TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
BẢN ÁN 154/2019/DSPT NGÀY 20/06/2019 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM
Ngày 20 tháng 6 năm 2019 tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số141/2019/TLPT-DS ngày 10 tháng 4 năm 2019 về việc “Tranh chấp hợp đồng bảo hiểm”.
Do bản án dân sự sơ thẩm số 03/2019/DS-ST ngày 28/01/2019 của Tòa án nhân dân quận Ba Đình, thành phố Hà Nội bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 159/2019/QĐ-PT ngày 22 tháng 5 năm 2019 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, giữa các đương sự:
Nguyên đơn:
Bà Nguyễn Thị P (có mặt tại phiên toà).
Địa chỉ: Thôn Đ, xã H, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội.
Bị đơn: Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm B (gọi tắt là Tổng Công ty Bảo hiểm);
Địa chỉ trụ sở: Tầng 8, tòa nhà số 4A L, quận Đ, Hà Nội.
Người đại diện theo ủy quyền: Bà Phạm Thị Thúy H, Giám đốc Ban pháp chế - KSNB - PTI; Bà Nguyễn Thị Th, Chuyên viên Ban Pháp chế - KSNB - PTI và ông Đỗ N, Giám đốc Ban Bảo hiểm Tài sản Kỹ thuật - PTI (Theo Giấy uỷ quyền số 23/GUQ-PTI-PCKSNB ngày 17/01/2018. Bà H, bà Th có mặt, ông N vắng mặt tại phiên toà).
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Tổng Công ty cổ phẩn Bảo hiểm B: Ông Nguyễn Hoàng Hải, Luật sư Văn phòng Luật sư Nguyễn Hoàng Hải và cộng sự (ông Hải có mặt tại phiên toà).
Người làm chứng:
1. Công ty Cổ phần giám định S (gọi tắt là Công ty giám định S)
Địa chỉ trụ sở: Tầng 16, toà nhà B3.7 Ha, đường L, phường N, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị
Người đại diện theo uỷ quyền: Ông Nguyễn Anh Tú, Phó Giám đốc phụ trách Chi nhánh Hà Nội (Theo Giấy uỷ quyền ngày 19/6/2019).
2.Công ty TNHH giám định và tư vấn kỹ thuật (R) (gọi tắt là Công ty giám định R);
Địa chỉ trụ sở: Số 90 ngõ 203 V, NĐ, Cầu Giấy, Hà Nội
Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Hạ Long, Giám Đốc.
Người đại diện theo uỷ quyền: Ông Vũ Văn Hội, Trưởng phòng Tài sản kỹ thuật (Theo Giấy uỷ quyền ngày 20/6/2019).
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện và các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn bà Nguyễn Thị P trình bày:
Ngày 10/6/2016, bà Nguyễn Thị P đã ký Hợp đồng bảo hiểm hỏa hoạn và các rủi ro đặc biệt (gọi tắt là Hợp đồng bảo hiểm) số: 00000159/HD/016- PKD6/TS.3.2/2016 với Công ty Bảo hiểm B Thăng Long thuộc Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm B, đối tượng bảo hiểm bao gồm: hàng hóa, nguyên vật liệu, nội thất, ghế sofa,..nhà xưởng, máy móc thiết bị…(theo Danh mục tài sản đính kèm với Hợp đồng bảo hiểm) thuộc cơ sở sản xuất kinh doanh đồ gỗ nội thất Phúc Sinh (do bà P làm chủ hộ kinh doanh). Theo Hợp đồng, điều kiện được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện cháy nổ, số tiền được bảo hiểm là 15.000.000.000đồng, tổng phí bảo hiểm là 37.500.000đồng; thời hạn bảo hiểm từ 16h00’ ngày 23/06/2016 đến 16h00’ ngày 23/06/2017.
Ngày 24/06/2016, bà P và Công ty Bảo hiểm B Thăng Long đã ký kết văn bản sửa đổi bổ sung Hợp đồng bảo hiểm hỏa hoạn và các rủi ro đặc biệt số 01/SDBD/00000159/HD/016-PKD6/TS.3.2/2016. Theo văn bản sửa đổi, hai bên thống nhất tăng số tiền bảo hiểm thêm 5.000.000.000đồng, nâng tổng số tiền bảo hiểm lên 20.000.000.000đồng; phí bảo hiểm tăng thêm 12.500.000đồng. Ngoài ra các thỏa thuận khác trong Hợp đồng bảo hiểm giữ nguyên không thay đổi. Bà P đã nộp đầy đủ phí bảo hiểm theo Hợp đồng đã ký kết.
Trong thời hạn bảo hiểm theo Hợp đồng, vào khoảng 20h20’ ngày 03/08/2016, bà Kiều Thị Mai là nhân viên giúp việc cho bà P đang ngồi xem tivi tại Xưởng sản xuất kinh doanh đồ nội thất Phúc Sinh (địa điểm có tài sản là đối tượng bảo hiểm theo Hợp đồng bảo hiểm) phát hiện thấy chập điện dưới trần Xưởng. Sau khi nhận được tin báo, Cơ quan cảnh sát phòng cháy chữa cháy đã có mặt tại hiện trường và đến 01h30 phút ngày 04/08/2016 thì đám cháy được dập tắt. Tổng thiệt hại tài sản sau vụ cháy khoảng 35 tỷ đồng. Số hàng hóa (trưng bày trên Showroom) không bị thiệt hại là 600.000.000đồng.
Ngày 14/09/2016, cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Thạch Thất đã ra Thông báo số 382 về nội dung kết luận giám định và xác định nguyên nhân cháy: “Do chập mạch điện trên đường dây dẫn điện làm cháy lớp vỏ cách điện, tàn lửa rơi xuống gây cháy hàng hóa sau đó cháy lan ra xung quanh dấn đến vụ cháy”. Ngày 30/09/2016, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Thạch Thất đã ra Bản kết thúc điều tra số 104/CQĐT và kết luận: “Cơ sở sản xuất và kinh doanh đồ nội thất Phúc Sinh có đảm bảo quy định về công tác phòng cháy và chữa cháy, nguyên nhân cháy là do chập mạch điện trên đường dây dẫn trong nhà xưởng dẫn đến cháy toàn bộ nhà xưởng và hàng hóa, thiết bị máy móc phục vụ sản xuất của cơ sở”.
Sau khi xảy ra vụ cháy, Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm B đã mời cơ quan giám định độc lập là Công ty giám định S tiến hành giám định tổn thất, tuy nhiên khi Công ty giám định S đang tiến hành giám định thì Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm B yêu cầu dừng vì cho rằng bà P trục lợi bảo hiểm. Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm B đã gửi đơn đến Công an thành phố Hà Nội, Bộ công an để đề nghị khởi tố bà P. Các cơ quan điều tra đều đã có kết luận “Không có dấu hiệu hình sự”.
Từ khi xảy ra tổn thất đến nay, Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm B không hề có một lời thăm hỏi cũng không thể hiện trách nhiệm gì đối với khách hàng, lẽ ra phải chia sẻ rủi ro với khách hàng thì Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm B đã chọn cách xử sự là quay lưng lại với khách hàng, cố tình nại ra mọi lý do để trốn tránh trách nhiệm, đổ lỗi cho khách hàng và không thanh toán bảo hiểm. Vì thời gian chờ đợi để được bồi thường quá lâu, bà P có nguy cơ rơi vào tình trạng phá sản nên bà P đã phải dọn dẹp đống cháy của xưởng và bán 1 phần đất xưởng đi để trả nợ và duy trì sản xuất, hiện nay tình trạng kinh tế của bà P rất khó khăn, bản thân bà P đã nhiều lần đến làm việc với Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm B với mong muốn được hỗ trợ và chi trả trước phần nào tổn thất, giúp bà vượt qua khó khăn nhưng Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm B luôn có thái độ bất hợp tác, cố tình trây ỳ, lái vụ việc dân sự sang hình sự để trốn tránh chi trả tiền cũng như cố tình đẩy khách hàng vào tình trạng khủng hoảng về tinh thần, vừa phải gồng mình khắc phục khó khăn, vừa phải đối diện với cơ quan điều tra, Tòa án để giải quyết vụ việc. Ngay cả khi đã có kết luận của cơ quan điều tra thì Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm B vẫn không có chút thiện chí nào tìm cách giải quyết quyền lợi cho khách hàng.
Nay bà P khởi kiện yêu cầu Tổng Công Ty Cổ phần Bảo hiểm B phải trả bà P số tiền bảo hiểm theo Hợp đồng bảo hiểm số 00000159/HD/016 - PKD6/TS.3.2/2016 ngày 10 tháng 06 năm 2016 và lãi suất chậm trả do Tổng Công Ty Cổ phần B cố tình gây khó dễ, không thực hiện nghĩa vụ đối với khách hàng, tổng số tiền là 20.841.233.308đồng.
Bị đơn do Người đại diện theo uỷ quyền của Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm B (Tổng Công ty Bảo hiểm) tr×nh bµy:
Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm B xác nhận Công ty Bảo hiểm B Thăng Long là đơn vị trực thuộc Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm B có ký Hợp đồng bảo hiểm hỏa hoạn và các rủi ro đặc biệt với bà Nguyễn Thị P, có địa chỉ tại xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, Hà Nội bằng Hợp đồng số 00000159/HD/016- PKD6/TS3.2/2016 ngày 10/6/2016, sửa đổi bổ sung số 01/SDBS/00000159/HD/016-PKD6/TS3.2/2016 ngày 24/6/2016. Tổng số tiền bảo hiểm là 20.000.000.000 đồng. Thời hạn hiệu lực bảo hiểm: Từ 23/6/2016 đến ngày 23/6/2017; đối tượng bảo hiểm: Nhà xưởng, hàng hóa, máy móc thiết bị theo Quy tắc bảo hiểm hỏa hoạn và các rủi ro đặc biệt.
Trong quá trình xác minh các hóa đơn, chứng từ theo yêu cầu bồi thường của bà Nguyễn Thị P, Tổng Công ty Bảo hiểm phát hiện bà P đã gian lận, lập nhiều hóa đơn, chứng từ mua bán giả với giá trị lên đến nhiều tỉ đồng để yêu cầu bồi thường. Tổng Công ty Bảo hiểm đã chuyển hồ sơ đến cơ quan Cảnh sát điều tra (PC44) Công an thành phố Hà Nội đề nghị điều tra xác minh.
Ngày 23/11/2017, cơ quan Cảnh sát điều tra (PC44) Công an thành phố Hà Nội có Thông báo số 09/TB-PC44 thông báo kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố, trong đó một phần nội dung văn bản khẳng định không có dấu hiệu tội phạm nên quyết định không khởi tố vụ án.
Tổng Công ty Bảo hiểm cho rằng Thông báo kết luận nêu trên của cơ quan Cảnh sát điều tra (PC44) Công an thành phố Hà Nội là chưa thỏa đáng, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Tổng Công ty Bảo hiểm đã tiếp tục có đơn gửi Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) thuộc Tổng Cục Cảnh sát Bộ Công an đề nghị xem xét. Hiện tại C46 đang xem xét giải quyết đơn thư của Tổng Công ty Bảo hiểm.
Ngày 03/08/2016, Tổng Công ty Bảo hiểm nhận được thông báo của bà P về việc đã xảy ra vụ cháy tại nhà xưởng sản xuất Phúc Sinh thuộc đường Hành Tang, Xã Hữu Bằng, Huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội.
Căn cứ vào Hợp đồng bảo hiểm được ký kết giữa hai bên, bà P đã làm Đơn yêu cầu bồi thường số tiền 20.660.000.000đồng (hai mươi tỉ sáu trăm sáu mươi triệu đồng) và chuyển chứng từ, sổ sách về giá trị thiệt hại đến Tổng Công ty Bảo hiểm B. Căn cứ vào đơn yêu cầu bồi thường bảo hiểm và các hồ sơ chứng từ sổ sách của bà P nộp cho Công ty, sau khi nghiên cứu và tiến hành xác minh thu thập chứng cứ, Tổng Công ty Bảo hiểm nhận thấy trong bộ chứng từ yêu cầu bồi thường có nhiều nội dung không tuân thủ quy định pháp luật và giả mạo, gian dối nhằm chiếm đoạt tiền chi trả bảo hiểm, cụ thể :
- Toàn bộ các sổ sách chứng từ kế toán không tuân thủ theo quy định về chế độ kế toán đối với hộ kinh doanh cá thể tại Quyết định số 169-2000/QĐ-BTC và Quyết định số 131-2002/QĐ-BTC. Toàn bộ các hoạt động mua hàng chỉ ghi sổ tay, không kèm theo hóa đơn, chứng từ và hợp đồng mua bán, không mở sổ kế toán theo quy định, không cung cấp được chứng từ kế toán thuộc danh mục hệ thống các chứng từ kế toán bắt buộc theo quy định của Bộ Tài Chính đối với hộ kinh doanh cá thể.
- Toàn bộ chứng từ mua hàng của Công ty TNHH TM Tuấn Anh có địa chỉ tại Km 15 Quốc lộ 5 Anh Hưng, An Dương, Hải Phòng có giá trị 3.520.671.130 đồng là giả mạo.
- Hai hóa đơn bán hàng trị giá 1.105.877.000đ của Công ty TNHH TM Đức Thịnh có địa chỉ tại số 18 Ghẽ Hạ, xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên, Hà Nội bán cho bà Nguyễn Thị P do bà P cung cấp có nội dung, chữ ký trên hóa đơn không phải của Công ty TNHH TM Đức Thịnh viết và ký.
- Xác minh tại Công ty TNHH Ngọc Long có địa chỉ tại số 46 Hàng Điếu - Cửa Đông, Hoàn Kiếm, Hà Nội về lượng hàng hóa bán cho bà Nguyễn Thị P ở địa chỉ trên do bà P cung cấp. Kế toán Công ty xác nhận từ 01/01/2016 đến 04/08/2016 chỉ bán cho bà P trên 300.000.000đồng tiền hàng, theo số liệu bà P cung cấp có mua của Công ty TNHH Ngọc Long trị giá tiền hàng lên tới số tiền 2.255.207.200đồng.
Theo hồ sơ đề nghị chi trả tiền bảo hiểm cháy do rủi ro của bà P, căn cứ vào kết quả tài liệu xác minh như đã nêu trên, đối chiếu quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm; Quy tắc bảo hiểm hỏa hoạn và các rủi ro đặc biệt, bà P đã vi phạm quy định về nghĩa vụ của người được bảo hiểm, kê khai không trung thực các chi tiết liên quan đến hợp đồng bảo hiểm và đặc biệt là có hành vi gian lận bằng thủ đoạn làm giả hóa đơn chứng từ kê khai khống giá trị tài sản bị thiệt hại nhằm thu lợi từ hợp đồng bảo hiểm. Hành vi này thuộc điểm loại trừ theo hợp đồng bảo hiểm nên bị mất tất cả các quyền lợi theo hợp đồng bảo hiểm. Vì vậy, Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm B từ chối bồi thường tiền bảo hiểm cho bà P và không đồng ý với yêu cầu khởi kiện đòi bồi thường nêu trên.
Tại bản án dân sự sơ thẩm số 03/2018/DSST ngày 28/01/2019 của Tòa án nhân dân quận Ba Đình, Hà Nội đã xét xử:
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị P “Tranh chấp hợp đồng bảo hiểm ” đối với Tổng công ty cổ phần bảo hiểm B
2. Buộc Tổng công ty cổ phần bảo hiểm B thanh toán cho bà P tổng số tiền theo HĐBH số 00000159/HD/016-PKD6/TS.3.2/2016 ngày 10/6/2016 và văn bản sửa đổi bổ sung bảo hiểm hoả hoạn và các rủi ro đặc biệt số 01/SDBD/00000159/HD/016-PKD6/TS.3.2/2016 ngày 24/6/2016 là 20.841.233.308 đồng (Hai mươi tỷ tám trăm bốn mươi mốt triệu hai trăm ba mươi ba ngàn ba trăm lẻ tám đồng), trong đó:
- Thiệt hại nhà xưởng theo HĐBH là 16.230.000.000 đồng (mười sáu tỷ hai trăm ba mươi triệu) đồng.
- Thiệt hại máy móc theo kết luận giám định là 638.117.707 (Sáu trăm ba mươi tám triệu một trăm mười bảy nghìn bảy trăm linh bảy) đồng.
- Lãi suất: 3.703.615.601 (Ba tỷ bảy trăm linh ba triệu sáu trăm mười lăm ngàn sáu trăm linh một) đồng.
- Chi phí cứu hoả 100.000.000 (một trăm triệu) đồng - Chi phí dọn dẹp 100.000.000, khấu trừ 40.000.000 đồng bà P bán phế liệu khi dọn dẹp, còn lại 60.000.000 (sáu mươi triệu) đồng.
- Chi phí giám định: 109.500.000 (Một trăm lẻ chín triệu năm trăm ngàn) đồng.
Ngoài ra bản án còn tuyên về phần án phí, quyền kháng cáo và nghĩa vụ thi hành án của các bên đương sự Không đồng ý với quyết định của bản án sơ thẩm, ngày 29/01/2019 Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm B đã có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Đề nghị Toà án cấp phúc thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, nhất trí với bản án sơ thẩm và đề nghị Toà án cấp phúc thẩm giữ nguyên bán án sơ thẩm.
Bị đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo, đề nghị Toà án cấp phúc thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án. Luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị đơn đề nghị Hội đồng xét xử:
- Trưng cầu giám định bổ xung để xác định giá trị tổn thất về hàng hoá làm cơ sở giải quyết việc bồi thường thiệt hại;
- Toà án cấp sơ thẩm tính lãi suất trên khoản tiền phải bồi thường từ ngày 18/3/2016, trước ngày xảy ra hoả hoạn là không có cơ sở;
- Toà án cấp sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng khi không đưa các Công ty Giám định vào tham gia tố tụng.
Trong trường hợp không trưng cầu giám định bổ sung thì đề nghị Toà án cấp phúc thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và huỷ toàn bộ bản án sơ thẩm.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội phát biểu ý kiến:
Về tố tụng: Những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng chấp hành đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự;
Về nội dung: Sau khi phân tích nội dung vụ án và xem xét đơn kháng cáo của bị đơn, đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị Hội đồng xét xử cho tạm ngừng phiên toà để tiến hành xác minh tại Cơ quan Thuế quản lý các Công ty TNHH TM Tuấn Anh, Công ty TNHH Ngọc Long và Công ty TNHH TM Đức Thịnh, yêu cầu cung cấp các hoá đơn bán hàng hoá cho hộ kinh doanh của bà P, trên cơ sở đó mới có căn cứ xác định tính hợp pháp của hàng hoá mà bà P nhập vào tại thời điểm bà P kê khai thiệt hại. Trường hợp không tạm ngừng phiên toà để tiến hành xác minh thì đề nghị Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm căn cứ khoản 3 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự huỷ bản án sơ thẩm do Toà án cấp sơ thẩm thu thập chứng cứ chưa đầy đủ.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, được thẩm tra tại phiên toà và căn cứ vào kết quả tranh luận công khai tại phiên toà, Hội đồng xét xử nhận định:
1. Về tố tụng:
- Bị đơn Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm B có đơn kháng cáo trong thời hạn luật định, đã nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm nên xác định là hợp lệ.
- Theo đề nghị của bị đơn và xét thấy cần thiết có sự tham gia của Công ty TNHH Giám định và tư vấn kỹ thuật (R) và Công ty Cổ phần Giám định S. Sau khi xem xét giấy tờ và các văn bản uỷ quyền, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm chấp nhận ông Nguyễn Anh Tú và ông Vũ Văn Hội là người đại diện theo uỷ quyền của hai Công ty giám định nêu trên tham gia tại phiên toà phúc thẩm với tư cách là Người làm chứng.
2. Về nội dung: Xét yêu cầu kháng cáo của bị đơn, Hội đồng xét xử xét thấy:
2.1 Xét căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường bảo hiểm Ngày 10 tháng 06 năm 2016 bà P và Công ty Bảo hiểm B Thăng Long thuộc Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm B đã ký Hợp đồng bảo hiểm số 00000159/HD/016-PKD6/TS.3.2/2016 với số tiền bảo hiểm là 15.000.000.000đồng.
Ngày 24/06/2016, bà P và Công ty Bảo hiểm B Thăng Long đã ký kết văn bản sửa đổi bổ sung Hợp đồng bảo hiểm hỏa hoạn và các rủi ro đặc biệt số 01/SDBD/00000159/HD/016-PKD6/TS.3.2/2016, theo văn bản sửa đổi, hai bên thống nhất tăng số tiền bảo hiểm thêm 5.000.000.000đồng, nâng tổng số tiền bảo hiểm lên 20.000.000.000đồng.
Thời hạn bảo hiểm từ 16h00’ ngày 23/06/2016 đến 16h00’ ngày 23/06/2017. Bà P đã nộp đầy đủ tổng mức phí bảo hiểm là 50.000.000đồng theo Hợp đồng bảo hiểm hai bên đã ký kết.
Vào khoảng 20h20’ ngày 03/08/2016, xưởng sản xuất, kinh doanh đồ nội thất của bà P bị cháy, ngay sau khi xảy ra sự việc, bà P đã báo cho Tổng Công ty Bảo hiểm và các cơ quan chức năng có mặt và cùng lập biên bản, xác nhận toàn bộ nhà xưởng, nguyên liệu để sản xuất hàng hoá như da, mút, bông, PE…cháy rụi toàn bộ, máy móc hư hỏng không còn sử dụng được.
Căn cứ Hợp đồng hai bên đã ký kết, bà P đã có Đơn yêu cầu bồi thường kèm theo tài liệu, chứng từ làm cơ sở yêu cầu bồi thường gửi Tổng Công ty Bảo hiểm. Quá trình xem xét, Tổng Công ty Bảo hiểm cho rằng bà P có dấu hiệu gian dối, không trung thực trong quá trình kê khai tổn thất, làm giả hóa đơn chứng từ mua bán với Công ty TNHH TM Tuấn Anh, Công ty TNHH Ngọc Long và Công ty TNHH TM Đức Thịnh, có dấu hiệu của việc trục lợi bảo hiểm nên đã làm đơn tố cáo bà P đến cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội đề nghị xem xét xử lý đồng thời từ chối bồi thường cho bà P.
Ngày 14/09/2016, cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Thạch Thất đã ra Thông báo số 382 về nội dung kết luận giám định và xác định nguyên nhân cháy: “Do chập mạch điện trên đường dây dẫn điện làm cháy lớp vỏ cách điện, tàn lửa rơi xuống gây cháy hàng hóa sau đó cháy lan ra xung quanh dẫn đến vụ cháy”.
Ngày 30/09/2016, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Thạch Thất đã có Bản kết thúc điều tra số 104/CQĐT, kết luận: “Cơ sở sản xuất, kinh doanh của bà P có đảm bảo quy định về công tác phòng cháy chữa cháy, nguyên nhân cháy là do chập mạch điện trên đường dây dẫn trong nhà xưởng dẫn đến cháy toàn bộ nhà xưởng và hàng hóa, thiết bị máy móc phục vụ sản xuất của cơ sở. Vụ việc không có dấu hiệu tội phạm nên không khởi tố vụ án hình sự”.
Ngày 23/11/2017, cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội đã có Quyết định số 08/QĐ-PC44 về việc không khởi tố vụ án hình sự và kết luận: Việc mua bán hàng hóa là có thật, không có dấu hiệu tội phạm nên không có cơ sở khởi tố bà P về hành vi giả mạo hồ sơ, chứng từ hóa đơn liên quan đến Công ty TNHH Ngọc Long, Công ty TNHH TM Đức Thịnh và Công ty TNHH TM Tuấn Anh. Không khởi tố vụ án hình sự đối với nội dung đơn tố giác tội phạm của Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm B đối với bà P.
Không đồng ý với Quyết định số 08/QĐ-PC44 của cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội, Tổng Công ty Cổ phẩn Bảo hiểm B đã khiếu nại đối với Quyết định nêu trên.
Ngày 04/01/2018 Công an thành phố Hà Nội đã có Quyết định giải quyết khiếu nại số 10/QĐ-CQĐT-PC44, xác định bà P mua hàng hóa của Công ty TNHH Ngọc Long, Công ty TNHH TM Đức Thịnh và Công ty TNHH TM Tuấn Anh là có thật; không đủ cơ sở kết luận bà P có hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của Tổng Công ty Cổ phẩn Bảo hiểm B thông qua việc kê khai chứng từ, tài liệu chứng minh đã mua hàng hóa của Công ty TNHH Ngọc Long, Công ty TNHH TM Đức Thịnh và Công ty TNHH TM Tuấn Anh; xác định đây là vụ việc dân sự, không có dấu hiệu tội phạm và không khởi tố vụ án hình sự.
Do các bên không thỏa thuận được việc bồi thường bảo hiểm nên bà P khởi kiện yêu cầu Tổng Công Ty Cổ phần Bảo hiểm B phải trả cho bà P số tiền bảo hiểm theo Hợp đồng đã ký và lãi suất chậm thanh toán tiền bảo hiểm theo quy định của pháp luật.
Xét Hợp đồng bảo hiểm hỏa hoạn và các rủi ro đặc biệt số 00000159/HD/016-PKD6/TS.3.2/2016 và văn bản sửa đổi bổ sung Hợp đồng bảo hiểm hỏa hoạn và các rủi ro đặc biệt số 01/SDBD/00000159/HD/016- PKD6/TS.3.2/2016, được ký kết giữa bà Nguyễn Thị P và Công ty Bảo hiểm B Thăng Long. Về hình thức và nội dung Hợp đồng phù hợp với quy định tại Điều 13, Điều 14 Luật Kinh doanh bảo hiểm nên có hiệu lực đối với các bên tham gia ký kết.
Căn cứ vào các điều, khoản trong Hợp đồng bảo hiểm mà Công ty Bảo hiểm B Thăng Long và bà P thỏa thuận. Tại Điều 3 của Hợp đồng các bên thỏa thuận về trách nhiệm bồi thường: “Trách nhiệm bồi thường của bên B sẽ chỉ phát sinh với điều kiện bên A thanh toán phí đầy đủ và đúng theo thời hạn quy định nêu trên. Trong trường hợp bất kỳ khoản phí bảo hiểm nào không được thanh toán đầy đủ cho bên B theo thời hạn thanh toán nêu trên thì hợp đồng bảo hiểm sẽ tự động chấm dứt trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác”.
Trong trường hợp này bà P đã thực hiện đúng và thanh toán đầy đủ mức phí bảo hiểm 50.000.000 đồng tương đương với tỉ lệ phí bảo hiểm 0,25% trên số tiền bảo hiểm 20.000.000.000đồng. Đối tượng bảo hiểm là hàng hóa, nguyên vật liệu (Nội thất, ghế sofa, mút PE, bông ép, da các loại, vải, chăn, ga, gối, đệm…) Nhà xường, máy móc, thiết bị…và bà P đã được cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm, tuy nhiên sau khi thiệt hại xảy ra, bà P có yêu cầu được bồi thường tiền bảo hiểm như đã thỏa thuận ký kết trong Hợp đồng, Tổng Công ty Bảo hiểm cho rằng bà P không đủ điều kiện để được bồi thường bảo hiểm về hàng hóa do không xuất trình được sổ sách theo theo mẫu của Bộ Tài Chính và hóa đơn chứng từ tài chính theo đúng quy định, không chấp hành chế độ kế toán hộ kinh doanh nên không có căn cứ giám định thiệt hại về tổn thất hàng hóa; có dấu hiệu của việc trục lợi bảo hiểm nên bị mất quyền lợi bảo hiểm theo Hợp đồng .
Xem xét đối với điều kiện kinh doanh của bà P, Hội đồng xét xử xét thấy: ngày 01/10/2009, bà P được Ủy ban nhân dân huyện Thạch Thất cấp Giấy chứng chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh số 01T8002933. Tại Công văn số 3554/CV-CCT ngày 01/11/2017 của Chi Cục Thuế Thạch Thất gửi Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội xác nhận, hộ kinh doanh của bà P nộp thuế theo phương pháp khoán; trong thời gian kinh doanh hộ bà P chấp hành tốt nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Căn cứ vào Thông tư 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của Bộ Tài Chính thì hình thức nộp thuế theo phương pháp khoán không phải chịu thuế giá trị gia tăng nên không bắt buộc bà P khi mua bán hàng hóa phải có hóa đơn giá trị gia tăng.
Mặt khác theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định: “Ngoài những nội dung quy định tại khoản 1 Điều này, hợp đồng bảo hiểm có thể có các nội dung khác do các bên thoả thuận.” Tuy nhiên khi ký kết hợp đồng, Công ty Bảo hiểm B Thăng Long biết rõ bà P là hộ kinh doanh cá thể nhưng các bên không có thỏa thuận trong trường hợp hộ kinh doanh của bà P không có hóa đơn giá trị gia tăng thì căn cứ vào hình thức hay phương pháp nào để xác định giá trị hàng hóa bị thiệt hại khi xảy ra sự kiện cháy (nổ) làm cơ sở giải quyết yêu cầu bồi thường và cũng không thoả thuận nội dung này vào điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm.
Để có căn cứ xác định giá trị hàng hóa, tài sản bị thiệt hại làm cơ sở xác định trách nhiệm bồi thường bảo hiểm cho người được bảo hiểm, quá trình giải quyết vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm đã tiến hành xác minh tại các cơ sở và doanh nghiệp kinh doanh mua bán hàng hóa với bà P. Tại nhiều cơ sở kinh doanh khác nhau trong đó có công ty TNHH TM Tuấn Anh, Công ty TNHH Ngọc Long, Công ty TNHH TM Đức Thịnh… đều xác định việc mua bán hàng hóa với bà P là có thật, khi mua bán hàng hóa các bên thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt, có mặt hàng thanh toán hết tiền, có mặt hàng còn nợ lại. Khi bà P còn nợ lại tiền thì bên bán và bên mua vào sổ ghi nợ và thanh toán gối đầu khi mua hàng lần sau. Quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên toà, bà P trình bày số hàng hoá bị thiệt hại lớn hơn số hàng hoá tại thời điểm ký kết Hợp đồng bảo hiểm, tuy nhiên do bà P mua bảo hiểm với số tiền bảo hiểm là 20 tỉ đồng nên bà P chấp nhận thiệt hại. Trình bày của bà P cũng phù hợp với Biên bản xác minh tại Uỷ ban nhân dân xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, Hà Nội ngày 23/01/2017 cũng xác định: thiệt hại của chị Phúc ước tính khoảng 35 tỉ đồng. Tại Biên bản làm việc ngày 03/7/2018, đại diện theo ủy quyền của Công ty giám định S cũng có quan điểm, gia đình bà P là hộ kinh doanh cá thể chỉ cần chứng minh tài sản thiệt hại thuộc sở hữu của mình là đủ điều kiện để được bảo hiểm.
Đối với sổ sách ghi chép, hóa đơn, chứng từ mua bán hàng hóa theo bà P trình bày đã bị cháy trong cùng ngày 03/8/2016. Số sổ ghi chép mua bán hàng hóa, hóa đơn, phiếu xuất kho…(tự in) còn lại bà đã cung cấp cho Công ty giám định S và Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm B. Để chứng minh tài sản để trong nhà xưởng bị thiệt hại thuộc quyền sở hữu của mình, bà P đã cùng Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm B và Công ty giám định S đến các cơ sở, doanh nghiệp mua bán hàng hóa với bà P và đều được các cơ sở, doanh nghiệp khẳng định việc mua bán hàng hoá với bà P là có thật, bà P là khách hàng thường xuyên đồng thời cung cấp hóa đơn, chứng từ, phiếu xuất kho bán hàng cho Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm và Công ty giám định S xem xét, đối chiếu.
Tại phiên tòa phúc thẩm người đại diện theo ủy quyền của Công ty giám định S khẳng định đã có mặt tại hiện trường vào ngày 04/8/2016 (sau 01 ngày xảy ra hỏa hoạn). Theo Biên bản giám định hiện trường ngày 4/8/2016 (BL 203) thể hiện mức độ tổn thất sơ bộ: Một phần nhà xưởng sản xuất (kết cấu trụ BTCT, tường gạch xây bao đỡ hệ vì kèo thép tôn lợp mái) bị biến dạng do nhiệt, đổ sập một phần; Máy móc thiết bị, công cụ sản xuất (máy cắt mút, máy bắn ghim, máy khâu vv…) bị tổn thất theo nhiều mức độ khác nhau; Hàng hóa phàn lớn các hạng mục hàng hóa chứa bên trong nhà xưởng gồm thành phẩm (hàng mẫu), bán thành phẩm và nguyên vật liệu (da bọc ghế sofa, vải, kính tấm gỗ dạng thanh vv..) bị tổn thất hoàn toàn do cháy và nước chữa cháy . Tổng hợp sơ bộ thiệt hại về hàng hóa (BL222) thể hiện: - Hàng hóa không tổn thất là 627.843.579 đồng; hàng hóa tổn thất là 15.601.359.165đồng, trong phần ghi chú (BL215) thể hiện: S sẽ tham chiếu giá thị trường và tiếp tục điều chỉnh số liệu trong thời gian sớm nhất dự kiến ngày 16/12/2016. Báo cáo sơ bộ ngày 29/9/2016 (BL195 trang 42) Công ty giám định S tạm đưa ra mức dự phòng bồi thường đối với nhà xưởng là 1.000.000.000đồng gửi Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm B. Ngày 16/9/2016, Công ty giám định S cũng đã có kế hoạch kiểm tra bán hàng gửi Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm B (BL 200), tuy nhiên khi đang tiến hành thực hiện các hoạt động giám định thì Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm B đề nghị dừng lại vì cho rằng bà P có hành vi gian dối nhằm trục lợi bảo hiểm và gửi đơn sang cơ quan điều tra Công an Hà Nội để xử lý. Như vậy có thể xác định, mặc dù Công ty giám định S chưa có kết luận giám định chính thức tuy nhiên những tổng hợp sơ bộ ban đầu là cơ sở để xác định thiệt hại về tài sản và hàng hóa của bà P là rất lớn. Bà P là hộ kinh doanh không thuộc đối tượng nộp thuế giá trị gia tăng theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Quyết định 169-2000/QĐ-BTC ngày 25/10/2000 của Bộ Tài Chính về ban hành chế độ kế toán hộ kinh doanh nên không bắt buộc bà P phải mở sổ kế toán theo quy định tại Quyết định này. Việc xác minh người bán hàng cho bà P là một trong những phương pháp thu thập chứng cứ, trên cơ sở đó xác định quyền sở hữu tài sản để xác định giá trị hàng hóa thiệt hại làm căn cứ giải quyết bồi thường bảo hiểm như đề xuất kế hoạch kiểm tra bán hàng của Công ty giám định S gửi Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm B là có cơ sở và đúng quy định của pháp luật.
Để đảm bảo việc giải quyết vụ án khách quan, Tòa án cấp sơ thẩm cũng đã chỉ định Công ty TNHH giám định và tư vấn kỹ thuật (R) tiến hành giám định. Theo Báo cáo giám định số LO 718P070 ngày 06/12/2018 của Công ty giám định R thì tổn thất máy móc và nhà xưởng của bà P là: 638.117.707 đồng, về tổn thất hàng hóa thì không có cơ cở để tính toán. Xét thấy, tại thời điểm Công ty giám định R tiến hành giám định thì hiện trường xảy ra vụ cháy không còn. Tại phiên tòa phúc thẩm người đại diện theo ủy quyền của Công ty giám định R trình bày, Công ty không xuống hiện trường để giám định mà chỉ căn cứ vào tài liệu do Công ty giám định S cung cấp để tiến hành giám định. Do bà P không có sổ sách, hóa đơn chứng từ theo đúng Quyết định 169-2000/QĐ-BTC ngày 25/10/2000 và Quyết định 131/2002/QĐ-BTC, ngày 18/10/2002 của Bộ Tài Chính nên Công ty không có cơ sở để giám định thiệt hại về hàng hóa. Như đã phân tích và nhận định ở nội dung nêu trên, những thiệt hại về tài sản, hàng hoá của bà P là rất lớn, sự có mặt của Công ty giám định S tại thời điểm vừa xảy ra hoả hoạn là sự phản ánh khách quan nhất. Hộ kinh doanh của bà P không thuộc đối tượng nộp thuế giá trị gia tăng theo quy định tại các Quyết định nêu trên nên việc Tổng Công ty Bảo hiểm đề nghị căn cứ vào kết luận của Công ty giám định R chỉ chi trả cho bà P khoản tiền thiệt hại về máy móc và nhà xưởng của bà P 638.117.707đồng là không có căn cứ.
Đối với việc Tổng Công ty Bảo hiểm đề nghị cơ quan chức năng xem xét hành vi gian dối có dấu hiệu trục lợi bảo hiểm đã được Công an thành phố Hà Nội điều tra và kết luận việc mua bán hàng hóa với ba cơ sở doanh nghiệp là Công ty TNHH TM Tuấn Anh, Công ty TNHH Ngọc Long, Công ty TNHH TM Đức Thịnh là có thật, không có dấu hiệu tội phạm nên đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm B đã có khiếu nại và đã được Công an thành phố Hà Nội giữ nguyên quyết định không khởi tố vụ án hình sự.
Việc Công ty giám định S không tiếp tục thực hiện việc giám định lỗi thuộc về Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm B. Do vậy Tổng Công ty Cổ phần bảo hiểm B lấy lý do không có giám định giá trị tài sản thiệt hại thì không có căn cứ để bồi thường, trên cơ sở đó từ chối bồi thường bảo hiểm cho bà P là không có căn cứ chấp nhận. Căn cứ các nội dung đã thỏa thuận trong Hợp đồng bảo hiểm đối với đối tượng được bảo hiểm là nhà xưởng, máy móc và hàng hoá thì bà P đủ điều kiện để được bồi thường bảo hiểm.
Những phân tích trên đây cũng là căn cứ để Tòa án cấp phúc thẩm không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của Tổng Công ty Cổ phần bảo hiểm B.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị tạm ngừng phiên tòa để tiến hành xác minh thu thập thêm tài liệu chứng cứ tại Cơ quan Thuế, trên cơ sở đó yêu cầu các doanh nghiệp đã bán hàng cho bà P phải cung cấp hóa đơn giá trị gia tăng làm căn cứ xác định giá trị tài sản thiệt hại mới giải quyết bồi thường bảo hiểm. Như đã nhận định và phân tích ở nội dung nêu trên xác định Toà án cấp sơ thẩm đã tiến hành xác minh tại các cơ sở, doanh nghiệp bán hàng hóa với bà P, nội dung xác minh phù hợp với kết luận của cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội. Do vậy Hội đồng xét xử thấy không cần thiết phải tạm ngừng phiên toà, trên cơ sở đó không chấp nhận đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội huỷ bản án sơ thẩm.
Do vậy Tòa án cấp phúc thẩm giữ nguyên cách tính thiệt hại của Tòa án cấp sơ thẩm để buộc Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm B phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người được bảo hiểm.
2.2 Xác định thiệt hại bồi thường Theo Hợp đồng bảo hiểm các bên đã ký kết, giá trị Hợp đồng bảo hiểm là 20.000.000.000đồng, trong đó mức bảo hiểm nhà xưởng là 1.000.000.000đồng, bảo hiểm máy móc là 300.000.000đồng, bảo hiểm hàng hóa là 18.700.000.000đồng. Tại Điều 4 Hợp đồng bảo hiểm các bên thỏa thuận mức khấu trừ khoản tiền bà P phải tự gánh chịu trong trường hợp tổn thất xảy ra là 10% , như vậy mức bảo hiểm tối đa bà P được hưởng là 18.000.000.000đồng, trong đó mức bảo hiểm nhà xưởng là 900.000.000đồng; máy móc là 270.000.000đồng, hàng hóa là 16.830.000.000đồng.
Xác định số hàng hóa trưng bày tại Showroom không bị thiệt hại có giá trị là 600.000.000đồng, số tiền này được trừ vào phần giá trị hàng hóa bị thiệt hại phải bồi thường còn lại là 16.230.000.000đồng.
Do các bên không có khiếu nại về kết quả giám định của Công ty giám định R do Tòa án chỉ định nên giá trị tổn thất máy móc và nhà xưởng được xác định là 638.117.707đồng.
Tại khoản 3 Điều 2 Hợp đồng bảo hiểm các bên có thỏa thuận về chi phí cứu hỏa giới hạn là 100.000.000đồng; chi phí dọn dẹp hiện trường giới hạn 100.000.000 đồng. Xét thấy thỏa thuận này là phù hợp với chí phí thực tế nên yêu cầu được thanh toán 2 khoản tiền này của bà P là có cơ sở chấp nhận.
Tuy nhiên sau khi dọn dẹp hiện trường, bà P đã bán phế liệu được 40.000.000đồng, khoản tiền này được trừ vào nghĩa vụ thanh toán của Tổng Công ty Bảo hiểm. Số tiền chi phí dọn dẹp hiện trường còn lại Tổng Công ty Bảo hiểm phải chi trả cho bà P là 60.000.000đồng.
Theo quy định tại Điều 576 Bộ luật dân sự năm 2005 thì trong trường hợp bên bảo hiểm chậm trả tiền bảo hiểm thì phải chịu lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước quy định tại thời điểm trả tiền bảo hiểm. Tòa án cấp phúc thẩm xác định, thời điểm bà P nộp đơn và hồ sơ yêu cầu bồi thường được xác định là ngày 14/9/2016, đây là ngày Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm B nhận đơn và hồ sơ yêu cầu bồi thường. Căn cứ khoản 2 Điều 18 Thông tư 220/2010, ngày 30/12/2010 của Bộ Tài Chính hướng dẫn thực hiện chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc quy định: “Thời hạn thanh toán tiền bồi thường của doanh nghiệp bảo hiểm là 15 ngày kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ theo quy định”, như vậy việc tính lãi suất được xác định kể từ ngày 29/9/2016 tính đến ngày xét xử sơ thẩm. Tòa án cấp sơ thẩm xác định thời điểm tính lãi suất từ ngày 18/3/2016 là thời điểm cơ sở kinh doanh của bà P chưa xảy ra hỏa hoạn là không đúng,Tòa án cấp phúc thẩm cần sửa lại về phần này. Bà P có yêu cầu Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm B phải thanh toán lãi suất là phù hợp với quy định của pháp luật. Căn cứ Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11 tháng 01 năm 2019 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm. Trên cơ sở đó xác định lãi suất cơ bản là 9%/năm để buộc Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm B phải thanh toán tiền lãi cho bà P, cụ thể là: 16.230.000.000 đồng + 638.117.707 đồng + 100.000.000đồng + 60.000.000đồng = 17.028.117.707đồng x 9% x 28 tháng 14 ngày = 3.635.503.406đồng.
Ghi nhận sự tự nguyện của Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm B về việc thanh toán cho bà P số tiền 109.500.000đồng phí giám định tổn thất mà bà P đã tạm ứng thanh toán cho Công ty giám định R.
Tổng số tiền Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm B phải thanh toán cho bà P là 17.028.117.707đồng + 3.635.503.406 đồng + 109.500.000 đồng = 20.773.121.113đồng (Hai mươi tỷ, bảy trăm bảy ba triệu, một trăm hai mốt nghìn, một trăm mười ba đồng).
Trong phần tuyên án Tòa án cấp sơ thẩm tuyên phần thiệt hại về nhà xưởng là 16.230.000.000đồng và thiệt hại về máy móc là 638.117.707 là có sự nhầm lẫn, Toà án cấp phúc thẩm cần sửa lại về phần này.
Theo quy định của pháp luật, người phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015, tuy nhiên bản án sơ thẩm không tuyên nội dung này là thiếu sót, Tòa án cấp phúc thẩm sửa án sơ thẩm về cách tuyên và bổ sung thêm nội dung này cho phù hợp với quy định của pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự.
2. Về án phí: Yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn được chấp nhận toàn bộ nên bị đơn phải chịu tiền án phí dân sự sơ thâm.
Do sửa án sơ thẩm nên bị đơn phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 2 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự.
Căn cứ Điều 405, 567, 570, 571, 572, 573, 576, 579 Bộ luật dân sự 2005;
Căn cứ điểm e khoản 2 Điều 7; khoản 1 điểm b khoản 2 Điều 12, Điều 15, Điều 41, Điều 46 khoản 1, Điều 48 Luật kinh doanh bảo hiểm.
Căn cứ Thông tư 220/2010, ngày 30 /12/2010 của Bộ Tài Chính hướng dẫn thực hiện chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc;
Căn cứ Pháp lệnh số 10/2009/UBTVQH12 ngày 27 tháng 02 năm 2009 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án.
Căn cứ Nghị quyết 326/2016/NQ-UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Sửa bản án dân sự sơ thẩm số 03/2018/DSST ngày 28/01/2019 của Tòa án nhân dân quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.
Tuyên xử:
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị P yêu cầu thanh toán quyền lợi được bảo hiểm đối với Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm B.
2. Buộc Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm B phải thanh toán cho bà Nguyễn Thị P tổng số tiền theo Hợp đồng bảo hiểm số 00000159/HD/016- PKD6/TS.3.2/2016 ngày 10/6/2016 và văn bản sửa đổi bổ sung bảo hiểm hoả hoạn và các rủi ro đặc biệt số 01/SDBD/00000159/HD/016-PKD6/TS.3.2/2016 ngày 24/6/2016 là 20.773.121.113đồng (Hai mươi tỷ, bảy trăm bảy ba triệu, một trăm hai mốt nghìn, một trăm mười ba đồng) trong đó:
- Thiệt hại về hàng hóa theo Hợp đồng bảo hiểm là 16.230.000.000đồng.
- Thiệt hại về máy móc và nhà xưởng theo kết luận giám định của Công ty giám định R là 638.117.707đồng.
- Lãi suất tính đến ngày xét xử sơ thẩm là 3.635.503.406đồng.
- Chi phí cứu hoả 100.000.000đồng - Chi phí dọn dẹp 100.000.000 - 40.000.000đồng bà P bán phế liệu khi dọn dẹp, còn lại 60.000.000đồng.
- Chi phí giám định: 109.500.000đồng.
3. Bác các yêu cầu khác của các bên đương sự.
4. Về án phí:
- Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm B phải nộp 128.773.121 đồng án phí dân sự sơ thẩm và không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm. Số tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm 300.000 đồng đã nộp tại biên lai thu số 0005252 ngày 31/01/2019 tại Chi cục Thi hành án dân sự quận Ba Đình được trừ vào số tiền án phí dân sự sơ thẩm. Số tiền án phí Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm B còn phải nộp là 128.473.121đồng.
- Hoàn trả lại cho bà P số tiền 70.000.000đồng tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm đã nộp theo biên lai thu tiền số 8716 ngày 05/12/2016 tại Chi cục Thi hành án dân sự quận Ba Đình.
5. Kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015.
6. Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc cưỡng chế thi hành theo quy định các điều 6,7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại các Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Án xử công khai phúc thẩm, có hiệu lực thi hành kể từ ngày tuyên án./.
Bản án 154/2019/DSPT ngày 20/06/2019 về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm
Số hiệu: | 154/2019/DSPT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hà Nội |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 20/06/2019 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về