TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH
BẢN ÁN 15/2017/HSST NGÀY 14/09/2017 VỀ TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN VÀ LÀM GIẢ CON DẤU, TÀI LIỆU CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC
Ngày 14 tháng 9 năm 2017, tại Trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình mở phiên toà xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 13/2017/HSST ngày 04 tháng 8 năm 2017, đối với:
Bị cáo: Cao Thị Thuý Q (Tên gọi khác: H); sinh ngày 28/9/1988, Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: Tổ dân phố 10, phường Đ, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình; chỗ ở trước khi bị bắt: Số 15, đường Hà Văn C, phường Đ, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình; trình độ văn hoá: Lớp12/12; nghề nghiệp: Kinh doanh; con ông Cao Xuân M và bà Lê Thị Q; Chồng, con: Chưa có; tiền án: Không; tiền sự: Không; bị bắt tạm giam ngày 12/01/2017, hiện đang bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Bình, có mặt.
- Người bào chữa cho bị cáo Cao Thị Thuý Q tại phiên toà sơ thẩm:
Luật sư Dương Thị Thuý Hoà, Văn phòng Luật sư Minh Giang, Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Bình, có mặt.
- Người bị hại:
- Ông Nguyễn Ngọc H, sinh năm 1971, trú tại thôn M, xã B, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, vắng mặt, có đơn đề nghị xét xử vắng mặt;
Ông Lê Văn H, sinh năm 1948, trú tại Thôn 3, xã H, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, vắng mặt;
Ông Lê Văn D, sinh năm 1967, trú tại: Tổ dân phố 10, phường Đ, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, có mặt;
Bà Hồ Thị L, sinh năm 1978, trú tại: Tổ dân phố 3, phường B, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, có mặt;
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
Bà Trần Khánh T, sinh năm 1985, trú tại: Số nhà 132, đường H, phường Đ, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, vắng mặt;
Ông Cao Xuân M, (bố đẻ bị cáo Q), sinh năm 1956, trú tại: Tổ dân phố 10, phường Đ, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, có mặt;
Bà Đỗ Thị N, sinh năm 1996, trú tại: Thôn Q, xã L, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình, có mặt;
Ông Trần Văn B, sinh năm 1978, trú tại: Số nhà 33, đường L, phường Đ, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, có mặt;
Bà Bùi Thị T, sinh năm 1971, trú tại số nhà 24, đường P, phường Đ, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, có mặt.
Tại phiên toà vắng mặt các bị hại Nguyễn Ngọc H, Lê Văn H, Người có quyền lợi liên quan bà Trần Khánh T, người làm chứng nhưng bị cáo, Người bào chữa, Kiểm sát viên, các bị hại có mặt đều đề nghị xét xử vụ án, Hội đồng xét xử thấy những người vắng mặt đã có lời khai tại hồ sơ vụ án, không ảnh hưởng đến việc xét xử nên thống nhất vẫn tiến hành xét xử vụ án.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Qua các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và quá trình xét hỏi, tranh luận công khai tại phiên toà, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
- Về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản:
Trước khi chưa phạm tội, Cao Thị Thuý Q đã có thời gian làm việc tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (Vietinbank) Chi nhánh tỉnh Quảng Bình, vào tháng 3/2016, sau khi được điều chuyển công tác đến Phòng giao dịch huyện Lệ Thuỷ thì Cao Thị Thuý Q xin nghỉ việc về tự đầu tư, kinh doanh nhà nghỉ và bán cà phê. Quá trình kinh doanh bị thua lỗ nên Q đã phải nợ tiền của một số cá nhân. Để có tiền trả nợ, Q đã nảy sinh ý định lừa đảo bằng thủ đoạn tự giới thiệu mình là cán bộ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam Chi nhánh Quảng Bình, là cán bộ Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam Chi nhánh Quảng Bình, được Ngân hàng giao huy động vốn theo khoán chỉ tiêu, tìm gặp vận động người quen, hứa giúp đỡ xin việc làm ở Ngân hàng cho con của người có tiền gửi tiền tiết kiệm, hoặc tự đưa ra mức lãi cao hơn lãi suất mà các Ngân hàng đang áp dụng, tự đưa ra các chương trình khuyến mãi đối với người gửi tiền. Tin lời Q, từ tháng 10/2016 đến tháng 12/2016 có 5 người cung cấp thông tin cá nhân của mình để Q làm thẻ tiết kiệm mang tên họ và giao tiền gửi tiết kiệm cho Q với số tiền 1.328.000.000đ. Theo các thông tin cá nhân được người gửi tiền đưa ra, Q đã làm giả thẻ tiết kiệm giao cho họ để chiếm đoạt số tiền 1.228.000.000đ (một tỷ hai trăm hai mươi tám triệu đồng) của 04 bị hại. Cụ thể như sau:
Vụ thứ nhất: Vào khoảng tháng 10 năm 2016, lợi dụng mối quan hệ sẵn có, Q đã chủ động liên lạc với anh Nguyễn Ngọc H ở xã B, thành phố Đ, đặt vấn đề nhờ anh H gửi tiền tiết kiệm vào Ngân hàng Vietinbank thông qua Q để giúp Q đạt chỉ tiêu mà Ngân hàng giao. Tin lời Q, anh Nguyễn Ngọc H đã đồng ý gửi 500.000.000đ (năm trăm triệu đồng) và cung cấp các thông tin cá nhân theo yêu cầu của Q. Có được thông tin cá nhân của anh Nguyễn Ngọc H, Q đã gửi thư điện tử cho người chỉnh sửa trực tuyến nhờ chỉnh sửa thông tin trên phôi thẻ Vietinbank thay tên chủ sở hữu là NGUYEN NGOC H với số tiền gửi như đã thoả thuận. Sau khi thẻ tiết kiệm đã được chỉnh sửa theo yêu cầu, Q đến quán Photocopy Trần B sử dụng máy in màu để in ra thẻ tiết kiệm có kỳ hạn giả của Ngân hàng Vietinbank Chi nhánh Quảng Bình mang tên NGUYEN NGOC H rồi trực tiếp đến nhà đưa cho Nguyễn Ngọc H để nhận tiền.
Vụ thứ hai: Khoảng tháng 11 năm 2016, qua quan hệ và trao đổi, biết được bà Lưu Thị M, sinh năm 1967, là tiểu thương ở chợ B, Đồng Hới, Quảng Bình đang có nhu cầu xin cho con gái của mình vào làm việc tại Ngân hàng. Cao Thị Thuý Q đã mạo danh mình là cán bộ của Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) Chi nhánh Quảng Bình và hiện có quen biết với một số lãnh đạo của Ngân hàng dầu khí Việt Nam, có khả năng xin cho con bà M vào làm việc tại Ngân hàng này mà không cần phải đưa bất cứ khoản chi phí nào. Sau khi được bà M tin tưởng, Q giới thiệu các lợi ích từ chương trình huy động vốn của Ngân hàng Vietcombank và thuyết phục bà M gửi tiền để giúp Q đạt chỉ tiêu. Theo gợi ý của Q, bà Lưu Thị M đã đồng ý gửi số tiền 50.000.000đ (năm mươi triệu đồng) vào Ngân hàng Vietcombank Chi nhánh Quảng Bình thông qua Q với người đứng tên chủ sở hữu là ông Lê Văn D (chồng bà M). Khi được bà Lưu Thị M nhận lời sẽ gửi tiền, Q đã tự lấy thông tin cá nhân của Đỗ Thị N (trú tại L, Lệ Thuỷ, Quảng Bình, là nhân viên làm việc tại quán cà phê của Q) đi làm thẻ tiết kiệm với số tiền do Q tự bỏ ra là 1.000.000đ (một triệu đồng) tại Ngân hàng Vietcombank Chi nhánh Quảng Bình. Sau khi nhận được thẻ do Ngân hàng Vietcombank Chi nhánh Quảng Bình phát hành. Q đến quán photocopy Trần B scan thẻ vào máy và gửi thư điện tử cho người chỉnh sửa trực tuyến kèm thông tin của ông Lê Văn D (chồng của bà M) yêu cầu chỉnh sửa, rồi in màu ra thẻ tiết kiệm có kỳ hạn của Ngân hàng Vietcombank Chi nhánh Quảng Bình đưa đến nhà cho vợ chồng bà M, ông D nhận số tiền 50.000.000đ.
Vụ thứ ba: Cũng với thủ đoạn trên, khoảng giữa tháng 11 năm 2016, Q đã chủ động liên lạc, gặp gỡ với các người quen của bà Lưu Thị M là ông Lê Văn H, bà Hồ Thị L để lôi kéo, nhờ họ gửi tiền tiết kiệm vào Ngân hàng Vietcombank thông qua Q. Tin Q, ông Lê Văn H đã đồng ý gửi cho Q 200.000.000đ (hai trăm triệu đồng). Bà Hồ Thị L, sau khi được Q giới thiệu về các chương trình khuyến mãi của Ngân hàng Vietcombank, hứa trả tiền bù lãi trước hạn, bù thêm tiền để đủ nhận được khuyến mãi, nên đã rút 178.000.000đ (một trăm bảy mươi tám triệu đồng) đang gửi tiết kiệm tại Ngân hàng Vietinbank giao cho Q để nhận một thẻ tiết kiệm với số tiền là 200.000.000đ (Hai trăm triệu đồng) và quà khuyến mãi là 01 lò vi sóng.
Vụ thứ tư: Đến tháng 12 năm 2016, vẫn với thủ đoạn như trên, Q đã liên lạc và thuyết phục anh Nguyễn Ngọc H gửi thêm 300.000.000đ (ba trăm triệu đồng) và chị Trần Khánh T gửi 100.000.000đ (một trăm triệu đồng). Theo đó, Q đã làm giả thẻ tiết kiệm của Ngân hàng Vietinbank Quảng Bình giao cho anh H và thẻ tiết kiệm giả của Ngân hàng Vietcombank Quảng Bình giao cho chị T. Sau sau khi nhận thẻ tiết kiệm do Q đưa, chị T thấy dấu trên thẻ không phải dấu tươi nên đã liên lạc với Q để hỏi rõ. Thấy chị T nghi ngờ, sợ bị lộ nên Q đã chủ động hẹn gặp chị T, trả lại toàn bộ số tiền mà chị T đã gửi và lấy lại thẻ.
Cáo trạng quy kết Q lừa đảo chiếm đoạt của 4 bị hại với số tiền 1.228.000.000đ. Khi khám xét nơi ở của Q có thu giữ 200.000.000đ, số tiền 200.000.000đ thu giữ khi khám xét đã trả lại cho bị hại Nguyễn Ngọc H.
- Về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức:
Vào khoảng tháng 9 năm 2016, Cao Thị Thuý Q đã vào internet gõ tìm dịch vụ Photoshop online (chỉnh sửa ảnh trực tuyến) chọn một trang ngẫu nhiên, có số điện thoại và địa chỉ thư điện tử (email) để liên hệ, nhờ giúp đỡ chỉnh sửa các thông tin trên thẻ tiết kiệm của Ngân hàng. Q đã sử dụng địa chỉ email của mình là “qvietinbank@gmail.com” gửi thư điện tử cho trang chỉnh sửa trực tuyến này, đặt vấn đề nhờ giúp đỡ chỉnh sửa thông tin ảnh. Khoảng 01 (một) tuần sau, khi nhận được tin nhắn lại từ địa chỉ email của trang chỉnh sửa trực tuyến, hỏi rằng: “muốn chỉnh sửa những nội dung gì ?”, Q đã tìm lại phôi thẻ tiết kiệm có kỳ hạn của Ngân hàng Vietinbank Quảng Bình mà trước đây còn lưu giữ và thẻ tiết kiệm có kỳ hạn của Ngân hàng Vietcombank Quảng Bình mà Q đã tự gửi tiền tiết kiệm lấy tên Đỗ Thị N, rồi đến quán Photocopy Trần B “scan” thẻ tiết kiệm và gửi thư điện tử cho người chỉnh sửa trực tuyến cùng thông tin cá nhân cần chỉnh sửa trên thẻ, yêu cầu chỉnh sửa để làm thử thẻ giả. Sau khi nhận được yêu cầu của Q, người chỉnh sửa trực tuyến trên internet đã ra giá cho lần đầu là 800.000đ (tám trăm nghìn đồng) và cho số tài khoản cần chuyển tiền. Từ tháng 9 đến tháng 12 năm 2016, Q đã dùng tài khoản cá nhân của mình tại Ngân hàng Vietcombank 08 lần chuyển tiền vào tài khoản số 0631000410931 Ngân hàng Vietcombank mang tên Trần Thị Thuỳ D ở Tân Diện, L, Cần Giuộc, Long An mà người đó đã cho. Sau khi nhận tiền, người đó đã tiến hành chỉnh sửa thẻ tiết kiệm theo yêu cầu và gửi lại cho Q. Khi nhận được thư trả lời, Q đến quán Photocopy Trần B đặt vấn đề in tài liệu, rồi tự tay in màu ra các bản thẻ tiết kiệm có kỳ hạn đã được chỉnh sửa rồi đưa đến các bị hại để nhận tiền.
Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra đã thu giữ một số vật chứng:
1 – 01 (một) điện thoại di động hiệu Iphone, mặt trước màu trắng, mặt sau màu vàng; máy cũ, đã bị vỡ màn hình, không kiểm tra chất lượng bên trong.
2 – 01 (một) máy tính xách tay hiệu Sony Vaio, model SVE151A11W, số seri*275549937002035*, máy màu trắng – đen, đã cũ, không kiểm tra chất lượng bên trong.
3 – 34 (ba mươi bốn) tài liệu có đề: Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam, Vietinbank, PK 4878864, Thẻ tiết kiệm có kỳ hạn. Tất cả đều có chữ ký và hình dấu (dấu đỏ) của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam chi nhánh Quảng Bình. Trong đó có: 02 cái đề tên chủ sở hữu là NGUYEN NGOC H, 03 cái đề tên chủ sở hữu là NGUYEN MOC H, 03 cái đề tên chủ sở hữu là TRINH THI T, 01 cái đề tên chủ sở hữu là TRAN THI T, 17 cái đề tên chủ sở hữu NGUYEN THI D và 08 cái đề tên chủ sở hữu là LE BICH N.
4 – 02 (hai) tài liệu có đề: Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam, Vietinbank, PK 3802900, thẻ tiết kiệm có kỳ hạn. Trong đó có 01 cái đề tên chủ sở hữu là TRAN THI THANH T có chữ ký và hình dấu (dấu đỏ) của Phòng giao dịch L Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam Chi nhánh Quảng Bình, 01 cái chưa có các thông tin về chủ sở hữu và hình dấu.
5 – 15 (mười lăm) tài liệu có đề: Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam, Thẻ tiết kiệm có kỳ hạn, số thẻ 04412089, số CIP 0000000000011909716. Tất cả đều có hình dấu (dấu đỏ) của Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam chi nhánh Quảng Bình và chữ ký của Nguyễn Thị Minh H. Trong đó có: 01 cái đề tên khách hàng là DO THI N, 08 cái đề tên khách hàng LE VAN D, 03 cái đề tên khách hàng TRAN KHANH T, 02 cái đề tên khách hàng HO THI L và 01 cái đề tên khách hàng LE VAN H.
6 – Tiền Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: 200.000.000đ (Hai trăm triệu đồng).
Ngày 15/02/2017 Cơ quan điều tra đã tiến hành Trưng cầu giám định về: tài liệu, con dấu và chữ ký đối với các vật chứng được thể hiện từ khoản 3 đến khoản 5, mục vật chứng thu được trong vụ án. Ngày 28/02/2017, Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Quảng Bình đã ban hành Kết luận giám định số 336/GĐ-PC54 kết luận: Các tài liệu gửi giám định từ khoản 3 đến khoản 5 – được đặt ký hiệu từ A1 đến A51 được tạo ra bằng phương pháp sao chụp từ bản gốc và in ra bằng phương pháp in phun màu, in laser màu; Chữ ký và hình dấu mực không phải là chữ ký trực tiếp và hình dấu đóng trực tiếp, được tạo ra bằng phương pháp sao chụp từ bản gốc và in ra bằng phương pháp in phun màu.
Ngày 05/4/2017, Cơ quan điều tra đã ra Quyết định xử lý vật chứng trả lại cho bị hại Nguyễn Ngọc H số tiền 200.000.000đ (hai trăm triệu đồng).
Các bị hại anh Nguyễn Ngọc H yêu cầu bồi thường 600.000.000đ; bà Hồ Thị L yêu cầu bồi thường số tiền 178.000.000 đồng; ông Lê Văn D yêu cầu bồi thường số tiền: 50.000.000 đồng; ông Lê Văn H yêu cầu bồi thường số tiền: 200.000.000 đồng.
Cáo trạng số 100/VKS-P3, ngày 02/8/2017 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình truy tố Cao Thị Thuý Q về các tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điểm a khoản 4 Điều 139 Bộ luật Hình sự; “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo khoản 2 Điều 267 Bộ luật Hình sự.
Trong quá trình chuẩn bị xét xử gia đình bị cáo có nộp bồi thường 190.000.000đ cho các bị hại Hồ Thị L 70.000.000đ, Lê Văn D 20.000.000đ, Lê Văn H 100.000.000đ, được các bị hại này làm giấy nhận tiền, đồng thời có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Ngày 07/9/2017, ông Cao Xuân M, bố bị cáo Q nộp cho Toà án nhân dân tỉnh Quảng Bình Đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Q của bị hại Nguyễn Ngọc H đề ngày 04/9/2017, có nội dung đến ngày 02/9/2017 gia đình Q đã bồi thường số tiền 800.000.000đ cho anh Nguyễn Ngọc H, đơn có xác nhận của UBND xã B nơi anh H công tác và cư trú.
Ngày 11/9/2017, ông Cao Xuân M, bố bị cáo Q nộp cho Toà án nhân dân tỉnh Quảng Bình các Giấy xác nhận nợ của các ông Lê Văn D, Lê Văn H, bà Hồ Thị L với nội dung đến ngày 08/9/2017, gia đình Q đã bồi thường số tiền 250.000.000đ cho các ông Lê Văn D, Lê Văn H; đã bồi thường số tiền 178.000.000đ cho bà Hồ Thị L.
Trong quá trình điều tra và tại phiên toà bị cáo Cao Thị Thuý Q khai nhận diễn biến, nội dung vụ án và hành vi bị cáo lừa đảo chiếm đoạt số tiền 1.228.000.000đ của 4 bị hại và hành vi làm giả thẻ tiết kiệm để giao cho các bị hại đúng như Cáo trạng truy tố đối với bị cáo. Thừa nhận Cáo trạng của Viện kiểm sát truy tố để Toà án xét xử đối với bị cáo về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được quy định tại Điều 139 Bộ luật Hình sự và tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” được quy định tại Điều 267 Bộ luật Hình sự là đúng.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Cao Thị Thuý Q không tranh luận tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được quy định tại Điều 139 Bộ luật Hình sự và tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” được quy định tại Điều 267 Bộ luật Hình sự mà Viện kiểm sát đã truy tố đối với bị cáo Cao Thị Thuý Q, chỉ đề nghị Hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo các tình tiết gảm nhẹ như trong thời hạn tạm giam và chuẩn bị xét xử bị cáo đã có ý kiến để bố mẹ bị cáo bồi thường cho các bị hại số tiền 1.028.000.000đồng, được các bị hại đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Quá trình điều tra và xét xử bị cáo luôn khai báo thành khẩn. Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm a khoản 4 Điều 139, các tình tiết giảm nhẹ theo các điểm b, p của khoản 1, khoản 2 Điều 46, Điều 47 Bộ luật Hình sự xử phạt bị cáo mức án dưới khởi điểm của khung hình phạt để xử phạt bị cáo mức án 7 năm tù; Áp dụng điểm b khoản 2 Điều 267, các tình tiết giảm nhẹ được quy định tại Điều 46 Bộ luật Hình sự xử phạt bị cáo mức án dưới khởi điểm của khung hình phạt là 6 tháng tù. Tổng hợp hình phạt chung của hai tội với mức án từ 07 năm 6 tháng tù.
Các bị hại có mặt đều đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Cao Thị Thuý Q.
Đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên toà khẳng định Cáo trạng của Viện kiểm sát truy tố bị cáo Cao Thị Thuý Q về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điểm a khoản 4 Điều 139 Bộ luật Hình sự và tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo điểm b khoản 2 Điều 267 Bộ luật Hình sự là đúng người. đúng tội, đúng khung hình phạt, có căn cứ pháp luật. Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm a, khoản 4 Điều 139, các điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46, điểm g khoản 1 Điều 48, Điều 47 Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo Cao Thị Thuý Q từ 07 đến 08 năm tù đối với tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”;
Áp dụng điểm b khoản 2 Điều 267, điểm p khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự xử phạt bị cáo Cao Thị Thuý Q từ 06 đến 09 tháng tù về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Áp dụng Điều 50 Bộ luật Hình sự, tổng hợp hình phạt buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung của hai tội từ 07 năm 6 tháng đến 8 năm 9 đến tháng tù.
Miễn phạt tiền là hình phạt bổ sung cho cả 2 tội đối với bị cáo.
Tịch thu sung công quỹ 01 máy tính cá nhân; 01 (một) điện thoại di động hiệu Iphone là tang vật vụ án.
Các tài liệu theo các mục 3, 4, 5 được lưu giữ theo hồ sơ vụ án.
Bị cáo Cao Thị Thuý Q đề nghị Hội đồng xét xử xem xét xử phạt bị cáo mức án nhẹ nhất.
NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, xét hỏi, tranh luận tại phiên toà, Hội đồng xét xử nhận thấy như sau:
[1] Về tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” đối với bị cáo Cao Thị Thuý Q theo truy tố của Viện kiểm sát.
- Đối với tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”: Theo diễn biến vụ án và lời khai nhận tội của bị cáo Cao Thị Thuý Q trong quá trình điều tra và tại phiên tòa phù hợp với lời khai của các bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Hội đồng xét xử thấy hành vi phạm tội của bị cáo Cao Thị Thuý Q có đủ yếu tố cấu thành của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được quy định tại Điều 139 Bộ luật Hình sự. Theo số tiền 1.228.000.000đ bị cáo đã lừa đảo chiếm đoạt hoàn thành của các bị hại, Cáo trạng của Viện kiểm sát truy tố và ý kiến của Kiểm sát viên thực hành quyền công tố xét xử sơ thẩm vụ án đề nghị xét xử bị cáo theo điểm a khoản 4 Điều 139 Bộ luật Hình sự là có căn cứ.
- Đối với tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”: Theo diễn biến vụ án và lời khai nhận tội của bị cáo Cao Thị Thuý Q trong quá trình điều tra và tại phiên tòa phù hợp với lời khai của các bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, phù hợp với tang vật vụ án được thu giữ, phù hợp với Kết luận giám định của Cơ quan chuyên môn kết luận các Thẻ tiết kiệm được thu giữ tại các bị hại là thẻ tiết kiệm giả được tạo ra bằng phương pháp sao chụp từ bản gốc và in ra bằng phương pháp in phun màu, in laser màu; Chữ ký và hình dấu mực không phải là chữ ký trực tiếp và hình dấu đóng trực tiếp, được tạo ra bằng phương pháp sao chụp từ bản gốc và in ra bằng phương pháp in phun màu. Theo đó, hành vi phạm tội của bị cáo Cao Thị Thuý Q có đủ yếu tố cấu thành của tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” được quy định tại Điều 267 Bộ luật Hình sự. Theo 8 lần bị cáo chuyển tiền trả công làm giả các Thẻ tiết kiệm, Cáo trạng của Viện kiểm sát truy tố và ý kiến của Kiểm sát viên thực hành quyền công tố xét xử sơ thẩm vụ án đề nghị xét xử bị cáo về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” với tình tiết định khung phạm tội nhiều lần theo điểm b khoản 2 Điều 267 Bộ luật Hình sự là có căn cứ.
[2] Về trách nhiệm hình sự đối với bị cáo Cao Thị Thuý Q theo các hành vi phạm tội của bị cáo.
- Đối với tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”: Bị cáo Cao Thị Thuý Q đã dùng thủ đoạn gian dối lừa đảo chiếm đoạt của 04 bị hại với số tiền 1.228.000.000đ nên bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 139 Bộ luật Hình sự có mức hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Hành vi phạm tội của bị cáo đã xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về tài sản của các bị hại, gây ra tổn thất về vật chất và tinh thần đối với các bị hại, gây tâm lý hoang mang, hoài nghi, bức xúc, phẩn nộ trong quần chúng nhân dân, làm mất ổn định trật tự, trị an trên địa bàn nên cần phải được xử phạt mức án nghiêm minh có tác dụng trừng trị riêng và răn đe, phòng ngừa chung.
Xét trong quá trình điều tra và tại phiên toà bị cáo luôn thành khẩn khai báo, biết ăn năn hối cải với hành vi phạm tội của mình. Trong quá trình điều tra và chuẩn bị xét xử bị cáo đã có ý kiến để gia đình bồi thường cho các bị hại số tiền 1.028.000.000đ, được các bị hại có đơn và có ý kiến đề nghị giảm nhẹ cho bị cáo nên bị cáo được hưởng các tình tiết giảm nhẹ theo các điểm b, p của khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự. Theo các tình tiết giảm nhẹ mà bị cáo được hưởng, trong đó có tình tiết đến thời điểm xét xử, bị cáo đã có ý kiến để gia đình vay mượn bồi thường đủ thiệt hại cho các bị hại, Hội đồng xét xử thấy cần áp dụng Điều 47 Bộ luật Hình sự để xử phạt bị cáo mức án dưới khởi điểm của khoản 4 Điều 139 Bộ luật Hình sự theo Hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND TC tại Nghị quyết số 01/2001/NQ-HĐTP ngày 15/3/2001 về áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999.
- Đối với tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”:
Theo 08 lần bị cáo Cao Thị Thuý Q chuyển tiền vào tài khoản số 0631000410931 Ngân hàng Vietcombank mang tên Trần Thị Thuỳ D ở Tân Diện, L, Cần Giuộc, Long An để trả công cho người chỉnh sửa Thẻ tiết kiệm theo yêu cầu và gửi lại cho Q, sau đó Q đến quán Photocopy Trần B đặt vấn đề in tài liệu, rồi tự tay in màu ra các Thẻ tiết kiệm giả có kỳ hạn đã được chỉnh sửa và đưa đến các bị hại để nhận tiền. Q đã sử dụng 6 Thẻ tiết kiệm giả theo hình thức trên để giao cho 5 bị hại lừa chiếm đoạt tiền của họ. Bị cáo phạm tội thuộc vào tình tiết định khung “Phạm tội nhiều lần” theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 276 Bộ luật Hình sự có mức án từ 02 năm đến 5 năm tù. Việc bị cáo làm giả con dấu, tài liệu của các Ngân hàng đã xâm phạm nghiêm trọng đến trật tự quản lý nhà nước về con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, gây ra sự lo lắng, hoang mang, hoài nghi, bức xúc, trong quần chúng nhân dân, làm mất ổn định trật tự, trị an trên địa bàn nên phải bị nghiêm trị. Trong quá trình điều tra và tại phiên toà bị cáo luôn thành khẩn khai báo, biết ăn năn hối cải với hành vi phạm tội của mình nên bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ theo điểm p khoản 1 khoản 46 Bộ luật Hình sự, xét việc bị cáo làm giả các Thẻ tiết kiệm để thực hiện việc lừa đảo theo số tiền đã chiếm đoạt của các bị hại, Hội đồng xét xử thấy cần xử phạt bị cáo mức án ở mức khởi điểm của khung hình phạt là đủ tác dụng để trừng trị bị cáo và có tác dụng răn đe, phòng ngừa chung với xã hội. Do bị cáo chỉ có 1 tình tiết giảm nhẹ theo khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự nên không có căn cứ để áp dụng Điều 47 Bộ luật Hình sự xử phạt bị cáo mức án dưới khởi điểm của khung hình phạt như đề nghị của Kiểm sát viên và Luật sư bào chữa cho bị cáo.
Bị cáo Cao Thị Thuý Q bị xét xử hai tội trong cùng một bản án nên hình phạt chung của hai tội được tổng hợp theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 50 Bộ luật Hình sự.
Xét hoàn cảnh kinh tế hiện tại của bị cáo, Hội đồng xét xử miễn áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền đối với bị cáo Cao Thị Thuý Q theo quy định tại khoản 5 Điều 139, khoản 4 Điều 267 Bộ luật Hình sự.
Hội đồng xét xử quyết định tạm giam bị cáo Cao Thị Thuý Q với thời hạn 45 ngày kể từ ngày tuyên án sơ thẩm để bảo đảm thi hành án.
- Về xem xét trách nhiệm đối với các người có liên quan:
Theo nội dung vụ án, lời khai của bị cáo Cao Thị Thuý Q thì bị cáo có 08 lần chuyển tiền vào tài khoản số 0631000410931 Ngân hàng Vietcombank mang tên Trần Thị Thuỳ D ở Tân Diện, L, Cần Giuộc, Long An để thuê người này chỉnh sửa thẻ tiết kiệm theo yêu cầu và gửi lại cho Q, quá trình điều tra, người mang tên Trần Thị Thuỳ D theo địa chỉ trên không có mặt tại địa phương nên Cơ quan điều tra chưa có căn cứ để điều tra quy kết và xử lý đối với người có tên Trần Thị Thuỳ D. Bị cáo đến quán Photocopy Trần B đặt vấn đề in tài liệu, rồi tự tay in màu ra các Thẻ tiết kiệm giả có kỳ hạn đã được chỉnh sửa và đưa đến các bị hại để nhận tiền nên không có căn cứ để xử lý đối với ông Trần Văn B và nhân viên quán Photocopy Trần B; bà Đỗ Thị N giao Chứng minh nhân dân cho Q để đăng ký tạm trú, không biết Q sử dụng để gửi tiền lấy Thẻ tiết kiệm làm mẫu thực hiện vào việc lừa đảo; bà Bùi Thị T được Q trả nợ nhưng không biết nguồn tiền trả nợ do Q phạm tội mà có nên không liên quan đến hành vi phạm tội của bị cáo.
[3] - Về trách nhiệm bồi thường dân sự đối với bị cáo Cao Thị Thuý Q:
Bị cáo Cao Thị Thuý Q lừa đảo chiếm đoạt của các bị hại với tổng số tiền 1.228.000.000đ, trong quá trình điều tra đã trả lại cho bị hại Nguyễn Ngọc H 200.000.000đ; trước khi xét xử gia đình bị cáo đã bồi thường đủ cho các bị hại số tiền còn thiếu 1.028.000.000đ. Như vậy đến thời điểm xét xử sơ thẩm vụ án gia đình bị cáo đã bồi thường đủ thiệt hại cho các bị hại. Tại phiên toà các bị hại có mặt không có yêu cầu gì thêm, bị hại Nguyễn Ngọc H vắng mặt nhưng đã có đơn nhận đủ tiền và cũng không có yêu cầu gì nên Hội đồng xét xử không xem xét.
Bà Trần Khánh T giao cho Q 100.000.000đ, Q đã làm giả Thẻ tiết kiệm của Ngân hàng Vietcombank Quảng Bình giao cho bà T, sau đó bà T nghi thẻ giả nên đã liên lạc hỏi lại Q, sợ bị lộ, Q đã chủ động trả lại tiền cho bà T và lấy lại thẻ, trong quá trình điều tra và xét xử, bà T không có yêu cầu gì nên Hội đồng xét xử không xem xét.
Ông Cao Xuân M, bố bị cáo đã nộp bồi thường cho các bị hại số tiền 1.028.000.000đ thay cho bị cáo, tại phiên toà ông M không có yêu cầu gì đối với bị cáo nên Hội đồng xét xử không xem xét.
[4] - Về xử lý vật chứng vụ án: Theo quy định tại Điều 41 Bộ luật Hình sự, Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự, Hội đồng xét xử thấy trong các tang vật vụ án được thu giữ thì có 01 máy tính cá nhân hiệu Sony Vaio màu trắng là công cụ được bị cáo sử dụng làm thẻ tiết kiệm giả; 01 điện thoại di động hiệu Iphone, mặt trước màu trắng, mặt sau màu vàng được bị cáo sử dụng liên lạc trong quá trình phạm tội nên được tịch thu hoá giá bán sung công quỹ Nhà nước;
Các tài liệu được thống kê theo các mục 3, 4, 5 là vật chứng chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo nên được lưu giữ theo hồ sơ vụ án.
[5] - Về án phí: Bị cáo Cao Thị Thuý Q phải chịu án phí Hình sự sơ thẩm với số tiền 200.000đ theo quy định tại Điều 99 Bộ luật Tố tụng hình sự; các Điều 3, 21, 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của UBTV Quốc Hội về Án phí, lệ phí Toà án, Danh mục, mức thu Án phí hình sự sơ thẩm.
Bị cáo không phải chịu án phí Dân sự sơ thẩm do gia đình bị cáo đã nộp bồi thường đủ thiệt hại cho các bị hại.
[6] Về quyền kháng cáo: Bị cáo Cao Thị Thuý Q; các bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được quyền kháng cáo bản án sơ thẩm trong thời hạn luật định để yêu cầu xét xử phúc thẩm vụ án.
Ông Cao Xuân M được quyền kháng cáo bản án sơ thẩm theo số tiền 1.028.000.000đ đã bồi thường thay cho bị cáo Cao Thị Thuý Q trong quá trình chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
1, Tuyên bố bị cáo Cao Thị Thuý Q phạm các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
2, Về hình phạt:
Áp dụng điểm a khoản 4 Điều 139; các điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46, Điều 47 Bộ luật Hình sự năm 1999 đối với bị cáo Cao Thị Thuý Q, xử phạt bị cáo Cao Thị Thuý Q 07 năm tù (bảy năm) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”;
Áp dụng điểm b khoản 2 Điều 267, điểm p khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 1999 đối với bị cáo Cao Thị Thuý Q, xử phạt bị cáo Cao Thị Thuý Q 02 năm tù (hai năm) về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
Áp dụng điểm a khoản 1 Điều 50 Bộ luật Hình sự, tổng hợp hình phạt buộc bị cáo Cao Thị Thuý Q phải chấp hành hình phạt chung của cả hai tội là 09 năm tù, thời hạn tù tính từ ngày bị cáo bị bắt tạm giam 12/01/2017.
Miễn áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền đối với bị cáo Cao Thị Thuý Q theo quy định tại khoản 5 Điều 139, khoản 4 Điều 267 Bộ luật Hình sự.
Căn cứ vào các Điều 79, 80, 88 và Điều 228 của Bộ luật Tố tụng hình sự, Hội đồng xét xử quyết định tạm giam bị cáo Cao Thị Thuý Q để bảo đảm thi hành án với thời hạn tạm giam 45 ngày kể từ ngày tuyên án sơ thẩm 14/9/2017.
3, Về trách nhiệm bồi thường dân sự đối với bị cáo Cao Thị Thuý Q:
Đến tại thời điểm xét xử sơ thẩm vụ án gia đình bị cáo đã bồi thường đủ thiệt hại cho các bị hại. Tại phiên toà các bị hại có mặt không có yêu cầu gì thêm, bị hại Nguyễn Ngọc H vắng mặt nhưng đã có đơn nhận đủ tiền và cũng không có yêu cầu gì nên Hội đồng xét xử không xem xét.
4, Về xử lý vật chứng vụ án:
Căn cứ Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự, Điều 41 Bộ luật Hình sự;
Tịch thu hoá giá bán sung công quỹ Nhà nước 01(một) máy tính xách tay hiệu Sony Vaio màu trắng đen đã cũ là công cụ được bị cáo sử dụng làm thẻ tiết kiệm giả; 01 (một) điện thoại di động hiệu Iphone, mặt trước màu trắng, mặt sau màu vàng; máy cũ, đã bị vỡ màn hình là công cụ được bị cáo sử dụng trong quá trình phạm tội;
Tình trạng tang vật vụ án theo Biên bản giao nhận vật chứng ngày 23/8/2017 giữa cán bộ Cơ quan An ninh Điều tra với cán bộ Cục Thi hành án Dân sự tỉnh Quảng Bình.
Các tài liệu được thống kê theo các mục 3, 4, 5 là vật chứng chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo nên được lưu giữ theo hồ sơ vụ án.
5, Về án phí:
Căn cứ Điều 99 Bộ luật Tố tụng hình sự; các Điều 3, 21, 23, Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của UBTV Quốc Hội về Án phí, lệ phí Toà án, Danh mục, mức án phí Hình sự sơ thẩm;
Bị cáo Cao Thị Thuý Q phải nộp 200.000đ án phí Hình sự sơ thẩm.
6, Về quyền kháng cáo của bị cáo, các bị hại; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
Bị cáo Cao Thị Thuý Q, các bị hại Hồ Thị L, Lê Văn D, các người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có mặt tại phiên toà được quyền kháng cáo bản án sơ thẩm trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án sơ thẩm (14/9/2017) để yêu cầu xét xử phúc thẩm vụ án.
Các bị hại Nguyễn Ngọc H, Lê Văn H, người có quyền lợi liên quan bà Trần Khánh T vắng mặt tại phiên toà được quyền kháng cáo bản án sơ thẩm trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án sơ thẩm để yêu cầu xét xử phúc thẩm vụ án.
Ông Cao Xuân M được quyền kháng cáo bản án sơ thẩm trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án sơ thẩm (14/9/2017) để yêu cầu xét xử phúc thẩm vụ án theo số tiền 1.028.000.000đ đã bồi thường thay cho bị cáo Cao Thị Thuý Q trong thời gian chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án.
Bản án 15/2017/HSST ngày 14/09/2017 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức
Số hiệu: | 15/2017/HSST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Quảng Bình |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 14/09/2017 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về