Bản án 13/2024/HS-PT về tội hủy hoại rừng

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN

BẢN ÁN 13/2024/HS-PT NGÀY 01/04/2024 VỀ TỘI HỦY HOẠI RỪNG

Ngày 01 tháng 4 năm 2024 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh S, Tòa án nhân dân tỉnh S xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số 13/2024/TLPT-HS ngày 21 tháng 02 năm 2024 đối với bị cáo Dương Văn T, do có kháng cáo của bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 02/2024/HS-ST ngày 12 tháng 01 năm 2024 của Tòa án nhân dân huyện Đ, tỉnh S.

- Bị cáo có kháng cáo: Dương Văn T, sinh ngày 10-10-1976 tại huyện Đ, tỉnh S; nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và chỗ ở: Thôn K, xã Y, huyện T, tỉnh Quảng Ninh; nghề nghiệp: Làm ruộng; trình độ văn hóa: 0/12; dân tộc: Sán Chỉ; giới tính: Nam; quốc tịch: Việt Nam; tôn giáo: Không; con ông Dương Văn Q (đã chết) và bà Đàm Thị N (tên gọi khác: Đàm Thị N1, Đàm Thị N2); có vợ là Nình Móc X và có 02 con; tiền án, tiền sự: Không có; nhân thân: Ngày 24-3-2020 bị Hạt kiểm lâm huyện Đ, tỉnh S xử phạt vi phạm hành chính về hành vi phá rừng trái pháp luật theo Quyết định số 11/QĐ-XPVPHC số tiền 11.000.000 đồng, bị cáo đã chấp hành xong ngày 30-3-2020; biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc trồng lại rừng hoặc thanh toán chi phí trồng lại rừng đến khi thành rừng theo xuất đầu tư được áp dụng ở địa phương tại thời điểm vi phạm hành chính, đã chấp hành xong toàn bộ, chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chưa bị xử lý kỷ luật. Bị cáo bị tạm giam từ ngày 03-6-2023 đến nay; có mặt.

- Người bào chữa cho bị cáo: Ông Triệu Quang H, Luật sư Công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên Gia Gia thuộc Đoàn Luật sư tỉnh S; có mặt.

- Nguyên đơn dân sự: Ủy ban nhân dân huyện Đ, tỉnh S. Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Văn H – Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đ, tỉnh S. Người đại diện theo ủy quyền: Ông Vi Văn P – Phó trưởng phòng, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đ, tỉnh S; có mặt.

- Người làm chứng:

1. Anh Dương Văn H, sinh năm 1990; có mặt.

2. Chị Voòng Thị M (tên gọi khác: Hoàng Thị M), sinh năm 1992; có mặt.

3. Bà Triệu Thị N, sinh năm 1971; có mặt.

4. Bà Triệu Mùi P, sinh năm 1961; có mặt.

5. Bà Lý Thị L, sinh năm 1971; vắng mặt.

6. Ông Mai Văn T, sinh năm 1967; có mặt.

7. Anh Dương Chúng S, sinh năm 1989; có mặt.

8. Chị Dương Thị H, sinh năm 1993; vắng mặt.

9. Ông Trần Văn H, sinh năm 1975; vắng mặt.

- Người tham gia tố tụng khác: Chị Nình Móc X, sinh năm 1982; có mặt.

- Người phiên dịch tiếng Dao: Ông Triệu Văn H; địa chỉ: Đường T, khối V, phường C, thành phố L, tỉnh S; có mặt chiều ngày 01-4-2024.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Thực hiện nhiệm vụ tại địa bàn xã Đ, ngày 20-4-2022, Kiểm lâm viên thuộc Hạt Kiểm lâm huyện Đ, tỉnh S phụ trách xã Đ, huyện Đ, tỉnh S phối hợp với công chức địa chính thuộc Ủy ban nhân dân xã Đ và Trưởng thôn K, xã Đ, huyện Đ, tỉnh S tiến hành kiểm tra rừng tại lô 90 khoảnh 10 - Tiểu khu 1 (theo Bản đồ địa chính đất lâm nghiệp xã Đ, huyện Đ, tỉnh S), địa danh K1, thuộc thôn K, xã Đ, huyện Đ, tỉnh S phát hiện có 02 vị trí rừng tự nhiên bị chặt phá, phát trắng, mỗi vị trí có diện tích bị phát trắng khoảng 02 ha, trong đó diện tích đủ tiêu chí trở thành rừng tự nhiên khoảng 0,8ha. Kiểm lâm viên phụ trách địa bàn báo cáo lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Đ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đ, huyện Đ, tỉnh S về vụ việc và tiếp tục phối hợp với Công an xã Đ, công chức địa chính thuộc Ủy ban nhân dân xã Đ, Trưởng thôn K, xã Đ tiến hành công tác tuần tra, kiểm tra đối với khu vực rừng tự nhiên tại địa danh K1 và những khu rừng thuộc thôn K, xã Đ thường xuyên, diện tích rừng tự nhiên tiếp tục bị chặt phá rộng hơn so với thời điểm ngày 20-4-2022.

Đến ngày 08-8-2022, các cơ quan có thẩm quyền của huyện Đ tiến hành khám nghiệm hiện trường, kiểm tra hiện trường vụ phá rừng trái pháp luật tại đồi K1, thuộc thôn K, xã Đ, huyện Đ, thuộc khoảnh 9, khoảnh 10, tiểu khu 1D của Bản đồ hiện trạng rừng xã Đ năm 2021 có 04 vị trí có cây rừng tự nhiên bị chặt phá trái pháp luật, cắt hạ toàn bộ cây rừng, cây tái sinh, dây leo và cây bụi, thân cây nằm ngổn ngang tại diện tích rừng bị phá. Quá trình điều tra xác định được vị trí 01 và vị trí 02 do Dương Văn T hủy hoại, cụ thể:

Vị trí 01: thuộc lô 1, lô 2 và lô 3 khoảnh 10 tiểu khu 1D – Bản đồ hiện trạng rừng năm 2021 xã Đ, tổng diện tích bị phát trắng 20.100 m2 (2,01ha), trong đó:

- Có diện tích 6.800 m2 (0,68ha) trạng thái gồm cây bụi nhỏ, cây tái sinh thân gỗ có đường kính nhỏ với mật độ thưa thớt, chưa có trữ lượng, bị chặt hạ nằm rải rác tại hiện trường, hiện trường đã đốt dọn và trồng cây Keo. - Có diện tích 13.300 m2 (1,33ha) hiện trạng có mật độ cây rừng dày, hiện trường đã đốt dọn và trồng cây Keo trên toàn bộ diện tích, tại hiện trường vẫn còn những thân cây gỗ tự nhiên như: Lim xanh, Dẻ, Trám trắng, Sau Sau và một số cây gỗ tự nhiên thuộc nhóm loài thông thường nằm ngổn ngang tại hiện trường. Qua kiểm đếm có 382 cây, đường kính đầu to từ 10 – 49 cm, chiều dài thân cây từ 3 – 18m, cá biệt có cây dài trên 18m, tổng khối lượng gỗ đo được là 89,37 m3. Vị trí này liền kề với khu rừng tự nhiên có trữ lượng, có diện tích hơn 01 ha, chiều cao vút ngọn trung bình cây rừng liền kề 5,0 đến 12m và rừng có độ tán che 0,4.

Đối chiếu với Bản đồ điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng xã Đ được phê duyệt tại Quyết định số 687/QĐ-UBND ngày 24-4-2020 của UBND tỉnh S về việc phê duyệt rà soát, điều chỉnh ranh giới 3 loại rừng tỉnh S đến năm 2030, thì vị trí rừng bị chặt phá thuộc quy hoạch rừng phòng hộ, xác định thuộc một phần thửa đất số 90, khoảnh 10, tờ bản đồ số 02, xã Đ. Đối chiếu với hồ sơ địa chính thì thửa đất số 90 thuộc diện tích đã được giao cho Công ty cổ phần lâm sản T, tại Quyết định số 328/QĐ-UBND, ngày 26-02-2009, của UBND tỉnh S.

Vị trí 02: thuộc lô 1, lô 2 và lô 3 khoảnh 10 tiểu khu 1D – Bản đồ hiện trạng rừng năm 2021 xã Đ, tổng diện tích 13.000 m2 hiện trạng có mật độ cây rừng bị chặt hạ dầy, hiện trường đã đốt dọn và trồng cây Keo trên toàn bộ diện tích, tại hiện trường vẫn còn những thân cây gỗ tự nhiên như: Lim xanh, Dẻ, Sau Sau và một số cây gỗ tự nhiên thông thường nằm ngổn ngang tại hiện trường. Qua kiểm đếm có 389 cây, đường kính đầu to từ 10 – 45 cm, chiều dài thân cây từ 2,5m – 10m cá biệt có cây dài 18 m, tổng khối lượng gỗ đo được là 58,42 m3. Vị trí này này liền kề với khu rừng tự nhiên có trữ lượng, có diện tích hơn 0,5 ha, chiều cao vút ngọn trung bình cây rừng liền kề 5,0 đến 10m và rừng có độ tán che 0,4. Đối chiếu với Bản đồ điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng xã Đ được phê duyệt tại Quyết định số 687/QĐ-UBND ngày 24-4-2020 của UBND tỉnh S về việc phê duyệt rà soát, điều chỉnh ranh giới 3 loại rừng tỉnh S đến năm 2030, thì vị trí rừng bị chặt phá thuộc quy hoạch rừng phòng hộ, xác định thuộc một phần thửa đất số 90, khoảnh 10, tờ bản đồ số 02, xã Đ.

Đối với vị trí 03: thuộc lô 2, lô 3, lô 4, lô 5 khoảnh 10, tiểu khu 1D - Bản đồ hiện trạng rừng năm 2021 xã Đ, tổng diện tích bị phát trắng 81.700 m2 (8,17ha và vị trí 04, thuộc lô 2, lô 5, lô 6, lô 9, khoảnh 9 và lô 1, lô 3, khoảnh 10, tiểu khu 1D – Bản đồ hiện trạng rừng năm 2021 xã Đ), tổng diện tích bị phát trắng 56.600 m2, chưa xác định được người hủy hoại rừng.

Tại Bản kết luận giám định tư pháp ngày 08-9-2022 của người giám định tư pháp theo vụ việc Triệu Lương H và Kết luận số 15/KL-HĐ ĐGTS ngày 24-8-2022 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện Đ kết luận:

- Xác định loại rừng: Diện tích 81.600 m2 (8,16 ha) có cây rừng bị chặt phá thuộc lô 2, 5, 6, 9, khoảnh 9; lô 1, 2, 3, 4, 5 khoản 10 tiểu khu 1D, Bản đồ hiện trạng rừng xã Đ năm 2021, trạng thái rừng là rừng trồng gỗ (Ký hiệu RTG). Đối chiếu với bản đồ điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng xã Đ, huyện Đ, tỉnh S theo Quyết định số 687/QĐ-UBND ngày 24-4-2022 của UBND tỉnh S thì diện tích trên tại khoảnh 9, 10, tiểu khu 1D thuộc quy hoạch rừng phòng hộ, trạng thái là rừng trồng gỗ (ký hiệu RTG). Thực tế kết quả giám định trạng thái rừng là rừng phòng hộ là rừng tự nhiên.

Tại Kết luận định giá trong tố tụng hình sự số 15/KL-HĐĐGTS, ngày 24-8- 2023 đã kết luận:

+ Vị trí số 01: Thuộc lô 1, 2, 3 khoảnh 10 tiểu khu 1D. Có diện tích 13.300 m2 (1,33ha). Giá rừng tự nhiên: 21.128.586 đồng, giá trị thiệt hại đối với rừng:

84.514.345 đồng.

+ Vị trí số 02: Thuộc lô 1, 2, 3 khoảnh 10 tiểu khu 1D. Có diện tích 13.000 m2 (1,30ha). Giá rừng tự nhiên: 28.799.786 đồng, giá trị thiệt hại đối với rừng:

115.199.146 đồng.

Tại phụ lục I, phân chia trạng thái rừng (Ban hành kèm theo Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16-11-2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về điều tra, kiểm kê và theo dõi diễn biến rừng) thì diện tích có cây bị chặt phá tại 04 vị trí nêu trên là “rừng đã có trữ lượng”.

Tại điểm a, mục 1, Điều 10 (Trồng mới rừng phòng hộ) của Thông tư số 29/2018/TT-BNNPTNT ngày 16-11-2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về các biện pháp lâm sinh: Diện tích đất chưa có rừng hoặc rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới, rừng bảo vệ nguồn nước của cộng đồng dân cư gồm: Đất trống, thực bì là cỏ tranh, lau lách; Đất có cây bụi rải rác, cây tái sinh mục đích chiều cao trên 0,5m với số lượng dưới 300 cây/ha, không có khả năng tái sinh tự nhiên thành rừng” do đó diện tích 81.000 m2 không thuộc đối tượng trồng mới rừng phòng hộ.

Tại Công văn số 462/CNVPĐKĐĐ ngày 18-8-2022 của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Đ về việc cung cấp thông tin thửa đất, xác định như sau: Các thửa đất số 77, 90 đã được giao cho Công ty cổ phần lâm sản T, tại Quyết định số 328/QĐ-UBND, ngày 26-02-2009, của UBND tỉnh S. Hiện trạng rừng thời điểm giao đất là trạng thái IB. Loại đất được giao là: Đất đồi núi chưa sử dụng, quy hoạch rừng phòng hộ, giao để trồng rừng phòng hộ và quản lý, khai thác theo quy định.

Do hiện trường vụ án ở vị trí xa đường giao thông, xa khu dân cư, địa hình hiểm trở, đi lại khó khăn, không thể tiến hành thu giữ, vận chuyển vật chứng về trụ sở cơ quan tiến hành tố tụng để quản lý nên Hạt Kiểm lâm huyện Đ đã bàn giao hiện trường vụ án và vật chứng là các cây gỗ bị chặt hạ cho UBND xã Đ, huyện Đ, tỉnh S chủ trì trông coi, quản lý gồm: Diện tích rừng bị chặt phá là 171.400 m² (17,14 ha), trong đó có diện tích 81.600 m2 (8,16 ha) rừng phòng hộ là rừng tự nhiên, trữ lượng gỗ là 262,6 m3 gồm các cây Lim, Dẻ, Trám, Sau Sau và các loại cây rừng tự nhiên khác.

Quá trình điều tra những người làm chứng khai:

Anh Dương Chúng S khai: Khoảng 09 giờ, vào cuối tháng 02 đầu tháng 3- 2022 âm lịch (đầu tháng 4-2022 dương lịch), Dương Chúng S đi tìm hái nấm lim tại khu rừng thuộc lô 1, khoảnh 10, tiểu khu 1D (theo Bản đồ hiện trạng rừng năm 2021 xã Đ) thuộc khu đồi K1 thuộc thôn K, xã Đ trực tiếp nhìn thấy Dương Văn T mặc bộ quần áo bộ đội, đội mũ cối, cùng với khoảng 7 - 8 người Dương Chúng S không quen biết, không rõ địa chỉ ở đâu, chặt cây tại khu rừng này. Khoảng tháng 2-2023, Dương Chúng S đi tìm rau chăn lợn tại khu vực bờ suối thuộc thôn K, xã Đ, cách vị trí Sinh nhìn thấy Dương Văn T chặt phá rừng khoảng 01km thì gặp Dương Văn T, khi gặp nhau Dương Văn T nói với Dương Chúng S là nếu có ai hỏi thì không được khai Dương Văn T là người đã chặt phá rừng.

Bà Triệu Mùi P khai: Khoảng đầu năm 2022, Triệu Mùi P được Dương Văn T thuê đi trồng cây keo con 01 buổi tại lô 3, khoảnh 10, tiểu khu 1D thuộc khu đồi K1, thôn K, xã Đ được Thành trả tiền công là 125.000 đồng/buổi;

Bà Triệu Thị N và bà Dương Thị H khai: Khoảng đầu năm 2022, được vợ của Dương Văn T là Nình Móc X thuê trồng cây keo 01 buổi tại lô 1, khoảnh 10, tiểu khu 1D thuộc khu đồi K1, thôn K, xã Đ và trả tiền công là 250.000 đồng/buổi/người.

Chị Voòng Thị M khai: Vào khoảng tháng 4-2022 thấy có khoảng 4 đến 6 người cả nam và nữ là người dân tộc Mông bà không biết họ tên và địa chỉ những người này ăn ở sinh hoạt tại lán của ông Dương Văn T, tại thôn K, xã Đ, khi hỏi những người này cho bà biết là “làm thuê cho ông Dương Văn T để đi chặt phát rừng”. Ngày 01-11-2022, Voòng Thị M đang gặt lúa tại khu ruộng X thuộc thôn K, xã Đ, huyện Đ, Dương Văn T một mình đi đến và nói với Voòng Thị M nếu Công an có gọi Voòng Thị M lên hỏi thì không được khai Dương Văn T phá rừng, có khai thì khai thấy có người phá rừng nhưng không biết ai, nếu khai Dương Văn T phá rừng thì Dương Văn T cho cả làng đi tù và nếu muốn chết thì cứ khai, lúc Dương Văn T đe dọa Voòng Thị M thì có Dương Văn H có mặt ở đó và nghe thấy toàn bộ cuộc nói chuyện.

Anh Dương Văn H khai: Khoảng tháng 5-2022, Dương Văn H đến nhà bà Dương Thị M là Trưởng thôn K thì nghe chị Voòng Thị M nói chuyện với những người trong làng là Dương Văn T đốt dọn thực bì ở rừng K1 làm chết cây thông của ông Trần Văn H, sinh ngày 01-01-1975, trú tại thôn N, xã C, huyện Đ, chắc phải đền nhiều tiền lắm. Khoảng đầu tháng 11-2022, khi Dương Văn H đang ở gần Voòng Thị M thì thấy Dương Văn T đi đến nói chuyện với Voòng Thị M, Dương Văn T nói “Tao bị Công an gọi lên làm việc, chúng mày mà bị gọi lên thì không được khai là tao phát rừng”, lúc đó Dương Văn H đứng cách Dương Văn T khoảng 04 mét nên nghe rõ Dương Văn T nói, sau đó Dương Văn T nói chuyện thêm với Voòng Thị M nhưng Dương Văn H tập trung gặt lúa nên không để ý họ nói chuyện gì.

Bà Lý Thị L khai: Khoảng 9 giờ ngày 15-01-2023 âm lịch Lý Thị L cùng con gái là Voòng Thị M đi đào củ chấy tại khu vực thôn K, xã Đ thì nhìn thấy Dương Văn T sử dụng máy cắt cỏ để phát dọn đồi keo. Kết quả đưa bà Lý Thị L đến hiện trường để chỉ vị trí Dương Văn T phát cỏ cho cây keo thuộc lô số 3, khoảnh 10, tiểu khu 1D, bản đồ quy hoạch ba loại rừng xã Đ năm 2020. Ngoài ra khoảng tháng 4-2022, bà Lý Thị L đi trồng dặm cây có nhìn thấy Dương Văn T đứng một mình ở khu đồi K1 gần chỗ Dương Văn T phát cỏ đã chỉ lúc đó bà Lý Thị L nghe có tiếng máy cưa gỗ đang cắt gốc tại khu đồi mà Dương Văn T phát cỏ cho cây keo.

Quá trình điều tra, Dương Văn T không khai nhận hành vi phạm tội hủy hoại rừng nhưng thừa nhận trong năm 2022 có được trồng cây keo ở khu vực thôn K và có thuê Triệu Mùi P, Triệu Thị N, Dương Thị H trồng cây keo con trên đất của mình được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, vị trí trồng keo cách hiện trường khoảng 03km.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 02/2024/HS-ST ngày 12-01-2024 của Tòa án nhân dân huyện Đ, tỉnh S đã tuyên bố bị cáo Dương Văn T phạm tội Hủy hoại rừng. Căn cứ vào điểm c khoản 3 và khoản 4 Điều 243; các Điều 38, 50 Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo Dương Văn T 07 (bẩy) năm 06 (sáu) tháng tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 03 tháng 6 năm 2023; Phạt bổ sung đối với bị cáo Dương Văn T số tiền 20.000.000 (hai mươi triệu đồng) để sung ngân sách Nhà nước.

Ngoài ra bản án còn tuyên về trách nhiệm bồi thường thiệt hại; quyết định về án phí, tuyên quyền kháng cáo và quyền thi hành án dân sự theo quy định.

Trong thời hạn luật định, bị cáo Dương Văn T kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Tại phiên tòa, bị cáo Dương Văn T giữ nguyên nội dung kháng cáo, bị cáo cho rằng bản thân không được thực hiện hành vi phá rừng như bản án sơ thẩm đã kết tội.

Người bào chữa cho bị cáo trình bày: Những người làm chứng không nhìn thấy trực tiếp bị cáo chặt phá rừng; lời khai của những người làm chứng tại phiên toà hôm nay khác với lời khai do người bào chữa thu thập; người làm chứng Dương Chúng S trước đây có mâu thuẫn với bị cáo nên lời khai không khách quan. Những tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án chưa đử căn cứ để kết tội như bản án sơ thẩm quyết định; cấp sơ thẩm có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng vì sử dụng lời khai không khách quan của người làm chứng Dương Chúng S. Do vậy đề nghị Hội đồng xét xử huỷ bản án sơ thẩm để điều tra lại.

Nguyên đơn dân sự là Ủy ban nhân dân huyện Đ, tỉnh S vẫn giữ nguyên yêu cầu bồi thường và đề nghị xử lý theo quy định của pháp luật.

Người làm chứng anh Dương Văn H, anh Dương Chúng S, chị Voòng Thị M, bà Triệu Thị N và bà Triệu Mùi P trình bày tại phiên toà như những gì đã khai tại Cơ quan điều tra.

Ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh S: Sau khi xét xử sơ thẩm, trong thời hạn luật định bị cáo Dương Văn T có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, bị cáo không được thực hiện hành vi phạm tội như bản án sơ thẩm đã quy kết. Xét thấy, bản án sơ thẩm có sai sót về thông tin của mẹ bị cáo, đề nghị cấp phúc thẩm khắc phục nội dung về thông tin của mẹ bị cáo.

Về nội dung kháng cáo: Mặc dù bị cáo không thừa nhận hành vi phạm tội của bản thân nhưng căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và lời khai của những người làm chứng tại phiên toà phúc thẩm hôm nay có đủ căn cứ để kết luận bị cáo Dương Văn T là người thực hiện hành vi phạm tội, đã chặt phá 26.300m2 rừng tại các lô 1, 2, 3 khoảnh 10 tiểu khu 1D, Bản đồ hiện trạng rừng xã Đ năm 2021 (thuộc thửa đất số 90, khoảnh 10, tờ bản đồ số 02, xã Đ). Bản án sơ thẩm đã xem xét đầy đủ, khách quan, toàn diện để xử phạt bị cáo 07 năm 06 tháng tù về tội Huỷ hoại rừng là hoàn toàn có căn cứ, đúng quy định của pháp luật. Do đó, bị cáo kháng cáo cho rằng bản thân không được thực hiện hành vi huỷ hoại rừng là không có cơ sở để chấp nhận, đề nghị Hội đồng xét xử bác kháng cáo của bị cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Tại phiên tòa, bị cáo Dương Văn T giữ nguyên kháng cáo toàn bộ bản án và không thừa nhận hành vi phạm tội của bản thân. Xét kháng cáo của bị cáo thấy rằng:

[2] Tại cấp phúc thẩm, người bào chữa cho bị cáo là ông Triệu Quang H có xuất trình thêm các tài liệu mới là biên bản ghi lời khai của những người làm chứng là anh Dương Văn H, chị Voòng Thị M, bà Triệu Thị N, bà Triệu Mùi P và bà Lý Thị L tuy nhiên, tại phiên tòa anh Dương Văn H, chị Voòng Thị M, bà Triệu Thị N, bà Triệu Mùi P đã có mặt và có lời khai tại phiên tòa như những gì đã khai tại Cơ quan điều tra. Chị Nình Móc X cung cấp cho Tòa án 01 đơn đề nghị và 01 hình ảnh về việc có xe chở gỗ ra từ khu rừng K, xã Đ nhưng nội dung đơn và hình ảnh là không có cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với anh Trần Văn H.

[3] Mặc dù bị cáo Dương Văn T không thừa nhận hành vi phạm tội nhưng căn cứ lời khai của những người làm chứng bà Triệu Mùi P, bà Triệu Thị N, chị Dương Thị H, anh Dương Chúng S, bà Lý Thị L và việc những người làm chứng này đến hiện trường để xác định vị trí Dương Văn T thuê trồng cây keo đã xác định được Dương Văn T đã thuê những người này trồng cây keo tại các lô 1, lô 2 và lô 3 khoảnh 10 tiểu khu 1D – Bản đồ hiện trạng rừng năm 2021 xã Đ, thuộc một phần thửa đất số 90, tờ bản đồ số 02, xã Đ. Anh Dương Chúng S có khai khoảng tháng 2,3 năm 2022 trong khi đi hái nấm, đứng cách tầm 4-5m, anh khẳng định được tận mắt nhìn thấy Dương Văn T mặc bộ quần áo bộ đội, đội mũ cối, cùng với khoảng 7 – 8 người Dương Chúng S không quen biết, không rõ địa chỉ ở đâu, chặt cây tại khu rừng này. Khoảng tháng 2-2023, Dương Chúng S đi tìm rau chăn lợn tại khu vực bờ suối thuộc thôn K, xã Đ, cách vị trí Dương Chúng S nhìn thấy Dương Văn T chặt phá rừng khoảng 01km thì gặp Dương Văn T, khi gặp nhau Dương Văn T nói với Dương Chúng S là nếu có ai hỏi thì không được khai Dương Văn T là người đã chặt phá rừng. Chị Voòng Thị M xác định vào khoảng tháng 4-2022 thấy có khoảng 4 đến 6 người cả nam và nữ là người dân tộc Mông bà không biết họ tên và địa chỉ những người này, ăn ở sinh hoạt tại lán của bị cáo Dương Văn T, tại thôn K, xã Đ, khi chị hỏi những người này cho chị biết là “làm thuê cho ông Dương Văn T để đi chặt phát rừng”. Ngoài ra ngày 01-11-2022 Dương Văn T đến gặp và nói đe dọa chị Voòng Thị M là nếu Công an có gọi Voòng Thị M lên hỏi thì không được khai Dương Văn T phá rừng, có khai thì khai thấy có người phá rừng nhưng không biết ai, nếu khai Dương Văn T phá rừng thì Dương Văn T cho cả làng đi tù và nếu muốn chết thì cứ khai, lúc Dương Văn T đe dọa chị Voòng Thị M thì có anh Dương Văn H có mặt ở đó và nghe thấy toàn bộ cuộc nói chuyện. Anh Dương Văn H cũng khẳng định Dương Văn T có nói “Tao bị Công an gọi lên làm việc, chúng mày mà bị gọi lên thì không được khai là tao phát rừng”.

[4] Người bào chữa cho bị cáo cho rằng người làm chứng Dương Chúng S trước đây có mâu thuẫn với bị cáo nên lời khai không khách quan. Tuy nhiên, qua đối chất tại phiên toà giữa bị cáo và anh Dương Chúng S không có căn cứ xác định bị cáo và người làm chứng Dương Chúng S có mâu thuẫn với nhau, lời khai của anh Dương Chúng S tại phiên toà giống như nội dung đã khai báo tại Cơ quan điều tra, do đó xác định lời khai của anh Dương Chúng S là khách quan.

[5] Xét thấy, lời khai của những người làm chứng là phù hợp với nhau và phù hợp với các tài liệu chứng cứ được thu thập trong quá trình điều tra có trong hồ sơ vụ án. Do đó có đủ cơ sở để khẳng định: Trong thời gian tháng 4-2022 bị cáo Dương Văn T đã thực hiện hành vi chặt phá rừng đối với vị trí số 01 có diện tích là 13.300 m2 và vị trí số 02 có diện tích 13.000 m2, cùng tại các lô 1, 2, 3 khoảnh 10 tiểu khu 1D, Bản đồ hiện trạng rừng xã Đ năm 2021 (thuộc thửa đất số 90, khoảnh 10, tờ bản đồ số 02, xã Đ) tổng diện tích rừng tự nhiên bị Dương Văn T chặt phá tại hai vị trí này là 26.300 m2 đều thuộc loại rừng phòng hộ là rừng tự nhiên. Thiệt hại về giá trị lâm sản và giá trị về môi trường rừng phòng hộ tại vị trí số 01 và vị trí số 02 là 249.641.863 đồng. Vì vậy, việc truy tố và xét xử bị cáo Dương Văn T về tội Hủy hoại rừng theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 243 của Bộ luật Hình sự năm 2015 là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

[6] Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét đầy đủ, khách quan, toàn diện, đánh giá đúng tính chất mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân và tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo (bị cáo không có tình tiết tăng nặng và cũng không có tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự) và ấn định mức hình phạt 07 năm 06 tháng tù là phù hợp và có căn cứ.

[7] Về trách nhiệm dân sự: Hành vi phạm tội của bị cáo đã gây thiệt hại về rừng với tổng giá trị là 249.641.863 đồng nên việc Tòa án cấp sơ thẩm buộc bị cáo phải bồi thường cho nguyên đơn dân sự là Ủy ban nhân dân huyện Đ toàn bộ thiệt hại là có căn cứ, đúng quy định.

[8] Bị cáo bị kết án và có trách nhiệm trong việc bồi thường thiệt hại nên bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm và án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án hình sự như Bản án sơ thẩm đã tuyên.

[9] Từ những nhận định nêu trên, Hội đồng xét xử không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của bị cáo, cần giữ nguyên bản án sơ thẩm.

[10] Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo có ý kiến về việc mẹ bị cáo hiện nay còn sống nhưng Bản án sơ thẩm xác định tại phần lý lịch là mẹ bị cáo đã chết. Qua tranh tụng tại phiên tòa và kiểm tra các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, xác định mẹ bị cáo là bà Đàm Thị N (tên gọi khác: Đàm Thị N2), sinh năm 1931 hiện nay vẫn còn sống nên Tòa án cấp phúc thẩm cần khắc phục nội dung này. Tòa án cấp sơ thẩm cần nghiêm túc rút kinh nghiệm.

[11] Ý kiến của đại diện Viện kiểm sát phù hợp với nhận định trên nên được Hội đồng xét xử chấp nhận. Ý kiến của người bào chữa không phù hợp với nhận định nêu trên của Hội đồng xét xử nên không được chấp nhận.

[12] Về án phí: Do kháng cáo không được chấp nhận nên bị cáo phải chịu án phí hình sự phúc thẩm theo quy định.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355, Điều 356 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; không chấp nhận kháng cáo toàn bộ bản án của bị cáo Dương Văn T; giữ nguyên Bản án hình sự sơ thẩm số 02/2024/HS-ST ngày 12-01-2024 của Tòa án nhân dân huyện Đ, tỉnh S, cụ thể như sau:

1. Về trách nhiệm hình sự:

Căn cứ vào điểm c khoản 3 và khoản 4 Điều 243; các Điều 38, 50 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Tuyên bố bị cáo Dương Văn T phạm tội Hủy hoại rừng.

Xử phạt bị cáo Dương Văn T 07 (bẩy) năm 06 (sáu) tháng tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 03-6-2023.

Phạt bổ sung đối với bị cáo Dương Văn T số tiền 20.000.000 (hai mươi triệu) đồng để sung ngân sách Nhà nước.

2. Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại:

Căn cứ khoản 1 Điều 584; khoản 1 Điều 585; khoản 1 Điều 586; khoản 1, khoản 2 Điều 589; các Điều 357 và 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.

Buộc bị cáo Dương Văn T phải bồi thường thiệt hại cho Ủy ban nhân dân huyện Đ, tỉnh S số tiền 249.641.863 (hai trăm bốn mươi chín triệu sáu trăm bốn mươi mốt nghìn tám trăm sáu mươi ba) đồng.

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

3. Về án phí:

Căn cứ khoản 2 Điều 135, khoản 2 Điều 136 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, điểm a, c, f khoản 1 Điều 23, điểm b khoản 2 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khoá 14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án.

Bị cáo Dương Văn T phải chịu số tiền 200.000 (hai trăm nghìn) đồng phí hình sự sơ thẩm, 200.000 (hai trăm nghìn) đồng án phí hình sự phúc thẩm và số tiền 12.482.000 (mười hai triệu bốn trăm tám mươi hai nghìn) đồng án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án hình sự, tổng cộng bị cáo Dương Văn T phải chịu số tiền 12.882.000 (mười hai triệu tám trăm tám mươi hai nghìn) đồng.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án dân sự được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

209
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 13/2024/HS-PT về tội hủy hoại rừng

Số hiệu:13/2024/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Lạng Sơn
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 01/04/2024
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;