Bản án 16/2020/DS-PT ngày 09/09/2020 về tranh chấp thừa kế tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH NINH BÌNH

BẢN ÁN 16/2020/DS-PT NGÀY 09/09/2020 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ TÀI SẢN

Ngày 09 tháng 9 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Bình xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 24/2019/TLPT-DS ngày 02/12/2019 về tranh chấp về thừa kế tài sản.

Do bản án dân sự sơ thẩm số 04/2019/DS-ST Ngày 20/09/2019 của Toà án nhân dân huyện H, tỉnh Ninh Bình bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 03/2020/QĐ-PT ngày 03 tháng 02 năm 2020; Quyết định hoãn phiên tòa phúc thẩm số: 02/2020/QĐPT-DS ngày 28 tháng 02 năm 2020; Quyết định hoãn phiên tòa phúc thẩm số: 04/2020/QĐPT-DS ngày 12 tháng 5 năm 2020; Quyết định hoãn phiên tòa phúc thẩm số: 08/2020/QĐPT-DS ngày 10 tháng 6 năm 2020; Quyết định hoãn phiên tòa phúc thẩm số: 13/2020/QĐPT-DS ngày 10 tháng 7 năm 2020; Quyết định hoãn phiên tòa phúc thẩm số: 17/2020/QĐPT-DS ngày 10 tháng 8 năm 2020 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Bà Hà Thị N, sinh năm 1933; Trú tại: Thôn B, xã, N, huyện H, tỉnh Ninh Bình.(có mặt) Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà Hà Thị N: Ông Phạm Duy H1, Trợ giúp viên pháp lý thuộc Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Ninh Bình.(có mặt) 2. Bị đơn:

2.1. Chị Đào Thị N1, sinh năm: 1956; trú tại: Thôn 3, xã E, huyện C, Tỉnh Đắk Lắk.(vắng mặt) 2.2. Chị Đào Thị L, sinh năm: 1967; trú tại: Thôn 3, xã E, huyện C, Tỉnh Đắk Lắk.(vắng mặt) 2.3. Chị Đào Thị Th, sinh năm: 1977; trú tại: Thôn 3, xã E, huyện C, Tỉnh Đắk Lắk.(vắng mặt).

2.4. Anh Đào Xuân Đ, sinh năm: 1955;Trú tại: Thôn E1, xã C1, huyện K, tỉnh Đắk Lắk.(vắng mặt)

2.5. Chị Đào Thị X, sinh năm: 1961; trú tại: số nhà 106/14, đường N2, tổ dân phố 8, phường T, TP. B1, tỉnh Đắk Lắk.(vắng mặt)

2.6. Anh Đào Sỹ N3, sinh năm: 1960; trú tại: số nhà 106/14, đường N2, tổ dân phố 8, phường T, TP. B1, tỉnh Đắk Lắk.(vắng mặt)

2.7. Anh Đào Sỹ M, sinh năm: 1972, trú tại: Thôn 3, xã E, huyện C, tỉnh Đắk Lắk;(vắng mặt)

2.8. Chị Đào Thị Nh, sinh năm: 1962, trú tại: Thôn B, Xã N1, huyện H, tỉnh Ninh Bình;(có mặt)

2.9. Cháu Đào Hà Bảo Tr, sinh năm 1995; trú tại: Số 60, B2, phường C2, quận H2, thành phố Hà Nội (vắng mặt)

2.10. Cháu Đào Hải N4, sinh năm 1998; trú tại: Số 60, B2, phường C2, quận H2, thành phố Hà Nội (vắng mặt)

2.11. Cháu Đào Trung H3, sinh năm 2001; Trú tại: Số 7/7, đường ĐTĐ, phường TL, TP. B1, tỉnh Đắk Lắk; (vắng mặt)

Người đại diện hợp pháp của chị N1, anh Đ, chị X, anh N3, chị L, chị Th, cháu N4, cháu H3: Anh Đào Sỹ M, sinh năm 1972, trú tại: thôn 3, xã E, huyện C, tỉnh Đắk Lắk (theo các văn bản ủy quyền ngày 24/7/2018 và văn bản ủy quyền ngày 06/11/2018).(vắng mặt)

2.12. Anh Đào Sỹ M1, sinh năm 1954; trú tại: số nhà 57/01 đường N2, thôn 11, xã H4, TP. B1, tỉnh Đắk Lắk. (vắng mặt) 2.13. Anh Đào Sỹ C3, sinh năm 1963; trú tại: thôn E1, xã C1, huyện K, tỉnh Đắk Lắk. (có mặt)

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ L quan:

Chị Đào Thị Nh, sinh năm: 1962, trú tại: Thôn B, Xã N1, huyện H, tỉnh Ninh Bình; (có mặt) 4. Người kháng cáo:

Bị đơn, anh Đào Sỹ M1, sinh năm 1954; trú tại: số nhà 57/01 đường N2, thôn 11, xã H4, TP. B1, tỉnh Đắk Lắk.

Bị đơn, anh Đào Sỹ C3, sinh năm 1963; trú tại: thôn E1, xã C1, huyện K, tỉnh Đắk Lắk.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện, bản tự khai, bản tự khai bổ sung của nguyên đơn bà Hà Thị N và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn trình bày:

Bà Hà Thị N và ông Đào Sỹ B3 kết hôn với nhau từ năm 1952. Sau khi kết hôn bà N và ông B3 sinh sống tại thôn B, Xã N1, huyện H, tỉnh Ninh Bình. Bà N và ông B3 có 11 người con đẻ gồm: Đào Sỹ M1, Đào X Đ, Đào Thị N1, Đào Sỹ Năm, Đào Thị X, Đào Thị Nh, Đào Sỹ C3, Đào Thị L, Đào Thị Th, Đào Sỹ M, Đào Sỹ S (anh S chết năm 2000 có vợ Hà Thụy Anh Th1 và 03 người con là cháu Đào Hà Bảo Tr, Đào Hải N4, Đào Trung H3). Trong thời kỳ hôn nhân, ông B3, bà N được Nhà nước giao đất để sử dụng. Quá trình sử dụng đất ông B3, bà N đã chuyển đổi, mua bán nhiều lần nên diện tích có biến động. Năm 1993, Ủy ban nhân dân (sau đây viết tắt là UBND) huyện H cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho vợ chồng ông bà mang tên ông Đào Sỹ B3. Năm 1998, Nhà nước cấp đổi lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình vẫn mang tên ông Đào Sỹ B3 được quyền sử dụng diện tích đất 2.661m2 tại Xã N1, huyện H, tỉnh Ninh Bình. Cụ thể: Quyền sử dụng đất ở, đất vườn, đất ao của vợ chồng ông B3, bà N tại thửa số 97, tờ bản đồ số 11, diện tích 613m2 (trong đó có 240m2 đất ở, 75m2 đất vườn, 298m2 đất ao) thời hạn sử dụng lâu dài. Quyền sử dụng diện tích đất nông nghiệp (loại đất 313, tổng diện tích 2048 m2) được chia theo khẩu là của 03 người là bà N, ông B3 và chị Đào Thị Th (con gái của ông bà). Cụ thể: Tại thửa 15, tờ bản đồ số 1 có 248m2 đất 2 lúa, 216m2 đất mạ, 744 m2 đất 2 lúa; tờ bản đồ số 25 thửa 8 có 840m2 đất hai lúa. Năm 2002, lúc đó ông B3 còn sống, Nhà nước thu hồi diện tích đất nông nghiệp 384 m2 giải phóng mặt bằng có đền bù bằng tiền ông B3 là người nhận tiền. Năm 2008, Nhà nước thu hồi diện tích đất nông nghiệp 387m2 làm đường vào Nhà máy xi măng Lucky (Đài Loan), số tiền đền bù là 10.193.000 đồng. Năm 2015 Nhà nước thu hồi diện tích 237m2 làm đường 477 số tiền đền bù là 35.550.000 đồng. Tổng số tiền đền bù do nhà nước thu hồi đất sau khi ông B3 chết, bà N đã nhận là 45.743.000 đồng.

Diện tích đất qua đo đạc thực tế: hiện nay diện tích đất ở, đất vườn không thay đổi, diện tích đất ao có tăng lên 28,6m2, diện tích đất nông nghiệp cấy lúa, mạ còn là 1008 m2. Năm 2004, ông Đào Sỹ B3 chết không để lại di chúc. Trước năm 2014, vợ chồng bà có ngôi nhà cấp 4 xây dựng từ năm 1953. Năm 2014, bà N và các con bàn bạc đã thống nhất tháo dỡ làm lại mới toàn bộ để cho bà N ở. Mọi người thống nhất giao cho anh Đào Sỹ C3, anh Đào Sỹ M1 đứng ra làm nhà và san lấp ao. Số tiền làm nhà do anh Đào Sỹ N3 đưa cho anh C3 để chi phí. Sau khi làm xong nhà, các con bà không thống nhất được số tiền đóng góp, anh C3 không trả tiền cho anh N3 nên xảy ra mâu thuẫn. Bà N muốn bán một phần đất để trả số tiền chi phí làm nhà nhưng một số người con không đồng ý. Tất cả các con cháu của bà sinh sống và làm việc tại các huyện trong tỉnh Đắk Lắk, chỉ có chị Nh con gái đi lấy chồng ở cùng quê (nhưng cũng không ở chung với bà N). Do gia đình không thống nhất được việc chia di sản thừa kế của ông B3 nên bà N có đơn yêu cầu chia di sản của ông B3 để lại trong khối tài sản chung của vợ chồng gồm: diện tích đất ở: 120m2, đất vườn: 37,5m2, đất ao: 163,3m2; đất 2 lúa và mạ diện tích là 336m2; số tiền đền bù do Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp 15.247.666 đồng theo quy định của pháp luật. Kỷ phần thừa kế của các con, cháu gồm: Đào Xuân Đ, Đào Thị N1, Đào Sỹ N3, Đào Thị X, Đào Thị Nh, Đào Thị L, Đào Thị Th, Đào Sỹ M và của các cháu là Đào Hà Bảo Tr, Đào Hải N4, Đào Trung H3 đều nhường cho bà N được hưởng kỷ phần thừa kế của họ, bà N đồng ý nhận. Đối với diện tích đất ruộng cấy lúa, mạ (của bà N, ông B3, chị Th), bà N cho chị Nh sử dụng, sau khi bà N khởi kiện chia di sản thừa kế của ông B3 thì anh Đào Sỹ M1 có yêu cầu phản tố đòi chia di sản của ông B3 về diện tích đất cấy 2 lúa, mạ. Chị Nh đã trả diện tích cấy 2 lúa, mạ và bà N đã nhận lại toàn bộ diện tích đất này. Đối với yêu cầu phản tố của anh Đào Sỹ M1, về việc chia di sản thừa kế của ông B3 diện tích đất cấy lúa, mạ và số tiền Nhà nước đền bù thu hồi đất nông nghiệp 15.247.666 đồng. Bà N thừa nhận di sản của ông B3 còn có diện tích đất nông nghiệp cấy 2 lúa, mạ và số tiền Nhà nước đền bù. Mặc dù, số tiền Nhà nước đền bù trên, bà N nhận đã lâu và chi phí hết trong sinh hoạt cuộc sống, thuốc men lúc ốm đau vì tuổi cao sức yếu, nhưng anh M1 đòi chia thì bà N cũng đồng ý. Bà N xin được hưởng thừa kế bằng hiện vật và có trách nhiệm thanh toán bằng tiền kỷ phần thừa kế cho anh M1, anh C3. Đối với yêu cầu phản tố của anh Đào Sỹ C3 về chi phí làm ngôi nhà cấp 4, công trình phụ khép kín và san lấp ao trên đất của vợ chồng bà số tiền 300.000.000 đồng. Bà N xin được nhận nhà ở và có trách nhiệm thanh toán số tiền trên cho anh C3. Về công sức trông coi, bảo quản di sản của ông B3, bà N không yêu cầu các đồng thừa kế phải thanh toán. Chi phí tố tụng, bà N xin nộp và tự chịu các khoản tiền chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá tài sản, không yêu cầu các đồng thừa kế phải thanh toán.Về án phí bà N xin miễn phần án phí của bà N phải chịu và xin nộp toàn bộ án phí của những người con, cháu đã nhường lại kỷ phần thừa kế cho bà N được hưởng.

Bị đơn là các anh chị gồm: Đào Thị N1, Đào Thị L, Đào Thị Th, Đào Xuân Đ, Đào Thị X, Đào Sỹ Năm, Đào Sỹ M, Đào Thị Nh; các cháu Đào Hà Bảo Tr, Đào Hải N4, Đào Trung H3 đều có bản tự khai và người đại diện theo ủy quyền là anh M trình bày:

Các anh chị Đào Thị N1, Đào Thị L, Đào Thị Th, Đào Xuân Đ, Đào Thị X, Đào Sỹ Năm, Đào Sỹ M, Đào Thị Nh; các cháu Đào Hà Bảo Tr, Đào Hải N4, Đào Trung H3 đều xác định nội dung nguyên đơn bà N trình bày là đúng. Đề nghị Tòa án chia di sản thừa kế của ông Đào Sỹ B3 cho các đồng thừa kế, toàn bộ kỷ phần thừa kế được hưởng từ di sản của ông B3 các anh chị và các cháu gồm: N1, L, Th, X, Nh, Đ, N3, M, Tr, N4, H3 để lại cho bà N được hưởng. Đối với yêu cầu phản tố của anh C3 về chi phí làm nhà và san lấp ao trên đất của ông B3, bà N. Anh C3 đứng ra làm nhà và công trình phụ là do có sự thống nhất của anh em gia đình làm nhà để cho bà N ở, anh C3, anh M1 tự nhận trách nhiệm đứng lên làm, số tiền làm nhà và san lấp ao là của anh N3 ứng trước 300.000.000 đồng để anh C3 để chi phí (có tài liệu anh N3 chuyển số tiền trên cho anh C3 qua ngân hàng Đông A Bank). Anh C3 có gia đình, vợ con, có nhà ở tại Đắk Lắk. Bà N không có chỗ ở khác. Đề nghị Tòa án để cho bà N được tiếp tục quản lý, sử dụng nhà, công trình phụ, tường bao. Số tiền anh C3 chi phí làm nhà và san lấp ao anh em con cháu sẽ cùng với bà N có trách nhiệm thanh toán cho anh C3.

Bị đơn có yêu cầu phản tố là anh Đào Sỹ M1 và anh Đào Sỹ C3 có các bản tự khai, bản tự khai bổ sung của anh C3, M1 trình bày:

Về quan hệ huyết thống gia đình, diện hàng thừa kế đúng như nguyên đơn và các đồng bị đơn trình bày. Bố, mẹ của các anh là ông Đào Sỹ B3 và bà Hà Thị N. Năm 2004, ông Đào Sỹ B3 chết không để lại di chúc, phần di sản của ông B3 để lại do gia đình không thỏa thuận được nên đề nghị phân chia theo quy định của pháp luật. Hàng thừa kế thứ nhất gồm: Bà N và 10 người con, thừa kế thế vị là 03 người cháu (con anh Đào Sỹ S do anh S chết năm 2000). Về di sản của ông B3 để lại xác định gồm có ½ diện tích đất ở, đất vườn, đất ao (cụ thể phần di sản của ông B3 có diện tích đất ở 120m2, đất vườn 37,5m2, đất ao đã san lấp đo đạc thực tế 163,3m2) và 1/3 diện tích đất nông nghiệp (phần di sản của ông B3 về đất cấy lúa, mạ có diện tích là 336m2). Số tiền ông B3 được Nhà nước đền bù đất nông nghiệp là 15.247.666 đồng, Bà N đang quản lý, sử dụng. Bà N đề nghị chia di sản của ông B3 về đất ở, đất vườn, đất ao cho các đồng thừa kế. Anh M1, anh C3 đều nhất trí với yêu cầu của bà N.

Ngày 09/4/2019, anh Đào Sỹ M1 có đơn yêu cầu phản tố đề nghị Tòa án chia di sản của ông Đào Sỹ B3 về tích đất nông nghiệp 336m2 và số tiền đền bù do nhà nước thu hồi đất nông nghiệp là 15.173.000 đồng do bà N đang quản lý cho các đồng thừa kế.

Anh Đào Sỹ C3 có yêu cầu phản tố, ngôi nhà cấp 4, công trình phụ khép kín, tường bao trên đất của bố mẹ anh (ông B3, bà N) do anh xây dựng năm 2014 và san lấp ao với tổng số tiền chi phí 300.000.000 đồng. Anh C3 đề nghị sau khi phân chia di sản thừa kế của ông Đào Sỹ B3 cho các đồng thừa kế, anh xin được nhận bằng hiện vật toàn bộ nhà, đất ở và có trách nhiệm thanh toán bằng tiền mặt cho các đồng thừa kế khác. Nhà ở, anh C3 để cho bà N sử dụng đến khi bà N chết thì làm nhà thờ.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là chị Đào Thị Nh có bản tự khai, bản tự khai bổ sung, ý kiến tại phiên tòa:

Về quan hệ huyết thống gia đình, diện hàng thừa kế đúng như nguyên đơn trình bày. Đối với đất nông nghiệp cấy 2 lúa, mạ của ông Đào Sỹ B3 (bố chị Nh) cùng C3 diện tích đất nông nghiệp của mẹ chị là bà N và chị Đào Thị Th (em gái chị Nh). Sau khi Nhà nước Th hồi diện tích đất nông nghiệp của cả 03 người chỉ còn 1008m2; Ông B3 chết năm 2004, diện tích đất nông nghiệp của cả 3 người, bà N vẫn sử dụng. Đến năm 2014, do già yếu, chị Th vào sinh sống ở Đắk Lắk nên bà N để cho chị Nh sử dụng, hàng năm chị Nh đã nộp các khoản dịch vụ đầy đủ cho Nhà nước. Do anh Đào Sỹ M1 yêu cầu chia phần di sản thừa kế diện tích đất nông nghiệp của ông B3 trong khối tài sản C3 của bà N, ông B3 và chị Th, chị Nh đã trả lại toàn bộ diện tích đất cấy 2 lúa, mạ cho bà N để giải quyết chia cho các đồng thừa kế. Trên diện tích đất nông nghiệp trước đây có cấy lúa nhưng đã thu hoạch xong. Hiện Ny, bà N đã cấy lúa vụ mùa. Chị Nh không có ý kiến gì về việc quản lý, sử dụng diện tích ruộng cấy lúa, mạ của ông B3.

Tại văn bản ngày 15/3/2019 và ngày 24/5/2019 ông Hoàng Đình T1 cán bộ địa chính Xã N1, huyện H, tỉnh Ninh Bình trình bày:

Gia đình ông B3, bà N đã được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên ông Đào Sỹ B3; Đối với diện tích đất ở, đất vườn, đất ao là của ông B3, bà N tại tờ bản đồ số 11 thửa 97, diện tích 613m2 (trong đó đất thổ cư là 240m2, đất vườn là 75m2, đất ao là 298m2) Thộc thôn B, Xã N1 (qua đo đạc thực tế có tăng 28,6m2 diện tích đất ao đã san lấp). Nguồn gốc sử dụng đất là do Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất. Hàng năm, bà N đều thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với Nhà nước. Diện tích đất nông nghiệp (ruộng cấy lúa, đất mạ được chia theo khẩu (ông B3, bà N, chị Th) theo Quyết định 313 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình. Nhà nước đã 3 lần thu hồi và giải phóng mặt bằng các dự án đã bồi thường cho gia đình ông B3, bà N. Hiện nay, diện tích còn lại là 1008m2. Sau khi dồn điền đổi thửa diện tích đất cấy 2 lúa, mạ 1008 m2 này tại bản đồ số 27 thửa 31 bản đồ lập 1997 thuộc xứ ĐQ, Xã N11 trước đây bà N sử dụng, sản xuất, sau đó chị Đào Thị Nh sử dụng sản xuất. Bà N, chị Nh đều đã nộp đầy đủ các khoản dịch vụ.

Tại văn bản ngày 15/3/2019 ông Phạm Đình B4, Trưởng thôn B, Xã N11, huyện H, tỉnh Ninh Bình trình bày:

Diện tích đất đang tranh chấp có nguồn gốc là do ông B3 và bà N tạo dựng và được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất. Trước đây vợ chồng ông B3, bà N có nhà cấp 4 trên đất ở thôn B Xã N11, huyện H, tỉnh Ninh Bình. Năm 2014, các con bà N, ông B3 đã tháo dỡ làm lại ngôi nhà cấp 4, từ đó đến nay bà N là người thường xuyên sinh sống một mình tại ngôi nhà này. Các con của bà N đa số đều sinh sống làm ăn ở Đắk Lắk. Ở địa phương chỉ chị Nh nhưng cũng không sinh sống cùng với bà N. Ông B4 khẳng định chỉ có một mình bà N đang quản lý sử dụng tài sản nhà đất đang tranh chấp.

Tại bản án số: 04/2019/DS-ST Ngày 20/09/2019 của Toà án nhân dân huyện H, tỉnh Ninh Bình đã QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào các Điều 158, 609, 611, 612, 623, 649, 651, 652, 660 và Điều 357 Bộ Luật dân sự; Khoản 2 Điều 66 Luật hôn nhân và gia đình; khoản 2, khoản 5 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, Điều 147 Bộ Luật Tố tụng Dân sự và điểm đ khoản 1 Điều 12, Điều 26, Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

Xử:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Hà Thị N chia di sản thừa kế của ông Đào Sỹ B3 về diện tích đất ở, đất vườn, đất ao có tổng giá trị là: 1.361.600.000 đồng (Một tỷ ba trăm sáu mươi mốt triệu sáu trăm nghìn đồng) cho các đồng thừa kế. Bà Hà Thị N được hưởng toàn bộ di sản thừa kế của ông Đào Sỹ B3 bằng hiện vật bao gồm: diện tích ở 120m2, đất vườn 37,5m2, đất ao hiện Ny 163,3m2 tại tờ bản đồ số 11 thửa 97 Thộc thôn B, Xã N1, huyện H, tỉnh Ninh Bình và diện tích đất 2 lúa, mạ ở tờ bản đồ số 27 thửa số 31 Thộc xứ ĐQ, Xã N1, huyện H, tỉnh Ninh Bình.

2. Chấp nhận yêu cầu phản tố của anh Đào Sỹ M1 chia di sản thừa kế của ông Đào Sỹ B3 về diện tích 336m2 đất ruộng cấy lúa, mạ và số tiền ông B3 được Nhà nước đền bù đất nông nghiệp có tổng giá trị là: 32.047.000 đồng (ba mươi hai triệu không trăm bốn mươi bảy nghìn đồng) cho các đồng thừa kế. Buộc bà Hà Thị N có trách nhiệm thanh toán bằng tiền mặt kỷ phần anh Đào Sỹ M1 được hưởng di sản thừa kế của ông B3 số tiền là: 111.553.667 đồng (Một trăm mười một triệu, năm trăm năm mươi ba nghìn, sáu trăm sáu mươi bảy đồng).

3. Chấp nhận yêu cầu phản tố của anh Đào Sỹ C3 về số tiền chi phí xây dựng căn nhà cấp 4, công trình phụ và san lấp ao trên đất của B3, bà N. Buộc bà N có trách nhiệm thanh toán bằng tiền mặt anh C3 toàn bộ chi phí xây dựng nhà cấp 4, công trình phụ, tường bao, san lấp ao và số tiền anh C3 được hưởng từ di sản của ông B3, tổng số tiền là: 411.553.667 đồng (Bốn trăm mười một triệu, năm trăm năm mươi ba nghìn, sáu trăm sáu mươi bảy đồng). Bà N được quyền quản lý, sử dụng toàn bộ nhà ở cấp 4, công trình phụ, tường bao trên đất.

Ngoài ra bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí, nghĩa vụ thi hành án và quyền kháng cáo cho các đương sự.

Ngày 04/10/2019, anh Đào Sỹ M1, anh Đào Sỹ C3 kháng cáo toàn bộ bản án sơ thấm số 04 ngày 20/9/2019 của Tòa án nhân dân huyện H đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm: (1) Đánh giá lại giá trị các tài sản trong vụ án; (2) xem xét tính hợp lý và hợp pháp của bản án; (3) hủy toàn bộ bản án sơ thẩm số 04/2019/DS-ST ngày 20/9/2019 của Tòa án nhân dân huyện H để xét xử theo thủ tục sơ thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm: Nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện. Người kháng cáo vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo. Các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Bình phân tích các tình tiết của vụ án và đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm áp dụng khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng Dân sự: Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn anh Đào Sỹ M1 và anh Đào Sỹ C3 giữ nguyên bản án sơ thẩm. Những người kháng cáo anh Đào Sỹ M1 và anh Đào Sỹ C3 phải chịu án phí phúc thẩm dân sự. Tuy nhiên anh Đào Sỹ M1 là người cao tuổi và đã có đơn xin miễn án phí nên miễn án phí dân sự phúc thẩm cho anh M1.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về thủ tục tố tụng: Đơn kháng cáo của anh Đào Sỹ M1 và anh Đào Sỹ C3 làm và nộp trong thời hạn luật định nên nội dung kháng cáo được xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật.

Người kháng cáo anh Đào Sỹ M1, anh Đào Sỹ M là người đại diện cho những người có quyền lợi và nghĩa vụ L quan (chị N1, chị L, chị Th, anh Đ, chị X, anh Năm, cháu N4, cháu H3) đã có đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt. Bị đơn là cháu Đào Hà Bảo Tr đã được Tòa án cấp phúc thẩm triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt tại phiên tòa. Do đó, căn cứ vào khoản 3 Điều 296 Bộ luật Tố tụng Dân sự, Tòa án xét xử vắng mặt những người này theo quy định của pháp luật.

[2] Về nội dung kháng cáo của anh Đào Sỹ M1 và anh Đào Sỹ C3. Hội đồng xét xử phúc thẩm XÉT THẤY

[2.1] Về mối quan hệ gia đình, huyết thống:

Các đương sự đều xác nhận ông Đào Sỹ B3 và bà Hà Thị N là vợ chồng. Trong thời kỳ hôn nhân ông B3 và bà N sinh sống tại thôn B, Xã N1, huyện H, tỉnh Ninh Bình và có 11 người con C3 (trong đó 10 người còn sống, 01 người đã chết) cụ thể: Những người con còn sống gồm: các anh, chị Đào Sỹ M1, Đào Xuân Đ, Đào Thị N1, Đào Sỹ N3, Đào Thị X, Đào Thị Nh, Đào Sỹ C3, Đào Thị L, Đào Thị Th, Đào Sỹ M; Người con đã chết là anh Đào Sỹ S (chết năm 2000). Anh S có 03 người con đẻ là: cháu Đào Hà Bảo Tr; Đào Hải N4 và Đào Trung H3.

[2.2] Về thời điểm mở thừa kế:

Tại Giấy chứng tử số 10, quyển số 01/2014 ngày 10/4/2014 của Ủy ban nhân dân xã N1, huyện H, tỉnh Ninh Bình. Ông Đào Sỹ B3 chết ngày 17/10/2004. Như vậy, thời điểm mở thừa kế đối với ông B3 là ngày 17/10/2004.

[2.3] Về xác định những người thừa kế:

Theo quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự xác định hàng thừa kế thứ nhất của ông Đào Sỹ B3 gồm: Vợ (bà N) và 11 người con là Đào Sỹ M1, Đào Xuân Đ, Đào Thị N1, Đào Sỹ N3, Đào Thị X, Đào Thị Nh, Đào Sỹ C3, Đào Thị L, Đào Thị Th, Đào Sỹ M và anh Đào Sỹ S.

Tại Giấy chứng tử số 21, quyển số 01/2000 ngày 29/8/2000 của Ủy ban nhân dân T, thành phố B1, tỉnh Đắk Lắk, anh Đào Sỹ S chết ngày 25/8/2000. Anh S chết trước khi ông B3 chết nên theo quy định tại Điều 652 Bộ luật Dân sự các con của anh S gồm: cháu Đào Hà Bảo Tr, Đào Hải N4, Đào Trung H3 là người thừa kế thế vị được hưởng kỷ phần thừa kế của anh S.

[2.4] Về xác định khối tài sản chung của ông Đào Sỹ B3 và bà Hà Thị N:

Các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ thể hiện, khối tài sản chung của ông Đào Sỹ B3 và bà Hà Thị N vào thời điểm ông B3 chết gồm: Quyền sử dụng đất theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số K858188 mang tên Đào Sỹ B3 tại xã N1, huyện H, tỉnh Ninh Bình cấp ngày 02 tháng 7 năm 1998. Nội dung thể hiện tại tờ bản đồ số 11, thửa 97, diện tích 613m2 (trong đó có 240m2 đất ở, 75m2 đất vườn, 198m2 đất ao); tờ bản đồ số 1, thửa số 15, diện tích đất 2 lúa, mạ (248m2 +216m2+744m2); tờ bản đồ số 25, thửa 8, diện tích đất 2 lúa 840 m2. Trên diện tích đất ở có ngôi nhà cấp 4 xây dựng từ năm 1953.

Hiện tại thực tế diện tích đất ở, đất vườn không thay đổi, đất ao đã được san lấp thành mặt bằng (không còn ao) và diện tích đất ao tăng lên 28,6m2 so với diện tích trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đối với đất 2 lúa, mạ do Nhà nước nhiều lần thu hồi giải phóng mặt bằng một số diện tích và sau khi dồn điền đổi thửa diện tích đất 2 lúa, mạ còn là 1.008 m2 thuộc thửa 31, tờ bản đồ số 27, xứ Cánh ĐQ, xã N1, huyện H, tỉnh Ninh Bình. Tài sản trên đất, năm 2014, bà N và các con bàn bạc đã thống nhất tháo dỡ ngôi nhà cũ làm lại mới toàn bộ nhà cấp 4 và các công trình phụ trợ để cho bà N ở.

Các đương sự đều thừa nhận diện tích đất nông nghiệp được Nhà nước giao cho ông B3, bà N và chị Th. Sau khi dồn điền đổi thửa diện tích đất nông nghiệp còn là 1.008 m2. Số tiền được đền bù do Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp bà N đã nhận là 45.743.000 đồng. Giá trị ngôi nhà cấp 4, công trình phụ khép kín, tường bao trên đất do anh C3 xây dựng năm 2014 và san lấp ao với tổng số tiền chi phí là 300.000.000 đồng.

[2.5] Về xác định di sản của ông Đào Sỹ B3:

Di sản của ông B3 có trong khối tài sản chung của vợ chồng giữa ông Đào Sỹ B3 và bà Hà Thị N theo quy định tại khoản 2 Điều 66 Luật Hôn nhân và gia đình gồm: có ½ diện tích đất ở, đất vườn, đất ao (cụ thể di sản của ông B3 để lại: diện tích đất ở 120m2, đất vườn 37,5m2, đất ao 163,3m2); 1/3 diện tích đất nông nghiệp trong khối tài sản chung của gia đình gồm ông B3, Bà N, chị Th (di sản của ông B3 để lại: diện tích đất cấy lúa, mạ là 336m2); Số tiền ông B3 được đền bù do Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp là 15.247.666 đồng. Các bên đương sự đều thống nhất lấy giá của Hội đồng định giá tài sản. Cụ thể: diện tích đất ở 120 m2 có giá trị 8.000.000 đồng/m2, tổng trị giá là 960.000.000 đồng; đất vườn diện tích 37,5 m2 và đất ao diện tích 163,3m2 đều có giá trị 2.000.000 đồng/m2. Tổng trị giá đất vườn, đất ao đã san lấp là 401.600.000 đồng; đất ruộng cấy lúa, mạ diện tích 336 m2 có giá trị 50.000 đồng/m2, tổng trị giá là 16.800.000 đồng; số tiền của ông B3 được đền bù đất nông nghiệp là 15.247.666 đồng. Như vậy, di sản thừa kế của ông B3 để lại có tổng giá trị là 1.393.647.600 đồng. Ông B3 chết không để lại di chúc, những người thừa kế không có thỏa thuận phân chia di sản nên di sản của ông B3 được chia theo pháp luật cho hàng thừa kể thứ nhất là 12 kỷ phần. Mỗi kỷ phần được hưởng là 116.137.000 đồng. Đối trừ tiền san lấp ao 110.000.000 đồng do anh C3 chi phí làm tăng giá trị đất ao, bà N chịu ½ còn lại các đồng thừa kế di sản của ông B3 chịu ½ ; mỗi kỷ phần phải chịu số tiền san lấp ao là = 4.583.333 đồng, do đó mỗi kỷ phần sau khi đối trừ tiền san lấp ao còn lại là: 111.553.667 đồng.

[2.6] Di sản của ông B3 được chia 12 kỷ phần thừa kế theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, những người hàng thừa kế của ông B3 gồm các anh, chị Đào Thị N1, Đào Sỹ N3, Đào Sỹ Đ, Đào Thị X, Đào Thị Nh, Đào Thị L, Đào Thị Th, Đào Sỹ M và các cháu thừa kế thế vị của anh Đào Sỹ S là Đào Hà Bảo Tr, Đào Hải N4, Đào Trung H3 đều nhường lại kỷ phần thừa kế của mình cho bà N được hưởng. Vì vậy, bà N được hưởng 10 kỷ phần thừa kế. Mặt khác, bà N là đang người quản lý, sử dụng toàn bộ đất ở, đất vườn, đất ao từ khi ông B3 chết và nộp thuế cho Nhà nước. Chính quyền địa phương xác nhận từ khi các con bà N tháo dỡ nhà cũ của vợ chồng bà N, làm nhà mới cho đến nay chỉ có mình bà N ở, quản lý và sử dụng, các con ông B3, bà N có gia đình, cư trú, làm việc ở Đắk Lắk. Do đó, bản án sơ thẩm giao cho bà N được hưởng toàn bộ di sản của ông B3 bằng hiện vật là có cơ sở đảm bảo giá trị sử dụng của di sản.

[2.7] Về giá trị của các tài sản tranh chấp: Tại biên bản hòa giải ngày 24/6/2019 các đương sự đã thống nhất và chấp nhận giá trị các tài sản tranh chấp theo giá của Hội đồng định giá. Bản án sơ thẩm đã căn cứ vào sự thống nhất của các đương sự để xác định giá trị của các tài sản tranh chấp để giải quyết vụ án là đúng quy định của pháp luật

[2.8] Từ những nhận định trên khẳng định bản án sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà N chia thừa kế di sản của ông B3. Giao cho bà N được quyền sử dụng toàn bộ đất ở, đất vườn, đất ao (đã san lấp), đất nông nghiệp và sở hữu các công trình trên đất. Bà N có trách nhiệm thanh toán giá trị kỷ phần thừa kế di sản của ông B3 cho các anh Đào Sỹ M1 và anh Đào Sỹ C3 theo kỷ phần mỗi người được hưởng. Đồng thời buộc bà N có trách nhiệm thanh toán cho anh C3 toàn bộ chi phí xây dựng nhà cấp 4, công trình phụ, tường bao, san lấp ao theo giá trị mà các đương sự đã thống nhất là có căn cứ, đúng pháp luật và đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự. Do đó các yêu cầu kháng cáo của anh M1, anh C3 không có cơ sở để chấp nhận.

[3] Về án phí phúc thẩm:

Do yêu cầu kháng cáo không được chấp nhận nên người kháng cáo phải chịu án phí phúc thẩm. Ông M1 là người cao tuổi nên được miễn. Anh C3 phải chịu án phí phúc thẩm 300.000 đồng được trừ vào số tiền tạm án phí phúc thẩm đã nộp theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên:

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 308, Điều 148 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015; Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án:

Tuyên xử:

1. Giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 04/2019/DS-ST ngày 20 tháng 9 năm 2019 của Tòa án nhân dân huyện H, tỉnh Ninh Bình.

2. Những phần khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo kháng nghị.

3. Về án phí dân sự phúc thẩm:

Anh Đào Sỹ C3 phải chịu án phí phúc thẩm dân sự là 300.000 đồng (ba trăm nghìn đồng) được trừ vào số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp là 300.000 đồng (ba trăm nghìn đồng) theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí số AA/2010/01037 ngày 04/10/2019 của Chi cục Thi hành án Dân sự huyện H. Anh C3 đã nộp đủ án phí dân sự phúc thẩm.

Miễn án phí dân sự phúc thẩm cho anh Đào Sỹ M1.

4. Về hướng dẫn thi hành án dân sự: Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án Dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa Thận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6,7, 7a, 7b và 9 Luật Thi hành án Dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo Điều 30 Luật Thi hành án Dân sự.

5. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án là ngày 09 tháng 09 năm 2020.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

265
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 16/2020/DS-PT ngày 09/09/2020 về tranh chấp thừa kế tài sản

Số hiệu:16/2020/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Ninh Bình
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 09/09/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký



  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;