Bản án 149/2020/DS-PT ngày 02/07/2020 về bồi thường thiệt hại tài sản ngoài hợp đồng

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH CÀ MAU

BẢN ÁN 149/2020/DS-PT NGÀY 02/07/2020 VỀ BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI TÀI SẢN NGOÀI HỢP ĐỒNG

Ngày 02 tháng 7 năm 2020, tại trụ sở, Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 203/2019/TLPT- DS ngày 07 tháng 8 năm 2019 về tranh chấp Bồi thường thiệt hại tài sản ngoài hợp đồng.

Do bản án dân sự sơ thẩm số 35/2019/DS-ST ngày 25 tháng 4 năm 2019 của Toà án nhân dân huyện Trần Văn Thời bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 200/2019/QĐPT-DS ngày 30 tháng 8 năm 2019 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Ông Huỳnh Thanh T1 – sinh năm 1946;

Nơi cư trú: Khóm 3, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.

Người đại diện hợp pháp của ông T1: Chị Huỳnh Kim P – sinh năm 1974;

Nơi cư trú: Khóm 3, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau là người đại diện theo ủy quyền (Văn bản ủy quyền ngày 07/3/2018)

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Ông Ngô Đình C là Luật sư - Văn phòng luật sư Ngô Đình C, thuộc Đoàn luật sư tỉnh Cà Mau.

- Bị đơn:

+ Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng Hải Việt Nam;

Địa chỉ: Số 54A, Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.

Người đại diện hợp pháp của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng Hải Việt Nam: Ông Phạm Văn Thư – sinh năm 1983, chức vụ: Giám đốc quản lý khách hàng – Phòng TT&MBN; ông Hoàng Việt Hùng – sinh năm 1981, chức vụ: Phó Giám đốc, Phòng QLKH chuyên ngành; ông Dương Văn Liêu – sinh năm 1977, chức vụ: Giám đốc QLKH – Phòng TT&MBN cùng nơi làm việc: Tầng 23, Tòa nhà TNR, 180-192 Nguyễn Công Trứ, phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh là người đại diện theo ủy quyền (Văn bản ủy quyền số 902/2018/UQ-TGDD13 ngày 21/3/2018)

+ Công ty Cổ phần Tập đoàn Xuân H;

Địa chỉ: Nhà vườn 3, lô 20, tổng cục 5, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.

Người đại diện hợp pháp Công ty Cổ phần Tập đoàn Xuân H: Chị Võ Thanh T5 – sinh năm 1976; Nơi cư trú: Số 20, đường 8C2, Khu Dân cư Hưng Phú 1, phường Hưng Phú, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ, là người đại diện theo ủy quyền (Văn bản ủy quyền ngày 20/9/2018)

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

+ Anh Nguyễn Xuân V - sinh năm 1972;

+ Anh Nguyễn Thế D – sinh năm 1985;

Cùng nơi cư trú: Nhà vườn 3, lô 20, tổng cục 5, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.

+ Bà Trần Thị G – sinh năm 1948;

+ Anh Huỳnh Thanh T3 – sinh năm 1983;

+ Anh Huỳnh Quốc T4 – sinh năm 1984;

Cùng nơi cư trú: Khóm 3, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.

- Người kháng cáo: Công ty Cổ phần Tập Đoàn Xuân Hiếu là bị đơn.

Tại phiên tòa: Ông T1, bà P, ông C, ông T3, ông T4, bà G, bà T5, ông T2 có mặt; Ông D, ông V, ông Hùng, ông Liêu vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Tàu cá Phượng Hải số đăng ký CM 99547TS (viết tắt Tàu Phượng Hải) do ông Huỳnh Thanh T1 làm chủ. Tàu Xuân Hiếu Group 286 số đăng ký IMO:

9563316 (viết tắt Tàu Xuân Hiếu) do Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng Hải Việt Nam (viết tắt Ngân hàng Hàng Hải) làm chủ. Tàu Xuân Hiếu do Công ty Cổ phần Tập đoàn Xuân H (viết tắt Công ty Xuân Hiếu) thuê và trực tiếp quản lý sử dụng.

* Nguyên đơn trình bày: Khoảng 18 giờ 50 phút ngày 10/8/2017, tàu Phượng Hải ở vị trí tọa độ 9006”00N, 10402100E, thuộc vùng biển tỉnh Cà Mau, bất ngờ bị tàu Xuân Hiếu đâm vào phía sau góc lái mạn trái làm cho tàu Phượng Hải bị chìm toàn bộ. Ngày 30/10/2017, nguyên đơn khởi kiện Ngân hàng Hàng Hải đòi bồi thường 3.117.491.000đ. Ngày 02/5/2018, nguyên đơn bổ sung khởi kiện yêu cầu Công ty Xuân Hiếu cùng liên đới bồi thường thiệt hại. Ngày 24/4/2019, nguyên đơn thay đổi yêu cầu khởi kiện: Yêu cầu Ngân hàng Hàng Hải và Công ty Xuân Hiếu liên đới bồi thường thiệt hại theo Chứng thư giám định thiệt hại số: InS/TUB/17226 ngày 21/11/2017 của Công ty Cổ phần giám định Đông Dương số tiền: 2.745.820.200đ. Đối với tiền cho thuyền trưởng và thuyền viên mượn 125.000.000đ, chi phí thuê mướn gửi và giữ giàn lưới 45.000.000đ, tổng cộng 02 khoản là 170.000.000đ nguyên đơn rút yêu cầu khởi kiện đối với số tiền này.

* Đại diện Ngân hàng Hàng Hải trình bày: Ngân hàng Hàng Hải là chủ sở hữu tàu Xuân Hiếu. Tàu Xuân Hiếu được Ngân hàng Hàng Hải cho Công ty Xuân Hiếu thuê theo Hợp đồng thuê tàu trần số: 02 ngày 24/12/2016, thời hạn thuê 12 tháng kể từ ngày ký hợp đồng. Thời gian xảy ra va chạm là trong thời gian thuê nên không thuộc trách nhiệm của Ngân hàng Hàng Hải. Do đó, phía Công ty Xuân Hiếu (bên quản lý tàu và thuyền viên) là chủ thể chịu trách nhiệm trước pháp luật về thuyền viên và các hành vi của thuyền viên.

* Đại diện Công ty Xuân Hiếu trình bày: Ngày 24/12/2016, Công ty Xuân Hiếu ký hợp đồng thuê tàu của Ngân hàng Hàng Hải để vận chuyển hàng hóa trên biển. Thời hạn thuê 12 tháng, tàu được đưa vào khai thác và đặt tên là tàu Xuân Hiếu Group 286. Ngày 05/8/2017, tàu Xuân Hiếu do thuyền trưởng Nguyễn Xuân V chỉ huy xuất phát từ cảng Nghi Sơn (tỉnh Thanh Hóa) với 12 thuyền viên, chở 2.552 tấn xi măng đến Cảng An Thới (huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang). Ngày 10/8/2017, giữa tàu Xuân Hiếu xảy ra đâm va với tàu Phượng Hải.

Về điều kiện hoạt động, tàu Xuân Hiếu đầy đủ thủ tục giấy tờ pháp lý, đảm bảo đủ số lượng thuyền viên cũng như đủ bằng cấp để hoạt động trên biển theo các quy định của pháp luật Hàng Hải. Tàu cá Phượng Hải theo nhận định của Cảng vụ Hàng Hải Kiên Giang: "Tàu cá Phượng Hải không đủ điều kiện để hoạt động" các thuyền viên không đáp ứng về chứng chỉ chuyên môn theo quy định của pháp luật.

Về yếu tố chủ quan của hai phương tiện trong quá trình hoạt động dẫn đến vụ đâm va vào ngày 10/8/2017 thì tàu Xuân Hiếu đảm bảo các điều kiện về phương tiện, thuyền viên, chỉ duy nhất có lỗi trong quan sát cảnh giới và điều động tránh va. Tàu Phượng Hải cả 03 yếu tố phương tiện (không đủ điều kiện hoạt động), thuyền viên và quan sát cảnh giới, điều động tránh va đều có lỗi, lỗi của tàu Phượng Hải nhiều hơn và chiếm phần chủ yếu. Do đó, Công ty Xuân Hiếu không đồng ý bồi thường theo yêu cầu của nguyên đơn.

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Huỳnh Thanh T3 và ông Huỳnh Quốc T4 trình bày: Ông T3 là Thuyền trưởng, ông T4 là Máy trưởng tàu Phượng Hải. Khoảng 18 giờ 45 phút ngày 10/8/2017, tàu Phượng Hải ở tọa độ 09006,00 N, 104021,00 E, thuộc vùng biển tỉnh Cà Mau, bất ngờ bị tàu Xuân Hiếu đụng vào phía sau lái bên trái, tàu Xuân Hiếu đi khoảng 01 km thì dừng lại một lát và tiếp tục đi về hướng vùng biển Kiên Giang. Đến khoảng 19 giờ, tàu Phượng Hải chìm hẳn, khoảng 20 giờ, tàu cứu hộ đến cứu vớt. Tất cả tài sản cùng các ngư lưới cụ, trang thiết bị trên tàu đều bị mất và hư hỏng hết.

Ngưi có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Nguyễn Thế D và ông Nguyễn Xuân V: Ông V là Thuyền trưởng, ông D là Đại phó tàu Xuân Hiếu. Ông V, ông D đã được Tòa án tống đạt tất cả các văn bản tố tụng nhưng đương sự vắng mặt phiên hòa giải và không có văn bản trình bày ý kiến gửi đến Tòa án. Bản án dân sự sơ thẩm số 35/2019/DS-ST ngày 25 tháng 4 năm 2019 của Tòa án nhân dân huyện Trần Văn Thời quyết định:

Căn cứ Điều 5, khoản 6 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm d khoản 1 Điều 40, Điều 91, khoản 3 Điều 144, Điều 147, điểm b khoản 2 Điều 227, khoản 3 Điều 228, điểm c khoản 1 Điều 217, khoản 3 Điều 218, khoản 2 Điều 244, khoản 1 Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Điều 584, Điều 585, Điều 589, Điều 597, Điều 601 Bộ luật dân sự 2015; Khoản 3 Điều 286 Bộ luật Hàng Hải; Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của UBTV Quốc Hội quy định về án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên xử: - Chấp nhận khởi kiện của ông Huỳnh Thanh T1 về việc yêu cầu Công ty Cổ phần Tập đoàn Xuân H bồi thường thiệt hại tài sản; Buộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Xuân H bồi thường cho ông Huỳnh Thanh T1 số tiền 2.745.820.200 đồng.

- Đình chỉ yêu cầu khởi kiện của ông Huỳnh Thanh T1 đối với khoản tiền 170.000.000 đồng.

- Án phí dân sự: Buộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Xuân H phải chịu án phí dân sự có giá ngạch 86.916.404 đồng.

Ngày 07/5/2019, Công ty Xuân Hiếu là bị đơn nộp đơn kháng cáo (Đơn đề ngày 28/4/2019) yêu cầu sửa án sơ thẩm theo hướng không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, với những căn cứ sau:

Báo cáo 465/BC-CVHHKG ngày 11/10/2017 của Cảng vụ Hàng Hải Kiên Giang không phải là báo cáo điều tra từ hiện trường mà chỉ đưa ra những nhận định từ lời khai của các bên. Cảng vụ không phải là cơ quan thẩm định lỗi trong vụ đâm va này, nhưng án sơ thẩm căn cứ vào nhận định của báo cáo từ đó xác định lỗi và trách nhiệm bồi thường là không đúng.

Công ty Xuân Hiếu đã mời Công ty giám định độc lập thẩm định nguyên nhân và mức độ lỗi thiệt hại tàu Phượng Hải có báo cáo phân định lỗi tàu Phượng Hải 70%, tàu Xuân Hiếu 30% nhưng không được chấp nhận. Trong khi nguyên đơn tự mình mời một Công ty thẩm định giá và đưa ra các khoản kê thiệt hại mà không có bất kỳ chứng từ tài chính hoặc xác nhận của bên bán.

Va chạm xảy ra, lỗi của tàu Phượng Hải là không có Giấy phép khai thác thủy sản; tàu hết đăng kiểm không đủ thông số kỷ thuật lưu hành ra biển; không bảo hiểm thuyền viên; thuyền viên không có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn; tự ý thay máy chính mà không được đăng kiểm và không đủ thông số kỷ thuật theo thiết kế; tàu chở nhiều đá hộc mà tàu không đủ chức năng chở vật liệu xây dựng; hệ thống đèn tín hiệu không có, không đảm bảo an toàn; người trực tàu không làm tốt cảnh giới, không điều động đâm va.

Tại phiên tòa phúc thẩm người kháng cáo giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.

Ý kiến của Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cà Mau: Về trình tự thủ tục tố tụng, Hội đồng xét xử, đương sự đã tuân thủ và thực hiện đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Về nội dung: Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 Điều 308 – Bộ luật Tố tụng dân sự; Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của Công ty Xuân Hiếu; Giữ nguyên bản án sơ thẩm dân sự số 35/2019/DS-ST ngày 25 tháng 4 năm 2019 của Tòa án nhân dân huyện Trần Văn Thời.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có tại hồ sơ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, ý kiến của Kiểm sát viên, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Công ty Xuân Hiếu là bị đơn trong vụ án; Đơn kháng cáo Công ty Xuân Hiếu trong thời hạn luật định, được chấp nhận xem xét, giải quyết.

[2] Xét nội dung và quyết định của bản án sơ thẩm: Đơn khởi kiện ngày 30/10/2017, Đơn khởi kiện bổ sung ngày 18/12/2017, Đơn khởi kiện bổ sung ngày 02/5/2018 nguyên đơn khởi kiện Ngân hàng Hàng Hải và Công ty Xuân Hiếu cùng có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại. Án sơ thẩm nhận định nghĩa vụ bồi thường thiệt hại chỉ có Công ty Xuân Hiếu, còn Ngân hàng Hàng Hải không có nghĩa vụ bồi thường là có cơ sở, đúng pháp luật. Nhưng, phần quyết định của bản án không tuyên bác khởi kiện của nguyên đơn về việc yêu cầu đối với Ngân hàng Hàng Hải là một thiếu sót. Song, việc thiếu sót này không làm thay đổi nội dung, bản chất cũng như các quyết định khác của bản án sơ thẩm và không gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự khác trong vụ án nên không cần thiết hủy án sơ thẩm để giải quyết lại vụ án.

[3] Về giá trị thiệt hại: Công ty Xuân Hiếu không đồng ý giá trị thiệt hại 2.745.820.200đ theo kết quả giám định của Công ty Cổ phần giám định Đông Dương (Công ty Đông Dương) tại Chứng thư giám định thiệt hại số InS/TUB/17226 ngày 21/11/2017 với lý do: Nguyên đơn tự mời Công ty thẩm định giá và đưa ra các khoản kê thiệt hại mà không có bất kỳ chứng từ tài chính hoặc xác nhận của bên bán.

Tại giai đoạn phúc thẩm, Công ty Xuân Hiếu yêu cầu được thẩm định lại thiệt hại tài sản nhưng Công ty Xuân Hiếu không thực hiện các thủ tục theo Luật Tố tụng dân sự quy định để tiến hành thẩm định giá.

Đối với việc thẩm định giá của Công ty Đông Dương. Công ty Đông Dương đã thực hiện đúng theo quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục thẩm định giá. Chứng thư giám định thiệt hại số InS/TUB/17226 ngày 21/11/2017 của Công ty Đông Dương kết luận về giá trị tài sản bị thiệt hại là có cơ sở. Do đó, căn cứ vào kết quả giám định của Công ty Đông Dương tại Chứng thư giám định thiệt hại số InS/TUB/17226 ngày 21/11/2017 làm căn cứ về thiệt hại để giải quyết. Án sơ thẩm chấp nhận giá trị thiệt hại 2.745.820.200đ theo kết quả giám định của Công ty Đông Dương là có căn cứ pháp luật. [4] Trách nhiệm lỗi: Lời khai ngày 12/8/2017 của ông D – Đại phó tàu Xuân Hiếu là người trực tiếp điều hành tàu trong thời gian xảy ra va chạm, khai: Lúc phát hiện tàu Phượng Hải thì tàu Phượng Hải cách tàu Xuân Hiếu khoảng 1,5 hải lý. Ông nghĩ có khả năng đâm va nên đã cho chuyển hướng sang trái 100 (do khu vực này có nhiều tàu cá nên không thể thay đổi góc lớn hơn). Tuy nhiên, tàu Phượng Hải vẫn đi cắt hướng mũi tàu Xuân Hiếu. Khi còn cách tàu Phượng Hải khoảng 10 mét, ông lại cho chuyển hướng sang phải với góc 300 phải (BL: 407).

Lời khai ngày 15/8/2017 của ông T3 – Máy trưởng tàu Phượng Hải là người trực tiếp điều hành tàu trong thời gian xảy ra va chạm, khai: Lần đầu phát hiện tàu Xuân Hiếu thì Tàu Xuân Hiếu cách tàu Phượng Hải 04 hải lý phía mạn trái tàu Phượng Hải. Cho rằng không có nguy cơ đâm va nên ông không để ý quan sát tàu Xuân Hiếu, đến khi tàu Xuân Hiếu còn cách tàu Phượng Hải khoảng 03 mét thì tàu Phượng Hải không thể tránh được (BL: 381).

Điều 7 – Thông tư 19/2013/TT – BGTVT quy định về nguy cơ đâm va: Tàu thuyền phải sử dụng tất cả các thiết bị sẵn có thích hợp với hoàn cảnh và điều kiện hiện tại để xác định có nguy cơ đâm va hay không. Nếu chưa khẳng định được điều đó thì phải coi như đang tồn tại nguy cơ đâm va. Sử dụng triệt để thiết bị radar của tàu, quan sát ở thang tầm xa lớn, thích hợp sớm phát hiện nguy cơ đâm va và tiến hành đồ giải tránh va radar hoặc theo dõi một cách có hệ thống các mục tiêu đã được phát hiện. Không đưa ra những kết luận dựa trên cơ sở các thông tin chưa đầy đủ, đặc biệt đối với những thông tin do radar cung cấp.

Khoản 1 Điều 8 – Thông tư 19/2013/TT – BGTVT quy định về điều động tránh va: Khi hoàn cảnh cho phép phải được tiến hành một cách dứt khoát, kịp thời và phù hợp với kinh nghiệm của người đi biển lành nghề.

Điều 15 – Thông tư 19/2013/TT – BGTVT quy định về tàu thuyền đi cắt hướng nhau: Khi hai tàu thuyền máy đi cắt hướng nhau đến mức có nguy cơ đâm va thì tàu thuyền nào nhìn thấy tàu thuyền kia ở bên mạn phải của mình thì phải nhường đường cho tàu thuyền đó và nếu hoàn cảnh cho phép phải tránh đi qua phía trước mũi của tàu thuyền đó.

Điều 17 – Thông tư 19/2013/TT – BGTVT quy định về hành động của tàu thuyền được nhường đường: Khi xét thấy tàu thuyền phải nhường đường đã không hành động phù hợp với yêu cầu của Thông tư này, thì tàu thuyền được nhường đường có thể tự mình điều động để tránh đâm va. Khi tàu thuyền được nhường đường giữ nguyên hướng đi và tốc độ nhận thấy đang ở rất gần tàu thuyền kia và không thể tránh khỏi nguy cơ đâm va nếu chỉ dựa vào sự điều động của tàu thuyền kia, thì tàu thuyền được nhường đường cũng phải có biện pháp tốt nhất để điều động tàu mình tránh sự đâm va.

Báo cáo Điều tra số 465/BC-CVHHKG ngày 11/10/2017 của Cảng vụ Hàng Hải Kiên Giang xác định:

Đối với tàu Xuân Hiếu, Khi phát hiện tàu Phượng Hải đi cắt hướng mũi mình về phía mạn phải thì Đại phó đã xác định được là có nguy cơ đâm va và đã cho hành động tránh va (rẽ trái 100). Việc có hành động chủ động tránh va này là cần thiết, theo quy tắc quốc tế về phòng ngừa va chạm trên biển thì tàu Xuân Hiếu phải nhường đường (Điều 15 – Thông tư 19/2013/TT – BGTVT ngày 06/8/2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải). Tuy nhiên trong tình huống này việc rẽ trái 100 (trong khi tàu hoàn toàn có khả năng rẽ phải để đi qua phía lái tàu cá vẫn hoàn toàn có thể thực hiện được) là hướng xử lý không hợp lý của Đại phó Nguyễn Thế Đông. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến va chạm nêu trên.

Đối với tàu Phượng Hải, Khi hành trình, thuyền trưởng trực tiếp điều khiển tàu đã không xác định được nguy cơ đâm va khi thấy tàu khác đi cắt hướng tàu mình. Từ đó dẫn đến không có bất cứ hành động gì để thực hiện tránh va với tàu Xuân Hiếu, cho đến khi phát hiện lần nữa thì tàu Xuân Hiếu chỉ còn cách tàu mình khoảng 3 – 5 mét thì không thể tránh va được đã dẫn đến va chạm.

Tại phiên tòa, nguyên đơn cho rằng không có lỗi của người điều khiển tàu Phượng Hải, còn đại diện Công ty Xuân Hiếu thừa nhận vụ va chạm xảy ra có lỗi của người điều khiển tàu Xuân Hiếu nhưng chỉ có lỗi trong việc cảnh giới. Báo cáo giám định của Công ty Cổ phần giám định Phương Bắc (Công ty Phương Bắc) do Công ty Xuân Hiếu mời giám định đã đánh giá tỷ lệ lỗi các bên trong vụ đâm va thì lỗi vi phạm tàu Phượng Hải 70%, lỗi vi phạm tàu Xuân Hiếu 30%.

Song, căn cứ quy định của pháp luật, đối chiếu với những sai phạm của người trực tiếp điều khiển tàu Xuân Hiếu, tàu Phượng Hải dẫn đến xảy ra đâm va như đã nêu trên, có cơ sở xác định: Nguyên nhân dẫn đến đâm va giữa tàu Xuân Hiếu và tàu Phượng Hải xảy ra do lỗi hổn hợp của người điều khiển tàu Xuân Hiếu và tàu Phượng Hải. Trong đó phần lỗi của người trực tiếp điều khiển tàu Xuân Hiếu nhiều hơn, cụ thể: Đại phó không thực hiện hết trách nhiệm của mình và phát huy hết tác dụng của các trang thiết bị sẳn có trong việc cảnh giới; Khi phát hiện tàu Phượng Hải thì điều động tránh va không hợp lý, không dứt khoát, không kịp thời và phù hợp với kinh nghiệm của người đi biển lành nghề.

Công ty Xuân Hiếu còn cho rằng, Cảng vụ không phải là cơ quan thẩm định lỗi trong vụ đâm va này. Thấy rằng, tại Thông tư 34/2015/TT – BGTVT ngày 24/7/2015 của Bộ Giao thông vận tải quy định: Điều tra tai nạn hàng hải là việc xác định điều kiện, hoàn cảnh, nguyên nhân hay những khả năng có thể là nguyên nhân gây ra tai nạn hàng hải (Điều 10 – Thông tư 34/2015/TT – BGTVT). Báo cáo điều tra tai nạn hàng hải gồm: Mô tả chi tiết về hoàn cảnh xảy ra tai nạn hàng hải; Phân tích, lập luận và chứng minh các yêu tố dẫn đến nguyên nhân của tai nạn hàng hải (Điều 19 – Thông tư 34/2015/TT – BGTVT). Giám đốc Cảng vụ hàng hải khu vực có trách nhiệm tổ chức điều tra tai nạn hàng hải xảy ra trong vùng nước cảng biển và tai nạn hàng hải khác do Cục trưởng Cục hàng hải Việt Nam giao (Điều 12 – Thông tư 34/2015/TT – BGTVT). Do đó, Cảng vụ Hàng Hải Kiên Giang tổ chức điều tra tai nạn đâm va giữa tàu Xuân Hiếu với tàu Phượng Hải, có Báo cáo điều tra và xác định nguyên nhân của tai nạn là hoàn toàn đúng quy định của pháp luật.

Công ty Xuân Hiếu nêu rằng, va chạm giữa hai tàu xảy ra lỗi của tàu Phượng Hải là không có Giấy phép khai thác thủy sản; Tàu hết đăng kiểm không đủ thông số kỷ thuật lưu hành ra biển; Không bảo hiểm thuyền viên, thuyền viên không có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn; Tự ý thay máy chính mà không được đăng kiểm và không đủ thông số kỷ thuật theo thiết kế; Tàu chở nhiều đá hộc mà tàu không đủ chức năng chở vật liệu xây dựng. Thấy rằng, những lỗi này của tàu Phượng Hải là lỗi hành chính không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến xảy ra tai nạn; Đồng thời, không được cơ quan có thẩm quyền xác định là những nguyên nhân dẫn đến tai nạn xảy ra nên không chấp nhận yêu cầu kháng cáo này của Công ty Xuân Hiếu.

Án sơ thẩm xác định nguyên nhân dẫn đến đâm va là do lỗi của tàu Xuân Hiếu và buộc Công ty Xuân Hiếu bồi thường thiệt hại là có căn cứ, đúng pháp luật. Song, án sơ thẩm buộc Công ty Xuân Hiếu bồi thường toàn bộ thiệt hại là chưa đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty Xuân Hiếu, chưa tương xứng với mức độ lỗi vi phạm. Bởi, tai nạn xảy ra trong đó có lỗi của người đang trực tiếp điều hành hoạt động của tàu Phượng Hải, đó là: Không thực hiện tốt chức trách nhiệm vụ của mình trong việc cảnh giới. Cụ thể, có phát hiện tàu cắt hướng từ bên trái, nhưng do nhận định cho rằng không có nguy cơ đâm va nên không phân công người cảnh giới quan sát, cho đến khi phát hiện lần nữa thì tàu Xuân Hiếu chỉ còn cách tàu mình khoảng 3 – 5 mét nên không thể tránh va được đã dẫn đến va chạm.

Từ sự phân tích và nhận định trên tai nạn xảy ra do lỗi hổn hợp, lỗi của tàu Xuân Hiếu 2/3 tương đương 70%, tàu Phượng Hải 1/3 tương đương 30%; Do đó, Công ty Xuân Hiếu phải chịu trách nhiệm 70% thiệt hại của tàu Phượng Hải bằng số tiền 1.922.074.000đ = (70% x 2.745.820.200đ). Nên chấp nhận một phần kháng cáo của Công ty Xuân Hiếu; Sửa một phần bản án sơ thẩm.

[4] Án phí: Do kháng cáo của Công ty Xuân Hiếu được chấp nhận một phần nên Công ty Xuân Hiếu không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm. Công ty Xuân Hiếu phải chịu án phí dân sự có giá ngạch của 1.922.074.000đ là 69.662.000đ = (36.000.000đ + 3% x 1.122.074.000đ). Nguyên đơn phải chịu án phí dân sự đối với phần yêu cầu không được chấp nhận của 30% giá trị thiệt hại về tài sản. Song, nguyên đơn là người cao tuổi thuộc trường hợp được miễn án phí dân sự và có Đơn xin miễn án phí dân sự nên miễn án phí dân sự cho nguyên đơn.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 2 Điều 308 – Bộ luật Tố tụng dân sự.

Chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của Công ty Cổ phần Tập đoàn Xuân H; Sửa một phần bản án dân sự sơ thẩm 35/2019/DS-ST ngày 25 tháng 4 năm 2019 của Tòa án nhân dân huyện Trần Văn Thời.

Căn cứ Điều 585, 589, 597, 601 – Bộ luật dân sự 2015; Khoản 1 và 2 Điều 287, Điều 338, Điểm c khoản 1 Điều 688 – Bộ luật Hàng Hải 2015; Khoản 2 Điều 244, điểm c khoản 1 Điều 217, Khoản 1 Điều 147, khoản 2 Điều 148 – Bộ luật Tố tụng dân sự; Khoản 4 Điều 26, khoản 2 Điều 29, điểm đ khoản 1 Điều 12 – Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của UBTV Quốc hội quy định về án phí và lệ phí Toà án.

Tuyên xử: - Chấp nhận một phần khởi kiện của ông Huỳnh Thanh T1 về việc yêu cầu bồi thường thiệt hại; Buộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Xuân H bồi thường cho ông Huỳnh Thanh T1 số tiền 1.922.074.000 đồng.

- Không chấp nhận phần khởi kiện của ông Huỳnh Thanh T1 về việc yêu cầu Công ty Cổ phần Tập đoàn Xuân H bồi thường thiệt hại số tiền 823.746.200 đồng.

- Không chấp nhận phần khởi kiện của ông Huỳnh Thanh T1 về việc yêu cầu Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng Hải Việt Nam liên đới Công ty Cổ phần Tập đoàn Xuân H bồi thường thiệt hại.

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong khoản tiền trên, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự tương ứng với số tiền và thời gian chậm thi hành án.

- Đình chỉ khởi kiện của ông Huỳnh Thanh T1 đối với yêu cầu khoản tiền 170.000.000 đồng.

- Án phí: + Công ty cổ phần Tập đoàn Xuân Hiếu phải chịu án phí dân sự có giá ngạch 69.662.000 đồng.

+ Công ty cổ phần Tập đoàn Xuân Hiếu không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm; hoàn trả lại Công ty cổ phần Tập đoàn Xuân Hiếu 300.000 đồng tiền tạm ứng án phí dân sự đã nộp theo biên lai số 0003066 ngày 07/5/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Trần Văn Thời.

+ Miễn án phí dân sự cho ông Huỳnh Thanh T1; hoàn trả lại ông T1 51.175.000 đồng tiền tạm ứng án phí dân sự đã nộp theo biên lai số 0008136 ngày 11/5/2018 và biên lai số 0007801 ngày 07/02/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Trần Văn Thời.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

2800
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 149/2020/DS-PT ngày 02/07/2020 về bồi thường thiệt hại tài sản ngoài hợp đồng

Số hiệu:149/2020/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Cà Mau
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 02/07/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;