Bản án 17/2017/HSPT ngày 25/09/2017 về tội cố ý gây thương tích

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH HÒA BÌNH

BẢN ÁN 17/2017/HSPT NGÀY 25/09/2017 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH 

Ngày 25 tháng 9 năm 2017 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình mở phiên tòa công khai xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số 36/2017/HSPT ngày 09 tháng 8 năm 2017 đối với bị cáo Bùi Văn H do có kháng cáo của người bị hại đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 24/2017/HSST ngày 11 tháng 7 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện K, tỉnh Hòa Bình.

Bị cáo không có kháng cáo: Bùi Văn H, sinh ngày 29/11/1977 tại xã Đ, huyện K, tỉnh Hòa Bình; Đăng ký nhân khẩu thường trú, chỗ ở hiện nay: Xóm V, xã Đ, huyện K, tỉnh Hòa Bình; trình độ văn hóa: Lớp 11/12; nghề nghiệp: Làm ruộng; dân tộc: Mường; con ông: Bùi Thiết T, sinh năm 1953 và bà Bùi Thị T (đã chết); có vợ là Bùi Thị H, sinh năm 1979; có 02 con (lớn sinh năm 1999, nhỏ sinh năm 2005); tiền án, tiền sự: Không; Bị cáo tại ngoại, có mặt tại phiên tòa.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo Bùi Văn H:

- Ông Nguyễn Hữu D, Trợ giúp viên pháp lý - Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Hòa Bình. Có mặt.

Người bị hại có kháng cáo: Chị Bạch Thị T, sinh năm 1970

Trú tại: Xóm V, xã Đ, huyện K, tỉnh Hòa Bình. Có mặt tại phiên tòa.

Người đại diện theo ủy quyền: Anh Bạch Công D, sinh năm 1972 (em trai chị T), cùng địa chỉ bị hại.

- Người bảo vệ quyên và lợi ích hợp pháp cho người bị hại: Luật sư Đan Tiếp P- văn phòng luật sư Đan Tiếp P thuộc đoàn luật sư tỉnh Hòa Bình. Có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo bản cáo trạng số 17/CT-VKS ngày 03/5/2017 của Viện kiểm sát nhân dân huyện K, tỉnh Hòa Bình và bản án hình sự sơ thẩm số 24/2017/HSST ngày 11/7/2017 của Tòa án nhân dân huyện K, tỉnh Hòa Bình, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Khoảng 14 giờ 30 phút ngày 14/11/2016 anh Nguyễn Văn T trưởng thôn xóm V, xã Đ, huyện K có trao đổi với bị cáo Bùi Văn H về việc đào mương thoát nước chống úng qua ruộng nhà bị cáo H, lúc đó có anh Bùi Văn N, chị Bạch Thị T là vợ chồng anh trai, chị dâu bị cáo H có mặt ở đó. Do có mâu thuẫn từ trước với bị cáo H, nên chị T và bị cáo H đã xảy ra to tiếng cãi nhau, anh T trưởng thôn can ngăn bị cáo H đã về nhà mình.

Khoảng 16 giờ 30 phút cùng ngày, Bùi Văn H ra phía sau vườn nhà bị cáo, nhìn thấy anh N, chị T vác cuốc xẻng về. H nói với chị T là tại sao lúc trước lại nói xấu vợ H, nói anh N làm chồng mà để vợ nói bố và em như thế, nên giữa bị cáo với anh N, chị T đã cãi chửi nhau; anh N, chị T nhặt đất đá ném trúng vào chân H; H cũng nhặt đất đá ném lại phía anh N, chị T nhưng không trúng ai. Lúc này chị Bùi Thị N là chị họ bị cáo từ trong nhà anh N đi ra can ngăn đẩy anh N, chị T về nhà. Bị cáo H đi ra phía trước nhà bị cáo, nhưng vẫn nghe thấy anh N, chị T chửi bị cáo, có lời lẽ xúc phạm vợ chồng bị cáo, nên Bùi Văn H đi từ nhà mình sang cổng nhà anh N, nhặt một đoạn cây gỗ dài 56cm, đường kính 06cm ở đống củi cổng nhà anh N, tiếp tục cãi nhau với anh N, chị T. Trong lúc cãi chửi nhau, H đã chạy vào định đánh nhau với anh N, chị T nhưng vừa chạy vào đến gần sân bếp thì được chị Bùi Thị N, bà Bùi Thị C (người cùng xóm) can ngăn, sẵn tay phải của H đang cầm đoạn cây gỗ, H ném về phía anh N, chị T đang đứng cách H khoảng 05m, trúng vào trán bên trái của chị T làm chị T bị ngã đập đầu xuống sân bê tông, bất tỉnh tại chỗ.

Chị Bạch Thị T được gia đình đưa đi cấp cứu tại bệnh viện K, chuyển Bệnh viện đa khoa tỉnh H điều trị 18 ngày (từ ngày 14/11/2016 đến ngày 02/12/2016), điều trị tiếp tại Bệnh viện đa khoa huyện K 12 ngày (từ ngày 02/12/2016 đến ngày 13/12/2016).

Tại bản kết luận giám định pháp y về thương tích số: 232/PY-GĐTT ngày 26/12/2016 của Trung tâm pháp y thuộc Sở y tế tỉnh H, kết luận nạn nhân Bạch Thị T: Chấn thương vùng trán do vật tày tác động gây xây xát vùng trán hai bên. Hiện tại còn để lại hai vết sẹo mờ. Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là 01% (Một phần trăm); chấn thương góc trán thái dương trái do cơ thể tác động vào vật gây thương tích gây nên xuất huyết dưới nhện. Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là 19% (Mười chín phần trăm).

Tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là 20% (Hai mươi phần trăm).

Bản án sơ thẩm số 24/2017/HSST ngày 11/7/2017 Tòa án nhân dân huyện K, tỉnh Hòa Bình quyết định: Áp dụng khoản 2 điều 104; điểm b, p, khoản 1, khoản 2 Điều 46, Điều 60 Bộ luật hình sự. Xử phạt bị cáo Bùi Văn H 30 (ba mươi) tháng tù về tội cố ý gây thương tích nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách là 60 (sáu mươi) tháng kể từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 584, 585, 586 590 Bộ luật dân sự, buộc bị cáo Bùi Văn H phải bồi thường cho người bị hại Bạch Thị T tổng số tiền là: 36.235.000đ (ba mươi sáu triệu hai trăm ba mươi lăm ngàn đồng). Xác nhận bị cáo Bùi Văn H đã bồi thường tại Tòa án 20.000.000 đồng, còn phải bồi thường tiếp là 16.235.000đ (mười sáu triệu hai trăm ba mươi lăm ngàn đồng). Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo cho các đương sự.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 20/7/2017 người bị hại Bạch Thị T có đơn kháng cáo, yêu cầu xử phạt giam bị cáo, tăng mức bồi thường thiệt hại.

Tại phiên tòa phúc thẩm, người bị hại, người đại diện theo ủy quyền của chị T giữ nguyên nội dung kháng cáo. Đề nghị xử giam bị cáo H. Yêu cầu được bồi thường 03 hóa đơn thuốc số tiền hơn hai chục triệu đồng. Hiện tại sức khỏe chị T rất yếu thường xuyên đau đầu mất ngủ, sắp tới phải mổ não, yêu cầu tăng khoản tiền tổn thất về tinh thần, tăng khoản tiền bồi dưỡng sức khỏe lên 10.000.000 đồng; yêu cầu bồi thường chi phí giám định, tiền chụp cắt lớp ở ngoài (do bệnh viện Đa khoa tỉnh H bị mất điện) nhưng không có chứng từ.

Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại trình bày: Để giữ tình cảm gia đình giữa chị dâu và em chồng, chị T nên rút yêu cầu xử giam bị cáo; giữ nguyên yêu cầu tăng bồi thường; đề nghị buộc bị cáo bồi thường toàn bộ chi phí tiền thuốc cho người bị hại.

Trình bày quan điểm về việc giải quyết vụ án, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hòa Bình, đề nghị: Áp dụng điểm b khoản 2 Điều 248 Bộ luật tố tụng hình sự, chấp nhận một phần kháng cáo của người bị hại, sửa bản án sơ thẩm tăng bồi thường cho người bị hại.

Trợ giúp viên pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo trình bày. Về hình phạt: Bị cáo có tình tiết mới bố bị cáo là thương binh, không có tình tiết tăng nặng, có nhiều tình tiết giảm nhẹ, nhân thân tốt chưa có tiền án, tiền sự, đề nghị bác kháng cáo của người bị hại yêu cầu xử phạt giam bị cáo, giữ nguyên quyết định cho bị cáo hưởng án treo, về tăng bồi thường thiệt hại: Đề nghị Hội đồng xét xử ghi nhận việc bị cáo tự nguyện bồi thường thêm cho người bị hại 10.000.000 đồng tiền bồi dưỡng sức khỏe; tăng thêm 03 tháng lương cơ sở khoản tiền tổn thất về tinh thần cho chị T (Tòa án sơ thẩm quyết định 12 tháng); tăng thêm mức tiền công lao động cho người bị hại và một người chăm sóc bị hại trong thời gian nằm viện, cho bị hại sau khi ra viện là 30.000 đồng/tháng (sơ thẩm quyết định 150.000 đồng/tháng); tổng cộng buộc bị cáo bồi thường cho người bị hại 56.660.000 đồng. Riêng chi phí mua thuốc (03 hóa đơn) số tiền 22.795.000 đồng do gia đình bị hại tự mua không theo chỉ định của bác sỹ, đề nghị không chấp nhận.

Căn cứ vào các tài liệu chứng cứ đã được thẩm tra tại phiên tòa phúc thẩm, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện tài liệu, chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, lời khai của bị cáo, người bị hại.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Tại phiên tòa phúc thẩm, một lần nữa bị cáo H khai nhận: Chị Bạch Thị T và bị cáo có mối quan hệ gia đình (chị dâu em chồng) có mâu thuẫn từ trước khoảng 10 năm, hai nhà ở cạnh nhau. Khoảng 14 giờ ngày 14/11/2016 giữa bị cáo và vợ chồng anh N, chị T (anh trai, chị dâu bị cáo) to tiếng cãi nhau, xuất phát từ việc đào mương chống úng, được mọi người can ngăn sự việc chấm dứt. Khoảng 16 giờ 30 phút cùng ngày 14/11/2016, Bùi Văn H và chị T tiếp tục cãi nhau. Trong lúc cãi chửi nhau, chị T có lời nói xúc phạm bố đẻ bị cáo, xúc phạm vợ chồng bị cáo, nên bị cáo H không kiềm chế được cơn nóng giận đã sử dụng đoạn cây gỗ dài 56cm, đường kính 06cm ném về phía chị Bạch Thị T, trúng vào trán chị T làm chị T ngã đập đầu xuống sân bê tông. Hậu quả chị T bị thương tích 20% sức khỏe so với toàn bộ sức khỏe trước khi bị hại.

Lời khai của bị cáo H phù hợp với lời khai của bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm, phù hợp với lời khai của bị hại Bùi Thị T, kết luận giám định thương tích, người làm chứng cùng các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, có đủ căn cứ khẳng định: Bị cáo H sử dụng đoạn cây gỗ là hung khí nguy hiểm gây thương tích cho chị T. Việc chị T bị thương tích 20% sức khỏe là do bị cáo H gây ra. Bị cáo H nhận thức được hành vi của mình dùng gậy gỗ ném về phía chị T sẽ gây nguy hiểm cho chị T, song do quá nóng giận, bị cáo cố ý thực hiện tội phạm. Hành vi do bị cáo thực hiện đã cấu thành tội cố ý gây thương tích. Tòa án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo Bùi Văn H về tội cố ý gây thương tích theo khoản 2 Điều 104 Bộ luật hình sự là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

[2] Xét kháng cáo của chị Bùi Thị T yêu cầu xử phạt tù giam bị cáo Bùi Văn H, Hội đồng xét xử nhận thấy: Khi quyết định hình phạt Tòa án cấp sơ thẩm đã căn cứ vào việc chị T bị thương tích 20% sức khỏe, bị cáo phạm tội không có tình tiết tăng nặng theo Điều 48 Bộ luật hình sự, có tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự. Đặc biệt trước khi phạm tội bị cáo có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự, có nơi cư trú cụ thể rõ ràng, trước khi phạm tội luôn chấp hành đúng chính sách, pháp luật, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân nơi cư trú. Tại phiên tòa bị cáo xuất trình tài liệu mới bố bị cáo (ông Bùi Thiết T) là thương binh. Đây là tình tiết giảm nhẹ mới có lợi cho bị cáo. Xét thấy mức án 30 tháng tù cho hưởng án treo mà Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo Bùi Văn H là đúng với Điều 60 Bộ luật hình sự 2009, phù hợp với Nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP ngày 06/11/2013 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 60 của Bộ luật hình sự về án treo. Do đó, ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hòa Bình, của trợ giúp viên pháp lý bảo vệ quyền lợi cho bị cáo đề nghị giữ nguyên án sơ thẩm cho bị cáo hưởng án treo là phù hợp, được chấp nhận. Người bị hại (chị Bùi Thị T) yêu cầu xử giam bị cáo Bùi Văn H là không có căn cứ. Cần giữ nguyên quyết định án sơ thẩm về hình phạt đối với bị cáo.

[3] Xét kháng cáo yêu cầu tăng bồi thường của người bị hại.

[3.1] Chị T yêu cầu được bồi thường tiền thuốc (03 hóa đơn), số tiền 21.895.000 đồng . Hội đồng xét xử xét thấy: Chị T điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh H 18 ngày (từ ngày 14/11/2016 đến ngày 02/12/2016); điều trị tại bệnh viện huyện K 12 ngày (từ ngày 02/12/2016 đến ngày 13/12/2016). Như vậy, chị T điều trị liên tục tại hai bệnh viện với thời gian 30 ngày, ba hóa đơn thuốc ngày 02/12/2016, số tiền 10.680.000 đồng; ngày 13/12/2016, số tiền 7.095.000 đồng; ngày 14/11/2016, số tiền 4.120.000 đồng, đều nằm trong thời gian điều trị của chị T tại hai bệnh viện, mua theo đơn của bác sỹ tại nhà thuốc bệnh viện đa khoa tỉnh H. Đây là những chi phí thực tế, hợp lý phục vụ cho việc điều trị thương tích của chị T. Do đó, ý kiến của người đại diện theo ủy quyền của chị T và Luật sư bảo vệ quyền lợi cho chị T là phù hợp, được chấp nhận. Theo đó, bị cáo H phải bồi thường tiền thuốc cho chị T theo 03 hóa đơn đã nêu trên, số tiền 21.895.000 đồng.

[3.2] Về khoản tiền tổn thất về tinh thần do sức khỏe bị xâm hại của bị hại. Điều 590 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định, khoản tiền tổn thất về tinh thần do sức khỏe bị xâm hại mức tối đa 50 tháng lương cơ sở.

Xét thấy, chị T bị thương tích 20% sức khỏe, phải điều trị tại hai bệnh viện 30 ngày, sau khi ra viện chưa đi làm được. Từ ngày bị thương đến nay sức khỏe chậm hồi phục, thường xuyên đau đầu chóng mặt mất ngủ. Tòa án cấp sơ thẩm quyết định mức bồi thường tổn thất về tinh thần do sức khỏe bị xâm hại 12 tháng lương cơ sở là chưa phù hợp, do đó ý kiến của người đại diện theo ủy quyền của chị T tăng khoản tiền này là có căn cứ, được chấp nhận. Theo đó, buộc bị cáo bồi thường thêm 03 tháng lương cơ sở cho bị hại (mức 1.300.000 đồng/tháng từ ngày 01 tháng 7 năm 2017) 03 tháng x 1.300.000 đồng = 3.900.000 đồng.

Tòa án cấp sơ thẩm xử sơ thẩm tháng 7 năm 2017, mức lương cơ sở tăng 90.000 đồng (từ 1.210.000 đồng lên 1.300.000 đồng), nhưng tính mức lương cơ sở (cũ) 1.210.000 đồng /tháng là còn thiếu 90.000 đồng/tháng, cần tính lại cho đủ: 12 tháng x 90.000 đồng/tháng = 1.080.000 đồng. Bị cáo phải bồi thường cho chị T số tiền còn thiếu là 1.080.000 đồng.

[3.3] Người bị hại (chị T) yêu cầu bồi thường thêm 10.000.000 đồng tiền bồi dưỡng sức khỏe (sơ thẩm quyết định 6.000.000 đồng). Tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo đồng ý bồi thường thêm cho chị T. Xét thấy, việc bị cáo tự nguyện bồi thường cho bị hại là phù hợp với quy định của pháp luật, phù hợp với đạo đức xã hội, nên được chấp nhận; Hội đồng xét xử ghi nhận sự tự nguyện của bị cáo, bồi thường thêm cho chị T khoản tiền bồi dưỡng sức khỏe là 10.000.000 đồng.

[3.4] Theo quy định của khoản 1 Điều 6 Pháp lệnh số 02/2012/UBTVQH13 ngày 28 tháng 3 năm 2012 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về chi phí giám định, định giá; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng hình sự thì chi phí giám định bị cáo không phải chịu; bị hại chụp cắt lớp nhưng không có hóa đơn chứng từ hợp lệ. Do đó nội dung kháng cáo này của bị hại là không có căn cứ và không được chấp nhận.

Như vậy, ngoài số tiền Tòa án cấp sơ thẩm quyết định là 36.235.000 đồng, bị cáo H còn phải bồi thường cho chị T các khoản tiền sau:Tiền thuốc 03 hóa đơn là 21.895.000đ, tiền tổn thất tinh thần do sức khỏe bị xâm hại là 3.900.000đ, tiền tổn thất tinh thần Tòa án sơ thẩm tính còn thiếu là 1.080.000đ; bị cáo tự nguyện bồi thường thêm tiền bồi dưỡng sức khỏe 10.000.000 đồng. Cộng 04 khoản là 36.875.000 đồng.

Tổng cộng bị cáo phải bồi thường cho người bị hại: 36.235.000 đồng + 36.875.000 = 72.110.000 đồng, được khấu trừ 20.000.000 đồng bị cáo đã nộp tại cơ quan thi hành án huyện K, còn phải bồi thường tiếp 52.110.000 đồng.

Do tăng bồi thường nên bị cáo phải nộp án phí dân sự phần tăng bồi thường theo Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa 14.

Các quyết định khác của Tòa án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị có hiệu lực pháp luật.

Vì các lẽ trên,

Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 248; khoản 3 Điều 249 Bộ luật Tố tụng hình sự;

QUYẾT ĐỊNH

1. Chấp nhận một phần kháng cáo của người bị hại Bạch Thị T: Sửa án sơ thẩm tăng bồi thường thiệt hại.

Áp dụng khoản 2 Điều 104; điểm b, p, khoản 1, khoản 2 Điều 46, Điều 60 Bộ luật hình sự. Xử phạt bị cáo Bùi Văn H 30 (ba mươi) tháng tù về tội cố ý gây thương tích, cho hưởng án treo. Thời gian thử thách là 60 (sáu mươi) tháng kể từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Giao bị cáo Bùi Văn H cho Ủy ban nhân dân xã Đ, huyện K, tỉnh Hòa Bình giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách. Gia đình bị cáo Bùi Văn H có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương về việc giám sát, giáo dục bị cáo trong thời gian thử thách.

Trong trường hợp bị cáo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 Luật Thi hành án hình sự.

2. Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 584, Điều 585, Điều 586 và Điều 590 Bộ luật dân sự 2015, buộc bị cáo Bùi Văn H phải bồi thường cho người bị hại Bạch Thị T, tổng cộng 72.110.000 đồng (bảy mươi hai triệu, một trăm mười ngàn đồng chẵn). Xác nhận bị cáo Bùi Văn H đã nộp 20.000.000 đồng (hai mươi triệu đồng) tại cơ quan thi hành án huyện K theo biên lai thu tiền số 07347 ngày 03/8/2017 của Chi cục Thi hành án huyện K; còn phải bồi thường 52.110.000 đồng (năm mươi hai triệu, một trăm mười ngàn đồng chẵn).

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người bị hại, nếu bị cáo chậm thanh toán số tiền phải thi hành án, thì hàng tháng còn phải chịu thêm khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.

3. Về án phí: Bị cáo H phải chịu 2.600.000 đồng (hai triệu sáu trăm nghìn) đồng án phí dân sự, không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

4. Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm số 24/2017/HSST ngày 11/7/2017 Tòa án nhân dân huyện K, tỉnh Hòa Bình không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6,7 và 9 Luật thi hành.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

413
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 17/2017/HSPT ngày 25/09/2017 về tội cố ý gây thương tích

Số hiệu:17/2017/HSPT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hoà Bình
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 25/09/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;