TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH SÓC TRĂNG
BẢN ÁN 137/2018/DS-PT NGÀY 29/10/2018 VỀ TRANH CHẤP YÊU CẦU CHẤM DỨT HÀNH VI CẢN TRỞ TRÁI PHÁP LUẬT ĐỐI VỚI VIỆC XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH
Trong các ngày 11 tháng 9, ngày 08 và ngày 29 tháng10 năm 2018, tại Trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng xét xử phúc thẩm vụ án dân sự thụ lý số 97/2018/TLPT-DS ngày 03 tháng 8 năm 2018 về việc " Tranh chấp yêu cầu chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật đối với việc xây dựng công trình".
Do bản án dân sự sơ thẩm số 27/2018/DS-ST ngày 07/6/2018 của Tòa án nhân dân huyện X, tỉnh Sóc Trăng bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số:136/2018/QĐ-PT ngày 14 tháng 8 năm 2018 giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Ông A, sinh năm 1978 (có mặt).
Địa chỉ: ấp Đ, xã T, huyện X, tỉnh Sóc Trăng.
- Bị đơn:
1. Bà B, sinh năm 1948.
HKTT: Ấp B, xã T, huyện X, tỉnh Sóc Trăng.
Địa chỉ hiện nay: Ấp G, xã Đ, huyện X, tỉnh Sóc Trăng.
2. Ông C, sinh năm 1973 (có mặt).
Địa chỉ: ấp P, xã T, huyện X, tỉnh Sóc Trăng.
3. Ông D.
Địa chỉ: Ấp P, xã T, huyện X, tỉnh Sóc Trăng.
Bà B, ông D cùng ủy quyền cho ông C.(có mặt)
- Người kháng cáo: Của các bị đơn bà B, ông D và ông C.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ thì nội dung vụ kiện được tóm tắt như sau:
Nguyên đơn ông A trình bày:
Ông A có phần đất tại thửa 211, diện tích 1.674,2m2, tờ bản đồ số 02 tọa lạc tại ấp G, xã Đ, huyện X, tỉnh Sóc Trăng theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CI 316819 ngày 28/8/2017 do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng cấp cho ông A đứng tên, thửa đất này có phần lộ giới giáp kênh và bờ kênh do Nhà nước quản lý dọc theo Đường tỉnh lộ 936. Đến ngày 06/10/2017, ông A tiến hành chặt cây bình bát và cây trâm bầu tự mọc ven bờ kênh và phần lộ giới phía trước mặt tiền phần đất thửa 211 của ông, để sang lấp mặt bằng xây dựng cây xăng trên thửa đất 211 (đã được Ủy ban nhân dân huyện X cấp giấy phép) và tiến hành đặt cống thoát nước trên tuyến kênh cặp Đường tỉnh lộ 936, để làm đường dẫn từ cửa hàng xăng dầu của ông A vào Đường tỉnh 936 thuộc ấp G, xã Đ, huyện X, tỉnh Sóc Trăng (được Sở giao thông vận tải tỉnh Sóc Trăng cấp giấy phép thi công số 02/SGTVT-GTTC ngày 01/3/2018). Nhưng bà B, ông D và ông C ngăn cản không cho ông A thi công, vì bà B, ông D và ông C cho rằng phần bờ kênh là đất của chồng bà B.
Ngoài ra, cây bình bát và cây trâm bầu tự mọc trên bờ kênh hàng năm gia đình bà B, ông C và ông D sử dụng làm củi. Trước đây khi tiến hành thi công công trình tại phần kênh và bờ kênh thì ông A có chặt bỏ một số cây trâm bầu và cây bình bát. Đến khi Tòa án thẩm định thực tế thì còn lại 27 cây bình bát loại B và 02 cây trâm bầu (01 cây loại A và 01 cây loại B).
Nay ông A yêu cầu Tòa án giải quyết buộc bà B, ông D và ông C chấm dứt hành vi cản trở ông A sử dụng phần đất bờ kênh và phần kênh của Nhà nước quản lý, mà ông A đã được cấp giấy phép thi công lắp đặt cống sử dụng làm đường dẫn từ cửa hàng xăng dầu của ông A (trên thửa đất số 211, tờ bản đồ số 02 diện tích 1.674,2 m2 tọa lạc ấp G, xã Đ, huyện X, tỉnh Sóc Trăng) vào Đường tỉnh lộ 936. Ông A đồng ý tự nguyện hỗ trợ cho bà B, ông C và ông D phần cây bình bát, cây trâm bầu đã chặt trước đây và 27 cây bình bát, 02 cây trâm bầu còn lại với số tiền 10.000.000 đồng.
Bị đơn đồng thời là đại diện theo ủy quyền của các bị đơn bà B và ông D là ông C trình bày:
Nguồn gốc phần đất bờ kênh là của ông bà để lại từ trước năm 1975 gồm thửa 216, 217, 218 được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 1991 do cha ruột ông là ông S đứng tên. Sau khi ông S chết thì mẹ ông là bà B thừa kế quyền sử dụng đất của ông S trong đó có thửa đất số 217, bà B đã làm thủ tục nhận thừa kế thửa đất số 217 từ ông S và được Ủy ban nhân dân huyện X cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BY 143105 ngày 21/01/2015, diện tích được cấp là 1.641m2, diện tích được cấp thiếu do với thực tế gia đình sử dụng, bà B có khiếu nại và được cơ quan có thẩm quyền trả lời sẽ cấp lại nếu đất không có tranh chấp. Nhưng ông không có tài liệu, chứng cứ để cung cấp cho Tòa án về việc khiếu nại nêu trên.
Còn Đường tỉnh lộ 936 và kênh được hình thành từ trước năm 1975, nhưng thời điểm đó đường lộ chỉ là đường mòn, lộ đá đi lại rất khó khăn. Sau đó Nhà nước múc phần kênh lấp lên lộ, nên kênh được mở rộng, lộ cũng mở rộng, khi nhà nước múc kênh thì tất cả những hộ có đất dọc bờ kênh không được bồi thường, vì nhà nước không có chính sách bồi thường. Đến năm 1994, nhà nước làm lại Đường tỉnh lộ 936 trải nhựa như hiện nay.
Đối với việc ông A lấp kênh thì ông C, bà B và ông D không có cản trở, vì kênh đó là kênh của nhà nước quản lý. Còn phần đất bờ kênh là của gia đình ông. Nên ông, bà B và ông D ngăn cản ông A không được sử dụng đất bờ kênh. Căn cứ để ông C, bà B và ông D ngăn cản ông A sử dụng phần bờ kênh là từ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được nhà nước cấp quyền sử dụng đất cho cha ông là S đứng tên tại thửa 217 theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 000162 ngày 27/8/1991 và hiện nay đã được chuyển sang tên cho mẹ ông là bà B đứng tên theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BY 143105 ngày 21/01/2015.
Đối với cây bình bát mọc trên đất bờ kênh là do mọc tự nhiên không ai trồng, ngoài ra còn có cây trâm bầu do gia đình bà B trồng, hàng năm gia đình bà B sử dụng những cây này làm củi. Trước đây ông A đã chặt bỏ một số cây bình bát và cây trâm bầu ông không nhớ số lượng bao nhiêu cây. Khi Tòa án thẩm định, định giá thì số cây thực tế còn lại là 27 cây bình bát và 02 cây trâm bầu. Nhưng trong quá trình giải quyết vụ án ông không yêu cầu bồi thường nên không trình bày.
Nay ông C đồng thời là đại diện theo ủy quyền của các bị đơn bà B và ông D vẫn giữ nguyên ý kiến là ngăn cản không cho ông A được sử dụng phần đất bờ kênh lắp đặt cống sử dụng làm đường dẫn từ cửa hàng xăng dầu của ông A vào Đường tỉnh lộ 936.
Sự việc được Tòa án nhân dân huyện X thụ lý, giải quyết như sau:
Căn cứ:
Áp dụng khoản 14 Điều 26, khoản 1 Điều 35; khoản 1 Điều 39; khoản 1 Điều 147; khoản 1 Điều 158, khoản 1 Điều 165; Điều 271; khoản 1 Điều 273; Điều 278 và khoản 1 Điều 280 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Áp dụng khoản 2 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Áp dụng Điều 169 của Bộ luật dân sự năm 2015.
Tuyên xử:
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông A về việc yêu cầu bà B, ông C và ông D chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật đối với việc xây dựng công trình.
2. Buộc bà B, ông C và ông D chấm dứt hành vi cản trở ông A sử dụng phần đất bờ kênh và phần kênh của Nhà nước quản lý, mà ông A đã được cấp giấy phép thi công lắp đặt cống sử dụng làm đường dẫn từ cửa hàng xăng dầu của ông A (trên thửa đất số 211, tờ bản đồ số 02 diện tích 1.674,2 m2 tọa lạc ấp G, xã Đ, huyện X, tỉnh Sóc Trăng) vào Đường tỉnh lộ 936.
3. Ông A được quyền sử dụng 27 cây bình bát và 02 cây trâm bầu trên kênh và bờ kênh.
4. Ghi nhận sự tự nguyện của nguyên đơn A về việc ông A đồng ý hỗ trợ cho bà B, ông C, ông D giá trị cây bình bát và cây trâm bầu đã chặt trước đây và 27 cây bình bát cùng 02 cây trâm bầu còn lại trên bờ kênh với số tiền 10.000.000 đồn.
Ngoài ra cấp sơ thẩm còn tuyên về án phí, chi phí định giá và quyền kháng cáo theo quy định.
Ngày 19 tháng 6 năm 2018 và ngày 20/6/2018, các bị đơn ông ông C, bà B và ông D có đơn kháng cáo toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm số 27/2018/DS-ST, ngày 07/6/2018 của Tòa án nhân dân huyện X. Xét xử lại vụ án theo hướng bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và công nhận phần đất tranh chấp thuộc quyền quản lý sử dụng của gia đình bị đơn.
Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, người đại diện theo ủy quyền của bị đơn vẫn giữ nguyên đơn kháng cáo. Các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.
Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bị đơn trình bày và phân tích cho rằng việc cấp sơ thẩm xác định quan hệ pháp luật tranh chấp là không đúng, cấp sơ thẩm thụ lý vụ án là không đúng thẩm quyền và đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 4 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án.
Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát là trong quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm thì Thẩm phán, Hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng chấp hành pháp luật về tố tụng và đề xuất Hội đồng xét xử áp dụng khoản 4 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án do cấp sơ thẩm thụ lý giải quyết là không đúng thẩm quyền.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Về tố tụng: Kháng cáo của các bị đơn là còn trong hạn luật định nên được Hội đồng xét xử chấp nhận về mặt hình thức.
[2] Về nội dung:
[2.1] Nguyên đơn cho rằng, phần đất tranh chấp là phần đất lộ giới giáp kênh do Nhà nước quản lý dọc theo đường tỉnh lộ 936, ông đã xin phép chính quyền địa phương cho ông được đặt ống để lấp mặt bằng để làm đường dẫn từ cửa hàng xăng dầu ra đường tỉnh lộ 936, nhưng tại bị đơn ngăn cản không cho ông thi công và cho rằng phần đất lộ giới này là của các bị đơn, nguyên đơn không đồng ý nên khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết buộc chấm dứt hành vi ngăn cản trái pháp luật của các bị đơn.
[2.2] Các bị đơn thì cho rằng, phần đất tranh chấp có diện tích 262,3m2 thì Ủy ban nhân dân huyện X đã cấp Giấy chứng nhận cho ông S vào ngày 27/8/1991 tại thửa 217 với diện tích 1.910m2. Vào năm 1994, Nhà nước mở tỉnh lộ 936 đi ngang thửa đất 217 chia đất làm 02 phần, một phần có diện tích 1.641m2 và phần còn lại là phần đất giáp kênh đang tranh chấp hiện nay. Khi mở lộ 936 thì Nhà nước chưa có đền bù nên phần đất giáp kênh này vẫn thuộc quyền quản lý sử dụng của gia đình các bị đơn. Do đó, các bị đơn không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
[3] Xét kháng cáo của các bị đơn thì thấy,
[3.1] Phần đất tranh chấp có diện tích 262,3m2, ngang 8,9m dài 32m do cấp sơ thẩm thẩm định theo sự chỉ ranh của các đương sự. Vào năm 1991 Ủy ban nhân dân huyện X thực hiện chủ trương cấp quyền sử dụng đất cho cá nhân, tổ chức có sử dụng đất. Phần đất tranh chấp trên cũng được ông S đăng ký và được cấp quyền sử dụng đất. Đến năm 1993-1994 Nhà nước có chủ trương làm tỉnh lộ 936, theo chủ trương vận động Nhà nước và nhân dân cùng làm, Nhà nước chỉ hỗ trợ cho người dân có nhà vật kiến trúc trên đất di dời chứ không bồi thường giá trị quyền sử dụng đất (thể hiện tại Công văn 820/UBND-VP, ngày 08/10/2018 của Ủy ban nhân dân huyện X và Biên bản xác minh ngày 09/10/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng). Đến năm 2015 Ủy ban nhân dân huyện X mới thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng của ông S để chỉnh lý diện tích phần tỉnh lộ 936, tại thửa 217 còn lại diện tích 1.641m2 do ông S đã chết nên bà B làm đơn đăng ký quyền sử dụng đất chuyển sang cho bà B. Từ khi thực hiện chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm tỉnh lộ 936 năm 1993 đến năm 2015 thì Nhà nước thu hồi Giấy chứng nhận của ông S cấp lại cho bà B với diện tích 1.641m2 đến nay thì bà B cũng không có khiếu nại gì về việc bồi thường giá trị quyền sử dụng đất do Nhà nước làm lộ 936, cũng như không có yêu cầu gì khác, xem như bà B đã đồng ý với chủ trương của Nhà nước. Do đó, phần đất lộ và hành lan lộ giới là thuộc quyền quản lý của Nhà nước, cho nên Nhà nước có quyền cho phép cá nhân, tổ chức khác sử dụng. Ngày 23/10/2017 Ủy ban nhân dân xã Tham Đôn ban hành Công văn số 24 cho phép ông A đặt ống thoát nước để làm đường dẫn vào cửa hàng xăng dầu của nguyên đơn. Ngày 01/3/2018 Sở Giao thông Vận tải Sóc Trăng cấp Giấy phép thi công số 02/SGTVT-GPTC cho ông A. Ông A tiến hành thi công chặt các cây bình bát tự mọc trên bờ kênh thuộc hành lan lộ giới thì các bị đơn ngăn cản, không cho thi công. Nhận thấy, phần đất tranh chấp trên thuộc quyền quản lý của Nhà nước, cho phép ông A xây dựng làm đường dẫn vào cửa hàng xăng dầu nhưng các bị đơn ngăn cản là trái pháp luật. Ông A có quyền yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi ngăn cản trái pháp luật của các bị đơn. Khi ông A có đơn khởi kiện tại Tòa án, thì Tòa án cấp sơ thẩm không xem xét quan hệ pháp luật điều chỉnh, cũng như không xem xét thẩm quyền giải quyết nhưng lại thụ lý vụ án, áp dụng Điều 169 Bộ luật dân sự để giải quyết vụ án là không đúng thẩm quyền theo Điều 26 Bộ luật Tố tụng dân sự. Do phần đất tranh chấp này thuộc quyền quản lý sử dụng của Nhà nước, không phải thuộc quyền sở hữu của ông A, bà B, ông C hay ông D.
[3.2] Từ những phân tích trên cho thấy khi thụ lý vụ án cấp sơ thẩm xác định quan hệ pháp luật điều chỉnh không đúng, áp dụng pháp luật không chính xác dẫn đến giải quyết vụ án không đúng thẩm quyền. Do đó Hội đồng xét xử áp dụng khoản 4 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án.
[4] Xét đề nghị của Kiểm sát viên và Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị đơn là có căn cứ, Hội đồng xét xử chấp nhận.
[5] Do bản án sơ thẩm bị hủy và đình chỉ giải quyết vụ án nên kháng cáo của các bị đơn Hội đồng xét xử không đặt ra xem xét.
[6] Do bản án sơ thẩm bị hủy và đình chỉ giải quyết vụ án nên tiền tạm ứng án phí được trả lại cho các đương sự.
[7] Án phí dân sự phúc thẩm: Do bản án sơ thẩm bị hủy và đình chỉ giải quyết nên các bị đơn không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.
[8] Chi phí thẩm định, định giá: Nguyên đơn ông A phải chịu là 4.891.680 đồng, khấu trừ vào số tiền tạm ứng chi phí thẩm định, định giá ông A đã tạm ứng 4.891.680 đồng, như vậy ông A đã thực hiện xong.
Vì các lẽ nêu trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 3 Điều 148, khoản 5 Điều 165, điểm đ khoản 1 Điều 192, điểm g khoản 1 Điều 217, khoản 4 Điều 308 và khoản 6 Điều 313 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Hủy bản án dân sự sơ thẩm số 27/2018/DS-ST ngày 07/6/2018 của Tòa án nhân dân huyện X, tỉnh Sóc Trăng và đình chỉ giải quyết vụ án về việc “Tranh chấp yêu cầu chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật đối với việc xây dựng công trình ” giữa nguyên đơn ông A với các bị đơn bà B, ông C và ông D.
Án phí dân sự sơ thẩm: Ông A được nhận lại số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 300.000 đồng, theo biên lai thu số 0008817, ngày 10/11/2017 tại Chi cục Thi hành án huyện X.
Án phí dân sự phúc thẩm: Hoàn trả lại cho các bị đơn ông C và ông D số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 300.000 đồng, theo biên lai thu số 0002559, ngày 22/6/2018 (đối với ông C) và 300.000 đồng theo biên lai thu số 0002591, ngày 25/5/2018 (đối với ông D) tại Chi cục Thi hành án huyện X, tỉnh Sóc Trăng.
Chi phí thẩm định, định giá: Nguyên đơn ông A phải chịu là 4.891.680 đồng, khấu trừ vào số tiền tạm ứng chi phí thẩm định, định giá ông A đã tạm ứng 4.891.680 đồng, như vậy ông A đã thực hiện xong.
Hiệu lực Bản án phúc thẩm: Bản án này có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 137/2018/DS-PT ngày 29/10/2018 về tranh chấp yêu cầu chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật đối với việc xây dựng công trình
Số hiệu: | 137/2018/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Sóc Trăng |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 29/10/2018 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về