồng = 12.278.021.168 đồng. Do đó số tiền lãi chậm thanh toán tháng 03/2020 đến ngày 09/9/2020 là: 12.278.021.168 đồng x (9,8%/12 tháng/100%) x 2 tháng 9 ngày= 630.733.828 đồng (22) Do đó số tiền lãi chậm thanh toán được tính từ ngày 01/01/2018 cho đến ngày xét xử sơ thẩm 09/9/2020 (cộng từ mục (13) đến mục (22)) là: 3.270.311.157 đồng (b) Trên cơ sở phân tích trên và đối chiếu với bảng tính lãi từ ngày 01/4/2014 đến ngày 09/9/2020 do nguyên đơn xuất trình thấy nguyên đơn đã tính lãi chậm thanh toán phù hợp với quy định của pháp luật nên có cơ sở buộc Công ty Đ phải trả cho Công ty T số tiền lãi chậm thanh toán kể từ ngày 31/3/2014 đến ngày 09/9/2020 là: (a)+(b) = 8.055.311.437 đồng.

[7] Về án phí: Căn cứ khoản 1 Điều 147 Bộ luật Tố tụng dân sự; khoản 2 Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, yêu cầu của nguyên đơn được Tòa án chấp nhận toàn bộ, nên trả lại cho nguyên đơn số tiền tạm ứng án phí đã nộp. Bị đơn phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm tính trên số tiền phải trả cho nguyên đơn.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào:

- Khoản 1 Điều 30, Điều 227, Điều 228, Điều 92 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015;

- Điều 24, 34, 35, 37, 306 Luật thương mại năm 2005;

- Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm;

- Án lệ số 09/2016/AL được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 07/10/2016 và được công bố theo Quyết định số 698/QĐ- CA ngày 17/10/2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao;

- Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án,

Xử:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty T

2. Buộc Công ty Đ phải trả cho Công ty T số tiền hàng còn chưa thanh toán theo Hợp đồng số 72/2011/HADICO -IEC ngày 01/4/2011 và Hợp đồng số 155/2012/HADICO-IEC ngày 13/7/2012 là:

- Nợ gốc: 12.278.021.168 đồng;

- Lãi chậm thanh toán: 8.005.311.437 đồng;

Tổng cộng: 20.283.332.605 đồng (Hai mươi tỷ, hai trăm tám mươi ba triệu, ba trăm ba mươi hai nghìn, sáu trăm linh năm đồng)

Kể từ ngày tiếp theo ngày xét xử sơ thẩm cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền phải thi hành án theo lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015.

3. Về án phí:

- Công ty Đ phải chịu 128.283.332 đồng (một trăm hai mươi tám triệu, hai trăm tám mươi ba nghìn, ba trăm ba mươi hai đồng) án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm.

- Trả lại Công ty T số tiền 27.292.000 đồng (hai mươi bảy triệu, hai trăm chín mươi hai nghìn đồng) tạm ứng án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm đã nộp theo Biên lai số 0004283 ngày 15/9/2018 và số tiền tạm ứng án phí bổ sung 58.178.000 đồng (Năm mươi tám triệu một trăm bảy mươi tám nghìn đồng) đã nộp theo Biên lai số 0002336 ngày 02/5/2019 tại Chi Cục thi hành án dân sự quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Án xử công khai sơ thẩm, có mặt đại diện hợp pháp của Công ty T, Công ty N; vắng mặt đại diện hợp pháp của Công ty Đ. Công ty T, Công ty N được quyền kháng cáo bản án này trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Công ty Đ được quyền kháng cáo bản án này trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày bản án được tống đạt hoặc niêm yết hợp lệ.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

549
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 19/2020/KDTM-ST ngày 09/09/2020 về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa

Số hiệu:19/2020/KDTM-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Quận Hai Bà Trưng - Hà Nội
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 09/09/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;