Bản án  18/2018/HS-PT ngày 18/04/2018 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN

BẢN ÁN 18/2018/HS-PT NGÀY 18/04/2018 VỀ TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

Ngày 18 tháng 4 năm 2018, tại phòng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 18/2018/TLPT-HS ngày 26 tháng 02 năm 2018 đối với bị cáo Lò Thị D do có kháng cáo của bị cáo Lò Thị D và kháng cáo của các bị hại Tòng Văn S, Lò Văn H, Vì Văn T đối với Bản án hình sự sơ thẩm số: 69/2018/HSST ngày 19/01/2018 của Tòa án nhân dân huyện Đ, tỉnh Điện Biên.

Bị cáo có kháng cáo:

Lò Thị D, sinh năm: 1977 tại Điện Biên. Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và chỗ ở trước ngày bị bắt: Bản B, xã S, huyện Đ, tỉnh Điện Biên; nghề nghiệp: Làm ruộng; trình độ văn hóa: 7/12; dân tộc: Thái; giới tính: Nữ; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông: Lò Văn N, sinh năm: 1930 và bà: Lò Thị Đ (đã chết); có chồng: Lò Văn T, sinh năm: 1969 và 02 người con, con thứ nhất sinh năm: 1993, con thứ hai sinh năm: 1995; tiền án: Không; tiền sự: Không; nhân thân: Tốt; bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 31/7/2017 cho đến nay, có mặt tại phiên tòa.

- Những người tham gia tố tụng khác có kháng cáo:

1. Bị hại: Ông Tòng Văn S, sinh năm: 1964; trú tại: Bản L, xã N, huyện Đ, tỉnh Điện Biên. Có mặt.

2. Bị hại: Ông Vì Văn T, sinh năm: 1983. Có mặt. Bị hại: Bà Lò Thị D, sinh năm: 1984. Có mặt.Cùng trú tại: Bản P, xã M, huyện Đ, tỉnh Điện Biên.

3. Bị hại: Ông Lò Văn H, sinh năm: 1969; trú tại: Bản L, xã S, huyện Đ, tỉnh Điện Biên. Có mặt.

Bà: Lò Thị K, sinh năm: 1972, cùng địa chỉ như trên, đã ủy quyền toàn bộ cho chồng là: Ông Lò Văn H.

- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại Lò Văn H: Ông Lê Đình T, Luật sư, Cộng tác viên pháp lý thuộc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Điện Biên. Có mặt.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Bà: Lò Thị N, sinh năm: 1992; trú tại: Bản L, xã S, huyện Đ, tỉnh Điện Biên. Vắng mặt.

2. Ông: Tòng Văn P, sinh năm: 1990; trú tại: Bản L, xã N, huyện Đ. Vắng mặt.

3. Vì Văn P, sinh năm: 1989; trú tại: Bản Phiêng S, xã M, huyện Đ. Có mặt.

- Người làm chứng:

1. Ông: Lường Văn T, sinh năm: 1964; trú tại: Đội 2, xã N, huyện Đ, tỉnh Điện Biên. Có mặt.

2. Ông: Lò Văn T, sinh năm: 1969; trú tại: Bản B, xã S, huyện Đ, tỉnh Điện Biên. Có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Bị cáo Lò Thị D là người làm ruộng và bán hàng quần áo tại chợ N, huyện Đ, tỉnh Điện Biên. Để có tiền tiêu xài, bị cáo đã đưa ra các thông tin có người nhà làm ở các cơ quan Nhà nước của tỉnh và các ngành của tỉnh và có khả năng xin vào làm việc tại các ngành y, ngành giáo dục, kiểm lâm. Bị cáo đã nhiều lần dùng thủ đoạn gian dối lừa đảo chiếm đoạt tài sản (tiền) của nhiều người với tổng số tiền là 400.000.000 đồng (bốn trăm triệu đồng), cụ thể các lần như sau:

Lần thứ nhất: Khoảng đầu năm 2014, Tòng Văn S quen biết bị cáo qua những lần mua hàng của bị cáo mang lên vùng cao bán. S nói chuyện với bị cáo là có con trai Tòng Văn P, sinh năm: 1990, học Cao đẳng Y P đã ra trường chưa xin được việc làm, lúc này bị cáo không nói gì. Một thời gian sau, S tiếp tục đến lấy hàng thì bị cáo hỏi S con trai đã xin được việc làm chưa, S nói chưa xin được. Bị cáo nói với S là có người nhà làm trên tỉnh có thể xin được cho con trai S vào làm ngành y hết khoảng 150.000.000 đồng, nhưng chỗ S thì 130.000.000 đồng. Do tin tưởng là thật, ngày 15/9/2014, S đã trực tiếp mang 130.000.000 đồng giao cho bị cáo D, việc giao, nhận tiền có viết giấy vay tiền. Sau khi nhận tiền, bị cáo bảo S đến Sở Y tế, S đã mang hồ sơ và nộp tại Sở Y tế vào ngày 01/3/2015. Sau đó, S đã nhiều lần hỏi bị cáo D về việc xin việc cho con tên P thì bị cáo nói sắp có. Bị cáo nói với S là mang thêm tiền mới xin được, bây giờ giá lên 200.000.000 đồng, nhưng S chỉ cần 50.000.000 đồng nữa là được. Ngày 13/6/2015, S đem cho bị cáo D 40.000.000 đồng, tổng cộng là 170.000.000 đồng có giấy vay tiền, ký giao, nhận. Tháng 4/2015, Tòng Văn P tham gia thi tuyển vào Sở Y tế tỉnh Điện Biên nhưng không đỗ, S yêu cầu trả lại tiền nhiều lần. Đến ngày 04/12/2015, bị cáo D đã trả cho S 70.000.000 đồng. Ngày 28/01/2016, bị cáo thế chấp giấy tờ Ki-ốt ở chợ B cho S hẹn đến ngày 04/02/2016 sẽ hoàn trả tiền, nếu không trả thì S sẽ lấy Ki-ốt. Song, đến hẹn, bị cáo không có tiền trả cho S. Ngày 07/02/2016, bị cáo vay tiếp S 30.000.000 đồng, cùng ngày đã trả lại 20.000.000 đồng. Tính đến ngày 06/4/2016, bị cáo còn nợ tiền gốc là 110.000.000 đồng và hẹn ngày 10/4/2016, bị cáo trả toàn bộ số tiền trên, nếu không trả được phải bàn giao Ki-ốt cho S như đã thỏa thuận, nhưng bị cáo chưa giao Ki-ốt cho S.

Lần thứ hai: Đầu năm 2015, Vì Văn T có em trai Vì Văn P học Cao đẳng Sư phạm chưa xin được việc, do có mối quan hệ họ hàng, bị cáo có trao đổi với T là có quen biết người làm ở ngành giáo dục sẽ xin được việc cho P vào làm giáo viên. Khoảng giữa tháng 01/2015, T đến Ki-ốt tại chợ B gặp bị cáo, T muốn xin cho P làm gần nhà. Bị cáo nói nếu xin làm ở M thì hết 130.000.000 đồng, T nhất trí. Đến ngày 30/01/2016, T cùng vợ là Lò Thị D đến Ki-ốt ở chợ B giao 60.000.000 đồng và hồ sơ trực tiếp cho bị cáo D. Để vợ, chồng T, D tin tưởng, bị cáo viết giấy biên nhận vay tiền có chữ ký xác nhận của chồng bị cáo là Lò Văn T. Sau một thời gian, T có gọi điện thoại hỏi bị cáo về việc xin việc cho P, bị cáo nói: Mình cho họ ít quá nên họ không giúp nhanh được. Ngày 07/6/2015, T cùng vợ đem số tiền 25.000.000 đồng đưa cho bị cáo, có ký nhận tiền. Được một thời gian, T có hỏi lại bị cáo về việc xin việc cho P. Bị cáo vẫn nói dối là chưa đủ tiền, họ chưa giúp nhanh được. Ngày 10/7/2015, T đi một mình đến Ki-ốt của bị cáo D, đưa tiếp 21.000.000 đồng. Lần này, T chỉ ghi lại đằng sau tờ giấy vay tiền, bị cáo không ký. Đến đầu tháng 10/2015, T hỏi bị cáo về việc xin việc cho P, bị cáo vẫn nói chưa đủ tiền, họ chưa giúp nhanh được. Ngày 05/10/2015, T cùng vợ là D mang tiếp 24.000.000 đồng cho bị cáo tại Ki-ốt chợ B, bị cáo D ký nhận đủ số tiền 130.000.000 đồng, số tiền này bị cáo sử dụng vào mục đích cá nhân, hồ sơ xin việc bị cáo để tại Ki-ốt bán hàng và bị thất lạc.

Lần thứ ba: Đầu năm 2015, bị cáo biết vợ chồng Lò Văn H, Lò Thị K có con gái Lò Thị N học xong ngành quản lý tài nguyên và môi trường chưa xin được việc. Bị cáo nói với Lò Thị K là: “Có quen biết sếp, xin việc không phải qua ai, xin cho làm ở N, ngành kiểm lâm, hết 150.000.000 đồng nhưng phải đưa trước 100.000.000 đồng khi nào xong thì đưa nốt”, K và H nhất trí. Đến tối một ngày của tháng 4/2015, vợ chồng H, K đến nhà bị cáo đưa trước cho bị cáo 50.000.000 đồng, không viết giấy, có mặt chồng bị cáo. Đến tháng 6/2015, H đưa cho bị cáo một bộ hồ sơ xin việc, bị cáo không nộp mà để trong Ki-ốt đã bị thất lạc. Khoảng hai tháng sau, bị cáo đi qua quán của K, bị cáo nói với K là: “Phải đưa thêm tiền mới xin được việc, vì nhiều người có nhiều tiền hơn sẽ xin mất”. Ngày 28/9/2015, K và H nhờ Lò Văn H, Lò Thị H cùng đến nhà bị cáo để chứng kiến việc giao tiền cho bị cáo. Lò Văn H đã viết sẵn một giấy vay tiền và giao tiếp cho bị cáo 50.000.000 đồng và một giấy biên nhận tiền hai lần là 100.000.000 đồng. Sau khi giao tiền, Lò Văn H đã nhiều lần hỏi bị cáo về việc xin việc cho cháu N, bị cáo nói phải chờ vì lãnh đạo chưa về, nên chưa ký được. Ngày 06/8/2016, Lò Văn H cùng bố đẻ là Lò Văn E đến nhà bị cáo, có mặt Lò Văn T là chồng của bị cáo và yêu cầu trả lại tiền. Bị cáo xin khất, Lò Văn H viết lại giấy biên nhận số tiền 100.000.000 đồng. Bị cáo hẹn đến ngày 30/9/2016, sẽ trả tiền cho Lò Văn H, có chữ ký của Lò Văn T. Đến ngày 30/9/2016, Lò Văn H đến nhà bị cáo thì không gặp, liên lạc điện thoại với bị cáo không được, số tiền 100.000.000 đồng, bị cáo đã sử dụng vào mục đích riêng hết.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số: 69/2018/HSST, ngày 19/01/2018 của Tòa án nhân dân huyện Đ, tỉnh Điện Biên đã tuyên bố bị cáo Lò Thị D phạm tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Áp dụng điểm a khoản 3 Điều 139 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự năm 2015. Xử phạt bị cáo Lò Thị D 11 năm 06 tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày bị bắt (ngày 31/7/2017). Bản án còn tuyên về trách nhiệm dân sự: Áp dụng khoản 1 Điều 48/BLHS năm 2015 và các Điều 584; 585; 589 Bộ luật Dân sự năm 2015 buộc bị cáo Lò Thị D phải trả số tiền bị cáo đã chiếm đoạt cho các bị hại: Tòng Văn S 94.000.000 đồng, Vì Văn T 123.000.000 đồng, Lò Văn H 93.000.000 đồng. Ngoài ra, Bản án còn tuyên về chịu lãi suất chậm trả, án phí và quyền kháng cáo.

Sau khi tuyên án, ngày 29/01/2018, bị cáo Lò Thị D có đơn kháng cáo xin được hưởng mức án thấp nhất để sớm được trở về với gia đình và xã hội.

Ngày 30/01/2018, Tòng Văn S kháng cáo nộp tại Tòa án cấp sơ thẩm với nội dung xem xét giải quyết Ki-ốt số 7 tại chợ B cho ông Sôm và yêu cầu xem xét về trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm của ông Lò Văn T - Chồng của bị cáo D trong cùng vụ án.

Ngày 31/01/2018, bị hại Vì Văn T kháng cáo Bản án với nội dung đề nghị cấp phúc thẩm xem xét về người có liên quan trong vụ án đối với Lò Văn T là chồng của bị cáo Lò Thị D.

Bị hại Lò Văn H kháng cáo với nội dung: Yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Lò Văn T, sinh năm: 1969, là chồng của bị cáo D với vai trò đồng phạm giúp sức trong vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Tại phiên tòa, bị cáo Lò Thị D và các bị hại: Tòng Văn S, Lò Văn H, Vì Văn T giữ nguyên nội dung đơn kháng cáo. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại Lò Văn H đề nghị Hội đồng xét xử xem xét vai trò của Lò Văn T với vai trò đồng phạm trong vụ án hoặc tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự và buộc anh Lò Văn T có trách nhiệm liên đới của vợ chồng theo quy định tại Điều 27 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 và có nghĩa vụ trả khoản tiền đã nhận cho bị hại Lò Văn H.

Tại phiên tòa phúc thẩm, Kiểm sát viên tham gia phiên tòa đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét về tư cách tham gia tố tụng của Lò Văn T, Tòa án cấp sơ thẩm xác định Lò Văn T là người làm chứng theo quy định tại Điều 66/BLTTHS năm 2015 là không đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ của ông Lò Văn T và quyền và lợi ích hợp pháp của các bị hại. Kiểm sát viên tham gia phiên tòa đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm căn cứ vào điểm c khoản 1 Điều 355/BLTTHS năm 2015 để hủy toàn bộ Bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án để điều tra, xét xử lại.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về hành vi phạm tội của bị cáo: Lời khai của bị cáo tại Cơ quan điều tra và tại phiên toà sơ thẩm, bị cáo đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Lời khai nhận tội của bị cáo phù hợp với lời khai của các bị hại và phù hợp với những tài liệu, chứng cứ khác do Cơ quan điều tra thu thập hợp pháp có trong hồ sơ vụ án. Bởi vậy, Hội đồng xét xử sơ thẩm đã có đủ căn cứ để xác định: Bị cáo Lò Thị D đã phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 139 Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009 là có căn cứ, đúng pháp luật, bị cáo không bị oan.

[2] Về hình thức kháng cáo: Bị cáo làm đơn kháng cáo đề ngày 29/01/2018; Tòng Văn S làm đơn kháng cáo đề ngày 30/01/2018; bị hại Lò Văn H làm đơn kháng cáo đề ngày 31/01/2018; Vì Văn T làm đơn kháng cáo đề ngày 31/01/2018 đều trong thời hạn được coi là hợp lệ theo quy định tại các Điều 331, 333/BLTTHS năm 2015.

[3] Xét nội dung: Căn cứ kháng cáo của bị cáo cho rằng đã khắc phục hậu quả được 90.000.000 đồng nhưng Tòa án cấp sơ thẩm chỉ chấp nhận bị cáo khắc phục hậu quả được 20.000.000 đồng. Bị cáo xin được hưởng mức án thấp nhất. Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy: Khoản tiền 70.000.000 đồng, bị cáo đã trả trước cho bị hại; khoản tiền 20.000.000 đồng, bị cáo vận động gia đình nộp sau khi đã khởi tố vụ án, được xác định là đã có thiện chí để khắc phục hậu quả và được Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận và áp dụng điểm b khoản 1 Điều 51/BLHS năm 2015 là phù hợp. Bị cáo lừa đảo chiếm đoạt số tiền 400.000.000 đồng, tương xứng với mức hình phạt 11 năm 6 tháng tù mà Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng đối với bị cáo là phù hợp. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo không xuất trình thêm tình tiết mới, nên Hội đồng xét xử phúc thẩm không có căn cứ xem xét giảm nhẹ hình phạt đối với bị cáo, cần giữ nguyên mức hình phạt. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng điểm g khoản 1 Điều 52/BLHS năm 2015 về tình tiết phạm tội nhiều lần, Hội đồng xét xử xét thấy: Bị cáo Lò Thị D thực hiện hành vi phạm tội ba lần mới đạt số tiền 400.000.000 đồng theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 139 Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009. Theo quy định tại khoản 2 Điều 52/BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì các tình tiết đã được Bộ luật Hình sự này quy định là dấu hiệu định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng. Do đó, Hội đồng xét xử xét thấy cần xem xét lại vấn đề này.

Xét nội dung kháng cáo của các bị hại: Vì Văn T, Lò Văn H và Tòng Văn S về yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xem xét đối với Lò Văn T với vai trò giúp sức đồng phạm trong vụ án. Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy: Hội đồng xét xử sơ thẩm đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung, tại Công văn số: 01/CV-VKS ngày 03/01/2017 đã xác định không đủ căn cứ chứng minh Lò Văn T đồng phạm trong vụ án. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm chỉ xét xử đối với Lò Thị D về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điểm a khoản 3 Điều 139/BLHS năm 1999 là đúng theo quy định tại Điều 298/BLTTHS năm 2015 về giới hạn của việc xét xử. Hội đồng xét xử phúc thẩm không có căn cứ để xem xét về yêu cầu kháng cáo này của các bị hại Vì Văn T, Lò Văn H và Tòng Văn S.

Tuy nhiên, tại phiên tòa sơ thẩm xác định Lò Văn T là người làm chứng trong vụ án là sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật. Cần xác định Lò Văn T là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Bởi lẽ, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là người không tham gia thực hiện tội phạm hoặc có tham gia nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự và Tòa án phải xử lý quyền lợi, tài sản của họ vì có liên quan đến tội phạm. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm không đưa Lò Văn T tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án là không đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của Lò Văn T.

Tại phiên tòa phúc thẩm, việc đề nghị của Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại Lò Văn H là có căn cứ; lời đề nghị của Kiểm sát viên tại phiên tòa là có căn cứ cần được chấp nhận. Để đảm bảo quyền của Lò Văn T, quyền và lợi ích hợp pháp của các bị hại, Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy cần hủy Bản án sơ thẩm để xét xử lại.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào điểm c khoản 1 Điều 355; điểm đ khoản 2 Điều 358 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.

Hủy Bản án sơ thẩm số: 69/2018/HSST, ngày 19 tháng 01 năm 2018 của Tòa án nhân dân huyện Đ, tỉnh Điện Biên để xét xử lại ở cấp sơ thẩm với thành phần Hội đồng xét xử mới. Lý do hủy Bản án: Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định sai tư cách người tham gia tố tụng đối với Lò Văn T.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

300
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án  18/2018/HS-PT ngày 18/04/2018 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Số hiệu:18/2018/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Điện Biên
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 18/04/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;