TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN ĐÔ LƯƠNG, TỈNH NGHỆ AN
BẢN ÁN 14/2020/DS-ST NGÀY 26/05/2020 VỀ YÊU CẦU TUYÊN BỐ DI CHÚC GIẢ MẠO VÔ HIỆU VÀ CHIA THỪA KẾ
Trong các ngày từ ngày 21 tháng 5 năm 2020 đến ngày 26 tháng 5 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An xét xử sơ thẩm công khai theo thủ tục thông thường vụ án thụ lý số: 51/2019/TLST-DS ngày 26 tháng 8 năm 2019 về yêu cầu tuyên bố di chúc giả mạo vô hiệu và chia thừa kế theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 01/2020/QĐXX-ST ngày 03/02/2020, Quyết định hoãn phiên tòa số 01/2020/QĐST-DS ngày 20/02/2020, Quyết định tạm ngừng phiên tòa số 01/2020/QĐST-DS ngày 02/3/2020, Quyết định tạm ngừng phiên tòa số 02/2020/QĐST- DS ngày 30/3/2020 và Thông báo mở lại phiên tòa số 104/TB-TA ngày 05/5/2020 giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Ông Lê Tiến Th - sinh năm 1945
Địa chỉ: tổ 25 phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Có mặt tại phiên tòa.
2. Bị đơn:
- Ông Lê Danh V - sinh năm 1951.
Địa chỉ: tổ 9B, phường Liễu Giai, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.
Vắng mặt tại phiên tòa.
Người đại diện của ông V: bà Nguyễn Phương T - sinh năm 1960 (cùng địa chỉ với ông V) - vắng mặt tại phiên tòa.
- Ông Lê Danh T - sinh năm 1956
Địa chỉ: tổ 22 phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, thành phố Hà Nội.
Có mặt tại phiên tòa
3. Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:
- Bà Lê Thị Nh - Sinh năm: 1942
Địa chỉ: Xóm 7, xã N, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An.
Có mặt tại phiên tòa.
- Ông Lê Danh H - sinh năm 1962
Địa chỉ: đường Nguyễn Du, phường Bến Thủy, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.
Có mặt tại phiên tòa.
Người đại diện theo ủy quyền của ông H:
Ông Lê Trung H1 - sinh năm 1977.
Địa chỉ: phường Hưng Bình, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.
Có mặt tại phiên tòa
NỘI DUNG VỤ ÁN
- Trong Đơn khởi kiện đề ngày 16/8/2019, lời khai quá trình chuẩn bị xét xử và tại phiên tòa, nguyên đơn ông Lê Tiến Th trình bày:
Cha dượng của ông là cụ Lê Danh K (tên thường gọi C) và mẹ là cụ Lê Thị V (tên thường gọi là Lê Thị Nh - tục gọi theo tên con cả) kết hôn với nhau khoảng năm 1950. Trước khi kết hôn với cụ K, cụ V có hai con riêng là ông và chị gái bà Lê Thị Nh. Cụ K và cụ V sinh được 3 người con là Lê Danh V, Lê Danh T và Lê Danh H. Cả 5 anh chị em được hai cụ yêu thương, nuôi dưỡng, chăm sóc cho đến khi trưởng thành. Cụ K coi ông Th, bà Nh không khác gì con đẻ và ngược lại ông Th, bà Nh cũng kính trọng, yêu thương và báo hiếu đối với cụ K như đối với cha ruột của mình. Sinh thời, các cụ sống trong nhà đất thuộc thửa số 495, tờ bản đồ số 01, diện tích 1237m2 tại xóm 7 xã N, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An và được UBND huyện Đô Lương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 489 QSDĐ/16/QĐ/UB ngày 02/5/1996 mang tên chủ sử dụng hộ bà Lê Thị Nh.
Năm 1996, cụ K lâm bệnh ung thư phổi nên mặc dù đã được con cái tìm hết cách chữa trị nhưng không qua khỏi và mất vào sáng ngày 12/11/1996. Vào đêm của ngày liền kề trước khi mất (tức đêm 11/11/1996), cụ K có ký vào 01 bản di chúc do ông V soạn thảo với nội dung toàn bộ nhà cửa nương vườn của các cụ để lại cho con cháu thờ cúng, nếu không giữ được thì đem bán chia đều cho 5 người con (trước đó, khi chăm sóc cụ, ông Th cũng không nghe cụ nói về chuyện di chúc lần nào). Bản di chúc này do ông V lập và đã được công bố vào hôm tổ chức lễ 3 ngày nhưng trong đó có nội dung phân biệt con chung con riêng nên gây bức xúc trong gia đình vì vốn dĩ khi còn sống cụ K không bao giờ có sự phân biệt này và luôn xem ông Th là con trai cả của gia đình. Do có sự bất đồng nên cụ bà V đã nói rằng, nếu di chúc mà gây mất đoàn kết thì không thực hiện theo di chúc đồng thời giao cho ông H giữ song hiện ông H đã làm mất (trước đây, ông Th không biết nên nghĩ người giữ chính là ông V). Theo ông Th, bản di chúc cụ K ký được ông V lập vào ngày 08/11/1996, tại thời điểm cụ đang ở Hà Nội, được in trên một mặt của tờ giấy A4, cũng không có điều 1 và điều 2 mà chỉ nói chung chung và ngắn gọn. Ông Th cũng chưa được tận mắt xem bản di chúc gốc hay được nhận bản sao di chúc nào.
Sau khi cụ K mất, cụ V tiếp tục sống trên nhà đất vợ chồng đến ngày 22/11/2011 thì qua đời và không để lại di chúc. Khi mẹ còn sống, vào năm 2004, 5 anh chị em đã góp công, góp của để tu sửa lại nhà cửa đàng hoàng cho mẹ. Đến năm 2018, ông T đã tự dùng tiền phúng điếu mẹ để xây thêm và xây nâng chiều cao bờ tường rào lên như hiện trạng xem xét thẩm định tại chỗ.
Sau khi mẹ mất, nhiều lần, ông Th nghe thông tin ông T nhờ người làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng thửa đất 495 của cha mẹ cho ông V, ông T, ông H với lý do di chúc của cụ K đã phân định như vậy. Ông Th đã phản đối vì cụ K di chúc lại tài sản là cho cả 5 người con thờ cúng chứ không riêng gì ông V, ông T, ông H. Sự việc tranh chấp bắt đầu xảy ra thì ông T có nộp bản photocopy tài liệu “Di chúc ký tên Lê Danh K và có xác nhận của chủ tịch đương nhiệm Nguyễn Văn Hồng vào ngày 20/01/2006” với nội dung khác với Di chúc được công bố vào ngày lễ cúng 3 ngày cụ K. Cụ thể: trong tài liệu photocopy này phản ánh cụ K để lại toàn bộ nương vườn, nhà cửa cho 3 người con chung là Lê Danh V, Lê Danh T, Lê Danh H và các con cháu của 3 người này để thờ cúng; trường hợp không giữ lại thì bán đi và chia đều cho 5 người con là ông V, ông T, ông H, ông Th, bà Nh.
Tại phiên tòa, ông T đã giao nộp văn bản photocopy Di chúc lập ngày 10/11/1996 nhưng có chữ ký chứng thực trực tiếp của nguyên chủ tịch xã N - ông Nguyễn Văn Hồng - ngày 20/01/2006 và được đóng dấu đỏ của UBND xã N. Theo ông Th, đây là văn bản giả mạo Di chúc cụ K, hoàn toàn vô hiệu vì nó được làm giả bởi sự cấu kết của ông V và ông T. Ông Th đưa ra 5 cách lập luận để chứng minh đó là Di chúc giả mạo đồng thời kết luận ông T chính là người đã trực tiếp đánh máy bản di chúc này.
Nay ông Th yêu cầu Tòa án tuyên bố tài liệu có nội dung và hình thức mà ông T đã cung cấp nêu trên là giả mạo và bị vô hiệu đồng thời yêu cầu chia di sản của cha mẹ là thửa đất số số 495, tờ bản đồ số 01, diện tích 1237m2 và các tài sản gắn liền trên đất tại xóm 7 xã N, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Đối với yêu cầu chia di sản thì ông đề nghị Tòa án nhập kỷ phần thừa kế của mình vào làm di sản thờ cúng chứ không giao cho ông sử dụng riêng để ông được thực hiện quyền thờ tự và giữ gìn tài sản của cha mẹ như các đồng thừa kế khác.
Về chi phí xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tài sản là số tiền 4.931.000 đồng ông đã nộp đầy đủ, ông đồng ý chi trả mà không yêu cầu Tòa án giải quyết. Ông thống nhất với kết quả xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tài sản.
- Quá trình chuẩn bị xét xử cũng như tại phiên tòa, bị đơn ông Lê Danh T trình bày:
Cha mẹ ông là cụ Lê Danh K (tên thường gọi C) và cụ Lê Thị V (tên thường gọi Nh) sinh được 3 người con là ông V, ông T và ông H. Trước khi kết hôn với cha, mẹ ông đã có hai người con riêng là ông Th và bà Nh. Cả 5 chị em được cha mẹ ông trực tiếp nuôi dưỡng, yêu thương, chăm sóc cho đến lúc trưởng thành trên nhà đất tại thửa số 495, tờ bản đồ số 01, diện tích 1237m2 tại xóm 7 xã N, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Tất cả đều báo hiếu cho cha mẹ song sự báo hiếu của ông Th, bà Nh không thể ngang bằng với ông V, ông T, ông H.
Năm 1996, khi cụ K lâm bệnh nặng và điều trị tại Hà Nội nhưng không có kết quả, mấy anh chị em bàn nhau đưa cha về quê ở với mẹ trong những ngày cuối đời. Rời bệnh viện, cụ K về ở nhà ông T và đã trao đổi với ông T việc lập Di chúc đồng thời giao nhiệm vụ lập Di chúc cho ông V. Trước khi về quê, các ông đã đưa cụ K sang nhà ông V ở 01 ngày; tại đây vào đêm ngày 08/11/1996, ông V - ông T - bà Nh - ông H đã ngồi họp bàn góp ý vào Di chúc của cụ K còn ông V thì chịu trách nhiệm sửa theo nội dung được góp ý. Riêng ông T thì muốn sửa đổi theo hướng mềm hóa mối quan hệ trong gia đình.
Sáng ngày 09/11/1996, ông V, bà Nh, ông H đi cùng xe đưa cụ K về N. Đến lúc này, cụ K vẫn không biết mình lâm trọng bệnh sắp mất. Theo sự phân công thì tuần đầu tiên ông V sẽ trực tiếp chăm sóc cụ nên ông T và ông Th sắp xếp về vào thời gian sau. Ông T cho rằng, thời gian ở N, ông V đã mang theo máy tính và máy in cá nhân về cùng để sửa Di chúc cho cha. Vào đêm trước khi mất, cụ K đã ký vào bản Di chúc do ông V đưa trước sự chứng kiến của ông V, ông Lê Hồng Đ (cháu ruột), bà Nh và chị Lê Thị Th (cháu họ). Hôm tổ chức cúng lễ 3 ngày cho cụ K (ngày 14/11/1996), việc công bố Di chúc đã được thực hiện nên mặc dù phía ông Th có phản đối việc phân định con chung con riêng nhưng sau đó, mọi việc trở lại bình thường. Còn ông T cũng phản đối chỉ vì ông V đã không sửa theo hướng “mềm hóa” như góp ý của ông T. Bản thân ông T cũng chưa bao giờ được xem bản di chúc cha đã ký trực tiếp và ông cho rằng ông V là người làm ra nên có trách nhiệm lưu giữ bản di chúc.
Năm 2004, 5 anh em chung tiền, chung công sức tu sửa nhà cửa cũ của cha mẹ lại khang trang hơn. Tận dụng vật liệu từ nhà cũ cùng với sự hỗ trợ tiền bạc từ ông V, ông T dựng thêm một ngôi nhà bên cạnh để anh em con cháu có rộng chỗ nghỉ ngơi khi về quê nên đây không phải là tài sản riêng của ông T và ông V.
Năm 2006, trong dịp về trao quà cho thương binh nặng (ông Nguyễn Hữu Thể) ở N, ông V đã nhân bản Di chúc của cha rồi gọi ông T sang Văn phòng C (nơi làm việc của ông V) và giao cho ông 01 bản (còn ông V giao cho ai nữa thì ông không biết). Ông T thấy nội dung bản di chúc đó hoàn toàn đúng với nội dung Di chúc đã công bố tại lễ 3 ngày và ông không yêu cầu được đối chiếu với bản gốc. Tại phiên tòa, ông đã giao nộp để Hội đồng xét xử xem xét nhưng ông yêu cầu Hội đồng xét xử có trách nhiệm bảo quản và phải trả lại cho ông vì đó là kỷ vật thiêng liêng đối với ông. Ông T khẳng định, trong Bản di chúc ông giao nộp, chữ ký của cha (cụ K) là chữ ký photocopy và Tòa án không cần phải giám định kỹ thuật cũng xác định được điều đó.
Ông T cam đoan ông không liên quan gì đến việc nhân bản hay đánh máy bản Di chúc này. Việc ông Th tố cáo ông làm giả Di chúc của cha là sự vu khống trắng trợn, bôi nhọ danh dự của ông và cần bị xử lý theo pháp luật hình sự.
Năm 2011, cụ V mất không để lại di chúc. Theo nguyện vọng của cha khi còn sống, ông T về N hành nghề y cắt thuốc chữa bệnh. Thực hiện Di chúc của cha là giao lại nhà cửa nương vườn cho 3 người con trai chung, ông T tiếp quản nhà cửa, sử dụng tiền phúng điếu mẹ để xây thêm và xây nâng bờ tường bao quanh bảo vệ đất. Khi xây bờ rào, ông có thống nhất với chủ sử dụng liền kề là bà Trương Thị Thái để xây bờ rào thẳng hàng hơn so với Sơ đồ kỹ thuật thửa đất và không tranh chấp gì với bà Thái. Tất cả các tài sản gắn liền trên đất đều là của cha mẹ ông để lại hoặc được hình thành từ nguồn tài sản của cha mẹ ông chứ không phải của riêng người con nào. Ông thống nhất với kết quả xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tài sản.
Ông T không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Th về việc tuyên bố di chúc giả mạo là vô hiệu bởi theo ông, mặc dù không cung cấp được bản gốc và bản thân ông chỉ giữ bản photo được UBND xã N đóng dấu đỏ nhưng đó đứng là bản Di chúc thực sự của cụ K thì cần phải thực hiện theo di nguyện của cụ. Còn về kỷ phần thừa kế của mình, theo di chúc ông cũng chỉ có quyền sở hữu vào mục đích thờ cúng nên ông không đồng ý chia mà phải giữ để những người con chung và các thế hệ con cháu của các con chung thực hiện. Nếu phải chia thì ông T cũng hiến kỷ phần của mình làm tài sản thờ cúng chung mà không chia tách bạch. Ông và ông V hết sức đau lòng vì không phục vụ được mục đích thờ cúng như các ông mong đợi.
- Bị đơn ông Lê Danh V bị bệnh nhồi máu não, mọi sinh hoạt phải thực hiện tại chỗ và do vợ là bà Nguyễn Phương T trực tiếp chăm sóc. Bệnh tật khiến ông V hạn chế khả năng nói và tự điều khiển hành vi nên Tòa án không thu thập được quan điểm của ông V về các yêu cầu khởi kiện của ông Th cũng như không thu thập được tài liệu, chứng cứ liên quan đến Bản di chúc mà các đương sự đang tranh chấp.
Người đại diện cho ông V, bà Nguyễn Phương T chỉ cung cấp thông tin về tình trạng sức khỏe của ông V và không có bất kỳ ý kiến gì phản hồi yêu cầu khởi kiện của ông Th cũng như các yêu cầu hay thông báo của Tòa án.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Lê Thị Nh trình bày tại phiên tòa: được sự yêu thương, chăm sóc của mẹ là cụ Lê Thị V và cha dượng là cụ Lê Danh K, 5 chị em bà đã lớn lên và lập gia đình riêng.
Vào năm 1996, khi cụ K mắc bệnh hiểm nghèo, bà Nh đã ra Hà Nội để thăm cha. Khi đưa cha về nhà em trai là ông V, bà cũng theo về. Tại đây, ông V có trao đổi về việc góp ý bản di chúc của cụ K nhưng bà Nh không tham gia mà chỉ bảo thuận theo quan điểm của các em. Sáng hôm sau, bà cùng ông V, ông H đưa cha về N để sống những ngày cuối đời cùng mẹ. Khi ở Hà Nội hay N, bà cũng chưa bao giờ nghe cụ K nhắc gì đến chuyện muốn lập di chúc. Bà không thấy ông V mang theo vật dụng gì giống máy tính hay máy in như suy đoán của ông T.
Những ngày ở N, cụ K không hề biết mình bị mắc bệnh hiểm nghèo; nhiều lần ông V đưa Di chúc cho cụ K ký nhưng cụ không chịu ký. Tối hôm trước khi mất, vào lúc chập choạng tối, bà có lời nhờ cụ ký vào Di chúc để các em trai được vui lòng thì một lúc sau, cụ K mới ngồi dậy bảo ông V đưa rồi ký vào trước sự chứng kiến của ông V, bà Nh và chị Lê Thị Th (lúc đó không có mặt ông Lê Hồng Đ - vì ông Đ đã về nhà). Bà cũng như cụ K không hề đọc nội dung của văn bản đó hay nghe ai đọc hộ cả. Sau khi ký tài liệu ông V đưa, cụ K còn ký giấy ủy quyền cho chị Nguyễn Thị Hường (là con gái bà) lĩnh tiền tiết kiệm tại ngân hàng. Suốt đêm hôm đó, bà luôn túc trực bên cha nhưng cụ vẫn minh mẫn và không còn ký vào bất kỳ giấy tờ nào khác. Sáng hôm sau, thấy cụ có nhiều triệu chứng bất thường, bà đã về nhà để lo việc hậu sự thì đến khoảng hơn 7 giờ ngày 12/11/1996 cụ K qua đời. Bà đã nhớ về việc công bố di chúc vào hôm tổ chức cúng lễ 3 ngày cho cha rằng di sản là để lại sử dụng, nếu phải bán thì chia đều cho 5 người con. Bà cũng chưa được trực tiếp xem hay đối chiếu với di chúc gốc và cũng không ai giao bản sao di chúc cho bà xem.
Trường hợp di sản của cha mẹ chia theo pháp luật thì bà cũng đề nghị nhập kỷ phần của bà vào di sản thờ cúng mà không chia riêng cho bà.
Bà thống nhất với kết quả xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tài sản.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Lê Danh H và người đại diện theo ủy quyền ông Lê Trung H1 trình bày: đêm 08/11/1996, ông H, ông V, ông T và bà Nh cùng nhau bàn bạc về việc lập di chúc cho cha là cụ K. Bản di chúc đã được ông V soạn thảo trước, bà Nh thì không góp ý gì nhưng ông T và ông H góp ý theo hướng không ghi trong di chúc con riêng, con chung cũng như không nên chỉ giao tài sản cho 3 con chung để hài hòa tình cảm gia đình. Sáng 09/11/1996, ông H, ông V và bà Nh đưa cụ K từ Hà Nội về N nhưng ông V chỉ mang theo tư trang, không có máy tính hay máy in kèm theo như trình bày của ông T. Lúc này ông cũng chưa nghe cha nhắc đến chuyện di chúc. Theo phân công, các con sẽ lần lượt chăm cha nhưng ngay tuần đầu tiên, khi ông V là người chăm sóc cha thì cụ đã mất. Ông H đã nhiều lần được nghe ông V và bà Nh kể lại việc cụ K có ký vào 01 bản di chúc vào đêm 11/11/1996 và đến sáng 12/11/1996 thì cụ qua đời. Hôm tổ chức cúng lễ 3 ngày cho cha, gia đình đã họp bàn việc phụng dưỡng mẹ. Vào hôm đó, ông H thay mặt gia đình đọc bản di chúc mà ông V đưa có chữ ký của cụ K. Sau khi đọc xong, mọi người trong gia đình đều có ý kiến, riêng ông H và ông T phản đối kịch liệt việc ông V đã không thay đổi nội dung di chúc như góp ý vào đêm 08/11/1996, không đúng tinh thần của cụ K. Gia đình thống nhất giao di chúc lại cho mẹ (cụ V) giữ và ông H tiếp nhận nhiệm vụ giữ di chúc hộ mẹ đồng thời mang về nhà riêng tại thành phố Vinh cất giữ. Do suy nghĩ bản di chúc đó không phải của cha nên ông H không quan tâm nhiều và đã làm thất lạc trong quá trình sửa sang nhà cửa. Ông H không giải thích được, bản gốc Di chúc công bố vào dịp lễ cúng 3 ngày là do ông giữ nhưng vì sao ông V và ông T lại có thêm những bản Di chúc khác đồng thời còn xin được xác nhận của UBND xã N. Ông H nghi ngờ về thời điểm ghi trong xác nhận của UBND xã là vào ngày 20/01/2006 trong khi sự việc xin xác nhận thực tế lại diễn ra vào khoảng năm 2008. Ông H khẳng định, mặc dù không nhớ chính xác nội dung di chúc gốc mà ông giữ nhưng nó cũng khá giống nội dung Bản di chúc mà ông T giao nộp tại phiên tòa.
Năm 2004, 5 anh chị em góp công góp của sửa chữa lại nhà cửa cho mẹ ở khang trang hơn. Năm 2011 cụ V mất không để lại di chúc.
Trước yêu cầu khởi kiện của ông Th, ông H có ý kiến: nếu Di chúc ông T giao nộp là giả mạo thì đề nghị tòa án tuyên bố là giả mạo; nếu không giả mạo thì cũng đề nghị Tòa án tuyên vô hiệu vì ông nghi ngờ nó không phải là ý chí của cụ K và nó cũng vi phạm các quy định về hình thức di chúc theo quy định của Bộ luật dân sự năm 1995. Ông đề nghị Hội đồng xét xử thu thập tất cả các bản di chúc từ ông V để giải quyết triệt để vụ án với mong muốn để anh chị em được quyền bình đẳng với nhau và bảo toàn giá trị gia đình mà cha mẹ ông đã dày công vun đắp. Ông đồng ý việc chia di sản thừa kế theo pháp luật nhưng đề nghị không tách riêng ra và xin được hiến kỷ phần của mình vào làm tài sản thờ cúng. Ông thống nhất với kết quả xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tài sản.
- Người làm chứng ông Lê Hồng Đ trình bày tại phiên tòa: cụ K là chú ruột của ông. Năm 1996, ông thường xuyên chăm sóc cụ K khi cụ được điều trị ở N cho đến khi cụ mất. Ông có nhìn thấy ông V mang máy tính, máy in về N thời điểm đó. Vào đêm muộn ngày 11/11/1996, lúc đang nằm ngủ cạnh cụ, ông Đ nghe bà Nh nhờ cụ K ký vào di chúc ông V đưa cho và cụ ngồi dậy ký, sau đó cụ còn ký giấy ủy quyền cho cháu đi lĩnh tiền trong ngân hàng. Trước khi mất, cụ K hoàn toàn minh mẫn, sáng suốt. Vào hôm cúng lễ 3 ngày của cụ K, ông cũng nghe việc công bố di chúc nhưng vì ông ngồi ở xa nên không nghe rõ nội dung.
Đến năm 2006, khi ông V nhờ ông lên UBND xã N xác nhận vào 7 bản Di chúc của cụ K thì ông đã trực tiếp gặp chủ tịch đương thời Nguyễn Văn Hồng để ông Hồng ký vào, đưa xuống văn phòng UBND xã gặp ông Trần Văn Hùng đóng dấu, ông Hùng giữ 01 bản, số còn lại ông mang về giao trả cho ông V ngay. Tại phiên tòa, ông Đ không xác định được tài liệu mà ông T giao nộp có đúng là một trong số 7 Bản Di chúc ông mang lên xã xác nhận năm 2006 hay không vì thời gian đã quá lâu. Ông khẳng định lại, khi thực hiện việc ông V nhờ, ông đã không hề xem tài liệu đem đi xác nhận là gốc hay photocopy và có nội dung như thế nào.
- Người làm chứng ông Nguyễn Văn Hồng trình bày: năm 2006, khi đang giữ chức vụ chủ tịch UBND xã N thì có sự kiện ông Lê Danh V - nguyên thứ trưởng Bộ A - về xã N trao quà cho thương binh nặng ông Nguyễn Hữu Thể. Khi đó, ông V điện thoại cho ông Hồng và nói là sắp tới có nhờ chính quyền chuyện riêng gia đình nhưng không nói cụ thể là chuyện gì. Sau ít hôm, ông Đ (là em họ của ông V) có mang khoảng 6 Bản di chúc lên nhờ ông Hồng ký xác nhận. Mặc dù nhận thức việc ký xác nhận là sai (vì các Di chúc đó ghi ngày lập là ngày 10/11/1996, người ký là người đã mất vào năm 1996) nhưng do tin tưởng và cả nể lời nhờ cậy của ông V là lãnh đạo cấp cao, ông Hồng ký tên vào các văn bản đó; tuy nhiên, biết là vi phạm nên ông không viết bất kỳ nội dung gì vào những văn bản này mà chỉ ghi ngày ký là ngày 20/01/2006. Ông Hồng thừa nhận trước khi ký không đọc và cũng không kiểm tra xem các bản đó là gốc hay photocopy. Ông Hồng cũng khẳng định, chữ ký trong tài liệu ông T giao nộp cho Hội đồng xét xử là của ông.
- Người làm chứng chị Lê Thị Th vắng mặt tại phiên tòa nhưng quá trình chuẩn bị xét xử có trình bày: trong thời gian cụ K được con cháu đưa về N điều trị, là bác sỹ nên ngoài giờ làm việc tại bệnh viện chị cũng thường ghé qua để tiêm thuốc cho cụ. Chị không nhớ bất kỳ sự việc gì liên quan đến Di chúc của cụ K hay những nội dung tranh chấp khác giữa các đương sự.
- Người làm chứng chị Nguyễn Thị Hoa vắng mặt tại phiên tòa nhưng quá trình chuẩn bị xét xử có trình bày: chị là người tham gia vào việc chăm sóc ông ngoại (cụ K) trước khi cụ mất và cũng là người tắm cho cụ lúc hấp hối. Chị không chứng kiến sự việc cụ K ký di chúc nhưng chị khẳng định tư trang của ông V không có máy tính và máy in kèm theo như trình bày của ông T.
- Người làm chứng chị Nguyễn Thị Hường vắng mặt tại phiên tòa nhưng quá trình chuẩn bị xét xử có trình bày: ngày 09/11/1996, ông ngoại chị là cụ K được đưa từ Hà Nội về nhà điều trị. Chị là người sống cùng với ông bà ngoại nên chị cũng thường xuyên trực tiếp chăm sóc các cụ. Thời gian trước khi mất, cụ K hoàn toàn minh mẫn, tỉnh táo, mặc dù tay yếu và hơi run nhưng ngày 11/11/1996 cụ vẫn trực tiếp ký vào giấy ủy quyền cho chị đến Ngân hàng nông nghiệp huyện Đô Lương lĩnh tiền tiết kiệm. Chị không quan tâm đến chuyện ký di chúc của ông ngoại nhưng khẳng định không nhìn thấy ông V mang máy tính và máy in về N sử dụng.
- Người làm chứng bà Trịnh Thị Trang vắng mặt tại phiên tòa nhưng quá trình chuẩn bị xét xử có trình bày: bà là vợ của ông Lê Danh T. Vào hôm cúng lễ 3 ngày mất của cha chồng là cụ Lê Danh K, bà được nghe nội dung bản di chúc cụ K để lại với đại ý đất đai để lại cho 3 người con chung ông V, ông T, ông H thờ cúng còn nếu không giữ được thì bán chia đều cho 5 người con (gồm ông Th, bà Nh, ông V, ông T, ông H).
- Người làm chứng ông Lê Danh Hiền vẳng mặt tại phiên tòa nhưng quá trình chuẩn bị xét xử có trình bày: tại thời điểm làm lễ cúng 3 ngày cụ Lê Danh K (là ông chú của ông Hiền) vào năm 1996, ông cũng nghe việc ông V công bố di chúc của cụ. Ông chỉ nhớ là di chúc có để lại tài sản cho ông V, ông T, ông H bảo quản giữ gìn còn nếu bán thì chia đều cho 5 chị em. Khi đó, ông nghe bà Nh có nói khi còn sống, cụ K nằm trên giường, ông V đưa di chúc nhưng cụ bảo cụ đã chết đâu mà ký nhưng vì bà Nh nhờ ký thì cụ mới ký vào.
- Quá trình chuẩn bị xét xử, người làm chứng bà Trương Thị Thái có trình bày: do ranh giới đất giữa nhà bà với nhà cụ K - cụ V bị xẹo nên khi ông T về N về xây bờ tường rào bao quanh đất đã có trao đổi với bà về việc để ông T xây bờ rào thẳng hàng với bờ tường rào cũ phía trước. Do đất giá trị thấp, diện tích không đáng kể và cũng để đẹp hơn nên bà đồng ý hiến phần đất xẹo để ông T xây bờ rào. Vì vậy, bà hoàn toàn nhất trí với ranh giới đất hiện nay giữa hai gia đình và không tranh chấp gì.
Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Đô Lương phát biểu ý kiến theo quy định tại điều 262 Bộ luật tố tụng dân sự như sau:
- Về tố tụng: Thấm phán đã tuân thủ các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự trong việc thụ lý vụ án, thông báo thụ lý vụ án, xác định quan hệ tranh chấp, xác minh và thu thập chứng cứ, tổ chức hòa giải.
Hội đồng xét xử tuân thủ đúng quy định về thành phần, nguyên tắc xét xử, trình tự tố tụng tại phiên tòa.
Thư ký Tòa án thực hiện đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
Các đương sự chấp hành nghiêm chỉnh quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
- Về nội dung: sau khi phân tích các tình tiết của vụ án và các tài liệu, chứng cứ có tại hồ sơ, đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng Luật đất đai năm 1993; Điều 233, Điều 655, Điều 656, Điều 657, Điều 659, Điều 660 Bộ luật dân sự 1995; Điều 651 và Điều 654 Bộ luật dân sự 2015; Điều 35, Điều 39, Điều 147, Điều 227 Bộ luật tố tụng dân sự 2015: chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn: Tuyên bố di chúc ghi ngày 10/11/1996 có chữ ký của ông Lê Danh K và đã được UBND xã N ký đóng dấu xác nhận ngày 20/1/2006 là vô hiệu do vi phạm cả về nội dung và hình thức. Tuy nhiên, không có căn cứ, cơ sở nào để khẳng định bản di chúc ghi ngày 10/11/1996 là giả mạo, vì các đương sự không ai cung cấp được bản gốc di chúc, Tòa án nhân dân huyện Đô Lương cũng không thu thập được bản gốc.
Chấp nhận yêu cầu chia di sản thừa kế. Do di chúc ghi ngày 10/11/1996 bị tuyên vô hiệu, cả ông Lê Danh K và bà Lê Thị V đều không để lại di chúc nên chia di sản thừa kế theo pháp luật.
Xác định ông Lê Tiến Th, bà Lê Thị Nh, ông Lê Danh V, ông Lê Danh T, ông Lê Danh H là người thừa kế theo pháp luật thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông Lê Danh K Và bà Lê Thị V.
Chia đều di sản thừa kế của ông Lê Danh K và bà Lê Thị V gồm thửa đất số 175 tờ bản đồ số 07 tại xóm 7, xã N, huyện Đô Lương và các tài sản gắn liền với đất cho 05 người con gồm: ông Lê Tiến Th, bà Lê Thị Nh, ông Lê Danh V, ông Lê Danh T, ông Lê Danh H.
Nguyện vọng của các đồng thừa kế để lại kỷ phần được thừa kế làm nơi thờ cúng nên giao lại khối tài sản trên cho tất cả 05 người con có nghĩa vụ trông nom, bảo quản, gìn giữ làm nơi thờ cúng ông bà, tổ tiên.
Về án phí: Đề nghị xử lý theo quy định của pháp luật.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1]. Về tố tụng:
Nguyên đơn và bị đơn có tranh chấp chia di sản thừa kế thuộc thửa đất số 495, tờ bản đồ số 1 tại xóm 7 xã N, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An nên Tòa án nhân dân huyện Đô Lương thụ lý giải quyết là đúng quy định tại điểm c khoản 1 điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự về thẩm quyền theo lãnh thổ.
Theo Công văn trả lời số 12/BVHN-KHTH ngày 07/01/2020 và Bản tóm tắt hồ sơ bệnh án của Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô, lời trình bày của các đương sự thì có đủ cơ sở để kết luận: bị đơn ông Lê Danh V lâm vào tình trạng khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Do không có tổ chức, cá nhân nào yêu cầu nên Tòa án không có thẩm quyền ra quyết định tuyên bố ông V có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Theo lời khai của bà T, do ảnh hưởng của bệnh tật, ông V bị hạn chế trong việc nói do đó, năng lực thể hiện ý chí của ông V cũng bị hạn chế. Tuy nhiên, ông V là đương sự trong vụ án nên để quyền và nghĩa vụ tố tụng của đương sự được đảm bảo thực hiện, Tòa án chỉ định bà Nguyễn Phương T - vợ ông V - thực hiện giám hộ cho ông V và là người đại diện cho ông V khi tham gia tố tụng trong vụ án. Ông V và người giám hộ - bà T - đã nhận được tất cả thông báo, yêu cầu cũng như các văn bản tố tụng khác do Tòa án tống đạt nhưng không phản đối hay có ý kiến phản hồi nên có căn cứ xác định được quyền và nghĩa vụ tố tụng của ông V và bà T đã được Tòa án đảm bảo thực hiện.
Ông V không đi lại được, sinh hoạt tại chỗ với sự chăm sóc trực tiếp của bà T nên việc ông V, bà T vắng mặt tại phiên tòa là có lý do chính đáng, Tòa án tiến hành xử vắng mặt ông V, bà T là đúng quy định tại Điều 228 của Bộ luật tố tụng dân sự.
Tại phiên tòa, ông T giao nộp tài liệu “Bản di chúc ngày 10/11/1996 có ký tên người lập Lê Danh K” để Hội đồng xét xử xem xét nhưng yêu cầu phải trả lại cho ông để ông giữ làm kỷ niệm. Hội đồng xét xử xét: việc giao nộp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án là nghĩa vụ của đương sự theo quy định tại khoản 5 Điều 70, khoản 2 Điều 91 Bộ luật tố tụng dân sự. Các tài liệu do đương sự giao nộp được bảo quản tại Tòa án và lưu trong hồ sơ vụ án để làm tài liệu, chứng cứ phục vụ việc phán quyết vụ án theo quy định tại Điều 107, Điều 204 của Bộ luật tố tụng dân sự. Do vậy, Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu trả lại tài liệu của ông T. Ông T còn giao nộp thêm 01 bản photocopy hồ sơ bảo hiểm có chữ ký của cụ K từ năm 1977 nhưng không có giá trị pháp lý để chứng minh các tình tiết của vụ án nên Hội đồng xét xử không xem xét.
[2]. Về nội dung:
[2.1]. Xác định di sản:
Cụ Lê Danh K (tên thường gọi C) - mất năm 1996 - và cụ Lê Thị V (tên thường gọi Nh) - mất năm 2011 - kết hôn với nhau năm 1950 và sinh được 3 người con là Lê Danh V, Lê Danh T, Lê Danh H. Trước khi cụ V kết hôn với cụ C, cụ V và người chồng trước (cụ Lê Tiến Ch) đã sinh được 2 người con là Lê Thị Nh và Lê Tiến Th.
Hai cụ sinh sống và nuôi lớn cả 5 người con trên thửa đất số 495, tờ bản đồ số 1 (đo đạc bản đồ địa chính năm 2009, thửa đất đổi số hiệu là thửa 175, tờ bản đồ số 7) tại xóm G (tức xóm 7) xã N, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số vào sổ cấp giấy 489QSDĐ/16QĐ/UB ngày 02/5/1996 được UBND huyện Đô Lương cấp cho chủ sử dụng là “hộ bà Lê Thị Nh” (theo tên thường gọi của cụ V), thửa đất có diện tích 1237m2 nhưng qua đo đạc bản đồ địa chính năm 2009 diện tích tăng lên 1242,7m2 và được UBND huyện Đô Lương giải thích về sự chênh lệch 5,7m2 là sai số trong đo đạc song vẫn thuộc quyền của chủ sử dụng đất.
(Qua kết quả xem xét thẩm định tại chỗ, xác minh tại UBND xã N và lời khai của người làm chứng thì diện tích sử dụng thực tế là 1320,5m2; phần chênh lệch tăng 77,8m2 là phần đất nằm ngoài thửa 495, hình thành do lấn chiếm đất thuộc quản lý của UBND xã N về phía Tây Bắc và thỏa thuận với bà Trương Thị Thái về ranh giới phía Tây Nam. Do vậy Hội đồng xét xử chỉ công nhận diện tích đất hợp pháp là 1242,7m2. Còn diện tích đất chênh lệch 77,8m2 thì các đương sự tự liên hệ với cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương để được giải quyết).
Mặc dù thửa đất này được cụ K tạo lập trước khi kết hôn với cụ V nhưng theo quy định tại Điều 15 Luật hôn nhân và gia đình năm 1959 thì đây là tài sản chung của vợ chồng cụ K - cụ V nên các cụ có quyền và nghĩa vụ ngang nhau trong sử dụng, định đoạt khối tài sản chung này. Theo thừa nhận của các đương sự, gắn liền trên đất còn có các tài sản được các cụ tạo lập trong thời kỳ hôn nhân hoặc được tạo lập từ sự hỗ trợ tài chính cho các cụ của 5 người con cũng như từ tiền phúng viếng các cụ. Do vậy, cần xác định, di sản của cụ K, cụ V bao gồm: thửa đất số 495, tờ bản đồ số 1 (tức thửa 175, tờ bản đồ số 7) diện tích 1242,7m2 và các tài sản gắn liền trên đất tại xóm 7 xã N, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An như kết quả xem xét thẩm định tại chỗ. (Ngoài ra, di sản của các cụ còn có một số thửa đất nông nghiệp ghi nhận trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng các đương sự không yêu cầu nên không xem xét).
Theo Biên bản xem xét thẩm định tại chỗ và biên bản định giá tài sản ngày 10/10/2019 thì tài sản các cụ để lại cho con cháu có tổng trị giá 455.905.620 đồng, bao gồm:
Quyền sử dụng 1242,7m2 đất trị giá 84.409.100 đồng (gồm 200m2 đất ở có giá 50.000.000 đồng, 1042,7m2 đất vườn có giá 34.409.100 đồng).
Ngôi nhà lớn trị giá 286.225.000 đồng.
Ngôi nhà nhỏ trị giá 51.546.000 đồng.
Sân gạch trước nhà trị giá 8.084.000 đồng.
Mái tôn trị giá 10.416.000 đồng.
Tường bao quanh đất dài 124,66m x cao 1,9m, đơn giá khấu hao 72.000 đồng/m2 (đã trừ đi 23,92m dài phần bờ tường xây trên đất lấn chiếm của nhà nước) trị giá 8.975.520 đồng.
02 cánh cổng sắt trị giá 1.000.000 đồng.
06 cây nhãn trị giá 1.500.000 đồng.
03 cây dừa trị giá 750.000 đồng.
12 cây cau trị giá 3.000.000 đồng.
[2.2]. Xét yêu cầu tuyên bố di chúc giả mạo là vô hiệu của nguyên đơn.
Nguyên đơn cho rằng, từ năm 1996 đến nay đã tồn tại ít nhất 2 bản di chúc mang tên cụ K: 01 bản là di chúc thật được công bố tại lễ cúng 3 ngày cụ và 01 (hoặc một số) bản là di chúc giả do ông V - ông T câu kết với nhau làm ra để chia rẽ tình cảm của cụ K với nguyên đơn, hiện được ông T và ông V giữ. Do vậy, Hội đồng xét xử cần tiến hành xem xét các bản di chúc này trước khi đưa ra phán quyết, cụ thể:
[2.2.1]. Về Bản di chúc đã được công bố ngày 14/11/1996 (tại lễ cúng 3 ngày cụ Lê Danh K mất).
Ông Th, bà Nh, ông H, ông Đào đều trình bày: vào đêm 11/11/1996, cụ Lê Danh K đã ký vào duy nhất 01 bản di chúc do ông V lập dưới sự chứng kiến của bà Nh và ông V (do thông tin cung cấp có sự mâu thuẫn nên không xác định được việc ông Đ, chị Th có chứng kiến cụ ký di chúc hay không). Cũng theo các lời khai thì thời điểm đó, cụ K hoàn toàn minh mẫn, tỉnh táo, trí não vẫn đủ khả năng điều khiển các sự việc liên quan đến quyền tự quyết của mình. Do vậy, có cơ sở để xác định, trên thực tế có tồn tại 01 văn bản được gọi là Bản di chúc mà cụ Lê Danh K ký tên vào và sau khi cụ mất 3 ngày đã được công bố trước con cái và người tận mắt nhìn thấy toàn văn bản di chúc dự kiến chỉ có ông V và ông H. Tuy vậy, đến thời điểm xét xử vẫn không đương sự nào cung cấp được Bản di chúc gốc như đã nêu trên.
Theo ông H, Bản di chúc gốc là do ông giữ nhưng bị thất lạc từ lâu (điều này không đồng nghĩa với việc di chúc không còn tồn tại trên thực tế trong phạm vi quản lý của người khác). Riêng ông T khẳng định, di chúc gốc do ông V giữ nhưng ông V và người giám hộ (bà T) cũng không phản hồi về yêu cầu giao nộp tài liệu, chứng cứ của Tòa án. Như vậy, thực sự, Bản di chúc gốc hiện còn hay không còn nữa là điều không xác định được. Hơn nữa, giữa nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, người làm chứng đều khai báo không thống nhất với nhau về nội dung di chúc. Do đó, Hội đồng xét xử không có cơ sở để xác định, Bản di chúc cụ K trực tiếp ký tên có nội dung cụ thể như thế nào.
Ông T, bà Nh, ông H thừa nhận sự kiện: vào đêm 08/11/1996, tại nhà ông V đã diễn ra sự kiện ông V, ông T, ông H và bà Nh cùng họp bàn để góp ý vào bản di chúc của cụ K mà ông V là người chịu trách nhiệm soạn thảo. Ngoài ông T thì không có người con nào của cụ cho rằng mình được tiếp nhận ý chí của cụ là muốn lập di chúc; bản thân ông T cũng không có chứng cứ khách quan nào chứng minh cụ K có sự trao đổi việc lập di chúc với ông T, ông V. Từ đêm 08/11/1996 cho đến khi cụ mất, không ai xác nhận thấy cụ tham gia vào việc lập, sửa chữa hay đọc di chúc. Theo bà Nh, thậm chí, trong thời gian điều trị tại xã N, cụ K nhiều lần không đồng ý ký vào bản di chúc ông V đưa cho và việc ký di chúc chỉ là hành động miễn cưỡng để chiều lòng con cái. Lời trình bày này của bà Nh được ông Lê Danh Hiền cũng như các đương sự khác thừa nhận là đã xuất hiện từ thời điểm cụ mất (khi chưa có tranh chấp) nên hoàn toàn khách quan và được Hội đồng xét xử chấp nhận. Sự việc cụ K không hay biết mình mắc bệnh hiểm nghèo không thể qua khỏi như thừa nhận của các đương sự cũng là cách lý giải phù hợp với diễn biến tâm lý của người chưa muốn lập di chúc. Thêm vào đó, tại thời điểm công bố, ông H là người đã phản đối kịch liệt bởi di chúc không chỉnh sửa nội dung theo sự góp ý của ông T, ông H trong đêm 08/11/1996 tại Hà Nội, không đứng tinh thần của cụ K và trong lời khai của mình ông H cũng cho rằng đó không phải di chúc của cha.
Từ những nhận định trên, có thể xác định được, cụ K không hề tham gia vào việc lập di chúc cho chính mình mà nội dung di chúc đều do các con trai của cụ là ông V, ông T, ông H tự thảo luận lập ra và được ông V soạn sẵn trên máy tính đưa cho cụ ký tên vào. Điều này đã chứng minh, Bản di chúc được công bố vào ngày 14/11/1996 phản ánh không trung thực mong muốn, ý chí, nguyện vọng định đoạt tài sản của cụ K trước khi qua đời.
[2.2.2]. về tài liệu nguyên đơn yêu cầu Tòa án tuyên bố giả mạo là vô hiệu:
Quá trình khởi kiện, nguyên đơn ông Th giao nộp 01 tài liệu copy từ bản photocopy mà UBND xã N có được tại buổi hòa giải ngày 08/10/2018 do ông T cung cấp. Tài liệu này có hình thức và nội dung hoàn toàn trùng khớp với tài liệu mà ông T đã giao nộp tại phiên tòa. Trong Bản án, tài liệu này được tạm gọi là DI CHÚC và được chụp lại như sau:
Ông T khẳng định, đây chính là bản photocopy từ Bản di chúc gốc của cụ K đã công bố ngày 14/11/1996 mà ông V đang giữ và đưa cho ông trước đây; ngoài ra, không còn bất kỳ bản di chúc nào có nội dung khác. Còn nguyên đơn ông Th khẳng định nội dung trong tài liệu này khác hoàn toàn với nội dung di chúc đã công bố và ông đề nghị Tòa án tuyên bố tài liệu này chính là Di chúc giả mạo và bị vô hiệu. Tuy vậy, các đương sự đều không xuất trình được Bản di chúc gốc công bố ngày 14/11/1996 nên Hội đồng xét xử không có cơ sở để xác định Tài liệu ông T cung cấp có phải là bản sao của Di chúc mà cụ K đã ký vào trước khi mất hay không.
Đối với việc nguyên đơn quy kết ông T là người làm ra bản di chúc trên thì Hội đồng xét xử thấy: theo lời khai của ông Hồng và ông Đ, ngoài ông V ra, không có người nào khác liên hệ với 2 ông để nhờ xin sự chứng nhận của UBND xã N vào bản di chúc; việc nghi ngờ văn phong trong DI CHÚC giống văn phong của ông T cũng chỉ là suy đoán thiếu căn cứ; còn ông T phủ nhận việc mình liên quan đến việc tạo ra DI CHÚC. Vì vậy, không có cơ sở để có thể khẳng định, ông T liên quan đến việc tạo ra DI CHÚC như suy diễn của ông Th.
Theo thừa nhận của ông T thì đây chỉ là bản di chúc được sao chụp lại, không có văn bản của người cung cấp tài liệu cho ông T về xuất xứ của nó nên để xác định đó có phải là tài liệu giả mạo hay không hoàn toàn phụ thuộc vào việc xác định tính pháp lý của Bản gốc. Song hiện nay, không có bản gốc để Hội đồng xét xử đối chiếu, so sánh và tiến hành trưng cầu giám định cơ quan chuyên môn kết luận xem có dấu hiệu làm giả hay không. Còn liệu chữ ký trong DI CHÚC có là sản phẩm của quá trình cắt dán, photocopy không cũng không thể xác định được bằng suy đoán của đương sự hay bằng sự nghi ngờ của những người làm chứng.
Ông Th chứng minh sụ giả mạo bắt đầu từ thời gian ghi trên DI CHÚC là ngày 10/11/1996, Hội đồng xét xử thấy: đây là tài liệu cá nhân chứa đựng cách xử lý về những sự việc liên quan đến bản thân họ nên ngày lập văn bản không bắt buộc cùng thời điểm với ngày ký văn bản, ngày được ghi trong văn bản cũng không nhất thiết phải trước hay cùng thời điểm với ngày lập văn bản. Ngay các đương sự cũng chỉ xác định thời điểm góp ý di chúc là ngày 08/11/1996 chứ không xác định ngày ghi trên di chúc là ngày nào. Ông Th còn đưa một tài liệu photocopy khác không có chữ ký của cụ K (chứa đựng dữ liệu không chính xác về diện tích và vị trí giáp ranh của tài sản) và suy đoán đây là bản nháp ông V, ông T soạn trước khi ngụy tạo bản gốc. Tuy nhiên, tài liệu ông Th đưa ra so sánh này không có giá trị pháp lý, không được các đương sự khác thừa nhận nên không đủ cơ sở xác định được mối liên hệ với việc tạo ra bản gốc. Thêm vào đó, vì không thu thập được lời khai của ông V nên cũng không thể chỉ phụ thuộc vào vấn đề ông V có mang máy tính + máy in cá nhân kèm theo khi về N để kết luận được rằng ngày ra đời bản gốc không phải là ngày 10/11/1996. Do vậy, việc các đương sự tranh luận về ngày ghi trong văn bản không chứng minh được thời điểm xuất hiện của DI CHÚC là trước hay sau khi cụ K mất.
Từ những lập luận trên, Hội đồng xét xử thấy không có chứng cứ xác thực nào để tuyên DI CHÚC là giả mạo như yêu cầu của nguyên đơn được.
Ngoài ông T ra, không một đương sự nào cung cấp được tài liệu chứng cứ chứng minh về bản di chúc gốc của cụ K nên DI CHÚC trở thành chứng cứ duy nhất phù hợp để Hội đồng xét xử xem xét với tư cách là bản sao của di chúc và xác định tính pháp lý trước khi phán quyết vụ án. Và do DI CHÚC được tạo lập, phản ánh sự kiện diễn ra trong thời gian Bộ luật dân sự 1995 có hiệu lực thi hành nên Hội đồng xét xử căn cứ vào các quy định của Bộ luật dân sự 1995 để xem xét, đánh giá.
Xét về nội dung:
Trong DI CHÚC thể hiện nội dung cá nhân cụ K định đoạt tài sản chung của vợ chồng (cụ K - cụ V) gồm có nhà và đất thổ cư (được định vị 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc) mà các cụ đã tạo dựng trong thời kỳ hôn nhân tại xóm G, xã N, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Cụ thể, tại Điều I có ghi “… những công sức mà cả cuộc đời hai vợ chồng chúng tôi đã xây dựng nên, tôi quyết định chuyển quyền sở hữu toàn bộ nhà cửa và đất thổ cư nói trên ... ”; Điều III có ghi “…trong thời gian vợ chồng chúng tôi còn sống, chúng tôi vẫn sở hữu toàn bộ nhà cửa và đất đai nói trên”. Như vậy, theo tài liệu này thì toàn bộ nhà cửa và đất thổ cư tại xóm G đã đề cập là thuộc quyền sở hữu và sử dụng chung hợp nhất của cụ K - cụ V và hoàn toàn phù hợp với chế định tài sản chung vợ chồng theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959, Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986, Bộ luật dân sự năm 1995. Tuy nhiên, người ký di chúc không có cụ V và cũng không có chứng cứ gì chứng minh cụ V đồng thuận với cách định đoạt tài sản chung vợ chồng khi cụ ông lập di chúc. Như vậy, người lập di chúc đã định đoạt toàn bộ tài sản chung vợ chồng mà không được sự đồng thuận của người đồng sở hữu là vi phạm quyền lợi hợp pháp của người khác, không phù hợp với quy định tại Điều 233 Bộ luật dân sự 1995.
Tại Điều I có nêu những người được thừa kế ưu tiên gồm: “3 con trai chung của vợ chồng tôi và các thế hệ con cháu sau này của chúng”. Như vậy, diện thừa kế theo di chúc là không có giới hạn, không cụ thể, bao gồm: 3 người con trai chung của 2 cụ là ông V, ông T, ông H và các thế hệ con cháu sau này của ông V, ông T, ông H; trên thực tế, số lượng con cháu các thế hệ sau này luôn luôn biến động theo thời gian và cũng vì không có thời điểm kết thúc tại thế hệ nào nên không thể xác định được tổng số người được hưởng thừa kế theo di chúc. Tương tự Điều I, ở Điều II, diện thừa kế thứ cấp cũng không giới hạn số lượng người, cụ thể: “5 con (kế cả con chung và con riêng) và thế hệ con cháu sau này của chúng”.
Hơn nữa, tại Điều III lại có sự khẳng định mâu thuẫn với Điều I, Điều II về quyền thừa kế, cụ thể: “mỗi một con (hoặc đại diện sau này của chúng) đều được hưởng phần thừa kế như nhau...” và “...khi 3 con tôi và đại diện của chúng đã đi đến thỏa thuận không giữ lại toàn bộ nhà cửa và toàn bộ đất thổ cư nói trên theo nguyên tắc đa số...”. Theo Điều III thì người lập di chúc chỉ xác định phần thừa kế của 3 người con chung là như nhau (không rõ mỗi phần chiếm bao nhiêu trong khối di sản) và cũng như không quyết định các thế hệ con cháu sau này của 3 người con chung được hưởng bao nhiêu phần trong khối di sản. Thêm vào đó, Điều III còn thu hẹp diện thừa kế từ “các thế hệ con cháu sau này của chúng” thành “đại diện sau này của chúng”. Như vậy, trong DI CHÚC, người được hưởng thừa kế giữa các điều đã có sự thay đổi cơ bản và cũng không thể xác định được mức thừa kế thông thường cho tất cả những người có quyền thừa kế.
Xét về hình thức: DI CHÚC đề ngày lập là 10/11/1996 (trước khi cụ K mất 02 ngày), chữ đánh máy và thể hiện nội dung trên khổ giấy A4, được photocopy rồi qua chứng nhận trực tiếp ngày 20/01/2006 của nguyên chủ tịch xã Nguyễn Văn Hồng, đóng dấu xác nhận của UBND xã N.
Người làm chứng ông Hồng cho rằng, do cả nể địa vị, uy tín của ông V và biết việc chứng nhận là sai nên ông không viết bất kỳ nội dung nào để thể hiện sự chứng thực vì người lập di chúc đã mất chứ ông không biết đó có phải là chữ ký của cụ K hay không, ngày ghi tại bản di chúc này là vào thời điểm trước 10 năm, khi ông chưa tiếp nhận chức vụ chủ tịch UBND xã N và đặc biệt ông Hồng không đọc, không kiểm tra bất kỳ bản nào trước khi ký tên nên không biết nội dung cũng như không phân biệt được đã ký xác nhận vào bản gốc hay bản photocopy và hành động của ông Hồng cũng không phải là sự chứng thực bản sao từ bản chính. Như vậy, việc nguyên chủ tịch xã và UBND xã N thực hiện chứng nhận vào tài liệu ngày 20/01/2006 là không hợp pháp theo quy định tại Điều 660 Bộ luật dân sự 1995, Điều 55 và Điều 56 Nghị định 75/2000/NĐ-CP ngày 08/2/2000 về công chứng, chứng thực.
Theo quy định tại Điều 656, Điều 657, Điều 658, Điều 659 của Bộ luật dân sự năm 1995 thì cụ K phải tự viết di chúc, nếu không tự viết được thì nhờ người khác viết lại (đánh máy lại) nhưng phải có ít nhất hai người làm chứng (không thuộc trường hợp quy định tại Điều 657 của Bộ luật) chứng kiến và phải ký trước mặt người làm chứng đồng thời những người làm chứng phải xác nhận chữ ký của người viết di chúc và ký vào di chúc; di chúc có 2 trang nhưng không được cụ K ký hay điểm chỉ từng trang. Như vậy, DI CHÚC đã không đáp ứng điều kiện về mặt hình thức theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 655 Bộ luật dân sự.
Từ các phân tích về nội dung và hình thức của DI CHÚC thì có đủ cơ sở để kết luận: DI CHÚC không có hiệu lực pháp luật do vi phạm quy định pháp luật tại các Điều 233, Điều 649, Điều 655, Điều 656, Điều 657, Điều 658, Điều 659, Điều 660 của Bộ luật dân sự năm 1995. Do vậy, cần chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và đề nghị của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông H, tuyên bố DI CHÚC vô hiệu.
[2.3]. Xét yêu cầu chia thừa kế của nguyên đơn.
Năm 2011 cụ V mất không để lại di chúc; còn di chúc của cụ K bị vô hiệu do vi phạm các quy định của pháp luật như kết luận tại mục [2.2]. Do đó, Hội đồng xét xử áp dụng điểm a, b khoản 1 Điều 650; Điều 660 Bộ luật dân sự 2015, chấp nhận yêu cầu khởi kiện để thực hiện phân chia thừa kế tài sản của các cụ theo pháp luật.
Các đương sự đều thừa nhận, quá trình chung sống, cụ K luôn yêu thương, chăm sóc bà Nh và ông Th như con đẻ. Ngược lại bà Nh và ông Th luôn kính trọng, chăm sóc và hiếu thảo với cụ K như cha ruột của mình. Như vậy, theo quy định tại Điều 654 Bộ luật dân sự 2015, ông Th và bà Nh được hưởng thừa kế tài sản của cụ K như các ông V, T, H. Căn cứ vào Điều 651 Bộ luật dân sự 2015, Hội đồng xét xử xác định: hàng thừa kế thứ nhất của cụ K - cụ V gồm bà Nh, ông Th, ông V, ông T, ông H.
Như xác định tại phần [2.1], tài sản của hai cụ là 1242,7m2 đất và tài sản gắn liền trên đất tại xóm 7 xã N, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An có tổng trị giá là 455.905.620 đồng thuộc quyền sở hữu và sử dụng chung của các đồng thừa kế là ông Th, bà Nh, ông V, ông T và ông H. Như vậy, mỗi người con được hưởng kỷ phần tương ứng trị giá 91.181.124 đồng gồm: 248,54m2 đất (40m2 đất ở + 208,54m2 đất vườn) trị giá 16.881.820 đồng và tài sản gắn liền trên đất trị giá 74.299.304 đồng.
Ông Th, bà Nh, ông T, ông H đều mong muốn hiến kỷ phần mình được chia làm tài sản thờ cúng và gộp chung cùng với kỷ phần của người khác mà không tách riêng. Xét nguyện vọng của ông Th, bà Nh, ông T, ông H là chính đáng, phù hợp đạo đức xã hội, không vi phạm điều cấm của pháp luật, thể hiện được tấm lòng hiếu thảo đối với những người đã khuất nên cần được chấp nhận. Riêng ông V và người đại diện không có ý kiến gì về việc phân chia thừa kế trong vụ án này song cần thấy quá trình tạo lập di chúc cho cha, ông V đã thể hiện quan điểm di sản cần để lại để sử dụng chung nhằm mục đích thờ cúng và ông T cũng xác định điều này. Như vậy có thể khẳng định, cả 5 người đồng thừa kế đều mong muốn kỷ phần thừa kế của mình được đưa vào sử dụng chung phục vụ mục đích thờ cúng theo phong tục tập quán nên Hội đồng xét xử chấp nhận, không chia riêng biệt kỷ phần của mỗi người thừa kế mà giao toàn bộ số tài sản thừa kế có tổng trị giá là 455.905.620 đồng của 2 cụ cho bà Nh, ông Th, ông V, ông T, ông H cùng sở hữu và sử dụng chung theo nguyện vọng chính đáng của các đương sự.
[2.4]. Về các chi phí tố tụng.
Chi phí xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tài sản là 4.931.000 đồng đã được nguyên đơn giao nộp đầy đủ. Nguyên đơn đồng ý chịu toàn bộ và không yêu cầu giải quyết đối với chi phí tố tụng này nên Hội đồng xét xử không xem xét.
[3]. Về án phí: do ông Th, bà Nh, ông V, ông T là người cao tuổi, thuộc các trường hợp được miễn án phí nên Hội đồng xét xử cho miễn án phí theo quy định của pháp luật.
Ông Lê Danh H phải chịu 4.559.056 đồng án phí dân sự sơ thẩm đối với kỷ phần thừa kế được chia.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Áp dụng:
Điều 26; Điều 35; Điều 39; Khoản 1 Điều 147; Điều 235; Điều 266 của Bộ luật tố tụng dân sự.
Điều 233; Điều 649, Điều 655, Điều 656, Điều 657, Điều 658, Điều 659, Điều 660 của Bộ luật dân sự năm 1995.
Điểm a, b khoản 1 Điều 650; Điều 651; Điều 654; Điều 660 Bộ luật dân sự 2015.
Điểm đ khoản 1 Điều 12, Điều 14, Điều 15, khoản 7 Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.
Xử: chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
[1]. Tuyên bố Bản di chúc lập ngày 10/11/1996 mang tên người lập cụ Lê Danh K do ông Lê Danh T giao nộp là vô hiệu.
[2].Chia thừa kế theo pháp luật tài sản thừa kế của cụ K - cụ V như sau:
Bà Lê Thị Nh được chia: 248,54m2 đất (40m2 đất ở + 208,54m2 đất vườn) và tài sản gắn liền trên đất có tổng trị giá 91.181.124 đồng.
Ông Lê Tiến Th được chia: 248,54m2 đất (40m2 đất ở + 208,54m2 đất vườn) và tài sản gắn liền trên đất có tổng trị giá 91.181.124 đồng.
Ông Lê Danh V được chia: 248,54m2 đất (40m2 đất ở + 208,54m2 đất vườn) và tài sản gắn liền trên đất có tổng trị giá 91.181.124 đồng.
Ông Lê Danh T được chia: 248,54m2 đất (40m2 đất ở + 208,54m2 đất vườn) và tài sản gắn liền trên đất có tổng trị giá 91.181.124 đồng.
Ông Lê Danh H được chia: 248,54m2 đất (40m2 đất ở + 208,54m2 đất vườn) và tài sản gắn liền trên đất có tổng trị giá 91.181.124 đồng.
Giao cho ông Th, bà Nh, ông V, ông T, ông H cùng sở hữu và sử dụng chung khối di sản là thửa đất số 495, tờ bản đồ số 01 (nay là thửa 175, tờ bản đồ số 7 Bản đồ địa chính) đã được UBND huyện Đô Lương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 489QSDĐ/16QĐ/UB ngày 02/5/1996 mang tên hộ bà Lê Thị Nh và các tài sản gắn liền trên thửa đất tại xóm 7 xã N, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Bà T có nghĩa vụ quản lý tài sản của ông V theo quy định tại Điều 59 Bộ luật dân sự 2015.
Các đương sự có quyền và nghĩa vụ liên hệ cơ quan quản lý nhà nước để thực hiện các quyền năng của chủ sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
[3]. Về chi phí tố tụng: không giải quyết.
[4]. Về án phí:
Miễn án phí chia thừa kế cho ông Lê Tiến Th, bà Lê Thị Nh, ông Lê Danh V, ông Lê Danh T.
Ông Lê Danh H phải chịu 4.559.056 đồng án phí dân sự sơ thẩm.
[5]. Ông Th, bà Nh, ông T, ông H, người đại diện theo ủy quyền của ông H có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Ông V, bà T có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.
Bản án này được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Bản án 14/2020/DS-ST ngày 26/05/2020 về yêu cầu tuyên bố di chúc giả mạo vô hiệu và chia thừa kế
Số hiệu: | 14/2020/DS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Đô Lương - Nghệ An |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 26/05/2020 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về