TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH SÓC TRĂNG
BẢN ÁN 179/2017/DS-PT NGÀY 07/12/2017 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG ĐẦU TƯ TRỒNG VÀ MUA BÁN MÍA NGUYÊN LIỆU
Trong ngày 07 tháng 12 năm 2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng, xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 136/2017/TLPT- DS ngày 20/10/2017 về việc “Tranh chấp hợp đồng đầu tư trồng và mua bán mía nguyên liệu”.
Do Bản án dân sự sơ thẩm số 30/2017/DS-ST ngày 09/8/2017 của Tòa án nhân dân huyện T bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 245/2017/QĐPT-DS, ngày 06/11/2017 giữa các đương sự:
1. Ng u yên đơn : Công ty A; địa chỉ: Khu vực 5, phường T, thị xã M, tỉnh H.
* Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Ông Hà Minh T; địa chỉ: Khu vực 5, phường T, thị xã M, tỉnh H (đại diện theo văn bản ủy quyền ngày 15/02/2017 - có mặt).
2. Bị đơn tỉnh Sóc Trăng.
Ông Nguyễn Văn H, sinh năm 1976; địa chỉ: Ấp N, xã M, huyện T, * Người đại diện hợp pháp của bị đơn: Ông Dương Phấn K, sinh năm 1990; địa chỉ: Số 104 đường Q, khóm 8, phường X, huyện T, tỉnh Sóc Trăng (đại diện theo văn bản ủy quyền ngày 16/02/2017 - có mặt).
3. Người kháng cáo: Người đại diện hợp pháp của bị đơn Nguyễn Văn H là ông Dương Phấn K.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo án sơ thẩm và các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ, nội dung vụ án như sau:
Theo đơn khởi kiện đề ngày 02 tháng 01 năm 2017 của Công ty A và trong quá trình giải quyết vụ án người đại diện hợp pháp của nguyên đơn là ông Hà Minh T trình bày:
Vào ngày 05 tháng 6 năm 2015, Công ty A với ông Nguyễn Văn H có ký hợp đồng đầu tư trồng và mua bán mía nguyên liệu niên vụ 2015 - 2016. Hợp đồng được chính quyền địa phương xác nhận vào ngày 15 tháng 7 năm 2015. Theo hợp đồng, Công ty A đầu tư cho ông H số tiền 16. 133. 000 đồng. Ngược lại, khi đến vụ thu hoạch mía, ông H phải bán mía cho Công ty A và hoàn trả lại tiền vốn đầu tư (gồm gốc và lãi). Thời hạn trả nợ cuối cùng là ngày 30 tháng 12 năm 2015. Thực hiện hợp đồng, Công ty A đã chi tiền cho ông H xong. Đến vụ mía 2015, hai bên không thỏa thuận được giá mía, ông H không bán mía cho Công ty A, mà bán cho thương lái và cũng không trả lại tiền vốn đầu tư. Đến ngày 30 tháng 8 năm 2016, hai bên có lập biên bản xác nhận nợ. Theo biên bản xác nhận nợ, ông H xin được trả nợ bằng mía nguyên liệu, thời hạn trả nợ là đến ngày 30 tháng 12 năm 2016, nếu hai bên không thỏa thuận được việc mua bán mía thì trả bằng tiền mặt, trả dứt điểm một lần, trường hợp không trả nợ đúng thời hạn cam kết thì phải chịu lãi suất theo quy định của pháp luật kể từ ngày nhận tiền đầu tư đến khi Tòa án xét xử sơ thẩm. Tuy nhiên, sau đó ông H cũng không thực hiện như đã cam kết. Vì vậy, Công ty A yêu cầu ông H trả lại tiền vốn đầu tư trồng mía là 16. 133. 000 đồng và tiền lãi theo quy định của pháp luật, tính từ ngày nhận tiền đầu tư (ngày 15 tháng 7 năm 2015) cho đến ngày xét xử sơ thẩm.
Các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện gồm: Hợp đồng đầu tư trồng và mua bán mía nguyên liệu ngày 05 tháng 6 năm 2015 (bản sao); Biên bản xác nhận nợ ngày 30 tháng 8 năm 2016 (bản sao).
Theo bản tự khai ngày 07 tháng 3 năm 2017 của bị đơn ông Nguyễn Văn H và trong quá trình giải quyết vụ án, người đại diện hợp pháp của bị đơn là ông Dương Phấn K trình bày:
Ông thừa nhận ông H có ký hợp đồng đầu tư trồng và mua bán mía nguyên liệu với Công ty A. Sau khi ký hợp đồng, ông H đã nhận tiền đầu tư là 16. 133. 000 đồng. Thực hiện hợp đồng, đến vụ mía 2015, ông H có bán mía cho Công ty A được số tiền là 20. 000. 000 đồng, nhưng không nhớ số lượng, giá cả bao nhiêu. Sau đó, Công ty A ngưng mua mía, ông H phải bán mía cho thương lái, dẫn đến bị thua lỗ. Đến ngày 30 tháng 8 năm 2016, hai bên có lập biên bản xác nhận nợ, cụ thể là ông H còn nợ Công ty A số tiền đầu tư 16. 133. 000 đồng, nhưng thực chất là phía Công ty A tái đầu tư, thỏa thuận đến ngày 30 tháng 12 năm 2016, ông H trả nợ cho Công ty A bằng mía nguyên liệu. Tuy nhiên, đến hạn thỏa thuận, hai bên không thống nhất được giá mía, nên ông H không bán mía cho Công ty A. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, Công ty A là bên có lỗi nên ông H không đồng ý với toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Công ty A.
Vụ án đã được Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh Sóc Trăng thụ lý, giải quyết. Tại Bản án sơ thẩm số 30/2017/DS-ST, ngày 09/8/2017 đã quyết định:
Căn cứ vào khoản 3 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, khoản 2 Điều 91, khoản 2 và khoản 3 Điều 92 Bộ Luật Tố tụng Dân sự; Điều 290, Điều 305 Bộ Luật Dân sự 2005; Điều 280, Điều 357, khoản 2 Điều 468 Bộ Luật Dân sự 2015; khoản 2 Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Tuyên xử:
- Chấp nhận yêu cầu của Công ty A. Buộc ông Nguyễn Văn H trả cho Công ty A tiền vốn đầu tư trồng mía 16. 133. 000 đồng, tiền lãi chậm trả 981. 091 đồng, tổng cộng là 17. 114. 091 đồng (Mười bảy triệu một trăm mười bốn nghìn không trăm chín mươi mốt đồng).
Ngoài ra Bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí dân sự sơ thẩm, nghĩa vụ chậm thi hành án và quyền kháng cáo của các đương sự theo quy định của pháp luật.
Ngày 24/8/2017 bị đơn ông Nguyễn Văn H (do người đại diện theo ủy quyền là ông Dương Phấn K thực hiện) kháng cáo Bản án nêu trên. Yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm tuyên sửa Bản án sơ thẩm theo hướng không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn vẫn giữ nguyên nội dung khởi kiện; người đại diện hợp pháp của bị đơn vẫn giữ nguyên nội dung đơn kháng cáo, các đương sự không thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án.
Sau khi xem xét các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa, Hội đồng xét xử (HĐXX) nhận định:
[1] Tại phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, các bên đương sự có lời trình bày thống nhất với nhau về việc ký kết hợp đồng đầu tư trồng và mua bán mía nguyên liệu. Số tiền vốn của Công ty A đã đầu tư ban đầu cho ông Nguyễn Văn H là 16. 133. 000 đồng. Theo ông H, sau khi ký kết hợp đồng thì ông cũng đã có thực hiện một phần hợp đồng, sau vụ mía năm 2015 thì ông vẫn còn nợ Công ty A số tiền đầu tư ban đầu là 16. 133. 000 đồng; đến ngày 30/8/2016 hai bên có lập biên bản xác nhận nợ đối với số nợ trên và hai bên có thỏa thuận là đến ngày 30/12/2016 ông H sẽ trả nợ cho Công ty A bằng nguyên liệu mía. Nhưng khi đến thời hạn nêu trên, do hai bên không thỏa thuận được giá mía nên ông H không bán mía cho Công ty A, từ đó số tiền ông H nợ của Công ty A vẫn còn nguyên cho đến nay.
[2] HĐXX xét thấy, việc ông H cho rằng Công ty là bên có lỗi nên ông không đồng ý trả lại số tiền theo yêu cầu của nguyên đơn là không có căn cứ. Bởi vì, tại đơn kháng cáo cũng như tại phiên tòa phúc thẩm, phía bị đơn không đưa ra được chứng cứ để xác định lỗi của Công ty A, trong khi theo hợp đồng do hai nên ký kếT ngày 05/6/2015 thì giá bao tiêu là 600. 000đ/tấn mía, trong quá trình thu mua nếu thị trường có biến động về giá thì Công ty A sẽ điều chỉnh kịp thời phù hợp với thị trường tại từng thời điểm, nhưng không thấp hơn giá bao tiêu nói trên. Tại phiên tòa phúc thẩm các bên đương sự thừa nhận khi đến hạn theo thỏa thuận trong hợp đồng tức là vào tháng 11/2015 Công ty A có đến mua mía và ra giá là 770 đồng/kg, ông H cho rằng do thấp hơn giá thị trường nên ông không bán mía cho Công ty A. Như vậy, Công ty A cũng đã có điều chỉnh giá mía cao hơn giá bao tiêu, còn tại thời điểm này thì không có căn cứ để xác định giá mía thị trường là bao nhiêu.
Nguyên đơn cho rằng do mía không đủ trữ đường dưới 9ccs nên mua với giá có thấp hơn thị trường, bên bị đơn cho rằng mía đã đủ trữ đường theo thỏa thuận là 9ccs nhưng các bên không đưa ra được chứng cứ thể hiện trữ đường mía của ông H tại thời điểm tháng 11/2015. Tuy nhiên, các bên đã thống nhất dời thời hạn mua bán lại một tháng để thỏa thuận lại giá, nhưng sau khi không thỏa thuận được và ông H đã ký biên bản xác nhận nợ vào ngày 30/8/2016. Những sự kiện trên đã thể hiện lời trình bày của bên nguyên đơn là có cơ sở. Do ông H không chứng minh được việc Công ty ra giá mua mía thấp hơn giá bao tiêu cũng như chứng minh Công ty A không điều chỉnh giá mía theo giá thị trường, không chứng minh được thiệt hại do Công ty gây ra cho ông H. Cho nên không thể xác định Công ty A là bên có lỗi. Theo hợp đồng hai bên ký kết thì giá cả mua bán là do hai bên thỏa thuận trên nguyên tắc “thuận mua, vừa bán”, khi không thỏa thuận được giá cả và không thực hiện được việc mua bán thì không bên nào có lỗi.
[3] Số tiền là 16. 133. 000 đồng mà Công ty A đã đầu tư cho ông H là nhằm mục đích mua lại mía nguyên liệu, nhưng việc mua bán không thành thì ông H phải có nghĩa vụ trả lại phần tiền này cho Công ty A. Nghĩa vụ trả tiền của ông H được xác định là ngày 30/12/2016, đây là ngày cuối cùng do các bên thỏa thuận trả nợ nhưng các bên không thực hiện được. Ngay sau khi các bên không thỏa thuận được việc mua bán, lẽ ra ông H phải trả lại ngay số tiền 16. 133. 000 đồng cho Công ty A nhưng ông không trả, cho nên Tòa án cấp sơ thẩm đã buộc ông H phải trả cho Công ty A số tiền trên và số tiền lãi 981. 091 đồng do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền là phù hợp theo quy định tại khoản 2 Điều 357 Bộ luật dân sự năm 2015.
[4] Từ những phân tích trên, xét thấy việc Tòa án cấp sơ thẩm tuyên buộc ông ông H phải trả cho Công ty A số tiền vốn và lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền với số tiền 17. 114. 091 đồng là có căn cứ, đúng pháp luật. Cho nên HĐXX không chấp nhận toàn bộ kháng cáo của ông H, đồng thời căn cứ vào khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 giữ nguyên Bản án sơ thẩm.
Các phần khác trong quyết định của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị nên HĐXX không đặt ra xem xét.
[5] Tại phiên tòa, vị đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Sóc Trăng phát biểu ý kiến: Kể từ khi thụ lý vụ án cho đến thời điểm tranh luận tại phiên tòa, Thẩm phán cũng như HĐXX đã thực hiện đầy đủ các thủ tục tố tụng theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Về kháng cáo của đương sự, xét thấy việc kháng cáo của bị đơn là không có cơ sở, nên đề nghị HĐXX không chấp nhận kháng cáo và căn cứ vào khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự để giữ nguyên Bản án sơ thẩm.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ: Khoản 1 Điều 308, khoản 6 Điều 313 và khoản 1 Điều 148 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Áp dụng: Điều 290, Điều 305 Bộ luật Dân sự năm 2005; Điều 280, Điều 357, khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015; khoản 2 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Tuyên xử:
Không chấp nhận kháng cáo của bị đơn ông Nguyễn Văn H.
Giữ nguyên Bản án sơ thẩm.
1/ Chấp nhận yêu cầu của Công ty A. Buộc ông Nguyễn Văn H trả cho Công ty A tiền vốn đầu tư trồng mía 16. 133. 000 đồng, tiền lãi chậm trả 981. 091 đồng, tổng cộng là 17. 114. 091 đồng (Mười bảy triệu một trăm mười bốn nghìn không trăm chín mươi mốt đồng).
Những quyết định khác của Bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị Hội đồng xét xử không giải quyết, có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
2/ Án phí dân sự phúc thẩm: Ông Nguyễn Văn H phải chịu 300. 000 đồng, nhưng được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 300. 000 đồng theo biên lai thu số 0004448 ngày 08/9/2017 của Chi cục thi hành án dân sự huyện T, tỉnh Sóc Trăng; như vậy ông H đã nộp xong án phí phúc thẩm.
Trường hợp Bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án Dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, Điều 7 và Điều 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Bản án này có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án. /.
Bản án 179/2017/DS-PT ngày 07/12/2017 về tranh chấp hợp đồng đầu tư trồng và mua bán mía nguyên liệu
Số hiệu: | 179/2017/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Sóc Trăng |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 07/12/2017 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về