Bản án 135/2023/HS-PT về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH TÂY NINH

BẢN ÁN SỐ 135/2023/HS-PT NGÀY 30/09/2023 VỀ TỘI LỢI DỤNG CHỨC VỤ QUYỀN HẠN TRONG KHI THI HÀNH CÔNG VỤ

Trong các ngày 26, 28 và 30 tháng 9 năm 2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 68/2023/TLPT-HS ngày 06 tháng 6 năm 2023 đối với bị cáo Nguyễn Đức M. Do có kháng cáo của bị cáo M đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 29/2023/HS-ST ngày 28 tháng 4 năm 2023 của Tòa án nhân dân thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh.

Bị cáo có kháng cáo:

Nguyễn Đức M (tên gọi khác: Không), sinh năm 1979; tại Long An; Nơi cư trú: Số 66, đường Nguyễn Tri P, Khu phố 4, phường L, thị xã Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh; nghề nghiệp: Công chức; trình độ văn hóa: 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông: Nguyễn Hoài D và bà Nguyễn Thị B; Vợ: Trần Bảo H, sinh năm 1985; con: có 02 con, lớn nhất sinh năm 2012, nhỏ nhất sinh năm 2014; tiền án, tiền sự: không. Bị cáo tại ngoại; có mặt tại phiên tòa.

Trong vụ án còn có các bị cáo Huỳnh Thị Trà G và Lữ Thanh P không có kháng cáo và không bị kháng nghị.

Người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đức M: Luật sư Đinh Thái H và Luật sư Phạm Hồng P – Luật sư của Công ty Luật Bảo Nguyên M thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Tây Ninh; cả 02 luật sư có mặt.

Nguyên đơn dân sự: Sở Công Thương tỉnh Tây Ninh; địa chỉ trụ sở: Khu phố 1, Phường 1, thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh;

Người đại diện theo pháp luật: Ông Lê Anh T – Giám đốc; có yêu cầu xét xử vắng mặt.

Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:

1. Ông Lê Thành C, sinh năm: 1972; Địa chỉ: Đường 30/4, Khu phố 1, Phường 1, thành phố TN, tỉnh Tây Ninh; có đơn xin xét xử vắng mặt.

2. Ông Lê Văn T, sinh năm: 1961; Địa chỉ: Khu phố RS, thị trấn GD, huyện GD, tỉnh Tây Ninh; có đơn xin xét xử vắng mặt;

3. Ông Nguyễn Đức H, sinh năm: 1963; Địa chỉ: Hẻm 7, THĐ, Khu phố 1, Phường 1, thành phố TN, tỉnh Tây Ninh; có đơn xin xét xử vắng mặt.

4. Ông Nguyễn Vũ H, sinh năm: 1986; Địa chỉ: Đường VTS, Khu phố 4, Phường 3, thành phố TN, tỉnh Tây Ninh; có đơn xin xét xử vắng mặt.

5. Bà Nguyễn Thị T, sinh năm: 1982 và ông Võ Văn C, sinh năm: 1981; Địa chỉ: Đường PCT, Khu phố 2, Phường 1, thành phố TN, tỉnh Tây Ninh; Địa chỉ cơ sở kinh doanh: Đường 30/4, Khu phố 3, phường 2, thành phố TN, tỉnh Tây Ninh; có đơn xin xét xử vắng mặt.

6. Ông Tạ M Q, sinh năm: 1981; Địa chỉ: Số C/c3, đường BMT, Phường 5, quận 8, Thành phố Hồ Chí M. Tạm trú: Số D14/405A/5, Quốc lộ 50, xã ĐP, huyện BC, thành phố Hồ Chí M; vắng mặt.

7. Ông Hồ Hùng V, sinh năm: 1967; Địa chỉ: Số 193 ( số củ 115), đường 30/4, Khu phố 4, phường 2, thành phố TN, tỉnh Tây Ninh; có đơn xin xét xử vắng mặt.

8. Bà Trần Thị P Th, sinh năm: 1968; Địa chỉ: Số 646, đường 30/4, Khu phố Ninh An, Phường Ninh Sơn, thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh; vắng mặt.

9. Bà Nguyễn Thị Tr, sinh năm: 1978; Địa chỉ: Số x, hẻm 9, đường C, Khu phố 3, phường 1, thành phố TN, tỉnh Tây Ninh; có đơn xin xét xử vắng mặt.

10. Ông Đinh Gia T, sinh năm: 1958; Địa chỉ: Số 345, THĐ, Khu phố 1, Phường 1, thành phố TN, tỉnh Tây Ninh; vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Trong năm 2018, Lãnh đạo Sở Công thương giao nhiệm vụ cho Phòng Quản lý thương mại chủ trì thực hiện Kế hoạch số 1636/KH-SCT ngày 07-8-2018 về kiểm tra tình hình thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm năm 2018 và Kế hoạch số 2332/KH-SCT ngày 05-11-2018 về việc tổ chức chương trình bồi dưỡng kiến thức về an toàn thực phẩm năm 2018 cho doanh nghiệp nhỏ và vừa sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Phòng Quản lý thương mại Sở Công thương gồm có 01 Trưởng phòng, 02 Phó Trưởng phòng và 03 Chuyên viên. Theo sự phân công của Giám đốc Sở Công Thương và Trưởng phòng Quản lý thương mại giao nhiệm vụ cho Nguyễn Đức M là Phó Trưởng phòng phụ trách lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm là người trực tiếp quản lý, chỉ đạo thực hiện 02 Kế hoạch nêu trên và chuyên viên Huỳnh Thị Trà G là người tham mưu, giúp việc cho M. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, G là người soạn thảo Chương trình, Kế hoạch và dự toán kinh phí, M là người kiểm tra, ký tắt vào các văn bản do G soạn thảo trước khi trình Lãnh đạo Sở Công thương ký ban hành thực hiện.

Sau khi thực hiện xong 02 Kế hoạch và chuẩn bị hồ sơ quyết toán kinh phí được cấp với Kho bạc Nhà nước, Huỳnh Thị Trà G báo cáo với Nguyễn Đức M kinh phí thực hiện 02 Kế hoạch thực tế ít hơn so với dự toán kinh phí ban đầu, M đã chỉ đạo G làm chứng từ nâng khống giá trị hàng hoá, mua hoá đơn khống để lập chứng từ quyết toán kinh phí đã được cấp từ nguồn ngân sách Nhà nước. Cụ thể như sau:

Đối với Kế hoạch số 1636/KH-SCT ngày 07-8-2018, Bộ Công thương cấp tạm ứng kinh phí thực hiện là 125.000.000 đồng. Khi được G báo cáo lại kinh phí thực tế chi còn dư, M liên hệ với Kế toán trưởng Lữ Thanh P, nói cho P biết việc chi thực tế ít hơn so với dự toán kinh phí được cấp, nhờ P hướng dẫn G làm chứng từ quyết toán nâng khống số tiền nhiều hơn, để lấy tiền từ nguồn ngân sách Nhà nước cho tập thể đơn vị sử dụng, P đồng ý và hướng dẫn G lập chứng từ, làm hợp đồng, thanh lý hợp đồng, biên bản nghiệm thu, mua hóa đ11ơn khống. Sau khi lập xong chứng từ quyết toán khống, G đưa hồ sơ cho M kiểm tra ký tắt, rồi trình Giám đốc Sở ký duyệt thanh toán kinh phí.

Qua điều tra chứng M được hồ sơ quyết toán kinh phí thực hiện Kế hoạch 1636 có 13 tập chứng từ với 09 hoá đơn giá trị gia tăng, với tổng số tiền quyết toán là 71.282.000 đồng, trong đó thực chi là 34.800.000 đồng, quyết toán khống gây thiệt hại ngân sách Nhà nước là 36.482.000 đồng. Các khoản tiền quyết toán khống đã chứng M được gồm: Cửa hàng Nguyễn Hà, địa chỉ Khu phố 4, Phường 3, thành phố Tây Ninh xuất 04 hoá đơn văn phòng phẩm khống trị giá 7.900.000 đồng; Hộ kinh doanh Photocopy Thu Ao, địa chỉ đường 30/4, Khu phố 3, Phường 2, thành phố Tây Ninh xuất 02 hoá đơn photo tài liệu khống trị giá 1.180.000 đồng; Công ty TNHH Hoa Cau, địa chỉ Phường 7, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí M xuất 01 hoá đơn mua bộ xét nghiệm thực phẩm khống trị giá 15.002.000 đồng; Cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch Huy Ngân, địa chỉ đường 30/4, Khu phố 4, Phường 2, thành phố Tây Ninh xuất 02 hoá đơn nội dung thuê xe ô tô đi công tác trị giá 30.000.000 đồng, nhưng thực chi tiền thuê xe 18 chuyến số tiền 19.800.000 đồng, nâng khống 10.200.000 đồng. Ngoài ra, G còn lập danh sách chi tiền bồi dưỡng công tác phí cho 41 người và chi tiền điện thoại, tiền giữ xe, vệ sinh hội trường cho 06 người với tổng số tiền 17.200.000 đồng, nhưng thực tế chi là 15.000.000 đồng, quyết toán khống 2.200.000 đồng.

Đối với Kế hoạch số 2332 ngày 05-11-2018, do được M chỉ đạo lập chứng từ nâng khống số tiền quyết toán toàn bộ dự toán kinh phí là 29.986.000 đồng, nên G liên hệ mua hoá đơn khống để lập hồ sơ quyết toán. Sau khi lấy được hoá đơn, G gửi cho bộ phận kế toán làm thủ tục chuyển tiền vào tài khoản của các đơn vị đã xuất hoá đơn, rồi G liên hệ các đơn vị đó để nhận lại tiền mặt hoặc nhận qua chuyển khoản số tiền chênh lệch so với hóa đơn và thực tế chi.

Qua điều tra chứng M được hồ sơ quyết toán kinh phí thực hiện Kế hoạch 2332 có 06 tập chứng từ với 06 hoá đơn giá trị gia tăng, với tổng số tiền quyết toán là 29.986.000 đồng, trong đó thực chi 11.830.000 đồng, quyết toán khống gây thiệt hại ngân sách Nhà nước 18.156.000 đồng. Các khoản tiền quyết toán khống đã chứng M được gồm: Hộ kinh doanh Photocopy Thu Ao xuất 01 hoá đơn photo tài liệu khống trị giá 3.600.000 đồng; Cửa hàng Thảo Duyên, địa chỉ khu phố Ninh An, phường Ninh Sơn, thành phố Tây Ninh xuất 01 hoá đơn văn phòng phẩm khống trị giá 2.196.000 đồng; Cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch Huy Ngân xuất 01 hoá đơn thuê xe ô tô đi rước giảng viên khống trị giá 2.800.000 đồng; Công ty TNHH Xuất nhập khẩu, thương mại, công nghệ dịch vụ Huỳnh Duy 1 – Victory, địa chỉ đường 30/4, Khu phố 1, Phường 1, thành phố Tây Ninh xuất 01 hoá đơn thuê hội trường tổ chức tập huấn trị giá 16.540.000 đồng, nhưng thực tế chi 7.500.000 đồng, nâng khống số tiền 9.040.000 đồng; Cơ sở kinh doanh quán ăn Hồng Tiến, địa chỉ đường Trần Hưng Đạo, Khu phố 1, Phường 1, thành phố Tây Ninh xuất 01 hoá đơn cơm tiếp khách trị giá 3.300.000 đồng, nhưng thực tế chi 2.780.000 đồng, nâng khống số tiền 520.000 đồng.

Tổng số tiền quyết toán 02 Kế hoạch là 101.268.000 đồng, thực chi là 46.632.000 đồng, quyết toán khống gây thiệt hại ngân sách Nhà nước là 54.638.000 đồng, trong đó tiền mua hoá đơn là 5.860.000 đồng, G chi thực tế không có chứng từ là 2.196.000 đồng, để lại quỹ riêng phòng Quản lý thương mại 1.950.000 đồng, còn lại 44.632.000 đồng. Sau khi thực hiện quyết toán xong, M chỉ đạo G lập bảng kê chi tiết số tiền đã chi, số tiền dư thực tế báo cáo cho Trưởng phòng Nguyễn Đức H xem ký tên, rồi đưa cho kế toán P và thủ quỹ Huỳnh Thị Bảo Vân xem, thống nhất số tiền mặt còn dư thực tế là 44.632.000 đồng nhập vào quỹ đơn vị. Ngày 10-4-2019, Sở Công thương đã chi bồi dưỡng ngày Lễ Giỗ tổ Hùng Vương cho 39 nhân viên, mỗi người 1.000.000 đồng, còn lại 5.632.000 đồng, tiếp tục sử dụng chung cho tập thể.

Sau khi phát hiện sai phạm, Sở Công thương đã nộp lại số tiền 44.632.000 đồng, Phòng quản lý thương mại nộp lại 1.950.000 đồng, G nộp khắc phục hậu quả 5.696.000 đồng, P nộp khắc phục hậu quả 2.360.000 đồng.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 29/2023/HS-ST ngày 28 tháng 4 năm 2023 của Tòa án nhân dân thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh, đã quyết định:

Căn cứ khoản 1, khoản 4 Điều 356; Điều 38; Điều 35, Điều 41; điểm v khoản 1, khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự.

Tuyên bố bị cáo Nguyễn Đức M phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Xử phạt bị cáo Nguyễn Đức M 01 (một) năm 03 (ba) tháng tù.

Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt bị cáo đi chấp hành án.

Phạt bổ sung bị cáo Nguyễn Đức M số tiền 20.000.000 đồng sung vào ngân sách Nhà nước và cấm đảm nhiệm chức vụ có liên quan 01 năm kể từ khi chấp hành xong hình phạt chính.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về tội danh, hình phạt đối với các bị cáo Huỳnh Thị Trà G và Lữ Thanh P; tuyên về trách nhiệm dân sự, xử lý tài sản kê biên hình sự, về án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 15 tháng 5 năm 2023 bị cáo Nguyễn Đức M có đơn kháng cáo kêu oan, không đồng ý với tội danh mà bản án sơ thẩm đã tuyên đối với bị cáo. Bị cáo không phạm tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo M thay đổi một phần nội dung kháng cáo; bị cáo không kêu oan, nhưng đề nghị Hội đồng xét xử xem xét, vì hành vi của bị cáo không cố ý phạm tội, không vì mục đích động cơ tư lợi cá nhân và số tiền quyết toán dư đều nhập vào quỹ chung của cơ quan, để chi cho các khoản chi khác của đơn vị. Bị cáo mong Hội đồng xét xử xem xét để bị cáo được tiếp tục được công tác, phục vụ và cống hiến hết sức mình cho Nhà nước.

Trong phần tranh luận, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh phát biểu quan điểm và đề nghị Hội đồng xét xử: Chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo Nguyễn Đức M; xử phạt bị cáo M từ 18 đến 24 tháng cải tạo không giam giữ.

Người bào chữa cho bị cáo M, Luật sư Đinh Thái H trình bày luận cứ bào chữa:

Tại phiên tòa hôm nay bị cáo M đã thay đổi một phần kháng cáo, tự nhận thấy trách nhiệm của bản thân cũng có thiếu sót trong việc thực hiện các Kế hoạch do Sở Công thương phân công; về bản chất vụ việc bị cáo hoàn toàn không có mục đích, động cơ tư lợi; chỉ nghĩ quyết toán kinh phí theo dự toán được giao là phù hợp và số tiền quyết toán còn thừa cũng được đưa vào quỹ cơ quan để sử dụng cho mục đích chung của đơn vị, sau đó chi cho mỗi cán bộ, công chức trong dịp Lễ giỗ tổ Hùng Vương.

Tại Kết luận Thanh tra về công tác quản lý, kế toán tại Sở Công Thương tỉnh Tây Ninh, ngày 29-4-2020 của Sở Tài chính tỉnh Tây Ninh, có xác định một số sai phạm liên quan đến kế toán, trong đó có số tiền 44.632.000 đồng , vi phạm Điều 48 của Nghị định 192/2013/NĐ-CP ngày 21-11-2013 của Chính Phủ.

Ngoài ra, theo Công văn số 2690/STC-TTr, ngày 13-8-2021 và Công văn số 3725/STC-TTr, ngày 01-12-2022 của Sở Tài chính tỉnh Tây Ninh, cũng có ý kiến về hành vi vi phạm của Nguyễn Đức M chỉ vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 13 của Luật Kế toán năm 2015, về “giả mạo, khai man hoặc thỏa thuận, ép buộc người khác giả mạo, khai man, tẩy xóa chứng từ kế toán hoặc tài liệu kế toán khác” và cho rằng tính chất, mức độ của hành vi là không nghiêm trọng, nên xử lý theo Điều 48 “Hành vi lập hồ sơ, chứng từ giả mạo để chi ngân sách nhà nước”, theo Mục 2, chương 5, Nghị định 192/2013/NĐ-CP ngày 21-11-2013 của Chính Phủ. Vì số tiền chênh lệch giữa chứng từ thanh toán, quyết toán so với thực tế đã được báo cáo lãnh đạo và nộp vào quỹ cơ quan. Số tiền này cũng đã được khắc phục và nộp vào Ngân sách Nhà nước. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét về tính chất, mức độ và hành vi của bị cáo, tuyên miễn trách nhiệm hình sự đối với bị cáo Nguyễn Đức M.

Người bào chữa cho bị cáo M, Luật sư Phạm Hồng P trình bày luận cứ bào chữa:

Thống nhất như lời bào chữa của Luật sư Đinh Thái H, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét cân nhắc đối với hành vi của bị cáo Nguyễn Đức M; bị cáo không phạm tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, vì ý thức chủ quan của bị cáo hoàn toàn không có mục đích, không có động cơ tư lợi cho cá nhân.

Bị cáo M thống nhất với luận cứ bào chữa của các luật sư cho bị cáo và bào chữa bổ sung: Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét, bản thân bị cáo chỉ thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của lãnh đạo, việc tổng hợp chứng từ, quyết toán kinh phí thì bị cáo G là chuyên viên giúp việc tham mưu và bị cáo P là kế toán trực tiếp thực hiện; sau này bị cáo mới biết có số tiền thừa sau khi quyết toán và số tiền đó cũng xin ý kiến lãnh đạo nhập vào quỹ cơ quan để chi cho hoạt động của cơ quan. Bản thân bị cáo từ ban đầu khi được giao thực hiện kế hoạch cũng không suy nghĩ tư lợi gì trong việc thực hiện 02 Kế hoạch này.

Lời nói sau cùng của bị cáo M:

Trong thời gian qua bị cáo suy nghĩ tự thấy hối hận, ăn năn về việc làm của bị cáo, chỉ vì thiếu kiểm tra sâu sát và không am hiểu trong lĩnh vực kế toán trong quá trình thực hiện các Kế hoạch được giao, nên đã xảy ra sự việc đáng tiếc. Bản thân bị cáo đã nhiều năm công tác, phục vụ cho Đảng, cho Nhà nước, được tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen vì thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Bị cáo kính mong Hội đồng xét xử xem xét thấu tình, đạt lý; vì xét cho cùng bị cáo không có lợi dụng chức vụ quyền hạn để mưu cầu lợi ích riêng cho bản thân bị cáo. Bị cáo mong muốn được tiếp tục công tác, cống hiến sức mình cho đất nước, đem lại lợi ích cho Nhà nước, cho nhân dân.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, ý kiến của đại diện Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về tố tụng:

[1.1] Nguyên đơn dân sự là Sở Công Thương tỉnh Tây Ninh và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đều có yêu cầu xét xử vắng mặt. Căn cứ vào Điều 292 Bộ luật tố tụng hình sự, Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vụ án theo quy định của pháp luật.

[1.2] Sau khi xét xử sơ thẩm, bị cáo Nguyễn Đức M kháng cáo. Qua xem xét đơn kháng cáo của bị cáo hợp lệ về hình thức, đúng thời hạn và đảm bảo theo quy định tại Điều 332, Điều 333 của Bộ luật tố tụng hình sự.

[2] Xét kháng cáo của bị cáo Nguyễn Đức M: Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Đức M thay đổi một phần nội dung kháng cáo: bị cáo không kêu oan, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét; vì bản thân bị cáo thời gian qua tự nhận thấy có phần trách nhiệm của bị cáo, đã sai trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao đối với Kế hoạch 1636 và Kế hoạch 2332 của Sở Công Thương. Trong quá trình thực hiện bản thân bị cáo đã thiếu kiểm tra, không am hiểu về lĩnh vực kế toán và thống nhất với việc làm của bị cáo Huỳnh Thị Trà G và Lữ Thanh P. Tuy nhiên, bị cáo không trực tiếp chỉ đạo bị cáo G, bị cáo P trong việc kê khống chứng từ, vì nhiệm vụ của bị cáo là tổ chức thực hiện kế hoạch. Sau khi thực hiện xong nội dung của kế hoạch thì bị cáo G phối hợp với bị cáo P là kế toán cơ quan lập chứng từ quyết toán kinh phí thực hiện. Sau khi quyết toán xong thì báo cáo với lãnh đạo đơn vị và số tiền quyết toán dư cũng nhập vào quỹ của cơ quan.

Hội đồng xét xử xét thấy:

[2.1] Bị cáo Nguyễn Đức M, với vai trò là phó Trưởng phòng- Phòng Quản lý Thương mại thuộc Sở Công Thương, đã được lãnh đạo phân công thực hiện 02 kế hoạch, Kế hoạch số 1636/KH-SCT ngày 07-8-2018, về kiểm tra tình hình thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm năm 2018 và Kế hoạch số 2332/KH- SCT ngày 05-11-2018, về việc tổ chức chương trình bồi dưỡng kiến thức về an toàn thực phẩm năm 2018 cho doanh nghiệp nhỏ và vừa sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Quá trình thực hiện thông qua sự tham mưu, giúp việc của bị cáo Huỳnh Thị Trà G, về thực hiện kiểm tra an toàn thực phẩm ở các huyện; tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức về an toàn thực phẩm cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Sau khi hoàn thành các chương trình theo Kế hoạch các bị cáo M, G P thống nhất việc lập chứng từ khống, làm bảng kê thanh toán để quyết toán nguồn kinh phí được cấp; cụ thể:

Đối với Kế hoạch số 1636/KH-SCT ngày 07-8-2018: Dự toán kinh phí được cấp là 250.000.000 đồng. Bảng kê quyết toán số tiền 71.282.000 đồng; trong đó số tiền thực chi là: 34.800.000 đồng; lập chứng từ quyết toán khống là 36.482.000 đồng.

Đối với Kế hoạch số 2332/KH-SCT ngày 05-11-2018: Dự toán kinh phí thực hiện là 29.986.000 đồng. Bảng kê quyết toán số tiền 29.986.000 đồng; trong đó thực chi 11.830.000 đồng; lập chứng từ quyết toán khống là 18.156.000 đồng.

Tổng cộng các bị cáo đã quyết toán khống số tiền là: 54.638.000 đồng.

Đối với số tiền này, bị cáo G đã trả tiền mua hóa đơn là 5.860.000 đồng; chi cho người nhận số tiền 1.550.000 đồng; giao cho bà Lê Thị Mỹ Dung là quỹ Phòng Quản lý Thương mại số tiền 1.950.000 đồng và trực tiếp giao cho Thủ quỹ Sở Công Thương là chị Huỳnh Lê Bảo V số tiền 44.632.000 đồng, nhập vào quỹ cơ quan Sở Công thương tỉnh Tây Ninh.

Do đó, có cơ sở xác định các bị cáo đã làm giả chứng từ, quyết toán khống số tiền 54.638.000 đồng.

[2.3] Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử tại cấp sơ thẩm; Hội đồng xét xử thấy rằng còn nhiều vấn đề chưa được điều tra, làm rõ; cụ thể:

- Theo Quy chế làm việc của Sở Công Thương và trong quá trình phân công nhiệm vụ Phòng Quản lý Thương mại chưa thể hiện cụ thể việc thực hiện các Kế hoạch được giao theo từng giai đoạn. Bởi Phòng Quản lý Thương mại là đơn vị thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, không có chức năng, nhiệm vụ kế toán. Do đó, sau khi thực hiện xong nội dung của 02 Kế hoạch 1636 và 2332 thì trách nhiệm lập hồ sơ quyết toán nguồn kinh phí được giao cho ai chịu trách nhiệm thực hiện. Trong khi hồ sơ quyết toán với Bộ Công Thương và với Ngân sách địa P đều do Kế toán cơ quan lập chứng từ và Lãnh đạo Sở Công thương duyệt hồ sơ đề nghị thanh toán.

- Đối với số tiền 44.632.000 đồng nhập vào quỹ cơ quan Sở Công thương thì ai là người báo cáo nhập quỹ và việc chi tiền cho CBCC Sở Công thương nhân dịp Giỗ tổ Hùng Vương do ai quyết định. Quỹ tiền mặt của Sở Công thương theo dõi số tiền này với nội dung gì, hình thức nào? (Theo Quyết định số 2806/QĐ-SCT, ngày 31-12- 2019 của Sở Công thương về việc ban hành Quy chế chi tiêu nội bộ có quy định việc “Chi phúc lợi tập thể: Chi trang phục, đám tang, đám cưới, thăm bệnh, tham quan, nghỉ mát, hỗ trợ CBCC nhân dịp lễ, Tết...” ) - Làm rõ ý thức chủ quan của các bị cáo về hành vi phạm tội, vì hồ sơ chưa thể hiện rõ: Sau khi quyết toán khống số tiền 54.638.000 đồng, thì các bị cáo có báo cáo cho lãnh đạo Phòng, lãnh đạo cơ quan để nhập vào quỹ của cơ quan Sở Công thương và một thời gian sau Sở Công thương mới chi cho cán bộ công chức trong đơn vị mỗi người 1.000.000 đồng nhân dịp Lễ Giỗ tổ Hùng Vương. Như vậy, hành vi của các bị cáo là hành vi lập khống, giả mạo chứng từ, chi sai nguyên tắc tài chính kế toán hay là hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ để trục lợi? Các vấn đề cần làm rõ được thể hiện tại các tài liệu có trong hồ sơ vụ án: Tại các bút lục 1136, 1137, 1153, 1154, 1222, 1242, 1254, 1283, 1284, 1293, 1294, 1666, 1667, 1322 đến 1327, 1283, 1284, 1254,…và một số tài liệu khác có trong hồ sơ vụ án.

[2.4] Những vấn đề trên chưa được làm rõ ở cấp sơ thẩm mà cấp phúc thẩm không thể khắc phục được, nên cần hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra lại theo thủ tục chung.

[2.5] Ngoài ra, trong quá trình điều tra lại, đề nghị cấp sơ thẩm làm rõ và xem xét toàn diện tính chất, mức độ, hành vi vi phạm; mục đích, động cơ của hành vi phạm tội; các yếu tố cấu thành tội phạm; điều kiện, hoàn cảnh và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Trên cơ sở đó đưa ra kết luận đúng bản chất của sự việc; để việc truy tố, xét xử đúng quy định của pháp luật.

[3] Do hủy bản án sơ thẩm nên không xem xét kháng cáo của bị cáo Nguyễn Đức M. Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa không phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên không chấp nhận.

[4] Về án phí: Bị cáo M không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 355 và Điều 358 của Bộ luật Tố tụng hình sự;

1. Hủy toàn bộ bản án hình sự sơ thẩm số 29/2023/HS-ST, ngày 28-4-2023 của Tòa án nhân dân thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh Giao hồ sơ về cho Viện kiểm sát nhân dân thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh để điều tra, giải quyết lại theo thủ tục chung.

2.Về án phí: Bị cáo M không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

3. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

105
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 135/2023/HS-PT về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ

Số hiệu:135/2023/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Tây Ninh
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 30/09/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;