TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN LANG CHÁNH, TỈNH THANH HÓA
BẢN ÁN 18/2022/HS-ST NGÀY 30/09/2022 VỀ TỘI TỔ CHỨC NGƯỜI KHÁC TRỐN ĐI NƯỚC NGOÀI
Ngày 30 tháng 9 năm 2022, tại trụ sở Toà án nhân dân huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hoá xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 13/2022/TLST- HS ngày 29/8/2022, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 17/2022/QĐXXST- HS ngày 16/9/2022, đối với bị cáo:
Nguyễn Đình B, tên gọi khác: Không; sinh ngày 20/12/1958, tại xã AB, huyện NS, tỉnh HD; nơi cư trú: Thôn ĐT, xã QT, huyện NS, tỉnh Hải Dương; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ học vấn: Lớp 7/10; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Nguyễn Đình Nh (đã chết) và bà Nguyễn Thị K (đã chết); có vợ là Nguyễn Thị C, sinh năm 1957 và 03 con; tiền án, tiền sự: Không; bị tạm giữ từ ngày 12/6/2022 đến ngày 15/6/2022 chuyển tạm giam và đến ngày 21/7/2022 được thay đổi biện pháp ngăn chặn bằng biện pháp Cấm đi khỏi nơi cư trú; bị cáo tại ngoại, có mặt.
Người làm chứng:
- Anh Nguyễn Đình H, sinh năm 1968 Nơi cư trú: Thôn TT, xã VD, thị xã ĐT, tỉnh Quảng Ninh; vắng mặt.
- Anh Lê Văn Th, sinh năm 1970 Nơi cư trú: Thôn GS, xã TS, huyện NL, tỉnh Thanh Hóa; vắng mặt.
- Anh Đỗ Trí Th1, sinh năm 1975 Nơi cư trú: Phố X QT, thị trấn NL, huyện NL, tỉnh Thanh Hóa; vắng mặt.
- Anh Hà Văn L, sinh năm 1979 - Anh Vi Văn Th, sinh năm 1977 - Anh Vi Văn H, sinh năm 1975 - Anh Hà Văn H, sinh năm 1986 - Anh Lò Văn Th, sinh năm 1992 - Anh Lò Văn Th1, sinh năm 1986 - Anh Vi Văn Th1, sinh năm 1988 - Anh Hà Văn L1, sinh năm 1980 - Anh Hà Văn Th, sinh năm 1987 - Anh Hà Văn D, sinh năm 1996 - Anh Hà Văn Ph, sinh năm 1976 - Anh Lò Văn T, sinh năm 1981 - Anh Lò Văn Ch, sinh năm 1991 Cùng cư trú: Bản VN, xã YT, huyện LC, tỉnh Thanh Hóa; đều vắng mặt.
- Anh Lương Văn T, sinh năm 1979 Nơi cư trú: Bản M, xã YKg, huyện LC, tỉnh Thanh Hóa; vắng mặt.
- Anh Lương Văn Th, sinh năm 1993 - Anh Lương Văn C, sinh năm 1983 Cùng cư trú: Bản M, xã YK, huyện LC, tỉnh Thanh Hóa; đều có mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Ngày 07/9/2014, Công an huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa tiếp nhận vụ việc, về kiến nghị của thân nhân 14 công dân ở hai xã YT và xã YK, huyện LC tố cáo người thân của họ bị Hà Văn L, ở xã YT hợp đồng làm thuê ở Móng Cái, Quảng Ninh nhưng đã lừa, tổ chức đưa họ trốn sang Trung Quốc lao động cực khổ, bất hợp pháp. Ngày 08/12/2014, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Lang Chánh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Hà Văn L, Lê Văn Th về tội “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài” quy định tại Điều 275 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999.
Ngày 18/12/2014, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Lang Chánh chuyển vụ án đến Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa để điều tra theo thẩm quyền. Ngày 16/3/2015, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa ra Quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Đình H và Nguyễn Đình B về tội Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài, theo Điều 275 BLHS năm 1999. Sau khi bị khởi tố Nguyễn Đình B bỏ trốn khỏi địa phương. Ngày 15/6/2015, Cơ quan An ninh điều tra ra Quyết định truy nã số 01/ANĐT đối với Nguyễn Đình B và tách vụ án hình sự, quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án, bị can đối với Nguyễn Đình B về tội “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài”.
Ngày 31/7/2015, Cơ quan An ninh điều tra kết thúc điều tra, ra bản kết luận điều tra và chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án đến Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thanh Hóa đề nghị truy tố các bị can Nguyễn Đình H, Lê Văn Th và Hà Văn L về tội “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài” theo Điều 275 BLHS năm 1999.
Ngày 28/9/2015, Tòa án nhân dân huyện Lang Chánh xét xử, tuyên phạt Nguyễn Đình H 42 tháng tù; Lê Văn Th và Hà Văn L 30 tháng tù, cho hưởng án treo về tội “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài” theo khoản 1 Điều 275 BLHS năm 1999. Đến nay H, Th và L đã chấp hành xong hình phạt.
Ngày 12/6/2022, Nguyễn Đình B từ Trung Quốc về Việt Nam đến Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đầu thú. Cơ quan An ninh điều tra đã lập biên bản tiếp nhận người phạm tội ra đầu thú và ra Quyết định phục hồi điều tra vụ án hình sự, phục hồi điều tra bị can để tiến hành điều tra theo quy định pháp luật.
Tại Cơ quan An ninh điều tra, Nguyễn Đình B khai nhận: Vào khoảng tháng 7 năm 2014, Nguyễn Đình B được em trai là Nguyễn Đình H, sinh năm 1967 ở xã An Lâm, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, đang lao động ở Trung Quốc điện thoại nhờ B tìm hộ 15 người để tổ chức cho họ trốn sang Trung Quốc lao động, công việc là chặt gỗ bạch đàn, mức lương 8.000.000 triệu đồng một tháng. Sau đó B đã bàn với Lê Văn Th, sinh năm 1970 ở xã TS, huyện NL, tỉnh Thanh Hóa (người quen biết từ trước với B) tìm 15 người đi khai thác gỗ bạch đàn tại Trung Quốc. Th liên hệ với Hà Văn L, sinh năm 1979 ở bản VN, xã YT, huyện LC tìm lao động.
Một thời gian sau, L đã tìm được 15 người ở xã Yên Thắng và xã Yên Khương, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa, L gọi điện báo cho Th biết. Th thông báo cho B biết, B hẹn đầu tháng 8 năm 2014 sẽ vào Thanh Hóa đón người. Ngày 04/8/2014, B đi xe khách vào Thanh Hóa đến nhà Th và nhờ Th thuê xe ô tô đi đón 15 người lao động. Th liên hệ và thuê xe ô tô 16 chỗ của anh Đỗ Trí Th1 ở khu phố 1, thị trấn Ngọc Lặc đưa B đi lên xã Yên Thắng, huyện Lang Chánh gặp L để đón người lao động. Sau khi đón được 15 lao động, B và Th đưa họ đến bến xe khách huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa, sau đó B đưa 15 lao động này lên xe ô tô khách đi ra Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh (Th không đi cùng). Trên đường đi, B có điện nói cho H biết và H cho B số điện thoại của một người đàn ông tên Hùng để B liên lạc với Hùng đưa các lao động này trốn sang Trung Quốc. Sau khi đến bến xe khách Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. B liên lạc với Hùng và được Hùng đón rồi đưa 15 người vượt biên sang Trung Quốc bằng thuyền qua sông Ka Long thuộc địa phận thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh còn B đi bằng hộ chiếu qua cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Khi sang đến Trung Quốc, B được Hùng cho người đón đi cùng 15 người lao động vào sâu vào nội địa Trung Quốc. Toàn bộ chi phí để đưa 15 lao động từ huyện Lang Chánh sang Trung Quốc do B chi trả. Ngày 6/8/2014, khi mọi người đi đến bến xe khách Zẻng Coóng, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, B gọi điện cho H đến đón. H đến đón B và 15 lao động đưa vào nhà trọ ngay bến xe khách Zẻng Coóng để ngủ, sáng hôm sau H đưa 15 người lao động cùng với B vào rừng của ông chủ người Trung Quốc để khai thác gỗ bạch đàn (cách bến xe khách khoảng 40km). Do công việc vất vả, mức lương thấp, phải sống chui lủi và công việc không liên tục nên 15 lao động yêu cầu H bắt xe khách cho họ trở về Việt Nam, đầu tháng 12/2014 H đã bắt xe khách cho 15 người lao động về địa phương.
Về chi phí để đưa lao động ở Lang Chánh sang Trung Quốc, Nguyễn Đình B, Nguyễn Đình H đã trừ vào tiền lương tháng đầu tiên (tháng 8/2014) của người lao động là 3.500.000đ (ba triệu năm trăm ngàn đồng). Chi phí đi từ Quảng Đông, Trung Quốc về Móng Cái, Quảng Ninh, Nguyễn Đình H trừ vào lương tháng 11/2014 là 950 đồng tiền Nhân dân tệ (tương đương 3.360.000 đồng).
Cơ quan An ninh điều tra đã tiến hành ghi lời khai đối với 08 trường hợp xuất cảnh sang Trung Quốc để lao động và làm việc với Hà Văn L, Lê Văn Th, Nguyễn Đình H, các trường hợp còn lại không có mặt tại địa phương và không rõ địa chỉ. Các tài liệu đã thu thập được phù hợp với lời khai của Nguyễn Đình B.
Trong vụ án này còn có người đàn ông tên Hùng ở thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh là người B khai đưa 15 người lao động trốn sang Trung Quốc, có dấu hiệu phạm tội tổ chức người khác trốn đi nước ngoài. Tuy nhiên, do tài liệu phản ánh thông tin về nhân thân của người này không có, thời gian xảy ra vụ án đã lâu. Nên không thể điều tra xác định và xử lý.
Đối với Đỗ Trí Th1 là người lái xe ô tô 16 chỗ chở B, Th từ thị trấn huyện Ngọc Lặc đến xã Yên Thắng, huyện Lang Chánh đón 15 người lao động đưa ra bến xe khách Ngọc Lặc để đi sang Trung Quốc, nhưng anh Th1 không biết mục đích thuê xe của Th để chở người trốn đi nước ngoài, nên Cơ quan điều tra không xem xét.
Đối với 15 người lao động đã có hành vi xuất, nhập cảnh trái phép. Nhưng đã hết thời hiệu xử phạt nên Cơ quan An ninh điều tra không đề nghị xử phạt vi phạm hành chính.
Cáo trạng số 55/CT-VKS-P1 ngày 26/8/2022 của VKSND tỉnh Thanh Hóa truy tố Nguyễn Đình B về tội “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài” theo khoản 1 Điều 275 của BLHS năm 1999.
Tại phiên tòa, Đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hoá giữ nguyên quyết định truy tố và đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng: Khoản 1 Điều 275 của BLHS năm 1999; điểm s khoản 1, 2 Điều 51; Điều 17 và Điều 65 của BLHS năm 2015. Xử phạt Nguyễn Đình B từ 34 (Ba mươi tư) đến 36 (Ba mươi sáu) tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 60 (Sáu mươi) tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm; bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.
Bị cáo thành khẩn nhận tội; không có ý kiến tranh luận với Kiểm sát viên;
đề nghị Hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo được hưởng mức án thấp và cho hưởng án treo để bị cáo có điều kiện cải tạo, học tập trở thành người tốt, có ích cho xã hội.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1]. Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra và Điều tra viên, của Viện kiểm sát và Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử đã thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, thủ thục theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra, truy tố và tại phiên tòa sơ thẩm, người tham gia tố tụng không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra và Điều tra viên, của Viện kiểm sát và Kiểm sát viên. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra và Điều tra viên, của Viện kiểm sát và Kiểm sát viên đã thực hiện là hợp pháp.
[2]. Về căn cứ định tội, định khung hình phạt đối với bị cáo: Lời nhận tội của bị cáo tại phiên tòa phù hợp với tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và lời khai của người tham gia tố tụng khác, đủ cơ sở kết luận: Ngày 04/8/2014, Nguyễn Đình B cùng Nguyễn Đình H, Hà Văn L và Lê Văn Th đã có hành vi tổ chức cho 15 công dân ở huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa trốn sang Trung Quốc lao động trái phép. Hành vi của Nguyễn Đình B và đồng phạm đã phạm vào tội “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài”. Nguyễn Đình H, Hà Văn L và Lê Văn Th đã bị xét xử và chấp hành xong bản án nên không xem xét, còn Nguyễn Đình B đã bỏ trốn, đến ngày 12/6/2022 ra đầu thú và thành khẩn nhận tội. Bị cáo thực hiện hành vi phạm tội trước thời điểm BLHS năm 2015 có hiệu lực thi hành, nhưng tại thời điểm điều tra, truy tố và xét xử thì BLHS năm 2015 đã có hiệu lực thi hành. Đối chiếu tình tiết của vụ án với quy định tại Điều 349 của BLHS năm 2015 về tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài” thì hành vi của bị cáo tương ứng với quy định tại khoản 3 Điều 349 của BLHS năm 2015, có hình phạt nặng hơn quy định tại khoản 1 Điều 275 của BLHS năm 1999, không có lợi cho người phạm tội, nên căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 7 của BLHS năm 2015 và điểm c khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội, để áp dụng khoản 1 Điều 275 của BLHS năm 1999 truy tố, xét xử đối với bị cáo là phù hợp.
Đến đầu tháng 12/2014, toàn bộ số công dân trên đã về nước an toàn, không bị thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản, nên bị cáo không bị áp dụng tình tiết định khung tăng nặng. Việc tổ chức người khác trốn đi nước ngoài không nhằm chống chính quyền nhân dân, nên không thuộc trường hợp quy định tại Điều 91 của BLHS năm 1999, Điều 120 của BLHS năm 2015.
Vì vậy, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thanh Hóa truy tố Nguyễn Đình B về tội “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài” theo khoản 1 Điều 275 của BLHS năm 1999 là đúng người, đúng tội và đúng pháp luật.
[3]. Về tính chất vụ án: Hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến hoạt động quản lý hành chính về lĩnh vực xuất, nhập cảnh của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh đối ngoại của Nhà nước. Để bảo đảm cho hoạt động quản lý hành chính về lĩnh vực xuất, nhập cảnh được bình thường, đảm bảo an ninh đối ngoại của Nhà nước, hành vi của bị cáo cần phải được xử lý nghiêm theo quy định của BLHS.
[4]. Về đồng phạm, vai trò và trách nhiệm của các bị cáo. Các bị cáo cùng tham gia thực hiện hành vi phạm tội, không có sự bàn bạc và cấu kết chặt chẽ với nhau, nên thuộc trường hợp đồng phạm giản đơn. Nguyễn Đình H là người khởi sướng, rủ rê người khác cùng thực hiện tội phạm; bố trí người đưa đón, tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài và lao động trái phép ở nước ngoài; chịu trách nhiệm chi phí đi về và ăn ở cho người lao động, nên H có vai trò thứ nhất và phải chịu trách nhiệm cao hơn các bị cáo khác. Bị cáo Nguyễn Đình B, liên hệ tìm người lao động, trực tiếp đưa người lao động trốn đi nước ngoài và quản lý người lao động trong thời gian đầu ở nước ngoài, nên có vai trò thứ hai; Lê Văn Th và Hà Văn L là người trực tiếp liên hệ tìm người lao động để tổ chức cho họ trốn đi nước ngoài, nên cùng có vai trò thứ ba và phải trách nhiệm thấp hơn các bị cáo khác. Đến nay Nguyễn Đình H, Lê Văn Th và Hà Văn L đã bị xét xử và chấp hành xong bản án, nên không xem xét.
[5]. Về tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nhân thân bị cáo: Bị cáo không bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; tự nguyện ra đầu thú; ông Nguyễn Văn Cạnh, bố vợ bị cáo là người có công với cách mạng. Tại thời điểm điều tra, truy tố và xét xử đối với bị cáo, BLHS năm 2015 đã có hiệu lực thi hành. So sánh các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 46 của BLHS năm 1999 và Điều 51 của BLHS năm 2015 thì Điều 51 của BLHS năm 2015 quy định mở rộng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự hơn. Vì vậy, nên căn cứ khoản 3 Điều 7 BLHS năm 2015 và điểm b khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội để áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định điểm s khoản 1, 2 Điều 51 của BLHS năm 2015 để xem xét giảm nhẹ cho bị cáo một phần hình phạt là phù hợp. Bị cáo không bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1, 2 Điều 51 của BLHS năm 2015; bị cáo đã trên 60 tuổi, có nhân thân tốt, có nơi cư trú rõ ràng, có khả năng tự cải tạo; trong quá trình bị cáo bỏ trốn, gia đình đã tích cực động viên bị cáo ra đầu thú để nhận sự khoan hồng của pháp luật. Điều này thể hiện gia đình bị cáo là môi trường tốt để bị cáo cải tạo trở thành người tốt; việc cho bị cáo hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội, nên áp dụng Điều 65 của BLHS năm 2015 cho bị cáo hưởng án treo cũng đủ điều kiện giáo dục, cải tạo bị cáo trở thành người tốt.
[6]. Đối với hành vi phạm tội của Nguyễn Đình H, Hà Văn L và Lê Văn Th đã bị xét xử và chấp hành xong bản án, nên không xem xét.
Đối với người đàn ông tên Hùng ở thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh là người đưa 15 người lao động trốn sang Trung Quốc. Do thời gian xảy ra vụ án đã lâu, tài liệu phản ánh thông tin về nhân thân của người này không có, nên không có căn cứ để xem xét xử lý.
Đối với Đỗ Trí Th1 là người lái xe ô tô 16 chỗ chở B, Th từ thị trấn huyện Ngọc Lặc đến xã Yên Thắng, huyện Lang Chánh để đón 15 người lao động đưa ra bến xe khách Ngọc Lặc để đi sang Trung Quốc. Nhưng anh Th1 không biết mục đích thuê xe của Th để chở người trốn đi nước ngoài, nên không xem xét xử lý.
Đối với 15 người lao động đã có hành vi xuất, nhập cảnh trái phép. Đến nay đã hết thời hiệu xử phạt, Cơ quan An ninh điều tra không đề nghị xử phạt vi phạm hành chính, nên không xem xét.
[7]. Về án phí: Bị cáo là người bị kết án nên phải chịu án phí hình sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.
Vì những lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Tuyên bố: Bị cáo Nguyễn Đình B phạm tội “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài”.
Áp dụng: Khoản 1 Điều 275 của Bộ luật hình sự năm 1999; điểm s khoản 1, 2 Điều 51, Điều 17, Điều 65 và khoản 2, 3 Điều 7 của Bộ luật Hình sự năm 2015; các điểm b, c khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội.
Xử phạt: Bị cáo Nguyễn Đình B 36 (Ba mươi sáu) tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 60 (Sáu mươi) tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.
Giao bị cáo Nguyễn Đình B cho UBND xã QT, huyện NS, tỉnh Hải Dương giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách. Trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 92 của Luật Thi hành án hình sự năm 2019.
Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.
Về án phí: Căn cứ Điều 136 của Bộ luật Tố tụng hình sự; Áp dụng điểm a khoản 1 Điều 23 Nghị quyết số 326/NQ-UTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Bị cáo Nguyễn Đình B phải chịu 200.000đ (Hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự sơ thẩm.
Bản án này được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Án xử công khai sơ thẩm, có mặt bị cáo. Bị cáo được quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.
Bản án 18/2022/HS-ST về tội tổ chức người khác trốn đi nước ngoài
Số hiệu: | 18/2022/HS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Lang Chánh - Thanh Hoá |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 30/09/2022 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về