TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG
BẢN ÁN 132/2017/HC-PT NGÀY 21/08/2017 VỀ YÊU CẦU TUYÊN BỐ HÀNH VI HÀNH CHÍNH TRÁI PHÁP LUẬT
Ngày 21 tháng 8 năm 2017 Trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng xét phúc thẩm công khai vụ án hành chính thụ lý số 41/TLPT-HC ngày 13 tháng 6 năm 2016 về Yêu cầu tuyên bố một số hành vi hành chính của Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số XX thuộc Chi cục quản lý thị trường chi cục quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng là trái pháp luật”.
Do bản án hành chính sơ thẩm số 02/2016/HC-ST ngày 05/05/2016 của Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng bị kháng cáo.
Theo quyết định đưa ra vụ án xét xử phúc thẩm số 41C/2017/QĐXX-HC ngày 26 tháng 7 năm 2017 giữa các đương sự:
1. Người khởi kiện: Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Sản xuất – Thương mại HTH.
- Người đại diện theo pháp luật: Bà Võ Thị Ng – Chức vụ: Giám đốc.
Địa chỉ liên hệ: phường YZ, quận B, Thành phố Hồ Chí Minh. (Bà Ng có mặt)
- Người đại diện theo ủy quyền của người khởi kiện :
1.1. Ông Nguyễn Thành Đ. Sinh năm 1966.
Địa chỉ: Nhà số X đường CB, phường C, quận Y, TP. Hồ Chí Minh. (Ông Đ có mặt)
1.2. Bà Nguyễn Thị H.
Địa chỉ: đường N, quận H, thành Phố Đà Nẵng. (Bà H có mặt)
- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người khởi kiện: Ông Lê Văn C là luật sư của Công ty Luật HD. (Ông C có mặt)
Địa chỉ: đường N, quận H, thành Phố Đà Nẵng.
2. Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số XX thuộc Chi cục Quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng - Ông Nguyễn Thanh T.
Địa chỉ: đường L, quận H, thành phố Đà Nẵng. (Ông T có mặt)
- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị kiện: Ông Phạm Văn T là luật sư của Văn phòng Luật sư PL, danh chi nhánh Đà Nẵng. (Ông T có mặt)
Địa chỉ: đường T, thành phố Đà Nẵng.
-Người kháng cáo: Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại HTH.
NỘI DUNG VỤ ÁN
- Trong đơn khởi kiện, đơn trình bày, biên bản đối thoại người khởi kiện và đại diện theo ủy quyền của người khởi kiện thống nhất trình bày:
Ngày 24/6/2015, Đội Quản lý thị trường số XX thuộc Chi cục Quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng (gọi tắt là Đội QLTT) do ông Nguyễn Thanh T làm Đội trưởng đã ký quyết định kiểm tra số 0196707/QĐ-KT tại Chi nhánh Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại HTH (gọi tắt là Công ty HTH), nội dung kiểm tra theo quyết định bao gồm:
+ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, việc thực hiện theo nội dung đăng ký.
+ Kiểm tra hàng hóa tại địa điểm kinh doanh: Hóa đơn, chứng từ có liên quan đến hàng hóa.
+ Kiểm tra việc đo lường chất lượng hàng hóa theo quy định.
Trong quá trình kiểm tra, Đội Quản lý thị trường số XX tự động kiểm tra nội dung không có trong quyết định kiểm tra số 0196707 nêu trên, đó là:
- Xâm phạm quyền nhãn hiệu (ba chữ tượng hình) giữa Công ty AJ VN với người khởi kiện.
- Theo quy định của pháp luật, quá trình kiểm tra nếu phát hiện có hành vi mới phải có quyết định kiểm tra bổ sung nhưng Đội Quản lý thị trường không có quyết định kiểm tra bổ sung là vượt quá nội dung kiểm tra. Quá trình kiểm tra đã thu giữ và niêm phong toàn bộ hàng hóa là không đúng.
- Tự động cho người lạ mặt, không mặc đồng phục của Đội quản lý thị trường vào kiểm tra công ty mà những người này là người của Công ty AJ VN.
- Đội Quản lý thị trường số XX lập biên bản tạm giữ hàng hóa là mì chính theo biên bản số 0088000/BB-TGTV ngày 24/6/2015 đến ngày trả lại hàng hóa cho chúng tôi theo Quyết định số 0029505/QĐ-TLTV nhưng thực tế hàng hóa và các thiết bị phục vụ cho sản xuất vẫn bị niêm phong, yêu cầu công ty chúng tôi bảo quản tang vật nguyên trạng chờ ý kiến chuyên môn để có kết luận xử lý, Đội Quản lý thị trường đã lấy mất 04 bao mì chính mỗi bao 25 kg mà không có lý do chính đáng và cũng không đưa vào quyết định trả lại tang vật.
Tóm lại, Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại HTH yêu cầu tuyên bố một số hành vi hành chính sau của Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số XX thuộc Chi cục quản lý thị trường thành phố Đà Nằng là trái pháp luật:
- Kiểm tra vượt quá nội dung thông báo tại quyết định kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với công ty.
- Hành vi cho người lạ mặt là người của Công ty AJ VN đi cùng vào kiểm tra.
- Hành vi xác định giá trị hàng hóa được cho là xâm phạm quyền về nhãn hiệu không đúng pháp luật.
- Hành vi làm thất thoát hàng hóa trong quá trình tạm giữ để thiếu 04 bao mì chính, mỗi bao cân nặng 25 kg.
- Hành vi thu giữ hàng hóa không đúng pháp luật, mặc dù có quyết định giao trả nhưng thực tế không thực hiện việc trả mà vẫn niêm phong yêu cầu công ty giữ nguyên hiện trạng.
Riêng đối với yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại do các hành vi hành chính trái pháp luật nêu trên gây ra, tại phiên tòa sơ thẩm Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại HTH yêu cầu được tách ra để khởi kiện riêng bằng vụ án dân sự khi có điều kiện chứng minh.
- Tại văn bản gửi Tòa án đề ngày 25/10/2015, biên bản đối thoại và tại phiên tòa sơ thẩm đại diện theo ủy quyền của Đội trưởng đội Quản lý thị trường số XX thuộc Chi cục quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng thống nhất trình bày:
Thứ nhất: Về hành vi kiểm tra hàng hóa vượt quá nội dung thông báo, phải có quyết định kiểm tra bổ sung:
Việc kiểm tra Chi nhánh Công ty HTH là hoạt động kiểm tra đột xuất, đã thực hiện theo đúng các trình tự quy định tại Nghị định số 99/NĐ-CP ngày 29/8/2013, Luật Sở hữu trí tuệ và Thông tư số 09/2013/TT-BCT, chúng tôi có trưng cầu Viện Khoa học sở hữu trí tuệ Việt Nam giám định đối với các dấu hiệu gắn trên bao bì sản phẩm đang bày bán tại Công ty HTH có hay không sự tương tự đến mức gây nhầm lẫn với các nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam.
Nội dung kiểm tra là kiểm tra hàng hóa tại địa điểm kinh doanh; hóa đơn, chứng từ có liên quan đến hàng hóa tức là kiểm tra tính hợp pháp của hàng hóa đó xem có phải là hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng nhập lậu, hàng xâm phạm quyền, hàng giả... hay không, chứ không chỉ là việc kiểm đếm số lượng hàng hóa. Phương án kiểm tra tập trung vào kiểm tra hàng hóa là mì chính mà không kiểm tra hàng hóa nào khác nên không vượt quá nội dung kiểm tra đã thông báo.
Thứ hai: Về hành vi xác định giá trị hàng hóa được cho là xâm phạm quyền không đúng quy định của pháp luật:
Tổng trị giá hàng hóa được xác định như sau:
* Tại Văn phòng chi nhánh và là nơi bán hàng (có địa chỉ tại số XXX, đường N, TP. Đà Nẵng):
- Mì chính loại 400g/gói có số lượng 236 gói, giá niêm yết 24.800đ/gói.
- Mì chính loại 454g/gói có số lượng 295 gói, giá niêm yết 27.800đ/gói.
- Mì chính loại 100g/gói có số lượng 43 gói, giá niêm yết 7.000đ/gói.
- Mì chính loại 1kg/gói có số lượng 09 gói, giá niêm yết 37.876đ/gói.
Tổng cộng: (236 gói x 24.800đ/gói) + (295 gói x 27.800đ/gói) + (43 gói x 7.000đ/gói) + (09 gói x 37.876đ/gói) = 14.694.000đ (1)
* Tại xưởng đóng gói của chi nhánh đồng thời là địa điểm kinh doanh (có địa chỉ tại số XXX, đường NCT, TP. Đà Nẵng):
1/ Thành phẩm là sản phẩm mì chính đã được đóng gói:
- Loại 400g/gói có số lượng 7.720 gói, đơn giá 24.800đ/gói.
- Loại 454g/gói có số lượng 6.240 gói, đơn giá 27.800đ/gói.
- Loại 100g/gói có số lượng 6.690 gói, đon giá 7.000đ/gói.
Tổng trị giá: 413.648.000đ (2)
2/ Bao bì gồm vỏ bao bì (túi nilon) dùng để đóng gói sản phẩm và thùng carton để đựng thành phẩm, trên bao bì có gắn dấu hiệu vi phạm (theo hóa đơn VAT số 11184 ngày 13/8/2014 và hóa đơn VAT số 00422 ngày 06/9/2014) có tổng trị giá là 102.012.000đ (3)
3/ Nguyên liệu là mì chính được mua tại Công ty HTH có số lượng 4.800kg được đựng trong 192 bao loại 25kg/bao (theo hóa đơn VAT số 00764 ngày 27/6/2013 có giá là 36.500đ/kg), Tổng trị giá là: 175.200.000đ.
(4) Như vậy, tổng giá trị hàng hóa là mì chính tại nơi bán hàng; thành phẩm, bao bì gắn dấu hiệu vi phạm và nguyên liệu dùng để đóng gói thành phẩm gắn dấu hiệu vi phạm tại nơi đóng gói thể hiện tại biên bản kiểm tra là: (1) + (2) + (3) + (4) = 705.554.800đ.
Căn cứ theo thứ tự ưu tiên khi xác định giá trị hàng hóa vi phạm theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 4 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 của Chính phủ, trong quá trình kiểm tra Tổ kiểm tra xác định giá trị hàng hóa là thành phẩm, bao bì gắn dấu hiệu được cho là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, giá trị nguyên liệu dùng để thực hiện hành vi đóng gói hàng hóa mang dấu hiệu xâm phạm quyền và tổng trị giá tang vật vi phạm để sau này dùng làm căn cứ xử phạt vi phạm hành chính là đúng quy định pháp luật.
Thứ ba: Về nội dung, trình tự, thủ tục tạm giữ hàng hóa không đúng quy định pháp luật.
Trong quá trình kiểm tra chúng tôi đã thực hiện đúng quy định về quy trình kiểm tra, kiểm soát. Theo kiểm tra thực tế phát hiện có các dấu hiệu vi phạm đúng với các giám định mà chúng tôi đã trưng cầu giám định, khi kiểm tra nơi bán hàng tại địa chỉ số XXX, đường N thấy có dấu hiệu vi phạm về nhãn hiệu nên chúng tôi có quyền tạm giữ hàng hóa để tránh tẩu tán hàng hóa. Theo lời khai của kế toán lúc đó thể hiện sản phẩm do chi nhánh công ty đóng gói tại XXX đường NCT. Do vậy chúng tôi tiếp tục kiểm tra tại xưởng đóng gói, khi kiểm tra phát hiện trong kho có thành phẩm, bao bì, máy móc, nguyên liệu, các thành phẩm tồn kho và bao bì đều gắn dấu hiệu "Ba chữ tượng hình" và qua quá trình kiểm tra thì phát hiện Chi nhánh Công ty đóng gói bằng nguyên liệu nhập từ Công ty mẹ ở TP. Hồ Chí Minh. Như vậy, việc sử dụng bao bì, nguyên liệu, máy móc để đóng gói thành phẩm gắn dấu hiệu "Ba chữ tượng hình"có dấu hiệu vi phạm nên Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số XX ban hành quyết định tạm giữ tang vật để chờ xử lý tiếp theo. Khi tạm giữ tang vật chúng tôi có niêm phong hàng hóa, có sự chứng kiến của các bên liên quan, có 02 người chứng kiến là đúng quy định tại Thông tư số 09/2013/TT-BTC.
Thứ tư: Về hành vi thay đổi số lượng tang vật tạm giữ (thiếu 04 bao mì chính, mỗi bao 25kg).
Sau khi ra quyết định tạm giữ tang vật, Đội Quản lý thị trường số XX đã chuyển tang vật, phương tiện về xưởng đóng gói của Chi nhánh Công ty HTH đồng thời giao cho Giám đốc chi nhánh bảo quản và giữ gìn. Việc chuyển giao này giữa hai bên có lập biên bản thể hiện việc chuyển giao đầy đủ và trùng khớp số lượng, chủng loại các tang vật, phương tiện bị tạm giữ, ông Nguyễn Thành Đ - Giám đốc chi nhánh là người ký vào biên bản. Biên bản gửi kho ký ngày 11/8/2015.
Đến ngày 23/8/2015, sau 60 ngày tạm giữ hàng hóa, Đội Quản lý thị trường số XX đã ban hành quyết định trả lại tang vật, phương tiện số 29505/QĐ- TLTV kèm theo biên bản trả lại tang vật, phương tiện số 14894/BB-TLTV thể hiện việc trả lại đầy đủ và trùng khớp số lượng, chủng loại các tang vật, phương tiện bị tạm giữ nên không có việc thay đổi số lượng tang vật tạm giữ thiếu 04 bao mì chính như ý kiến của Công ty HTH, việc có mất 04 bao mì chính hay không là do kiểm đếm và thể hiện trên giấy tờ đã được ký nhận đầy đủ vì lúc đó ông Đông ký trong trạng thái hoàn toàn tỉnh táo không bị ép buộc. Trong quyết định chuyển giao chỉ đề nghị giữ nguyên hiện trạng hàng hóa chứ không giữ nguyên hiện trạng niêm phong. Sau khi ban hành quyết định chuyển giao, đại diện Đội quản lý thị trường đã xuống xé một phần niêm phong.
Với những nội dung trên chúng tôi đề nghị Tòa án không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty HTH về việc đề nghị tuyên bố một số hành vi hành chính của Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số XX là trái pháp luật.
Tại Bản án sơ thẩm số 02/2016/HC-ST ngày 04/5/2016 của Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng quyết định:
Áp dụng Điều 30, Điều 103, Điều 163 Luật Tố tụng hành chính. Tuyên xử:
I/ Chấp nhận một phần đơn khởi kiện của Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại HTH về việc yêu cầu tuyên bố một số hành vi hành chính trái pháp luật của Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số XX thuộc Chi cục quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng.
II/ Tuyên bố hành vi giữ hàng hóa (theo quyết định tạm giữ số 0073856 ngày 24/6/2015) của Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại HTH niêm phong tại kho Chi nhánh của Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại HTH (số XXX, đường NCT) từ ngày 23/8/2015 đến ngày 21/12/2015 của Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số XX thuộc Chi cục Quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng là trái pháp luật.
Ngoài ra, bản án còn quy định về phần án phí và quyền kháng cáo, kháng nghị theo quy định pháp luật.
Ngày 17 tháng 5 năm 2016, người khởi kiện Công ty Sản xuất – Thương mại HTH có đơn kháng cáo với nội dung kháng cáo một phần bản án sơ thẩm số 02/2016/HC-ST ngày 04/5/2016, yêu cầu tòa án cấp phúc thẩm tuyên bố các hành vi hành chính của Đội QLTT số 8 là trái pháp luật, bao gồm các hành vi:
- Đội QLTT số 8 kiểm tra vượt quá nội dung có trong quyết định kiểm tra tại doanh nghiệp mà không có quyết định kiểm tra bổ sung.
- Hành vi tự động cho người lạ mặt, cụ thể là người của Công ty AJ VN– là đối thủ cạnh tranh của Công ty HTH – đi cùng đội kiểm tra QLTT số XX xâm nhập vào Công ty.
- Hành vi tính toán giá trị hàng hóa để ra quyết định xử phạt doanh nghiệp 500 triệu đồng gây bức tử cho Doanh nghiệp trái quy định pháp luật, không thấu lý đạt tình.
- Hành vi làm thất thoát 04 bao bột ngọt.
Tại phiên tòa phúc thẩm, người kháng cáo đại diện Công ty HTH vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm đã không khách quan, công tâm, giải quyết vụ việc không đúng quy định pháp luật làm ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp, hành vi lạm dụng quyền lực Nhà nước của Đội QLTT số 8 dẫn đến việc ra quyết định xử phạt ảnh hưởng đến việc kinh doanh, đưa chi nhánh doanh nghiệp đến bờ vực phá sản.
Tại phiên toà, đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cấp cao tại Đà Nẵng đề nghị: Tuyên hành vi tính toán giá trị hàng hóa của Đội Quản lý thị trường số XX thuộc Chi cục QLTT thành phố Đà Nẵng đối với CTTNHH sản xuất – Thương mại HTH là không đúng quy định của pháp luật.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên toà, kết quả tranh tụng tại phiên toà, Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy :
[1] Về tố tụng:
- Việc tuân thep pháp luật của thẩm phán: Thẩm phán được phân công giải quyết đã chấp hành đúng các quy định của Luật tố tụng hành chính trong quá trình giải quyết vụ án, bảo đảm về thời hạn chuẩn bị xét xử, quyết định đưa vụ án ra xét xử, thời hạn gửi hồ sơ cho Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng, cấp, tống đạt các văn bản tố tụng cho Viện kiểm sát và các đương sự.
- Việc tuân theo của Hội đồng xét xử: Tại phiên tòa hôm nay Hội đồng xét xử đã thực hiện đúng các quy định của Luật tố tụng hành chính năm 2015 về phiên tòa hành chính phúc thẩm. Bảo đảm nguyên tắc xét xử phúc thẩm, tạo điều kiện cho các đương sự trình bày ý kiến của mình khách quan và dân chủ.
- Việc chấp hành pháp luật của những người tham gia tố tụng: Từ khi thụ lý vụ án cũng như tại phiên tòa hôm nay các đương sự đã thực hiện đúng và đầy đủ các quyền và nghĩa vụ quy định tại các Điều 55, 56, 57, 60 và Điều 61 Luật tố tụng hành chính năm 2015.
- Tòa án nhân dân Cấp cao tại Đà Nẵng đã nhiều lần hoãn phiên tòa phúc thẩm với lý do vắng mặt nhưng người tham gia tố tụng.
[2] Về nội dung:
Xét kháng cáo của Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại HTH, Hội đồng xét xử thấy rằng:
[2.1] Đối với hành vi kiểm tra vượt quá nội dung thông báo tại quyết định kiểm tra việc chấp hành pháp luật của Chi nhánh Công ty HTH. Xét thấy, tại Quyết định kiểm tra số 0196707 ngày 24/6/2015 (BL-42) do Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số XX thuộc Chi cục Quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng ký có nội dung sau: Kiểm tra giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp việc thực hiện theo nội dung đăng ký, kiểm tra hàng hóa tại địa điểm kinh doanh, hóa đơn chứng từ có liên quan đến hàng hóa, kiểm tra việc đo lường chất lượng hàng hóa theo quy định. Người khởi kiện cho rằng, trong quá trình kiểm tra Đội Quản lý thị trường số XX đã kiểm tra thêm nội dung xâm phạm quyền nhãn hiệu “Ba chữ tượng hình” giữa Công ty AJ VN và Công ty HTH không có trong nội dung kiểm tra.
Người bảo vệ quyền lợi cho người bị kiện cho rằng việc kiểm tra nội dung xâm phạm quyền nhãn hiệu “Ba chữ tượng hình” đối với sản phẩm mỳ chính thuộc thẩm quyền của lực lượng Quản lý thị trường vì mỳ chính là mặt hàng liên quan đến lương thực thực phẩm nên lực lượng QLTT có quyền chủ động kiểm tra theo quy định tại khoản 3 Điều 22 Nghị định số 99/NĐ-CP ngày 29/8/2013 của Chính Phủ và trong quá trình kiểm tra Đội QLTT số 8 phát hiện tại nơi bày bán và đóng gói của Chi nhánh Công ty HTH có bày bán và đóng gói sản phẩm mỳ chính có sử dụng dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu đang được bảo hộ của Công ty AJ VN.
Hội đồng xét xử thấy rằng, việc kiểm tra yếu tố xâm phạm quyền về nhãn hiệu hàng hóa là có thật, cả người khởi kiện và bị kiện đều thừa nhận. Tuy nhiên trước đó, khi thụ lý đơn đề nghị phối hợp kiểm tra và xử lý vi phạm của Công ty AJ VN (BL 79-84), Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số XX đã tiến hành trưng cầu Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ VN giám định đối với các dấu hiệu gắn trên bao bì sản phẩm đang bày bán tại chi nhánh Công ty HTH có hay không sự tương tự đến mức gây nhầm lẫn với các nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam của Công ty AJ VN. Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ đã có Quyết định số: NH 150-15TC/KLGĐ ngày 04/5/2015 là “dấu hiệu ba chữ tượng hình gắn trên sản phẩm mì chính (bột ngọt) như được thể hiện trên mẫu giám định là tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu ba chữ tượng hình được bảo hộ theo GCNĐKNH số 169 của AJ co,INC”.
Trong quá trình kiểm tra, Đội QLTT phát hiện Chi Nhánh Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại HTH đang bày bán và đóng gói sản phẩm mì chính có dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu nêu trên nên Đội QLTT số 8 tiến hành kiểm tra thêm nội dung này, mặc dù không có trong Quyết định kiểm tra số 0196707 ngày 24/6/2015 là đúng pháp luật theo quy định tại Khoản 1 Điều 23 Thông tư số 09/2013/TT-BCT ngày 02/5/2013 của Bộ Công thương quy định về hoạt động kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính của Quản lý thị trường: “Trường hợp kiểm tra phát hiện đối tượng kiểm tra có hành vi vi phạm pháp luật ngoài nội dung ghi trong quyết định kiểm tra thì Tổ kiểm tra được tiến hành kiểm tra ngay mà không phải đề nghị Thủ trưởng cơ quan Quản lý thị trường có thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra bổ sung nội dung kiểm tra đối với hành vi vi phạm hành chính đã phát hiện”. Do đó, Hội đồng xét xử không chấp nhận nội dung kháng cáo nêu trên của Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại HTH.
[2.2] Đối với yêu cầu xác định hành vi cho người lạ mặt là người của Công ty AJ VN đi cùng vào kiểm tra của Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số XX thuộc Chi cục Quản lý thị trường Thành phố Đà Nẵng là trái pháp luật thì thấy rằng, tại phiên tòa sơ thẩm người bị kiện thừa nhận trên cơ sở phối hợp kiểm tra và xử lý vi phạm về sở hữu trí tuệ đã yêu cầu Công ty AJ VN cử hai nhân viên đi cùng, tuy nhiên người của Chi nhánh Công ty HTH không đồng ý nên 02 nhân viên của Công ty AJ VN, đứng ở ngoài, không đi cùng Đội vào nơi bán hàng và đóng gói của Chi nhánh kiểm tra. Phía người bị kiện cho rằng lãnh đạo công ty đang công tác ở Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ có công nhân đang làm việc, không can thiệp. Do vậy, không có chứng cứ để xác định có người lạ vào khu vực kiểm tra doanh nghiệp và được sự cho phép của Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số XX thuộc Chi cục Quản lý thị trường Thành phố Đà Nẵng. Hội đồng xét xử xét thấy không chấp nhận kháng cáo này của người khởi kiện.
[2.3] Đối với kháng cáo về hành vi tính toán xác định giá trị hàng hóa được cho là xâm phạm quyền về nhãn hiệu không đúng pháp luật, không thấu tình đạt lý để từ đó ra quyết định xử phạt 500.000.000đ là gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Hội đồng xét xử thấy rằng, trong quá trình kiểm tra Đội QLTT đã thực hiện việc xác định khối lượng, giá trị hàng hóa thể hiện tại phụ lục biên bản kèm theo Biên bản kiểm tra số 169662 ngày 24/6/2015. Quá trình làm việc sau đó vào ngày 21/7/2015, tại Biên bản làm việc số 92306/BB-XMLV và các Phụ lục biên bản số 105589; 105590; 105591/PL-BB kèm theo biên bản làm việc, ông Nguyễn Thành Đ – Giám đốc Chi nhánh Công ty HTH đã thừa nhận giá trị của từng loại hàng hóa dựa trên số lượng cũng như đơn giá niêm yết của thành phẩm và đơn giá mua vào của từng loại bao bì có gắn dấu hiệu vi phạm, đơn giá mua vào của nguyên liệu dùng để đóng gói thành phẩm gắn dấu hiệu vi phạm như đã thể hiện tại Biên bản kiểm tra số 169962/BB-KT ngày 24/6/2015, toàn bộ số hàng hóa là tang vật vi phạm có tổng trị giá là 705.554.800 đồng và ông Nguyễn Thành Đ đã ký vào biên bản. Tại phiên toà phúc thẩm, ông Đông cho rằng giá niên yết khác với giá thực tế, vì thực tế giá bán sĩ và giá bán lẽ là không giống nhau. Xét thấy, theo quy định tại khoản 3 Điều 29 Nghị định số 105/2006/NĐ- CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền Sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về Sở hữu trí tuệ quy định: Nguyên liệu, vật liệu, phương tiện có chức năng duy nhất nhằm tạo ra, khai thác thương mại hàng hoá xâm phạm hoặc thực tế chỉ được sử dụng duy nhất cho mục đích đó thì bị coi là nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa xâm phạm và quy định: Vật, tiền, hàng hóa, phương tiện là tang vật trực tiếp của vi phạm hành chính hoặc được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính, mà nếu không có vật, tiền, hàng hóa, phương tiện này thì không thể thực hiện được hành vi vi phạm” được quy định tại Điểm b khoản 2 Điều 3 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính. Do vậy, Hội đồng xét xử thấy rằng việc Đội QLTT số 8 đã xác định nguyên liệu, bao bì, thành phẩm có gắn dấu hiệu vi phạm, phương tiện dùng để đóng gói hàng hóa theo Biên bản kiểm tra số 169662 và các phụ lục kèm theo ngày 24/6/2015 là tang vật trực tiếp được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính của Chi nhánh Công ty HTH là có căn cứ và xác định tổng giá trị tang vật là 705.554.800đ dựa trên tính toán số lượng nhân với giá niên yết tại công ty, phù hợp với quy định “Xác định giá trị tang vật vi phạm hành chính để làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt ” được quy định tại Điều 60 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Như vậy, Công ty HTH kháng cáo về hành vi tính toán xác định giá trị hàng hóa trái pháp luật là không có cơ sở để chấp nhận. Hội đồng xét xử xét thấy, đối với kháng cáo về quyết định xử phạt vi phạm hành chính xử phạt 500 triệu đồng là ngoài phạm vi xét xử và đang được thụ lý bằng vụ án khác nên không xem xét và cũng không chấp nhận đề nghị của Kiểm sát viên tại phiên tòa là “Tuyên hành vi tính toán giá trị hàng hóa của Đội Quản lý thị trường số XX thuộc Chi cục QLTT thành phố Đà nẵng đối với Công ty TNHH Sản xuất –Thương mại HTH với số tiền 500.000.000 đồng không đúng quy định của pháp luật, không có căn cứ”.
[2.4] Đối với hành vi làm thất thoát hàng hóa 04 bao bột ngọt mỗi bao cân nặng 25 kg. Xét thấy, ngày 24/6/2015 Đội Quản lý thị trường số XX đã tạm giữ hàng hóa với số lượng cụ thể được hai bên xác nhận tại biên bản lập cùng ngày. Sau đó, chuyển về kho số 0X đường TQ, TP. Đà Nẵng. Một thời gian sau xét thấy kho tạm giữ hàng hóa không đảm bảo an toàn nên ngày 11/8/2015, Đội Quản lý thị trường số XX đã chuyển toàn bộ hàng hóa tạm giữ về gửi lại tại xưởng đóng gói của Chi nhánh Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại HTH. Tại biên bản do chính Đội Quản lý thị trường số XX lập ngày 11 tháng 8 năm 2015 ghi rõ: "Số tang vật, phương tiện tạm giữ tại xưởng sản xuất của Chi nhánh Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại HTH tại Đà Nẵng ở địa chỉ XXX NCT được niêm phong và trên giấy niêm phong có chữ ký của đại diện Đội Quản lý thị trường số XX và Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại HTH, đại diện của Phòng Thanh tra - Pháp chế ”. Tòa án cấp sơ thẩm cũng đã tiến hành thẩm định tại chỗ, xác định thực tế có thất thoát 04 bao đúng như nội dung đơn khởi kiện của Công ty HTH. Tại phiên toà phúc thẩm, ông Nguyễn Thành Đ cho rằng từ lúc niêm phong hàng hoá đến lúc thẩm định tại chỗ, công ty không có can thiệp vào nên việc thất thoát 4 bao mỳ chính là thuộc trách nhiệm Đội QLTT. Tuy nhiên, tại các biên bản làm việc số 92309/BB- XMLV ngày 11/8/2015 và biên bản gửi kho hàng hóa tạm giữ thì ông Nguyễn Thành Đ - Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại HTH đã ký nhận đủ theo đúng biên bản tạm giữ số 88000/BBTGTV ngày 24/6/2015 và ngày 23/8/2015 (BL-65, 66, 67) biên bản trả lại tang vật tạm giữ theo thủ tục hành chính và có chữ ký người nhận là Nguyễn Thành Đ. Do đó, không có có căn cứ để chứng minh người bị kiện làm thất thoát hàng hóa nên không có cơ sở để chấp nhận.
[3] Về án phí hành chính phúc thẩm: Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại HTH phải chịu án phí hành chính phúc thẩm do kháng cáo không được chấp nhận.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 193; khoản 1 Điều 241 Luật tố tụng hành chính 2015, Không chấp nhận kháng cáo của Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại HTH, giữ nguyên quyết định của án sơ thẩm 02/2016/HC-ST ngày 04/5/2015, Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng quyết định:
Tuyên xử:
1. Chấp nhận một phần đơn khởi kiện của Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại HTH về việc yêu cầu tuyên bố một số hành vi hành chính trái pháp luật của Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số XX thuộc Chi cục Quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng.
2. Tuyên bố hành vi giữ hàng hóa (theo quyết định tạm giữ số 0073856 ngày 24/6/2015) của Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại HTH niêm phong tại kho Chi nhánh của Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại HTH (số XXX, đường NCT) từ ngày 23/8/2015 đến ngày 21/12/2015 của Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số XX thuộc Chi cục Quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng là trái pháp luật.
3. Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại HTH phải chịu 200.000 đồng án phí hành chính phúc thẩm khấu trừ vào biên lai thu tạm ứng án phí số 0000850 ngày 19 tháng 5 năm 2016 của Cục Thi hành án dân sự thành phố Đà Nẵng.
4. Các quyết định còn lại của án sơ thẩm xử không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực thi hành kể từ ngày tuyên án.
Bản án 132/2017/HC-PT ngày 21/08/2017 về yêu cầu tuyên bố hành vi hành chính trái pháp luật
Số hiệu: | 132/2017/HC-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Hành chính |
Ngày ban hành: | 21/08/2017 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về