TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN
BẢN ÁN 189/2018/HS-ST NGÀY 27/12/2018 VỀ TỘI MUA BÁN, VẬN CHUYỂN TRÁI PHÉP CHẤT MA TÚY
Ngày 27 tháng 12 năm 2018, tại Trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An xét xử sơ thẩm công khai vụ án Hình sự thụ lý số 172/2018/TLST-HS ngày 03 tháng 12 năm 2018; theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 288/2018/QĐXXST-HS ngày 14 tháng 12 năm 2018, đối với bị cáo:
Họ và tên: Vi Văn H, tên gọi khác: Không; Sinh ngày 10 tháng 9 năm 1964 tại huyện K, tỉnh Nghệ An; Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: Khối 1, thị trấn M, huyện K, tỉnh Nghệ An; Giới tính: Nam; Trình độ H vấn: 10/10; Nghề nghiệp: Lao động tự do; Dân tộc: Thái; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông Vi Văn X (đã chết) và bà Lăm Thị U (thường gọi là Vi Thị X); Vợ: Lô Thị M; Con: Có 03 con, con lớn nhất sinh năm 1987, con nhỏ nhất sinh năm 1992; Tiền án, tiền sự: Chưa có. Bị cáo bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 17 tháng 7 năm 1992 đến ngày 30 tháng 10 năm 1992 và từ ngày 11 tháng 8 năm 2018 đến nay; có mặt tại phiên tòa.
- Người bào chữa cho bị cáo: Ông Nguyễn Văn Tùng, Luật sư thuộc Văn phòng Luật sư Quốc tế - ILC, Đoàn Luật sư tỉnh Nghệ An; có mặt tại phiên tòa.
- Người làm chứng: Ông Bùi Xuân C và ông Vi Văn X; đều vắng mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Vào ngày 11 tháng 7 năm 1992, Vi Văn H đang ở nhà thì có một người đàn ông quốc tịch Lào, tên P đến gặp và thuê H đưa 10 gói thuốc phiện xuống Khách sạn T, thành phố V, tỉnh Nghệ An để bán cho khách với số tiền công 200.000 đồng, H đồng ý. Ngày 12 tháng 7 năm 1992, Vi Văn H mang theo 10 gói thuốc phiện mà P đã đưa từ trước, đón xe khách đi xuống thành phố Vinh. Sáng ngày 13 tháng 7 năm 1992, H xuống đến thành phố V và mang theo túi xách chứa 10 gói thuốc phiện đi đến nhà Bùi Mạnh C tại Khu tập thể Xí nghiệp Dược phẩm N tại phường H, thành phố V để nghỉ ngơi.
Tối ngày 15 tháng 7 năm 1992, Vi Văn H đến gặp P tại Khách sạn T, thành phố V để giao lại thuốc phiện nhưng P nói H tiếp tục giữ số thuốc phiện, chờ vài ngày nữa để P tìm người mua và hứa hẹn cho thêm tiền. Tối ngày 16 tháng 7 năm 1992, Bùi Mạnh C và Vi Văn H ngồi nói chuyện với nhau, H có nói lại với C việc đưa ma túy xuống bán và chuẩn bị mang ma túy đi giao. Sau đó, H đi đến cầu T thuộc phường H, thành phố Vinh gặp P. P nói với H: “Đã tìm được khách mua, sáng mai khoảng 10 giờ đưa hàng đến nhà hát nhân dân cho P để giao cho khách”. Sáng ngày 17 tháng 7 năm 1992, Bùi Mạnh C dùng xe máy chở H mang theo 08 gói thuốc phiện để đi giao. Khi đi đến Ngã 5 thuộc phường H, thành phố V, tỉnh Nghệ An thì bị Công an thành phố V, tỉnh Nghệ An bắt quả tang, thu giữ 08 gói thuốc phiện. Cơ quan Công an tiến hành khám xét khẩn cấp và thu giữ thêm 02 gói thuốc phiện H cất giấu tại nhà C.
Tại biên bản mở niêm phong và Kết luận giám định ngày 11 tháng 8 năm 1992 của Hội đồng giám định đã kết luận: 10 gói thuốc phiện thu giữ của Vi Văn H và Bùi Mạnh C có trọng lượng 13,2 kg. Trong số đó, có 4,05 kg tỷ lệ thuốc phiện từ 20 - 40%; còn lại 9,15 kg tỷ lệ thuốc phiện không đáng kể (bút lục số 14,15,16). Toàn bộ thuốc phiện đã bị tiêu hủy theo quy định.
Vi Văn H và Bùi Mạnh C đã bị Tòa án nhân dân thành phố Vinh, tình Nghệ An xét xử tại Bản án Hình sự sơ thẩm số 101/HS-ST ngày 30 tháng 10 năm 1992. Bản án bị Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An kháng nghị để xét xử theo thủ tục phúc thẩm. Trong thời gian chuẩn bị xét xử, Vi Văn H đã bỏ trốn và bị cơ quan Công an đã ra quyết định truy nã. Đến ngày 11 tháng 8 năm 2018, Vi Văn H đã đến Phòng Cảnh sát Truy nã Công an tỉnh Nghệ An để đầu thú.
Bản Cáo trạng số 203/CT-VKS-P1 ngày 28 tháng 11 năm 2018 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An truy tố bị cáo Vi Văn H về tội “Mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy” theo khoản 3 Điều 96a Bộ luật Hình sự năm 1985 (sửa đổi, bổ sung năm 1989).
Tại phiên tòa, Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An giữ nguyên nội dung Cáo trạng đã truy tố và đề nghị Hội đồng xét xử: Căn cứ khoản 3 Điều 96a Bộ luật Hình sự năm 1985 (sửa đổi, bổ sung năm 1989); điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015; xử phạt bị cáo Vi Văn H từ 12 đến 13 năm tù về tội “Mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy”; miễn hình phạt bổ sung là hình phạt tiền cho bị cáo. Bị cáo khi thực hiện hành vi phạm tội đã được trả tiền công 200.000 đồng nên cần truy thu sung vào ngân sách Nhà nước.
Người bào chữa cho bị cáo Vi Văn H không tranh luận về tội danh, chỉ đề nghị Hội đồng xét xử xem xét các tình tiết: Trong quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; bị cáo đã ra đầu thú về hành vi phạm tội của mình; lượng ma túy chưa được mua bán thì đã được ngăn chặn; bị cáo là người đã từng có thời gian tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc làm nhiệm vụ quốc tế; để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Bị cáo Vi Văn H nhất trí với ý kiến tranh luận của người bào chữa, không tranh luận gì thêm. Bị cáo đã nhận thức được hành vi phạm tội của mình, chỉ vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên mới phạm tội. Bị cáo cũng đề nghị Hội đồng xét xử xem xét kết quả giám định hàm lượng thuốc phiện nguyên chất có khối lượng ít hơn 13,2 kg khi bị bắt để được giảm nhẹ hình phạt.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được tranh bụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử, các hành vi, quyết định của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, người bào chữa đã thực hiện đúng quy định của pháp luật. Tại phiên tòa, bị cáo và người bào chữa không có ý kiến hoặc khiếu nại về các hành vi, quyết định tố tụng này.
[2] Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có tại hồ sơ vụ án và lời khai của bị cáo thể hiện: Vào ngày 11 tháng 7 năm 1992, Vi Văn H được một người đàn ông tên là P (quốc tịch Lào) thuê đưa 10 gói thuốc phiện xuống bán cho khách tại thành phố V, tỉnh Nghệ An, tiền công là 200.000 đồng. Vi Văn H đồng ý và ngày hôm sau mang số thuốc phiện trên đến nhà Bùi Mạnh C tại Khu tập thể Xí nghiệp Dược phẩm N để nghỉ nhờ. Đến sáng ngày 17 tháng 7 năm 1992, Vi Văn H mang 08 gói thuốc phiện cùng với Bùi Mạnh C đi giao thì bị Công an thành phố V bắt quả tang. Cơ quan Công an tiếp tục khám xét và thu giữ 02 gói thuốc phiện được Vi Văn H cất giấu tại nhà C.
[3] Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Vi Văn H đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội như nội dung của bản Cáo hạng đã truy tố. Lời khai của bị cáo phù hợp với lời khai trong quá trình điều tra, phù hợp với các tài liệu chứng cứ đã thu thập trong hồ sơ vụ án.
[4] Xét tính chất, hành vi phạm tội của bị cáo thấy rằng:
Tại thời điểm bị cáo Vi Văn H phạm tội (tháng 7 năm 1992) thì Bộ luật Hình sự năm 1985 (sửa đổi, bổ sung năm 1989) đang có hiệu lực thi hành Bị cáo đã có hành vi mua bán, vận chuyển 13,2 kg thuốc phiện là phạm tội thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng; theo quy định tại Mục 4 Thông tư liên ngành số 07/TTLN ngày 05 tháng 12 năm 1992 của Bộ Nội vụ, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao và Tòa án nhân dân Tối cao thì bị cáo Vi Văn H bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 3 Điều 96a Bộ luật Hình sự năm 1985 (sửa đổi, bổ sung năm 1989).
Tại kết quả giám định ngày 11 tháng 8 năm 1992 của Hội đồng giám định thì 13,2 kg thuốc phiện thu giữ của Vi Văn H có 4,05 kg tỷ lệ thuốc phiện 20- 40%, còn lại 9,15 kg tỷ lệ thuốc phiện không đáng kể. Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 14 tháng 12 năm 2017 của Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn một số quy định về tội phạm ma túy (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư liên tịch số 08/2015/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 14 tháng 11 năm 2015) thì việc giám định hàm lượng chất ma túy được thực hiện trong một số trường hợp nhất định. Căn cứ Công văn số 315/TANDTC-PC ngày 11 tháng 12 năm 2015 thì việc giám định hàm lượng chất ma túy được thực hiện trong vụ án ma túy mà người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt có mức án từ 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình. Tuy nhiên, do vụ án đã xảy ra từ lâu, bị cáo Vi Văn H bỏ trốn và toàn bộ thuốc phiện thu giữ đã bị tiêu hủy sau khi bản án xét xử Bùi Mạnh C có hiệu lực pháp luật nên không có tang vật để tiến hành giám định xác định hàm lượng.
Bị cáo mặc dù không biết tỷ lệ thuốc phiện là bao nhiêu nhưng có ý thức mang 10 gói thuốc phiện khối lượng 13,2 kg để bán cho người khác. Căn cứ kết quả giám định thì khối lượng thuốc phiện nguyên chất ít hơn 13,2 kg, với cùng khối lượng thuốc phiện này thì khung hình phạt quy định tại Bộ luật Hình sự năm 1985 (sửa đổi, bổ sung năm 1989) thấp hơn Bộ luật Hình sự năm 2015. Do đó, cần xét xử bị cáo Vi Văn H về tội “Mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy” quy định tại khoản 3 Điều 96a Bộ luật Hình sự năm 1985 (sửa đổi, bổ sung năm 1989) như Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An đã truy tố là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm đến chế độ quản lý độc quyền của Nhà nước về các chất ma túy. Bị cáo là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự, nhận được được hành vi của mình là vi phạm pháp luật, thấy được tác hại của mình gây ra nhưng vì vụ lợi nên vẫn thực hiện, phạm tội thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng. Mặc dù việc mua bán chưa thực hiện xong thì bị bắt giữ nhưng với lượng ma túy lớn, nếu không được phát hiện, ngăn chặn kịp thời sẽ là mối hiểm họa lớn cho xã hội, làm suy thoái giống nòi, suy đồi đạo đức và là nguyên nhân gián tiếp làm phát sinh nhiều loại tội phạm nguy hiểm khác, gây mất trật tự trị an, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân trên địa bàn. Bị cáo là người có vai trò chính trong vụ án; trong thời gian chuẩn bị xét xử vụ án thì bỏ trốn, gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng. Do đó, cần phải xét xử nghiêm minh để răn đe, đáp ứng công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy và mang tính phòng ngừa chung cho xã hội.
[5] Xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ của bị cáo: Bị cáo phạm tội không có tình tiết tăng nặng; có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự. Trong giai đoạn điều tra và tại phiên tòa đã nhận thức được hành vi phạm tội của mình, đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; bị cáo trước đây đã có thời gian tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế sau ngày 30 tháng 4 năm 1975; sau một thời gian bỏ trốn, bị cáo đã ra đầu thú. Đây là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015 cần được xem xét áp dụng để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo, thể hiện sự khoan hồng của pháp luật. Xét tính chất, vai trò, mức độ nguy hiểm cho xã hội, bị cáo phạm tội ghép (có 02 hành vi), lẽ ra phải xử phạt bị cáo H mức hình phạt cao hơn mức hình phạt đã áp dụng đối với bị cáo C nhưng nguyên tắc có lợi cho bị cáo, cần xử phạt bị cáo Vi Văn H mức án ở đầu khung hình phạt để bị cáo có ý thức tu dưỡng, lao động, cải tạo trở thành người có ích và sớm trở về với gia đình và xã hội.
[6] Về hình phạt bổ sung: Xét thấy, bị cáo Vi Văn H có hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có tài sản gì đáng giá nên cần miễn hình phạt bổ sung là hình phạt tiền. Ngoài ra, theo tinh thần của Thông tư liên ngành số 07/TTLN thì đối với trường hợp phạm tội của Vi Văn H, cần lưu ý áp dụng hình phạt bổ sung bắt buộc là quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật hiện hành thì không áp dụng loại hình phạt bổ sung này đối với người phạm tội về ma túy, do đó, Hội đồng xét xử không xem xét, áp dụng.
[7] Đối với số tiền 200.000 đồng, bị cáo H khai được P trả tiền công khi nhận vận chuyển, mua bán ma túy, đây là khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội nên cần truy thu sung vào ngân sách Nhà nước.
[8] Về vật chứng: Đối với toàn bộ số thuốc phiện thu giữ được của bị cáo đã được tiêu hủy sau khi các bản án xét xử trước có hiệu lực pháp luật. Đối với chiếc đồng hồ Senko thu giữ của bị cáo, do bị cáo bỏ trốn nên bản án sơ thẩm trước đã tuyên tịch thu, hóa giá sung quỹ Nhà nước nếu sau 01 năm không bắt được bị cáo. Tại phiên tòa, bị cáo H không có đề nghị gì (vì thời gian đã lâu, chiếc đồng hồ có giá trị không lớn) nên Hội đồng xét xử không xem xét.
[9] Về án phí, bị cáo Vi Văn H phải chịu án phí Hình sự sơ thẩm theo quy định pháp luật.
[10] Đối với Bùi Mạnh C đã bị Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An xử phạt 12 năm tù về tội “Vận chuyển trái phép chất ma túy”; đối với người đàn ông tên P (quốc tịch Lào), do không xác minh được lai lịch, địa chỉ cụ thể nên không có căn cứ để xử lý.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Tuyên bố bị cáo Vi Văn H phạm tội “Mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy”.
Căn cứ khoản 3 điều 96a Bộ luật Hình sự năm 1985 (sửa đổi, bổ sung năm 1989); điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015; xử phạt bị cáo Vi Văn H 12 (Mười hai) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt tạm giữ, tạm giam (ngày 11 tháng 8 năm 2018) nhưng được khấu trừ đi thời gian tạm giữ, tạm giam từ ngày 17 tháng 7 năm 1992 đến ngày 30 tháng 10 năm 1992.
Miễn hình phạt bổ sung là hình phạt tiền cho bị cáo Vi Văn H.
Căn cứ Điều 47 Bộ luật Hình sự năm 2015, truy thu của bị cáo Vi Văn H số tiền 200.000 đồng (Hai trăm nghìn đồng) sung vào ngân sách Nhà nước.
Về án phí: Căn cứ khoản 2 Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự; điểm a khoản 1 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án; buộc bị cáo Vi Văn H phải chịu 200.000 đồng (Hai trăm nghìn đồng) án phí Hình sự sơ thẩm.
Báo cho bị cáo được biết có quyền kháng cáo bản án lên Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án./.
Bản án 189/2018/HS-ST ngày 27/12/2018 về tội mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy
Số hiệu: | 189/2018/HS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Nghệ An |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 27/12/2018 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về