TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
BẢN ÁN 16/2017/HNGĐ-PT NGÀY 20/11/2017 VỀ LY HÔN, TRANH CHẤP VỀ NUÔI CON KHI LY HÔN
Ngày 20 tháng 11 năm 2017 tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 25/2017/TLPT-HNGĐ ngày 17 tháng 10 năm 2017 về việc “Ly hôn, tranh chấp về nuôi con khi ly hôn”.
Do Bản án hôn nhân gia đình sơ thẩm số 567/2017/HNGĐ-ST ngày 01 tháng 9 năm 2017 của Toà án nhân dân huyện T, thành phố Hải Phòng bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 2017/2017/QĐ-PT ngày 10 tháng 11 năm 2017 giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Chị H, sinh năm 1991; nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: Thôn B, xã D, huyện T, thành phố Hải Phòng; nơi ở hiện nay: Thôn M, xã N, huyện T, thành phố Hải Phòng. Có mặt.
- Bị đơn: Anh G, sinh năm 1980; nơi cư trú: Thôn B, xã D, huyện T, thành phố Hải Phòng. Có mặt.
- Người kháng cáo: Bị đơn anh G.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Chị H và anh G xây dựng gia đình với nhau trên cơ sở tự nguyện, có đăng ký kết hôn tại UBND xã D, huyện T, thành phố Hải Phòng ngày 15/12/2015. Quá trình chung sống vợ chồng hạnh phúc đến tháng 6/2016 thì phát sinh mâu thuẫn. Nguyên nhân do vợ chồng bất đồng quan điểm trong việc nuôi dạy chăm sóc con chung, chị H cho rằng con chị bị sinh thiếu tháng thường xuyên ốm đau phải đi bệnh viện nhưng anh G lại không có trách nhiệm với con; anh G cho rằng do chị H không biết cách chăm sóc con, vợ chồng thường xuyên xảy ra cãi nhau. Hai bên gia đình đã hoà giải nhưng không có kết quả. Chị H đã bế con về nhà bố mẹ đẻ ở từ tháng 12 năm 2016, vợ chồng đã ly thân từ đó đến nay. Chị H xác định tình cảm vợ chồng không còn nên đề nghị được ly hôn với anh G, anh G cũng đồng ý ly hôn với chị H vì vợ chồng không còn khả năng đoàn tụ.
Về con chung, anh chị có 01 con chung là B, sinh ngày 19/6/2016.
Quan điểm của chị H: Hiện nay anh G đang trực tiếp nuôi dưỡng con chung vì tháng 01/2017 anh G đến nhà bố mẹ đẻ chị đón con về ăn Tết, sau đó anh G đã giữ con từ đó đến nay. Chị H đã đến thăm con nhiều lần nhưng anh G và gia đình anh G ngăn cản. Chị đề nghị Tòa án giao con cho chị nuôi và không yêu cầu anh G phải cấp dưỡng. Hiện nay chị đang sống cùng bố mẹ để tại thôn M, xã N, huyện T, Hải Phòng và là giáo viên mầm non của Trường mầm non xã N, mức thu nhập trung bình một tháng là 3.400.000đồng, mặt khác con chị còn quá nhỏ cần có sự chăm sóc, quan tâm của người mẹ.
Quan điểm của anh G: Anh đề nghị Toà án giao cho anh trực tiếp nuôi con, không yêu cầu chị H phải cấp dưỡng vì anh đủ điều kiện và khả năng nuôi con. Hiện nay anh đang sống cùng bố mẹ đẻ và là Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã D, mức thu nhập trung bình hàng tháng là 5.000.000đồng. Còn chị H đang ở nhờ nhà bố mẹ đẻ, không có chỗ ở ổn định. Mặt khác anh là người đang trực tiếp nuôi con, lý do là vì chị H trả lại con cho anh. Trong thời gian anh nuôi con thì chị H không có trách nhiệm với con, chị H có đến thăm con nhưng không xin phép anh và bố mẹ nên anh không cho chị H được thăm con.
Về tài sản chung, anh G và chị H trình bày không có tài sản chung, không yêu cầu Toà án giải quyết.
Tại Bản án sơ thẩm số 567/2017/HNGĐ-ST ngày 01 tháng 9 năm 2017 của Toà án nhân dân huyện T, thành phố Hải Phòng đã quyết định:
Căn cứ khoản 1 Điều 28, khoản 4 Điều 147 của Bộ luật Tố tụng dân sự; khoản 1 Điều 51, Điều 55, Điều 81, Điều 82 và Điều 83 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014; điểm a khoản 5 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án, xử:
1. Công nhận thuận tình ly hôn giữa chị H và anh Lê Văn Giang.
2. Về con chung: Giao con chung tên B, sinh ngày 19 tháng 6 năm 2016 cho chị H trực tiếp nuôi dưỡng cho đến khi con đủ 18 tuổi và có khả năng lao động hoặc có sự thay đổi khác theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra bản án còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.
Ngày 08 tháng 9 năm 2017 anh G có đơn kháng cáo có nội dung: Đề nghị cấp phúc thẩm điều tra rõ việc nhắn tin trả con cho anh, xem xét tư cách đạo đức của một người mẹ không chăm sóc con và đánh con khi con được mấy tháng tuổi; xem xét điều kiện ăn ở của hai bên để đảm bảo cho con phát triển tốt nhất; đề nghị giao con chung là cháu B cho anh nuôi.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
Chị H giữ nguyên yêu cầu khởi kiện. Anh G giữ nguyên yêu cầu kháng cáo, bổ sung trong quá trình nuôi con chị H không tiêm phòng cho con.
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng phát biểu ý kiến:
Trong quá trình thụ lý giải quyết vụ án, Thẩm phán, Hội đồng xét xử đã chấp hành đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
Về yêu cầu kháng cáo: Chị H và anh G đều đủ điều kiện để nuôi con. Tuy nhiên cháu B mới 17 tháng tuổi nên cần có sự chăm sóc của người mẹ, đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự không chấp nhận kháng cáo của anh G, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1]. Về tố tụng: Đây là vụ án ly hôn, tranh chấp về nuôi con khi ly hôn. Theo quy định tại khoản 1 Điều 28 Bộ luật Tố tụng dân sự, vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
[2]. Về nội dung:
Xét nội dung kháng cáo của anh G đề nghị Toà án giao con chung là B cho anh nuôi dưỡng.
Xét điều kiện nuôi con của chị H và anh G:
Căn cứ vào lời khai của các đương sự tại phiên toà phù hợp với tài liệu trong hồ sơ vụ án đã thể hiện: Chị H hiện đang sinh sống tại nhà bố mẹ đẻ ở thôn M, xã N, huyện T và chị làm giáo viên mầm non, thu nhập trung bình 1 tháng là 3.400.000đ. Còn anh G sinh sống tại nhà bố mẹ đẻ tại thôn B, xã D, huyện T, thành phố Hải Phòng và anh làm Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã D, thu nhập trung bình hàng tháng là 5.000.000đ.
Như vây, chị H và anh G đều đủ điều kiện nuôi con chung. Song xét thấy cháu B còn nhỏ chưa đủ 36 tháng tuổi, rất cần sự chăm sóc của người mẹ. Mặt khác ngoài những thông tin anh G đưa ra chị H trả lại con cho anh thể hiện ở tin nhắn điện thoại và chị H không tiêm phòng cho con, anh G không cung cấp được các chứng cứ khác để chứng minh chị H không có đủ điều kiện để nuôi con.
Từ phân tích nêu trên, cấp sơ thẩm đã giao con B cho chị H nuôi dưỡng là có căn cứ, phù hợp với quy định tại các Điều 81, Điều 82, Điều 83 Luật Hôn nhân và Gia đình. Do vậy, Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của anh G, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
[3].Về án phí phúc thẩm: Do giữ nguyên bản án sơ thẩm nên anh G phải chịu án phí phúc thẩm theo quy định pháp luật.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự,
Không chấp nhận kháng cáo của anh G, giữ nguyên Bản án sơ thẩm số 567/2017/HNGĐ-ST ngày 01 tháng 9 năm 2017 của Toà án nhân dân huyện T;
Áp dụng khoản 1 Điều 51, Điều 55, Điều 81, Điều 82 và Điều 83 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014;
Căn cứ khoản 1 Điều 28, Điều 147, Điều 148, khoản 1 Điều 308, Điều 313 của Bộ luật Tố tụng dân sự;
Căn cứ điểm a khoản 5 Điều 27, Điều 28 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp quản lý và sử dụng án phí, lệ phí.
3. Về án phí sơ thẩm và phúc thẩm:
Chị H phải nộp 300.000đ án phí sơ thẩm nhưng được trừ vào 300.000đ số tiền tạm ứng án phí sơ thẩm đã nộp theo biên lai số 0000854 ngày 18/4/2017 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện T. Chị H đã nộp đủ.
Anh G phải nộp 300.000đ án phí phúc thẩm nhưng được trừ vào 300.000đ số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp theo biên lai số 0005783 ngày 14/9/2017 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện T. Anh G đã nộp đủ.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.
Bản án 16/2017/HNGĐ-PT ngày 20/11/2017 về ly hôn, tranh chấp nuôi con khi ly hôn
Số hiệu: | 16/2017/HNGĐ-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hải Phòng |
Lĩnh vực: | Hôn Nhân Gia Đình |
Ngày ban hành: | 20/11/2017 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về