TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH ĐỊNH
BẢN ÁN 149/2022/DS-PT NGÀY 15/08/2022 VỀ TRANH CHẤP ĐÒI LẠI TÀI SẢN BỊ CHIẾM GIỮ
Ngày 15 tháng 8 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 109/2022/TLPT-DS ngày 18 tháng 5 năm 2022 về tranh chấp đòi lại tài sản bị chiếm giữ.Do bản án dân sự sơ thẩm số 111/2021/DS-ST ngày 12 tháng 4 năm 2022 của Tòa án nhân dân thành phố Q bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 140/2022/QĐ-PT ngày 01 tháng 7 năm 2022, giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Công ty TNHH vận tải biển C, Địa chỉ trụ sở chính: Số 47 C, phường 2, quận T, TP. Hồ Chí Minh;
Địa chỉ văn phòng đại diện: 56 - 58 Tr, thành phố Quy Nhơn, Bình Định.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Văn Đ – Giám đốc.
Người đại diện theo ủy quyền: Bà Nguyễn Thị N, sinh năm 1961, địa chỉ: Số 56 - 58 Tr, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định (Theo văn bản ủy quyền ngày 10.12.2021) (có mặt).
- Bị đơn: Ngân hàng phát triển V, Địa chỉ trụ sở chính: Số 25A P, phường C, quận Đ, thành phố Hà Nội.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Đào Quang Tr – Tổng Giám đốc.
Người đại diện theo ủy quyền: Ông Đặng Văn B – Giám đốc chi nhánh Ngân hàng phát triển T, địa chỉ: Số 05 L, P. L, thành phố Th, tỉnh Thái Bình.
(Theo văn bản ủy quyền ngày 17.5.2021) (có mặt).
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự: Ông Trần Viết H, Văn phòng luật sư công lý H - Đoàn luật sư thành phố H là người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của bị đơn Ngân hàng phát triển V. Địa chỉ: Phòng 1916, Tòa nhà F, 18A Ph, N, Hà Nội (có mặt).
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1. Công ty cổ phần đóng tàu B, Địa chỉ trụ sở chính: thôn An, xã A, huyện A, thành phố Hải Phòng. Người đại diện theo pháp luật: Ông Trần Văn D – Giám đốc (vắng mặt).
2. Tổng Công ty bảo hiểm B, Địa chỉ trụ sở chính: 104 Tr, phường C, quận H, thành phố Hà Nội. Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Xuân V – Tổng Giám đốc. Người đại diện theo ủy quyền gồm các ông bà: Đỗ Phương A; Phan D; Lê Trần Mai Ph và Đinh Xuân V (Theo văn bản ủy quyền ngày 20.5.2021). (Anh D, anh A, chị Ph vắng mặt, anh V có mặt).
3. Ngân hàng phát triển V – Chi nhánh Ngân hàng phát triển T.
Địa chỉ trụ sở: Số 05 phố L, thành phố Th, tỉnh Thái Bình. Đại diện chi nhánh: Ông Đặng Văn B – Giám đốc chi nhánh.
Người đại diện theo ủy quyền: Ông Bùi X – Trưởng phòng tín dụng CN NHPT T. (Theo văn bản ủy quyền ngày 18.5.2021) (có mặt).
- Người kháng cáo: Ngân hàng Phát triển V là bị đơn.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn Công ty TNHH vận tải biển C – bà Nguyễn Thị N trình bày:
Ngày 14.12.2017 giữa Công ty TNHH vận tải biển C (gọi tắt là Công ty C) và Công ty cổ phần đóng tàu B (gọi tắt là Công ty B) có xác lập hợp đồng kinh tế số 1412/HĐKT-2017 và phụ lục số 01/PLHĐ ngày 21.9.2018 về việc Công ty C thực hiện trục vớt 3.000 tấn Clinker và làm nổi tàu B 16 xảy ra tại khu vực Vịnh Q, Bình Định. Công nợ giữa hai bên đã được giải quyết tại Bản án số 50/2019/KDTM-ST ngày 07.10.2019 của Tòa án nhân dân thành phố Q đã có hiệu lực pháp luật, xác định Công ty B phải có nghĩa vụ thanh toán cho Công ty C tổng số tiền 5.768.158.000 đồng (trong đó gốc 5.200.000.000 đồng, lãi 568.158.000 đồng). Cho đến nay, Công ty B vẫn chưa thi hành được khoản tiền nào cho Công ty C.
Trước đó, ngoài việc ký hợp đồng trục vớt, giữa Công ty C và Công ty B còn có thỏa thuận, đối với khoản chi phí trục vớt khi nào được bảo hiểm bồi thường Công ty B sẽ sử dụng để thanh toán cho Công ty C vì Công ty B có mua bảo hiểm tại Tổng công ty bảo hiểm B theo Hợp đồng bảo hiểm tàu thủy nội địa số HPH.D01.TS.17.HD204 ngày 25.8.2017 theo Điều kiện A, với điều kiện này, khi sự kiện bảo hiểm xảy ra, ngoài việc được bồi thường toàn bộ tổn thất con tàu hoặc tổn thất bộ phận còn có bồi thường về các khoản chi phí khác như chi phí trục vớt. Công ty C đã thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của mình trong việc cung cấp hồ sơ, hóa đơn chứng từ liên quan đến việc trục vớt để Công ty B hoàn tất hồ sơ nộp cho bên bảo hiểm để được giải quyết số tiền bồi thường theo quy định. Đối với khoản tiền bảo hiểm cho chi phí trục vớt này các bên cứ chờ khi nào được bồi thường sẽ chuyển vào tài khoản của Công ty B mở tại Ngân hàng phát triển V – Chi nhánh Ngân hàng phát triển Th (gọi tắt là Chi nhánh NHPT T) và để trả cho đơn vị trục vớt là Công ty C. Việc này Chi nhánh NHPT T cũng đã biết và đồng ý bằng bằng văn bản. Cụ thể, ngày 08.10.2018 Công ty B gửi văn bản cho Tổng công ty bảo hiểm B yêu cầu bồi thường từng hạng mục phí trục vớt và lai kéo tàu B 16. Ngày 12.12.2018 Tổng công ty bảo hiểm B ban hành thông báo số 10318/BHBV-GĐBTHH với nội dung chính đồng ý giải quyết bồi thường lần 1 (chi phí trục vớt tàu B 16 theo đánh giá của NORI) chuyển cho chủ tàu 5.088.935.398 đồng, sau khi đối trừ 2.480.256.360 đồng là phí BN thân tàu, số tiền còn lại sau khi đối trừ là 4.840.679.038 đồng. Ngày 25.01.2019 Công ty B ban hành văn bản số 2501/BB16/2019 đề nghị Chi nhánh NHPT T khi số tiền bảo hiểm nêu trên được chuyển vào tài khoản của Chi nhánh thì hạch toán số tiền trên vào tài khoản tiền gửi vốn đầu tư số 115141800001406 của Công ty B mở tại Chi nhánh NHPT T để thanh toán chi phí trục vớt tàu B 16 cho Công ty C. Ngày 26.01.2019, Công ty B ban hành Thư chấp nhận bồi thường lần 1 đồng ý việc bảo hiểm đối trừ phí bảo hiểm thân tàu, còn lại số tiền 4.480.679.038 đồng chuyển vào tài khoản Chi nhánh NHPT T để thanh toán cho chi phí trục vớt là Công ty C. Ngoài ra, Công ty C cũng gửi các văn bản số 15/CV-CL ngày 11.2.2019; số 17/CV-CL ngày 13.02.2019 đến Chi nhánh NHPT T đề nghị khi nào tiền bồi thường bảo hiểm được chuyển vào tài khoản của chi nhánh, chi nhánh sẽ thực hiện chuyển để thanh toán chi phí trục vớt tàu B 16 cho Công ty C. Ngày 28.02.2019 Chi nhánh NHPT T ban hành văn bản số 125/NHPT.TBI-TD gởi cho công ty C với nội dung đồng ý theo đề nghị như trên của Công ty C. Ngày 04.4.2019 Tổng công ty bảo hiểm B đã chuyển khoản tiền 4.840.679.038 vào tài khoản của chi nhánh NHPT T nhưng Ngân hàng không chuyển trả cho Công ty C.
Tại đơn khởi kiện ban đầu, nguyên đơn yêu cầu Tòa giải quyết số tiền gốc 5.088.935.398 đồng và lãi 1.501.235.942 đồng. Nhưng sau đó, nguyên đơn xin rút một phần yêu cầu khởi kiện đối với số tiền gốc 248.256.360 đồng, chỉ yêu cầu Tòa xác định số tiền 4.840.679.038 đồng là số tiền Tổng công ty bảo hiểm B bồi thường lần 1 đối với chi phí trục vớt tàu B 16 để trả cho Công ty C, Ngân hàng phát triển V phải hoàn trả số tiền 4.840.679.038 đồng cho Công ty C và lãi tạm tính từ ngày 04.4.2019 đến ngày xét xử sơ thẩm với mức lãi suất 14.2%/năm 2.079.078.278 đồng, tổng cộng 6.919.757.316 đồng. Nếu được Tòa chấp nhận, số tiền gốc, lãi nói trên Công ty C đồng ý trừ vào một phần nghĩa vụ phải thi hành án của Công ty B đối với Công ty C theo bản án số 50/2019/KDTM-ST ngày 07.10.2019.
Đại diện theo ủy quyền của bị đơn Ngân hàng phát triển V – do ông Đặng Văn B trình bày:
Công ty B có vay vốn tại Chi nhánh NHPT T theo Hợp đồng kế thừa quyền, nghĩa vụ hợp đồng tín dụng số 02/2015/HĐTD-NHPT ngày 13.8.2015. Để bảo đảm cho khoản vay, Công ty B đã thế chấp tài sản hình thành sau đầu tư gồm 02 con tàu vận tải thủy nội địa có tên tàu B 16 và M 69 theo Hợp đồng thế chấp tài sản hình thành trong tương lai số 03/2015/HĐTCTS-NHPT ngày 17.12.2015 và Hợp đồng thế chấp sửa đổi, bổ sung số 03A/2016/HĐTCTS- NHPT-TBI ngày 19.9.2016. Các hợp đồng trên đều đã được công chứng, đăng ký giao dịch bảo đảm theo đúng quy định. Tại Điều 5 của Hợp đồng thế chấp tài sản hình thành trong tương lai số 03/2015/HĐTCTS-NHPT ngày 17.12.2015 về bảo hiểm đối với tài sản thế chấp có ghi “… Mọi khoản tiền bồi thường, bảo hiểm đối với tài sản thế chấp đều thuộc tài sản thế chấp; Trường hợp xảy ra sự kiện bảo hiểm thì Bên B phải hợp tác thực hiện các thủ tục cần thiết để Bên A nhận tiền bảo hiểm…”. Ngày 25.8.2017 Công ty B đã mua bảo hiểm đối với tài sản thế chấp là tàu B 16 tại Công ty Bảo V theo Hợp đồng bảo hiểm tàu thủy nội địa số HPH.D01.TS.17.HD204. Cũng trong ngày 25.8.2017, giữa Chi nhánh NHPT T, Công ty B và bên bảo hiểm đã ký Giấy ủy quyền thụ hưởng bảo hiểm số 01/17/UQTHBH-BB với nội dung chính khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, Chi nhánh NHPT T là người thụ hưởng toàn bộ số tiền bảo hiểm của tàu B 16. Việc sử dụng số tiền bồi thường bảo hiểm để thanh toán các chi phí khắc phục sửa chữa đều phải được Ngân hàng đồng ý trên cơ sở đề nghị của Công ty B và để được Ngân hàng đồng ý sử dụng tiền bồi thưởng bảo hiểm phải trên cơ sở có phương án cụ thể, có tính khả thi và được Ngân hàng xem xét chấp nhận.
Chi nhánh NHPT T đã nhận được các văn bản số 15/CV-CL ngày 11.2.2019, số 17/CV-CL ngày 13.02.2019 của Công ty C; tại thời điểm đó Công ty B chưa có phương án khắc phục tàu B 16 nên Ngân hàng chưa có cơ sở xem xét đồng ý cho Công ty B sử dụng tiền bồi thường bảo hiểm để thanh toán cho Công ty C nên Ngân hàng mới ban hành văn bản số 125/NHPT.TBI-TD ngày 28.02.2019 để phúc đáp văn bản số 15/CV-CL ngày 11.2.2019 của Công ty C. Ngân hàng cho rằng văn bản số 125/NHPT.TBI-TD ngày 28.02.2019 chỉ là văn bản trao đổi thông tin, nghiệp vụ và phải có điều kiện mới thực hiện được. Ngày 04.4.2019, Ngân hàng đã nhận số tiền 4.840.679.038 đồng là tiền bồi thường bảo hiểm lần 1 của tàu B 16 do bảo hiểm chuyển vào tài khoản của Chi nhánh NHPT T. Ngân hàng khẳng định toàn bộ số tiền bồi thường bảo hiểm của tàu B 16 là thuộc tài sản thế chấp tại Ngân hàng, Ngân hàng là người thụ hưởng và Ngân hàng là người được nhận tiền bồi thường bảo hiểm. Bảo hiểm đã thực hiện việc chi trả trực tiếp tiền bồi thường bảo hiểm tàu B 16 cho Chi nhánh NHPT T là phù hợp với quy định. Do đó, không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Đại diện theo pháp luật của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Công ty cổ phần đóng tàu B – do ông Trần Văn D trình bày:
Công ty B ký Hợp đồng trục vớt tàu với Công ty C. Sau hơn một năm thi công, Công ty C đã trục vớt và di dời tàu B 16 ra khỏi luồng hàng hải. Quá trình làm việc Công ty C yêu cầu chuyển toàn bộ số tiền bảo hiểm tạm ứng bồi thường lần 1 theo thông báo số 10318/BHBV-GĐBTHH ngày 12.12.2018 của Tổng công ty bảo hiểm B về Chi nhánh NHPT T sau đó để trực tiếp ngân hàng thanh toán tiền trục vớt tàu B 16 cho Công ty C. Quá trình hoàn tất hồ sơ nhận số tiền bồi thường bảo hiểm tạm ứng lần 1; Chi nhánh NHPT T đã có Công văn số 125/NHPT.TBI-TD ngày 28.02.2019 gởi cho Công ty C với nội dung cam kết khi nhận được số tiền bồi thường bảo hiểm tàu B 16 chuyển vào tài khoản của chi nhánh, chi nhánh sẽ chuyển số tiền bồi thường bảo hiểm để thanh toán chi phí tiền trục vớt tàu B 16 cho Công ty C theo đề nghị của Công ty B. Đến nay, bảo hiểm B đã thanh toán tạm ứng bồi thường lần 1 số tiền là 4.840.679.038 đồng về tài khoản Chi nhánh NHPT T ngày 04.4.2019 và Công ty B đã nhiều lần đề nghị thanh toán cho Công ty C nhưng Chi nhánh NHPT T vẫn chưa chuyển trả cho Công ty C. Nay, Công ty B đề nghị Tòa tuyên Ngân hàng phải trả cho Công ty C số tiền 4.840.679.038 đã nhận tạm ứng từ Công ty B như Ngân hàng đã cam kết.
Đại diện theo ủy quyền của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Tổng Công ty bảo hiểm B – Do các ông bà Đỗ Phương A; Phan D; Lê Trần Mai Ph và Đinh Xuân V trình bày:
Công ty B có mua bảo hiểm tại Tổng công ty bảo hiểm B theo Hợp đồng số HPH.D01.TS.17.HD204 ngày 25.8.2017, với điều kiện bảo hiểm thân tàu: Điều kiện A. Và giải thích, thông thường khi người mua bảo hiểm theo điều kiện này Bảo hiểm B sẽ bồi thường cho người được bảo hiểm đối với tổn thất toàn bộ (thực tế hoặc ước tính) hay tổn thất bộ phận đối với thân tàu, ngoài ra người mua bảo hiểm còn được bồi thường những chi phí cần thiết và hợp lý trong việc trợ giúp hay cứu hộ, chi phí trục vớt hoặc chi phí tố tụng được Bảo hiểm B đồng ý trước. Khi sự cố chìm tàu B 16 xảy ra, bên mua bảo hiểm là Công ty B đã cung cấp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ để được giải quyết bồi thường, trong đó có cả bao gồm các hóa đơn GTGT, chứng từ thể hiện việc trục vớt là đơn vị Công ty C. Trên cơ sở đó, ngày 12.12.2018 Tổng công ty bảo hiểm B đã ban hành văn bản số 10318/BHBV-GĐBTHH với nội dung: Đồng ý giải quyết bồi thường lần 1 (chi phí trục vớt tàu B 16 theo đánh giá của NORI). Số tiền bồi thường lần 1 chuyển cho chủ tàu là 5.088.935.398 VNĐ, sẽ đối trừ 2.480.256.360 VNĐ là phí BN thân tàu, số tiền còn lại sau khi đối trừ 4.840.679.038 đồng. Ngày 04.4.2019 bảo hiểm đã thực hiện việc chi trả số tiền nói trên vào tài khoản Chi nhánh NHPT T. Trong vụ án này, Tổng công ty bảo hiểm B nhận thấy không liên quan gì, đề nghị Tòa giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.
Đại diện theo ủy quyền của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Ngân hàng phát triển V Chi nhánh Ngân hàng T – do ông Bùi Xuân B trình bày:
Thống nhất như toàn bộ lời trình bày của ông Đặng Văn B là người đại diện theo ủy quyền của bị đơn.
Bản án dân sự sơ thẩm số 111/2022/DS-ST ngày 12 tháng 4 năm 2022 của Tòa án nhân dân thành phố Q đã quyết định:
Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty TNHH vận tải biển C:
1. Xác định số tiền 4.840.679.038 đồng (Bốn tỷ, tám trăm bốn mươi triệu, sáu trăm bảy mươi chín ngàn, không trăm ba mươi tám đồng) hiện Ngân hàng phát triển V đang giữ là số tiền Tổng công ty bảo hiểm B bồi thường lần 1 đối với chi phí trục vớt tàu B 16 để trả cho Công ty TNHH vận tải biển C nên buộc Ngân hàng phát triển V phải hoàn trả cho Công ty TNHH vận tải biển C số tiền 4.840.679.038 đồng (Bốn tỷ, tám trăm bốn mươi triệu, sáu trăm bảy mươi chín ngàn, không trăm ba mươi tám đồng) và lãi (từ ngày 31.12.2019 đến ngày xét xử sơ thẩm 12.4.2022) là 1.103.409.577 đồng (Một tỷ, một trăm lẻ ba triệu, bốn trăm lẻ chín ngàn, năm trăm bảy mươi bảy đồng), tổng cộng 5.944.088.615 đồng (Năm tỷ, chín trăm bốn mươi bốn triệu, không trăm tám mươi tám ngàn, sáu trăm mười lăm đồng). Số tiền gốc 4.840.679.038 đồng (Bốn tỷ, tám trăm bốn mươi triệu, sáu trăm bảy mươi chín ngàn, không trăm ba mươi tám đồng) và lãi (từ ngày 31.12.2019 đến ngày 12.4.2022) là 1.103.409.577 đồng (Một tỷ, một trăm lẻ ba triệu, bốn trăm lẻ chín ngàn, năm trăm bảy mươi bảy đồng) tổng cộng 5.944.088.615 đồng (Năm tỷ, chín trăm bốn mươi bốn triệu, không trăm tám mươi tám ngàn, sáu trăm mười lăm đồng) nói trên được trừ vào một phần nghĩa vụ tương ứng phải thi hành của Công ty cổ phần đóng tàu B đối với Công ty TNHH vận tải biển C theo Bản án dân sự sơ thẩm số 50/2019/KDTM-ST ngày 07.10.2019 của Tòa án nhân dân thành phố Q.
2. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty TNHH vận tải biển C về việc yêu cầu Tòa tính lãi suất với mức 14.2%/năm và thời hạn tính lãi kể từ ngày 04.4.2019, vì không có căn cứ.
3. Đình chỉ xét xử đối với phần rút yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty TNHH vận tải biển C về buộc Ngân hàng phát triển V trả số tiền 248.256.360 đồng (Hai trăm bốn mươi tám triệu, hai trăm năm mươi sáu ngàn, ba trăm sáu mươi đồng).
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định án phí và quyền kháng cáo của đương sự.
Ngày 22 tháng 4 năm 2022 và ngày 09 tháng 5 năm 2022, bị đơn Ngân hàng phát triển V có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Tại phiên Tòa phúc thẩm, nguyên đơn giữ nguyên đơn khởi kiện, bị đơn giữ nguyên nội dung kháng cáo như trên.
Tại phiên tòa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của bị đơn, sửa bản an sơ thẩm.
Kiểm sát viên tham gia phiên tòa phát biểu: Trong quá trình tố tụng, người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng thực hiện đúng quy định của pháp luật tố tụng; đồng thời đề nghị HĐXX không chấp nhận nội dung kháng cáo của bị đơn, sửa Bản án sơ thẩm về quan hệ pháp luật.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Về sự vắng mặt của các bên đương sự: Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Công ty cổ phần đóng tàu B đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai nhưng vắng mặt không lý do. Do đó, Tòa án tiến hành xét xử vắng theo quy định tại khoản 3 Điều 296 Bộ luật Tố tụng Dân sự.
[2] Về quan hệ pháp luật: Án sơ thẩm xác định quan hệ pháp luật là: “Tranh chấp tiền bảo hiểm phát sinh từ hoạt động trục vớt tàu B 16” là không có cơ sở. Bởi lẽ: Công ty C khởi kiện yêu cầu Ngân hàng phát triển V – Chi nhánh Ngân hàng phát triển T phải trả lại tiền bảo hiểm chi phí trục vớt tàu B 16 theo thỏa thuận của Công ty B cùng với nội dung cam kết tại công văn số 125/NHPT.TBI-TD ngày 28.02.2019 mà Ngân hàng đã gởi cho Công ty C. Nhưng khi tiền bồi thường được bảo hiểm chuyển vào tài khoản Ngân hàng thì Ngân hàng chiếm giữ không chịu chuyển số tiền bồi thường của bảo hiểm như đã cam kết. Do đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm sửa lại quan hệ pháp luật là: “Tranh chấp đòi lại tài sản bị chiếm giữ”.
[3] Xét kháng cáo của bị đơn, Hội đồng xét xử thấy rằng:
[3.1] Công ty C và Công ty B có xác lập hợp đồng kinh tế số 1412/HĐKT- 2017, ngày 14.12.2017 và phụ lục số 01/PLHĐ, ngày 21.9.2018 về việc Công ty C thực hiện trục vớt 3.000 tấn Clinker và làm nổi tàu B 16 xảy ra tại khu vực Vịnh Q, Bình Định. Công ty C đã hoàn thành xong việc trục vớt và công nợ giữa hai bên đã được giải quyết tại Bản án dân sự sơ thẩm số 50/2019/KDTM-ST ngày 07.10.2019 của Tòa án nhân dân thành phố Q đã có hiệu lực pháp luật. Theo bản án, Công ty B phải có nghĩa vụ thanh toán cho Công ty C tổng số tiền 5.768.158.000 đồng (trong đó gốc 5.200.000.000 đồng, lãi 568.158.000 đồng).
Nhưng hiện nay, Công ty B chưa thi hành khoản tiền trên cho Công ty C với lý do Công ty B có mua bảo hiểm tại Tổng công ty bảo hiểm B nên chờ tiền chi trả của bảo hiểm, vì ngoài việc ký kết hợp đồng trục vớt, giữa Công ty C và Công ty B còn có thỏa thuận đối với khoản chi phí trục vớt sẽ là khoản tiền được bảo hiểm bồi thường và sử dụng để trả cho đơn vị trục vớt. Đối với khoản tiền bảo hiểm các bên cứ chờ khi nào được bảo hiểm giải quyết bồi thường, bảo hiểm sẽ chuyển vào tài khoản ngân hàng của Công ty B mở tại Chi nhánh NHPT T và sử dụng để trả cho đơn vị trục vớt là Công ty C. Ngày 04.4.2019 Tổng công ty bảo hiểm B đã chuyển khoản tiền bồi thường bảo hiểm đối với chi phí trục vớt tàu B 16 vào tài khoản Chi nhánh NHPT T là 4.840.679.038 đồng nhưng Ngân hàng chiếm giữ cho đến nay. Ngân hàng cho rằng số tiền chi phí trục vớt 4.840.679.038 đồng nói trên cũng như kể cả toàn bộ số tiền bồi thường bảo hiểm của tàu B 16 đều thuộc tài sản thế chấp tại Ngân hàng theo Hợp đồng thế chấp tài sản số 03/2015/HĐTCTS-NHPT ngày 17.12.2015; Hợp đồng bảo hiểm tàu thủy nội địa số HPH.D01.TS.17.HD204 ngày 25.8.2017 và Giấy ủy quyền thụ hưởng bảo hiểm số 01/17/UQTHBH-BB ngày 25.8.2017 đã được các bên ký kết.
[3.2] Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ có tại hồ sơ và qua tranh tụng tại phiên tòa hôm nay, Hội đồng xét xử thấy rằng: Giữa Chi nhánh NHPT T với Công ty B ký kết Hợp đồng thế chấp tài sản hình thành trong tương lai số 03/2015/HĐTCTS-NHPT ngày 17.12.2015, Tại Điều 5 của Hợp đồng nói trên có ghi “… Mọi khoản tiền bồi thường, bảo hiểm đối với tài sản thế chấp đều thuộc tài sản thế chấp…”. Và Tại Giấy ủy quyền thụ hưởng bảo hiểm số 01/17/UQTHBH-BB ngày 15.8.2017 giữa bên ủy quyền là Công ty B với bên được ủy quyền Chi nhánh NHPT T có nội dung “ … Bằng giấy ủy quyền này, Công ty B ủy quyền thụ hưởng bảo hiểm đối với tàu B 16 cho Chi nhánh Ngân hàng phát triển T. Khi xảy ra tổn thất đối với tàu B 16 thuộc trách nhiệm của Công ty B, toàn bộ số tiền thanh toán bồi thường sẽ được Công ty B thanh toán vào tài khoản của Người thụ hưởng bảo hiểm là Chi nhánh Ngân hàng phát triển T. Trường hợp thanh toán chuyển cho Công ty cổ phần đóng tàu B phải có sự đồng ý trước bằng văn bản hoặc có giấy ủy quyền của Chi nhánh Ngân hàng phát triển T…”. Như vậy, giữa Công ty B và Ngân hàng đã cam kết về vấn đề thanh toán khi xảy ra sự kiện bảo hiểm cũng như việc thụ hưởng số tiền bảo hiểm, hai bên thỏa thuận nếu thanh toán số tiền bảo hiểm cho Công ty B thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của Chi nhánh NHPT T nên khoản tiền bồi thường bảo hiểm đối với chi phí trục vớt tàu B 16 bảo hiểm không chuyển trực tiếp cho Công ty B được.
[3.3] Ngày 08.10.2018 Công ty B đã có văn bản về đề nghị bồi thường hạng mục trục vớt và lai kéo tàu cho Công ty C. Ngày 12.12.2018 Tổng công ty bảo hiểm B ban hành văn bản số 10318/BHBV-GĐBTHH về việc thông báo bồi thường lần 1 tổn thất chìm tàu B 16 ngày 04.11.2017. Tại văn bản số 2501/BB16/2019 ngày 25.01.2019 của Công ty B gửi Chi nhánh NHPT T có nội dung “… Công ty Cổ phần đóng tàu B đề nghị chi nhánh NHPT T, khi số tiền bảo hiểm nêu trên đã được Công ty B chuyển vào tài khoản của chi nhánh NHPT T thì hạch toán số tiền trên vào tài khoản tiền gửi vốn đầu tư số 115141800001406 của Công ty B mở tại Chi nhánh NHPT T để thanh toán chi phí trục vớt tàu B 16 cho Công ty TNHH Vận tải biển C…”. Bên cạnh đó, Công ty C cũng gửi các văn bản số 15/CV-CL ngày 11.2.2019; số 17/CV-CL ngày 13.02.2019 đến Chi nhánh NHPT T đề nghị khi nào tiền bồi thường bảo hiểm được chuyển vào tài khoản của chi nhánh, chi nhánh sẽ thực hiện chuyển để thanh toán chi phí trục vớt tàu B 16 cho Công ty C. Khi nhận được văn bản của Công ty B, Công ty C; Chi nhánh NHPT T cũng thể hiện rõ quan điểm của mình về vấn đề này bằng việc ban hành văn bản số 125/NHPT.TBI-TD gửi cho Công ty C với nội dung “… Khi số tiền bồi thường bảo hiểm tàu B 16 được Công ty B chuyển vào tài khoản của Chi nhánh, Chi nhánh sẽ chuyển số tiền bồi thường bảo hiểm để thanh toán chi phí tiền trục vớt tàu B 16 cho Công ty TNHH vận tải biển C theo đề nghị của Công ty B…”. Như vây, văn bản số 125/NHPT.TBI-TD ngày 28.02.2019 của Chi nhánh NHPT T có nội dung rõ ràng, được người có thẩm quyền ký, đóng dấu và Chi nhánh NHPT T thừa nhận khi nào số tiền bồi thường bảo hiểm chuyển vào tài khoản chi nhánh thì chi nhánh sẽ chuyển cho đơn vị trục vớt là Công ty C theo đề nghị của Công ty B, nên văn bản số 125/NHPT.TBI-TD ngày 28.02.2019 nói trên là căn cứ pháp lý phát sinh quyền, nghĩa vụ của các bên khi phát sinh tranh chấp.
[3.4] Bị đơn cho rằng văn bản số 125/NHPT.TBI-TD ngày 28.02.2019 chỉ là văn bản trao đổi thông tin, nghiệp vụ thông thường của Ngân hàng với Công ty C, không phải là văn bản cam kết hay bảo lãnh của Ngân hàng trả nợ thay cho Công ty B là không có căn cứ. Bỡi lẽ, xét về trình tự thời gian thì ngày 25.01.2019 Công ty B ban hành văn bản số 2501/BB16/2019; Công ty C ban hành văn bản số 15/CV-CL ngày 11.2.2019 và số 17/CV-CL ngày 13.02.2019.
Ngày 28.02.2019 Ngân hàng phúc đáp cho cho Công ty C bằng văn bản số 125/NHPT.TBI-TD là có logic về thời gian, thể hiện rõ quan điểm của Ngân hàng là đồng ý theo yêu cầu của Công ty B và Công ty C. Do đó, án sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty C là có căn cứ theo quy định tại các Điều 12, 17 và Điều 46 Luật kinh doanh bảo hiểm; Điều 166, Điều 370 Bộ luật dân sự.
[3.5] Đối với tiền lãi: Trong vụ án này, xuất phát từ việc ngân hàng chiếm giữ khoản tiền có liên quan đến nghĩa vụ của Công ty B để thi hành án cho Công ty C theo bản án số 50/2019/KDTM-ST ngày 07/10/2019 của Tòa án nhân dân thành phố Q đã có hiệu lực. Do đó, án sơ thẩm căn cứ khoản 2 Điều 468 của BLDS để tính mức lãi suất và thời gian tính lãi tính từ ngày 31.12.2019 là ngày Công ty C có đơn yêu cầu thi hành án cho đến ngày xét xử sơ thẩm là phù hợp với quy định của pháp luật.
[4] Từ những phân tích trên, án sơ thẩm xử chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty TNHH vận tải biển C là có căn cứ, phù hợp với quy định của luật.
[5] Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
[6] Án phí dân sự phúc thẩm: Theo quy định tại khoản 2 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội, bị đơn Ngân hàng hàng phát triển Việt Nam không phải chịu.
[7] Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn phát biểu luận cứ đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của bị đơn, sửa Bản án dân sự sơ thẩm là không phù hợp với nhận định của Tòa.
[8] Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án đề nghị không chấp nhận đơn kháng cáo của bị đơn. Sửa Bản án sơ thẩm về quan hệ pháp luật là phù hợp với nhận định của Tòa.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 2 Điều 308, khoản 1 Điều 148 Bộ luật Tố tụng Dân sự;
Căn cứ Điều 166, Điều 370 và Điều 468 Bộ luật dân sự; Điều 12, Điều 17, Điều 46 Luật kinh doanh bảo hiểm; khoản 2 Điều 26, khoản 2 Điều 29 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30.12.2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Tuyên xử:
1. Không chấp nhận toàn bộ nội dung kháng cáo của bị đơn Ngân hàng phát triển V.
2. Sửa Bản án dân sự sơ thẩm 111/2022/DS-ST ngày 12 tháng 4 năm 2022 của Tòa án nhân dân thành phố Q về quan hệ pháp luật là “Tranh chấp đòi lại tài sản bị chiếm giữ”.
3. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty TNHH vận tải biển C:
3.1. Xác định số tiền 4.840.679.038 đồng (Bốn tỷ, tám trăm bốn mươi triệu, sáu trăm bảy mươi chín ngàn, không trăm ba mươi tám đồng) hiện Ngân hàng phát triển V đang giữ là số tiền Tổng công ty bảo hiểm B bồi thường lần 1 đối với chi phí trục vớt tàu B 16 để trả cho Công ty TNHH vận tải biển C nên buộc Ngân hàng phát triển V phải hoàn trả cho Công ty TNHH vận tải biển C số tiền 4.840.679.038 đồng (Bốn tỷ, tám trăm bốn mươi triệu, sáu trăm bảy mươi chín ngàn, không trăm ba mươi tám đồng) và tiền lãi (từ ngày 31.12.2019 đến ngày xét xử sơ thẩm 12.4.2022) là 1.103.409.577 đồng (Một tỷ, một trăm lẻ ba triệu, bốn trăm lẻ chín ngàn, năm trăm bảy mươi bảy đồng). Tổng cộng 5.944.088.615 đồng (Năm tỷ, chín trăm bốn mươi bốn triệu, không trăm tám mươi tám ngàn, sáu trăm mười lăm đồng).
Số tiền 5.944.088.615 đồng (Năm tỷ, chín trăm bốn mươi bốn triệu, không trăm tám mươi tám ngàn, sáu trăm mười lăm đồng) nói trên được trừ vào một phần nghĩa vụ tương ứng phải thi hành của Công ty cổ phần đóng tàu B đối với Công ty TNHH vận tải biển C theo Bản án dân sự sơ thẩm số 50/2019/KDTM- ST ngày 07.10.2019 của Tòa án nhân dân thành phố Q.
3.2. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty TNHH vận tải biển C về việc yêu cầu tính lãi suất với mức 14.2%/năm và thời hạn tính lãi kể từ ngày 04.4.2019.
3.3. Đình chỉ xét xử đối với phần rút yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty TNHH vận tải biển C về việc buộc Ngân hàng phát triển V trả số tiền 248.256.360 đồng (Hai trăm bốn mươi tám triệu, hai trăm năm mươi sáu ngàn, ba trăm sáu mươi đồng).
4. Về án phí:
4.1. Án phí dân sự sơ thẩm: Ngân hàng phát triển V phải chịu 113.944.088 đồng (Một trăm mười ba triệu, chín trăm bốn mươi bốn ngàn, không trăm tám mươi tám đồng).
Hoàn trả lại cho Công ty TNHH vận tải biển C số tiền tạm ứng án phí 57.300.000 đồng (Năm mươi bảy triệu, ba trăm ngàn đồng) đã nộp theo biên lai số 0002474 ngày 07.5.2021 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Q.
4.2. Án phí dân sự phúc thẩm: Ngân hàng hàng phát triển V không phải chịu. Hoàn trả cho Ngân hàng hàng phát triển V 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng) tiền tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu số 0003826 ngày 09/5/ 2022 của Chi cục thi hành án dân sự thành phố Q.
5. Về quyền, nghĩa vụ thi hành án:
5.1. Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án), hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, tất cả khác khoản tiền hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015.
5.2. Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án Dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án Dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
6. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 149/2022/DS-PT về tranh chấp đòi lại tài sản bị chiếm giữ
Số hiệu: | 149/2022/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Bình Định |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 15/08/2022 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về