TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BẮC NINH
BẢN ÁN 17/2018/DS-PT NGÀY 23/01/2018 VỀ TRANH CHẤP CHIA THỪA KẾ TÀI SẢN
Ngày 17 và ngày 23/01/2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 04/TLPT- DS ngày 03 tháng 10 năm 2017 về “Tranh chấp về chia thừa kế tài sản”.
Do bản án sơ thẩm số 08/2017/DSST, ngày 28/6/2017 của Tòa án nhân dân thành phố B bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm 15/2017/QĐ-PT ngày 30/11/2017 giữa các đương sự:
- Nguyên đơn:
1. Bà Nguyễn Thị L, sinh năm 1961 (có mặt ).
2. Bà Nguyễn Thị D, sinh năm 1967 (vắng mặt ).
Đều trú tại: Xóm 4, Khu X, phường V, thành phố B, tỉnh Bắc Ninh.
3. Chị Nguyễn Ngọc A, sinh năm 1994 (có mặt ). Trú tại: Xóm C, Xã T, thị xã T, tỉnh Bắc Ninh.
4. Bà Nguyễn Thị M, sinh năm 1972 (có mặt ).
Trú tại: Phố Đ, xóm Đ, thị trấn L, huyện T, Bắc Ninh.
Bà D ủy quyền cho bà M đại diện tham gia tố tụng (bà M có mặt ).
- Bị đơn:
1. Ông Nguyễn Chiêu T, sinh năm 1952 (vắng mặt).
2. Ông Nguyễn Chiêu T1, sinh năm1957 (vắng mặt).
Đều trú tại: Khu X, phường V, thành phố B, tỉnh Bắc Ninh.
Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn:
Ông Nguyễn Anh Nghĩa, sinh 1971 (có mặt ).
Trú tại: Khu Thượng, phường Khắc Niệm, thành phố B, tỉnh Bắc Ninh.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn.
Luật sư Nguyễn Đức Thịnh, Luật sư thuộc Văn phòng luật sư Đức Thịnh, Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Ninh (có mặt ).
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
1. Bà Nguyễn Thị T2, sinh năm 1964 (vắng mặt ).
Trú tại: Khu X, phường V, thành phố B, tỉnh Bắc Ninh.
(Bà T2 ủy quyền cho bà Nguyễn Thị M đại diện tham gia tố tụng (Bà M có mặt )
2. Anh Nguyễn Chiêu V, sinh năm 1983 (vắng mặt).
Trú tại: Khu X, phường V, thành phố B, tỉnh Bắc Ninh.
Anh V ủy quyền cho ông Nguyễn Anh Nghĩa đại diện tham gia tố tụng (có mặt).
3. Người kháng cáo: Ông Nguyễn Chiêu T, Nguyễn Chiêu T1, Bà Nguyễn Thị L, Nguyễn Thị T2, Nguyễn Thị D và Nguyễn Thị M.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo bản án sơ thẩm và tài liệu có trong hồ sơ thì nội D vụ án như sau:
Nguyên đơn, đại diện theo ủy quyền của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng với bên nguyên đơn trình bày: Ông Nguyễn Chiêu Đ, sinh năm 1925 và bà Đặng Thị K, sinh năm 1929 sinh được 07 người con gồm: Nguyễn Chiêu T, sinh 1952; Nguyễn Chiêu T1, sinh 1957; Nguyễn Thị L, sinh 1961; Nguyễn Thị T2, sinh 1964; Nguyễn Thị D, sinh 1967; Nguyễn Chiêu Dương, sinh 1969 (anh Dương mất năm 1999 và có 01 con gái là Nguyễn Ngọc A); Nguyễn Thị M, sinh 1972. Ông Đ mất ngày 11/9/2008; Bà K mất ngày 16/01/2013. Khi mất ông Đ không để lại di chúc còn bà K có để lại di chúc đối với tài sản ông Đ, bà K tạo lập được trong thời kỳ hôn nhân (Di chúc lập ngày 18/12/2008 được UBND phường V, thành phố B chứng thực ngày 23/12/2008).
Di sản thừa kế của ông Đ, bà K để lại gồm:
1. Thửa đất số 106, tờ bản đồ số 28, diện tích 202,0m2 tại khu X, phường V, thành phố B, tỉnh Bắc Ninh theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (viết tắt là GCNQSDĐ) số V 434721 do UBND thị xã Bắc Ninh cấp ngày 19/11/2002 đứng tên hộ bà Đặng Thị K. Trên đất có 01 nhà trần 04 gian xây dựng năm 1988 cùng công trình phụ.
Hiện toàn bộ phần tài sản này đang do ông Nguyễn Chiêu T1 và con trai ông T1 là Nguyễn Chiêu V quản lý và sử dụng.
2. Phần đất nông nghiệp bao gồm: 522m2 đất nông nghiệp tại các xứ đồng: Sau Đền 180m2; Cửa Cầu 169m2; Sau Mả 173m2 (Hiện phần diện tích đất nông nghiệp này đang do ông Nguyễn Chiêu T1 canh tác).
Tiền bồi thường đất nông nghiệp bị thu hồi còn lại là 82.133.000đ (Số tiền này UBND phường V đang quản lý và xác nhận là 82.192.000đ) và phần đất dân cư dịch vụ đã bán được 106.000.000đ (Số tiền này do ông T, ông T1, cháu A mỗi người đã được chia 35.333.000đ).
Toàn bộ phần diện tích đất nông nghiệp ông Đ, bà K và Nguyễn Chiêu Dương được nhà nước cấp năm 1993 và đã được cấp GCNQSDĐ nhưng bị mất.
Nay đồng nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng với bên nguyên đơn đề nghị Tòa án chia di sản thừa kế của ông Đ, bà K và Nguyễn Chiêu Dương để lại như sau:
Chia theo di chúc của bà K lập ngày 18/12/2008 cho Nguyễn Thị M và Nguyễn Ngọc A mỗi người được hưởng ½ giá trị tài sản của bà K để lại trong khối tài sản chung của ông Đ, bà K là ½ thửa đất số 106, tờ bản đồ số 28, diện tích 202,0m2. Ngoài ra, Nguyễn Thị M và Nguyễn Ngọc A mỗi người được hưởng ½ giá trị phần tài sản của bà K được thừa kế của Ông Đ trong khối tài chung của ông Đ, bà K là ½ thửa đất số 106, tờ bản đồ số 28, diện tích 202,0 m2.
Chia thừa kế theo pháp luật cụ thể như sau:
Chia di sản thừa kế của ông Đ trong khối tài sản chung của ông Đ, bà K tạo dựng được trong thời kỳ hôn nhân là ½ thửa đất số 106, tờ bản đồ số 28, diện tích 202,0m2 cho các đồng thừa kế gồm 07 người con và bà K (Cháu A là người thừa kế thế vị của bố là Nguyễn Chiêu Dương).
Về phần đất nông nghiệp còn lại của ông Đ, bà K và anh Dương gồm: 522m2 đất nông nghiệp tại các xứ đồng: Sau Đền 180m2; Cửa Cầu 169m2; Sau Mả 173m2; Đất dân cư dịch vụ đã bán được 106.000.000đ; Tiền bồi thường đất nông nghiệp bị thu hồi là là 82.133.000đ (Số tiền này UBND phường V đang quản lý và xác nhận là 82.192.000đ).
Về phần diện tích đất nông nghiệp, tiền bồi thường đất bị thu hồi, tiền đất dân cư dịch vụ, đồng nguyên đơn đề nghị Tòa án chia theo pháp luật và chia làm 03 phần. Phần của anh Dương, cháu A được hưởng còn lại 02 phần của ông Đ, bà K sẽ được chia đều cho 07 người con, cháu A được thừa kế thế vị của bố là Dương.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn và đại diện theo ủy quyền của bị đơn xác nhận lời trình bày của nguyên đơn, đại diện theo ủy quyền cho người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng với bên nguyên đơn về diện, hàng thừa kế và toàn bộ di sản của bố mẹ là ông Đ, bà K để lại cùng hiện trạng đang quản lý, sử dụng những tài sản này.
Đại diện theo ủy quyền cho bị đơn không đồng ý chia di sản thừa kế của ông Đ, bà K theo yêu cầu của nguyên đơn vì khi còn sống ông Đ, bà K đã để lại toàn bộ tài sản cho các con trai, các con gái đi lấy chồng yên phận nhà chồng.
Đối với thửa đất số 106, tờ bản đồ số 28, diện tích 202,0m2 tại khu X, phường V, thành phố B không chia mà giao lại cho con trai của ông T1 là Nguyễn Chiêu V quản lý, sử dụng làm nơi thờ cúng cho ông bà.
Đối với phần diện tích đất nông nghiệp còn lại là 522m2 đại diện theo ủy quyền cho bị đơn đề nghị chia theo pháp luật.
Đối với số tiền bán đất dân cư dịch vụ được 106.000.000đ đã cho cháu A 35.300.000đ còn lại 71.000.000đ, ông T, ông T1 đã chi phí cho những công việc chung của gia đình như lo ma chay bà K, bốc mộ cho ông Đ và làm giỗ cho ông Đ, bà K và anh Dương đã chi hết số tiền này và còn thiếu 2.800.000đ nên không đồng ý chia số tiền này.
Đối với số tiền bồi thường đất bị thu hồi là 82.133.000đ (Số tiền này UBND phường V đang quản lý và xác nhận là 82.192.000đ) thì giữ lại để lo xây mộ cho bà và hai người em ruột của của ông Đ là ông Ba và ông Kính và xây mộ cho chú Dương.
Với nội D trên, bản án sơ thẩm đã áp dụng Điều 147; 239; 243; 248; 260; 264; 267 Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 631, 633, 634, 635, 636, 645, 646, 647,648, 649, 650, 652, 653, 657, 667, 675, 676, 677, 684, 685 Bộ luật Dân sự 2005; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng với nguyên đơn.
1. Xác nhận di sản thừa kế về đất ở của ông Nguyễn Chiêu Đ là ½ thửa đất số 106, tờ bản đồ số 28, diện tích 202,0m2 tại khu X, phường V, thành phố B, tỉnh Bắc Ninh theo GCNQSDĐ V 434721 do UBND thị xã Bắc Ninh cấp ngày 19/11/2002 đứng tên hộ bà Đặng Thị K.
Xác nhận thời điểm mở thừa kế đối với di sản của ông Đ là ngày 11/9/2008.
Xác nhận hàng thừa kế thứ nhất của ông Đ gồm: Bà Đặng Thị K là vợ và 07 người con là Nguyễn Chiêu T; Nguyễn Chiêu T1; Nguyễn Thị L; Nguyễn Thị T2; Nguyễn Thị D; Nguyễn Chiêu Dương; Nguyễn Thị M (Dương mất năm 1999 con gái Nguyễn Ngọc A là người thừa kế thế vị của Dương).
Chia di sản thừa kế của ông Đ là ½ thửa đất số 106, tờ bản đồ số 28, diện tích 202,0m2 tại khu X, phường V, thành phố B theo pháp luật cho hàng thừa kế thứ nhất là bà K và 07 người con. Mỗi kỷ phần được hưởng 12,62m2 (101m2: 8 = 12,62m2) đất ở trị giá 44.170.000đ, (Chị A là người thừa kế thế vị của bố là Dương).
2. Xác nhận di sản thửa kế về đất ở của bà Đặng Thị K là ½ thửa đất số 106, tờ bản đồ số 28, diện tích 202,0 m2 tại khu X, phường V, thành phố B và 12,62m2 đất ở bà K được thừa kế của ông Đ.
Xác nhận thời điểm mở thừa kế đối với di sản của bà K là ngày 16/01/2013.
Chia di sản thừa kế của bà K là ½ thửa đất số 106, tờ bản đồ số 28, diện tích 202,0 m2 tại khu X, phường V, thành phố B và 12,62m2 đất ở bà K được thừa kế của ông Đ theo di chúc cho Nguyễn Thị M và Nguyễn Ngọc A. Mỗi kỷ phần được hưởng là 56,81m2 (113,62m2 : 2 = 56,81m2).
Phần diện tích đất ở chị M được thừa kế theo di chúc và theo pháp luật là 69,43m2 (56,81m2 + 12,62m2 = 69,43m2 ) trị giá là 243.005.000đ.
Phần diện tích đất ở chị A được thừa kế theo di chúc và theo pháp luật (thừa kế thế vị của bố là Dương) là 69,43m2 (56,81m2 + 12,62m2 = 69,43m2) trị giá là 243.005.000đ.
Thửa đất số 106, tờ bản đồ số 28, diện tích 202,0m2 tại khu X, phường V, thành phố B được chia như sau: Chia thửa đất số 106 làm 03 thửa là 1, 2, 3. Thửa số 1 có diện tích 69,43m2, thửa số 2 có diện tích 69,43m2, thửa số 3 có diện tích 63,14m2.
Giao cho chị Nguyễn Thị M được sử dụng thửa số 1 có diện tích 69,43m2 trị giá 243.005.000đ. Thửa đất có tứ cận: Phía đông giáp thửa số 2 dài 11,645m; Phía Tây giáp nhà bà Tý dài 11,807m; Phía Nam giáp đường bê tông rộng 5,808m; Phía Bắc giáp nhà bà Tý rộng 5,933m.
Giao cho chị Nguyễn Ngọc A được sử dụng thửa số 2 có diện tích 69,43m2 trị giá 243.005.000đ. Thửa đất có tứ cận: Phía đông giáp thửa số 3 dài 12,307m; Phía tây giáp thửa số 1 dài 11,645m; Phía nam giáp đường bê tông rộng 6,227m; Phía bắc giáp nhà bà Tý rộng 6,099m.
Giao cho ông Nguyễn Chiêu T1 được sử dụng thửa số 3 có diện tích 63,14m2 trị giá 220.990.000đ. Thửa đất có tứ cận: Phía đông giáp ngõ vào nhà bà Tý dài 11,919m; Phía tây giáp thửa số 2 dài 12,307m; Phía nam giáp đường bê tông rộng 5,234m; Phía bắc giáp nhà bà Tý rộng 5,024m (Có sơ đồ hiện trạng kèm theo).
Ông T1 phải trích trả phần chênh lệch cho ông Nguyễn Chiêu T, bà Nguyễn Thị L, bà Nguyễn Thị T2, bà Nguyễn Thị D mỗi người 44.170.000đ.
Ông Nguyễn Chiêu T, bà Nguyễn Thị L, bà Nguyễn Thị T2, bà Nguyễn Thị D mỗi người được nhận số tiền là 44.170.000đ do ông T1 trích trả.
Các tài sản trên đất gồm nhà trần, các công trình phụ khác có trên thửa đất không còn giá trị sử dụng, các đương sự không yêu cầu định giá và không chia nên các công trình này nằm trên phần đất của ai được giao người đó được quyền sử dụng.
3. Xác nhận di sản thừa kế về đất nông nghiệp còn lại, tiền bồi thường đất, tiền đất dân cư dịch vụ của hộ ông Đ, bà K và Nguyễn Chiêu Dương gồm: 522m2 đất nông nghiệp tại các xứ đồng: Sau Đền 180m2; Cửa Cầu 169m2; Sau Mả 173m2; Tiền bồi thường đất nông nghiệp là 82.192.000đ; Tiền đất dân cư dịch vụ là 106.000.000đ. Phần di sản này sẽ được chia làm 03 phần gồm: Ông Đ, bà K và anh Dương.
Di sản thừa kế của ông Đ, bà K gồm 348m2 đất nông nghiệp và số tiền là 125.462.000đ được chia theo pháp luật cho hàng thừa kế thứ nhất là 07 người con, mỗi kỷ phần được hưởng là 49,7m2 đất nông nghiệp trị giá 21.768.000đ và số tiền là 17.923.000đ. Tổng cộng mỗi kỷ phần được nhận là 39.691.000đ (Chị A được thừa kế thế vị của bố là 49,7m2 đất nông nghiệp trị giá 21,768.000đ và số tiền là 17.923.000đ).
Di sản thừa kế của anh Dương gồm 174m2 đất nông nghiệp trị giá 76.212.000đ và số tiền bồi thường đất nông nghiệp, tiền đất dân cư dịch vụ là 62.730.000đ chị Nguyễn Ngọc A được hưởng. Tổng giá trị tiền đất nông nghiệp, tiền bồi thường đất, tiền đất dân cư dịch vụ chị A được hưởng là 178.633.000đ. Chị A đã được chia 35.300.000đ tiền đất dân cư dịch vụ nên chị A còn được nhận số tiền là 143.333.000đ.
Ông Nguyễn Chiêu T, ông Nguyễn Chiêu T1 mỗi người đã được chia 35.350.000đ tiền đất dân cư dịch vụ nên ông T, Ông T1 mỗi người còn được nhận số tiền là 4.341.000đ.
Giao cho bà L sử dụng 180m2 đất nông nghiệp ở xứ đồng Sau Đền trị giá 78.840.000đ (Bà L phải trích trả 39.124.000đ).
Giao cho bà T2 sử dụng 169m2 đất nông nghiệp ở xứ đồng Cửa Cầu trị giá 74.022.000đ (Bà T2 phải trích trả 34.320.000đ).
Giao cho bà D sử dụng 173m2 đất nông nghiệp tại xứ đồng Sau Mả trị giá 75.774.000đ (Bà D phải trích trả 36.070.000đ).
Tổng số tiền bà L, bà D, bà T2 phải trích trả cho các thừa kế khác là 109.514.000đ và số tiền bồi thường đất nông nghiệp bị thu hồi do UBND phường V đang quản lý là 82.192.000đ. Tổng cộng là 191.706.000đ sẽ được trích trả cho các thừa kế cụ thể: Trả cho chị A 143.333.000đ, trả cho chị M 39.691.000đ, trả cho ông T 4.341.000đ, trả cho ông T1 4.341.000đ.
Các đương sự có quyền và nghĩa vụ đến các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để đăng ký quyền sử dụng đất ở, đất nông nghiệp theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên nghĩa vụ thi hành án, án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Ngày 12/7/2017, bà Nguyễn Thị L, bà Nguyễn Thị D, bà Nguyễn Thị M và bà Nguyễn Thị T2 kháng cáo một phần bản án sơ thẩm.
Ngày 13/7/2017, bị đơn là ông Nguyễn Chiêu T, ông Nguyễn Chiêu T1 kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
Tại phiên toà hôm nay bà Nguyễn Thị L, bà Nguyễn Thị D, bà Nguyễn Thị M, bà Nguyễn Thị T2, ông Nguyễn Chiêu T1, Nguyễn Chiêu T giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.
Các đương sự không tự hòa giải được với nhau về việc giải quyết vụ án tại phiên tòa phúc thẩm.
Trong phần tranh luận, Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn phát biểu quan điểm cho rằng bản di chúc bà K là không hợp pháp về hình thức do khi lập di chúc bà K không ký nháy vào từng trang và thủ tục lập di chúc không theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 vì bà K đánh máy trước và bà là người không biết đánh máy nhưng không có người làm chứng, việc lập di chúc này cho chị M là người hưởng lợi nên chị đã dụ dỗ bà. Như vậy di chúc đã vi phạm cả Điều 649, 653 BLDS nên không hợp pháp; Phần chia theo pháp luật bản án sơ thẩm bỏ sót một phần diện tích ở xứ Đồng Ngói do bà K bán trước là không đảm bảo quyền lợi cho bị đơn; Phần chi phí xây mộ cho ông Đ thì ông T, ông T1 có bảng kê cụ thể Tòa án không xem xét; Phần đất ở cấp sơ thẩm chia làm 3, mỗi thửa có 63,1m2 là đủ điều kiện để cấp GCNQSDĐ và thửa đất thứ 2 là không có lối đi. Luật sư đề nghị hủy bản án sơ thẩm.
Ngoài ra việc chia đất cho chị M và cháu A là không phù hợp với thực tế vì chị M và cháu A đã đi lấy chồng. Bị đơn tha thiết xin được sử dụng đất và trích trả tiền cho nguyên đơn.
Ông Nguyễn Anh Nghĩa đại diện bị đơn nhất trí với luận cứ của Luật sư Thịnh.
Bà M tham gia tranh luận cho rằng thửa đất số 106 khi còn sống bố mẹ bà đã tuyên bố cho anh Dương và hai anh T và Tỉnh đã có đất ở riêng do bố mẹ chị mua cho, nhưng sau khi anh Dương mất thì có tranh chấp nên mẹ bà phải lập di chúc cho cháu A con anh Dương và cho chị.
Bà L và cháu A nhất trí quan điểm của bà M, không tham gia tranh luận.
Các bên đương sự không ai tranh luận gì thêm.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Ninh tham gia phiên tòa phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử; Thư ký phiên tòa; Việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng kể từ khi thụ lý phúc thẩm cho đến phần tranh luận tại phiên tòa là đảm bảo theo đúng trình tự theo quy định của pháp luật. Về nội D vụ án, đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 2 Điều 308, Điều 309 BLTTDS xử chấp nhận kháng cáo của các nguyên đơn là bà Nguyễn Thị L, bà Nguyễn Thị D, bà Nguyễn Thị M; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Nguyễn Thị T2; chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn là ông Nguyễn Chiêu T, Nguyễn Chiêu T1, sửa bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận kháng cáo của đồng nguyên đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan về việc tặng cho kỷ phần được chia là đất ở; phần đất của ông T và ông T1 không đủ điều kiện tách thửa và nếu chia là ba phần như cấp sơ thẩm thì một thửa không có trổ được cổng đi do vướng vào sân Miếu thờ của Xóm 4 và đề nghị công nhận sự thỏa thuận của các đương sự về việc chia đất nông nghiệp.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ cũng như lời trình bày của đương sự tại phiên tòa hôm nay thì thấy:
Ông Nguyễn Chiêu Đ và bà Đặng Thị K sinh được 7 người con là: Nguyễn Chiêu T, Nguyễn Chiêu T1, Nguyễn Thị L, Nguyễn Thị T2, Nguyễn Thị D, Nguyễn Chiêu Dương (anh Dương mất năm 1999) và Nguyễn Thị M. Ngày 11/9/2008 ông Đ mất. Ngày 16/01/2013 bà K mất. Khi mất ông Đ không để lại di chúc, bà K có lập di chúc ngày 18/12/2008 đến ngày 23/12/2008 bà K mang ra UBND phường V chứng thực.
Di sản của ông Đ, bà K để lại gồm: Thửa đất số 106, tờ bản đồ số 28, diện tích 202,0m2 tại khu X, phường V, thành phố B theo GCNQSDĐ số V 434721 do UBND thị xã Bắc Ninh cấp ngày 19/11/2002 đứng tên hộ bà Đặng Thị K. Trên đất có 01 nhà trần 04 gian xây dựng năm 1988 cùng công trình phụ.
Di sản thừa kế của ông Đ, bà K, anh Dương để lại gồm: 522m2 đất nông nghiệp tại các xứ đồng: Sau Đền 180m2; Cửa Cầu 169m2; Sau Mả 173m2; Tiền bồi thường đất nông nghiệp còn lại là 82.192.000đ (số tiền này UBND phường V đang quản lý) và phần đất dân cư dịch vụ đã bán được 106.000.000đ (số tiền này ông T, ông T1 mỗi người đã nhận 35.350.00đ, cháu A đã nhận 35.300.000đ).
Sau khi xét xử sơ thẩm nguyên đơn là bà Nguyễn Thị L, bà Nguyễn Thị D, bà Nguyễn Thị M; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Nguyễn Thị T2 kháng cáo một phần bản án sơ thẩm; bị đơn là ông Nguyễn Chiêu T, ông Nguyễn Chiêu T1 kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
Xét kháng cáo của ông T, ông T1 không đồng ý với bản án sơ thẩm về chia thừa kế di sản của ông Đ, bà K là 202m2 đất ở vì khi còn sống ông Đ, bà K đã để lại đất này cho các ông và hiện nay ông T1 đã giao đất này cho con trai ông T1 là Nguyễn Chiêu V quản lý để dùng làm nơi thờ cúng ông bà và bản di chúc của bà K là không hợp pháp, nội D bản di chúc không phải là ý chí của bà K vì bà không biết chữ. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm, cũng như tại phiên tòa phúc thẩm ông T, ông T1 không xuất trình được bất kỳ chứng cứ nào chứng M về việc ông Đ, bà K để lại tài sản là diện tích đất ở 202m2 cho các ông, còn phía nguyên đơn xuất trình được bản di chúc của bà K về phân chia di sản thừa kế. Trong phần tranh luận Luật sư và người đại diện theo ủy quyền của bị đơn cho rằng bản di chúc của bà K là không hợp pháp cả về hình thức và nội D vì khi lập di chúc bà K không ký nháy vào từng trang và thủ tục lập di chúc không theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 vì bà K đánh máy trước và bà là người không biết đánh máy nhưng không có người làm chứng, Hội đồng xét xử thấy bản di chúc do bà K lập được Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường V chứng thực, tại thời điểm lập di chúc bà K có đủ năng lực hành vi dân sự và phù hợp với quy định của pháp luật. Mặc dù bà K không ký từng trang của di chúc nhưng mỗi trang đều được đóng dấu giáp lai của Ủy ban nhân dân phường V; đối với đề nghị của Luật sư cho rằng di chúc không có người làm chứng là không đúng quy định tại Điều 650 và khoản 5 Điều 652 Bộ luật Dân sự năm 2005. Do vậy, Tòa án sơ thẩm đã xác nhận di chúc là hợp pháp và chia phần di sản của bà K để lại là có căn cứ pháp luật; Đối với phần di sản không có di chúc của ông Đ, bà K để lại, Tòa án cấp sơ thẩm đã chia theo quy định của pháp luật cho các đồng thừa kế ở hàng thừa kế thứ nhất là có căn cứ pháp luật; Phần di sản của anh Dương, Tòa án sơ thẩm đã chia cho cháu A là phù hợp pháp luật.
Đối với phần đất nông nghiệp của ông Đ, bà K, anh Dương để lại là 522m2 đất nông nghiệp; tiền bồi thường đất nông nghiệp còn lại là 82.192.000đ và phần đất dân cư dịch vụ đã bán được 106.000.000đ. Ông T, ông T1 chỉ đồng ý chia 522m2 đất nông nghiệp theo quy định của pháp luật, số tiền bán đất dân cư dịch vụ được 106.000.000đ đã cho cháu A 35.300.000đ còn lại 71.000.000đ, ông T, ông T1 đã chi phí cho những công việc chung của gia đình như lo ma chay bà K, bốc mộ cho ông Đ và làm giỗ cho ông Đ, bà K và chú Dương đã chi hết số tiền này và còn thiếu 2.800.000đ nên không đồng ý chia số tiền này; số tiền bồi thường đất bị thu hồi là 82.133.000đ thì giữ lại để lo xây mộ cho bà và hai người em ruột của của ông Đ là ông Ba và ông Kính và xây mộ cho chú Dương. Hội đồng xét xử xét thấy, về diện tích đất nông nghiệp thì tại phiên tòa phúc thẩm đồng nguyên đơn là bà L, bà M, chị A, người đại diện của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và đại diện bị đơn thỏa thuận để ông T1 tiếp tục sử dụng 169m2 đất nông nghiệp ở xứ đồng Cửa Cầu trị giá 74.022.000đ và 173m2 đất nông nghiệp tại xứ đồng Sau Mả trị giá 75.774.00đ, ông T1 có nghĩa vụ trích trả tiền chênh lệch cho các đồng thừa kế khác số tiền là 145.455.000đ; bà L được sử dụng 180m2 đất nông nghiệp ở xứ đồng Sau Đền trị giá 78.840.000đ, bà L phải trích trả 39.124.000đ cho các đồng thừa kế khác. Xét thấy sự thỏa thuận của các đương sự là phù hợp pháp luật nên cần chấp nhận; Đối với số tiền bán đất dân cư dịch vụ và số tiền bồi thường đất bị thu hồi là tài sản của ông Đ, bà K và của anh Dương để lại là di sản thừa kế nên sẽ được chia cho những người ở hàng thừa kế thứ nhất của ông Đ, bà K; đối với phần của anh Dương thì cháu A là người được hưởng. Việc ông T, ông T1 cho rằng số tiền bán đất dân cư dịch vụ hai ông được chia hai ông đã sử dụng hết vào việc gia đình như ma chay, bốc mộ, giỗ nhưng các ông cũng không xuất trình được tài liệu, chứng cứ nào cho việc các ông đã sử dụng số tiền này vào việc chung của gia đình và các đồng thừa kế khác cũng không công nhận các ông đã sử dụng số tiền này vào mục đích chung. Còn số tiền bồi thường thu hồi ruộng đất các ông không đồng ý chia nên giữ lại để sử dụng cho bốc mộ bố mẹ và hai người em ruột của ông Đ và anh Dương, các đồng nguyên đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không đồng ý vì đây là di sản thừa kế của ông Đ, bà K, anh Dương để lại nên cần chia cho các đồng thừa kế. Do vậy, Tòa án cấp sơ thẩm đã phân chia số tiền này theo hàng thừa kế là có căn cứ pháp luật.
Ngoài ra, Luật sư còn đề nghị Hội đồng xét xử xem xét về khoản tiền bà K bán ruộng ở xứ Đồng Ngói thì thấy tại thời điểm khởi kiện khoản tiền này không còn do khi còn sống bà K đã chi tiêu hết. Do đó bản án sơ thẩm không phân chia là phù hợp.
Như vậy, chấp nhận một kháng cáo của ông T, ông T1, công nhận sự thỏa thuận của các đương sự về việc phân chia đất nông nghiệp.
Xét kháng cáo của bà Nguyễn Thị L, bà Nguyễn Thị D, bà Nguyễn Thị M; Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Nguyễn Thị T2 về việc Tòa án chia thửa đất như vậy không đảm bảo quyền lợi cho bà M vì thửa đất này giáp miếu thờ của làng không thể mở lối đi được. Sau khi xét xử sơ thẩm bà Nguyễn Thị L, Nguyễn Thị T2 và Nguyễn Thị D và bà Nguyễn Thị M có biên bản họp gia đình và thỏa thuận phần di sản thừa kế là đất ở của ông Đ để lại mà bà L, bà D và bà T2 được hưởng sẽ tặng cho bà Nguyễn Thị M. Xét đề nghị này của các đương sự là phù hợp pháp luật nên chấp nhận. Bà M sẽ được hưởng kỷ phần ba đồng thừa kế, mỗi kỷ phần đất ở là 12,62m2. Như vậy, cả chia thừa kế theo di chúc và chia thừa kế theo pháp luật cùng với kỷ phần thừa kế bà M được nhận từ các đồng thừa kế thì phần đất bà M được hưởng là: 56,81m2 + 12,62m2 + 12,62m2 + 12,62m2 =107,29m2.
Ông T, ông T1 mỗi được hưởng kỷ phần thừa kế đất ở là 12,62m2. Nếu chia bằng hiện vật (đất ở) cho các ông là không đảm bảo phần diện tích để được cấp tách thửa theo Quyết định số 529/QĐ-UBND ngày 22/12/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh “Quy định hạn mức giao đất ở; diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất ở trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh”. Do vậy, phải trích chia theo kỷ phần đất ở mà ông T và ông T1 được hưởng bằng tiền và giao kỷ phần này cho người có nhu cầu là phù hợp quy định của pháp luật.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bà M có nguyện vọng được sử dụng phần diện tích đất ở là kỷ phần mà ông T, ông T1 được hưởng, bà sẽ trích trả bằng tiền cho ông T, ông T1 kỷ phần của hai ông được hưởng theo quy định. Xét yêu cầu này của bà M là phù hợp, bởi bà M đã được các đồng thừa kế khác tặng cho kỷ phần đất ở được thừa kế và thửa đất của bà M là thửa đất có lối đi ra phía Miếu của xóm 4 nên cần chia cho bà M diện tích đất nhiều hơn mới đủ để mở lối đi. Do đó cần chấp nhận này của bà M và chấp nhận kháng cáo của bà Nguyễn Thị L, bà Nguyễn Thị D, bà Nguyễn Thị M, bà Nguyễn Thị T2, sửa bản án sơ thẩm. Bà M có nghĩa vụ trích trả cho ông T, ông T1 mỗi người 44.170.000đ.
Như vậy, thửa đất số 106, tờ bản đồ số 28, có diện tích 202m2 sẽ được chia làm 02 thửa là 1, 2. Giao cho bà M sử dụng thửa số 1 có diện tích 132,53m2 trị giá 463.855.000đ; Giao cho chị A sử dụng thửa số 2 có diện tích 69,43m2 trị giá 243.005.000đ; Bà M phải trích trả phần chênh lệch cho ông T, ông T1 mỗi người số tiền là 44.170.000đ (Có sơ đồ kèm theo).
Ông T, ông T1 mỗi người được nhận số tiền là 44.170.000đ do chị M trích trả.
Về chi phí xem xét thẩm định, định giá tài sản ở cấp sơ thẩm bà M xin tự nguyện chịu toàn bộ, Hội đồng xét xử thấy là phù hợp nên cần chấp nhận.
Trong vụ án này Tòa án cấp sơ thẩm có thiếu sót cần rút kinh nghiệm đó là: Bản án sơ thẩm xác định bà Nguyễn Thị T2 là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập tham gia tố tụng với bên nguyên đơn là không chính xác, bởi yêu cầu của bà T2 có nội D cùng với đồng nguyên đơn về việc chia di sản thừa kế của ông Nguyễn Chiêu Đ và bà Đặng Thị K. Như vậy, yêu cầu này của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan không phải là yêu cầu độc lập mà là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng với bên nguyên đơn; Về lãi suất chậm thi hành án, bản án tuyên các đương sự phải chịu theo mức lãi suất cơ bản của Ngân hàng nhà nước là không đúng quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự.
Về án phí: Các đương sự không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 2 Điều 308, Điều 309 Bộ luật tố tụng dân sự, xử sửa bản án sơ thẩm:
Căn cứ Điều147; 239; 243; 248; 260; 264; 267 Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 631, 633, 634, 635, 636, 645, 646, 647,648, 649, 650, 652, 653, 657, 667, 675, 676, 677, 684, 685 Bộ luật Dân sự năm 2005; Căn cứ vào Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, yêu cầu của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng với nguyên đơn.
1. Xác nhận di sản thừa kế về đất ở của ông Nguyễn Chiêu Đ là ½ thửa đất số 106, tờ bản đồ số 28, diện tích 202,0m2 tại khu X, phường V, thành phố B, tỉnh Bắc Ninh theo GCNQSDĐ V 434721 do UBND thị xã Bắc Ninh cấp ngày 19/11/2002 đứng tên hộ bà Đặng Thị K.
Xác nhận thời điểm mở thừa kế đối với di sản của ông Đ là ngày 11/9/2008.
Xác nhận hàng thừa kế thứ nhất của ông Đ gồm: Bà Đặng Thị K là vợ và 07 người con là Nguyễn Chiêu T; Nguyễn Chiêu T1; Nguyễn Thị L; Nguyễn Thị T2; Nguyễn Thị D; Nguyễn Chiêu Dương; Nguyễn Thị M (Anh Dương mất năm 1999 con gái Nguyễn Ngọc A là người thừa kế thế vị của anh Dương).
Chia di sản thừa kế của ông Đ là ½ thửa đất số 106, tờ bản đồ số 28, diện tích 202,0 m2 tại khu X, phường V, thành phố B theo pháp luật cho hàng thừa kế thứ nhất là bà K và 07 người con. Mỗi kỷ phần được hưởng 12,62m2 (101m2 : 8 = 12,62m2) đất ở, trị giá 44.170.000đ, (Chị A là người thừa kế thế vị của bố là Dương).
2. Xác nhận di sản thửa kế về đất ở của bà Đặng Thị K là ½ thửa đất số 106, tờ bản đồ số 28, diện tích 202,0 m2 tại khu X, phường V, thành phố B và 12,62m2 đất ở bà K được thừa kế của ông Đ.
Xác nhận thời điểm mở thừa kế đối với di sản của bà K là ngày 16/01/2013.
Chia di sản thừa kế của bà K là ½ thửa đất số 106, tờ bản đồ số 28, diện tích 202,0 m2 tại khu X, phường V, thành phố B và 12,62m2 đất ở bà K được thừa kế của ông Đ theo di chúc cho Nguyễn Thị M và Nguyễn Ngọc A. Mỗi kỷ phần được hưởng là 56,81m2 (113,62m2 : 2 = 56,81m2).
Phần diện tích đất ở bà M được thừa kế theo di chúc và theo pháp luật và được kỷ phần của bà L, bà T2, bà D tặng cho cộng với hai kỷ phần của ông T, ông T1 là 56,81m2+12,62m2+12,62m2+12,62m2+12,62m2+12,62m2 =132,53m2 trị giá là 463.855.000đ.
Phần diện tích đất ở chị A được thừa kế theo di chúc và theo pháp luật (thừa kế thế vị của bố là Dương) là 69,43m2 (56,81m2 + 12,62m2 = 69,43m2) trị giá là 243.005.000đ.
Thửa đất số 106, tờ bản đồ số 28, diện tích 202,0 m2 tại khu X, phường V, thành phố B được chia như sau: Chia thửa đất số 106 làm 02 thửa là thửa số 1 và 2. Thửa số 1 có diện tích 132,53m2, thửa số 2 có diện tích 69,43m2.
Giao cho bà Nguyễn Thị M được sử dụng thửa số 1 có diện tích 132,53m2 trị giá 463.855.000đ. Thửa đất có tứ cận: Phía Đông giáp thửa số 2 dài 12,307m; Phía Tây giáp nhà bà Tý dài 11,807m; Phía Nam giáp đường bê tông rộng 10,310m; Phía Bắc giáp nhà bà Tý rộng 11,522m.
Giao cho chị Nguyễn Ngọc A được sử dụng thửa số 2 có diện tích 69,43m2 trị giá 243.005.000đ. Thửa đất có tứ cận: Phía Đông giáp ngõ nhà bà Tý dài 11,919m; Phía Tây giáp thửa số 1 dài 12,307m; Phía Nam giáp đường bê tông rộng 5,747m; Phía Bắc giáp nhà bà Tý rộng 5,724m.
Bà M phải trích trả phần chênh lệch cho ông Nguyễn Chiêu T, ông Nguyễn Chiêu T1, mỗi người số tiền là 44.170.000đ (Bốn mươi bốn triệu, một trăm bẩy mươi nghìn đồng).
Ông Nguyễn Chiêu T, ông Nguyễn Chiêu T1, mỗi người được nhận số tiền là 44.170.000đ (Bốn mươi bốn triệu, một trăm bẩy mươi nghìn đồng) do bà M trích trả.
Các tài sản trên đất gồm nhà trần, các công trình phụ khác có trên thửa đất không còn giá trị sử dụng, các đương sự không yêu cầu định giá và không chia nên các công trình này nằm trên phần đất của ai được giao người đó được quyền sử dụng.
3. Xác nhận di sản thừa kế về đất nông nghiệp còn lại, tiền bồi thường đất, tiền đất dân cư dịch vụ của hộ ông Đ, bà K và Nguyễn Chiêu Dương gồm: 522m2 đất nông nghiệp tại các xứ đồng: Sau Đền 180 m2; Cửa Cầu 169 m2; Sau Mả 173 m2; Tiền bồi thường đất nông nghiệp là 82.192.000đ; Tiền đất dân cư dịch vụ là 106.000.000đ. Phần di sản này sẽ được chia làm 03 phần gồm: Ông Đ, bà K và anh Dương.
Di sản thừa kế của ông Đ, bà K gồm 348m2 đất nông nghiệp và số tiền là 125.462.000đ được chia theo pháp luật cho hàng thừa kế thứ nhất là 07 người con, mỗi kỷ phần được hưởng là 49,7m2 đất nông nghiệp trị giá 21.768.000đ và số tiền là 17.923.000đ. Tổng cộng mỗi kỷ phần được nhận là 39.691.000đ (chị A được thừa kế thế vị của bố là 49,7m2 đất nông nghiệp trị giá 21,768.000đ và số tiền là 17.923.000đ).
Di sản thừa kế của anh Dương gồm 174m2 đất nông nghiệp trị giá 76.212.000đ và số tiền bồi thường đất nông nghiệp, tiền đất dân cư dịch vụ là 62.730.000đ chị Nguyễn Ngọc A được hưởng. Tổng giá trị tiền đất nông nghiệp, tiền bồi thường đất, tiền đất dân cư dịch vụ chị A được hưởng là 178.633.000đ. Chị A đã được chia 35.300.000đ tiền đất dân cư dịch vụ nên chị A còn được nhận số tiền là 143.333.000đ.
Ông Nguyễn Chiêu T, ông Nguyễn Chiêu T1 mỗi người đã được chia 35.350.000đ tiền đất dân cư dịch vụ nên ông T, Ông T1 mỗi người còn được nhận số tiền là 4.341.000đ.
Giao cho bà L sử dụng 180m2 đất nông nghiệp ở xứ đồng Sau Đền trị giá 78.840.000đ, bà L phải trích trả 39.124.000đ cho các đồng thừa kế.
Giao cho ông T1 sử dụng 169m2 đất nông nghiệp ở xứ đồng Cửa Cầu trị giá 74.022.000đ và sử dụng 173m2 đất nông nghiệp tại xứ đồng Sau Mả trị giá 75.774.000đ tổng giá trị là: 149.796.000đ. Ông T1 có nghĩa vụ trích trả 145.455.000đ cho các đồng thừa kế khác.
Tổng số tiền bà L, ông T1 phải trích trả cho các thừa kế khác là 184.579.000đ và số tiền bồi thường đất nông nghiệp bị thu hồi do UBND phường V đang quản lý là 82.192.000đ. Tổng cộng là 266.771.000đ sẽ được trích trả cho các thừa kế cụ thể:
Trả cho chị A 143.333.000đ (Một trăm bốn mươi ba triệu, ba trăm ba mươi ba nghìn đồng).
Trả cho bà M 39.691.000đ (Ba mươi chín triệu, sáu trăm chín mươi mốt nghìn đồng).
Trả cho ông T 4.341.000đ (Bốn triệu, ba trăm bốn mươi mốt nghìn đồng).
Trả cho bà T2 39.691.000đ (Ba mươi chín triệu, sáu trăm chín mươi mốt nghìn đồng).
Trả cho bà D 39.691.000đ (Ba mươi chín triệu, sáu trăm chín mươi mốt nghìn đồng).
Các đương sự có quyền và nghĩa vụ đến các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để đăng ký quyền sử dụng đất ở, đất nông nghiệp theo quy định của pháp luật.
Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất 10% tương tứng với thời gian chưa thi hành án.
4. Về chi phí xem xét thẩm định, định giá tài sản: Số tiền chi phí cho việc xem xét thẩm định và định giá tài sản là 4.700.000đ, bà M tự nguyện chịu toàn bộ (Xác nhận bà M đã nộp 4.700.000đ).
5. Về án phí: Bà Nguyễn Thị M phải chịu 20.610.000đ án phí DSST. Xác nhận bà M đã nộp 6.698.500đ tạm ứng án phí tại biên lai số 01199 ngày 22/12/2015 của Chi cục thi hành án dân sự thành phố B.
Chị Nguyễn Ngọc A phải chịu 20.865.000đ án phí DSST. Giảm 50% khoản tiền án phí phải chịu cho chị A. Chị A còn phải chịu 10.432.500đ. Xác nhận chị A đã nộp 6.698.500đ tạm ứng án phí tại biên lai số 01200 ngày 22/12/2015 của Chi cục thi hành án dân sự thành phố B.
Bà Nguyễn Thị L phải chịu 1.985.000đ án phí DSST. Xác nhận bà L đã nộp 800.000đ tạm ứng án phí tại biên lai số 01198 ngày 22/12/2015 của Chi cục thi hành án dân sự thành phố B.
Bà Nguyễn Thị D phải chịu 1.985.000đ án phí DSST. Xác nhận bà D do bà M đại diện đã nộp 800.000đ tạm ứng án phí tại biên lai số 01201 ngày 22/12/2015 của Chi cục thi hành án dân sự thành phố B.
Bà Nguyễn Thị T2 phải chịu 1.985.000đ án phí DSST. Xác nhận bà T2 do bà L đại diện đã nộp 800.000đ tạm ứng án phí tại biên lai số 01293 ngày 22/3/2016 của Chi cục thi hành án dân sự thành phố B.
Ông Nguyễn Chiêu T phải chịu 2.426.000đ án phí DSST. Ông Nguyễn Chiêu T1 phải chịu 2.426.000đ án phí DSST.
Các đương sự không phải chịu án phí DSPT. Hoàn trả ông Nguyễn Chiêu T, Nguyễn Chiêu T1, mỗi người 300.000đ tiền tạm ứng án phí DSPT theo biên lai thu số 0000234, 0000235 ngày 14/7/2017; Hoàn trả bà Nguyễn Thị L, Nguyễn Thị D, Nguyễn Thị T2, Nguyễn Thị M, mỗi người 300.000đ tiền tạm ứng án phí DSPT theo biên lai thu số 0000222, 0000224, 0000223, 0000225 ngày 12/7/2017.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 17/2018/DS-PT ngày 23/01/2018 về tranh chấp chia thừa kế tài sản
Số hiệu: | 17/2018/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Bắc Ninh |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 23/01/2018 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về