Bản án 15/2017/HNGĐ-ST ngày 31/08/2017 về tranh chấp ly hôn và nuôi con

TÒA ÁN NHÂN DÂN QUẬN ĐỒ SƠN, THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

BẢN ÁN 15/2017/HNGĐ-ST NGÀY 31/08/2017 VỀ TRANH CHẤP LY HÔN VÀ NUÔI CON

Ngày 31 tháng 8 năm 2017, tại trụ sở Toà án nhân dân quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 56/2017/TLST-HNGĐ ngày 14 tháng 6 năm 2017 về tranh chấp ly hôn và nuôi con, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 26/2017/QĐXXST-HNGĐ ngày 18 tháng 8 năm 2017, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Anh Lưu Kim P, sinh năm 1984; địa chỉ: Tổ Đ, phường V, quận Đ, thành phố Hải Phòng; có mặt.

2. Bị đơn: Chị Đỗ Thị T, sinh năm 1983; đăng ký hộ khẩu thường trú: Tổ Đ, phường V, quận Đ, thành phố Hải Phòng; chỗ ở hiện nay: Tổ C, phường N, quận Đ, thành phố Hải Phòng; vắng mặt, nhưng có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Trong Đơn khởi kiện ngày 22-5-2017 và các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn là anh Lưu Kim P trình bày:

- Về hôn nhân: Anh và chị T kết hôn trên cơ sở tự nguyện, có đăng ký kết hôn tại UBND phường Vạn Sơn, quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng vào ngày 27-02-2008. Vợ chồng chung sống hòa thuận, hạnh phúc đến đầu năm 2013 thì phát sinh mâu thuẫn. Nguyên nhân là do vợ chồng bất đồng quan điểm sống, không tìm được tiếng nói chung; anh chị thường xuyên đi làm ăn xa, không có điều kiện gần gũi, quan tâm, chăm sóc lẫn nhau nên mâu thuẫn ngày càng nhiều. Anh chị đã tự khắc phục và cũng đã được gia đình hai bên tác động, khuyên giải nhiều lần nhưng không có kết quả. Chị T đã về nhà bố mẹ đẻ tại tổ C, phường N, quận Đ để ở, vợ chồng sống ly thân từ năm 2013 đến nay, cả đôi bên không còn liên lạc, không có sự quan tâm, chăm sóc hay có trách nhiệm gì đối với nhau, việc ai người ấy làm. Nay, anh xét thấy tình cảm vợ chồng không còn, đề nghị Toà án giải quyết cho anh được ly hôn với chị T.

- Về con chung: Anh và chị T có 01 con chung là cháu Lưu Ngọc P, sinh ngày 25-11-2006. Tại đơn khởi kiện, anh nhận nuôi cháu P và không yêu cầu chị T cấp dưỡng nuôi con chung. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết vụ án, sau khi biết được nguyện vọng của chị T là muốn được nuôi con và trên cơ sở nguyện vọng của cháu P, anh cũng đồng ý để chị T nuôi dưỡng cháu P, nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con chung anh chị tự thoả thuận, không yêu cầu Toà án giải quyết.

- Về tài sản chung: Anh không yêu cầu Toà án giải quyết.

Tại Bản tự khai ngày 22-6-2017, bị đơn là chị Đỗ Thị T trình bày:

- Về hôn nhân: Chị thống nhất với anh P về điều kiện, hoàn cảnh kết hôn và nguyên nhân mâu thuẫn, tình trạng hôn nhân không được cải thiện, thời gian ly thân và chị cũng đồng ý xin được ly hôn với anh P.

- Về con chung: Chị thống nhất, anh chị có 01 con chung, họ và tên ngày tháng năm sinh của con đúng như anh P trình bày. Ly hôn, chị nhận nuôi con và không yêu cầu anh P cấp dưỡng nuôi con chung.

- Về tài sản chung: Chị không yêu cầu Toà án giải quyết.

Tại phiên tòa, chị T vắng mặt. Quá trình giải quyết vụ án, do chị T đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt nên Tòa án tiến hành phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận và công khai chứng cứ vắng mặt chị T theo khoản 2 Điều 208 của Bộ luật Tố tụng dân sự; đồng thời, lập biên bản về việc không tiến hành hòa giải được theo khoản 1 Điều 207 của Bộ luật Tố tụng dân sự. Tòa án cũng đã thông báo kết quả phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận và công khai chứng cứ cho chị T theo khoản 3 Điều 210 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Tại phiên tòa, anh P vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, đề nghị Tòa án giải quyết cho anh được ly hôn với chị T; về con chung, anh đồng ý để chị T nuôi; về tài sản chung, anh P và chị T không yêu cầu Tòa án giải quyết.

Đại diện Viện kiểm sát đã phát biểu về việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử và của người tham gia tố tụng. Đề nghị Hội đồng xét xử:

Về hôn nhân: Căn cứ khoản 1 Điều 56 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, chấp nhận yêu cầu xin ly hôn của anh P.

Về con chung: Căn cứ vào các điều 81, 82 và 83 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, đề nghị giao cháu P cho chị T nuôi dưỡng.

Về án phí: Anh P phải chịu 300.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được xem xét tại phiên toà và căn cứ vào ý kiến của các đương sự, trình bày của những người làm chứng, kết quả xác minh tại địa phương, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về sự vắng mặt của chị Đỗ Thị T: Tại phiên tòa, chị T vắng mặt nhưng có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Căn cứ vào khoản 1 Điều 227 và khoản 1 Điều 228 của Bộ luật Tố tụng dân sự, Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt chị T.

[2] Về quan hệ pháp luật và thẩm quyền giải quyết: Đây là quan hệ tranh chấp về ly hôn và nuôi con, bị đơn là chị T cư trú tại tổ C, phường N, quận Đ, thành phố Hải Phòng; theo quy định tại khoản 1 Điều 28, khoản 1 Điều 35 và điểm a khoản 1 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự, vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân quận Đồ Sơn.

[3] Về hôn nhân: Anh P và chị T kết hôn trên cơ sở tự nguyện, có đăng ký kết hôn năm 2008 tại UBND phường Vạn Sơn, Đồ Sơn, Hải Phòng. Theo quy định tại Điều 8 và Điều 9 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, đây là quan hệ hôn nhân hợp pháp.

[4]. Các tài liệu, chứng cứ mà Tòa án thu thập được xác định: Trong quá trình hôn nhân, anh P và chị T chung sống hoà thuận, hạnh phúc đến đầu năm 2013 thì xảy ra mâu thuẫn. Nguyên nhân mâu thuẫn là do vợ chồng bất đồng quan điểm sống, không tìm được tiếng nói chung, trong cuộc sống vợ chồng không có sự thông cảm, chia sẻ gì đối với nhau. Khi xảy ra mâu thuẫn, anh chị đã tự khắc phục và cũng đã được gia đình hai bên nhiều lần tác động, khuyên giải nhưng không có kết quả, tình trạng hôn nhân của anh chị vẫn không được cải thiện. Anh chị đã sống ly thân từ năm 2013 đến nay, không còn quan tâm, chăm sóc hay có trách nhiệm gì đối với nhau. Lời khai của anh P và chị T phù hợp với trình bày của gia đình anh P, gia đình chị Thuỳ và biên bản xác minh tại tổ dân phố. Xét thấy, hôn nhân của anh P và chị T đã đến mức độ trầm trọng, đời sống chung không còn tồn tại, cả hai anh chị đều xin được ly hôn. Do vậy, việc xin ly hôn của anh P là có căn cứ, phù hợp với khoản 1 Điều 56 của Luật Hôn nhân và gia đình, cần được chấp nhận.

[5] Về nuôi con chung: Anh P và chị T có 01 con chung là cháu Lưu Ngọc P, sinh ngày 25-11-2006. Nguyện vọng của cháu P là muốn được ở với chị Thuỳ và trên thực tế, kể từ khi anh chị sống ly thân đến nay, cháu P sống cùng với chị T, cuộc sống của cháu vẫn được đảm bảo về mọi mặt. Cả anh P và chị T đều thống nhất khi ly hôn, giao cháu P cho chị T nuôi dưỡng. Xét thấy, đây là sự tự nguyện của các đương sự nên cần chấp nhận. Chị T không yêu cầu anh P phải cấp dưỡng nuôi con chung nên Hội đồng xét xử không xem xét.

[6] Về chia tài sản chung: Anh P và chị T không yêu cầu Tòa án giải quyết nên Hội đồng xét xử không xem xét.

[7]. Về án phí: Anh P là nguyên đơn nên phải chịu án phí  dân sự sơ thâm theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

[8]. Về quyền kháng cáo: Anh P và chị T được quyền kháng cáo bản án theo quy định tại Điều 271 và khoản 1 Điều 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 1 Điều 56, Điều 81, Điều 82 và Điều 83 của Luật Hôn nhân và gia đình;

Căn cứ vào khoản 1 Điều 28, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, khoản 4 Điều 147, Điều 271 và khoản 1 Điều 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự;

Căn cứ vào điểm a khoản 5 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

1. Về hôn nhân: Chấp nhận yêu cầu của anh Lưu Kim P, cho ly hôn giữa anh P và chị Đỗ Thị T.

2. Về nuôi con chung: Giao cháu Lưu Ngọc P, sinh ngày 25-11-2006 cho chị T nuôi dưỡng cho đến khi cháu đủ 18 tuổi. Chị T không yêu cầu Tòa án giải quyết về việc cấp dưỡng nuôi con nên Hội đồng xét xử không xem xét. Hoặc cho đến khi chị T và anh P có sự thay đổi khác về người trực tiếp nuôi con, về cấp dưỡng nuôi con theo quy định của pháp luật.

Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.

3. Về án phí: Anh P phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 300.000 đồng, nhưng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm mà anh đã nộp là 300.000 đồng theo biên lai số AA/2010/7241 ngày 13-6-2017 của Chi cục Thi hành án dân sự quận Đồ Sơn; anh P đã nộp đủ án phí dân sự sơ thẩm.

4. Về quyền kháng cáo: Anh P có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án. Chị T có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được bản án hoặc niêm yết bản án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

395
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 15/2017/HNGĐ-ST ngày 31/08/2017 về tranh chấp ly hôn và nuôi con

Số hiệu:15/2017/HNGĐ-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Quận Đồ Sơn - Hải Phòng
Lĩnh vực:Hôn Nhân Gia Đình
Ngày ban hành: 31/08/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;