TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN AN PHÚ, TỈNH AN GIANG
BẢN ÁN 168/2017/DS-ST NGÀY 07/07/2017 VỀ ĐÒI BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO SỨC KHỎE BỊ XÂM HẠI
Ngày 07 tháng 7 năm 2017 tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện An Phú xét xử công khai vụ án thụ lý số: 46/2017/TLST-DS ngày 07 tháng 3 năm 2017 về việc:“Bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 246/2017/QĐXXST - HNGĐ ngày 19 tháng 6 năm 2017 giữa các đương sự.
1. Nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị L, sinh năm: 1964;
Địa chỉ: Tổ 12, ấp V, xã V, huyện A, tỉnh An Giang.
2. Bị đơn: Ông Phạm Hoàng C, sinh năm: 1985;
Địa chỉ: Tổ 12, ấp V, xã V, huyện A, tỉnh An Giang.
3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Ông Đặng Văn K ( Kh ), sinh năm 1963;
Địa chỉ: Tổ 12, ấp V, xã V, huyện A, tỉnh An Giang. ( Bà L, ông K có mặt, ông C xin vắng mặt )
NỘI DUNG VỤ ÁN
Trong đơn khởi kiện và quá trình giải quyết tại Tòa án, bà Nguyễn Thị L trình bày: Vào ngày 21/4/2016 bà bị ông C đánh bị thương tích với tỷ lệ thương tật 11%. Vụ việc đã được xử lý bằng 01 bản án hình sự, nay bà yêu cầu Phạm Hoàng C có nghĩa vụ bồi thường cho bà các khoản thiệt hại sau:
- Chi phí điều trị, tái khám, giám định, đi lại và ăn uống: 18.630.003 đồng;- Thu nhập thực tế bị mất: 25.050.000 đồng gồm thu nhập thực tế bị mất của bà là 22.050.000 đồng và của chồng bà ( ông K) là 3.000.000 đồng.
- Tiền bù đắp về tổn thất tinh thần là 15 tháng lương tối thiểu bằng số tiền 18.150.000 đồng.
Tổng cộng bà yêu cầu ông C bồi thường 61.830.003 đồng.
Bị đơn là ông Phạm Hoàng C trình bày: đồng ý bồi thường chi phí điều trị, tái khám, giám định nhưng căn cứ vào các chứng từ hợp pháp. Riêng các khoản bồi thường thu nhập thực tế bị mất của bà L và chồng bà L, ông C không đồng ý bồi thường vì cho rằng thời gian chưa bị tạm giam vẫn thấy bà Lệ sinh hoạt bình thường, không có dấu hiệu mất sức lao động, chồng bà L vẫn đi xịt lúa mướn ( mỗi ngày được khoảng 150.000 đồng ). Đối với yêu cầu bồi thường tổn thất tinh thần ông C không đồng ý, cho rằng thương tích của bà L không quá nặng, không ảnh hưởng về tinh thần. Ngoài ra ông xin được vắng mặt do đang phải chấp hành án phạt tù.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Đặng Văn K trình bày: ông chỉ yêu cầu ông C bồi thường chi phí do mất thu nhập như sau:
- Tiền công làm cho ông Ngô Chơn Khoa trong 04 ngày là 800.000 đồng;
- Tiền công làm cho nhà máy xay xát Phan Văn Sáu trong 06 ngày là 1.500.000 đồng.
Tổng cộng là 2.300.000 đồng, không phải 3.000.000 đồng như vợ ông khai.
Tại phiên hòa giải, bà L giữ nguyên các yêu cầu như đã trình bày, chỉ thay đổi phần yêu cầu bồi thường mất thu nhập đối với ông K từ 3.000.000 đồng thành2.300.000 đồng, ông K thống nhất chỉ yêu cầu ông C bồi thường phần thu nhập thực tế bịmất là 2.300.000 đồng.
Tại phiên tòa, bà L vẫn giữ nguyên yêu cầu như trong đơn khởi kiện và các biên bản hòa giải, ông C xin vắng mặt. Ông K rút lại yêu cầu buộc ông C bồi thường thu nhập thực tế bị mất do bà L đã có yêu cầu và được bà L chấp nhận.
Đại diện Viện kiểm sát thực hiện quyền kiểm tra, giám sát việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng phát biểu:
- Về việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng:
Thẩm phán trong giai đoạn thụ lý, giải quyết vụ án đã tuân thủ đúng quy định của pháp luật tố tụng dân sự về thẩm quyền giải quyết, các biện pháp thu thập chứng cứ. Tại phiên tòa Hội đồng xét xử không thuộc trường hợp bị thay đổi hoặc phải thay đổi, bị đơn có yêu cầu xét xử vắng mặt do vậy Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vắng mặt bị đơn là có căn cứ.
Về quan điểm giải quyết vụ án: căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà L do có một số chứng từ đương sự không chứng minh được; chấp nhận việc ông K tự nguyện rút yêu cầu độc lập đối với bị đơn. Về số tiền bị đơn phải bồi thường căn cứ vào chứng cứ có trong hồ sơ buộc bị đơn bồi thuờng cho nguyên đơn số tiền 38.342.764 đồng.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và sau khi nghe đương sự trình bày tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Về thủ tục tố tụng và thẩm quyền giải quyết vụ án: bà Nguyễn Thị L có đơn yêu cầu Tòa án nhân dân huyện A giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng; ông Phạm Hoàng C có địa chỉ thường trú tại xã V, huyện A. Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 28, điểm a Khoản 1 Điều 35 và điểm a Khoản 1 Điều 39 của Bộ luật tố tụng dân sự thì vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân huyện An Phú.
Quá trình tố tụng, ông C có yêu cầu xét xử vắng mặt. Căn cứ khoản 1 Điều 228 Bộ luật tố tụng dân sự, Tòa án xét xử vắng mặt ông C. [2] Về nội dung vụ án: Bà L có đơn khởi kiện yêu cầu ông Phạm Hoàng C bồi thường cho bà các khoản chi phí phát sinh trong quá trình điều trị, tái khám…và các khoản thu nhập thực tế bị mất cùng với khoản tiền bồi thường tổn thất tinh thần do hành vi vi phạm pháp luật của ông C gây ra đối với bà. Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ do nguyên đơn giao nộp thể hiện việc ông C có hành vi gây thương tích cho bà L với tỷ lệ thương tật 11% là có xảy ra, do đó yêu cầu của bà L là có căn cứ và được chấp nhận. Trong vụ án này, xuất phát từ việc mâu thuẫn từ trước nên bị đơn Phạm Hoàng C đã có hành vi dùng lời lẽ thô tục chửi mắng bà L và bà L cũng có chửi mắng lại C, sau khi được khuyên can thì sau đó C đã lẻn ra sau lưng bà L dùng 01 viên gạch đánh nhiều lần vào vùng đầu và tay của bà L gây thương tích phải cấp cứu, điều trị tại bệnh viện. Lỗi của bị đơn là lỗi cố ý, bị đơn là người đã thành niên, có đầy đủ nhận thức nên biết được rằng việc dùng gạch, đá đánh vào vùng đầu, mặt của người khác có thể dẫn đến hậu quả nguy hiểm nhưng vẫn cố tình thực hiện, do vậy bị đơn phải có nghĩa vụ bồi thường toàn bộ các khoản thiệt hại do hành vi trái pháp luật của mình gây ra là có căn cứ theo quy định tại điểm a tiểu mục 2.2 khoản 2 Mục I của Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 và khoản 1 Điều 584 Bộ luật dân sự năm 2015.
Tuy nhiên đối với các khoản yêu cầu của bà L, Tòa án xét thấy:
[3] Về chi phí điều trị, tái khám: Căn cứ vào các chứng cứ do bà L cung cấp thể hiện bà nhập viện tại Bệnh viện đa khoa khu vực tỉnh An Giang ngày 21/4/2016 và ra viện ngày 06/5/2016, mặc dù các chứng cứ thể hiện sau khi xuất viện bà Lệ có thực hiện việc khám, chữa bệnh ở các cơ sở y tế khác nhưng đối với các chấn thương của bà L ( gãy xương bàn ngón IV bàn tay phải, sưng nề hai mi mắt ổ định…thể hiện tại các kết quả giám định pháp y ) thì việc tái khám cũng như điều trị di chứng là bắt buộc. Do đó chấp nhận các chi phí theo hóa đơn, chứng từ điều trị hợp pháp của bà Lệ là 11.702.764 đồng.
[4] Đối với chi phí thuê xe vận chuyển từ nhà đến Bệnh viện đa khoa khu vực tỉnh An Giang có xác nhận của đơn vị vận chuyển là 05 lần, cụ thể vào các ngày 06/5/2016,13/5/2016, 30/5/2016, 14/6/2016 và 17/6/2016, đối chiếu với các chứng từ điều trị của bà L là thực tế có xảy ra, do vậy chấp nhận chi phí vận chuyển là 3.000.000 đồng.
[5] Đối với khoản tiền xe vận chuyển khám bệnh và chi phí phát sinh tại Bệnh viện Chợ Rẫy là 1.500.000 đồng và Bệnh viện Mắt –TMMH – RHM An Giang là 800.000 đồng, tổng cộng 2.300.000 đồng, bà L cho rằng khoản tiền 800.000 đồng là chi phí giám định nhưng do bà L không cung cấp được chứng từ vận chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy và chứng cứ về khoản giám định nên không được Tòa án chấp nhận.
[6] Về chi phí giám định pháp y: việc giám định tỷ lệ thương tật của bà L là có thật, do vậy chấp nhận các khoản chi phí giám định theo biên nhận của Tổ chức Giám định pháp y An Giang là 840.000 đồng ( cho 02 lần giám định ).
[7] Về chi phí hợp lý cho người chăm sóc bà L: Thời gian bà L điều trị tại Bệnh viện đa khoa khu vực tỉnh An Giang từ ngày 21/4/2016 đến ngày 06/5/2016 là 15 ngày, không thể tự chăm sóc bản thân mà phải có sự giúp đỡ, chăm sóc của người khác. Căn cứ đơn khởi kiện của bà L thì bà chỉ yêu cầu xem xét phần thu nhập thực tế bị mất của ông K trong thời gian nuôi bệnh là 15 ngày mà không đề cập đến người thứ hai, do vậy có cơ sở kết luận việc chăm sóc bà trong thời gian điều trị chỉ cần một người là được. Vì vậy chỉ chấp nhận khoản chi phí hợp lý cho 01 người trực tiếp chăm sóc người bị thiệt hại là 50.000 đồng x 15 ngày x 01 người = 750.000 đồng.
[8] Về thu nhập thực tế bị mất của bà L và người trực tiếp nuôi bệnh là ông K: Theo lời khai của bà L tại phiên tòa, bà bán nước giải khát và tạp hóa tại nhà, ngoài bà thì quán nước còn do con gái bà phụ giúp, thu nhập mỗi ngày khoảng 150.000 đồng đến 300.000 đồng. Xét thấy thu nhập từ việc buôn bán của bà L như bà trình bày là không ổn định, không xác định chính xác được đồng thời việc bà nghỉ làm để dưỡng bệnh không làm ảnh hưởng đến thu nhập hàng ngày của gia đình, do vậy chỉ chấp nhận cho bà L khoản mất thu nhập của 15 ngày nằm viện và của 30 ngày dưỡng bệnh, mức thu nhập tính theo mức lao động phổ thông ở địa phương là 150.000 đồng/ ngày, tổng cộng 6.750.000 đồng là có căn cứ.
Đối với yêu cầu của ông K, Tòa án nhận thấy phần yêu cầu này đã được bà L nêu ra và tại biên bản hòa giải ngày 16/6/2017 ông và bà L đều thống nhất khoản mất thu nhập thực tế của ông K là 2.300.000 đồng và trong trường hợp này việc chấp nhận yêu cầu của bà L cũng đã bao gồm luôn phần của ông K nên không cần thiết tách riêng để giải quyết, đồng thời tại phiên tòa ông K cũng rút lại yêu cầu của mình. Do mức bồi thường này là thấp hơn so với yêu cầu khởi kiện ban đầu và có lợi cho bị đơn nên được chấp nhận.
Do vậy buộc ông C có nghĩa vụ bồi thường cho bà L phần thu nhập thực tế bị mất là 9.050.000 đồng ( gồm thu nhập thực tế bị mất của bà L là 6.750.000 đồng và thu nhập thực tế bị mất của ông K là 2.300.000 đồng )
[9] Về số tiền bồi thường tổn thất tinh thần: Căn cứ khoàn 2 Điều 590 Bộ luật dân sự năm 2015, ngoài việc bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm, người chịu trách nhiệm bồi thường còn phải bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất tinh thần mà người bị thiệt hại gánh chịu với mức tối đa không quá 50 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định. Trong vụ án này, bà L bị ông C dùng gạch đánh vào vùng đầu và tay gây thương tích, mặc dù vết thương ở vùng đầu không gây mất thẩm mỹ tuy nhiên nơi bị chấn thương là vùng quan trọng trên cơ thể con người và hiện bà L cho biết tay bà không thể hoạt động như bình thường sau chấn thương, từ đó dẫn đến việc bà L bị ảnh hưởng về tâm lý và suy giảm khả năng lao động, do vậy việc buộc bị đơn phải bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho bà L là có căn cứ. Tuy nhiên Tòa án xét thấy mức bồi thường do bà L nêu ra là cao và trong vụ án này bà L cũng có một phần lỗi, lẽ ra khi bị đơn có hành vi chửi mắng bà, nếu bà biết kiềm chế thì sự việc có thể không xảy ra, vì vậy nghĩ chỉ buộc bị đơn có nghĩa vụ bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thẩn tương đương với 10 lần mức lương cơ sở là hợp lý.
Căn cứ Nghị định 47/2017/NĐ-CP ngày 24/4/2017 của Chính phủ quy định mức lương cơ sở áp dụng từ ngày 01/7/2017 là 1.300.000 đồng. Do vậy số tiền bồi thường tổn thất tinh thần mà bị đơn phải thực hiện là 13.000.000 đồng.
[10] Như vậy ông Phạm Hoàng C phải bồi thường cho bà Nguyễn Thị L các khoản sau:
- Chi phí điều trị, tái khám: 11.702.764 đồng.
- Tiền thuê phương tiện đưa bà L đi cấp cứu, tái khám tại cơ sở y tế: 3.000.000 đồng.
- Chi phí giám định pháp y: 840.000 đồng.
- Chi phí hợp lý cho người chăm sóc bà L: 750.000 đồng.
- Thu nhập thực tế bị mất của bà L: 6.750.000 đồng
- Thu nhập thực tế bị mất của ông K: 2.300.000 đồng.
- Tiền bồi thường tổn thất về tinh thần là: 13.000.000 đồng. Tổng cộng: 38.342.764 đồng.
[11] Về án phí: Căn cứ Điều 147 Bộ luật tố tụng dân sự và điểm d khoản 1 Điều 12, Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14: Bà L được miễn nộp án phí. Ông C phải chịu án phí dân sự sơ thẩm. Ông K không phải chịu án phí, ông được nhận lại phần tạm ứng án phí đã nộp.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ Khoản 6 Điều 26, điểm a Khoản 1 Điều 35, điểm a Khoản 1 Điều 39, Điều 147, Điều 244, khoản 1 Điều 227, Điều 273 và Điều 280 của Bộ luật tố tụng dân sự; các Điều 584, 585, 590 của Bộ luật dân sự năm 2015; điểm d Khoản 1 Điều 12 và Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa 14.
Xử:
Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị L.
Đình chỉ xét xử đối với yêu cầu của ông Đặng Văn K.
Buộc ông Phạm Hoàng C phải bồi thường cho bà Lệ số tiền 38.342.764 ( ba mươi tám triệu ba trăm bốn mươi hai ngàn bảy trăm sáu mươi bốn ) đồng.
Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án, nếu người phải thi hành án không thi hành đầy đủ khoản tiền nêu trên thì còn phải chịu lãi phát sinh do chậm thực hiện nghĩa vụ theo lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015 tương ứng với thời gian và số tiền chưa thi hành.
Án phí: Ông C phải chịu 1.917.138 ( một triệu chín trăm mười bảy ngàn một trăm ba mươi tám ) đồng án phí dân sự sơ thẩm.
Bà L không phải chịu án phí.Ông K không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm, ông được nhận lại số tiền 300.000 ( ba trăm ngàn ) đồng tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu số 0011047 ngày 10/5/2017 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện An Phú.
Các đương sự được quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Riêng đương sự vắng mặt tại phiên tòa hoặc vắng mặt khi tuyên án thì thời hạn kháng cáo được tính 15 ngày kể từ ngày được tống đạt bản án hoặc bản án được niêm yết tại nơi cư trú.
Trong trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Bản án 168/2017/DS-ST ngày 07/07/2017 về bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm
Số hiệu: | 168/2017/DS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện An Phú - An Giang |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 07/07/2017 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về