TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN ĐẦM DƠI, TỈNH CÀ MAU
BẢN ÁN 136/2019/HNGĐ-ST NGÀY 27/06/2019 VỀ TRANH CHẤP LY HÔN VÀ CHIA TÀI SẢN
Ngày 27 tháng 6 năm 2019 tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Đầm Dơi xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 255/2019/TLST-HNGĐ ngày 03 tháng 6 năm 2019 về việc “Tranh chấp ly hôn và chia tài sản” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 234/2019/QĐXXST-HNGĐ ngày 19 tháng 6 năm 2019, giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Anh Lê Trường T, sinh năm 2001. Cư trú tại: Ấp T1, xã T2, huyện Đ, tỉnh Cà Mau (có mặt).
- Bị đơn: Chị Phạm Mỷ D, sinh năm 2000. Cư trú tại: Ấp T3, xã T4, huyện Đ, tỉnh Cà Mau (có mặt).
NỘI DUNG VỤ ÁN
* Anh Lê Trường T trình bày:
Anh và chị Phạm Mỹ D tổ chức đám cưới vào ngày 29/02/2019 âm lịch nhưng không có đăng ký kết hôn. Sau đám 02 ngày thì về gia đình nhà chị D làm lễ phản bái và đến tiệm áo cưới Thu Hằng tại thị trấn Đầm Dơi trả đồ cưới, chị D nói đi mua đồ và kêu anh ngồi dưới võ đợi. Lát sau, chị D mượn điện thoại kêu anh về rước ở đầu Kênh Sáu Đông; khi đến địa điểm anh đợi chị D khoảng 02 giờ nhưng không thấy nên đã điện thoại lại số điện thoại mà chị D mới gọi thì có người đàn ông nghe máy nói là chở chị D về đến Hòa Trung nên anh đi về nhà. Xuất phát từ nguyên nhân trên, anh xét thấy không thể hàn gắn trở lại chung sống nên yêu cầu ly hôn với chị D.
Về tài sản: Vào ngày 21/01/2019 âm lịch trong đám xuống mối đã cho chị D 01 chỉ vàng 24k, 400.000 đồng và 02 bộ đồ; ngày 02/02/2019 âm lịch hỗ trợ gia đình chị D làm đám 20.000.000 đồng và ngày 04/02/2019 âm lịch trong đám cho đồ đã cho chị D 05 chỉ vàng 24k, 01 đôi bông 5,6 phân vàng 18k, 01 nhẫn cưới 03 phân vàng 18k và 4.000.000 đồng mua đồ. Tại phiên tòa, anh T yêu cầu giao lại cho anh hưởng 2,5 chỉ vàng 24k.
Về các vấn đề khác: Không có.
* Chị Phạm Mỷ D trình bày:
Về thời gian tổ chức các đám và không đăng ký kết hôn như anh T trình bày là đúng. Nguyên nhân ngay trong ngày cưới, khi rước dâu về đến nhà thì mẹ chồng đánh 03 cái vào đầu rồi nhốt trong phòng không cho chị ra ngoài; sau đám thì mẹ chồng có thái độ đối xử lạnh nhạt và dặt mắt, đòi đổ xăng lên người của chị đốt. Chị có nói chuyện nhưng anh T không có ý kiến gì và khi yêu cầu ra ở riêng thì anh T không đồng ý.
Ngày 01/3/2019 âm lịch khi về làm lễ phản bái thì bà nội và mẹ của anh T không cho ăn cơm, gia đình anh T xuống võ đợi nên chị miễn cưỡng cùng đi về. Sự việc xảy ra sau đó như anh T trình bày, chị đi về nhà của người dì thứ ba tên Nguyễn Thị H ở Hòa Trung. Đến 12 giờ đêm cùng ngày thì cha, mẹ rước chị về, sau hai ngày thì đi Cà Mau kiếm việc làm cho đến nay. Chị đồng ý ly hôn theo yêu cầu của anh T.
Về số vàng, tiền và các vấn đề khác như anh T trình bày là đúng. Số tiền cho mua đồ và hỗ trợ đám đã sử dụng hết không còn. Đối với số vàng đã bán chi xài, thuê nhà trọ trong thời gian tìm việc làm không còn nên không đồng ý giao lại 2,5 chỉ vàng 24k theo yêu cầu anh T.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Quan hệ hôn nhân của anh Lê Trường T và chị Phạm Mỹ D được thực hiện theo phong tục, tập quán tại địa phương và tổ chức vào ngày 29/02/2019 âm lịch nhưng không có đăng ký kết hôn. Đến ngày 01/3/2019 âm lịch thì chị D tự ý bỏ đi cho đến nay.
Theo chị D nguyên nhân chị bỏ đi là do khi rước dâu về đến nhà thì mẹ chồng đã đánh 03 cái vào đầu và nhốt chị vào trong phòng không cho ra ngoài; mẹ chồng có thái độ đối xử lạnh nhạt và dặt mắt, đòi đổ xăng lên người chị đốt; chị chia sẻ nhưng anh T không có ý kiến gì và khi yêu cầu ở riêng thì anh T không đồng ý. Tại phiên tòa, bà Nguyễn Ngọc B (mẹ của anh T có mặt) và anh T không thừa nhận các nội dung như chị D trình bày.
Xét thấy, tại khu vực miền Tây Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long, nhất là ở khu vực nông thôn người ta còn áp dụng các nghi lễ trong cưới hỏi. Thông thường gồm các lễ xuống mối, cho đồ, nạp tài, đám cưới và lễ phản bái. Theo đó, quan hệ hôn nhân của anh T và chị D đã thực hiện các nghi lễ cưới hỏi theo phong tục tại địa phương. Trong vụ án này, ngoài nguyên nhân bỏ đi như chị D trình bày nhưng không được anh T thừa nhận thì chị D có sự dối gạt ngay sau khi về chung sống; đó là, khi anh T cùng chị D về gia đình thực hiện nghi lễ phản bái thì chị D đã tạo tình huống, tự ý bỏ đi nơi khác. Đây có phần do sự bồng bột của tuổi trẻ và không tìm hiểu kỹ nên khi bước vào cuộc sống hôn nhân, sự va chạm trong môi trường sinh hoạt mới, chị D không thích nghi kịp với điều kiện, hoàn cảnh đã tạo ra áp lực và chị D đã tự ý bỏ đi.
Trong quan hệ hôn nhân này, hai bên gia đình và bản thân anh T, chị D chưa tìm hiểu về các quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình nên đã tổ chức đám cưới khi anh T chưa đủ 20 tuổi.
Mặc dù các đương sự đồng ý ly hôn với nhau nhưng do hôn nhân của các đương sự đã vi phạm điểm a khoản 1 Điều 8 của Luật Hôn nhân và Gia đình, chưa thực hiện đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nên không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của vợ chồng. Do đó, căn cứ khoản 2 Điều 53 Luật Hôn nhân và Gia đình không công nhận quan hệ vợ chồng của các đương sự là phù hợp.
[2] Quá trình giải quyết và tại phiên tòa các đương sự đều xác định: Quá trình thực hiện các nghi lễ đã hỗ trợ gia đình chị D làm đám 20.000.000 đồng; cho chị D 06 chỉ vàng 24k, đôi bông 5,6 phân vàng 18k, 01 nhẫn cưới 03 phân vàng 18k và 4.400.000 đồng.
Khi khởi kiện, anh T yêu cầu chị D trả lại toàn bộ số vàng và tiền; tại phiên tòa, anh T thay đổi một phần yêu cầu khởi kiện, anh yêu cầu chị D trả lại cho anh 2,5 chỉ vàng 24k. Đối với số tiền đã hỗ trợ làm đám và mua đồ anh không yêu cầu trả lại.
Xét thấy, việc anh T thay đổi và rút một phần yêu cầu khởi kiện là tự nguyện và không trái pháp luật nên được chấp nhận.
Xét yêu cầu giao lại 2,5 chỉ vàng 24k của anh T, thấy rằng: 05 chỉ vàng 24k là nữ trang được cho trong đám cho đồ của chị D, anh T. Theo phong tục, tập quán đã có từ trước đến nay, kể từ ngày làm lễ đính hôn trở về sau, mặc dù có đăng ký kết hôn theo quy định pháp luật hay chưa thì mặc nhiên cô dâu và chú rể được mọi người công nhận là vợ chồng. Như vậy kể từ đám này, anh chị đã là vợ chồng nên tài sản tranh chấp mặc dù nói là cho cô dâu nhưng là tài sản cha mẹ cho chung hai vợ chồng để cùng nhau xây dựng hạnh phúc gia đình về sau. Do đó, 05 chỉ vàng 24k là tài sản chung của anh T, chị D sẽ được xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.
Theo quy định của pháp luật, khi xem xét phân chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân có xem xét đến nguồn gốc tài sản, công sức đóng góp và lỗi của mỗi bên vi phạm quyền, nghĩa vụ vợ chồng nhưng phải bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người phụ nữ. Mặc dù số vàng này có nguồn gốc của gia đình anh T cho, chị D không có công sức gì và chị D là người trực tiếp có lỗi trong việc vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng nhưng anh T yêu cầu hưởng ½ của 05 chỉ vàng 24k là tự nguyện và không trái quy định của pháp luật nên được chấp nhận.
Về nghĩa vụ hoàn trả số vàng: Mặc dù chị D xác định đã bán sử dụng hết vàng nhưng không thông qua và không được sự đồng ý của anh T nên chị D vẫn phải có trách nhiệm trả lại 2,5 chỉ vàng 24k cho anh T là phù hợp.
[3] Đối với các vấn đề khác: Các đương sự xác định không có nên không đặt ra xem xét.
[4] Về án phí dân sự sơ thẩm: Theo khoản 4 Điều 147 của Bộ luật Tố tụng dân sự và điểm a khoản 5 và điểm a khoản 7 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án thì anh T phải chịu án phí hôn nhân gia đình là 300.000 đồng; án phí phân chia tài sản là: 2,5 chỉ vàng 24k x 3.870.000 đồng/chỉ x5% = 483.750 đồng. Số vàng chị D được hưởng không còn nên không phải chịu án phí.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào khoản 4 Điều 147 và Điều 244 của Bộ luật Tố tụng dân sự; điểm a khoản 1 Điều 8, khoản 2 Điều 53 và Điều 59 của Luật Hôn nhân và Gia đình; điểm a khoản 5 và điểm a Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Tuyên xử:
1. Không công nhận quan hệ vợ chồng giữa anh Lê Trường T và chị Phạm Mỷ D.
2. Về tài sản:
+ Chấp nhận yêu cầu của anh T. Buộc chị D giao lại cho anh T hưởng 02 (hai) chỉ 05 (năm) phân vàng 24k.
+ Đình chỉ yêu cầu khởi kiện của anh T đối với số tiền 24.400.000 đồng.
Anh T có quyền khởi kiện lại vụ án theo quy định của pháp luật.
3. Án phí dân sự sơ thẩm:
+ Án phí hôn nhân gia đình sơ thẩm anh T phải chịu là 300.000 đồng nhưng được trừ số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 300.000 đồng theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0009448 ngày 28/5/2019 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Đầm Dơi.
+ Án phí phân chia tài sản: Anh T phải chịu 483.750 đồng (bốn trăm tám mươi ba nghìn bảy trăm năm mươi đồng). Đối trừ số tiền đã nộp tạm ứng 1.500.000 đồng theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0009449 ngày 28/5/2019 thì anh T được nhận lại là 1.016.250 đồng (một triệu không trăm mười sáu nghìn hai trăm năm mươi đồng).
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Các đương sự có quyền làm đơn kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án./.
Bản án 136/2019/HNGĐ-ST ngày 27/06/2019 về tranh chấp ly hôn và chia tài sản
Số hiệu: | 136/2019/HNGĐ-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Đầm Dơi - Cà Mau |
Lĩnh vực: | Hôn Nhân Gia Đình |
Ngày ban hành: | 27/06/2019 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về