Bản án 16/2020/KDTM-ST ngày 29/10/2020 về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ DĨ AN, TỈNH BÌNH DƯƠNG

BẢN ÁN 16/2020/KDTM-ST NGÀY 29/10/2020 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA

Trong các ngày 19 và 29 tháng 10 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương xét xử sơ thẩm công khai vụ án kinh doanh, thương mại thụ lý số 32/2020/TLST-DS ngày 23 tháng 6 năm 2020 về việc “tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 19/2020/QĐXXST-KDTM ngày 30/9/2020, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Công ty TNHH MTV N T; địa chỉ: Phường A, thành phố T, tỉnh Bình Dương.

Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Bà Phạm Thùy T, sinh năm 1993; địa chỉ: Phường B, quận C, Thành phố Hồ Chí Minh. Là người đại diện theo ủy quyền (giấy ủy quyền ngày 05/6/2020); có mặt.

- Bị đơn: Công ty CP điện cơ Q H; địa chỉ: Phường E, thành phố D, tỉnh Bình Dương.

Người đại diện hợp pháp của bị đơn: Ông Weng Ming L, sinh năm 1954; chỗ ở hiện nay: Pphường E, thành phố D, tỉnh Bình Dương. Là người đại diện theo ủy quyền (Giấy ủy quyền ngày 07/8/2020); có mặt.

Người phiên dịch của ông Weng Ming L: Bà Dương Nguyệt D, sinh năm 1983- Nhân viên Công ty Q H; thường trú: Phường G, Quận H,Thành phố Hồ Chí Minh; có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

- Theo đơn khởi kiện đề ngày 05/6/2020 và lời khai trong quá trình tố tụng, người đại diện hợp pháp của nguyên đơn trình bày:

Ngày 28/7/2018, Công ty TNHH MTV N T và Công ty CP Điện cơ Q H ký kết Hợp đồng mua bán số YJ28072018 về việc “Cung cấp máy móc thiết bị và thi công hệ thống làm lạnh”, giá trị hợp đồng là 137.500.000 đồng (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng). Thực hiện hợp đồng, Công ty Q H đã thanh toán chuyển khoản cho Công ty N T 30% giá trị hợp đồng với số tiền là 41.250.000 đồng. Công ty N T đã phát hành hóa đơn số 0000771 ngày 18/8/2019.

Ngày 03/4/2019, Công ty N T giao máy làm lạnh giải nhiệt nước cho Công ty Q H. Ngày 08/7/2019, Công ty N T đã bàn giao và lắp đặt cho Công ty Q H máy làm lạnh giải nhiệt nước và hoàn tất công việc theo đúng thỏa thuận. Sau khi xác định công việc hoàn thành, Công ty N T nhiều lần yêu cầu Công ty Q H thực hiện nghiệm thu sản phẩm và thanh toán số tiền còn lại 96.250.000 đồng; đồng thời Công ty N T đã phát hành hóa đơn giá trị gia tăng số 0000122 ngày 30/5/2019. Tuy nhiên, Công ty Q H không thiện chí và đã từ chối thanh toán số tiền còn lại này.

Quá trình sử dụng máy làm lạnh giải nhiệt nước đã mua theo hợp đồng số YJ28072018, Công ty Q H mong muốn kết nối đường ống của máy làm lạnh giải nhiệt nước với thiết bị của Công ty Q H nên có yêu cầu Công ty N T cử nhân viên thi công kết nối đường ống. Vì hạng mục này không thuộc hợp đồng nên giữa hai bên đã thỏa thuận về chi phí hỗ trợ thi công lắp đặt là 6.000.000 đồng (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), nhân viên Công ty Q H đã ký xác nhận Bảng báo giá ngày 08/7/2019. Công ty N T hỗ trợ Công ty Q H lắp đặt, đã xuất hóa đơn giá trị gia tăng số 0000278 ngày 04/9/2019 và yêu cầu Công ty Q H thanh toán 6.600.000 đồng, nhưng đến nay Công ty Q H vẫn chưa thanh toán.

Hành vi không thanh toán nêu trên của Công ty Q H làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của Công ty N T. Vì vậy, Công ty N T khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết buộc Công ty Q H thanh toán cho Công ty N T số tiền còn lại theo Hợp đồng mua bán số YJ28072018 là 96.250.000 đồng và số tiền thi công đường ống máy làm lạnh là 6.600.00 đồng. Tổng cộng 102.850.000 đồng.

Tại phiên tòa, Công ty N T xin rút một phần yêu cầu khởi kiện đối với số tiền thi công đường ống máy làm lạnh là 6.600.000 đồng. Về việc Công ty Q H cho rằng linh kiện máy nén có thương hiệu Panasonic, Công ty N T giải thích như sau: Vào khoảng năm 2009 Tập đoàn Panasonic đã mua lại Công ty Sanyo Nhật Bản, từ năm 2014 thì Tập đoàn Panasonic không còn sử dụng thương hiệu Sanyo, toàn bộ máy móc được thay bằng thương hiệu Panasonic. Sản phẩm máy nén mà Công ty N T cung cấp cho Q H chính là máy nén Sanyo trên thị trường trước đây nhưng được thay bằng thương hiệu Panasonic, chất lượng máy không thay đổi. Công ty N T không đồng ý nhận lại hệ thống máy làm lạnh, vì thực tế Công ty Q H nhận máy và đã vận hành máy từ tháng 7/2019, Công ty N T đã hỗ trợ hết mình, đến kiểm tra máy ngay lập tức khi Công ty Q H có thông báo; đồng thời sau khi phát hiện nguyên nhân nước bị đục, vàng là do loại nước mà Công ty Q H sử dụng là nước cất thì Công ty N T đã rất thiện chí khi thay bầu lạnh khác bằng inox, giá thành của bầu lạnh inox cao hơn giá thành bầu lạnh thông thường nhưng Công ty N T hoàn toàn không yêu cầu tính thêm số tiền chênh lệch.

- Theo bản tự khai ngày 13/8/2020 và lời khai trong quá trình tố tụng, người đại diện hợp pháp của bị đơn trình bày:

Ngày 28/7/2018, sau khi Công ty N T đến khảo sát hiện trường và thiết bị cần lắp đặt hệ thống làm lạnh tại Công ty Q H, Công ty N T nhận thấy sản phẩm hệ thống làm lạnh của mình có thể đáp ứng yêu cầu làm mát cho thiết bị máy cắt laser hiệu Mitsubishi hiện có tại Công ty Q H, do đó hai công ty đã ký kết Hợp đồng mua bán với nội dung cung cấp máy móc thiết bị và thi công hệ thống làm lạnh. Giá trị hợp đồng là 137.500.000 đồng (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng).

Sau khi ký kết hợp đồng, Công ty Q H thanh toán cho Công ty N T 30% giá trị hợp đồng với số tiền 41.250.000 đồng. Đến tháng 7/2019, Công ty N T bàn giao và lắp đặt sản phẩm nhưng Công ty N T không biết thi công kết nối dây với thiết bị máy cắt laser trên nên Công ty Q H đã hỗ trợ kết nối dây, thiết bị làm lạnh của Công ty N T vận hành bình thường nhưng nước sau khi làm lạnh không trong suốt sạch sẽ mà có màu đục vàng, có cặn.

Sau khi được thông báo, Công ty N T đã cử nhân viên kỹ thuật tới xử lý, trong quá trình xử lý Công ty N T không làm sạch đường ống mà đã kết nối trực tiếp vào máy cắt laser, đồng thời khi lắp ống và dán keo ống, Công ty N T không cẩn thận để keo chảy ngược vào máy cắt laser khiến nước cất của máy laser bị ô nhiễm. Sau khi Công ty Q H phải tự thay phần lớn nước cất và nhựa thông của máy laser, Công ty Q H đã yêu cầu Công ty N T phải lắp đường ống riêng, không được kết nối trực tiếp vào máy cắt laser nhưng Công ty N T vẫn lắp trực tiếp, vấn đề này sau này Công ty Q H mới phát hiện ra nên chỉ có thể yêu cầu Công ty N T lắp thêm đường ống tuần hoàn tự động.

Trong quá trình sử dụng, nước tuần hoàn làm lạnh từ thiết bị làm lạnh có màu đục vàng và có cặn gỉ sét. Sau khi liên hệ, Công ty N T đã cử nhân viên đến vệ sinh máy. Sau một tháng vệ sinh máy, tình hình nước làm lạnh không được cải thiện. Ngày 6/11/2019, Công ty N T đến thay bầu lạnh khác. Trong quá trình thay thế, nhân viên Công ty N T thao tác không chính xác nên chỉ lắp lại được một phần, Công ty N T tự ý kết nối dây điện và kiểm tra ngẫu nhiên thì thiết bị làm lạnh vận hành bình thường nhưng máy cắt laser bị báo lỗi và không hoạt động được. Ngày 18/12/2019, Công ty Q H tự bỏ chi phí mời nhân viên kỹ thuật đến kiểm tra máy cắt laser Mitsubishi và phát hiện đường dây bo mạch điều khiển tín hiệu kết nối với thiết bị làm lạnh đã bị cháy, lỗi do đấu dây sai. Dây đấu này là do nhân viên Công ty N T nối lại khi đến thay bầu nước vào ngày 06/11/2019.

Ngày 04 và 05/3/2020, Công ty N T tiếp tục đến thay bầu lạnh và nói rằng bầu lạnh này được làm bằng inox, sau khi thay bầu lạnh thì chất lượng nước làm lạnh có đỡ đục hơn lúc trước nhưng khi để lắng vẫn còn nhiều tạp chất.

Ngày 17/4/2020, Công ty Q H đã phải gửi 03 bo mạch bị hư về Công ty mẹ tại Đài Loan để giao nhà sản xuất kiểm tra sửa chữa và được kết luận hư hỏng này chưa từng xảy ra nên không thể sửa chữa trong thời gian ngắn được, thậm chí có thể phải thay mới nếu không sửa chữa được.

Trước khi ký hợp đồng mua bán thiết bị làm lạnh, Công ty N T đã đến tại hiện trường khảo sát và biết được lý do Công ty Q H cần mua thiết bị làm lạnh là do thiết bị làm lạnh cũ đã bị hư và cũng biết mục đích Công ty Q H mua thiết bị làm lạnh để dùng cho máy cắt laser. Sau khi khảo sát Công ty N T đảm bảo rằng thiết bị làm lạnh của họ hoàn toàn có thể đáp ứng yêu cầu của thiết bị cần sử dụng của Công ty Q H. Nhưng trên thực tế sản phẩm máy làm lạnh của Công ty N T hoàn toàn không đáp ứng yêu cầu như ban đầu Công ty N T cam kết, hơn nữa nhân viên kỹ thuật thao tác không chính xác dẫn đến làm hư hỏng thiết bị chính của Công ty Q H, gây ra nhiều thiệt hại cho Công ty Q H (tất cả mọi gia công cần sử dụng máy cắt laser Công ty Q H đều phải thuê gia công ở ngoài, ngoài việc tốn nhiều chi phí Công ty Q H cũng mất nhiều đơn hàng do sản phẩm gia công ở ngoài không đạt tiêu chuẩn như Công ty Q H tự gia công bằng máy cắt laser Mitsubishi).

Sau sự cố trên, hiện nay máy cắt laser Mitsubishi của Công ty Q H ngưng hoạt động hoàn toàn và tất nhiên thiết bị làm lạnh do Công ty N T cung cấp cũng không thể sử dụng, nên Công ty Q H không thể nghiệm thu đạt chất lượng cho sản phẩm của Hợp đồng, không thể thanh toán khoản tiền hàng còn lại cho Công ty N T.

Đối với yêu cầu thanh toán số tiền 6.600.000 đồng theo Bảng báo giá ngày 08/7/2019 và Hóa đơn giá trị gia tăng số 0000278 ngày 04/9/2019 thì Công ty Q H không đồng ý thanh toán, đây là chi phí nhân công phát sinh thêm vào ngày chủ nhật. Công ty Q H chỉ đồng ý thanh toán khi Công ty N T hoàn thành việc thi công lắp đặt.

Vì những lý do trên, Công ty Q H không đồng ý với toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Công ty N T.

Tại phiên tòa, Công ty Q H cho rằng linh kiện máy nén trong hệ thống thiết bị làm lạnh do Công ty N T cung cấp có nhãn hiệu Panasonic, không phải là máy hiệu Sanyo theo như bảng báo giá ban đầu. Vì vậy, Công ty Q H yêu cầu được trả lại toàn bộ hệ thống máy làm lạnh cho Công ty N T, đồng thời yêu cầu Công ty N T trả lại số tiền 41.250.000 đồng.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Dĩ An trình bày quan điểm về việc tuân theo pháp luật, quan điểm giải quyết vụ án: Về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa trong quá trình giải quyết vụ án kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án được thực hiện đúng theo quy định pháp luật. Đối với những người tham gia tố tụng: Nguyên đơn, bị đơn chấp hành đúng quy định pháp luật tố tụng dân sự. Về quan điểm giải quyết vụ án: Tại phiên tòa, nguyên đơn tự nguyện rút một phần yêu cầu khởi kiện đối với số tiền thi công đường ống 6.600.000 đồng, đề nghị HĐXX đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu này. Về yêu cầu bị đơn thanh toán số tiền 96.250.000 đồng, xét thấy nguyên đơn không chứng minh được linh kiện máy nén do nguyên đơn cung cấp thương hiệu Panasonic có chất lượng tương tự với sản phẩm máy nén thương hiệu Sanyo trước đây, nguyên đơn vi phạm hợp đồng mua bán nên không có căn cứ chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Đối với việc bị đơn có yêu cầu trả lại hàng hóa cho nguyên đơn, yêu cầu nguyên đơn trả lại số tiền đã thanh toán là 41.250.000 đồng: Xét thấy, trong quá trình giải quyết vụ án, bị đơn đã được Tòa án giải thích về quyền yêu cầu phản tố nhưng bị đơn không nộp đơn yêu cầu phản tố. Do đó, căn cứ khoản 1 Điều 195 Bộ luật Tố tụng dân sự thì yêu cầu của bị đơn tại phiên tòa là không có cơ sở chấp nhận.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về việc rút một phần yêu cầu khởi kiện: Tại phiên tòa, người đại diện hợp pháp của nguyên đơn xin rút một phần yêu cầu khởi kiện đối với số tiền thi công đường ống 6.600.000 đồng. Việc rút một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là hoàn toàn tự nguyện và phù hợp với quy định pháp luật nên Hội đồng xét xử chấp nhận.

[2] Xem xét yêu cầu của nguyên đơn về việc buộc bị đơn thanh toán số tiền mua hàng còn nợ 96.250.000 đồng:

[2.1] Ngày 28/7/2018, Công ty TNHH MTV N T và Công ty CP Điện cơ Q H ký kết Hợp đồng mua bán số YJ28072018 về việc “Cung cấp máy móc thiết bị và thi công hệ thống làm lạnh” kèm theo Bảng báo giá ngày 28/7/2018, giá trị hợp đồng là 137.500.000 đồng (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng). Thực hiện hợp đồng, Công ty Q H đã thanh toán cho Công ty N T 30% giá trị hợp đồng với số tiền là 41.250.000 đồng;

Công ty N T đã giao máy vào ngày 03/4/2019; bàn giao và lắp đặt máy cho Công ty Q H vào ngày 08/7/2019. Việc giao kết và thực hiện hợp đồng nêu trên được Công ty N T và Công ty Q H thừa nhận, là tình tiết không phải chứng minh theo quy định tại Điều 92 Bộ luât Tố tụng dân sự.

[2.2] Công ty N T khởi kiện yêu cầu Công ty Q H thanh toán số tiền mua hàng còn lại là 96.250.000 đồng. Về phía Công ty Q H cho rằng Công ty N T cung cấp hàng hóa không đảm bảo chất lượng, cụ thể là chất lượng nước sau khi làm lạnh không trong suốt, có cặn, gỉ sét; linh kiện không đúng thương hiệu Sanyo như bảng báo giá nên Công ty Q H không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của Công ty N T.

[2.3] Sau khi vận hành máy, Công ty Q H có thông báo với Công ty N T về việc nước sau khi làm lạnh có màu vàng đục, gỉ sét. Công ty N T đã đến kiểm tra nhiều lần và tìm được nguyên nhân do loại nước mà Công ty Q H sử dụng là nước cất, trong khi bầu lạnh của hệ thống máy làm mát thông thường do Công ty N T cung cấp có chất liệu bằng sắt, vì vậy Công ty N T đã hỗ trợ thay bầu lạnh khác bằng inox. Tại phiên tòa, Công ty Q H cũng thừa nhận bầu lạnh của thiết bị làm mát cũ trước đây mà Công ty Q H sử dụng có chất liệu inox, mặc dù Công ty N T đã thay bầu lạnh khác bằng inox nhưng máy cắt laser bị hư bo mạch, không thể vận hành nên Công ty Q H không thể kiểm tra chất lượng hệ thống máy làm mát, vì mục đích sử dụng của máy làm mát là để làm mát nước cất của máy cắt laser.

Điều 39 Luật Thương mại quy định về hàng hóa không phù hợp với hợp đồng như sau:

“1. Trường hợp hợp đồng không có quy định cụ thể thì hàng hóa được coi là không phù hợp với hợp đồng khi hàng hóa đó thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Không phù hợp với mục đích sử dụng thông thường của các hàng hóa cùng chủng loại;

b) Không phù hợp với bất kỳ mục đích cụ thể nào mà bên mua đã cho bên bán biết hoặc bên bán phải biết vào thời điểm giao kết hợp đồng;

c) Không bảo đảm chất lượng như chất lượng của mẫu hàng hóa mà bên bán đã giao cho bên mua;

d) Không được bảo quản, đóng gói theo cách thức thông thường đối với loại hàng hóa đó hoặc không theo cách thức thích hợp để bảo quản hàng hóa trong trường hợp không có cách thức bảo quản thông thường.” Xét thấy, nội dung hợp đồng mua bán và bảng báo giá, các bên không có thỏa thuận cụ thể về mục đích sử dụng hệ thống máy làm mát là làm lạnh nước cất của thiết bị máy cắt laser hiệu Mitsubishi, cũng như không có yêu cầu về chất lượng nước sau khi làm lạnh phải đảm bảo độ trong suốt, không có tạp chất, đáp ứng tiêu chuẩn về độ dẫn điện thấp,…. Xét về công năng cơ bản, mục đích sử dụng thông thường của máy làm lạnh giải nhiệt nước là để làm lạnh nước. Công ty Q H hoàn toàn không có bất kì khiếu nại gì về việc máy làm lạnh của N T không làm lạnh được nước. Tại bản tự khai ngày 13/8/2020, Công ty Q H cũng xác định “thiết bị làm lạnh của Công ty N T vận hành bình thường nhưng sản phẩm nước sau khi làm lạnh không đạt chất lượng (không trong suốt sạch sẽ, mà có màu đục vàng, có cặn)”.

[2.4] Sau khi Tòa án có quyết định đưa vụ án ra xét xử, ngày 06/10/2020, Công ty Q H mới cung cấp cho Tòa án chứng cứ Bảng báo giá ngày 28/7/2020, trong đó có nội dung “linh kiện máy gồm máy nén: sử dụng sản phẩm Sanyo của Nhật Bản, máy nén dạng gió xoáy khép kín Daikin”; đồng thời Công ty Q H cho rằng Công ty N T cung cấp linh kiện máy nén thương hiệu Panasonic mà không phải Sanyo theo như bảng báo giá.

Về phía nguyên đơn Công ty N T xác nhận nội dung bảng bảo giá ngày 28/7/2020 mà bị đơn cung cấp là đúng. Công ty N T cũng xác định linh kiện máy nén cung cấp cho bị đơn có nhãn hiệu Panasonic vì vào khoảng năm 2009 Tập đoàn Panasonic đã mua lại Công ty Sanyo Nhật Bản, từ năm 2014 thì Panasonic không còn sử dụng thương hiệu Sanyo, toàn bộ máy móc được thay bằng thương hiệu Panasonic. Sản phẩm máy nén mà Công ty N T cung cấp cho Công ty Q H chính là máy nén Sanyo trên thị trường trước đây nhưng được thay bằng thương hiệu Panasonic.

Xét thấy, việc Tập đoàn Panasonic cơ cấu, thu mua lại Công ty Sanyo Nhật Bản được thừa nhận và biết đến trên thế giới. Công ty N T có lỗi trong việc không điều chỉnh nội dung bảng báo giá khi có sự thay đổi về việc sử dụng thương hiệu sản phẩm. Tuy nhiên, phía Công ty Q H cũng có lỗi khi nhận hàng hóa nhưng không kiểm tra hàng hóa trong một thời gian hợp lý để đưa thông báo với Công ty N T yêu cầu khắc phục, thay thế hàng hóa hoặc từ chối nhận hàng khi Công ty Q H cho rằng hàng hóa không đúng yêu cầu. Mặt khác, Công ty Q H đã vận hành hệ thống máy làm lạnh trong một thời gian nhất định, không có thông báo về việc tạm ngưng thực hiện hợp đồng hoặc trả lại hàng cho Công ty N T trong khoảng thời gian hợp lý; trong khi đó Công ty N T nhiều lần hỗ trợ kiểm tra, bảo hành sản phẩm, thay thế bầu lạnh bằng inox cho Công ty Q H. Quá trình giải quyết vụ án, Công ty Q H không có yêu cầu trưng cầu giám định đối với chất lượng hàng hóa. Do đó, việc Công ty Q H cho rằng hàng hóa không đảm bảo chất lượng như thỏa thuận hợp đồng là không có cơ sở.

Công ty Q H chưa thanh toán số tiền mua hàng còn lại theo hợp đồng là vi phạm nghĩa vụ thanh toán, do đó Công ty N T yêu cầu Công ty Q H thanh toán số tiền còn nợ 96.250.000 đồng là có căn cứ chấp nhận.

[3] Tại phiên tòa, Công ty Q H có ý kiến được trả lại toàn bộ hệ thống máy làm lạnh cho Công ty N T và yêu cầu Công ty N T hoàn trả số tiền 30% giá trị hợp đồng mà Công ty Q H đã thanh toán.

Xét thấy, trong thời gian chuẩn bị xét xử vụ án, Tòa án đã làm việc, giải thích cho bị đơn về việc yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, tuy nhiên, bị đơn không có đơn yêu cầu. Do đó, tại phiên tòa, bị đơn đưa ra các yêu cầu trên là vượt quá phạm vi giải quyết của HĐXX. Trường hợp bị đơn có tranh chấp thì có quyền khởi kiện một vụ án khác theo quy định pháp luật.

[4] Từ những phân tích trên, có căn cứ chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn; đề nghị của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Dĩ An về việc bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đối với số tiền 96.250.000 đồng là chưa phù hợp.

[5] Án phí dân sự sơ thẩm: Bị đơn Công ty CP Điện cơ Q H phải chịu án phí theo quy định cua pháp luật.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 30, điểm b khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39, Điều 147 và Điều 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự;

Căn cứ các Điều 24, 39, 50 Luật Thương mại;

Căn cứ khoản 2 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, 1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty TNHH MTV N T đối với bị đơn Công ty CP Điện cơ Q H về việc tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa.

Buộc Công ty CP Điện cơ Q H thanh toán cho Công ty TNHH MTV N T số tiền 96.250.000 đồng.

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

2. Đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty TNHH MTV N T đối với số tiền thi công đường ống 6.600.000 đồng.

3. Về án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm:

Công ty CP Điện cơ Q H phải chịu 4.812.500 đồng.

Công ty TNHH MTV N T không phải chịu. Trả lại cho Công ty TNHH MTV N T số tiền tạm ứng án phí đã nộp 2.406.000 đồng theo Biên lai số 0040772 ngày 22/6/2020 và 3.000.000 đồng theo Biên lai số 0048577 ngày 16/9/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

4. Đương sự được quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày tuyên án.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

531
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 16/2020/KDTM-ST ngày 29/10/2020 về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa

Số hiệu:16/2020/KDTM-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Thành phố Dĩ An - Bình Dương
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 29/10/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;