TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH CÀ MAU
BẢN ÁN 14/2020/DS-PT NGÀY 11/02/2020 VỀ TRANH CHẤP NỢ HỤI
Vào ngay 11 tháng 02 năm 2020 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 316/2019/TLPT-DS ngày 16 tháng 12 năm 2019 về việc tranh chấp nợ hụi.
Do Bản án dân sự sơ thẩm số: 69/2019/DS-ST ngày 31 tháng 10 năm 2019 của Tòa án nhân dân huyện U Minh bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 346/2019/QĐ-PT ngày 26 tháng 12 năm 2019 giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Bà Bùi Thị L1, sinh năm: 1964 (có mặt);
Địa chỉ cư trú tại: Ấp 9, xã K, huyện U, tỉnh C ..
- Bị đơn:
1. Bà Thái Thị L2, sinh năm: 1948(có mặt);
Địa chỉ cư trú tại: Ấp 9, xã K, huyện U, tỉnh C ..
-Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà L2: Ông Nguyễn Trung Kiệt, là Trợ giúp viên trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Cà Mau (có mặt).
2. Ông Nguyễn Văn T, sinh năm: 1946 (vắng mặt); Địa chỉ cư trú tại: Ấp 9, xã K, huyện U, tỉnh C ..
- Ngươi khang cao: Bà Thái Thị L2 – Là bị đơn.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Nguyên đơn bà Bùi Thị L1 trình bày: Bà có mở các dây hụi, bà Thái Thị L2 và chồng bà L2 là ông Nguyễn Văn T có tham gia một số chân hụi như sau:
- Hụi mở ngày 15/02/2015 âm lịch loại hụi 500.000 đồng một tháng khui một lần, tổng số 41 chân, bà L2 tham gia 01 chân, đã hốt tháng 4 năm 2015 âm lịch, bà đã giao tiền cho bà L2 xong. Bà L2 phải đóng hụi lại 38 lần (tháng) bằng số tiền là 19.000.000 đồng, bà L2 đã đóng đến tháng 3 năm 2017 âm lịch. Từ tháng 4 đến mãn hụi (tháng 5/2018 âm lịch) là 15 tháng (vì năm 2017 âm lịch có 2 tháng 6) bằng số tiền là 7.500.000 đồng bà L2 không đóng, bà phải thực hiện nghĩa vụ đóng hụi chết thay cho bà L2 số tiền là 7.500.000 đồng.
- Hụi mở ngày 08/8/2016 âm lịch loại hụi 1.000.000 đồng một tháng khui hụi một lần, tổng số 37 chân, bà L2 tham gia 01 chân, đã hốt tháng 10 năm 2016 âm lịch, bà đã cho bà L2 xong số tiền 17.720.000 đồng (có giấy giao hụi). Bà L2 phải đóng hụi lại 34 lần (tháng) bằng số tiền 34.000.000 đồng, bà L2 đã đóng đến tháng 3/2017 âm lịch. Từ tháng 4 đến tháng 01/2019 âm lịch (23 tháng) bà L2 không đóng, bà phải phải thực hiện nghĩa vụ đóng hụi chết thay cho bà L2 số tiền là 23.000.000 đồng. Hụi mãn vào tháng 07/2019.
- Hụi mở ngày 18/4/2017 âm lịch loại hụi 1.000.000 một tháng khui hụi một lần, tổng số 36 chân, bà L2 tham gia 01 chân, kêu hốt đầu. Bà đã giao tiền cho bà L2 số tiền 19.700.000 đồng. Bà L2 phải đóng hụi bà L1 35 lần (tháng) bằng số tiền 19.700.000 đồng (có giấy giao hụi). Sau khi hốt hụi bà L2 không đóng hụi chết cho bà, bà phải đóng hụi thay cho bà L2 từ tháng 5/2017 âm lịch đến tháng 01/2019 âm lịch 22 tháng số tiền là 22.000.000 đồng. Dây này còn phải đóng thêm 7 lần nữa mới mãn hụi.
Tổng cộng các dây hụi bà L2 nợ bà số tiền là 52.500.000 đồng.
Bà L1 có đòi bà L2 nhiều lần nhưng bà L2 không đóng dù có đủ điều kiện kinh tế, do đó, bà yêu cầu bà L2 và ông T trả cho bà số tiền hụi còn thiếu là 52.500.000 đồng.
Tại phiên tòa sơ thẩm, bà L1 trình bày bà vẫn giữ yêu cầu khởi kiện đối với bà L2 và ông T về việc trả tiền hụi, tuy nhiên sau khi tính toán lại thì số tiền hụi bà yêu cầu bà L2 và ông T trả được tính từ tháng 5/2017 âm lịch đến tháng 01/2019 âm lịch cả ba chân hụi đã nêu số tiền còn thiếu là 51.000.000 đồng. Trước đây, bà có nhận cầm giấy chứng nhận của bà L2 số tiền 23.000.000 đồng, nhưng do sau đó bà làm mất giấy nên bà L2 không đóng hụi, khi đó bà có nói với bà L2 đóng tiền hụi thì bà giảm 7.000.000 đồng nhưng bà L2 không đóng. Sau này bà làm giấy chứng nhận quyền sử dụng lại cho bà, bà L2 và bà đã trả 23.000.000 đồng cho bà xong. Ngoài ra, sau khi ngừng đóng thì bà L2 có trả tiền hụi cho bà nhiều lần được tổng cộng là 3.000.000 đồng, bà đồng ý cho thêm 7.000.000 đồng, tổng cộng là 10.000.000 đồng. Số tiền hụi còn lại bà yêu cầu bà L2, ông T phải trả là 41.000.000 đồng.
-Bị đơn bà Thái Thị L2 trình bày:
Bà có tham gia 03 chân hụi của bà L1 như bà L1 trình bày nhưng không nhớ chân hụi mở ngày nào chỉ nhớ tham gia 01 chân hụi 500.000 đồng, hai chân hụi 1.000.000 đồng, hụi đóng hàng tháng. Chân hụi loại 500.000 đồng và 1.000.000 đồng bà đã hốt. Chân hụi 500.000 đồng đã mãn. Còn lại chân hụi 1.000.000 đồng bà đã đóng được phân nữa nhưng không đầy đủ nên bà L1 cho bà hốt chân hụi 1.000.000 đồng nhưng không giao tiền mà trừ vào tiền hụi còn thiếu trước đó, sau khi trừ tất cả các dây hụi chết thì bà còn thiếu lại bà L1 tổng cộng là 10.000.000 đồng tiền hụi chết. Sau đó bà cầm cố cho bà L1 01 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với số tiền 23.000.000 đồng. Sau khi bà trả cho bà L1 23.000.000 đồng thì bà L1 đem trả cho bà 7.000.000 đồng nhưng bà không nhận và cộng thêm số tiền 3.000.000 đồng bà đã trả trước đó, tổng cộng là 10.000.000 đồng nên bà đã trả xong cho bà L1 tiền hụi. Khi hốt hụi bà không có ký nhận tiền. Bà không đồng ý theo yêu cầu của bà L1 do bà đã trả đủ tiền hụi cho bà L1.
Ông Nguyễn Văn T vắng mặt có đơn xin vắng mặt.
Tại biên bản xác minh ngày 10/10/2019, ông Trần Văn Đấu trình bày:
Ông có biết sự việc bà L2 cầm giấy chứng nhận quyền sử dụng cho bà L1, sau đó nghe nói bà L1 làm mất giấy chứng nhận quyền sử dụng của bà L2 thì hơn một năm sau, con của ông có chở bà L2 đi chuộc giấy chứng nhận. Đối với chân hụi ngày 08/8/2016 âm lịch, bà L2 hốt là do bà Lan cùng tham gia hụi nhường lại cho bà L2, ông chỉ biết việc nhường lại tiền hụi còn việc giao nhận, gật hụi, thỏa thuận đóng đắp đuôi thì ông không biết. Sau đó ông vô tình nghe bà L1 bà L2 cãi nhau về số tiền cầm cố đất 23.000.000 đồng, bà L1 nói với bà L2 là bà L2 đóng tiền hụi cho bà thì sau này cho bà L2 7.000.000 đồng thì bà L2 nói không lấy để trừ vào tiền hụi cộng với số tiền 2.700.000 đồng đã đưa và 300.000 tiền mua thịt heo thiếu thành 10.000.000 đồng. Ông chỉ nghe nói như vậy chứ không thấy giữa các bên đưa tiền gì cho nhau, chỉ nghe hai bên nói với nhau. Sau khi xảy ra sự việc thi địa phương có hòa giải nhiều lần nhưng không thành, bà L2 xông vào xô xát với bà L1 nên địa phương không hòa giải.
Từ nội dung vụ nêu trên , tại Bản án dân sự sơ thẩm số : 69/2019/DS-ST ngày 31 tháng 10 năm 2019 của Tòa án nhân dân huyện U Minh, tỉnh Cà Mau đã quyết định:
Căn cứ khoản 3 Điều 26; Điều 144; khoản 1 Điều 147; Điều 227; Điều 244; Điều 271 và khoản 1 Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 471 của Bộ luật dân sự; khoản 4 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016; Điều 22 Nghị định số 144/2006/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ về hụi, họ, biêu, phường.
Tuyên xử:
- Chấp nhận yêu cầu của bà Bùi Thị L1 về việc đòi tiền hụi đối với bà Thái Thị L2, ông Nguyễn Văn T.
Buộc bà Thái Thị L2 và ông Nguyễn Văn T trả cho bà Bùi Thị L1 tiền hụi còn thiếu tính đến tháng 01/2019 âm lịch là 41.000.000 (Bốn mươi mốt triệu) đồng.
Ngoài ra, án sơ thẩm còn tuyên về án phí, quyên khang cao theo luât đinh.
Ngày 12/11/2019, bà Thái Thị L2 có đơn khang cao yêu cầu sửa toàn bộ Bản án sơ thẩm theo hướng không chấp nhận trả số tiền 41.000.000đồng cho nguyên đơn.
Tại phiên tòa phúc thẩm: Bà Thái Thị L2 giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà L2: Đề nghị chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bà L2.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cà Mau phát biểu:Về tố tụng, Thẩm phán, Hội đồng xét xử tiến hành đúng theo quy định của pháp luật tố tụng và các đương sự cũng chấp hành đúng với quyền và nghĩa vụ của các đương sự được pháp luật quy định. Về nội dung, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm: Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự; tuyên xử không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bà Thái Thị L2; giữ nguyên Bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, xét kháng cáo của bà Thái Thị L2. Hội đồng xét xử thấy rằng:
[1] Về tố tụng: Tòa sơ thẩm đã thụ lý đúng thẩm quyền và giải quyết đúng quan hệ pháp luật tranh chấp theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.
[2] Về nội dung tranh chấp: Quá trình giải quyết vụ án, bà L2 thừa nhận có tham gia 03 chân hụi do bà L1 làm chủ hụi: 01 chân hụi 500.000 đồng; 02 chân hụi còn lại mỗi chân 1.000.000 đồng, nhưng bà L1 cho rằng quá trình bà chơi bà đã hốt xong, và đã đóng đầy đủ cho bà L1, các bên không còn nợ nần gì nhau. Còn theo bà L1, cho rằng với dây hụi 500.000 đồng/tháng, mở ngày 15/02/2015 âm lịch, tổng số 41 chân, bà L2 tham gia 01 chân (bà L2 đã hốt tháng 4/2015 âm lịch). Dây hụi 1.000.000 đồng/tháng mở ngày 08/8/2016 âm lịch, tổng số 37 chân, bà L2 tham gia 01 chân (bà L2 hốt vào tháng 10/2016); Dây hụi 1.000.000 đồng/tháng mở ngày 18/4/2017 âm lịch loại hụi 1.000.000 đồng/tháng, tổng số 36 chân, bà L2 tham gia 01 chân (hốt vào đầu dây hụi vào tháng 4 năm 2017). Tại đơn khởi kiện bà L1 đòi bà L2 số tiền 52.500.000 đồng, nhưng tại phiên tòa sơ thẩm bà L1 đòi bà L2 41.000.000 đồng (do bà L2 đã đóng được 10.000.000 đồng). Đối với bà L2 thì cho rằng sau khi hốt hụi đã đóng lại cho bà L1, trong đó có đóng số tiền 3.000.000 đồng cộng với số tiền chênh lệch 7.000.000 đồng tiền cầm Giấy CNQSDĐ bà L1 cầm với số tiền 16.000.000 đồng nhưng bà L1 đã trả bà L2 số tiền 23.000.000 đồng.
[3] Về căn cứ khởi kiện của bà L1: Thấy rằng, án sơ thẩm chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà L1, buộc bà L2 trả cho bà L1 số tiền 41.000.000 đồng là chưa có cơ sở pháp lý vững chắc, bởi lẽ, các dây hụi bà L2 chơi với bà L1 thì bà L2 đã hốt các chân và đóng lại các chân đều không được bà L1 lập giấy đối chiếu, ký nhận chốt hụi. Bà L2 thì cho rằng sau khi đã hốt chân hụi cuối vào tháng 4 năm 2017 có đóng lại, và đã cấn trừ lại chân hụi trước đó, nhưng bà L2 cũng không có chứng cứ gì chứng minh. Còn đối với bà L1, bà L1 thừa nhận bà L2 hốt chân hụi cuối có trừ vào chân hụi trước đó nhưng chỉ trừ từ tháng 01 năm 2017, chứ không phải trừ hết. Tuy nhiên, bà L1 cũng chỉ trình bày bằng miệng. Tại Tòa bà L1 cung cấp 03 Giấy hốt hụi, 01 bản gốc, 02 bản phô tô có tẩy xóa, bà L1 cho rằng bản gốc thất lạc (Bút lục số 14, 16), phía bà L2 đều không thừa nhận chữ ký của bà (tuy nhiên các bên đều không có yêu cầu giám định tài liệu này). Giải thích cho việc lý do bà L2 không đóng hụi chết và bà L1 khởi kiện là tại phiên tòa phúc thẩm bà L1 cho rằng quá trình bà L2 cầm Giấy chứng nhận QSDĐ cho bà thì bà có làm mất cho nên bà L2 đã không đóng hụi chết cho bà L1. Ngoài ra, tại cấp sơ thẩm bà L1 cũng cho rằng do bà té sông nên một số chứng từ hụi không còn, vì vậy từ năm 2017 đến năm 2019 mới đi kiện.
Ngoài lời thừa nhận bà L2 đã hốt hụi và đóng hụi xong thì các bên không có chứng cứ nào khác.
[4] Trong vụ án này, về nghĩa vụ chứng minh thuộc về bà L1, bởi lẽ theo quy định tại Điều 9 Nghị định số: 144/2006/NĐ-CP ngày 27-11-2006 hướng dẫn về hụi của Chính phủ (Điều 12 Nghị định số: 19/2019/NĐ-CP ngày 19-02-2019), thì chủ hụi phải lập sổ hụi, theo dõi việc viên hốt bao nhiêu chân, đóng bao nhiêu chân, nợ còn lại là bao nhiêu; điều này phải được chủ hụi và hụi viên xác nhận. Trong khi đó, vụ việc chơi hụi giữa các bên, bị đơn hốt hụi chân đầu tiên diễn ra từ tháng 4 năm 2015; chân hụi thứ hai hốt tháng 10 năm 2016, chân hụi thứ 3 hốt vào tháng 4 năm 2017. Nguyên đơn cho rằng bị đơn đều đã hốt nhưng ngưng đóng hụi từ tháng 4 năm 2017. Xét thấy, đến thời điểm tháng 4/2017, nếu bà L2 không đóng hụi chết trước đó thì bà L1 là chủ hụi không thể nào cho bà L2 hốt lần nữa, rồi lại cho bà L2 nợ tiếp tục. Hơn nữa, tại thời điểm hốt chân hụi cuối này, bà L1 không có giấy giao hụi cho bà L2, không có giấy chốt nợ, các bên cũng chỉ trình bày bằng miệng. Chính vì vậy, có cơ sở kết luận bà L2 hốt chân hụi cuối 1.000.000 đồng vào tháng 4 năm 2017, nhưng bà L2 không nhận tiền mà để trừ vào số tiền nợ hụi trước đó. Đồng thời, giai đoạn này bà L1 cũng cầm giữ 01 Giấy chứng nhận QSDĐ của bà L2, giai đoạn này nếu bà L2 còn nợ bà L1 thì bà L1 cũng không giao trả lại Giấy chứng nhận QSDĐ cho bà L2. Về số tiền cầm Giấy chứng nhận QSDĐ, bà L2 cầm Giấy CNQSDĐ số tiền 16.000.000 đồng, nhưng đã trả cho bà L1 23.000.000 đồng, số tiền chênh lệch 7.000.000 đồng bà L2 đưa vào tiền đóng hụi là có cơ sở, đối chiếu Giấy thế chấp (bút lục số 35) cho thấy con số 23.000.000 đồng được viết sửa đè lên con số 6, điều này cho thấy tại thời điểm bà L2 hốt hụi đã cấn trừ nợ các chân hụi trước đó là đúng. Tuy nhiên, từ sau khi hốt chân hụi cuối đến nay (từ tháng 4 năm 2017), phía bị đơn không chứng minh được đã đóng hụi chết, nên nguyên đơn kiện đòi 22 tháng (từ tháng 4 năm 2017 đến tháng 01 năm 2019) là 22 tháng x 1.000.000 đồng = 22.000.000 đồng, xét thấy là phù hợp, nên cần buộc bà L2, ông T trả cho nguyên đơn số tiền này. Từ đó, có căn cứ chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà L1, chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của bà L2, sửa một phần Bản án sơ thẩm là phù hợp.
[5] Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cà Mau đề nghị không chấp nhận toàn bộ yêu cầu kháng cáo của bà L2; đề nghị giữ nguyên Bản án sơ thẩm.
[6] Về án phí:
Án phí sơ thẩm: Bà L1 phải chịu án phí có giá ngạch theo quy định trên số tiền không được chấp nhận số tiền 19.000.000 đồng x 5% = 950.000 đồng. Bà Bùi Thị L1 đã dự nộp tạm ứng án phí số tiền 1.313.000 (Một triệu ba trăm mười ba ngàn) đồng theo biên lai thu số 0004270 ngày 19 tháng 3 năm 2019 của Chi cục thi hành án dân sự huyện U Minh, tỉnh Cà Mau được đối trừ và nhận lại 363.000 đồng.
Bà Thái Thị L2 và ông Nguyễn Văn T được miễn án phí do là người cao tuổi có đơn xin miễn theo quy định tại Điều 12, 14 Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Án phí phúc thẩm: Bà Thái Thị L2 được miễn do người cao tuổi (đã miễn dự nộp).
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 2 Điều 308, 309 Bộ luật tố tụng dân sự; Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.
Chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo bà Thái Thị L2.
Sửa Bản án dân sự sơ thẩm số: 69/2019/DS-ST ngày 31 tháng 10 năm 2019 của Tòa án nhân dân huyện U Minh, tỉnh Cà Mau.
Tuyên xử 1. Chấp nhận một phần yêu cầu của bà Bùi Thị L1 về việc đòi tiền hụi đối với bà Thái Thị L2, ông Nguyễn Văn T Buộc bà Thái Thị L2, ông Nguyễn Văn T trả cho bà Bùi Thị L1 số tiền nợ hụi 22.000.000 (Hai mươi hai triệu) đồng.
Kể từ ngày người có quyền yêu cầu thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, bên phải thi hành chậm thi hành còn phải chịu thêm lãi suất phát sinh theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.
2. Về án phí:
Án phí sơ thẩm: Bà Bùi Thị L1 phải chịu án phí số tiền 950.000 đồng. Ngày 19 tháng 3 năm 2019 bà L1 đã dự nộp tạm ứng án phí số tiền 1.313.000 (Một triệu ba trăm mười ba ngàn) đồng theo biên lai thu số 0004270 của Chi cục thi hành án dân sự huyện U Minh, tỉnh Cà Mau được đối trừ và nhận lại 363.000 đồng. Bà Thái Thị L2 và ông Nguyễn Văn T được miễn án phí do là người cao tuổi.
Án phí phúc thẩm: Bà Thái Thị L2 được miễn do người cao tuổi (đã miễn dự nộp).
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 14/2020/DS-PT ngày 11/02/2020 về tranh chấp nợ hụi
Số hiệu: | 14/2020/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Cà Mau |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 11/02/2020 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về