Bản án 162/2020/KDTM-PT ngày 11/09/2020 về tranh chấp hợp đồng ủy thác quản lý danh mục đầu tư

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

BẢN ÁN 162/2020/KDTM-PT NGÀY 11/09/2020 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG ỦY THÁC QUẢN LÝ DANH MỤC ĐẦU TƯ

Ngày 11/9/2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân TP Hà Nội xét xử phúc thẩm công khai vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số 64/2020/KTPT ngày 19/02/2020 về tranh chấp hợp đồng ủy thác quản lý danh mục đầu tư do Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 29/2019/KDTM- ST ngày 14/11/2019 của Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm bị kháng cáo, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 443/2020/QĐXX- PT ngày 12/8/2010, giữa:

Ngun đơn: Công ty cổ phần nhiệt điện PL Trụ sở: …., huyện CL, tỉnh HD. Người đại diện theo pháp luật: ông Vũ Xuân D- Phó tổng giám đốc; Người đại diện theo ủy quyền: ông Vũ Đình L (theo Giấy ủy quyền ngày 30/4/2020) (ông L có mặt tại phiên tòa).

Bị đơn: Công ty trách nhiệm hữu hạn quản lý quỹ BV Trụ sở: …. THĐ, quận HK, TP HN; Người đại diện theo pháp luật: ông Nguyễn Đình A- Tổng giám đốc; Người đại diện theo ủy quyền: ông Phùng Quang C, bà Nguyễn Thị Kim T, ông Mai Trung D (ông C, bà T và ông D có mặt tại phiên tòa).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện và lời khai trong quá trình giải quyết vụ án người đại diện hợp pháp của nguyên đơn trình bày:

Ngày 18/09/2007, Công ty cổ phần nhiệt điện PL (sau đây gọi tắt là nguyên đơn) và Công ty TNHH quản lý quỹ BV (sau đây gọi tắt là bị đơn) ký Hợp đồng ủy thác quản lý danh mục đầu tư số 05/2007/BVFMC-UTĐT/PLPC (gọi tắt là Hợp đồng ủy thác) với nội dung bị đơn cung cấp dịch vụ quản lý danh mục đầu tư cho nguyên đơn được ghi nhận cụ thể tại Phụ lục 1 của Hợp đồng: Vốn ủy thác đầu tư: 150.000.000.000 đồng; Thời hạn ủy thác: 03 năm; Tỷ suất lợi nhuận đầu tư cam kết: 7,65%/năm; Thù lao ủy thác: phần chênh lệch giữa tỷ suất lợi nhuận đầu tư thực hiện và tỷ suất lợi nhuận đầu tư cam kết chia theo tỷ lệ nguyên đơn 40% và bị đơn 60%. Tính đến hết ngày 05/12/2015 (ngày hết thời hạn hiệu lực của Phụ lục số 07), số vốn ủy thác đầu tư gốc còn lại mà bị đơn còn nợ nguyên đơn là:

14.351.965.073 đồng.

Khoản 4.8 Điều 4 Hợp đồng ủy thác quy định bị đơn có trách nhiệm chuyển trả đầy đủ vốn và lãi ủy thác cho nguyên đơn khi chấm dứt Hợp đồng hoặc khi có yêu cầu của nguyên đơn phù hợp với quy định tại Hợp đồng này.

Khoản 7.4 Điều 7 Hợp đồng ủy thác quy định nguyên đơn có quyền yêu cầu bị đơn chuyển trả vốn ủy thác đầu tư theo quy định tại khoản 4.8 Điều 4 của Hợp đồng này.

Tại thời điểm đàm phán, ký kết Hợp đồng, nội dung thỏa thuận tại khoản 4.8 Điều 4 và khoản 7.4 Điều 7 của Hợp đồng trên đây, được xác lập hoàn toàn bởi ý chí tự nguyện của các bên. Bởi thị trường tài chính thời điểm đó đang bùng nổ, thị trường chứng khoán tăng trưởng từng ngày, chính cam kết bảo toàn vốn ủy thác trong mọi trường hợp của bị đơn là điều kiện tiên quyết để nguyên đơn chấp nhận bị đơn là bên nhận ủy thác vốn đầu tư. Nguyên đơn khẳng định rằng nếu không có cam kết hoàn trả 100% vốn ủy thác theo quy định tại khoản 4.8 Điều 4 và khoản 7.4 Điều 7 của Hợp đồng, nguyên đơn sẽ không lựa chọn bị đơn mà sẽ lựa chọn các Công ty quản lý quỹ khác các đơn vị sẵn sàng cam kết bảo toàn vốn, là bên nhận ủy thác.

Quy định tại khoản 7 Điều 27 Thông tư số 212/2012/TT-BTC của Bộ tài chính hướng dẫn về thành lập, tổ chức và hoạt động Công ty quản lý quỹ (sau đây viết tắt là Thông tư số 212) quy định việc chấm dứt quyền, nghĩa vụ của công ty quản lý quỹ đối với khách hàng ủy thác quản lý danh mục đầu tư thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 10 Điều 21 Thông tư này. Căn cứ quy định trên, đối với nghiệp vụ quản lý danh mục đầu tư thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày chấm dứt hợp đồng, Công ty quản lý quỹ phải chuyển trả tài sản cho khách hàng theo yêu cầu bằng văn bản; ngừng giao dịch mua/bán chứng khoán; ngừng giao dịch rút/nộp tiền của khách hàng. Sau đó chốt số dư tiền và tài sản của từng khách hàng ủy thác.

Như vậy, nguyên đơn có quyền yêu cầu bị đơn hoàn trả đối với khoản tiền vốn ủy thác gốc còn lại là 14.351.965.073 đồng.

Thứ nhất, cam kết bảo toàn vốn ủy thác của bị đơn ghi nhận tại khoản 4.8 Điều 4 và khoản 7.4 Điều 7 Hợp đồng ủy thác quy định rõ về trách nhiệm hoàn trả toàn bộ vốn ủy thác đầu tư của bị đơn và quyền yêu cầu hoàn trả vốn ủy thác đầu tư của nguyên đơn khi chấm dứt Hợp đồng ủy thác hoặc khi nguyên đơn có yêu cầu.

Khoản 1 Điều 27 Quy chế hoạt động quản lý quỹ kèm theo Quyết định số 35/2007/QĐ-BTC của Bộ tài chính (sau đây viết tắt là Quyết định số 35) quy định là ngoài các nội dung do hai bên thỏa thuận phù hợp với quy định của pháp luật, Hợp đồng quản lý đầu tư phải bao gồm những nội dung cơ bản theo quy định tại Phụ lục số 10 kèm theo Quy chế này. Căn cứ vào Quyết định số 35 và thỏa thuận hoàn trả đầy đủ vốn ủy thác (bảo toàn vốn) của các bên phù hợp với quy định của pháp luật và nguyên đơn có quyền yêu cầu bị đơn chuyển trả toàn bộ vốn ủy thác còn lại theo quy định tại Hợp đồng.

Thứ hai, vấn đề rủi ro trong quan hệ ủy thác quản lý quỹ đầu tư theo quy định tại Quyết định số 35, thì nguyên đơn có thể phải chịu rủi ro nếu thuộc các trường hợp như sau:

- Bị đơn đưa ra mức độ rủi ro có thể chấp nhận trước khi đưa ra chiến lược đầu tư hoặc thực hiện việc đầu tư cho nguyên đơn. Chiến lược đầu tư đưa ra phải rõ ràng, chi tiết, cụ thể, đảm bảo nguyên đơn có đầy đủ thông tin về mức độ rủi ro, các loại hình rủi ro ảnh hưởng tới khả năng sinh lời (Điều 26 Quy chế tổ chức và hoạt động của Công ty quản lý quỹ). Mức độ rủi ro này phải được các bên lường trước và thỏa thuận tại Hợp đồng ủy thác và đảm bảo không có quy định nhằm chuyển rủi ro từ Công ty quản lý quỹ sang nhà đầu tư (điểm b khoản 2 Điều 27 Quy chế).

Theo quy định tại Phụ lục 9 Quyết định số 35 về nội dung chính của Hợp đồng quản lý danh mục đầu tư (trường hợp Công ty quản lý quỹ thấy có dấu hiệu rủi ro khi quản lý ủy thác đầu tư, Công ty quản lý quỹ phải thỏa thuận với nhà đầu tư về mục tiêu đầu tư, hạn chế đầu tư, khả năng chấp nhận rủi ro và yêu cầu của nhà đầu tư; Các loại hình rủi ro liên quan đến việc đầu tư theo hợp đồng kể cả quy định về việc không bảo đảm giá trị vốn đầu tư ban đầu (nội dung này cũng được kế thừa tại Phụ lục 6 về một số nội dung chính của Hợp đồng quản lý đầu tư kèm theo Thông tư số 212). Các quy định này tạo cơ chế và hành lang pháp lý cho các bên thỏa thuận về việc Công ty quản lý quỹ bảo đảm/hay không thể đảm bảo giá trị vốn đầu tư ban đầu cho nhà đầu tư.

Tuy nhiên, tại thời điểm giao kết Hợp đồng, bị đơn đã không thể hiện điều khoản rủi ro vào tài liệu “Chiến lược đầu tư”, mà thống nhất với nguyên đơn về việc ghi nhận luôn điều khoản rủi ro vào Hợp đồng ủy thác (khoản 4.8 Điều 4 và khoản 7.4 Điều 7). Nói cách khác, bị đơn chấp nhận gánh chịu mọi rủi ro phát sinh trong quá trình thực hiện Hợp đồng và điều này cũng hoàn toàn phù hợp với ý chí, mong muốn và yêu cầu của nguyên đơn tại thời điểm các bên tiến hành đàm phán và giao kết Hợp đồng.

Thứ ba, mối liên hệ giữa trách nhiệm thanh toán giữa bị đơn, nguyên đơn và đối tác bản chất quan hệ pháp luật của Hợp đồng ủy thác là bên nhận ủy thác nhân danh chính mình để thực hiện theo những điều kiện đã thoả thuận với bên uỷ thác và được nhận thù lao uỷ thác. Theo đó, hoạt động của bị đơn (bên nhận ủy thác) sẽ tồn tại hai mối quan hệ pháp luật như sau:

- Quan hệ ủy thác giữa nguyên đơn và bị đơn: bị đơn chịu trách nhiệm trước nguyên đơn.

- Quan hệ đầu tư giữa bị đơn và đối tác: đối tác chịu trách nhiệm trước bị đơn, là việc nội bộ giữa bị đơn và đối tác, không liên quan đến nguyên đơn không có bất kỳ quyền lợi và nghĩa vụ nào liên quan đến đối tác.

- Nguyên đơn đề nghị Tòa án yêu cầu bị đơn hoàn trả cho nguyên đơn số tiền ủy thác đầu tư gốc còn lại là 14.351.965.073 đồng.

Người đại diện hợp pháp của bị đơn trình bày:

Ngày 18/9/2007, nguyên đơn và bị đơn ký Hợp đồng ủy thác và 07 Phụ lục Hợp đồng ủy thác là đúng. Quan điểm của bị đơn: bị đơn là Công ty quản lý quỹ cung cấp dịch vụ quản lý danh mục đầu tư theo quy định của pháp luật.

Tại khoản 1 Điều 2 của Quy chế tổ chức và hoạt động của Công ty quản lý quỹ ban hành kèm theo Quyết định số 35, được sửa đổi bởi Quyết định số 125/2008/QĐ-BTC (hết hiệu lực vào ngày 01/03/2013), thì Công ty quản lý quỹ là tổ chức có tư cách pháp nhân, hoạt động cung cấp dịch vụ quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, quản lý danh mục đầu tư chứng khoán. Ngoại trừ Công ty quản lý quỹ được cấp phép, các tổ chức kinh tế khác không được cung cấp dịch vụ quản lý quỹ đầu tư chứng khoán và quản lý danh mục đầu tư.

Theo đó, bị đơn là Công ty quản lý quỹ được Ủy ban chứng khoán nhà nước cấp phép từ ngày 08/11/2005, có quyền ký kết Hợp đồng ủy thác quản lý danh mục đầu tư với khách hàng. Sau khi ký kết Hợp đồng ủy thác với nguyên đơn, bị đơn trở thành đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn, thay mặt cho nguyên đơn thực hiện việc đầu tư khoản vốn ủy thác nhằm tạo ra lợi nhuận cho khách hàng. Để làm rõ, bị đơn không phải là Tổ chức tín dụng theo Luật các tổ chức tín dụng, không được cấp phép nhận tiền gửi của cá nhân tổ chức dưới hình thức tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn… và các hình thức nhận tiền gửi khác như không được phép huy động tiền từ tổ chức, cá nhân khác để gộp vào vốn chủ sở hữu thực hiện đầu tư và hoàn trả theo nguyên tắc hoàn trả đầy đủ tiền gốc, lãi cho người gửi tiền theo thỏa thuận.

Quy trình thực hiện đầu tư theo Hợp đồng ủy thác đầu tư là ngay khi các bên thống nhất về việc ký kết Hợp đồng ủy thác, bị đơn đã mở riêng 01 tài khoản tại Ngân hàng ngoại thương Việt Nam cho nguyên đơn để quản lý nguồn vốn ủy thác cũng như hoạt động đầu tư của nguyên đơn. Nội dung này được quy định cụ thể tại Điều 3 Hợp đồng ủy thác quy định để đảm bảo hạch toán và theo dõi chính xác, độc lập hoạt động đầu tư của nguyên đơn, bị đơn sẽ mở tài khoản theo dõi tiền chuyển đi và về của riêng nguyên đơn.

Bị đơn đã quản lý đầu tư khoản vốn ủy thác của nguyên đơn tách biệt với tài sản của chính mình hoặc các tài sản của bên thứ ba bất kỳ. Đồng thời, bị đơn đã thực hiện các công việc đầu tư của mình theo đúng nghiệp vụ của Công ty quản lý quỹ được quy định tại các điều 26, 29 và 30 Quy chế của Công ty quản lý quỹ ban hành kèm theo Quyết định số 35.

Tương tự các tổ chức thực hiện gửi tiền khác, bị đơn đã thực hiện phân tích, đánh giá thông tin về Công ty cho thuê tài chính II (sau đây gọi tắt là ALCII). Quyết định lựa chọn gửi tiền vào ALCII xuất phát từ các lý do sau: ALCII từ khi thành lập đến thời điểm thực hiện gửi tiền hoạt động kinh doanh tốt, tình hình kinh doanh 2 năm liền trước đều có lãi. ALCII là Tổ chức tín dụng nhà nước trực thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, hoạt động kinh doanh ổn định, kỳ hạn tiền gửi phù hợp với yêu cầu đầu tư của danh mục, lãi suất tiền gửi cao so với mặt bằng thị trường. Khách hàng cũng đã có thiện chí điều chỉnh tăng lãi suất theo mặt bằng thị trường trong năm 2008.

Khi hết thời hạn ủy thác được quy định tại Phụ lục số 01, bị đơn tiến hành thu lại số vốn ủy thác gốc và tiền lãi trong quá trình đầu tư. Các khoản đầu tư liên quan đến trái phiếu và Hợp đồng tiền gửi khác đều đã thu được đầy đủ để chuyển trả cho nguyên đơn. Tuy nhiên, đối với Hợp đồng tiền gửi số TG-01/2007/PPC, đến ngày đáo hạn của Hợp đồng tiền gửi (ngày 20/09/2010), ALCII đã không thực hiện được việc thanh toán và chuyển trả cho bị đơn số tiền gốc và tiền lãi theo Hợp đồng tiền gửi.

Chế độ báo cáo về tình hình đầu tư tiền gửi tại ALCII: bên cạnh việc thực hiện các nghiệp vụ kinh doanh, bị đơn đã thực hiện báo cáo về tình hình đầu tư cho nguyên đơn theo Điều 32 Quy chế của Công ty quản lý quỹ ban hành kèm theo Quyết định số 35, khoản 2, 3 Điều 38 Thông tư số 212 và Điều 10 Hợp đồng ủy thác về chế độ thông tin như sau:

10.1. Hàng tháng, chậm nhất 07 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc tháng, bị đơn có trách nhiệm thông báo cho nguyên đơn về tình hình đầu tư của Hợp đồng;

10.2. Trong vòng 30 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính, bị đơn sẽ xây dựng và thông báo cho nguyên đơn báo cáo thường niên trong đó thể hiện các thông tin về kết quả quản lý danh mục đầu tư, chi tiết danh mục đầu tư, lợi nhuận của các khoản tiền đầu tư, chi phí và tỷ suất lợi nhuận đầu tư thực hiện của năm. Nguyên đơn sẽ thông báo cho bị đơn thời hạn và tài khoản chuyển tiền đối với phần lợi nhuận của nguyên đơn được hưởng để bị đơn chuyển trả. Trường hợp nguyên đơn quyết định giữ lại lợi nhuận để tái đầu tư, nguyên đơn thông báo cho bị đơn bằng văn bản. Khoản lợi nhuận để lại này được coi như vốn ủy thác nguyên đơn chuyển thêm để đầu tư trong thời hạn hợp đồng và sẽ được tính kể từ ngày bị đơn nhận được thông báo của nguyên đơn về việc giữa lại khoản lợi nhuận này.

10.3. Bị đơn có trách nhiệm thông báo kịp thời cho nguyên đơn đồng thời đề xuất phương án giải quyết trong các trường hợp sau:

- Có các yếu tố rủi ro hệ thống tác động đến Danh mục đầu tư;

- Thị trường xảy ra các biến động bất thường;

- Các yếu tố bất thường khác theo quan điểm của bị đơn ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến Danh mục ủy thác đầu tư.

Trong suốt quá trình thực hiện Hợp đồng ủy thác, bị đơn đã gửi các báo cáo định kỳ cho nguyên đơn để đảm bảo các thông tin cập nhật đối với vốn đầu tư ủy thác được liên tục và kịp thời. Nguyên đơn cũng không có bất cứ sự phản đối nào liên quan đến Danh mục đầu tư cũng như việc thực hiện đầu tư do bị đơn thực hiện trong thời gian đó. Khi gặp phải rủi ro liên quan đến số vốn ủy thác gửi vào ALCII, bị đơn đã gửi ngay báo cáo phân tích và đánh giá tình hình của ALCII, khả năng thu hồi số vốn ủy thác cũng như các công việc bị đơn thực hiện để thu hồi tiền gửi tại ALCII.

Bản chất hoạt động ủy thác quản lý danh mục đầu tư, theo khái niệm quản lý danh mục đầu tư quy định tại khoản 26 Điều 6 Luật chứng khoán năm 2006 quy định quản lý danh mục đầu tư là việc Công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán thực hiện quản lý theo uỷ thác của từng nhà đầu tư trong mua, bán, nắm giữ chứng khoán.

Cũng theo Điều 1 Hợp đồng ủy thác thì quản lý danh mục đầu tư là việc bị đơn quản lý vốn ủy thác đầu tư của nguyên đơn thông qua việc đầu tư và quản lý các danh mục thành phần trong danh mục đầu tư vì quyền lợi của nguyên đơn.

Khoản 2 Điều 24 Thông tư số 212 quy định Công ty quản lý quỹ là đại diện theo ủy quyền của khách hàng ủy thác, thay mặt cho khách hàng ủy thác để thực hiện quyền sở hữu đối với tài sản của khách hàng ủy thác một cách trung thực và cẩn trọng.

Như vậy, về bản chất giao kết giữa bị đơn và nguyên đơn theo Hợp đồng ủy thác thì bị đơn trở thành đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn, thay mặt cho nguyên đơn thực hiện và nhận phí ủy thác từ nguyên đơn. Bị đơn có trách nhiệm thực hiện các giao dịch đầu tư theo Danh mục đầu tư mà nguyên đơn cho phép, đồng thời bị đơn phải có trách nhiệm báo cáo tình hình đầu tư về cho nguyên đơn bao gồm các hoạt động phân tích, đánh giá rủi ro và phương hướng thực hiện nếu gặp phải các rủi ro trong hoạt động đầu tư.

Trên cơ sở thỏa thuận về nội dung ủy thác quản lý danh mục đầu tư theo Hợp đồng ủy thác, bị đơn đã thực hiện các hoạt động đầu tư theo hình thức Trái phiếu chính phủ, Trái phiếu doanh nghiệp và tài sản (bao gồm tiền gửi) phù hợp với yêu cầu đầu tư đã được nguyên đơn chấp thuận tại các Phụ lục của Hợp đồng ủy thác. Trong quá trình thực hiện quản lý danh mục đầu tư, từ năm 2007 đến thời điểm 06/12/2015, bị đơn đã chuyển trả cho nguyên đơn số tiền là 256.611.723.803 đồng trong đó, số gốc là 217.050.000.000 và tổng cộng khoản lợi nhuận nguyên đơn được hưởng là 39.561.723.803 đồng.

Quyền sở hữu đối với tài sản ủy thác theo quy định tại khoản 14 Điều 2 Thông tư số 212 quy định rõ tài sản ủy thác là danh mục tài sản bao gồm tiền, chứng khoán và các tài sản khác của khách hàng ủy thác.

Cũng theo Điều 1 Hợp Đồng thì danh mục đầu tư là danh sách các loại tài sản đầu tư được bị đơn thực hiện đầu tư theo yêu cầu đầu tư của nguyên đơn.

Trong suốt quá trình thực hiện quản lý danh mục đầu tư, bị đơn đã thực hiện báo cáo về các tài sản đầu tư trong danh mục cho nguyên đơn. Cụ thể, tại thời điểm thanh lý 1 phần Phụ lục số 01, báo cáo sau chuyển trả vốn ủy thác bị đơn lập gửi nguyên đơn ngày 06/12/2010, bị đơn đã liệt kê cụ thể khoản tiền gửi với giá trị 30.000.000.000 đồng, số Hợp đồng tiền gửi 01/2007/PPC để các bên làm căn cứ ký Phụ lục số 03 theo biên bản thanh lý. Ngoài ra, trong quá trình theo dõi, bị đơn cũng đã nhiều lần báo cáo cụ thể về khoản đầu tư này tại ALCII cũng như những khó khăn trong việc thu hồi khoản đầu tư này. Tại Phụ lục số 05, nguyên đơn đã xác nhận cụ thể yêu cầu đầu tư cho bị đơn là theo dõi và thu hồi phần vốn ủy thác nêu tại mục I và chuyển trả cho nguyên đơn trong vòng 03 ngày làm việc kể từ khi nhận được tiền từ ALCII.

Như vậy, hiện nay tài sản ủy thác nằm trong danh mục ủy thác thuộc quyền sở hữu của nguyên đơn bao gồm phần tiền gửi tại ALCII theo Hợp đồng tiền gửi số 01/2007/PPC đã được phán quyết theo Quyết định số 56/2014/QĐST-KDTM ngày 24/7/2014 của Tòa án nhân dân Quận 5, TP Hồ Chí Minh với giá trị chưa thu hồi được. Trách nhiệm của bị đơn trong quản lý tài sản ủy thác và hoàn trả tài sản ủy thác cho khách hàng.

Theo Đơn khởi kiện, nguyên đơn đã đưa ra cơ sở truy đòi phần vốn ủy thác đầu tư gốc còn lại căn cứ khoản 4.8 Điều 4, khoản 7.4 Điều 7 Hợp đồng ủy thác, nguyên đơn cho rằng bị đơn phải chuyển trả đầy đủ vốn ủy thác cho nguyên đơn. Bị đơn khẳng định rằng, bị đơn chưa bao giờ phủ nhận việc phải chuyển trả tài sản ủy thác cho nguyên đơn. Tuy nhiên, việc hoàn trả này cần phải phù hợp và tuân thủ quy định của pháp luật có liên quan.

Theo Điều 34 Thông tư số 212 quy định về nhận và hoàn trả tài sản cho khách hàng đối với Công ty quản lý quỹ. Tại khoản 1 quy định trong hoạt động quản lý danh mục đầu tư, Công ty quản lý quỹ được nhận tài sản không phải bằng tiền để quản lý... Quy định này có thể hiểu rằng, trong quy định về phương thức hoàn trả tài sản, việc hoàn trả đề cập trong khoản 4.8 Điều 4 của Hợp đồng ủy thác phải được thực hiện bằng hoàn trả tài sản không phải bằng tiền. Việc các bên tiếp tục ký kết và thực hiện các Phụ lục số 03 đến 07 chính là việc giao và nhận tài sản ủy thác không bằng tiền để thực hiện quản lý (qua các năm tài chính) theo quy định này của Thông tư số 212.

Mặt khác, theo Phụ lục Hợp đồng ủy thác bị đơn và nguyên đơn đã thỏa thuận là trong trường hợp phát sinh rủi ro, tổn thất đầu tư nằm ngoài tầm kiểm soát của bị đơn, bị đơn có trách nhiệm thông báo, tổ chức họp với nguyên đơn để thống nhất giải pháp xử lý. Quy định này có thể hiểu rằng, nguyên đơn không thể buộc bị đơn phải chịu trách nhiệm toàn bộ đối với những rủi ro phát sinh trong trường hợp ALCII mất khả năng thanh toán khoản nợ. Do đó, khi bị đơn và nguyên đơn chấm dứt Hợp đồng ủy thác, việc hoàn trả tài sản sẽ căn cứ vào Danh mục tài sản hiện bị đơn đang quản lý là khoản tiền gửi còn lại tại ALCII mà ALCII phải có nghĩa vụ hoàn trả chủ sở hữu là nguyên đơn theo Quyết định số 56/2014/QĐST-KDTM ngày 24/07/2014 của Tòa án nhân dân Quận 5, TP Hồ Chí Minh. Bị đơn không có nghĩa vụ hoàn trả thay cho ALCII khoản tiền này.

Trên thực tế, bị đơn đã thực hiện đầy đủ các công việc thuộc phạm vi ủy quyền trong Hợp đồng ủy thác và thực hiện nghiêm túc các nghiệp vụ kinh doanh của Công ty quản lý quỹ đối với khách hàng ủy thác như đã phân tích nêu trên.

Mặt khác, điểm đ khoản 7 Điều 25 Thông tư số 212 có quy định như sau là trong hoạt động quản lý tài sản ủy thác, Công ty quản lý quỹ bảo đảm là không được cam kết, bảo đảm kết quả đầu tư trừ trường hợp đầu tư vào những sản phẩm có thu nhập cố định, không được ký kết các Hợp đồng nhận ủy thác đầu tư vào trái phiếu với lãi suất không phù hợp với thực tế thị trường và kết quả phân tích đầu tư của chính Công ty; trực tiếp hoặc gián tiếp, bù đắp một phần hoặc toàn bộ khoản thua lỗ của khách hàng ủy thác do hoạt động đầu tư; không được thực hiện các giao dịch nhằm làm giảm lợi nhuận của một khách hàng ủy thác để làm tăng lợi nhuận của một khách hàng ủy thác khác; không được giao kết hợp đồng, thực hiện giao dịch với các điều khoản bất lợi một cách bất hợp lý, không có lý do chính đáng.

Bị đơn không thể bù đắp các khoản thua lỗ từ hoạt động đầu tư tiền gửi trong ALCII cho nguyên đơn dù là trực tiếp hay gián tiếp. Bị đơn không thể hoàn trả số vốn ủy thác đó cho nguyên đơn do khoản tiền gửi tại ALCII chưa thể thu hồi vì những yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của bị đơn.

Vào thời điểm hiện nay, Phụ lục số 7 đã hết thời hạn ủy thác vào ngày 06/12/2015 và không được hai bên tiếp tục gia hạn Hợp đồng. Theo điểm a khoản 1 Điều 27 Thông tư số 212, bị đơn và nguyên đơn phải tiến hành việc thanh lý Hợp đồng ủy thác theo quy định của pháp luật hiện hành như sau:

Khoản 7 Điều 27 Thông tư số 212 quy định việc chấm dứt quyền, nghĩa vụ của Công ty quản lý quỹ đối với khách hàng ủy thác quản lý danh mục đầu tư thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 10 Điều 21 Thông tư này, cụ thể về việc giải quyết tiền và tài sản của khách hàng ủy thác đối với nghiệp vụ quản lý danh mục đầu tư như sau:

- Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có công văn chấp thuận giải thể của Ủy ban chứng khoán nhà nước, Công ty quản lý quỹ giải thể phải chuyển trả tài sản cho khách hàng theo yêu cầu bằng văn bản; ngừng giao dịch mua/bán chứng khoán; ngừng giao dịch rút/nộp tiền của khách hàng. Sau đó chốt số dư tiền và tài sản của từng khách hàng ủy thác;

- Chậm nhất trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày chốt số dư tài sản ủy thác, Công ty quản lý quỹ phải báo cáo Ủy ban chứng khoán nhà nước về danh mục đầu tư của từng khách hàng; thông báo và gửi sao kê tài khoản danh mục đầu tư cho từng khách hàng ủy thác. Bản sao kê tài khoản danh mục ủy thác của từng khách hàng phải được ngân hàng lưu ký xác nhận đối với số dư tiền và chứng khoán có trong danh mục ủy thác tại Ngân hàng lưu ký. Thông báo cho khách hàng ủy thác phải có đề xuất về Công ty quản lý quỹ thay thế; hướng dẫn việc chuyển giao tài sản và bàn giao quyền, trách nhiệm đối với khách hàng sang Công ty quản lý quỹ thay thế; hoặc đề xuất việc thanh lý danh mục đầu tư; hoặc hoàn trả tài sản cho khách hàng tự quản lý;

- Kể từ ngày chốt số dư tiền, chứng khoán của tài khoản quản lý danh mục đầu tư, thành viên lưu ký không thực hiện lệnh giao dịch, chỉ thị thanh toán của Công ty quản lý quỹ đối với tài sản của khách hàng, trừ trường hợp là giao dịch bán thanh lý, giao dịch nhằm thực hiện quyền chủ sở hữu của khách hàng hoặc các giao dịch theo yêu cầu và chỉ thị bằng văn bản của khách hàng;

- Sau 60 ngày kể từ ngày có công văn chấp thuận giải thể của Ủy ban chứng khoán nhà nước, nếu khách hàng không tự lựa chọn công ty quản lý quỹ thay thế hoặc yêu cầu thanh lý danh mục đầu tư, Công ty quản lý quỹ giải thể chuyển toàn bộ tài sản, tiền của khách hàng sang tài khoản lưu ký danh mục ủy thác của Công ty quản lý quỹ thay thế do Công ty lựa chọn.

Như vậy, do thời hạn ủy thác đã kết thúc, bị đơn sẽ thực hiện việc chốt số dư tiền và tài sản của nguyên đơn. Trong thời hạn chậm nhất 05 ngày làm việc kể từ ngày chốt số dư tài sản của nguyên đơn (việc chốt số dư cần có sự xác nhận của nguyên đơn bằng văn bản), bị đơn sẽ báo cáo với Ủy ban chứng khoán nhà nước về danh mục đầu tư của nguyên đơn. Đồng thời, bị đơn thông báo cho nguyên đơn biết về tài sản ủy thác của mình và hướng dẫn việc chuyển giao tài sản cho nguyên đơn với phương án hoàn trả tài sản cho khách hàng tự quản lý hoặc thanh lý danh mục đầu tư.

Bị đơn không chấp thuận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đối với bị đơn về việc hoàn trả lại vốn ủy thác đầu tư gốc là 14.351.965.073 đồng.

Yêu cầu nguyên đơn chấp nhận phần lãi đã miễn giảm cho ALCII theo Quyết định số 56/2014/QĐST-KDTM ngày 24/7/2014 của Tòa án nhân dân Quận 5 và công nhận giá trị tài sản ròng Danh mục ủy thác của nguyên đơn đến thời điểm ngày 31/03/2017 là 13.651.430.822 đồng.

Yêu cầu nguyên đơn phối hợp với bị đơn thực hiện thanh lý Hợp đồng ủy thác, nguyên đơn sẽ nhận lại tài sản ủy thác đầu tư còn lại của Hợp đồng ủy thác tương ứng với quyền đòi nợ ALCII theo Hợp đồng tiền gửi số TG-01/2007/PPC số tiền mặt hiện có trên tài khoản nguyên đơn, giảm trừ đi phần công nợ phí thưởng phải trả bị đơn.

Ngày 06/6/2019, Tòa án nhân dân cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đã có Quyết định xem xét lại, kháng Nghị Quyết định tuyên bố phá sản số 1009/2018/QĐ-TBPS ngày 31/7/2018 của Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh đối với ALCII. Trong đó, ALCII dư nợ đối với bị đơn theo Quyết định số 56/2014/QĐST-KDTM ngày 24/7/2014 của Tòa án nhân dân Quận 5 với số tiền là 17.000.000.000 đồng.

Tại Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 29/2019/KDTM-ST ngày 14/11/2019 của Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm đã quyết định:

1. Không chấp nhận Đơn khởi kiện của nguyên đơn đối với bị đơn.

2. Xác định Hợp đồng ủy thác giữa nguyên đơn và bị đơn và 07 phụ lục Hợp đồng kèm theo là hợp pháp và có hiệu lực pháp luật.

Ngay khi nhận được khoản tiền trong số tiền thanh lý tài sản còn lại là 17 tỷ đồng của ALCII thì bị đơn phải có nghĩa vụ chuyển trả ngay khoản tiền này cho nguyên đơn.

3. Bác các yêu cầu khác của đương sự.

Ngoài ra, Bản án còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo, quyền thi hành án của các bên đương sự.

Không đồng ý với Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm nêu trên, nguyên đơn kháng cáo toàn bộ Bản án sơ thẩm vì cho rằng Bản án nhận định sai sự thật vụ án, hiểu không đúng và áp dụng sai các quy định của pháp luật. Đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại vụ án theo hướng khắc phục những vi phạm nghiêm trọng của Tòa án cấp sơ thẩm, tiến hành thu thập, đánh giá chứng cứ và ra các phán quyết khách quan, toàn diện, đúng sự thật, đúng pháp luật và bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn có kháng cáo trình bày:

Căn cứ vào khoản 4.8 Điều 4 Hợp đồng ủy thác quy định bị đơn có trách nhiệm chuyển trả đầy đủ vốn ủy thác cho nguyên đơn khi chấm dứt Hợp đồng hoặc khi có yêu cầu của nguyên đơn. Theo khoản 7.4 Điều 7 Hợp đồng ủy thác quy định nguyên đơn có quyền yêu cầu bị đơn chuyển trả vốn ủy thác đầu tư theo quy định tại khoản 4.8 Điều 4 của Hợp đồng ủy thác.

Hợp đồng ủy thác được ký kết giữa nguyên đơn và bị đơn hoàn toàn tự nguyện, cam kết bảo toàn vốn ủy thác trong mọi trường hợp của bị đơn là điều kiện tiên quyết để nguyên đơn chấp nhận bị đơn là bên nhận ủy thác vốn đầu tư. Nếu không có cam kết hoàn trả 100% vốn ủy thác theo quy định tại khoản 4.8 Điều 4 và khoản 7.4 Điều 7 của Hợp đồng, nguyên đơn sẽ không lựa chọn bị đơn mà sẽ lựa chọn các đơn vị khác là bên nhận ủy thác.

Việc bị đơn ký Hợp đồng giao dịch tiền gửi với ALCII là thực hiện sai hoạt động đầu tư, trái quy định của pháp luật hoàn toàn do lỗi của bị đơn. Là Công ty quản lý quỹ, bị đơn có trách nhiệm tuân thủ pháp luật, trong đó có Luật chứng khoán năm 2006 và Quyết định số 35. Do tư vấn và cung cấp dịch vụ quản lý danh mục đầu tư không đúng quy định của pháp luật, bị đơn phải chịu trách nhiệm khi ALCII không hoàn trả đầy đủ tiền vay theo Hợp đồng tiền gửi. Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn, sửa Bản án sơ thẩm, buộc bị đơn hoàn trả cho nguyên đơn số tiền ủy thác đầu tư còn lại là 14.351.965.073 đồng.

Đại diện theo ủy quyền của bị đơn trình bày:

Tại thời điểm nguyên đơn và bị đơn ký kết Hợp đồng ủy thác không có quy định nào của pháp luật cấm bị đơn không được ký Hợp đồng tiền gửi với ALCII. Trong quá trình hoạt động bị đơn có báo cáo Ủy ban chứng khoán nhà nước và không có một văn bản, thông báo nào yêu cầu bị đơn không được thực hiện hoạt động tiền gửi với ALCII. Theo quy định tại điểm đ khoản 7 Điều 25 Thông tư số 212 quy định bị đơn không được cam kết, bảo đảm kết quả đầu tư trừ trường hợp đầu tư vào những sản phẩm có thu nhập cố định, không được ký kết các Hợp đồng nhận ủy thác đầu tư vào trái phiếu với lãi suất không phù hợp với thực tế thị trường và kết quả phân tích đầu tư của chính Công ty; trực tiếp hoặc gián tiếp, bù đắp một phần hoặc toàn bộ khoản thua lỗ của khách hàng ủy thác do hoạt động đầu tư; không được thực hiện các giao dịch nhằm làm giảm lợi nhuận của một khách hàng ủy thác để làm tăng lợi nhuận của một khách hàng ủy thác khác; không được giao kết hợp đồng, thực hiện giao dịch với các điều khoản bất lợi một cách bất hợp lý, không có lý do chính đáng. Như vậy, bị đơn không thể bù đắp các khoản thua lỗ từ hoạt động đầu tư tiền gửi trong ALCII cho nguyên đơn dù là trực tiếp hay gián tiếp. Do đó, bị đơn không thể hoàn trả số vốn ủy thác đó cho nguyên đơn do khoản tiền gửi tại ALCII chưa thể thu hồi vì những yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của bị đơn.

Bị đơn vẫn giữ nguyên các ý kiến đã trình bày tại Tòa án cấp sơ thẩm, Bản án sơ thẩm xử đúng các quy định của pháp luật nên đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm giữ nguyên Bản án sơ thẩm.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP Hà Nội phát biểu quan điểm:

Về thủ tục tố tụng: nguyên đơn kháng cáo trong thời hạn luật định và đã nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm nên kháng cáo của nguyên đơn là hợp lệ.

Thẩm phán và Hội đồng xét xử đã thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án từ thủ tục thụ lý vụ án, thời hạn chuẩn bị xét xử và tiến hành phiên tòa. Thư ký đã làm đầy đủ nhiệm vụ và phổ biến nội quy phiên tòa. Tại phiên tòa xét xử phúc thẩm hôm nay, các đương sự đã thực hiện đúng các quy định của pháp luật, đã được tranh luận và trình bày căn cứ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

t các yêu cầu kháng cáo của bị đơn: Hợp đồng ủy thác được ký kết giữa nguyên đơn, bị đơn là hoàn toàn tự nguyện. Bị đơn cam kết bảo toàn vốn ủy thác theo quy định tại khoản 4.8 Điều 4 và khoản 7.4 Điều 7 của Hợp đồng, bị đơn phải chuyển trả đầy đủ vốn ủy thác cho nguyên đơn khi chấm dứt Hợp đồng hoặc khi có yêu cầu của nguyên đơn. Theo khoản 7.4 Điều 7 Hợp đồng ủy thác quy định nguyên đơn có quyền yêu cầu bị đơn chuyển trả vốn ủy thác đầu tư theo quy định tại khoản 4.8 Điều 4 Hợp đồng ủy thác.

Việc bị đơn ký hợp đồng giao dịch tiền gửi với ALCII là thực hiện không đúng hoạt động đầu tư, trái quy định của pháp luật. Trong quá trình hoạt động bị đơn phải tuân thủ quy định Luật chứng khoán năm 2006 và Quyết định số 35. Do tư vấn và cung cấp dịch vụ quản lý danh mục đầu tư không đúng quy định của pháp luật, bị đơn phải chịu trách nhiệm khi ALCII không hoàn trả đầy đủ tiền vay theo Hợp đồng tiền gửi. Tòa án cấp sơ thẩm nhận định Hợp đồng ủy thác được ký kết giữa hai bên có hiệu lực pháp luật nhưng lại không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là chưa đúng. Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn, sửa Bản án sơ thẩm, buộc bị đơn bị đơn hoàn trả cho nguyên đơn số tiền ủy thác đầu tư còn lại là 14.351.965.073 đồng.

Do sửa Bản án sơ thẩm nên cần sửa về án phí sơ thẩm, yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn được chấp nhận nên nguyên đơn không phải chịu án phí phúc thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên toà và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà, sau khi nghe ý kiến của Kiểm sát viên, Hội đồng xét xử nhận định:

Về tố tụng: nguyên đơn và bị đơn ký kết Hợp đồng ủy thác với mục đích lợi nhuận, cả hai bên đều có tư cách pháp nhân và bị đơn có trụ tại quận Hoàn Kiếm nên Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm thụ lý và giải quyết vụ án kinh doanh thương mại sơ thẩm và Tòa án nhân dân TP Hà Nội thụ lý và giải quyết theo thủ tục phúc thẩm là đúng quy định tại các điều 30, 35, 38 và 39 Bộ luật tố tụng dân sự.

Nguyên đơn kháng cáo Bản án sơ thẩm trong thời hạn luật định và đã nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm theo quy định của pháp luật. Do vậy, kháng cáo của nguyên đơn là hợp lệ.

t yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn, Hội đồng xét xử thấy bị đơn là Công ty quản lý quỹ được Ủy ban chứng khoán nhà nước cấp phép hoạt động theo Luật chứng khoán. Ngày 18/9/2007, nguyên đơn và bị đơn ký Hợp đồng uỷ thác trên cơ sở thỏa thuận của các bên và không trái với quy định của pháp luật có hiệu lực pháp luật, các bên phải thực hiện các điều khoản đã thỏa thuận trong Hợp đồng. Trong quá trình thực hiện Hợp đồng nguyên đơn đã chuyển cho bị đơn tổng cộng 220 tỷ đồng. Bị đơn đã sử dụng số tiền trên đầu tư vào các danh mục đầu tư để sinh lời.

Sau khi kết thúc Hợp đồng ủy thác đầu tư, bị đơn đã thu lại các khoản vốn và lãi để trả cho nguyên đơn. Tuy nhiên, khoản tiền 30 tỷ đồng đầu tư vào ALCII chưa thể thu hồi nên hai bên đã thống nhất tiếp tục ký kết các Phụ lục Hợp đồng để bị đơn tiếp tục thu hồi khoản tiền gửi tại ALCII chưa thu hồi được và lãi phát sinh từ khoản tiền này. Cho đến nay hai bên nguyên đơn và bị đơn đều thống nhất về vốn ủy thác đầu tư gốc còn lại hiện chưa thu hồi được là 14.351.965.073 đồng. Đây là số tiền bị đơn đã đầu tư và gửi vào ALCII hiện nay chưa thu hồi được là chứng cứ không cần chứng minh.

Nguyên đơn đề nghị Tòa án buộc bị đơn phải hoàn trả số tiền ủy thác đầu tư gốc còn lại là 14.351.965.073 đồng, Hội đồng xét xử thấy tại khoản 4.8 Điều 4 và khoản 7.4 Điều 7 Hợp đồng ủy thác các điều khoản thể hiện cam kết bảo toàn vốn ủy thác trong mọi trường hợp của bị đơn. Khoản 7.4 Điều 7 Hợp đồng ủy thác quy định nguyên đơn có quyền yêu cầu bị đơn chuyển trả vốn uỷ thác đầu tư theo quy định tại khoản 4.8 Điều 4 của Hợp đồng này.

Như vậy, hai bên thỏa thuận rõ quyền và nghĩa vụ với nhau, bị đơn có trách nhiệm chuyển trả đầy đủ vốn uỷ thác cho nguyên đơn nên bị đơn cũng có quyền chủ động triển khai hoạt động đầu tư, quản lý danh mục đầu tư theo quy định của Hợp đồng và các Phụ lục Hợp đồng theo khoản 5.2 Điều 5 Hợp đồng ủy thác. Nguyên đơn không có quyền can thiệp dưới bất kỳ hình thức nào vào hoạt động quản lý danh mục đầu tư của bị đơn trong suốt thời hạn hiệu lực của Hợp đồng theo quy định tại khoản 6.5 Điều 6 Hợp đồng ủy thác.

Bị đơn chấp nhận mọi rủi ro phát sinh trong quá trình thực hiện Hợp đồng ủy thác và điều này cũng hoàn toàn phù hợp với ý chí và yêu cầu của nguyên đơn khi giao kết Hợp đồng ủy thác. Hợp đồng ủy thác và các Phụ lục kèm theo được nguyên đơn và bị đơn tự nguyện ký kết, không trái với quy định pháp luật tuân thủ Điều 408 Bộ luật dân sự năm 2005 nên có hiệu lực pháp luật. Trong quá trình đầu tư, bị đơn cũng đã chủ động dùng vốn ủy thác của nguyên đơn để đầu tư vào ALCII mà không phải gửi tiền tại các Ngân hàng là một rủi ro lớn. Bị đơn khi quyết định đầu tư vào ALCII cũng không thông báo cho nguyên đơn biết hay tư vấn cho nguyên đơn biết về rủi ro đối với khoản đầu tư này là trái với quy định tại Quyết định số 35 và Luật chứng khoán năm 2006. Do đó, bị đơn phải chịu trách nhiệm đối với nguyên đơn về số tiền ủy thác đầu tư gốc còn lại.

Tiền gửi không phải là “danh mục đầu tư” theo quy định của Luật chứng khoán năm 2006. Quyết định số 35 cũng không có điều khoản cho phép Công ty quản lý quỹ như bị đơn được nhận uỷ thác vốn từ khách hàng để đầu tư thông qua ký Hợp đồng tiền gửi với bên thứ ba và quản lý dạng đầu tư này.

Theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 24 Thông tư số 212 thay thế cho Quyết định số 35 quy định "tiền gửi” mới được ghi nhận là một loại thuộc “danh mục đầu tư”. Tuy nhiên, danh mục tiền gửi được Thông tư quy định là trường hợp đầu tư tiền gửi cho khách hàng ủy thác, Công ty quản lý quỹ chỉ được gửi tại các Ngân hàng trong danh sách được khách hàng ủy thác phê duyệt.

Tại Điều 1 Hợp đồng uỷ thác quy định quản lý danh mục đầu tư là việc bị đơn quản lý và uỷ thác đầu tư của nguyên đơn thông qua việc đầu tư và quản lý các danh mục thành phần trong Danh mục đầu tư vì quyền lợi của nguyên đơn.

Theo các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án thể hiện, ALCII không phải là Ngân hàng mà chỉ là Công ty kinh doanh dịch vụ cho thuê tài chính trực thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam. Không có tài liệu chứng cứ nào thể hiện việc nguyên đơn phê duyệt ALCII là đơn vị bị đơn được thực hiện đầu tư danh mục tiền gửi.

Việc bị đơn thực hiện hoạt động đầu tư vào ALCII là do lỗi của bị đơn, chưa tuân thủ Luật chứng khoán năm 2006 và Quyết định số 35 của Bộ tài chính.

Hợp đồng uỷ thác cũng quy định rất rõ trách nhiệm này của bị đơn tại khoản 2.1 Điều 2 là bị đơn cung cấp các dịch vụ quản lý danh mục đầu tư chuyên nghiệp phù hợp với Hợp đồng, với yêu cầu đầu tư của nguyên đơn và tuân thủ các yêu cầu của pháp luật về kinh doanh chứng khoán.

Do tư vấn và cung cấp dịch vụ quản lý danh mục đầu tư không đúng quy định của pháp luật, bị đơn phải chịu trách nhiệm khi ALCII không hoàn trả đầy đủ tiền vay theo Hợp đồng tiền gửi. Quan hệ giữa bị đơn và ALCII hoàn toàn độc lập với quan hệ giữa nguyên đơn và bị đơn. Tất cả các vấn đề phát sinh trong quan hệ giữa bị đơn và ALCII đều không liên quan hay ảnh hưởng đến nghĩa vụ hoàn trả vốn đầu tư gốc cho nguyên đơn.

Từ những phân tích trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy có đủ căn cứ chấp nhận toàn bộ yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn, sửa Bản án sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc buộc bị đơn phải hoàn trả số tiền ủy thác đầu tư gốc còn lại là 14.351.965.073 đồng cho nguyên đơn là phù hợp với thỏa thuận của các bên trong Hợp đồng ủy thác và quy định của pháp luật. Tòa án cấp sơ thẩm đã không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là chưa phù hợp với sự tự nguyện thỏa thuận của hai bên trong Hợp đồng ủy thác.

Phí và thưởng hiệu quả năm 2009 của bị đơn giữa nguyên đơn và bị đơn không yêu cầu Tòa án giải quyết nên Hội đồng xét xử không xét trong vụ án này.

Khoản tiền mặt còn lại là 5.023.820 đồng trong tài khoản số 0011002198280 tại Ngân hàng ngoại thương Việt Nam do bị đơn mở riêng cho nguyên đơn theo Hợp đồng ủy thác sẽ được các bên giải quyết khi thanh lý Hợp đồng ủy thác.

Do sửa Bản án sơ thẩm nên phải sửa về án phí sơ thẩm, bị đơn phải chịu án phí sơ thẩm theo quy định của pháp luật, nguyên đơn không phải chịu án phí phúc thẩm.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

 Căn cứ:

- Các điều 30, 35, 38, 39, 143, 144, 147, 293 và 308 Bộ luật tố tụng dân sự;

- Khoản 1 Điều 73 Luật chứng khoán 2006;

- Điều 408 Bộ luật dân sự năm 2005;

- Khoản 1 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015;

-Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ quốc hội quy định về mức thu, miễn giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Xử:

1. Chấp nhận yêu cầu kháng cáo của Công ty cổ phần nhiệt điện PL 2. Sửa bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 29/2019/KDTM- ST ngày 14/11/2019 của Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm.

3. Buộc Công ty trách nhiệm hữu hạn quản lý quỹ BV phải hoàn trả ngay cho Công ty cổ phần nhiệt điện PL số tiền ủy thác đầu tư còn nợ gốc là 14.351.965.073 (mười bốn tỷ ba trăm năm mươi mốt triệu chín trăm sáu mươi lăm nghìn không trăm bảy mươi ba) đồng theo Hợp đồng ủy thác quản lý danh mục đầu tư số 05/2007/BVFMC-UTĐT/PLPC ngày 18/09/2007 và 07 Phụ lục hợp đồng kèm theo.

4. Kể từ ngày tiếp theo ngày xét xử sơ thẩm, Công ty trách nhiệm hữu hạn quản lý quỹ BV còn phải tiếp tục chịu lãi của số tiền chậm trả theo mức lãi suất là 7,65%/năm theo thỏa thuận tại Hợp đồng ủy thác quản lý danh mục đầu tư số 05/2007/BVFMC- UTĐT/PLPC ngày 18/09/2007 và Phụ lục hợp đồng số 01 ngày 18/9/2007.

5. Về án phí:

- Công ty trách nhiệm hữu hạn quản lý quỹ BV phải chịu án phí sơ thẩm là 122.351.965 (một trăm hai mươi hai triệu ba trăm năm mươi mốt nghìn chín trăm sáu mươi lăm) đồng.

- Hoàn trả cho Công ty cổ phần nhiệt điện PL số tiền 2.000.000 (hai triệu) đồng án phí phúc thẩm đã nộp tại Biên lai số 3418 ngày 05/12/2019 và 61.175.000 (sáu mươi mốt triệu một trăm bảy mươi lăm nghìn) đồng tạm ứng án phí theo Biên lai số 0002868 ngày 25/02/2017 của Chi cục thi hành án dân sự quận Hoàn Kiếm.

Trường hợp Bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự, người được thi hành án, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận về việc thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm xử công khai và có hiệu lực thi hành kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

2174
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 162/2020/KDTM-PT ngày 11/09/2020 về tranh chấp hợp đồng ủy thác quản lý danh mục đầu tư

Số hiệu:162/2020/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hà Nội
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 11/09/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;