Bản án 16/2019/DS-PT ngày 10/05/2019 về tranh chấp kiện đòi tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

BẢN ÁN 16/2019/DS-PT NGÀY 10/05/2019 VỀ TRANH CHẤP KIỆN ĐÒI TÀI SẢN

Ngày 10 tháng 5 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 16/2019/TLPT-DS ngày 14 tháng 01 năm 2019 về tranh chấp về kiện đòi tài sản (tiền).

Do Bản án Dân sự sơ thẩm số 13/2018/DS-ST ngày 28 tháng 11 năm 2018 của Toà án nhân dân quận A, thành phố Hải Phòng bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 1453/2019/QĐ-PT ngày 01 tháng 4 năm 2019 và Quyết định hoãn phiên tòa số 1712/2019/QĐ-PT ngày 07 tháng 5 năm 2019 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Anh Phạm Văn B, sinh năm 1974; nơi cư trú: Số nhà 662+664 đường C, phường D, quận A, thành phố Hải Phòng; có mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Ông Nguyễn Đức E - Luật sư Công ty Luật G thuộc Đoàn luật sư thành phố Hải Phòng; có mặt.

- Bị đơn: Bà Dương Thị Thanh H, sinh năm 1962; ông Nguyễn Tất I, sinh năm 1961; cùng nơi cư trú: Tổ K, phường L, quận A, thành phố Hải Phòng; đều có mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Ông Đỗ Văn M - Luật sư Công ty Luật N thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội; có mặt.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Chị Đỗ Thị Hải O, sinh năm 1979; nơi cư trú: Số nhà 662+664 đường C, phường D, quận A, thành phố Hải Phòng; có mặt.

- Người kháng cáo: Bà Dương Thị Thanh H và ông Nguyễn Tất I là bị đơn.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện ngày 21-7-2017 và quá trình giải quyết vụ án tại tòa án cấp sơ thẩm, nguyên đơn anh Phạm Văn B trình bày:

Do quen biết bà Dương Thị Thanh H nên vợ chồng anh B, chị O đã nhờ bà H làm thủ tục cho con gái anh B, chị O đi du học tại Mỹ. Trong thời gian từ ngày 06-8-2015 đến ngày 07-7-2016, anh B, chị O đã giao cho bà H, ông I số tiền Việt Nam đồng quy đổi bằng 157.000 USD làm nhiều lần (theo hai bên thỏa thuận quy đổi tỷ giá 1 USD = 22.780 đồng tại Ngân hàng ACB). Đến ngày 09-3-2017, hai bên mới thống nhất được số tiền đã giao và xác lập giấy giao tiền. Ngoài ra, anh B, chị O còn cho vợ chồng bà H vay số tiền là 400.000.000 đồng, hai bên có lập thành 02 hợp đồng vay nợ. Hợp đồng ký ngày 20-7-2016, số tiền vay là 200.000.000 đồng; lãi suất là 2,0%/tháng; thời hạn vay từ ngày ký hợp đồng cho đến ngày 20-02-2017. Hợp đồng ký ngày 05-10-2016, số tiền vay là 200.000.000 đồng; lãi suất là 4,5%/tháng; thời hạn vay từ ngày ký hợp đồng cho đến ngày 05-02-2017. Ngoài ra, anh B, chị O còn cho bà H vay số tiền là 30.000.000 đồng nhưng không viết giấy và số tiền lãi phát sinh của 02 hợp đồng nêu trên là 7.000.000 đồng. Tính đến ngày 30- 3-2017, vợ chồng bà H còn nợ anh B, chị O số tiền là 4.013.460.000 đồng. Ngày 30-7-2017 do vợ chồng bà H bán toàn bộ cổ phần của Công ty Cổ phần Q (do bà H làm giám đốc) cho anh Trịnh Xuân R nên đã trả cho vợ chồng anh B số tiền là 3.500.910.000 đồng trong đó bao gồm số tiền là 134.500 USD (tỷ giá 1USD = 22.780 đồng); 400.000.000 đồng số tiền đã vay theo 02 hợp đồng; 7.000.000 đồng tiền lãi còn nợ của số tiền vay 400.000.000 đồng và 30.000.000 đồng vay không viết giấy. Số tiền còn thiếu là: 4.013.460.000 đồng - 3.500.910.000 đồng = 512.550.000 đồng (tương đương 22.500 USD). Nay anh B, chị O yêu cầu bà H, ông I phải trả số tiền còn thiếu là 512.550.000 đồng, tuy nhiên tại đơn khởi kiện do viết nhầm thành 512.325.000 đồng nên anh B, chị O chỉ yêu cầu bà H, ông I phải trả số tiền là 512.325.000 đồng.

Tại bản tự khai ngày 01-8-2017, ngày 31-8-2017 và quá trình giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm bị đơn - bà Dương Thị Thanh H và ông Nguyễn Tất I trình bày:

Bà H, ông I có quen biết anh B, chị O do thường xuyên vay tiền của họ. Bà H có mợ là bà Đào Thị Bích P sinh sống bên Mỹ đã bảo lãnh cho hai con của bà H sang du học bên Mỹ thành công nên bà H có đặt vấn đề với bà P để bà P bảo lãnhcho con gái của anh B, chị O đi du học tại Mỹ. Bà H, ông I xác nhận có nhận của anh B, chị O tổng cộng số tiền là: 122.536 USD làm 06 lần, cụ thể: Lần 1: Ngày 28-8-2015, số tiền: 30.000 USD. Lần 2: Ngày 04-9-2015, số tiền: 35.000 USD. Lần 3: Ngày 21-9-2015, số tiền: 17.000 USD. Lần 4: Ngày 13-01-2016, số tiền: 8.810 USD. Lần 5: Ngày 25-5-2016, số tiền: 25.000 USD. Lần 6: Ngày 14-6-2016, số tiền: 6.726 USD. Các lần bà H nhận tiền đều được xác nhận qua tin nhắn hoặc Viber. Đến ngày 09-3-2017, hai bên mới xác lập văn bản (Giấy giao nhận tiền) như nguyên đơn trình bày. Do anh B đe dọa làm mất danh dự của người thân và các con của bà H đang sinh sống tại Mỹ nên bà H chấp nhận ký xác nhận đã nhận của anh B, chị O số tiền là 157.000 USD. Số tiền 157.000 USD bà H đã gửi vào Ngân hàng ACB để bảo lãnh cho con anh B, chị O đi du học là 100 USD, số tiền còn lại bà H làm thủ tục cho chị O đi du lịch. Bà H đã sử dụng một phần tiền vào việc đóng học phí cho con của bà H đang học tại Mỹ, một phần tiền dùng vào việc xây nhà của gia đình bà H; số tiền 35.275 USD chi phí vào thủ tục, hồ sơ cho con của anh B, chị O đi du học, chi phí để làm thủ tục cho chị O đi du lịch tại Mỹ, cụ thể: Ghi tên vào danh sách đóng khóa học tiếng Anh đầu kỳ là 2.000 USD/1 trường x 3 trường = 6.000 USD; chi mua quà ngày Nôen: 700 USD; quà cho bên tuyển sinh Tết Dương lịch: 1.500 USD, mời cơm 5 lần: 2.200 USD; xin giấy I-20 cho con anh B để đi phỏng vấn tại Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội 03 lần: 3.675 USD; hồ sơ của người bảo lãnh cho con anh B tại Ngân hàng là 5.000 USD; chi phí đi lại để làm hồ sơ trong 01 năm: 6.000 USD; luật sư tư vấn cho chị O làm thủ tục đi du lịch tại Mỹ: 10.200 USD. Nhưng sau đó chị O bỏ đi du lịch nên phải chịu số tiền này. Trước khi chi phí số tiền này bà P đều gọi cho anh B, chị O xin ý kiến rồi mới chi và điện báo cho bà H nên không có tài liệu chứng minh số tiền đã chi tiêu là 35.275 USD. Anh B, chị O chỉ chấp nhận 20.000 USD, nên bà H phải chịu 15.275 USD. Tuy nhiên, khi ký giấy giao nhận tiền ngày 09-3-2017 thì anh B, chị O chỉ chấp nhận khoản chi phí này là 30.000 USD và chỉ chấp nhận chịu 20.000 USD, còn bà H phải chịu 10.000 USD. Ngoài ra, bà H, ông I xác nhận còn vay của anh B, chị O số tiền 400.000.000 đồng như nguyên đơn đã trình bày.

Đến ngày 30-3-2017, bà H, ông I trả cho anh B, chị O số tiền là 3.500.910.000 đồng (trong đó 400.000.000 đồng trả trực tiếp, còn 3.050.510.000 đồng tương đương với 137.000 USD, theo tỷ giá liên ngân hàng là 1USD = 22.300 đồng) được trả qua tài khoản. Số tiền này được trích từ số tiền chuyển nhượng cổ phần của bà H ở Công ty Cổ phần Q cho anh Trịnh Xuân R. Như vậy, bà H đã trả đủ 157.000 USD cho anh B, chị O nên tại Điều 3 của Thỏa thuận thanh toán tiền ngày 30-3-2017 đã ghi: “ Bên nhận tiền xác nhận bên trả tiền đã thanh toán hết nợ, không còn bất kỳ nghĩa vụ tài chính gì liên quan đến bên nhận tiền”. Bà H không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh B buộc bà H, ông I trả số tiền quy đổi là 22.500 USD.

Tại văn bản ngày 16-10-2017 và quá trình giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm, người làm chứng anh Trịnh Xuân R trình bày:

Anh R là người quen biết cả bà H và anh B. Về việc bà H nợ tiền của anh B, chị O cụ thể như thế nào anh R không biết. Anh R chỉ biết, ngày 30-3-2017, anh R đã mua lại toàn bộ cổ phần của bà H tại Công ty Cổ phần Q và đã trả số tiền là 3.500.910.000 đồng cho bà H để bà H trả nợ cho anh B, chị O. Theo quan điểm của anh R thì bà H đã thanh toán xong hết nợ cho anh B, chị O vì tại mục 3 của văn bản này có ghi: Bên nhận tiền là anh B, chị O xác nhận bên trả tiền là bà H, ông I không còn nợ bất cứ nghĩa vụ tài chính nào.

Tại văn bản ngày 28-6-2018 và ngày 08-10-2018, người làm chứng ông Phạm Khắc S và bà Lê Thị Ánh T trình bày:

Ông S, bà T có quen biết với cả bà H và anh B. Ông S, bà T có làm chứng trong việc các bên xác lập Giấy giao tiền ngày 09-3-2017 là hoàn toàn tự nguyện, không ai bị lừa dối, đe dọa hay ép buộc. Trong số tiền 157.000 USD có khoản tiền 30.000 USD là chi phí làm thủ tục cho con gái anh B đi học ở Mỹ, tại thời điểm ngày 09-3-2017 anh B, chị O không chấp nhận, cần phải được bà H giải trình hợp lý.

Với nội dung như trên, tại Bản án Dân sự sơ thẩm số 13/2018/DS-ST ngày 28-11-2018, Tòa án nhân dân quận A, thành phố Hải Phòng đã căn cứ vào khoản 3 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm c khoản 1 Điều 39, Điều 144, Điều 147, Điều 266, Điều 23, Điều 280 của Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 116, Điều 117, Điều 118, Điều 119, Điều 120, Điều 463, Điều 464, Điều 465, Điều 466, Điều 467, Điều 470 và Điều 688 của Bộ luật Dân sự năm 2015; khoản 2 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc, xử: Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của anh B, chị O: Buộc vợ chồng bà H, ông I phải trả cho anh B, chị O số tiền là 512.325.000 đồng.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về lãi suất chậm trả; án phí; tuyên quyền kháng cáo đối với các đương sự.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 10-12-2018, bà H, ông I kháng cáo toàn bộ nội dung bản án với lý do Tòa án cấp sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng; đã không khách quan, quyết định không đúng quy định của pháp luật làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông I, bà H.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Nguyên đơn và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn - anh B giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và trình bày: Nhất trí với quyết định của bảnán sơ thẩm, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm buộc bị đơn - bà H, ông I phải trả cho anh B, chị O số tiền là 512.325.000 đồng.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn trình bày: Căn cứ vào thỏa thuận thanh toán tiền ngày 30-3-2017 và lời khai của người làm chứng - anh Trịnh Xuân R có căn cứ để để xác định bà H, ông I đã giải quyết xong mọi khoản nợ với anh B, chị O nên căn cứ khoản 2 Điều 308, Điều 309 của Bộ luật Tố tụng dân sự đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận kháng cáo của bà H, ông I sửa bản án sơ thẩm, bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Bị đơn - bà H, ông I giữ nguyên yêu cầu kháng cáo và nhất trí với lời trình bày của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng phát biểu ý kiến:

Về thủ tục tố tụng: Trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa phúc thẩm, Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký Tòa án đã chấp hành đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Các đương sự đã chấp hành và thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ của đương sự quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự.

Quan điểm của Kiểm sát viên đối với kháng cáo:

Có căn cứ để xác định bà H, ông I đã nhận của anh B, chị O số tiền là 157.000 USD và 400.000.000 đồng. Các giao dịch giữa hai bên đều hoàn toàn tự nguyện, không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội nên sẽ làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên đương sự theo thỏa thuận trong hợp đồng. Ngày 30/3/2017, ông I, bà H đã trả cho anh B, chị O số tiền là 3.500.910.000 đồng. Về số tiền nợ 30.000.000 đồng và 7.000.000 đồng tiền lãi theo lời trình bày của anh B, chị O không có căn cứ nên không chấp nhận số tiền này theo quyết định của bản án sơ thẩm. Căn cứ khoản 2 Điều 308; Điều 309 Bộ luật Tố tụng dân sự, đề nghị Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm: Sửa bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn, vợ chồng bà H còn phải trả cho vợ chồng anh B số tiền: 475.325.000 đồng.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

- Về tố tụng:

[1] Quan hệ tranh chấp trong vụ án là về kiện đòi tài sản (tiền) quy định tại khoản 2 Điều 26 của Bộ luật Tố tụng dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Do vụ án có kháng cáo, nên thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng.

- Xét kháng cáo của bị đơn:

[2] Căn cứ vào lời khai của các đương sự, người làm chứng và các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ, có cơ sở để xác định: Do tin tưởng bà H có thể làm được thủ tục giúp con gái đi du học tại Mỹ nên vợ chồng anh B, chị O đã đưa cho bà H số tiền là 112.000 USD trong khoảng thời gian từ ngày 06-8-2015 đến ngày 13-01-2016 và 45.000 USD trong thời gian từ ngày 12-5-2016 đến ngày 07-7-2016 để làm thủ tục cho chị O đi du lịch tại Mỹ. Tổng cộng là 157.000 USD. Đến ngày 09-3-2017, bà H, ông I đã ký xác nhận số tiền này bằng văn bản “Giấy giao nhận tiền”, văn bản này ngoài chữ ký của hai bên còn có chữ ký của người làm chứng là ông Phạm Khắc S và bà Lê Thị Ánh T. Ngoài ra, ông I, bà H còn xác nhận vay của anh B, chị O số tiền 400.000.000 đồng vào ngày 20-7-2016 và ngày 05-10-2016. Các khoản tiền này đã được bà H, ông I xác nhận, phù hợp với Giấy giao nhận tiền ngày 09-3-2017, các Bản Hợp đồng vay vốn ngày 20-7-2016 và Bản Hợp đồng vay vốn ngày 05-10-2016. Như vậy, có cơ sở để xác định từ năm 2015 đến năm 2016, bà H, ông I đã nhận của anh B, chị O số tiền là 157.000 USD và vay của anh B, chị O số tiền là 400.000.000 đồng.

[3] Ngày 30-3-2017, bà H, ông I đã trả cho anh B, chị O số tiền là: 3.500.910.000 đồng. Hai bên đều xác nhận, phù hợp với lời khai của người làm chứng anh Trịnh Xuân R và phù hợp với bản Thỏa thuận thanh toán ngày 30-3-2017 các bên đã xác lập.

[4] Nay các bên không thống nhất được số tiền phải thanh toán cho nhau là157.000 USD hay 137.000 USD. Sở dĩ có việc không thống nhất là do: Ngày 09-3-2017, hai bên cùng nhau xác lập Giấy giao nhận tiền. Theo đó, bà H đã nhận của anh B, chị O số tiền là 157.000 USD với lý do để lo cho con gái anh B, chị O đi du học tại Mỹ và chi phí tư vấn cho chị O đi du lịch tại Mỹ. Số tiền này không tính phí chuyển tiền từ Việt Nam sang Mỹ. Số tiền này chưa trừ chi phí để làm thủ tục cho con gái anh B, chị O do bà H chưa chứng minh được chi phí làm thủ tục là bao nhiêu nên hai bên cùng thỏa thuận tạm tính chi phí này là 30.000 USD. Các bên thống nhất: Khi nào bà P xác định được con số chính xác, thì dù thừa hay thiếu hai bên phải thanh toán hết cho nhau. Tại bản “Thỏa thuận thanh toán tiền” ngày 30-3-2017, các bên thỏa thuận: Bà H, ông I trả cho anh B, chị O số tiền là 3.500.910.000 USD. Ngoài ra, các bên còn thỏa thuận: “ Bên nhận tiền (anh B, chị O) xác nhận bên trả tiền (bà H, ông I) đã thanh toán hết nợ, không còn bất kỳ nghĩa vụ tài chính gì liên quan đến bên nhận tiền”. Tuy nhiên, các bên không nêu rõ trong số tiền 3.500.910.000 USD bà H, ông I trả cho anh B, chị O là những khoản tiền nào đã bao gồm khoản tiền đã chi phí để làm thủ tục cho con gái anh B, chị O đi du học tại Mỹ chưa. Trong khi đó tại văn bản ngày 09/3/2017, hai bên thỏa thuận tạm tính chi phí làm thủ tục là 30.000 USD.

[5] Căn cứ vào thỏa thuận trên, bà H cho rằng đã thanh toán hết nợ, không còn nghĩa vụ tài chính nào đối với anh B, chị O (đã trả 137.000 USD, theo tỷ giá liên ngân hàng là 1USD = 22.300 đồng và 400.000.000 đồng). Còn anh B, chị O cho rằng, tổng số tiền quy đổi mà bà H, ông I phải trả là: 4.013.460.000 đồng (bao gồm 157.000 USD x 22.780/1USD = 3.576.460.000 đồng + 400.000.000 đồng +30.000.000 đồng + 7.000.000 đồng). Ngày 30-3-2017, vợ chồng bà H mới trả 3.500.910.000 đồng quy đổi ra bằng: 134.500 USD + 400.000.000 đồng + 30.000.000 đồng + 7.000.000 đồng. Do vậy, bà H, ông I còn nợ anh B, chị O số tiền là 512.550.000 đồng (22.500 USD). Tuy nhiên, do đơn khởi kiện anh B viết nhầm là 512.325.000 đồng nên anh B chỉ yêu cầu bà H, ông I phải trả số tiền là 512.325.000 đồng.

[6] Về tỷ giá quy đổi từ Việt Nam đồng sang USD tại thời điểm các bên thanh toán cho nhau ngày 30-3-2017 là 22.780 đồng/USD (VietBao.vn)

[7] Như vậy, khoản tiền mà anh B, chị O và bà H, ông I đang tranh chấp chính là khoản tiền bà H cho rằng đã phải chi trả cho việc làm thủ tục cho con gái anh B, chị O đi du học và chi phí cho luật sư tư vấn cho chị O để đi du lịch tại Mỹ. Số tiền này theo bà H là 35.275 USD (cụ thể: ghi tên, nộp hồ sơ tại 03 trường 6.000 USD, mỗi trường 2000 USD; ăn uống, quà cáp nhiều lần 8.075 USD; hồ sơ, các loại giấy tờ bảo lãnh tại ngân hàng 5000 USD, anh B, chị O mời vợ chồng bà P về Việt Nam chơi 6.000 USD); trước khi ký “Thỏa thuận thanh toán tiền” ngày 30-3-2017, anh B, chị O đã đồng ý chịu số tiền là 20.000 USD, còn bà H phải chịu số tiền là 15.275 USD. Số tiền này bà H đã trả cho bà Đào Thị Bích P. Hội đồng xét xử thấy rằng: Tại “Giấy giao nhận tiền” ngày 09-3-2017, bà H, ông I xác nhận có nhận của anh B, chị O số tiền 157.000 USD để làm thủ tục cho con gái anh B, chị O đi du học và chị O đi du lịch tại Mỹ. Số tiền này chưa trừ đi chi phí để làm thủ tục. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, bà H khẳng định ngoài lời trình bày và các tin nhắn của bà P gửi cho bà H thì bà H không có chứng cứ gì chứng minh được bà Đào Thị Bích P đã chi phí hợp lý là bao nhiêu; không có chứng cứ chứng minh, anh B, chị O chấp nhận chịu số tiền 20.000 USD trong số 30.000 USD. Bà H khai số tiền này bà H đã chuyển cho bà P để chi phí nhưng khi bà P về nước, bà H không thu xếp để các bên gặp nhau mà cho rằng bà P từ chối gặp anh B, chị O. Bà H, ông I căn cứ vào nội dung: “Bên nhận tiền xác nhận bên trả tiền đã thanh toán hết nợ, không còn nghĩa vụ tài chính gì liên quan đến bên nhận tiền” để cho rằng đã thanh toán hết nợ cho anh B, chị O, Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy rằng: Tại văn bản “Thỏa thuận thanh toán tiền” ngày 30-3-2017, các bên chỉ thỏa thuận là trả cho nhau số tiền là 3.500.910.000 đồng, trong đó có 400.000.000 đồng là tiền mặt, số tiền còn lại chuyển qua tài khoản cho anh B, chị O mà không xác nhận số tiền đã trả là 3.500.910.000 USD bao gồm những khoản tiền gì, tổng số tiền bà H, ông I phải thanh toán là bao nhiêu. Như vậy, thỏa thuận này không rõ ràng và không phù hợp với “Giấy giao nhận tiền ngày 09-3- 2017”; các Bản Hợp đồng vay vốn ngày 20-7-2016 và Bản Hợp đồng vay vốn ngày 05-10-2016. Cho đến nay bà H cũng không xuất trình được chứng cứ, tài liệu chứng minh được số tiền đã chi phí làm thủ tục cụ thể là bao nhiêu và đã được anh B, chị O đồng ý chưa và không có văn bản nào ghi nhận hai bên đã thỏa thuận anh B, chị O phải chịu 20.000 USD và bà H phải chịu 15.275 USD nên không có cơ sở để chấp nhận lời trình bày của bà H về số tiền đã chi phí làm thủ tục là 35.275 USD hay 30.000 USD. Căn cứ vào các chứng cứ là: “Giấy giao nhận tiền ngày 09-3-2017” và Văn bản “Thỏa thuận thanh toán tiền” ngày 30-3-2017, bà H còn phải trả anh B, chị O số tiền như anh B yêu cầu nên bản án sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là có căn cứ (Điều 158, Điều 166, Điều 463, Điều 466 của Bộ luật Dân sự). Đối với số tiền 30.000.000 đồng và 7.000.000 đồng (số tiền lãi của số tiền nợ 400.000.000 đồng) anh B trình bày hiện bà H, ông I còn nợ nhưng bà H, ông I không thừa nhận. Anh B, chị O không có chứng cứ gì chứng minh về số tiền này nên không chấp nhận yêu cầu của anh B, buộc bà H, ông I phải trả số tiền 30.000.000 đồng và 7.000.000 đồng và cần chấp nhận một phần kháng cáo của bà H, ông I, sửa bản án sơ thẩm, buộc bà H, ông I phải trả cho anh B, chị O số tiền là 475.325.000 đồng - khoản 2 Điều 308, 309 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

- Về án phí dân sự sơ thẩm:

[8] Nguyên đơn – Anh Phạm Văn B phải chịu 1.850.000 đồng tiền án phí đối với phần yêu cầu không được chấp nhận được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí dân sự đã nộp là 12.200.000 đồng tiền tại Biên lai thu tạm ứng án phí số 0003455 ngày 24-7-2017 của Chi cục Thi hành án dân sự quận A, thành phố Hải Phòng. Trả lại anh B số tiền 10.350.000 đồng - khoản 1 Điều 147 của Bộ luật Tố tụng dân sự; khoản 1 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14.

[9] Bị đơn - bà Dương Thị Thanh H, ông Nguyễn Tất I phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật - khoản 2 Điều 147 của Bộ luật Tố tụng dân sự; khoản 2 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

[10] Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, chị Đỗ Thị Hải O không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm.

- Về án phí dân sự phúc thẩm:

[11] Do bản án sơ thẩm bị sửa nên bị đơn - bà H, ông I không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm - khoản 2 Điều 148 của Bộ luật Tố tụng dân sự; khoản 2 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 2 Điều 308, 309 của Bộ luật Tố tụng dân sự;

Chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của bị đơn bà Dương Thị Thanh H, ông Nguyễn Tất I;

Sửa bản án sơ thẩm.

Căn cứ vào Điều 158, Điều 166, Điều 463, Điều 466 của Bộ luật Dân sự;

Căn cứ vào khoản 1 Điều 147, khoản 2 Điều 148 của Bộ luật Tố tụng dân sự; khoản 2 Điều 26, khoản 2 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;

Xử: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn anh Phạm Văn B.

1. Buộc bà Dương Thị Thanh H và ông Nguyễn Tất I phải trả cho anh Phạm Văn B và chị Đỗ Thị Hải O số tiền là 475.325.000 đồng (Bốn trăm bảy mươi lăm triệu ba trăm hai mươi lăm nghìn đồng).

Kể từ ngày anh Phạm Văn B và chị Đỗ Thị Hải O có đơn yêu cầu thi hành án cho đến khi thi hành xong khoản tiền nêu trên, hàng tháng bà Dương Thị Thanh H và ông Nguyễn Tất I còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền chưa thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 357 của Bộ luật Dân sự tương ứng với thời gian chưa thi hành án.

2. Về án phí:

a. Về án phí dân sự sơ thẩm:

- Anh Phạm Văn B phải chịu 1.850.000 đồng (Một triệu tám trăm năm mươi nghìn đồng) tiền án phí đối với phần yêu cầu không được chấp nhận được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí dân sự đã nộp là 12.200.000 đồng tại Biên lai thu tạm ứng án phí số 0003455 ngày 24-7-2017 của Chi cục Thi hành án dân sự quận A, thành phố Hải Phòng. Trả lại anh B số tiền 10.350.000 đồng (Mười triệu ba trăm năm mươi nghìn đồng) tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm.

- Bà Dương Thị Thanh H và ông Nguyễn Tất I phải chịu 23.013.000 đồng (Hai mươi ba triệu không trăm mười ba nghìn đồng) tiền án phí dân sự sơ thẩm.

- Chị Đỗ Thị Hải O không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm. b. Về án phí dân sự phúc thẩm:

Bà Dương Thị Thanh H và ông Nguyễn Tất I không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm. Trả lại bà Dương Thị Thanh H và ông Nguyễn Tất I số tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm đã nộp là 300.000 đông tại Biên lai thu sô 0010358 ngày 17 tháng 12 năm 2018 và Biên lai thu sô 0010366 ngày 20 tháng 12 năm 2018 của Chi cục Thi hành án dân sự quận A, thành phố Hải Phòng; nhưng tạm giữ để đảm bảo việc thi hành án.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

470
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 16/2019/DS-PT ngày 10/05/2019 về tranh chấp kiện đòi tài sản

Số hiệu:16/2019/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hải Phòng
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 10/05/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký



  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;