Bản án 18/2020/HS-PT ngày 19/06/2020 về tội tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH HÒA BÌNH

BẢN ÁN 18/2020/HS-PT NGÀY 19/06/2020 VỀ TỘI TỔ CHỨC CHO NGƯỜI KHÁC TRỐN ĐI NƯỚC NGOÀI TRÁI PHÉP

Ngày 19 tháng 6 năm 2020, tại trụ sở tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình xét xử công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số 25/2020/TLPT-HS, ngày 23 tháng 4 năm 2020 đối với bị cáo Trần Văn C, do có kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hòa Bình, đối với bản án hình sự sơ thẩm số 05/2020/HS-ST ngày 10/03/2020 của Tòa án nhân dân huyện Đ, tỉnh Hòa Bình.

Bị cáo không kháng cáo, bị kháng nghị:

Trần Văn C sinh năm 1988, tại xã T, huyện Đ, Hòa Bình. Nơi cư trú: Xóm Tr, xã T, huyện Đ, tỉnh Hòa Bình; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ văn hóa: 11/12; dân tộc: kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Trần Văn H và bà Phạm Thị N (đều đã chết); vợ, con: Chưa có; tiền sự: Không; nhân thân: Ngày 13/12/2007, Tòa nhân dân tỉnh Hòa Bình xét xử phúc thẩm xử phạt 08 năm tù về tội mua bán trái phép chất ma túy (bản án số 48/2007/HSPT); ngày 13/3/2014 chấp hành xong hình phạt, ngày 28/6/2010 chấp hành xong án phí; bị tạm giữ, tạm giam từ ngày 04/9/2019 đến nay tại Trại tạm giam Công an tỉnh Hòa Bình; trích xuất có mặt tại phiên tòa.

Ngoài ra còn có người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan không có kháng cáo, không bị kháng nghị.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Năm 2017 Trần Văn C sang nước Trung Quốc thăm em gái là Trần Thị V đang sinh sống tại tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc; sau đó, C ở lại Trung Quốc làm việc tại xưởng đóng giầy của người đàn ông Trung Quốc tên là Ch; Ch nói với C về việc khi nào về Việt Nam, có ai muốn sang Trung Quốc lao động thì đưa sang, ông ta sẽ bố trí việc làm và hứa sẽ cho C làm quản lý một dây chuyền sản xuất tại xưởng, lương của C sẽ cao hơn những người khác và C đã đồng ý.

Cuối năm 2017, Trần Văn C về nhà tại xóm Tr, xã T, huyện Đ, một số người ở xóm M, xã T, huyện Đ biết C sang Trung Quốc lao động nên đã đến hỏi C để cho họ đi cùng, một số người gọi điện cho C để xin đi. C đồng ý và nói với họ là qua Tết âm lịch năm 2018 thì sẽ đi sang Trung Quốc làm cho xưởng sản xuất giày, tiền công khoảng trên 10 triệu đồng/tháng, mỗi người phải chuẩn bị từ 4 đến 5 triệu đồng chi phí để đi đến tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc.

Lần thứ nhất: Sáng ngày 05/03/2018, 12 người trú tại xã T, huyện Đ đến nhà Trần Văn C để C đưa đi Trung Quốc lao động, gồm: Triệu Thị V sinh năm 1997; Triệu Kim H sinh năm 2000; Triệu Quý C sinh năm 1992; Xa Thị X sinh năm 1986; Triệu Thị D sinh năm 1977; Triệu Thị O sinh năm 1979; Triệu Thị L sinh năm 2001; Triệu Thị Th sinh năm 2002; Triệu Tiến V sinh năm 1980; Triệu Sinh T sinh năm 2002; Trần Minh T sinh năm 1983 và Dương Thị H sinh năm 1996. Những người này cùng C đi xe khách đến bến xe M - Hà Nội và từ đây đi xe khách đến khu vực cửa khẩu biên giới Việt Nam - Trung Quốc thuộc địa phận xã M, huyện H, tỉnh Cao Bằng và nghỉ qua đêm tại đây. Sáng ngày 06/3/2018, C liên hệ với người phụ nữ Trung Quốc tên là Lính C để Lính C bố trí người sang đón đoàn của C, khoảng 06 giờ 30 phút cùng ngày có một người đàn ông Trung Quốc đến dẫn C và số người trong đoàn cùng đi ra bờ sông để đi bè qua sông sang địa phận Trung Quốc. Khi sang đến địa phận nước Trung Quốc đã có xe ô tô do C đã liên hệ từ trước, C đưa mọi người lên xe và đi đến xưởng đóng giày tại tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc; C báo cho Ch bố trí chỗ ở, công việc cho số người C đưa sang. Tiền công hàng tháng C được trả 4.500 Nhân dân tệ, những người lao động khác do C đưa sang được trả tiền công theo sản phẩm, từ 3.000 đến 3.800 Nhân dân tệ.

Lần thứ hai: Khoảng cuối tháng 3/2018, Trần Văn C từ Trung Quốc về nhà để dự đám cưới anh trai và đón 13 người sang Trung Quốc lao động, trong đó: Bảy người trú tại xã T, huyện Đ gồm: Triệu Tử D sinh năm 1990, Triệu Văn T sinh năm 1972; Triệu Duyên V sinh năm 1996; Dương Thị B sinh năm 1998; Triệu Văn Q sinh năm 1987; Dương Thị H sinh năm 1989 và Dương Kim Bình sinh năm 1992. Sáu người trú tại xã T, huyện Đ, tỉnh Hòa Bình gồm: Nguyễn Thanh H sinh năm 1983; Đinh Thị H sinh năm 1987; Lương Văn H sinh năm 1962; Lương Văn C sinh năm 1992; Triệu Văn H sinh năm 1995 và Đặng Thị Q sinh năm 1995. Ngày 01/4/2018, Trần Văn C cùng 13 người này đón xe khách đi bến xe M - Hà Nội. Cách đi, đón xe để đến được địa phận Trung Quốc làm việc như lần thứ nhất.

Lần thứ ba: Trần Văn C đưa 17 người sang Trung Quốc, trong đó: Tám người trú tại xã T, huyện Đ gồm: Triệu Thị V sinh năm 1997; Triệu Thị O sinh năm 1979; Triệu Tiến V sinh năm 1980; Triệu Thị T sinh năm 2002; Triệu Duyên N sinh năm 1998; Triệu Văn H sinh năm 1999; Triệu Sinh T sinh năm 2002 và Cao Trọng N sinh năm 1993. Bốn người trú tại xã T, huyện Đ gồm: Nguyễn Thanh H sinh năm 1983; Đinh Thị H sinh năm 1987; Lý Kiều T sinh năm 1973 và Bàn Thị T sinh năm 1997. Hai người trú tại xã C, huyện Đ, tỉnh Hòa Bình gồm: Triệu Văn D sinh năm 1996 và Bàn Văn Đ sinh năm 1991; Nguyễn Văn H trú tại phường T, thành phố H, tỉnh Hòa Bình. Lần này, trước khi đi C được người phụ nữ Trung Quốc tên Lính C thông báo tỉnh Cao Bằng đang cấm biên không đi được, bảo C dẫn người qua khu vực cửa khẩu C, tỉnh Lạng Sơn. Sáng 16/02/2019, Trần Văn C đón xe khách đưa 17 người từ Đà Bắc đi đến bến xe M, Hà Nội, rồi đón xe khách đi lên khu vực cửa khẩu C, tỉnh Lạng Sơn và nghỉ tối ở đây. Sau đó C yêu cầu những người trong đoàn đổi tiền Việt Nam sang tiền Trung Quốc và nộp số tiền 1.100 Nhân dân tệ làm chi phí đi đến nơi làm việc. Sáng hôm sau, Lính C bố trí một người đàn ông Trung Quốc đến dẫn C và những người trong đoàn đi bộ theo đường mòn để sang lãnh thổ nước Trung Quốc; khi sang đến nước Trung quốc thì lên xe ô tô đi đến xưởng làm việc tại tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, số tiền mọi người nộp cho C, C đưa cho người đàn ông Trung Quốc hướng dẫn nhóm người của C từ biên giới đến chỗ làm tại Phúc Kiến, Trung Quốc. Những người này được Ch bố trí công việc làm tại xưởng đóng giày, tiền công được hưởng cũng như những người đi hai lần trước.

Những lần qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc, C và 42 người đều không làm thủ tục xuất, nhập cảnh, trốn tránh sự kiểm soát của các cơ quan chức năng Việt Nam - Trung Quốc.

Năm 2018 số người lao động do C đưa sang làm việc tại xưởng giày. Khi lấy lương, Ch bảo C thu của mỗi người 100 Nhân dân tệ/tháng nộp cho Ch để Ch nộp cho Công an Trung Quốc nhằm tránh sự kiểm tra, kiểm soát, bắt giữ khi họ làm tại xưởng. Sau khi thu 100 Nhân dân tệ/1 người/tháng, C đưa số tiền này cho Ch và được Ch trích lại 500 Nhân dân tệ; Ch nói là tiền công do C đưa người đến xưởng giày làm việc. Tổng số tiền C được Ch trả tiền công là 4.500 Nhân dân tệ tương đương 15.169.000đ(VNĐ). Năm 2019 số người do C đưa sang Trung Quốc lao động phải nộp cho C số tiền 200 Nhân dân tệ/tháng/ người, sau đó Ch trích lại cho C 1.000 Nhân dân tệ/tháng là tiền công do C đưa người đến xưởng giày làm việc tương đương 3.336.000 (VNĐ/ Như vậy trong hai năm 2018 và 2019, Trần Văn C đã được Ch trả tiền công đưa người Việt Nam sang Trung Quốc làm việc tổng số là 5.500 Nhân dân tệ, quy ra tiền Việt Nam tại các thời điểm tương đương 18.505.000 (VNĐ).

Đến ngày 04/09/2019 C đã đến Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hòa Bình đầu thú và khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội.

Đối với người có tên Ch, Lính C và người đàn ông dẫn đoàn qua biên giới, cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hòa Bình không xác định được nhân thân, lý lịch, địa chỉ của họ nên không có căn cứ để xử lý.

Tại bản án hình sụ sơ thẩm số 05/2020/HS-ST ngày 10/3/2020 của Tòa án nhân dân (viết tắt là TAND) huyện Đ, tỉnh Hòa Bình quyết định: Áp dụng điểm a khoản 3 Điều 349; Điều 38; Điều 47; điểm b, s, t khoản 1 khoản 2 Điều 51; Điểm g khoản 1 Điều 52; Điều 54 Bộ luật Hình sự (viết tắt là BLHS); xử phạt Trần Văn C 05 năm tù về tội Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép. Ngoài ra Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định xử lý số tiền 18.505.000đ, án phí và quyền kháng cáo.

Ngày 26/3/2020, Viện kiểm sát nhân dân (viết tắt là VKSND) tình Hòa Bình ban hành Quyết định kháng nghị (số 69/QĐ-VKS-KN) đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 05/2020/HS-ST, ngày 10/3/2020 của TAND huyện Đ, đề nghị sửa bản án sơ thẩm theo hướng: Không áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm b khoản 1 điều 51 BLHS, không áp dụng Điều 54 BLHS đối với bị cáo Trần Văn C; yêu cầu tăng hình phạt đối với bị cáo Trần Văn C. Tại phiên tòa phúc thẩm đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hòa Bình giữ nguyên quyết định kháng nghị.

Tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo Trần Văn C khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội đúng như nội dung án sơ thẩm đã nhận định. Bị cáo đề nghị Hội đồng xét xử xem xét: VKSND tỉnh Hòa Bình ký Cáo trạng số 08/CT-VKS-P1, ngày 17/01/2019 truy tố bị cáo, xác định bị cáo có 03 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, trong đó có điểm b khoản 1 điều 51 BLHS, Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng cho bị cáo 03 tình tiết giảm nhẹ như cáo trạng đã nêu là đúng. Sau khi xét xử sơ thẩm cơ quan này lại ban hành Quyết định kháng nghị không cho bị cáo được hưởng tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo điểm b khoản 1 điều 51 BLHS là vô lý. Những người theo bị cáo sang Trung Quốc lao động là người nhà, người quen, họ chủ động liên lạc với bị cáo xin bị cáo cho đi cùng; những người này không yêu cầu bị cáo phải bồi thường cho họ số tiền bị cáo đã thu (100 Nhân dân tệ/người/tháng của năm 2018, 200 Nhân dân tệ/người/tháng của năm 2019) và đều có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Đề nghị xem xét cho bị cáo được hưởng mức án thấp nhất.

Trình bày quan điểm về việc giải quyết vụ án, đại diện VKSND tỉnh Hòa Bình đề nghị phúc xử: Áp dụng điểm b khoản 1 Điều 355 Bộ luật hình sự, chấp nhận toàn bộ kháng nghị của VKSND tỉnh Hòa Bình, sửa Bản án sơ thẩm theo hướng: Không áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b khoản 1 điều 51 BLHS, không áp dụng Điều 54 BLHS, tăng hình phạt đối với Trần Văn C và xử phạt C từ 07 năm 06 tháng đến 08 năm tù.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Ngày 10/3/2020 TAND huyện Đ xét xử sơ thẩm. Ngày 26/3/2020 VKSND tỉnh Hòa Bình ban hành Quyết định kháng nghị Bản án sơ thẩm. Căn cứ khoản 2 Điều 337 BLHS, Quyết định kháng nghị của VKSND tỉnh Hòa Bình trong thời hạn luật định, hợp lệ được chấp nhận.

[2] Tại phiên tòa phúc thẩm, một lần nữa bị cáo Trần Văn C khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Lời khai nhận tội của bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm phù hợp với lời khai của bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm và lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra cùng tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án, đủ cơ sở khẳng định: Trong khoảng thời gian từ tháng 03 năm 2018 đến tháng 02 năm 2019, Trần Văn C đã có hành vi đưa 39 người ở huyện Đ và 03 người ở thành phố H sang nước Trung Quốc để lao động. Cụ thể, tháng 3 năm 2018 đưa 12 người, tháng 4 năm 2018 đưa 13 người và tháng 02 năm 2019 đưa 17 người. Việc bị cáo đưa 42 người lao động sang Trung Quốc bằng lối mòn trong rừng, qua sông. Mục đích của việc đưa người sang Trung Quốc lao động là để người đàn ông Trung Quốc giao cho bị cáo quản lý một dây chuyền sản xuất giầy, hưởng lương cao hơn những người lao động khác; sau đó được nhận thêm một khoản tiền công đưa người sang Trung Quốc lao động là 5.500 Nhân dân tệ, tương đương 18.505.000 (VNĐ). Trước khi về Việt Nam và bị xét xử về hành vi này, bị cáo C bị Công an Trung Quốc bắt và tạm giam 03 tháng vì hành vi nhập cảnh trái phép.

Như vậy, Trần Văn C đã có hành vi tổ chức đưa 42 người Việt Nam sang nước Trung Quốc lao động bằng lối mòn trong rừng, qua sông, không làm thủ tục xuất cảnh theo quy định. Hành vi do bị cáo C đã thực hiện cấu thành tội Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép theo điểm a khoản 3 điều 349 Bộ luật hình sự. Tòa án nhân dân huyện Đ xét xử Trần Văn C về tội danh, điểm, khoản và Điều luật nêu trên là đúng người, đúng tội. Tội phạm do bị cáo thực hiện là rất nghiêm trọng, trực tiếp xâm phạm đến trật tự quản lý hành chính trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh và cư trú ở Việt Nam, hơn nữa còn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, đe dọa trực tiếp tới quyền lợi, sức khỏe và tính mạng của bị cáo, người lao động ở nước Trung Quốc; song vì mục đích hám lợi, bị cáo cố ý thực hiện tội phạm.

[3] Quá trình điều tra tại phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, bị cáo C đều khai thống nhất: Số tiền 5.500 Nhân dân tệ, tương đương 18.505.000 (VNĐ) mà bị cáo đã nhận của người đàn ông Trung Quốc tên là Ch là số tiền công bị cáo đưa 42 người Việt Nam sang Trung Quốc để lao động.

Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự (viết tắt BLTTHS) và điểm b khoản 1 Điều 47 BLHS thì đây là số tiền thu lời bất chính do bị cáo phạm tội mà có. Theo hướng dẫn tại mục 7 Văn bản số 212/TANDTC-PC ngày 13/9/2019 của TAND Tối cao về việc Thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử quy định: Việc bị cáo giao nộp tiền thu lợi bất chính không xác định là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sụ quy định tại khoản 1 điều 51 BLHS. Trường hợp bị cáo tự nguyện nộp số tiền thu lời bất chính thì có thể xem xét, áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 điều 51 BLHS. Như vậy, việc bị cáo tác động gia đình nộp đầy đủ số tiền thu lợi bất chính là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 điều 51 BLHS. Việc Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b khoản 1 Điều 51 BLHS đối với bị cáo C là không đúng. Quyết định kháng nghị của VKSND tỉnh Hòa Bình về việc không áp dụng tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 51 BLHS với bị cáo C là có căn cứ.

[4] Khoản 3 Điều 349 BLHS có khung hình phạt từ 7 đến 15 năm tù (điểm a khoản 3 quy định phạm tội đối với 11 người trở lên). Trong vụ án này, bị cáo C ba lần tổ chức đưa 42 người lao động Việt Nam sang Trung Quốc lao động, mỗi lần thực hiện đều cấu thành tội phạm độc lập; số lượng người gấp gần 04 lần điều luật quy định. Như vậy, bị cáo C có 01 tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, có 02 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, có 01 tiền án vừa được xóa án tích lại tiếp tục phạm tội rất nghiêm trọng. Theo quy định tại khoản 1 Điều 54 BLHS thì bị cáo C không được hưởng mức án dưới khoản 3 Điều 349 BLHS. Với số lần thực hiện hành vi phạm tội, số lượng người đưa sang Trung Quốc và nhân thân của bị cáo, thấy rằng, Quyết định kháng nghị của VKSND tỉnh Hòa Bình về việc tăng hình phạt đối với bị cáo C là có căn cứ, đúng pháp luật.

[5] Tòa án cấp sơ thẩm có sai sót trong việc nhận định, quyết định và áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị cáo C theo điểm b khoản 1 Điều 51 BLHS là không đúng, dẫn đến việc áp dụng Điều 54 BLHS để xử phạt bị cáo mức án dưới khung hình phạt là không chính xác. Việc Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo mức án 05 năm tù là quá nhẹ, không tương xứng với tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi do bị cáo đã thực hiện.

[6] Từ căn cứ pháp luật nêu trên, có căn cứ chấp nhận toàn bộ kháng nghị của VKSND tỉnh Hòa Bình, sửa bản án sơ thẩm, không áp dụng điểm b khoản 1 Điều 51 BLHS, không áp dụng Điều 54 BLHS, tăng hình phạt đối với bị cáo Trần Văn C.

[7] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

[8] Bị cáo Trần Văn C không phải chịu án phí hình sụ phúc thẩm.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015;

1. Chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hòa Bình: Sửa bản án hình sự sơ thẩm số 05/2020/HS-ST ngày 10 tháng 3 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện Đ, tỉnh Hòa Bình, cụ thể:

Áp dụng điểm a khoản 3 Điều 349; Điều 38; điểm s, điểm t khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Xử phạt Trần Văn C 07 (bẩy) năm tù về tội Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép. Thời hạn tù tính từ ngày tạm giữ, tạm giam 04/9/2019.

2. Bị cáo Trần Văn C không phải nộp án phí hình sự phúc thẩm.

3. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

4. Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

496
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 18/2020/HS-PT ngày 19/06/2020 về tội tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép

Số hiệu:18/2020/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hoà Bình
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 19/06/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;