Bản án 19/2017/DS-ST ngày 27/11/2017 về tranh chấp chia thừa kế tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN YÊN LẠC, TỈNH VĨNH PHÚC

BẢN ÁN 19/2017/DS-ST NGÀY 27/11/2017 VỀ TRANH CHẤP CHIA THỪA KẾ TÀI SẢN

Ngày 27 tháng 11 năm 2017, tại Trụ sở Toà án nhân dân huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc xét xử công khai vụ án thụ lý số: 41/2017/TLST-DS ngày 20/7/2017 “V/v tranh chấp chia thừa kế tài sản” theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 23/2017/QĐXXST- DS ngày 16 tháng 10 năm 2017 giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Ông Dương Văn B1, sinh năm 1964

Địa chỉ: Thôn P, xã V, huyện Y, tỉnh Vĩnh Phúc.

Người đại diện diện hợp pháp của ông Dương Văn B1 là Bà Vũ Thị H (vợ ông Dương Văn B1), sinh năm 1965; địa chỉ: Thôn P, xã V, huyện Y, tỉnh Vĩnh Phúc (có mặt).

Bị đơn: 1/ Bà Dương Thị B, sinh năm 1957 (vắng mặt). Địa chỉ: Thôn Y, xã T, huyện M, thành phố Hà Nội

2/ Bà Dương Thị A, sinh năm 1959 (vắng mặt).

Địa chỉ: Thôn Nam Viên, xã Khả Do, thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1/ Chị Dương Thị O, sinh năm 1991 (vắng mặt). Địa chỉ: Thôn N, xã Đ, huyện Y, tỉnh Vĩnh Phúc

2/ Anh Dương Văn H11, sinh năm 1994 (vắng mặt). Địa chỉ: Thôn P, xã V, huyện Y, tỉnh Vĩnh Phúc.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Trong đơn khởi kiện ngày 21/6/2017 của nguyên đơn và quá trình giải quyết vụ án, đại diện hợp pháp của nguyên đơn trình bày:

Cụ Dương Văn B và cụ Vũ Thị Llà vợ chồng, Cụ Dương Văn B sinh năm1993 ( chết năm 2012) và cụ Vũ Thị L sinh năm 1931 ( chết năm 2011) sinh được 04 người con là: Bà Dương Thị B, bà Dương Thị A, ông Dương Văn B1 và ông Dương Văn H ( chết năm 2010). Khi cụ B và cụ L chết không để lại di chúc, di sản để lại là 01 thửa đất số 7.3, tờ bản đồ số 10, diện tích 228m2  tại Thôn P, xã V, huyện Y, tỉnh Vĩnh Phúc. Thửa đất này đã được Ủy ban nhân dân huyện  Y  cấp  Giấy  chứng  nhận  quyền  sử  dụng  đất  số:  AP456680  ngày03/12/2009 mang tên hộ cụ Dương Văn B, mặc dù đất cấp cho hộ nhưng thực tế là của cụ B và cụ L không ai có đóng góp gì tạo lập đối với đất này. Thửa đất này, vợ chồng ông Dương Văn B1 và bà H đang quản lý, trông nom, tôn tạo và đóng thuế đất hàng năm.

Ông Dương Văn B1 và Bà Vũ Thị H ( vợ ông Dương Văn B1) đề nghị chia di sản là thửa đất trên và đề nghị xem xét đến công sức của ông Dương Văn B1à trong việc san lấp mặt bằng, xây tường bao loan, đóng thuế đất từ năm 2005 cho đến nay, công sức chăm sóc, nuôi dưỡng, ma chay đối với 02 cụ Dương Văn B và Vũ Thị L.

Bị đơn, bà Dương Thị A trình bày:

Thừa nhận nguyên đơn và người đại diện hợp pháp của nguyên đơn trình bày đúng về thời điểm cụ B và cụ L chết, về quan hệ huyết thống và di sản các cụ để lại như trên. Tuy nhiên, bà A cho rằng khi cụ B còn sống đã chia đất cho ông Dương Văn B1 và ông H, thửa đất đang tranh chấp chia thừa kế cụ B nói giao cho bà Dương Thị A và Dương Thị B bán một nửa lấy tiền xây nhà thờ cúng cụ B và cụ L. Bà Dương Thị A đề nghị chia di sản thừa kế trên theo nội dung di chúc là lời nói của cụ B khi còn sống. bà Dương Thị A đề nghị được vắng mặt trong quá trình giải quyết vụ án.

Bà Dương Thị B trình bày: Bà đồng ý với yêu cầu chia di sản thừa kế của bố mẹ bà là cụ B và cụ L như đề nghị của bà H và ông Dương Văn B1, bà B đề nghị chia cho bà được nhận đất và xin được vắng mặt trong quá trình giải quyết vụ án.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trình bày:

Chị Dương Thị O: Bố chị là Dương Văn H và mẹ chị là Kim Thị T sinh được02 người con là chị và anh Dương Văn H11. Khi bố chị chết không để lại di chúc, ông Dương Văn B1 và bà H đề nghị chia di sản thửa kế của cụ B và cụ L đối vớithửa đất số 7.3, tờ bản đồ số 10, diện tích 228m2 tại Thôn P, xã V, huyện Y, tỉnh Vĩnh Phúc, chị cũng đồng ý và đề nghị chia theo quy định của pháp luật, chị O xin nhận tài sản được chia là quyền sử dụng đất. Chị O đề nghị được vắng mặt trong quá trình giải quyết vụ án.

Anh Dương Văn H11 là con đẻ của ông Dương Văn H (chết năm 2010) trình bày như nội dung chị O đã trình bày và đề nghị phần tài sản anh được chia, anh xin nhận hiện vật là quyền sử dụng đất.

Người làm chứng cụ Dương Quốc B là em trai cụ Dương Văn B trình bày:

Cụ B và cụ L chết không để lại di chúc, khi còn sống cụ B có ý định chuyển quyền sử dụng đất của thửa đất đang đứng tên cụ cho anh Dương văn Đ là con của ông Dương Văn B1 và bà H nhưng do anh Đ mắc bênh bị hạn chế về nhận thức và hành vi nên cụ B vẫn đứng tên thửa đất. Bà Dương Thị A cho rằng khi cụ B còn sống có di chúc bằng lời nói giao cho bà Dương Thị A và Dương Thị B bán một nửa thửa đất đứng tên cụ B lấy tiền xây nhà thờ cúng cụ B và cụ L là không đúng, trước khi chết cụ B không có bất kỳ di chúc nào và cũng không có việc họp gia đình giao đất như bà A trình bày. Cụ Dương Quốc B đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.

Ý kiến của Ủy ban nhân dân xã V, huyện Y: Thửa đất số 7.3, tờ bản đồ số10, diện tích 228m2 tại Thôn P, xã V, huyện Y, tỉnh Vĩnh Phúc là của cụ Dương Văn B đã được Ủy ban nhân dân huyện Y cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số: AP456680 ngày 03/12/2009. Khi cụ B và cụ L chết không để lại di chúc, bà H và ông Dương Văn B1 là người quản lý, tôn tạo và đóng thuế thửa đất trên, năm 2005 đã  xây tường bao loan xung quanh thửa đất và san lấp mặt bằng. Khi đo đạc thực tế thửa đất trên có diện tích là 217.8m2 mà không phải là 228m2 như Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, theo Ủy ban nhân dân xã V cung cấp là do sai số khi đo đạc. Quá trình sử dụng, đất này không có tranh chấp gì với các hộ liền kề, đề nghị Tòa án giải quyết theo diện tích đo đạc thực tế đất là 217.8m2.

Ý kiến của Viện kiểm sát: Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện chia thừa kế của ông Dương Văn B1 do Bà Vũ Thị H  là người đại diện diện hợp pháp.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, tranh tụng công khai tại phiên toà. Hội đồng xét xử nhận thấy như sau:

[1]. Về Thời hiệu khởi kiện: Theo quy định tại khoản 1 Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì “ ... Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, ..., kể từ thời điểm mở thừa kế ...”, cụ Vũ Thị L chết năm 2011, cụ Dương Văn B chết năm 2012, ngày 21/6/2017 ông Dương VănB1 (con của cụ B và cụ L) khởi kiện tại Tòa án yêu cầu chia di sản của cụ B và cụ L là thửa đất số 7.3, tờ bản đồ số 10, diện tích 228m2 (diện tích đo đạc thực tế là 217.8m2) tại Thôn P, xã V, huyện Y, tỉnh Vĩnh Phúc, nên thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế của cụ B và cụ L vẫn còn và thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân huyện Yên Lạc. Ngoài người đại diện hợp pháp của nguyên đơn, những người tham gia tố tụng khác đều đề nghị được giải quyết vắng mặt nên Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt các đương sự này theo thủ tục chung.

[2]. Về di sản thừa kế: Các đương sự đều thừa nhận di sản của cụ Vũ Thị Lvà cụ Dương Văn B chết để lại là thửa đất số 7.3, tờ bản đồ số 10, diện tích228m2  (diện tích đo đạc thực tế là 217.8m2) tại Thôn P, xã V, huyện Y, tỉnh Vĩnh Phúc. Thửa đất này đã được Ủy ban nhân dân huyện Y cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số: AP456680 ngày 03/12/2009 mang tên cụ Dương Văn B. Các đương sự đều đề nghị được chia bằng hiện vật, ngoài thửa đất trên không yêu cầu chia tài sản nào khác.

[3]. Về di chúc: Theo bà Dương Thị A, khi còn sống cụ B họp gia đình có di chúc miệng giao cho bà A và bà Dương Thị B bán một nửa lấy tiền xây nhà thờ cúng cụ B và cụ L, theo quy định tại khoản 5 Điều 652 của Bộ luật Dân sự năm 2005 thì “ Di chúc miệng được coi là hợp pháp, nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng hoặc chứng thực”. Mặt khác, ngoài bà A không có ai khai có việc cụ B khi còn sống có di chúc miệng như trên, cụ Dương Quốc B (em trai cụ B) khẳng định không có việc cụ B họp gia đình và có di chúc miệng như bà A trình bày. Quá trình giải quyết vụ án, bà A và những người tham gia tố tụng khác không cung cấp được tài liệu, chứng cứ nào khác để chứng minh cụ B có di chúc miệng như trên nên có căn cứ khẳng định cụ B và cụ L chết không để lại di chúc.

[4]. Những người thừa kế theo pháp luật:

Cụ Vũ Thị L chết năm 2011và cụ Dương Văn B chết năm 2012, có 04 người con là: Bà Dương Thị B, bà Dương Thị A, ông Dương Văn B1 và ông Dương Văn H; ông H chết năm 2010, có 02 người con là: Chị Dương Thị O và anh Dương Văn H11. theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 651 của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì bà B, bà A, ông Dương Văn B1 và ông H là những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của cụ B và cụ L. Ông Dương Văn H chết năm 2010, ông H có 02 người con là: Chị Dương Thị O và anh Dương Văn H11, Điều 652 của Bộ luật dân sự năm 2015 quy định “Trong trường hợp con của người để lại di sản chết trước… người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống…” cho nên chị Dương Thị O và anhDương Văn H11 là người thừa kế thế vị đối với phần di sản của ông Dương Văn H nếu còn sống được hưởng. Như vậy những người được hưởng thừa kế theo pháp luật của cụ B và cụ L là: Bà Dương Thị B, bà Dương Thị A, ông Dương Văn B1 và người thừa kế thế vị phần được hưởng thừa kế của ông H là chị O và anh H1.

[5]. Về phân chia di sản thừa kế:

Di sản của cụ Dương Văn B và cụ Vũ Thị L để lại là thửa đất số 7.3, tờ bản đồ số 10, diện tích 228m2 (diện tích đo đạc thực tế là 217.8m2) tại Thôn P, xã V, huyện Y, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ được chia làm 04 phần. Tuy nhiên, ông Dương Văn B1 và vợ là Vũ Thị H là người quản lý di sản khi cụ B và cụ L chết, có công duy trì, tôn tạo di sản, nộp thuế đất, năm 2005 ông Dương Văn B1 và bà H đã đổ đất san lấp mặt bằng, xây tường bao của thửa đất, nuôi dưỡng, chăm sóc khi cụ B và cụ L còn sống và lo ma chay cho các cụ khi chết. Do vậy, cần tính công sức cho ông Dương Văn B1, bà H khi chia di sản thừa kế là phù hợp, ông Dương Văn B1 sẽ được chia phần di sản lớn hơn có giá trị nhiều hơn những người thừa kếkhác thuộc hàng thừa kế. Tại phiên tòa, bà H đề nghị công sức của bà tính cho ông Dương Văn B1, xét thấy yêu cầu của bà H là hoàn toàn tự nguyện nên cần chấp nhận. Ngoài ra, Bà Vũ Thị H  còn đề nghị tài sản gắn liền trên phần đất ai được chia thì người đó được quyền sở hữu, bà H không đề nghị chia. Di sản cụ B và cụ L để lại là quyền sử dụng đất, diện tích đo đạc thực tế là 217.8m2 nên sẽ được chia cho những người hưởng thừa kế bằng hiện vật, cụ thể như sau:

- Chia cho ông Dương Văn B1 ( do Bà Vũ Thị H  là đại diện hợp pháp)phần đất có diện tích 67.8m2 (trong đó 50m2 diện tích đất được chia thừa kế và17.8m2 diện tích đất còn lại được tính là công sức của ông Dương Văn B1) cùng toàn bộ tài sản gắn liền trên đất. Ông Dương Văn B1 không phải thanh toán tiền chệnh lệch về tài sản, số đo và các chiều tiếp giáp của thửa đất ông Dương Văn B1 được chia như sau: Cạnh 1-2 tiếp giáp đường liên huyện có chiều dài là8.42m; Cạnh 2-3 tiếp giáp đất nhà bà T có chiều dài là 8.84m; Cạnh 3-11 tiếp giáp đất của anh H1 có chiều dài là 8.10m; Cạnh 1-11 tiếp giáp đường ngõ xóm có chiều dài là 7.68m (có sơ đồ kèm theo).

- Chia cho bà Dương Thị B phần đất có diện tích 50m2 trị giá 5.000.000đ/m2và toàn bộ tài sản gắn liền trên đất, có số đo và các chiều tiếp giáp như sau: Cạnh 10-4 tiếp giáp đất của anh H1 có chiều dài là 7.93m; Cạnh 4-5 tiếp giáp đất nhà bà T có chiều dài là 6.37m; Cạnh 5-8 tiếp giáp đất của bà A có chiều dài là 8.05m; Cạnh 8-9 tiếp giáp đường ngõ xóm có chiều dài là 2.86m; Cạnh 9-10 tiếp giáp đường ngõ xóm có chiều dài là 3.42m (có sơ đồ kèm theo).

-  Chia  cho  bà  Dương  Thị  A  phần  đất  có  diện  tích  50m2 trị  giá5.000.000đ/m2  và toàn bộ tài sản gắn liền trên đất, có số đo và các chiều tiếpgiáp như sau: Cạnh 5-8 tiếp giáp đất của bà B có chiều dài là 8.05m; Cạnh 5-6 tiếp giáp đất của bà T có chiều dài là 6.24m; Cạnh 6-7 tiếp giáp đất nhà bà H có chiều dài là 8.47m; Cạnh 7-8 tiếp giáp đường ngõ xóm có chiều dài là 5.88m (có sơ đồ kèm theo).

- Đối với diện tích đất còn lại 50m2, anh H1 và chị O đều đề nghị được chia bằng hiện vật nhưng khi chia như vậy thì diện tích đất mỗi người được sử dụng quá nhỏ chỉ 25m2  sẽ không còn giá trị sử dụng, mặt khác Cơ quan Nhà nước cũng không thể cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định. Do vậy, diện tích 50m2 còn lại trị giá 5.000.000đ/m2 chia cho anh Dương Văn H1 được quyền sử dụng cùng toàn bộ tài sản gắn liền trên đất, anh H1 có nghĩa vụ thanh toán cho chị Dương Thị O 25m2 bằng tiền là 5.000.000đ/m2. Phần đất anh H1 được chia có số đo và các chiều tiếp giáp như sau: Cạnh 3-4 tiếp giáp đất của bà T có chiều dài là 6.31m; Cạnh 4-10 tiếp giáp đất của bà B có chiều dài là 7.93m; Cạnh 10-11 tiếp giáp đường ngõ xóm có chiều dài là 6.16m; Cạnh 3-11 tiếp giáp đất của bà H có chiều dài là 8.10m (có sơ đồ kèm theo)..

[6]. Về chi phí tố tụng: Bà Vũ Thị H tự nguyện chịu toàn bộ chi phí định giá và thẩm định tài sản và không có yêu cầu gì khác. Do vậy, Hội đồng xét xử không đặt ra xem xét là phù hợp.

[7]. Về án phí: Theo quy định tại điểm đ, khoản 1, Điều 12 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án quy định “những trường hợp sau đây được miễn nộp…án phí: cá nhân thuộc hộ…cận nghèo…”. Ông Dương Văn B1 thuộc hộ cận nghèo nên không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm.

Bà Dương Thị B và Dương Thị A mỗi người được chia 50m2 trị giá5.000.000đ/m2  nên mỗi người phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là: 50m2 x5.000.000đ x 5% = 12.500.000đ; chị Dương Thị O và anh Dương Văn H1 mỗi người được chia 25m2 trị giá 5.000.000đ/m2 nên mỗi người phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là: 25m2 x 5.000.000đ x 5% =6. 250.000đ.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Áp dụng các khoản 5 Điều 652 của Bộ luật Dân sự năm 2005; khoản 1Điều 623, điểm a khoản 1 Điều 651, Điều 652 của Bộ luật Dân sự năm 2015; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

1. Chấp nhận yêu cầu chia thừa kế của ông Dương Văn B1 (do Bà Vũ Thị Hlà người đại diện hợp pháp) đối với thửa đất số 7.3, tờ bản đồ số 10, diện tích228m2  (diện tích đo đạc thực tế là 217.8m2) tại Thôn P, xã V, huyện Y, tỉnhVĩnh Phúc.

2. Chia cho ông Dương Văn B1 (do Bà Vũ Thị H là đại diện hợp pháp)phần đất có diện tích 67.8m2 (trong đó 50m2 diện tích đất được chia thừa kế và17.8m2 diện tích đất còn lại được tính là công sức của ông Dương Văn B1) cùng toàn bộ tài sản gắn liền trên đất. Ông Dương Văn B1 không phải thanh toán tiền chệnh lệch về tài sản, số đo và các chiều tiếp giáp của thửa đất ông Dương Văn B1 được chia như sau: Cạnh 1-2 tiếp giáp đường liên huyện có chiều dài là8.42m; Cạnh 2-3 tiếp giáp đất nhà bà T có chiều dài là 8.84m; Cạnh 3-11 tiếp giáp đất của anh H1 có chiều dài là 8.10m; Cạnh 1-11 tiếp giáp đường ngõ xóm có chiều dài là 7.68m (có sơ đồ kèm theo).

- Chia cho bà Dương Thị B phần đất có diện tích 50m2 và toàn bộ tài sản gắn liền trên đất, có số đo và các chiều tiếp giáp như sau: Cạnh 10-4 tiếp giáp đất của anh H1 có chiều dài là 7.93m; Cạnh 4-5 tiếp giáp đất nhà bà T có chiều dài là6.37m; Cạnh 5-8 tiếp giáp đất của bà A có chiều dài là 8.05m; Cạnh 8-9 tiếp giáp đường ngõ xóm có chiều dài là 2.86m; Cạnh 9-10 tiếp giáp đường ngõ xóm có chiều dài là 3.42m (có sơ đồ kèm theo).

- Chia cho bà Dương Thị A phần đất có diện tích 50m2 và toàn bộ tài sản gắn liền trên đất, có số đo và các chiều tiếp giáp như sau: Cạnh 5-8 tiếp giáp đất của bà B có chiều dài là 8.05m; Cạnh 5-6 tiếp giáp đất của bà T có chiều dài là6.24m; Cạnh 6-7 tiếp giáp đất nhà bà H có chiều dài là 8.47m; Cạnh 7-8 tiếp giáp đường ngõ xóm có chiều dài là 5.88m (có sơ đồ kèm theo).

- Chia cho anh Dương Văn H1 phần đất có diện tích 50m2  và toàn bộ tài sản gắn liền trên đất, có số đo và các chiều tiếp giáp như sau: Cạnh 3-4 tiếp giáp đất của bà T có chiều dài là 6.31m; Cạnh 4-10 tiếp giáp đất của bà B có chiều dài là 7.93m; cạnh 10-11 tiếp giáp đường ngõ xóm có chiều dài là 6.16m; Cạnh3-11 tiếp giáp đất của bà H có chiều dài là 8.10m (có sơ đồ kèm theo). AnhDương Văn H1 phải thanh toán cho chị Dương Thị O số tiền 125.000.000đ.

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 357 Bộ luật Dân sự năm 2015.

3. Về án phí dân sự sơ thẩm:

Ông Dương Văn B1 không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm; bà Dương Thị B và Dương Thị A mỗi người phải chịu 12.500.000đ; chị Dương Thị O và anh Dương Văn H1 mỗi người phải chịu 6.250.000đ.

Các đương sự có mặt có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án, đương sự vắng mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo bản án15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được tống đạt hợp lệ.

“Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án Dân sự.”

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

892
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 19/2017/DS-ST ngày 27/11/2017 về tranh chấp chia thừa kế tài sản

Số hiệu:19/2017/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Yên Lạc - Vĩnh Phúc
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 27/11/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;