Bản án 16/2019/HS-PT ngày 19/07/2019 về tội cố ý gây thương tích

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN

BẢN ÁN 16/2019/HS-PT NGÀY 19/07/2019 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Ngày 19 tháng 7 năm 2019 tại Phòng xét xử số 2, Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số: 15/2019/TLPT-HS ngày 27 tháng 5 năm 2019 đối với bị cáo Sùng A K do có kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Điện Biên đối với Bản án hình sự sơ thẩm số: 17/2019/HS-ST ngày 18 tháng 4 năm 2019 của Tòa án nhân dân huyện N, tỉnh Điện Biên.

- Bị cáo bị kháng nghị:

Bị cáo Sùng A K (tên gọi khác: Không), sinh năm 1990, tại huyện N1, tỉnh Lai Châu. Nơi cư trú: Bản V, xã S, huyện N, tỉnh Điện Biên; nghề nghiệp: Làm nương; trình độ văn hóa: 5/12; dân tộc: Mông; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam, con ông Sùng A C, sinh năm 1965 và bà: Lờ Thị X, sinh năm 1968; có vợ Cháng Thị L, sinh năm 1992, có 03 người con, con lớn nhất sinh năm 2010, con nhỏ nhất sinh năm 2015, tiền án, tiền sự: Không, nhân thân: Chưa bị kết án và chưa bị xử phạt vi phạm hành chính. Bị cáo bị bắt tạm giam ngày 08/9/2018 đến ngày 27/9/2018 có Quyết định bảo lĩnh cho đến nay. Thời gian bị cáo tạm giam 20 ngày, bị cáo tại ngoại (Có mặt tại phiên tòa).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Theo kế hoạch của Ủy ban nhân dân xã S, huyện N, tỉnh Điện Biên thì ngày 25/07/2018, hai gia đình Cứ A K1 và gia đình Sùng A P2 đến khu vực giáp ranh giữa bản V và bản L1 để giải quyết tranh chấp về đất đai. Trước đó, khoảng 15 giờ 00 phút ngày 23/07/2018, Sùng A P2 cùng hai anh trai là Sùng A C1, Sùng A C2 cùng trú tại bản V, xã S mỗi người mang một con dao quắm (là loại dao có mũi cong, phần cán dao được tra một đoạn gỗ hoặc tre kéo dài dùng để phát cây cỏ tầng thấp). Vàng A T trú tại bản N2, xã S mang một chiếc thuổng, Vừ A S1 trú tại bản P3, xã S cùng đi lên khu vực chăn thả gia súc giáp ranh giữa bản V và bản L1 để chăn thả trâu và rào lại khu vực đất của gia đình Sùng A P2, Sùng A C1. Nhóm người này dựng một chiếc lán ở trên đồi gần khu vực tranh chấp đất, ăn ngủ tại lán để xem trâu và chờ Ủy ban nhân dân xã S đến giải quyết.

Khoảng 08 giờ 30 phút ngày 25/07/2018, gia đình Cứ A K1 gồm năm người Cứ A K1, Cứ A C3, Cứ A S2 mỗi người mang một con dao quắm, Cứ A K2 đeo một con dao nhọn, Cháng Thị M đeo một bình phun thuốc trừ cỏ đến khu vực chăn thả gia súc giáp ranh giữa bản V và bản L1 để phun thuốc trừ cỏ và làm nương. Khoảng 09 giờ 00 cùng ngày, khi đến khu vực chăn thả gia súc, Cháng Thị M phun thuốc trừ cỏ xung quanh khu vực tranh chấp, tại thời điểm đó đàn trâu của gia đình Sùng A P2 đang ăn cỏ ở quanh khu vực chị M phun thuốc.

Gia đình Sùng A P2 nói với chị M không được phun thuốc trừ cỏ vì đàn trâu đang ăn cỏ gần đó đồng thời nói phải chờ tổ công tác của xã đến giải quyết nhưng chị M không nghe và tiếp tục phun thuốc xung quanh khu vực chăn thả gia súc. Giữa hai bên xảy ra tranh cãi nhau. Lúc đó Vàng A T cầm thuổng, Vừ A S1 cầm gậy xuống chỗ chị M đang phun thuốc trừ cỏ. T và S1 nói M không được phun nhưng M vẫn tiếp tục phun nên S1 dùng hai tay cầm chiếc gậy đánh vào vòi phun thuốc của M khiến vòi phun bị gãy. Chị M liền phun thuốc lên người T và S1. T liền dùng chiếc thuổng mang theo đánh vào cánh tay đang cầm vòi phun của M nhưng không trúng. Thấy chị M bị đánh, Cứ A K1, Cứ A S2 mỗi người cầm một con dao quắm chạy lại chỗ T đang đứng. Hai bên đánh nhau. Bị cáo K1 gây thương tích cho Vàng A T bị rách một đường ở vùng thái dương đỉnh phải. Vừ A S1 dùng gậy đánh Cứ A K1, đầu gậy của S1 trúng vào đỉnh đầu của K1 khiến đỉnh đầu bên phải bị trầy xước.

Sùng A K cầm một chiếc gậy đánh nhau với Cứ A S2, Cứ A S2 cầm dao quắm lao vào chém Sùng A K còn K dùng gậy đánh nhau với S2. Chiếc gậy của K đánh trúng vào con dao của S2 làm một đoạn gậy bị gãy văng ra trúng vào vùng trán phải của S2.

Sùng A P2, Sùng A C1 mỗi người cầm một con dao quắm, Sùng A G, Sùng A D mỗi người cầm một chiếc gậy gỗ cùng Sùng Giống C2, Vừ A S1 lao vào đánh, chém nhau với Cứ A K1. K1 khua dao liên tục trúng vào gậy của Sùng Giống C2 và D làm gậy của Sùng Giống C2 rơi xuống đất còn gậy của D bị gãy đôi, lúc đó Sùng Giống C và Dế bỏ chạy lên lán. Bị cáo K1 dùng hai tay cầm dao quắm vung liên tục vào Sùng A P2, Sùng A C1, Sùng A G. Một phát dao trúng vào đầu của Sùng A G làm cho G bỏ chạy. Sùng A P2 dùng hai tay cầm chiếc dao quắm chém Cứ A K1 vào vùng cổ sau tai trái của Cứ A K1. Bị cáo K1 liền dùng dao quắm chém trúng bàn tay phải của Sùng A P2 khiến ngón cái của bàn tay phải P2 bị đứt. Sùng A P2 thả con dao quắm xuống dưới đất rồi chạy lên phía trên đồi. Sùng A C1 dùng dao quắm chém vào cẳng tay phải của Cứ A K1 làm K1 ngã xuống khe giữa hai đồi cạnh chỗ đánh nhau. Sau đó hai bên hô dừng lại và đưa người bị thương đi cấp cứu.

Bản Kết luận giám định pháp y về thương tích số 124, 125, 126, 128, 129/TgT ngày 15/8/2018 của Trung tâm Pháp y Sở Y tế tỉnh Điện Biên từ Bút lục số 168 đến 177 thì tỷ lệ thương tật do thương tích gây nên cho Sùng A P2 là 34%, Sùng A G là 09%, Vàng A là 02%, Cứ A S2 là 02%, tổng tỷ lệ thương tích của Cứ A K1 là 22%.

Bản Kết luận giám định pháp y về vật gây thương tích số 160/GĐ-PY ngày 20/9/2018 của Trung tâm Pháp y Sở Y tế tỉnh Điện Biên, Bút lục số 328 kết luận chiếc gậy gỗ có thể gây nên dấu vết thương tích ở vùng đỉnh đầu cho Cứ A K1 và phù hợp với đặc điểm hình thành dấu vết thương tích do tác động ngoại lực của vật tày có cạnh gây nên như mô tả trong hồ sơ bệnh án và trong bản Kết luận giám định pháp y về thương tích số 128/TgT ngày 15/8/2018 của Trung tâm Pháp y Sở Y tế tỉnh Điện Biên.

Bản Kết luận giám định pháp y về vật gây thương tích số 161/GĐ-PY ngày 20/9/2018 của Trung tâm Pháp y Sở Y tế tỉnh Điện Biên, Bút lục số 330 kết luận con dao có thể gây nên dấu vết thương tích ở vùng chẩm trái của Cứ A K1 và phù hợp với đặc điểm hình thành dấu vết thương tích do tác động ngoại lực của vật sắc gây nên như mô tả trong hồ sơ bệnh án, biên bản xem xét dấu vết thân thể và trong bản Kết luận giám định pháp y về thương tích số 128/TgT ngày 15/8/2018 của Trung tâm Pháp y Sở Y tế tỉnh Điện Biên.

Bản Kết luận giám định pháp y về vật gây thương tích số 163/GĐ-PY ngày 20/9/2018 của Trung tâm Pháp y Sở Y tế tỉnh Điện Biên, Bút lục số 330 kết luận không xác định được cơ chế hình thành vết thương tích trên thân thể Cứ A S2.

Bản Kết luận giám định pháp y về vật gây thương tích số 162/GĐ-PY ngày 20/9/2018 của Trung tâm Pháp y Sở Y tế tỉnh Điện Biên, Bút lục số 331 kết luận con dao có thể gây nên dấu vết thương tích ở cẳng tay phải của Cứ A K1 và phù hợp với đặc điểm hình thành dấu vết thương tích do tác động ngoại lực của vật sắc gây nên như mô tả trong hồ sơ bệnh án, biên bản xem xét dấu vết thân thể và trong bản Kết luận giám định pháp y về thương tích số 128/TgT ngày 15/8/2018 của Trung tâm Pháp y Sở Y tế tỉnh Điện Biên.

Bản Kết luận giám định pháp y về vật gây thương tích số 164/GĐ-PY ngày 20/9/2018 của Trung tâm Pháp y Sở Y tế tỉnh Điện Biên, Bút lục số 332 kết luận con dao có thể gây nên dấu vết thương tích ở bàn tay phải của Sùng A P2, ở vùng thái dương phải của Sùng A G, ở vùng thái dương đỉnh phải của Vàng A T. Phù hợp với đặc điểm hình thành dấu vết thương tích do tác động ngoại lực của vật sắc gây nên như mô tả trong hồ sơ bệnh án, biên bản xem xét dấu vết thân thể và trong bản Kết luận giám định pháp y về thương tích số 124, 125, 126/TgT ngày 15/8/2018 của Trung tâm Pháp y Sở Y tế tỉnh Điện Biên.

Tại Bản án số: 17/2019/HSST ngày 18/4/2019 của Tòa án nhân dân huyện N, tỉnh Điện Biên đã quyết định như sau:

1. Tuyên bố: Các bị cáo Cứ A K1, Sùng A C1, Vừ A S1, Sùng A P2, Sùng A K đều phạm tội “Cố ý gây thương tích”.

- Căn cứ vào điểm c Khoản 3 Điều 134; Điểm b, s Khoản 1, Khoản 2 Điều 51; Khoản 1 Điều 54 của Bộ luật Hình sự.

Xử phạt bị cáo Cứ A K1 03 (Ba) năm 06 (Sáu) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bắt tạm giam, ngày 07/9/2018.

- Căn cứ vào điểm đ Khoản 2 Điều 134; Điểm b, s Khoản 1, Khoản 2 Điều 51; Khoản 1,2,5 Điều 65 của Bộ luật Hình sự.

Xử phạt bị cáo Sùng A C1 36 (Ba mươi sáu) tháng tù cho hưởng án treo. Thời gian thử thách là 05 (năm) năm. Thời hạn thử thách tính từ ngày tuyên án, ngày 18/4/2019.

- Căn cứ vào điểm a Khoản 1 Điều 134; Điểm b, i, s Khoản 1, Khoản 2 Điều 51; Khoản 1,2,5 Điều 65 của Bộ luật hình sự.

+ Xử phạt bị cáo Sùng A P2 24 (Hai mươi tư) tháng tù cho hưởng án treo. Thời gian thử thách 48 (Bốn mươi tám) tháng. Thời hạn thử thách tính từ ngày tuyên án, ngày 18/4/2019.

+ Xử phạt bị cáo Vừ A S1 24 (Hai mươi tư) tháng tù cho hưởng án treo Thời gian thử thách 48 (Bốn mươi tám) tháng. Thời hạn thử thách tính từ ngày tuyên án, ngày 18/4/2019.

Giao các bị cáo Sùng A C1, Sùng A P2, Vừ A S1 cho Ủy ban nhân dân xã S, huyện N, tỉnh Điện Biên giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách. Gia đình các bị cáo có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân xã S, huyện N, tỉnh Điện Biên trong việc giám sát, giáo dục các bị cáo. Trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án hình sự.

Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.

- Căn cứ vào điểm a Khoản 1 Điều 134; Điểm b, i, s Khoản 1, Khoản 2 Điều 51; Điều 36 của Bộ luật Hình sự.

Xử phạt bị cáo Sùng A K 15 tháng cải tạo không giam giữ. Bị cáo được khấu trừ 06 tháng, còn phải thi hành là 09 tháng 00 ngày. Thời hạn cải tạo không giam giữ tính từ ngày Ủy ban nhân dân xã S, huyện N, tỉnh Điện Biên nhận được Quyết định thi hành án và bản sao bản án. Giao bị cáo Sùnh A K cho Ủy ban nhân dân xã S, huyện N, tỉnh Điện Biên giám sát và giáo dục trong thời gian thi hành án; Gia đình bị cáo có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục bị cáo. Miễn khấu trừ một phần thu nhập đối với bị cáo.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên phần trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo của bị cáo, bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Sau khi xét xử sơ thẩm, các bị cáo, bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có kháng cáo.

Tại Quyết định Kháng nghị phúc thẩm số 01/QĐVKS-P7 ngày 09/5/2019, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Điện Biên kháng nghị một phần (phần áp dụng hình phạt đối với bị cáo Sùng A K) của bản án Hình sự sơ thẩm số 17/2019/HSST ngày 18/4/2019 của Tòa án nhân dân huyện N, tỉnh Điện Biên. Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên xét xử phúc thẩm vụ án nêu trên theo hướng: Căn cứ điểm a Khoản 1 Điều 134, điểm b, i, s Khoản 1, 2 Điều 51, Điều 36 BLHS. Xử phạt bị cáo Sùng A K 15 tháng cải tạo không giam giữ. Bị cáo Sùng A K được khấu trừ 60 ngày, còn phải thi hành là 13 tháng 00 ngày.

Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Điện Biên giữ nguyên Quyết định kháng nghị phúc thẩm và đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm: Căn cứ điểm b Khoản 1 Điều 355 và Khoản 2 Điều 357 BLTTHS; điểm a Khoản 1 Điều 134, điểm b, i, s Khoản 1, 2 Điều 51, Điều 36 Bộ luật Hình sự. Sửa một phần Bản án sơ thẩm theo hướng tuyên bố bị cáo Sùng A K, phạm tội “Cố ý gây thương tích”. Xử phạt bị cáo Sùng A K 15 tháng cải tạo không giam giữ. Bị cáo Sùng A K được khấu trừ 60 ngày, còn phải thi hành là 13 tháng 00 ngày. Bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Tại phiên tòa, bị cáo Sùng A K không có ý kiến tranh luận gì về Quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Điện Biên. Nhất trí với đề nghị của kiểm sát viên tham gia phiên tòa về mức hình phạt và ngày tạm giữ, tạm giam được khấu trừ.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Xét về hành vi phạm tội của bị cáo Sùng A K và các bị cáo khác trong vụ án, Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy rằng: Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Sùng A K khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình như đã nêu trên. Lời khai nhận tội của bị cáo K phù hợp với toàn bộ các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án nên Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử bị cáo Sùng A K về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự là đúng người, đúng tội.

[2] Về hình thức: Xét kháng nghị phúc thẩm số 01/QĐVKS-P7 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Điện Biên theo Điều 336, Điều 337 Bộ luật Tố tụng hình sự. Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên đã thụ lý gải quyết là đúng theo quy định của pháp luật.

[3] Xét nội dung kháng nghị một phần (phần hình phạt đối với bị cáo Sùng A K) của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Điện Biên:

Xét thấy, tại hồ sơ vụ án thể hiện bị cáo Sùng A K bị tạm giam 20 ngày (Từ ngày 08/9/2018 đến ngày 27/9/2018). Theo quy định tại Khoản 1 Điều 36 Bộ luật Hình sự:“…Cứ một ngày tạm giữ, tạm giam bằng 03 ngày cải tạo không giam giữ”. Như vậy, bị cáo Sùng A K được khấu trừ thời gian cải tạo không giam giữ là 20 x 03 = 60 ngày. Do đó, Quyết định của Bản án Hình sự sơ thẩm số 17/2019/HSST ngày 18/4/2019 của Tòa án nhân dân huyện N xử phạt bị cáo Sùng A K 15 tháng cải tạo không giam giữ, bị cáo được khấu trừ 06 tháng, còn phải thi hành là 09 tháng 00 ngày là chưa chính xác.

Từ những phân tích nêu trên cho thấy, Quyết định Kháng nghị phúc thẩm số 01/QĐVKS-P7 ngày 09/5/2019 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Điện Biên là có căn cứ chấp nhận, cần sửa án sơ thẩm.

Căn cứ theo quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 355 và Khoản 2 Điều 357 của Bộ luật Tố tụng hình sự. Sửa một phần (phần hình phạt đối với bị cáo Sùng A K) tại Bản án Hình sự sơ thẩm số 17/2019/HSST ngày 18/4/2019 của Tòa án nhân dân huyện N, tỉnh Điện Biên như quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Điện Biên đã nêu tại phiên tòa.

[4] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an huyện N, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân nhân huyện N, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký Tòa án nhân dân huyện N trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử đã thực hiện theo đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Quá trình điều tra truy tố và tại phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm bị cáo không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[5] Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

[6] Về án phí: Áp dụng Khoản 2 Điều 135, Điều 136 của Bộ luật Tố tụng hình sự; điểm d Khoản 1 Điều 11 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ quốc hội khóa 14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án:

Do Tòa án cấp phúc thẩm sửa án sơ thẩm nên bị cáo Sùng A K không phải chịu án phí Hình sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm b Khoản 1 Điều 355, Khoản 2 Điều 357 của Bộ luật Tố tụng hình sự;

1. Chấp nhận Quyết định kháng nghị một phần (phần áp dụng hình phạt đối với bị cáo Sùng A K) của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Điện Biên, sửa Bản án Hình sự sơ thẩm số 17/2019/HSST, ngày 18/4/2019 của Tòa án nhân dân huyện N, tỉnh Điện Biên.

2. Căn cứ vào điểm a Khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự.

Tuyên bố bị cáo Sùng A K phạm tội “Cố ý gây thương tích”.

- Áp dụng điểm a Khoản 1 Điều 134, điểm b, i, s Khoản 1, Khoản 2 Điều 51; Điều 36 Bộ luật Hình sự.

Xử phạt bị cáo Sùng A K 15 tháng cải tạo không giam giữ. Bị cáo được khấu trừ 60 ngày, còn phải thi hành là 13 tháng 00 ngày. Thời gian chấp hành án kể từ ngày Ủy ban nhân dân xã S, huyện N, tỉnh Điện Biên là nơi bị cáo Sùng A K cư trú và là cơ quan được giao giám sát, giáo dục bị cáo nhận được quyết định thi hành án và bản sao bản án. Miễn khấu trừ một phần thu nhập đối với bị cáo.

Giao bị cáo Sùng A K cho Ủy ban nhân dân xã S, huyện N, tỉnh Điện Biên để giám sát, giáo dục. Gia đình bị cáo có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân xã S, huyện N, tỉnh Điện Biên trong việc giám sát giáo dục bị cáo. Bị cáo Sùng A K phải thực hiện những nghĩa vụ quy định tại Luật Thi hành án hình sự.

3. Về án phí Hình sự phúc thẩm: Áp dụng Điều 135, Điều 136 của Bộ luật Tố tụng hình sự, điểm d Khoản 1 Điều 11 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 về án phí, lệ phí Tòa án ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Bị cáo Sùng A K không phải chịu án phí Hình sự phúc thẩm.

4. Các quyết định khác của Bản án Hình sự sơ thẩm số: 17/2019/HSST ngày 18/4/2019 của Tòa án nhân dân huyện N, tỉnh Điện Biên không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật thi hành kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án Hình sự phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án (Ngày 19/7/2019).

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

426
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 16/2019/HS-PT ngày 19/07/2019 về tội cố ý gây thương tích

Số hiệu:16/2019/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Điện Biên
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 19/07/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;