Bản án 145/2019/HS-PT ngày 06/05/2019 về tội hủy hoại rừng

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK

BẢN ÁN 145/2019/HS-PT NGÀY 06/05/2019 VỀ TỘI HỦY HOẠI RỪNG

Ngày 06 tháng 5 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk, xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số: 125/2019/TLPT-HS ngày 04 tháng 4 năm 2019 đối với bị cáo P Ksơr phạm tội “Hủy hoại rừng”, do có kháng cáo của bị cáo P Ksơr đối với Bản án hình sự sơ thẩm số: 04/2019/HS-ST ngày 25 tháng 02 năm 2019 của Tòa án nhân dân huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk.

* Bị cáo có kháng cáo:

Họ và tên: P Ksơr (ML)- Sinh năm 1965, tại tỉnh Đắk Lắk; nơi cư trú: Buôn ĐP, xã KN, huyện BĐ, tỉnh Đắk Lắk; nghề nghiệp: Làm nông; trình độ văn hóa: 5/12; dân tộc: Gia rai; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; con ông P1 Mlô và bà HĐ Ksơr; có vợ là HĐ Byă và 04 con, con lớn nhất sinh năm 1990, con nhỏ nhất sinh năm 2010; tiền án, tiền sự: Không; bị cáo đang được áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú (Có mặt tại phiên tòa).

Người bào chữa cho bị cáo P Ksơr: Bà Nguyễn Thị Bích N - Trợ giúp viên pháp lý - Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh Đắk Lắk; địa chỉ số: Đường LTK, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk (Có mặt).

Người phiên dịch cho bị cáo: Ông Y Th (Có mặt).

Ngoài ra trong vụ án còn có bị cáo HĐ Byă nhưng không có kháng cáo, kháng nghị và không bị kháng cáo, kháng nghị.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Do nhu cầu cần có đất sản xuất, vào khoảng tháng 9/2017 P Ksơr cùng vợ là bà HĐ Byă đã vào Lô 6, Khoảnh 6, Tiểu khu 458, Vườn Quốc gia Y thuộc xã KN, huyện BĐ, tỉnh Đắk Lắk để cưa, chặt phá cây rừng trái phép với mục đích lấy đất để sản xuất. Để phục vụ việc khai hoang rừng, P Ksơr dùng 01 cưa máy (cưa lốc), 01 chiếc dao phát, HĐ Byă chuẩn bị 01 chiếc rìu để làm công cụ cưa, chặt cây rừng; việc cưa, chặt cây rừng cả hai bắt đầu chặt phá rừng từ khoảng tháng 9/2017 đến ngày 07/3/2018. Trong khi P Ksơr và HĐ Byă đang thực hiện hành vi cưa, chặt và thu gom cây rừng đã bị cưa, chặt trước đó thì bị lực lượng Kiểm lâm Trạm ĐP phát hiện, lập hồ sơ xử lý. Trong khoảng thời gian nêu trên P Ksơr và HĐ Byă đã cưa, chặt phá diện tích rừng là 16.410 m2 (1,641 ha); số lượng gỗ bị chặt phá là 98 lóng, khúc gỗ tròn các loại có tổng khối lượng: 24,870m3.

Tại biên bản khám nghiệm hiện trường ngày 12 tháng 3 năm 2018 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện BĐ, xác định: Hiện trường nơi xảy ra vụ án hủy hoại rừng là tại Lô 6, Khoảnh 6, Tiểu khu 458, Vườn Quốc gia Y thuộc xã KN, huyện BĐ, tỉnh Đắk Lắk do Hạt kiểm lâm Vườn Quốc gia Y quản lý.

Vt chứng đã thu giữ gồm: Thu giữ của HĐ Byă 01 (một) con dao dài 125 cm, lưỡi dao bằng kim loại dài 40 cm, cán dao bằng cây tre dài 85 cm và 01 (một) búa (rìu) có cán rìu bằng tre dài 70 cm; 01 lưỡi rìu bằng kim loại dài 19 cm. Đối với chiếc cưa máy (cưa lốc) được P Ksơr bán nên không thu giữ được; 98 lóng, khúc gỗ tròn các loại có tổng khối lượng là 24,870m3.

Tại bản kết luận giám định ngày 12/3/2018 và Bản kết luận giám định bổ sung ngày 15/8/2018 của Chi cục kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk kết luận: Diện tích rừng mà P Ksơr và HĐ Byă cưa, chặt phá là 16.410 m2 (1,641 ha) tại vị trí Lô 6, Khoảnh 6, Tiểu khu 458, Vườn Quốc gia Y thuộc xã KN, huyện BĐ, tỉnh Đắk Lắk; khối lượng, chủng loại gỗ gồm 98 lóng, khúc gỗ tròn các loại, có tổng khối lượng: 24,870m3; đối tượng rừng bị xâm hại là “rừng đặc dụng”.

Tại Bản kết luận định giá tài sản số 12/ KL - ĐGTS, ngày 18/5/2018 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện BĐ xác định giá trị của 98 lóng gỗ tròn các loại có tổng khối lượng là 24,870m3 có giá trị là 98.919.500đ (chín mươi tám triệu, chín trăm mười chín ngàn, năm trăm đồng).

Tại bản án hình sự sơ thẩm số: 04/2019/HSST ngày 25/02/2019 của Tòa án nhân dân huyện Buôn Đôn, đã quyết định:

Áp dụng điểm d khoản 3 Điều 243 của Bộ luật hình sự năm 2015; điểm g, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; khoản 1 Điều 54 của Bộ luật hình sự năm 2015 đối với bị cáo P Ksơr.

Xử phạt bị cáo P Ksơr 03 (ba) năm tù, thời hạn chấp hành hình phạt tính từ ngày bắt bị cáo đi thi hành án.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về hình phạt đối với bị cáo HĐ Byă, quyết định xử lý vật chứng, về án phí và quyền kháng cáo cho các bị cáo và các đương sự theo quy định của pháp luật.

Ngày 01/3/2019, bị cáo P Ksơr có đơn kháng cáo với nội dung xin giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo.

Tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo P Ksơr vẫn giữ nguyên nội dung đơn kháng cáo.

Kết quả xét hỏi tại phiên tòa, bị cáo P Ksơr đã khai nhận toàn bộ hành vi mà bị cáo đã thực hiện đúng như nội dung vụ án đã được tóm tắt nêu trên.

Quá trình tranh luận đại điện Viện kiểm sát đã phân tích, đánh giá tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo P Ksơr và khẳng định: Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử bị cáo P Ksơr về tội “Hủy hoại rừng” theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 243 của Bộ luật hình sự năm 2015 là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Quá trình xét xử ở cấp sơ thẩm bị cáo có cung cấp tình tiết giảm nhẹ bố bị cáo là người có công với cách mạng nhưng cấp sơ thẩm chưa áp dụng nên cần áp dụng bổ sung cho bị cáo. Tuy nhiên, mức án 03 năm tù mà Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo là nhẹ, tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo không cung cấp thêm tình tiết giảm nhẹ nào mới nên không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin hưởng án treo của bị cáo.Vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm a khoản 1 Điều 355, Điều 356 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 – Giữ nguyên bản án hình sự sơ thẩm về hình phạt.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Người bào chữa cho bị cáo trình bày quan điểm: Về tội danh, điều, khoản mà Viện kiểm sát truy tố và Tòa án cấp sơ thẩm xét xử đối với bị cáo là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật người bào chữa không có ý kiến gì. Người bào chữa chỉ phân tích các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo như: Bị cáo có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự. Chỉ vì có nhu cầu cần đất sản xuất mà bị cáo phá rừng chứ không phải khai thác gỗ để bán, do hiểu biết pháp luật hạn chế mà bị cáo đã ngộ nhận là đất của ông, bà để lại nên bị cáo đã khai phá, một phần cũng do sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng. Ngoài ra bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ khác như phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra, bị cáo phạm tội do lạc hậu, bị cáo có thành tích xuất sắc trong thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc được UBND huyện BĐ tặng giấy khen và có thành tích xuất sắc trong phong trào quần chúng được Bộ đội biên phòng tỉnh Đắk Lắk tặng giấy khen, bị cáo có bố là ông P1 Mlô được tặng huy chương kháng chiến hạng nhất, bị cáo là dân tộc thiểu số, thuộc hộ nghèo. Từ những phân tích trên đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo và cho bị cáo được hưởng án treo.

Bị cáo P Ksơr không tranh luận, bào chữa gì chỉ đề nghị HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo và cho bị cáo được hưởng án treo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Lời khai của bị cáo P Ksơr tại phiên toà phúc thẩm là phù hợp với lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra, tại phiên tòa sơ thẩm, phù hợp với các tài liệu chứng cứ đã được thu thập có trong hồ sơ vụ án. Như vậy, đã có đủ cơ sở để kết luận: Do thiếu đất để sản xuất, nên từ tháng 9/2017 đến ngày 07/3/2018 P Ksơr, cùng vợ là bà HĐ Byă đã vào Lô 6, Khoảnh 6, Tiểu khu 458, Vườn Quốc gia Y thuộc xã KN, huyện BĐ, tỉnh Đắk Lắk dùng cưa máy, dao, rìu để cưa, chặt phá cây rừng trái phép, diện tích rừng bị thiệt hại là 16.410 m2 và gây thiệt hại về lâm sản có giá trị theo kết quả định giá là 98.919.500 đồng. Do vậy, Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử bị cáo P Ksơr và HĐ Byă về tội: “Hủy hoại rừng” theo điểm d khoản 3 Điều 243 BLHS năm 2015 là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

[2] Xét kháng cáo xin được hưởng án treo của bị cáo P Ksơr thấy rằng: Tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, không những đã vi phạm quy định về sự quản lý của Nhà nước về trật tự quản lý kinh tế, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại địa phương. Do đó, Hội đồng xét xử xét thấy cần cách ly bị cáo ra khỏi xã hội một thời gian thì mới có tác dụng cải tạo, giáo dục bị cáo và góp phần răn đe, phòng ngừa chung cho toàn xã hội.

[3] Xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo thấy rằng: Quá trình xét xử ở cấp sơ thẩm bị cáo có cung cấp tình tiết giảm nhẹ bố bị cáo là người có công với cách mạng nhưng cấp sơ thẩm chưa áp dụng nên cần áp dụng bổ sung cho bị cáo. Tuy nhiên, mức hình phạt 03 năm tù mà cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo là nhẹ so với tính chất, mức độ hành vi mà bị cáo gây ra, bởi lẽ: Ngoài việc cấp sơ thẩm đã áp dụng các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo khi quyết định mức hình phạt đối với bị cáo thì cấp sơ thẩm còn áp dụng Khoản 1 Điều 54 của Bộ luật hình sự năm 2015 để xử phạt bị cáo một mức hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt. Tại cấp phúc thẩm, bị cáo không cung cấp được tình tiết giảm nhẹ nào mới nên HĐXX phúc thẩm không có căn cứ để chấp nhận đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo.

[4] Từ những phân tích và nhận định trên, Hội đồng xét xử thấy không có căn cứ chấp nhận đơn kháng cáo của bị cáo P Ksơr, giữ nguyên án sơ thẩm về hình phạt.

[5] Về án phí hình sự phúc thẩm: Do bị cáo thuộc hộ cận nghèo nên bị cáo được miễn án phí hình sự phúc thẩm.

[6] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

[1] Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355, Điều 356 Bộ luật tố tụng hình sự. Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo P Ksơr. Giữ nguyên bản án sơ thẩm số: 04/2019/HSST ngày 25/02/2019 của Tòa án nhân dân huyện Buôn Đôn về hình phạt.

Tuyên bố: Bị cáo P Ksơr phạm tội “Hủy hoại rừng”.

Áp dụng điểm d khoản 3 Điều 243 của Bộ luật hình sự năm 2015; điểm g, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Khoản 1 Điều 54 của Bộ luật hình sự năm 2015.

Xử phạt bị cáo P Ksơr 03 (ba) năm tù về tội “Hủy hoại rừng”, thời hạn chấp hành hình phạt từ tính từ ngày bắt bị cáo đi thi hành án

[2] Án phí hình sự phúc thẩm: Bị cáo P Ksơr được miễn án phí hình sự phúc thẩm.

[3] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

386
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 145/2019/HS-PT ngày 06/05/2019 về tội hủy hoại rừng

Số hiệu:145/2019/HS-PT
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Đăk Lăk
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 06/05/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;