Bản án 15/2021/HS-ST ngày 05/02/2021 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK

BẢN ÁN 15/2021/HS-ST NGÀY 05/02/2021 VỀ TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

Ngày 05/02/2021, tại trụ sở TAND tỉnh Đắk Lắk, xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 07/2021/TLST-HS ngày 25 tháng 01 năm 2021, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 11/2021/QĐXXST-HS ngày 25/01/2021 đối với bị cáo:

Họ và tên: Đỗ Đức Th, sinh năm: 1963 tại tỉnh Đắk Lắk.

Nơi cư trú: Thôn TC, xã HH, huyện Q, tỉnh Đắk Lắk; Trình độ học vấn: 9/12; Nghề nghiệp: Kinh doanh; Dân tộc: Kinh; Quốc tịch: Việt Nam; tôn giáo: Thiên chúa; Con ông: Đỗ Minh L (đã chết) và bà: Phạm Thị C (đã chết). Gia đình bị cáo có 07 anh chị em, bị cáo là con thứ hai; Bị cáo có vợ là Nguyễn Thị Yến L1 sinh năm 1974 và có 03, con lớn nhất sinh năm 1997, con nhỏ nhất sinh năm 2004; Tiền án, tiền sự: Không.

Bị cáo Đỗ Đức Th bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 11/02/2020, hiện đang tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Đắk Lắk (Có mặt).

Người bào chữa cho bị cáo Đỗ Đức Th theo yêu cầu của Tòa án: Luật sư Nguyễn Đức D – Công ty Luật TNHH MTV ĐN, đoàn luật sư tỉnh Đắk Lắk.

Địa chỉ: Số 159, đường LTT, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk.

- Người bị hại:

+ Ông Nguyễn Văn K, sinh năm: 1955; trú tại: Thôn KC, xã DB, huyện Q, tỉnh Đắk Lắk (có mặt).

+ Bà Phạm Thị Kim C, sinh năm: 1964; trú tại: Thôn KC, xã DB, huyện Q, tỉnh Đắk Lắk (vắng mặt).

+ Ông Phạm Quyết T, sinh năm: 1979; trú tại: Thôn KC, xã DB, huyện Q, tỉnh Đắk Lắk (có mặt).

+ Bà Trần Thị T1, sinh năm: 1972; trú tại: Thôn 8, xã EB, huyện Q, tỉnh Đắk Lắk (có mặt).

- Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan: Bà Nguyễn Thị Yến L1, sinh năm: 1974; trú tại: Thôn TC, xã HH, huyện Q, tỉnh Đắk Lắk (vắng mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắc như sau:

Trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến năm 2005 Đỗ Đức Th sinh năm 1963, nơi cư trú: Thôn TC, xã HH, huyện Q, tỉnh Đắk Lắk có làm ăn mua bán cà phê nông sản nhỏ lẻ tại nhà và mở cửa hàng kinh doanh đồ điện gia dụng tại xã HH, huyện Q. Từ năm 2006 đến năm 2014, việc kinh doanh làm ăn bị thua lỗ nên Th phải bán một số tài sản để trả nợ, số tài sản còn lại Th đều thế đã chấp ngân hàng. Từ năm 2012, Th bắt đầu mở tài khoản và thực hiện giao dịch mua, bán cà phê trên sàn cà phê kỳ hạn và bị thua lỗ nên Th phải vay mượn tiền của nhiều người với lãi suất cao để trả nợ dẫn đến mất cân đối về tài chính (số tiền nợ nhiều hơn giá trị tài sản còn còn lại của Đỗ Đức Th, vượt quá khả năng trả nợ). Năm 2015 mặc dù đã mất khả năng trả các khoản nợ nhưng Th vẫn đưa thông tin gian dối đối với những người Th vay tiền để làm ăn, đầu tư công trình điện, đáo hạn ngân hàng…. Sau khi vay được tiền, Th không đầu tư làm ăn, kinh doanh mà dùng tiền vay được trả tiền gốc, tiền lãi cho những người Th vay trước đó cũng như tiếp tục mua, bán cà phê trên sàn cà phê kỳ hạn và bị thua lỗ. Cuối năm 2016, do không có tiền trả nợ nên Th bỏ trốn khỏi địa phương. Với thủ đoạn như trên, bị cáo Đỗ Đức Th đã thực hiện 03 vụ lừa đảo, chiếm đoạt tổng số tiền 8.822.000.000 đồng (Tám tỷ tám trăm hai mươi hai triệu đồng) cụ thể như sau:

Vụ thứ nhất: Chiếm đoạt tiền của vợ chồng ông Nguyễn Văn K sinh năm 1955, bà Phạm Thị Kim C sinh năm 1964, trú tại Thôn KC, xã DB, huyện Q, tỉnh Đắk Lắk.

Từ năm 2005 đến năm 2014 do có quen biết từ trước nên Th đã nhiều lần bán nông sản cho Đại lý “KC” và vay mượn tiền của vợ chồng ông K, bà C từ vài trăm triệu đồng đến một tỷ đồng, việc mua bán, vay mượn đều thanh toán đầy đủ, đúng hẹn nên có uy tín, được vợ chồng ông K, bà C tin tưởng.

Khoảng đầu năm 2015, Th đặt vấn đề vay của vợ chồng ông K, bà C số tiền 1.740.000.000 đồng nói để đầu tư công trình điện tại xã DB, huyện Q. Ngày 06/4/2015 Th tiếp tục vay số tiền 1.120.000.000 đồng nói để trả tiền ngân hàng lấy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Th đang thế chấp ra rồi bán lấy tiền trả nợ cho ông K, bà C và viết gộp hai khoản vay vào chung một giấy vay với tổng số tiền là 2.860.000.000 đồng, bỏ giấy vay trước đó, hẹn đến ngày 06/7/2015 trả. Sau khi vay được tiền, Th không đầu tư công trình điện, không rút tài sản thế chấp về bán trả nợ cho ông K, bà C mà Th dùng số tiền đi trả tiền gốc và lãi vay nóng của nhiều người mà Th đã vay trước đó khoảng 1.600.000.000 đồng. Nhưng do thời gian đã lâu nên Th không nhớ tên tuổi cụ thể, dùng trả tiền lãi vay ngân hàng cho gia đình Th số tiền 700.000.000 đồng, mua bán cà phê trên sàn giao dịch cà phê kỳ hạn lỗ khoảng 500.000.000 đồng và còn lại ít tiền Th sử dụng tiêu xài cá nhân. Đến hạn trả nợ, ông K, bà C đòi tiền nhiều lần nhưng Th lấy lý do tiền đang đầu tư vào công trình điện chưa thu về được và tiếp tục hứa hẹn kéo dài thời gian trả nợ. Đến tháng 11/2016, Th đặt vấn đề vay số tiền 2.500.000.000 đồng để trả ngân hàng, lấy các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Th ra rồi làm ủy quyền cho ông K, bà C đứng tên để dùng tư cách pháp nhân của đại lý “KC” vay ngân hàng số tiền 5.000.000.000 đồng trong đó Th sẽ trả ông K, bà C số tiền 2.900.000.000 đồng, số tiền nợ còn lại Th làm ăn trả dần. Do muốn lấy lại số tiền đã cho vay trước đó nên ngày 29/11/2016, bà C đã cho Th vay số tiền 1.900.000.000 đồng (do bà C không có đủ số tiền 2.500.000.000 đồng) hẹn ngày 10/12/2016 sẽ trả tiền theo thỏa thuận trên. Sau khi vay được tiền của ông Kim, bà C thì Th đã đem tiền đáo hạn ngân hàng cho ông T3 và bà M mẹ vợ của Th số tiền 300.000.000 đồng, trả tiền vay nóng cho anh T4 không rõ nhân thân lai lịch số tiền 300.000.000 đồng, trả tiền lãi nóng khoảng 1.000.000.000 đồng cho một số người ở huyện Q nhưng do thời gian đã lâu và vay nhiều người nên Th không nhớ rõ tên tuổi của những người này còn khoảng 300.000.000 đồng Th đã sử dụng tiêu xài cá nhân. Hiện Th đang nợ ông K, bà C là 4.760.000.000 đồng (Bốn tỷ bảy trăm sáu mươi triệu đồng). Ngày 09/12/2016 do không có tiền trả cho ông K, bà C nên Th bỏ trốn khỏi địa phương.

Như vậy, Đỗ Đức Th đã chiếm đoạt của vợ chồng ông K và bà C số tiền 4.760.000.000 đồng (Bốn tỷ bảy trăm sáu mươi triệu đồng).

Vụ thứ hai: Chiếm đoạt tiền của ông Phạm Quyết T, sinh năm 1979, trú tại Thôn KC, xã DB, huyện Q, tỉnh Đắk Lắk Do quen biết với ông T trong việc mua bán cà phê trước đó nhiều lần. Nên năm 2014 - 2015 Th đặt vấn đề vay tiền của ông T nhiều lần, nói để đầu tư công trình điện, làm ăn, kinh doanh… các lần vay mượn đều viết giấy tờ biên nhận và được Th thanh toán đầy đủ, đúng hẹn nên đến năm 2016 thì ông T lại tin tưởng và tiếp tục cho Th vay số tiền 1.100.000.000 đồng trong hai lần cụ thể là:

Lần thứ nhất: vào ngày 16/7/2016 Th vay của ông T số tiền 600.000.000 đồng việc vay mượn hai bên có viết giấy vay tiền và hẹn ngày 16/11/2016 sẽ trả.

Lần thứ hai: vào ngày 09/11/2016, Th tiếp tục vay của ông T số tiền 500.000.000 đồng, có viết giấy vay tiền và hẹn ngày 09/12/2016 sẽ trả.

Tổng số tiền Th vay của ông T là 1.100.000.000 đồng (Một tỷ một trăm triệu đồng). Khi vay Th đã đưa ra thông tin gian dối là nói vay tiền về để đầu tư làm ăn nhưng thực chất số tiền vay được từ ông T, Th đã mua bán trên sàn giao dịch cà phê có kỳ hạn và bị thua lỗ hết khoảng 200.000.000 đồng, trả nợ tiền lãi nóng cho một số người mà Th đã vay từ trước, Th không nhớ tên tuổi cụ thể với số tiền khoảng 900.000.000 đồng. Đến hạn trả nợ cho ông T thì Th không trả mà chiếm đoạt số tiền trên rồi bỏ trốn.

Như vậy, Đỗ Đức Th đã chiếm đoạt của ông T số tiền 1.100.000.000 đồng (Một tỷ một trăm triệu đồng).

Vụ thứ ba: Chiếm đoạt tiền của bà Trần Thị T1 sinh năm 1972, trú tại thôn 8, xã EB, huyện Q, tỉnh Đắk Lắk.

Năm 2013 – 2014, qua mối quan hệ quen biết, Đỗ Đức Th vay tiền của bà T1 nhiều lần, số tiền vay từ 100.000.000 đồng đến 1.200.000.000 đồng, thỏa thuận lãi suất miệng là 1.200 đồng/1.000.000 đồng/1 ngày, thời gian vay từ ba đến năm ngày và Th đều thanh toán đầy đủ, đúng hạn nên được bà T1 tin tưởng.

Khoảng đầu năm 2015, mặc dù đã mất khả năng trả nợ nhưng Th vẫn đưa ra thông tin cần tiền để đáo hạn ngân hàng nên Th đã hỏi vay bà T1 bốn lần nói để đáo hạn ngân hàng; nộp tiền thuế mua đất của ông L (chú vợ của Th), mua trụ trồng tiêu, mua thiết bị điện... và thống nhất viết gộp bốn lần vay trên thành 01 giấy vay tổng số tiền là 962.000.000 đồng hẹn 10 ngày trả. Đến hẹn Th không có tiền để trả nợ cho bà T1. Do bà T1 đòi nợ nhiều lần nên Th hẹn cuối năm thu hoạch cà phê sẽ trả cho bà T1 26 tấn cà phê nhân xô (theo giá 37.000.000 đồng/tấn) rồi giữa Th và bà T1 có lập 01 Hợp đồng mua bán cà phê đề ngày 11/10/2016, hẹn ngày 30/12/2016 sẽ giao cho bà T1 số cà phê trên.

Khoảng cuối tháng 8/2016 đến giữa tháng 9/2016, Th vay bà T1 03 lần nói để đầu tư dự án thủy điện ở huyện K, tỉnh Đắk Lắk. Ngày 20/9/2016 Th gộp chung 03 lần vay và viết giấy vay tổng số tiền là 2.000.000.000 đồng của bà T1, hẹn ngày 30/10/2016 trả. Nhưng thực chất Th không dùng tiền vay của bà T1 để đầu tư vào dự án thủy điện mà Th dùng tiền này để trả nợ cho những khoản vay trước đó mà Th không nhớ tên tuổi cụ thể số tiền khoảng 2.100.000.000 đồng, đáo hạn ngân hàng cho khoản vay của gia đình Th là 500.000.000 đồng, số tiền còn lại do thời điểm chốt giá cà phê thấp mà cuối năm giá cà phê tăng cao nên Th bị thua lỗ. Tổng số tiền Th vay và còn nợ của bà T1 là 2.962.000.000 đồng (Hai tỷ chín trăm sáu mươi hai triệu đồng). Đến hạn Th không trả mà chiếm đoạt rồi bỏ trốn.

Như vậy, Đỗ Đức Th đã chiếm đoạt của bà T1 số tiền 2.962.000.000 đồng (Hai tỷ chín trăm sáu mươi hai triệu đồng).

Tổng số tiền mà Đỗ Đức Th đã chiếm đoạt của các bị hại là 8.822.000.000 đồng (Tám tỷ tám trăm hai mươi hai triệu đồng). Đến ngày 11/02/2020, bị cáo bị bắt theo lệnh truy nã.

Tại Bản kết luận giám định số: 430/PC45 ngày 18/7/2017 của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Đắk Lắk kết luận: Chữ ký, chữ viết đứng tên Đỗ Đức Th trong các “giấy vay tiền” và “ Hợp đồng mua cà phê” do ông K, bà C, ông T, bà T1 cung cấp so với chữ ký và chữ viết của Đỗ Đức Th là do một người ký và viết ra (BL: 250-252).

Bản cáo trạng số: 90/CT-VKS-P3 ngày 18/9/2020 của Viện trưởng VKSND tỉnh Đắk Lắk, truy tố Đỗ Đức Th về tội: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điểm a khoản 4 Điều 139 luật Hình sự năm 1999.

Tại phiên tòa, đại diện VKSND tỉnh Đắk Lắk giữ nguyên quyết định truy tố đối với Đỗ Đức Th. Đồng thời phân tích, đánh giá tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo và đề nghị Hội đồng xét xử: Áp dụng điểm a khoản 4 Điều 139 Bộ luật Hình sự năm 1999, điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51, điểm g khoản 1 Điều 52 BLHS năm 2015; Xử phạt Đỗ Đức Th tù chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Buộc bị cáo phải bồi thường cho những người bị hại số tiền mà bị cáo đã chiếm đoạt, đồng thời tiếp tục kê biên và phong tỏa tài khoản của bị cáo để đảm bảo công tác thi hành án. Đối với quan điểm của luật sư về thủ tục tố tụng, cơ quan điều tra đã có Công văn gửi đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk cử người bào chữa cho bị cáo theo đúng quy định của pháp luật.

Quan điểm của Luật sư bào chữa cho bị cáo Đỗ Đức Th:

- Về tố tụng: Bị cáo bị khởi tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điểm a khoản 4 Điều 139 Bộ luật Hình sự năm 1999, có khung hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình. Theo quy định tại Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự thì việc lấy lời khai của bị cáo phải có mặt người bào chữa chỉ định, tuy nhiên một số biên bản lấy lời khai đối với bị cáo không có sự tham gia của người bào chữa nên không có giá trị pháp lý. Đề nghị Hội đồng xét xử kiến nghị với cơ quan điều tra để khắc phục các sai sót trong hoạt động tố tụng.

- Về nội dung: Thống nhất với quan điểm của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk về tội danh đã truy tố đối với bị cáo. Tuy nhiên, mức hình phạt mà đại diện Viện kiểm sát đề nghị là có phần nghiêm khắc bởi lẽ bị cáo đã tích cực hợp tác với cơ quan điều tra, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình. Mặc dù bị cáo chưa bồi thường, nhưng các quyền sử dụng đất của gia đình bị cáo mà cơ quan điều tra đã kê biên có giá trị lớn, có thể khắc phục phần nào thiệt hại vật chất do bị cáo gây ra. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét áp dụng hình phạt tù có thời hạn cho bị cáo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, xét hỏi, tranh luận tại phiên toà, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật tố tụng Hình sự. Mặc dù một số biên bản hỏi cung bị can không có sự tham gia của Luật sư, nhưng cơ quan điều tra đã có Công văn gửi đoàn Luật sự tỉnh Đắk Lắk cử người bào chữa cho bị can theo đúng quy định, trong giai đoạn điều tra đã có sự tham gia của Luật sư bào chữa nên đã đảm bảo. Quá trình điều tra, truy tố và tại phiên tòa, bị cáo và những người tham gia tố tụng không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2] Về hành vi phạm tội mà Viện kiểm sát đã truy tố và quan điểm bào chữa của luật sư, Hội đồng xét xử thấy rằng:

Lời khai của Đỗ Đức Th tại phiên tòa sơ thẩm là phù hợp với lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra, phù hợp với lời khai của người bị hại, và phù hợp với các tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án.

Như vậy, đã có đủ cơ sở pháp lý để kết luận: Trong khoảng thời gian từ năm 2015, mặc dù không còn khả năng tài chính nhưng bị cáo Đỗ Đức Th đã đưa ra các thông tin là bản thân cần vốn để đầu tư công trình điện, làm ăn, kinh doanh ... làm cho các bị hại tin tưởng để cho Th vay tiền. Sau khi lấy được tiền thì Đỗ Đức Th đã chiếm đoạt dùng để sử dụng vào mục đích cá nhân, không sử dụng đúng mục đích đã vay rồi bỏ trốn. Cụ thể, bị cáo đã chiếm đoạt của ông Nguyễn Văn K và bà Phạm Thị Kim C số tiền 4.760.000.000 đồng, chiếm đoạt của ông Phạm Quyết T số tiền 1.100.000.000 đồng và chiếm đoạt của bà Trần Thị T1 số tiền 2.962.000.000 đồng đồng. Tổng cộng, số tiền mà Đỗ Đức Th đã chiếm đoạt của các bị hại là 8.822.000.000 đồng (Tám tỷ tám trăm hai mươi hai triệu đồng).

Hành vi của Đỗ Đức Th đã phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm a khoản 4 Điều 139 Bộ luật Hình sự năm 1999.

Điều 139 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định:

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

……………… 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

[3] Tính chất vụ án do bị cáo gây ra là đặc biệt nghiêm trọng, không những trực tiếp xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản hợp pháp của người khác, mà còn gây mất ổn định trật tự trị an – an toàn xã hội. Bị cáo là người có đầy đủ khả năng nhận thức, điều khiển hành vi, biết rõ tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của người khác được pháp luật bảo vệ, mọi hành vi xâm phạm đều bị trừng trị nhưng với ý thức coi thường pháp luật, bị cáo vẫn cố ý thực hiện hành vi phạm tội. Số tiền mà bị cáo đã chiếm đoạt của các bị hại là rất lớn, gây ảnh hưởng về nhiều mặt đến cuộc sống những người bị hại. Sau khi phạm tội, bị cáo bỏ trốn, gây khó khăn cho quá trình xử lý vụ việc. Mặc dù cơ quan điều tra đã kê biên tài sản và phong tỏa tài khoản của bị cáo, nhưng các quyền sử dụng đất mà cơ quan điều tra đã kê biên là quyền sử dụng đất mà bị cáo cho rằng đã chuyển nhượng cho ông Nguyễn Văn H từ năm 2014 và đề nghị cơ quan điều tra xử lý trả lại cho ông Nguyễn Văn H. Do đó, những người bị hại vẫn chưa nhận được khoản tiền bồi thường nào từ bị cáo.

[4] Các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:

[4.1] Về tình tiết giảm nhẹ: Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình; những người bị hại ông Nguyễn Văn K, bà Trần Thị T1 đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo, do đó bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự.

[4.2] Về tình tiết tăng nặng: Bị cáo đã nhiều lần thực hiện hành vi phạm tội nên cần áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 BLHS.

Căn cứ tính chất, mức độ, hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như đã nêu trên. Mặt khác, hiện nay tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn ra ngày càng nhiều, gây thiệt hại lớn về kinh tế, ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự trị án, nên Hội đồng xét xử xét thấy cần phải xử phạt bị cáo mức án thật nghiêm khắc, cách ly bị cáo ra ngoài đời sống xã hội một thời gian dài mới đủ tác dụng giáo dục, cải tạo bị cáo và răn đe, phòng ngừa tội phạm ở địa phương.

[5] Về trách nhiệm dân sự: Buộc bị cáo Đỗ Đức Th phải bồi thường cho những người bị hại số tiền mà bị cáo đã chiếm đoạt. Cụ thể, bồi thường cho ông Nguyễn Văn K và bà Phạm Thị Kim C số tiền 4.760.000.000 đồng, ông Phạm Quyết T số tiền 1.100.000.000 đồng, bà Trần Thị T1 số tiền 2.962.000.000 đồng.

[6] Về xử lý vật chứng: Tiếp tục kê biên các tài sản và phong tỏa các tài khoản của Đỗ Đức Th để đảm bảo công tác thi hành án.

[7] Việc Đỗ Đức Th nhận chuyển nhượng 05 lô đất của ông Nguyễn Văn R, đồng thời vay tiền của ông Nguyễn Văn R, ông Nguyễn Bá Y, ông Nguyễn Văn H, ông Nguyễn Văn U, ông Đỗ Đức I, bà Vũ Thị P. Quá trình điều tra bổ sung, những người này xác nhận việc cho Đỗ Đức Th vay không có giấy biên nhận, không thỏa thuận thời hạn trả và từ chối đối chất với Đỗ Đức Th, đồng thời cam đoan không khiếu nại gì nên Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk xác định không có căn cứ xử lý hình sự đối với Đỗ Đức Th về số tiền đã vay.

[8] Về án phí: Bị cáo Đỗ Đức Th phải chịu án phí hình sự và án phí dân sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

[1] Về tội danh và hình phạt.

Tuyên bố bị cáo Đỗ Đức Th phạm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Áp dụng điểm a khoản 4 Điều 139 Bộ luật Hình sự năm 1999; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự năm 2015.

Xử phạt: bị cáo Đỗ Đức Th tù chung thân. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị cáo bị bắt, ngày 11/02/2020.

[2] Về bồi thường thiệt hại:

Căn cứ khoản 1 Điều 48 Bộ luật Hình sự năm 2015;

Buộc bị cáo Đỗ Đức Th phải bồi thường cho ông Nguyễn Văn K và bà Phạm Thị Kim C số tiền 4.760.000.000 đồng; ông Phạm Quyết T số tiền 1.100.000.000 đồng; bà Trần Thị T1 số tiền 2.962.000.000 đồng.

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án, của người được thi hành án đối với khoản tiền bồi thường, cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án, theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.

[3] Về xử lý vật chứng:

Áp dụng Điều 128; Điều 129 Bộ luật tố tụng hình sự. Tiếp tục kê biên tài sản và phong tỏa các tài khoản của Đỗ Đức Th để đảm bảo cho việc thi hành án. Cụ thể:

[3.1] Kê biên những tài sản sau:

- Quyền sử dụng đất số P 028876 tại xã HH, huyện Q, tỉnh Đắk Lắk.

- Quyền sử dụng đất số X 809014 và R 608038 tại xã Ea Na, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk.

- Số tiền 39.876.776 đồng tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Chi nhánh huyện Q, Đắk Lắk.

[3.2] Phong tỏa các tài khoản ngân hàng của Đỗ Đức Th:

- Tài khoản số 5229205051461 tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Chi nhánh huyện Q.

- Tài khoản số 050026243979 và số 050058811200 tại Ngân hàng Sacombank Chi nhánh Đắk Lắk, Phòng giao dịch Cư Kuin.

- Tài khoản số 0231000435238 tại Ngân hàng Vietcombank Chi nhánh Đắk Lắk.

[4] Về án phí:

Áp dụng Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016, của Ủy ban thường vụ Quốc Hội. Bị cáo Đỗ Đức Th phải chịu 200.000đ án phí hình sự sơ thẩm và 112.482.200 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm.

[5] Về quyền kháng cáo: Báo cho bị cáo, người bị hại có mặt tại phiên tòa được quyền kháng cáo bản án sơ thẩm trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án. Người bị hại vắng mặt tại phiên tòa được quyền kháng cáo bản án sơ thẩm trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết hợp lệ theo quy định của pháp luật.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, Điều 7, Điều 7a và Điều 9 Luật thi hành án dân sự; Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1382
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 15/2021/HS-ST ngày 05/02/2021 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Số hiệu:15/2021/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Đăk Lăk
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 05/02/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký



  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;