Bản án 14/2018/KDTM-ST ngày 15/11/2018 về yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trả tiền

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ NHA TRANG, TỈNH KHÁNH HÒA

BẢN ÁN 14/2018/KDTM-ST NGÀY 15/11/2018 VỀ YÊU CẦU THỰC HIỆN NGHĨA VỤ TRẢ TIỀN

Ngày 15 tháng 11 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Nha Trang mở phiên tòa xét xử công khai vụ án kinh doanh thương mại sơ thẩm thụ lý số 100/2018/TLST-DS ngày 07 tháng 3 năm 2018 về tranh chấp "Yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trả tiền"; theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 65/2018/QĐXXST-DS ngày 30 tháng 10 năm 2018 và Thông báo số 223/2018/TB-TA ngày 06 tháng 11 năm 2018, giữa các đương sự:

* Nguyên đơn: Công ty trách nhiệm hữu hạn M

Địa chỉ: 51 Quang T, phường Nguyễn D, quận Hai Bà T, TP. Hà Nội.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Lương Hải S – Tổng Giám đốc.

Người đại diện theo ủy quyền: Bà Ngô Thị P – Chuyên viên Ban Tiếp nhận xử lý nợ và tài sản. (Theo Giấy ủy quyền số 60/UQ-MBN ngày 28/4/2017). Bà P có mặt.

* Bị đơn: Công ty Cổ phần X

Địa chỉ: 06A Nguyễn Đình C, phường Tân L, thành phố Buôn Mê T, tỉnh Đắk Lắk.

Người đại diện theo pháp luật: Bà Hoàng Thị Thanh P – Giám đốc. Có yêu cầu giải quyết vắng mặt.

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Tổng Công ty xây dựng C

Địa chỉ: 77 Nguyễn D, quận Hải C, thành phố Đà N.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Lê Quang V – Tổng Giám đốc. Có yêu cầu giải quyết vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

* Theo đơn khởi kiện, các bản tự khai, biên bản hòa giải và tại phiên tòa, đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn là Công ty trách nhiệm hữu hạn M trình bày:

Ngày 18/01/2013, Tổng Công ty xây dựng C, Công ty Cổ phần X và Công ty M (Nay là Công ty TNHH M – gọi tắt là DATC) đã ký kết Biên bản bàn giao tài sản loại trừ không tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa Công ty Cổ phần X. Theo báo cáo của Công ty Cổ phần X thì trong thời gian giữ hộ tài sản, doanh nghiệp tự xử lý trước bàn giao về DATC: 01 máy rải cấp phối với giá trị thực tế thu hồi là 171.428.571 đồng, Công ty Cổ phần X phải nộp ngay về DATC để tập trung nộp ngân sách nhà nước. Mặc dù DATC đã có nhiều văn bản yêu cầu cũng như làm việc trực tiếp với Công ty Cổ phần X yêu cầu nộp tiền về DATC nhưng Công ty Cổ phần X không nộp số tiền trên. Do đó, DATC yêu cầu Tòa án buộc Công ty Cổ phần X phải nộp tiền xử lý tài sản trước bàn giao là 171.428.571 đồng và tiền lãi chậm thanh toán đối với số tiền trên, tính từ ngày 15/7/2015 đến ngày 31/3/2018 là 52.778.571 đồng (theo Thông tư số 57/2015/TT-BTC ngày 24/4/2015), tổng cộng gốc và lãi Công ty Cổ phần X phải thanh toán là 224.207.142 đồng.

Tại Công văn số 700/MBN-TN ngày 24/10/2018, DATC trình bày: Ngày 02/4/2018, Công ty Cổ phần X đã trả cho DATC số tiền 171.428.571 đồng, nhưng chưa trả tiền lãi phát sinh. Căn cứ Thông tư số 57/2015/TT-BTC ngày 24/4/2015, DATC yêu cầu Công ty Cổ phần X phải thanh toán số tiền lãi do chậm nộp được tính từ ngày 15/7/2015 đến ngày 02/4/2018: 61.800.000 đồng.

Tại phiên tòa, đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu buộc Công ty Cổ phần X thanh toán tiền lãi chậm nộp là 61.800.000 đồng.

Đng thời, Công ty TNHH M xác nhận không yêu cầu tính thanh toán bù trừ các khoản như đã trình bày tại các công văn số 255/MBN-TN ngày 19/4/2018 và công văn số 363/MBN ngày 12/6/2018.

* Tại bản tự khai đề ngày 20/3/2018, biên bản hòa giải và tại công văn số 41/CV-505 ngày 05/11/2018, đại diện theo pháp luật của Công ty Cổ phần X trình bày:

Ti Biên bản bàn giao loại trừ không tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa ngày 18/01/2013, được ký giữa ba bên gồm: Tổng Công ty Xây dựng C (Là đại diện chủ sở hữu tài sản); Công ty Cổ phần X (Là đại diện giữ hộ tài sản) và Công ty TNHH M (Bên nhận tài sản), đã xác định Công ty Cổ phần X phải nộp số tiền 154.285.714 đồng về cho Công ty M (Tức là số tiền 171.428.571 đồng – 10% được trích lại để bù đắp chi phí giữ hộ tài sản). Ngày 02/4/2018, Công ty Cổ phần X đã chuyển nộp cho Công ty M số tiền 171.428.571 đồng. Nhưng đến nay, Công ty M yêu cầu trả tiền lãi 61.800.000 đồng do chậm nộp, thì Công ty Cổ phần X không đồng ý. Vì biên bản bàn giao ngày 18/01/2013 không có thỏa thuận phần lãi chậm nộp hay bất kì khoản lãi phát sinh nào khác. Mặt khác, Công ty M áp dụng Thông tư 57/2015/TT-BTC ngày 24/4/2015 để tính tiền lãi chậm nộp là không đúng vì thông tư nói trên có hiệu lực sau khi các bên ký biên bản bàn giao tài sản. Đồng thời, Công ty Cổ phần X yêu cầu Tòa án buộc Công ty TNHH M phải trích chuyển trả lại cho Công ty Cổ phần X số tiền 17.142.857 đồng (Là 10% bù đắp chi phí giữ hộ tài sản) theo đúng như nội dung biên bản bàn giao ngày 18/01/2013.

Do khoảng cách địa lý xa, người đại diện theo pháp luật của Công ty Cổ phần X đang nuôi con nhỏ nên không thể tham gia phiên tòa. Do vậy, Công ty Cổ phần M xin được vắng mặt trong giai đoạn xét xử sơ thẩm.

* Tại công văn số 1411/TCT5-TCKT đề ngày 24/10/2018, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Tổng Công ty xây dựng C trình bày:

Ngày 18/01/2013, Tổng Công ty xây dựng C đã ký Biên bản bàn giao tài sản loại trừ không tính vào giá trị doanh nghiệp, theo đó: Bên giao là Tổng Công ty xây dựng C và Công ty Cổ phần X; Bên nhận là Công ty TNHH M. Theo khoản 2.2 mục 2 điểm B của Biên bản bàn giao nói trên, Công ty Cổ phần X được trích 10% để bù đắp chi phí giữ hộ tài sản từ số tiền 171.428.571 đồng (Là tài sản xử lý trước khi bàn giao). Số tiền còn lại 154.285.714 đồng, Công ty Cổ phần X phải nộp về cho Công ty TNHH M. Nhưng thực tế, Công ty Cổ phần X đã thanh toán cho Công ty TNHH M số tiền 171.428.571 đồng là vượt quá nghĩa vụ quy định tại khoản 2.2 mục 2 điểm B của Biên bản bàn giao ngày 18/01/2013.

Đi với khoản tiền lãi mà Công ty TNHH M yêu cầu Công ty Cổ phần X phải thanh toán, thì Tổng Công ty xây dựng C không được biết và cũng không có ý kiến gì.

Do điều kiện khách quan, Tổng Công ty xây dựng C không thể tham gia tố tụng tại Tòa án nhân dân thành phố Nha Trang nên Tổng Công ty đề nghị Tòa án giải quyết vắng mặt trong giai đoạn xét xử sơ thẩm.

* Tại phiên tòa: Kim sát viên - đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Nha Trang phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa và của người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án kể từ khi thụ lý cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án; đồng thời đề nghị Hội đồng xét xử giải quyết vụ án như sau:

- Đình chỉ 1 phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc yêu cầu bị đơn trả nợ gốc do nguyên đơn rút yêu cầu về nợ gốc.

- Chấp nhận 1 phần yêu cầu của nguyên đơn về việc yêu cầu bị đơn thanh toán tiền lãi do chậm nộp, theo hướng: Số tiền lãi do chậm nộp được tính trên số nợ gốc: 154.285.714 đồng x mức lãi suất (Được áp dụng tại Điều 10 của Thông tư 57/2015/TT-BTC ngày 24/4/2015 của Bộ Tài chính) x thời gian chậm nộp (Từ 15/7/2018 đến 02/4/2018).

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về thủ tục:

- Công ty trách nhiệm hữu hạn M (Sau đây viết tắt là Công ty M) được thành lập theo Quyết định số 109/2003/QĐ-TTg ngày 05/6/2003 của Thủ tướng Chính phủ. Cơ chế tài chính của Công ty Mua bán nợ là kinh doanh mua, bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp; xử lý các khoản nợ và tài sản đã mua; huy động vốn; tư vấn, môi giới xử lý nợ và tài sản tồn đọng; kinh doanh những ngành nghề khác theo quy định của pháp luật. Như vậy, Công ty Mua bán nợ là doanh nghiệp nhà nước và hoạt động kinh doanh có lợi nhuận. Căn cứ khoản 1 Điều 30 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Hội đồng xét xử xác định đây là tranh chấp về kinh doanh thương mại, thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

- Bị đơn là Công ty Cổ phần X (Sau đây viết tắt là Công ty ...) và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Tổng Công ty xây dựng C (Sau đây viết tắt là Tổng Công ty ...) đều có yêu cầu giải quyết vắng mặt. Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 227 và khoản 1 Điều 228 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Hội đồng xét xử quyết định xét xử vắng mặt bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nói trên.

[2] Về nội dung:

Ngày 18/01/2013, Tổng Công ty xây dựng C (Là đại diện chủ sở hữu tài sản); Công ty Cổ phần X (Là đại diện giữ hộ tài sản) và Công ty M (Là bên nhận tài sản) đã ký Biên bản bàn giao tài sản loại trừ không tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa. Tại tiểu mục 2.2, mục 2 của biên bản nói trên xác định Công ty Cổ phần X đã xử lý 01 máy rải cấp phối trước khi bàn giao cho Công ty M, với giá trị theo sổ sách kế toán: Nguyên giá: 55.000.000 đồng; Giá trị còn lại: 4.357.281 đồng; Giá trị thực tế thu hồi: 171.428.571 đồng. Công ty Cổ phần X được trích lại 10% để bù đắp chi phí giữ hộ tài sản của nhà nước theo quy định. Số tiền còn lại: 154.285.714 đồng, Công ty Cổ phần X phải nộp về Công ty M để tập trung nộp ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, sau khi ký biên bản, Công ty Cổ phần X không thực hiện việc nộp tiền về cho Công ty M. Do vậy, Công ty M khởi kiện yêu cầu Công ty Cổ phần X phải thanh toán số nợ gốc: 171.428.571 đồng và nợ lãi phát sinh do chậm nộp (Được áp dụng theo Thông tư số 57/2015/TT-BTC ngày 24/4/2015 của Bộ Tài chính).

Tại phiên tòa, đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn xác nhận vào ngày 02/4/2018, bị đơn là Công ty Cổ phần X đã thanh toán số tiền nợ gốc 171.428.571 đồng, nhưng chưa thánh toán tiền lãi. Do vậy, nguyên đơn xin rút yêu cầu khởi kiện đối với số nợ gốc và tiếp tục yêu cầu Công ty 505 phải thanh toán nợ lãi do chậm nộp. Căn cứ khoản 2 Điều 244 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Hội đồng xét xử quyết định đình chỉ xét xử đối với yêu cầu khởi kiện của Công ty M về nợ gốc.

Xét yêu cầu khởi kiện của Công ty M về khoản nợ lãi do chậm nộp (Tính từ ngày 15/7/2015 đến ngày 02/4/2018): 61.800.000 đồng (Sáu mươi mốt triệu tám trăm ngàn đồng), Hội đồng xét xử thấy rằng: Ngày 18/01/2013, các bên ký Biên bản bàn giao tài sản loại trừ không tính vào giá trị doanh nghiệp thì Thông tư số 38/2006/TT-BTC ngày 10/5/2006 của Bộ Tài chính đang có hiệu lực và được áp dụng. Theo nội dung của Thông tư số 38/2006/TT-BTC ngày 10/5/2006 không có quy định về việc tính lãi do chậm nộp. Đến ngày 01/7/2015, Thông tư số 57/2015/TT-BTC ngày 24/4/2015 của Bộ Tài chính có hiệu lực và được thay thế cho Thông tư số 38/2006/TT-BTC ngày 10/5/2006 của Bộ Tài chính. Tại khoản 2 Điều 10 của Thông tư số 57/2015/TT-BTC ngày 24/4/2015 quy định rõ: “Đối với tiền thu từ thu hồi nợ và xử lý tài sản trước khi bàn giao cho Công ty Mua bán nợ và trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực thi hành, doanh nghiệp có trách nhiệm nộp về Công ty Mua bán nợ trong thời gian 15 ngày, kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

Trường hợp chậm nộp, doanh nghiệp phải chịu thêm tiền lãi theo quy định tại khoản 1 Điều này”. Như vậy, Công ty M áp dụng Điều 10 của Thông tư số 57/2015/TT-BTC ngày 24/4/2015 để tính mức lãi suất, thời gian tính lãi đối với Công ty Cổ phần X là có cơ sở để chấp nhận. Tuy nhiên, Công ty M tính lãi trên số tiền nợ gốc 171.428.571 đồng là chưa hợp lý. Vì nội dung Biên bản bàn giao tài sản ngày 18/01/2013, các bên thống nhất xác nhận Công ty Cổ phần X phải nộp về cho Công ty M số tiền 154.285.714 đồng (Đây là số tiền còn lại sau khi đã trừ 10% từ số tiền 171.428.571 đồng, để Công ty Cổ phần X bù đắp chi phí giữ hộ tài sản của nhà nước). Mặt khác, tại công văn số 1411/TCT5-TCKT ngày 24/10/2018, Tổng Công ty xây dựng C cũng xác nhận Công ty Cổ phần X chỉ có trách nhiệm nộp về Công ty M số tiền 154.285.714 đồng. Thực tế, Công ty Cổ phần X đã thanh toán số tiền 171.428.571 đồng là vượt quá nghĩa vụ quy định tại mục 2 của Biên bản bàn giao tài sản ngày 18/01/2013.

Từ những phân tích trên, Hội đồng xét xử thấy: Việc trừ 10% từ số tiền 171.428.571 đồng, để bù đắp chi phí giữ hộ tài sản của nhà nước là số tiền mà Công ty Cổ phần X được hưởng; hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật (Thông tư 38/2006/TT-BTC ngày 10/5/2006; Thông tư số 57/2015/TT-BTC ngày 24/4/2015 của Bộ Tài chính) và được các bên thống nhất ký nhận vào ngày 18/01/2013 tại Biên bản bàn giao tài sản loại trừ không tính vào giá trị doanh nghiệp. Như vậy, có cơ sở để xác định số nợ gốc mà Công ty Cổ phần X phải nộp về cho Công ty M là 154.285.714 đồng (Một trăm năm mươi tư triệu hai trăm tám mươi lăm ngàn bảy trăm mười bốn đồng). Do Công ty Cổ phần X không thực hiện việc nộp số tiền trên về cho Công ty M nên phải chịu tiền lãi do chậm nộp theo quy định tại Điều 10 của Thông tư số 57/2015/TT-BTC ngày 24/4/2015 của Bộ Tài chính, trên số nợ gốc 154.285.714 đồng, cụ thể:

- Tiền lãi từ ngày 15/7/2015 đến ngày 15/10/2015, lãi suất 9%/năm, 92 ngày: 154.285.714 đồng x 92/360 x 9% = 3.548.571 đồng. (1) - Tiền lãi từ ngày 15/7/2015 đến ngày 02/4/2018, lãi suất 13.5%/năm, 900 ngày: 154.285.714 đồng x 900/360 x 13.5% = 52.071.428 đồng. (2) Tổng số tiền lãi do chậm nộp mà Công ty Cổ phần X phải thanh toán cho Công ty M: (1) + (2) = 55.620.000 đồng (Năm mươi lăm triệu sáu trăm hai mươi ngàn đồng).

Tổng số tiền gốc và lãi mà Công ty Cổ phần X phải thanh toán cho Công ty M: 154.285.714 đồng + 55.620.000 đồng = 209.905.714 đồng. Thực tế, vào ngày 02/4/2018, Công ty Cổ phần X đã thanh toán cho Công ty M số tiền 171.428.571 đồng.

Như vậy, sau khi đã khấu trừ 10% bù đắp chi phí giữ hộ tài sản của nhà nước, Công ty Cổ phần X còn phải thanh toán cho Công ty M số tiền: 209.905.714 đồng - 171.428.571 đồng = 38.477.143 đồng (Ba mươi tám triệu bốn trăm bảy mươi bảy ngàn một trăm bốn mươi ba đồng).

[3]. Án phí:

- Công ty M yêu cầu Công ty Cổ phần X thanh toán nợ lãi do chậm nộp (Tính từ ngày 15/7/2015 đến 02/4/2018): 61.800.000 đồng. Nhưng Hội đồng xét xử chấp nhận số tiền lãi mà Công ty Cổ phần X phải thanh toán cho Công ty M: 55.620.000 đồng. Do Hội đồng xét xử chỉ chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc yêu cầu tính lãi nên nguyên đơn là Công ty M phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối phần không được Hội đồng xét xử chấp nhận, cụ thể: (61.800.000 đồng - 55.620.000 đồng) x 5% = 309.000 đồng (Ba trăm lẻ chín ngàn đồng). Nhưng được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí 5.300.000 đồng (Năm triệu ba trăm ngàn đồng) mà Công ty M đã nộp tại Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AA/2016/0008536 ngày 07/3/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Nha Trang. Hoàn trả cho Công ty M số tiền 4.991.000 đồng (Bốn triệu chín trăm chín mươi mốt ngàn đồng).

- Công ty Cổ phần X phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với số tiền phải thanh toán cho Công ty M, cụ thể: 38.477.143 đồng x 5% = 1.924.000 đồng (Một triệu chín trăm hai mươi bốn ngàn đồng).

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào Điều 147, điểm b khoản 2 Điều 227, khoản 1 Điều 228, khoản 2 Điều 244, Điều 266 và Điều 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; khoản 1 Điều 26 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

1. Đình chỉ xét xử một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là Công ty trách nhiệm hữu hạn M đối với yêu cầu buộc Công ty Cổ phần X thanh toán số nợ gốc.

2. Chp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty trách nhiệm hữu hạn M đối với yêu cầu buộc Công ty Cổ phần X thanh toán số nợ lãi do chậm nộp.

Buộc Công ty Cổ phần phải thanh toán số tiền lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ (Sau khi đã trừ đi 10% bù đắp chi phí giữ hộ tài sản của nhà nước): 38.477.143 đồng (Ba mươi tám triệu bốn trăm bảy mươi bảy ngàn một trăm bốn mươi ba đồng).

3. Án phí:

- Công ty trách nhiệm hữu hạn M phải chịu tiền án phí dân sự sơ thẩm là 309.000 đồng (Ba trăm lẻ chín ngàn đồng). Nhưng được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí 5.300.000 đồng (Năm triệu ba trăm ngàn đồng) mà Công ty trách nhiệm hữu hạn M đã nộp tại Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AA/2016/0008536 ngày 07/3/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Nha Trang. Hoàn trả cho Công ty trách nhiệm hữu hạn M số tiền 4.991.000 đồng (Bốn triệu chín trăm chín mươi mốt ngàn đồng).

- Công ty Cổ phần X phải chịu tiền án phí dân sự sơ thẩm là 1.924.000 đồng (Một triệu chín trăm hai mươi bốn ngàn đồng).

Quy định Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

4. Quyền kháng cáo:

Đương sự có mặt tại phiên tòa được quyền làm đơn kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án, đương sự vắng mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

650
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 14/2018/KDTM-ST ngày 15/11/2018 về yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trả tiền

Số hiệu:14/2018/KDTM-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Thành phố Nha Trang - Khánh Hoà
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 15/11/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;