Bản án 170/2021/HS-PT ngày 05/07/2021 về tội vi phạm quy định bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK

BẢN ÁN 170/2021/HS-PT NGÀY 05/07/2021 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH BẢO VỆ ĐỘNG VẬT NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM

Ngày 05 tháng 7 năm 2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk, xét xử công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số: 131/2021/TLPT-HS, ngày 11/5/2021 đối với bị cáo Hoàng Minh T về tội“Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”. Do có kháng cáo của bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 86/2021/HS-ST ngày 18/03/2021 của Tòa án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

* Bị cáo có kháng cáo:

Họ và tên: Hoàng Minh T, sinh ngày 10/10/1961 tại tỉnh Lạng Sơn; nơi cư trú: Số nhà 88 đường Đ, phường T, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk; nghề nghiệp: Không; trình độ học vấn: 7/12; dân tộc: Tày; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Hoàng Văn D và bà Chu Thị S (đều đã chết); bị cáo có vợ là Trần Thị H, sinh năm 1959 và có 02 con, con lớn sinh năm 1990, con nhỏ sinh năm 1996; tiền án, tiền sự: Không.

Bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú, hiện đang tại ngoại (Có mặt).

Người bào chữa cho bị cáo: Bà Phạm Thị N – Luật sư thuộc Công ty Luật TNHH X, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội.

Địa chỉ: Phòng 202 C12, khu tập thể M, phường M, Quận H, Thành phố Hà Nội (Có mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Năm 2015, qua thông tin trên các trang mạng xã hội, Hoàng Minh T thấy loài rùa hộp trán vàng có ngoại hình đẹp, dễ chăm sóc, là loài rùa quý, hiếm nên nảy sinh ý định nuôi để làm cảnh và bảo tồn. Bị cáo biết con trai của mình là anh Hoàng Minh T1 có sở thích về rùa, tham gia vào các hội sinh vật cảnh trên mạng xã hội và quen biết với một số chủ trại nuôi rùa hợp pháp nên Hoàng Minh T đã nhờ anh T1 liên hệ mua, xin rùa các loại, cả con đực và con cái để nuôi, gây giống. Anh T1 đã ba lần liên hệ mua, xin rùa cho Hoàng Minh T, cụ thể:

Lần 1: Mua của ông Huỳnh Chí C, trú tại 14/6 Tổ 4, Ấp 6, xã A, huyện C, thành phố Hồ Chí Minh 20 con rùa núi vàng, 30 con rùa đất lớn (được Chi cục Kiểm lâm thành phố Hồ Chí Minh xác nhận trong Bảng kê lâm sản ghi ngày 13/8/2015);

Lần 2: Vào tháng 9/2015, được ông Lê Ngọc S, trú tại 53 đường L, phường P, thành phố N, tỉnh Khánh Hòa tặng cho 06 con rùa hộp trán vàng miền Trung, 02 con rùa hộp lưng đen (được Hạt Kiểm lâm thành phố N xác nhận trong Bảng kê lâm sản ghi ngày 01/9/2015);

Lần 3: Vào tháng 12/2017, được ông Nguyễn Minh H, trú tại ấp H, xã B, huyện C, tỉnh An Giang tặng cho 04 con rùa hộp trán vàng miền Trung, 04 con rùa sa nhân (được Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang xác nhận trong Bảng kê lâm sản ghi ngày 07/12/2017).

Ngoài ra, trong khoảng thời gian từ năm 2015 đến năm 2020, Hoàng Minh T tự mua thêm nhiều loài rùa khác như: Rùa đất Pulkin, rùa răng, rùa núi nâu, rùa núi vàng, rùa cổ sọc… Đồng thời, bị cáo đã cải tạo lại thửa đất số 13, tờ bản đồ số 53, tại địa chỉ 88 đường Đ, phường T, thành phố B (quyền sử dụng đất của anh Hoàng Minh T1 nhận chuyển nhượng từ bà Nguyễn Thị Lệ Th, trú tại 47 N, phường L, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk) để làm nơi nuôi nhốt rùa.

Vào khoảng 16 giờ ngày 07/5/2020, Công an thành phố Buôn Ma Thuột phối hợp cùng Công an phường T và Hạt Kiểm lâm thành phố B kiểm tra, phát hiện tại địa chỉ nêu trên có nuôi nhốt 127 cá thể rùa, trong đó có 32 cá thể rùa hộp trán vàng miền Trung, 15 cá thể rùa hộp trán vàng miền Nam và 80 cá thể rùa các loại khác. Hoàng Minh T không cung cấp được hồ sơ, giấy phép liên quan đến việc nuôi nhốt rùa, mà chỉ cung cấp được hồ sơ lâm sản của 68 cá thể rùa các loại có xác nhận của Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang, Hạt Kiểm lâm thành phố B, Chi cục Kiểm lâm thành phố Hồ Chí Minh. Đối với các cá thể rùa còn lại, không có hồ sơ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Do đó, Công an thành phố Buôn Ma Thuột đã tiến hành lập biên bản, tạm giữ toàn bộ số rùa nêu trên theo quy định.

Để đảm bảo việc bảo quản vật chứng, ngày 23/5/2020 Cơ quan điều tra đã bàn giao 101 cá thể rùa (trong đó có 32 cá thể rùa hộp trán vàng miền Trung, 15 cá thể rùa hộp trán vàng miền Nam) cho Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Vườn Quốc gia Cúc Phương và giao 26 cá thể rùa cho Hoàng Minh T chăm sóc, nuôi dưỡng.

Tại bản Kết luận giám định động vật số 342/STTNSV ngày 25/5/2020 của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật thuộc Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam kết luận:

- Có 47 cá thể rùa, gồm: 32 cá thể rùa hộp trán vàng miền Trung, có tên khoa học Cuora bourreti và 15 cá thể rùa hộp trán vàng miền Nam, có tên khoa học Cuora Picturata. Loài rùa hộp trán vàng miền Trung và loài rùa hộp trán vàng miền Nam có tên trong Phụ lục I, Danh mục các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ (ban hành theo Nghị định 64/2019/NĐ-CP ngày 16/7/2019 của Chính phủ) và đồng thời có tên trong Nhóm IB, Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm (ban hành theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ).

- Có 66 cá thể rùa, gồm: 18 cá thể rùa hộp lưng đen, có tên khoa học Cuora amboinensis; 10 cá thể rùa sa nhân, có tên khoa học Cuora mouhotii; 03 cá thể rùa cổ bự, có tên khoa học Siebenrockiella; 14 cá thể rùa đất lớn, có tên khoa học Heosemy grandis; 04 cá thể rùa núi vàng, có tên khoa học Indotestudo elongata; 12 cá thể rùa đất Pul-kin, có tên khoa học Cyclemys pulchristriata; 01 cá thể rùa bốn mắt, có tên khoa học Sacalia quadriocellata; 02 cá thể rùa răng, có tên khoa học Heosemys annadalii; 02 cá thể rùa núi nâu, có tên khoa học Manouria emys; là các loài rùa có tên trong trong Nhóm IIB, Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm (ban hành theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ).

- Có 14 cá thể rùa, gồm: 02 cá thể rùa lai giữa rùa sa nhân và rùa hộp trán vàng, có tên khoa học Cuora serrata; 05 cá thể rùa cổ sọc, có tên khoa học Mauremys sinensis; 01 cá thể rùa bụng đỏ cổ ngắn, có tên khoa học Emydura subglobosa; 03 cá thể rùa bụng vàng, có tên khoa học Trachemys scripta scripta;

02 cá thể rùa Cooter, có tên khoa học Pseudemys sp; 01 cá thể rùa sông đốm vàng, có tên khoa học Podocnemis unifilis; là động vật hoang dã không có tên trong Danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã thuộc Phụ lục Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật hoang dã nguy cấp CITES (ban hành kèm theo Thông báo số 296/TB-CTVN-HTQT ngày 27/11/2019, của Cơ quan quản lý CITES Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Việt Nam).

Kết luận định giá tài sản số 270/KLĐG ngày 26/11/2020 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự thành phố Buôn Ma Thuột, kết luận: 66 cá thể rùa thuộc Nhóm IIB trị giá 47.967.500 đồng; 14 cá thể rùa thông thường, ngoại nhập trị giá 3.752.500 đồng. Tổng cộng: 51.720.000 đồng.

Kết quả ủy thác điều tra tại Cơ quan Cảnh sát điều tra huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh; Cơ quan Cảnh sát điều tra thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa; Cơ quan Cảnh sát điều tra huyện Châu Thành, tỉnh An Giang thể hiện: Vào tháng 8/2015, ông Huỳnh Chí C, trú tại 14/6 Tổ 4, Ấp 6, xã A, huyện C, thành phố Hồ Chí Minh có xuất bán cho anh Hoàng Minh T1 20 con rùa núi vàng và 30 con rùa đất lớn; vào tháng 9/2015, ông Lê Ngọc S, trú tại 53 đường L, phường P, thành phố N, tỉnh Khánh Hòa có tặng cho anh Hoàng Minh T1 06 con rùa hộp trán vàng miền Trung, 02 con rùa hộp lưng đen và 02 con rùa sa nhân; vào tháng 12/2017, ông Nguyễn Minh H, trú tại ấp H, xã B, huyện C, tỉnh An Giang có tặng cho anh Hoàng Minh T1 04 con rùa hộp trán vàng miền Trung và 04 con rùa sa nhân. Cơ quan kiểm lâm các tỉnh, thành phố trên đều đã xác nhận vào các bảng kê lâm sản liên quan đến số rùa mà anh Hoàng Minh T1 đã đặt mua và được tặng cho.

Kết quả xác minh tại Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk và Hạt Kiểm lâm thành phố B xác định: Hoàng Minh T chưa có hồ sơ đăng ký gửi đến Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk để xin cấp giấy chứng nhận nên chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký trại nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm; từ năm 2015 đến tháng 5/2020, cơ quan kiểm lâm chưa cấp sổ theo dõi nuôi nhốt động vật hoang dã, chưa kiểm tra lâm sản và chưa xác nhận bảng kê lâm sản đối với cá thể rùa nào cho Hoàng Minh T; bị cáo Hoàng Minh T, bà Trần Thị H, anh Hoàng Minh T1 và anh Hoàng Minh T2 chưa bị Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk và các đơn vị trực thuộc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 86/2021/HS-ST ngày 18/3/2021 của Tòa án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột đã quyết định:

Tuyên bố bị cáo Hoàng Minh T phạm tội: “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”.

Áp dụng điểm a khoản 3 Điều 244; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự: Xử phạt bị cáo Hoàng Minh T: 10 (mười) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị cáo đi chấp hành án.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về xử lý vật chứng, án phí và tuyên quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 24/3/2021 bị cáo làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.

Quá trình tranh luận tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã đánh giá tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo và cho rằng: Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử bị cáo Hoàng Minh T về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” theo khoản 3 Điều 244 Bộ luật hình sự năm 2015 là có căn cứ, đúng người, đúng tội. Tuy nhiên xét mức hình phạt mà Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo là nghiêm khắc, do bị cáo có nhân thân tốt, có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, toàn bộ cá thể rùa bị cáo nuôi đã giao nộp cho cơ quan có thẩm quyền để đưa vào khu bảo tồn nhằm khắc phục hậu quả, bản thân bị cáo là người dân tộc thiểu số, có học vấn thấp nên hiểu biết về pháp luật còn hạn chế. Vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng thêm Điều 54 Bộ luật hình sự, giảm hình phạt cho bị cáo từ 07 năm đến 07 năm 06 tháng tù.

Luật sư bào chữa cho bị cáo đồng ý với quan điểm của đại diện Viện kiểm sát, ngoài ra tranh luận thêm việc bị cáo nuôi rùa không nhằm mục đích buôn bán, bị cáo là người dân tộc thiểu số trình độ học vấn thấp, hiểu biết pháp luật hạn chế, bị cáo hoàn toàn không biết việc nuôi nhốt rùa là vi phạm pháp luật nên cần áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “phạm tội do lạc hậu” quy định tại m khoản 1 Điều 51 và Điều 54 Bộ luật hình sự để xét xử bị cáo dưới mức thấp nhất của khung hình phạt quy định tại khoản 3 Điều 244 của Bộ luật hình sự.

Bị cáo đồng ý với lời bào chữa của Luật sư, không tranh luận, bào chữa gì thêm mà chỉ đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo vì hiện nay bị cáo cũng đã tuổi cao sức yếu và đang bị bệnh nặng phải điều trị tại bệnh viện.

Kiểm sát viên, Luật sư tranh luận đối đáp với nhau nhưng đều giữ nguyên quan điểm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Lời khai của bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm phù hợp với lời khai của bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm, tại cơ quan điều tra, phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác đã được thu thập trong hồ sơ vụ án, vì vậy có đủ căn cứ để kết luận: Từ năm 2015 đến ngày 07/5/2020, bị cáo Hoàng Minh T đã nuôi nhốt trái phép 127 cá thể rùa các loại, trong đó có 32 cá thể rùa hộp trán vàng miền Trung (tên khoa học Coura Bourreti) và 15 cá thể rùa hộp trán vàng miền Nam (tên khoa học Coura Picturata), là loài động vật thuộc lớp bò sát, có tên trong Danh mục các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” theo điểm a khoản 3 Điều 244 Bộ luật hình sự năm 2015 là có căn cứ, đúng người, đúng tội và đúng pháp luật.

[2] Xét mức hình phạt 10 năm tù mà Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt đối với bị cáo là có phần nghiêm khắc. Bởi lẽ, bị cáo có nhân thân tốt, có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, toàn bộ cá thể rùa quý hiếm mà bị cáo nuôi nhốt đã giao nộp cho cơ quan có thẩm quyền để đưa vào khu bảo tồn nhằm khắc phục hậu quả, bản thân bị cáo là người dân tộc thiểu số, có học vấn thấp nên sự hiểu biết về pháp luật còn hạn chế, nghĩ rằng nuôi rùa để bảo tồn là không vi phạm pháp luật. Mặt khác hiện nay bị cáo cũng lớn tuổi đang bị bệnh phải điều trị tại bệnh viện. Vì vậy, Hội đồng xét xử xét thấy cần chấp nhận kháng cáo của bị cáo, áp dụng thêm Điều 54 Bộ luật hình sự để xét xử bị cáo mức hình phạt nhẹ hơn của điều luật thì cũng đủ tác dụng răn đe, giáo dục bị cáo, đồng thời cũng góp phần tuyên truyền trong công tác phòng chống nạn săn bắt, buôn bán và nuôi nhốt động vật quý, hiếm trong nước và quốc tế đang trong tình trạng nguy cấp cần được bảo vệ.

[3] Về án phí: Do chấp nhận kháng cáo nên bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

[4] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo kháng nghị.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

1. Căn cứ vào điểm b khoản 1 Điều 355, điểm c khoản 1 Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự;

Chấp nhận kháng cáo của bị cáo Hoàng Minh T – Sửa Bản án hình sự sơ thẩm số: 86/2021/HS-ST ngày 18/3/2021 của Tòa án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Áp dụng điểm a khoản 3 Điều 244; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 54 Bộ luật hình sự:

Xử phạt bị cáo Hoàng Minh T 06 (sáu) năm tù về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị cáo đi chấp hành án.

2. Về án phí: Bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

3. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1046
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 170/2021/HS-PT ngày 05/07/2021 về tội vi phạm quy định bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm

Số hiệu:170/2021/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Đăk Lăk
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 05/07/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;