TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BẮC NINH
BẢN ÁN 13/2022/KDTM-PT NGÀY 19/07/2022 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA
Trong các ngày 15/6; 13/7 và ngày 19/7/2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh xét xử phúc thẩm vụ án thụ lý số: 14/2022/TLPT-KDTM ngày 01/3/2022 về “Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa”.
Do bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số: 02/2021/KDTM-ST ngày 29/11/2021 của Tòa án nhân dân thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh bị kháng cáo.
Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 16/2022/QĐ-PT ngày 13/4/2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh giữa các đương sự:
- Nguyên đơn : Công ty TNHH I; Địa chỉ: Lô F, phân khu T - H, xã H, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.
Người đại diện theo pháp luật: Ông KIM KYUNG S - Chức vụ: Tổng Giám đốc.
Người đại diện theo uỷ quyền tham gia tố tụng: Công ty Luật TNHH Hà Đăng - Chi nhánh Bắc Ninh do bà Nguyễn Thị Hồng Ng - Giám đốc chi nhánh là đại diện; Địa chỉ: Số 50 Hồ Ngọc L, phường Kinh B, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh (Giấy ủy quyền ngày 01/4/2021, vắng mặt) và ông Nguyễn Trọng Thanh, sinh năm 1979; Nơi ĐKHKTT: Khu 4, phường Thị Cầu, thành phố Bắc Ninh, thành phố Bắc Ninh (Giấy ủy quyền ngày 01/9/2021, có mặt).
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị Phương H - Luật sư, Công ty Luật TNHH Hà Đăng, đoàn luật sư tỉnh Bắc Ninh;
Địa chỉ: Số 50 Hồ Ngọc L, phường Kinh B, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh (vắng mặt).
- Bị đ ơn Công ty TNHH L; Địa chỉ: Lô N-7-1, khu Công nghiệp Quế Võ (khu vực mở rộng), phường N, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.
Người đại diện theo pháp luật: Ông SIN JEONG M - Chức vụ: Tổng giám đốc (vắng mặt) Người đại diện theo ủy quyền: Ông JUNG KUM S, sinh năm 1967; Quốc tịch: Hàn Quốc (có mặt) Người phiên dịch: Bà Nguyễn Thị Thương, sinh năm 1998; Nơi ĐKHKTT: khu Quảng Châu, thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa - Phiên dịch Công ty (có mặt).
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn: Ông Nguyễn Xuân D - Luật sư thuộc Công ty Luật TNHH tập đoàn Hà Thành, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội; địa chỉ: 8/21 Nguyễn Ngọc Nại, phương Khương Mai, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội (có mặt).
Người có kháng cáo: Công ty TNHH L.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo bản án sơ thẩm và các tài liệu trong hồ sơ thì vụ án có nội dung như sau: Trong đơn khởi kiện cùng các lời khai tiếp theo tại tòa án người đại diện theo uỷ quyền tham gia tố tụng của nguyên đơn do ông Nguyễn Trọng Thanh trình bày: Ngày 01/7/2019 Công ty TNHH I (sau đây gọi tắt là Công ty IB ENG) và Công ty TNHH L (sau đây gọi tắt là Công ty L) có ký hợp đồng nguyên tắc về việc mua bán hàng hoá. Cụ thể: Công ty IB ENG cung cấp hàng hóa là các loại khuôn mẫu cho Công ty L. Thời gian thanh toán là 60 ngày kể từ ngày xuất hóa đơn tài chính.
Sau khi ký hợp đồng, nguyên đơn tiến hành giao các sản phẩm đúng số lượng và chất lượng theo yêu cầu từng đơn hàng của bị đơn. Bị đơn cũng đã thực hiện thanh toán theo đúng quy định của hợp đồng mua bán đến hết kỳ thanh toán tháng 9/2019. Đến kỳ thanh toán từ tháng 10/2019 đến tháng 4/2020 Công ty L đã vi phạm các nghĩa vụ thanh toán. Cụ thể:
- Đơn hàng tháng 10/2019 theo hóa đơn giá trị gia tăng số 0000158 ngày 31/10/2019 trị giá 328.368.040 đồng. Giao hàng ngày 01/10/2019 theo phiếu giao hàng số XK292/INENG và ngày 25/10/2019 theo phiếu giao hàng số XK325/IBENG.
- Đơn hàng tháng 11/2019 theo hóa đơn giá trị gia tăng số 0000171 ngày 30/11/2019 trị giá 190.762.660 đồng. Giao hàng ngày 05/11/2019 theo phiếu xuất kho số XK340/IBENG; ngày 12/11/2019 theo phiếu xuất kho số XK358/IBENG và ngày 28/11/2019 theo phiếu xuất kho số XK388/IBENG.
- Đơn hàng tháng 12/2019 theo hóa đơn giá trị gia tăng số 0000185 ngày 25/12/2019 trị giá 177.745.040 đồng. Giao hàng ngày 07/12/2019 theo phiếu xuất kho số XK07/IB-LIM.
- Đơn hàng tháng 02/2020 theo hóa đơn giá trị gia tăng số 0000222 ngày 29/02/2020 trị giá 211.457.400 đồng. Giao hàng ngày 07/02/2020 theo phiếu xuất kho số XK08/IB-LIM và ngày 24/02/2020 theo phiếu xuất kho số XK09/IB-LIM.
Ngoài ra phía nguyên đơn còn sửa chữa máy móc theo biên bản nghiệm thu và bàn giao ngày 03/02/2020; ngày 10/02/2020 và ngày 13/02/2020. Theo hóa đơn giá trị gia tăng số 0000223 ngày 29/02/2020 tổng chi phí là 3.850.000 đồng.
- Đơn hàng tháng 3/2020 theo hóa đơn giá trị gia tăng số 0000240 ngày 31/3/2020 trị giá 245.234.000 đồng. Giao hàng ngày 09/3/2020 theo phiếu xuất kho XK09/IB-LIM; ngày 11/3/2020 theo phiếu xuất kho số XK11/IB-LIM; ngày 18/3/2020 theo phiếu xuất kho số XK18/IB-LIM và ngày 24/3/2020 theo phiếu xuất kho số XK24/IB-LIM.
- Đơn hàng tháng 4/2020 trị giá 113.315.400 đồng. Giao hàng ngày 25/4/2020 theo phiếu xuất kho số XK2504/IB-LIM Tính từ ngày 31/10/2019 đến ngày 29/4/2020 Công ty IB ENG đã xuất hoá đơn giá trị gia tăng và gửi cho Công ty L làm 07 lần với tổng số tiền là 1.270.732.540 đồng. Tuy nhiên, Công ty L không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thanh toán của mình khi hợp tác với công ty IB ENG. Tính đến ngày 08/7/2020 Công ty L mới thanh toán được tổng cộng là 290.762.660 đồng. Sau đó, Công ty IB ENG đã gửi Công văn đề nghị thanh toán cho Công ty L yêu cầu thanh toán nợ gốc và lãi. Phía Công ty L không đồng ý thanh toán lãi và ông SIN JEONG M hẹn ngày thanh toán là 20/11, 01/12 và ngày 15/12. Sau đó, ngày 07/12/2020 Công ty L chỉ thanh toán được 77.745.040 đồng. Kể từ đó đến nay Công ty L không thanh toán được thêm khoản nợ gốc nào khác. Tổng cộng số nợ gốc Công ty L còn nợ là 902.224.840 đồng.
Công ty TNHH I làm đơn khởi kiện đề nghị Toà án buộc Công ty TNHH L thanh toán toàn bộ tiền hàng chưa thanh toán cho Công ty TNHH I tổng cộng là 902.224.840 đồng và lãi suất chậm thanh toán là 10%/năm kể từ thời điểm vi phạm (Theo Điều 5 của hợp đồng thì “thời hạn thanh toán là 60 ngày kể từ ngày trên hoá đơn tài chính của bên bán) tạm tính đến ngày 06/9/2021 tổng cộng là 128.153.231 đồng, cụ thể:
- Hóa đơn ngày 31/10/2019 kể từ ngày 31/12/2019 tạm tính đến ngày 06/9/2021 là 284.148.700đ x 10%/năm x 610 ngày = 47.319.283 đồng - Hóa đơn ngày 30/11/2019 kể từ ngày 31/01/2020 tạm tính đến ngày 06/9/2021 là 44.219.340đ x 10%/năm x 580 ngày = 7.001.690 đồng - Hóa đơn ngày 25/12/2019 kể từ ngày 25/02/2020 tạm tính đến ngày 06/9/2021 là 77.745.040đ x 10%/năm x 555 ngày = 11.779.539 đồng - Hóa đơn ngày 29/02/2020 kể từ ngày 29/4/2020 tạm tính đến ngày 06/9/2021 là 133.712.360đ x 10%/năm x 491 ngày = 17.923.205 đồng - Hóa đơn ngày 31/3/2020 kể từ ngày 31/5/2020 tạm tính đến ngày 06/9/2021 là 245.315.400đ x 10%/năm x 460 ngày = 30.796.485 đồng - Hóa đơn ngày 29/4/2020 kể từ ngày 29/6/2020 tạm tính đến ngày 06/9/2021 là 113.315.400đ x 10%/năm x 431 ngày = 13.333.029 đồng.
Tổng nợ gốc và lãi là: 1.030.378.071 đồng.
Tại biên bản lấy lời khai ngày 25/8/2021 chị Hồ Thị Thanh Thủy - kế toán của Công ty TNHH L cho biết: Người đại diện theo pháp luật của Công ty là ông SIN JEONG M - chức vụ Tổng giám đốc đã về Hàn Quốc đầu năm 2020 đến nay. Ông SIN JEONG M vẫn điều hành Công ty từ xa bằng các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính mà không ủy quyền cho ai tại Việt Nam để điều hành mà chỉ ủy quyền cho người khác phụ trách sản xuất. Công ty đã nhận được Thông báo thụ lý, văn bản tố tụng của Tòa án nhân dân thành phố Bắc Ninh và đã thông báo lại cho ông SIN JEONG M. Ông SIN JEONG M đã biết việc Công tyTNHH I khởi kiện tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa. Ông SIN JEONG M xác nhận số tiền hàng còn nợ đối với Công ty IB ENG nhưng do công ty đang gặp khó khăn nên chưa thanh toán được ngay.
Tại phiên tòa, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và đề nghị Công ty TNHH L thanh toán số tiền hàng còn nợ là 902.224.840 đồng. Về lãi suất chậm trả, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn thay đổi một phần yêu cầu khởi kiện chỉ yêu cầu Công ty L thanh toán lãi suất chậm trả là 10% trên số tiền hàng còn nợ kể từ ngày 08/12/2020 tạm tính đến hết ngày 29/11/2021. Tổng cộng nợ gốc và lãi là 988.986.736 đồng.
Việc người đại diện theo ủy quyền của bị đơn chỉ đồng ý thanh toán khi nguyên đơn cung cấp hóa đơn đặt hàng là không có cơ sở. Vì theo Điều III của hợp đồng thì“việc thanh toán sẽ dựa vào số lượng hàng thực giao và thư nhận ghi trong hóa đơn GTGT”. Ngoài ra, theo hợp đồng hóa đơn đặt hàng có thể được thay thế bằng Email và thực tế những lần bị đơn thanh toán cho nguyên đơn đều không yêu cầu hóa đơn đặt hàng. Công ty IB ENG đã xuất hóa đơn cho Công ty L, phía Công ty L đều nhận được và không có phản hồi gì về việc đặt hàng, đơn hàng hay chất lượng hàng hóa. Thực tế phía Công ty L đã thanh toán được một phần tiền hàng là 553.385.250 đồng.
Ngày 07/02/2020 Công ty L còn gửi Công ty IB ENG thư xác nhận công nợ về việc xác nhận Công ty L còn nợ Công ty IB ENG số tiền là 696.875.740 đồng. Tại Công văn đề nghị thanh toán phía Công ty L chỉ không đồng ý với yêu cầu về lãi suất mà không có ý kiến gì về số nợ gốc và đến ngày 07/12/2020 Công ty L còn tiếp tục thanh toán cho Công ty IB ENG số tiền hàng là 77.745.040 đồng. Như vậy, Công ty L đã nhất trí về số tiền hàng công ty L còn nợ Công ty IB ENG.
Người đại diện ủy quyền của bị đơn tham gia tố tụng trình bày: Công ty L xác nhận ngày 01/7/2019 Công ty TNHH IB ENG và Công ty TNHH L có ký hợp đồng nguyên tắc về việc mua bán hàng hoá. Cụ thể: Công ty IB ENG cung cấp hàng hóa là các loại khuôn mẫu cho Công ty L. Thời gian thanh toán là 60 ngày kể từ ngày xuất hóa đơn tài chính. Công ty L xác nhận đã thanh toán được cho nguyên đơn số tiền hàng là 553.385.250 đồng. Cụ thể ngày 01/4/2020 là 44.219.340 đồng; ngày 12/5/2020 là 146.543.320 đồng; ngày 08/7/2020 là 100.000.000 đồng và ngày 07/12/2020 là 77.745.040 đồng.
Công ty L cũng xác nhận ngày 07/02/2020 Công ty gửi Công ty IB ENG thư xác nhận công nợ về việc xác nhận Công ty L còn nợ Công ty IB ENG số tiền là 696.875.740 đồng tính đến ngày 31/12/2019 và ký xác nhận tại văn bản đề nghị thanh toán về việc không đồng ý trả lãi và lên phương án trả nợ. Tuy nhiên, Công ty L cũng đề nghị phía Công ty IB ENG gửi đơn đặt hàng có dấu của Công ty L để phía Công ty đối chiếu do đơn đặt hàng này là của phía Tổng Công ty L bên Hàn Quốc. Vì những đơn hàng của Công ty L đặt của Công ty đều đã thanh toán hết. Còn đối với các đơn hàng Công ty IB ENG yêu cầu thanh toán đều là Tổng Công ty L ở Hàn Quốc đặt nên cần có đơn đặt hàng để đối chiếu để Tổng Công ty L ở Hàn Quốc thanh toán thì phía Công ty L mới có thể thanh toán được cho công ty IB ENG. Khi yêu cầu hóa đơn đặt hàng có dấu xác nhận của Công ty L thì công ty L chỉ yêu cầu bằng miệng, không có tài liệu chứng cứ cũng như người làm chứng để chứng minh.
Nay, Công ty IB ENG khởi kiện đề nghị Công ty L thanh toán số tiền hàng còn nợ là 902.224.840 đồng và lãi suất chậm thanh toán là 10%/năm kể từ ngày 08/12/2020 tạm tính đến hết ngày 29/11/2021. Tổng cộng nợ gốc và lãi là 988.986.736 đồng thì Công ty L không đồng ý. Công ty L chỉ đồng ý thanh toán cho Công ty IB ENG những đơn hàng kèm phiếu xuất kho có chữ ký của ông JUNG KUM S tại mục người nhận hàng là phiếu xuất kho ngày 12/11/2019, 05/11/2019, 24/02/2020. Đối với những đơn hàng còn lại Công ty chỉ thanh toán khi Công ty IB ENG cung cấp được hóa đơn đặt hàng để phía Công ty L đối chiếu số hàng đã đặt.
Với nội dung như trên bản án sơ thẩm số 02/2021/KDTM-ST ngày 29/11/2021 của Tòa án nhân dân thành phố Bắc Ninh đã căn cứ các điều 30, 35, 39, 147, 227, 228, 271, 273 của Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 84, 117, 137, 357 của Bộ luật dân sự 2015; Điều 3, 24, 50, 306, 319 Luật thương mại; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc Hội.
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty TNHH I.
2. Buộc Công ty TNHH L phải trả cho Công ty Công ty TNHH I tổng số tiền là: 988.986.736 đồng, trong đó:
Số tiền nợ gốc là: 902.224.840 đồng.
Số tiền lãi chậm trả tạm tính đến hết ngày 29/11/2021 là: 86.761.896 đồng..
Ngoài ra bản án sơ thẩm còn tuyên xử về án phí, nghĩa vụ thi hành án và quyền kháng cáo của các đương sự theo quy định của pháp luật.
Sau khi xử sơ thẩm, ngày 14/12/2021 Công ty TNHH L có đơn kháng toàn bộ bản án.
Tại phiên tòa phúc thẩm, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện; người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn và người đại diện theo ủy quyền của bị đơn trình bày, tranh luận giữ nguyên yêu cầu kháng cáo. Các đương sự không tự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết tranh vụ án.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Ninh tham gia phiên tòa phát biểu ý kiến về việc tuân thủ pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử; việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng dân sự kể từ khi thụ lý phúc thẩm cho đến phần tranh luận tại phiên tòa là đảm bảo theo đúng trình tự, quy định của pháp luật và đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 1 Điều 308, 148 Bộ luật tố tụng dân sự, giữ nguyên bản án sơ thẩm xử.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên toà, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà, Hội đồng xét xử nhận định:
[1]. Xét kháng cáo của Công ty TNHH L được nộp trong hạn luật định và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ là kháng cáo hợp lệ nên được được xem xét giải quyết theo trình tự xét xử phúc thẩm.
[2]. Xét nội dung kháng cáo của Công ty TNHH L:
Thứ nhất, ngày 01/7/2019 Công ty IB ENG và Công ty L cùng thỏa thuận ký một hợp đồng nguyên tắc số: LIM-IBV-01 ngày 01/7/2019 việc ký hợp đồng do người đại diện theo pháp luật của Công ty thực hiện, người tham gia ký kết đủ năng lực dân sự, việc ký hợp đồng là tự nguyện, đối tượng các bên thỏa thuận trong hợp đồng thuộc phạm vi được phép kinh doanh theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Công ty, mục đích hợp đồng không trái pháp luật, đạo đức xã hội. Việc bản án sơ thẩm căn cứ theo Điều 3, Điều 24 Luật Thương mại để xác định hợp đồng mua bán hàng hóa giữa hai bên là hợp pháp và có hiệu lực thi hành là có căn cứ.
Thứ hai, trong quá trình thực hiện hợp đồng Công ty IB ENG đã cung cấp đủ số lượng hàng hóa cho Công ty L có tổng giá trị là 1.270.732.540 đồng. Tất cả các đơn hàng Công ty IB ENG đều đã xuất hóa đơn gửi cho Công ty L. Công ty L không có ý kiến thắc mắc, khiếu nại gì và Công ty L đã thanh toán cho Công ty IB ENG tổng cộng là 368.507.700 đồng.
Phía Công ty L đề nghị nguyên đơn cung cấp hóa đơn đặt hàng bằng văn bản có chữ ký của người có thẩm quyền hoặc dấu xác nhận của Công ty L theo khoản 1.1 Điều I của hợp đồng và chỉ công nhận những đơn đặt hàng đó là hợp pháp, đối với những đơn đặt hàng mà không có chữ ký của người có thẩm quyền hoặc có dấu xác nhận của Công ty thì Công ty chưa có cơ sở xác định để làm căn cứ thanh toán cho nguyên đơn. Tuy nhiên, tại khoản 1.1 Điều I của hợp đồng các bên đã thỏa thuận đơn đặt hàng có thể thay thế bằng Email. Trong khi đó tại Thư xác nhận công nợ tháng 7/2020 và tại Công văn đề nghị thanh toán của nguyên đơn gửi phía bị đơn đều không có ý kiến gì đối với số tiền hàng còn nợ và sau khi bị đơn nhận được hóa đơn GTGT từ phía nguyên đơn nhưng không có ý kiến phản hồi. Trong quá trình giải quyết vụ án bị đơn trình bày là có ý kiến phản hồi về việc yêu cầu cung cấp hóa đơn đặt hàng nhưng chỉ là thông báo miệng và không có tài liệu chứng cứ gì chứng minh nên bản án sơ thẩm nhận định không chấp nhận ý kiến này của bị đơn là phù hợp. Do vậy, việc bị đơn không có ý kiến gì đối với thư xác nhận công nợ, công văn đề nghị thanh toán và nhận các hóa đơn đồng nghĩa với việc thừa nhận các đơn hàng mà nguyên đơn đã chuyển cho bị đơn.
Thứ ba, căn cứ Thư xác nhận công nợ ngày 07/02/2020 của Công ty L đề nghị Công ty IB ENG xác nhận số tiền Công ty L còn nợ Công ty IB ENG tính đến ngày 31/12/2019 là 696.875.740 đồng. Theo văn bản đề nghị thanh toán đã xác định tính đến hết ngày 08/7/2020 Công ty L còn nợ Công ty IB ENG số tiền nợ gốc là 979.969.880 đồng. Sau khi có văn bản đề nghị thanh toán thì ngày 07/12/2020, Công ty L đã thanh toán số tiền 77.745.040 đồng và được Công ty IB ENG thừa nhận. Như vậy, việc bản án sơ thẩm xác định Công ty L còn nợ Công ty IB ENG số tiền hàng là 902.224.840 đồng và chấp nhận yêu cầu khởi kiện buộc Công ty L phải thanh toán số tiền hàng còn nợ là 902.224.840 đồng là có căn cứ theo Điều 50 Luật thương mại 2005.
Thứ tư, theo Hợp đồng nguyên tắc số LIM-IBV-01 ngày 01/7/2019 giữa Công ty IB ENG và Công ty L không thỏa thuận về tiền lãi chậm trả. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 306 Luật thương mại, khi Công ty L vi phạm nghĩa vụ thanh toán thì Công ty IB ENG có quyền yêu cầu Công ty L trả tiền lãi trên số tiền chậm trả theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Do vậy, việc bản án sơ thẩm buộc Công ty L phải chịu khoản lãi suất chậm thanh toán là phù hợp.
Nguyên đơn yêu cầu bị đơn thanh toán lãi suất chậm trả theo Điều 357, Điều 468 Bộ luật dân sự 2015 là 10%/năm. Theo Điều 11 Nghị quyết 01/2019/NQ- HĐTP TANDTC ngày 11/01/2019 thì Công ty L phải thanh toán lãi suất chậm thanh toán cho Công ty IB ENG quá hạn áp dụng trung bình của 03 Ngân hàng thương mại (Ngân hàng thương mại Cổ phần Ngoài thương Việt Nam, Ngân hàng Thương mại Cổ phần công thương Việt Nam theo lãi suất, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam) có trụ sở, chi nhánh hoặc phòng giao dịch tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi Tòa án đang giải quyết, xét xử có trụ sở tại thời điểm thanh toán để quyết định mức lãi suất chậm trả. Theo Công văn của Ngân hàng thì mức 10% lãi suất chậm trả mà phía nguyên đơn yêu cầu không cao hơn mức lãi suất quá hạn trung bình của ba Ngân hàng. Do vậy, việc bản án chấp nhận mức thanh toán lãi suất chậm thanh toán theo yêu cầu của nguyên đơn là có căn cứ.
Theo thỏa thuận của hợp đồng thì các bên phải có nghĩa vụ thanh toán cho nhau trong vòng 60 ngày kể từ ngày xuất hóa đơn GTGT. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết vụ án nguyên đơn chỉ đề nghị xác định thời điểm tính lãi từ ngày 08/12/2020 (là thời điểm sau ngày 07/12/2020 khi Công ty L thanh toán cho Công ty IB ENG số tiền 77.745.040 đồng sau cùng). Xét thấy, đề nghị của nguyên đơn đối với thời hạn tính lãi suất chậm thanh toán là phù hợp, việc bản án chấp nhận thời điểm tính lãi chậm thanh toán từ ngày 08/12/2020 đến ngày xét xử sơ thẩm ngày 29/11/2021 là có căn cứ.
Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 15/6/2022, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn và người đại diện theo ủy quyền của bị đơn đề nghị hội đồng xét xử tạm ngưng phiên tòa để giám định mẫu dấu của công ty và mẫu chữ ký của ông SIN JEONG M trong các Thư xác nhận công nợ, sau khi nghe ý kiến của Kiểm sát viên, hội đồng xét xử quyết định tạm ngưng phiên tòa, đồng thời yêu cầu phía nguyên đơn cung cấp các Thư xác nhận công nợ, yêu cầu phía bị đơn cung cấp Thư xác nhận công nợ, cung cấp dấu của công ty, chữ ký của ông SIN JEONG M và nộp tiền tạm ứng chi phí giám định, tuy nhiên hết thời hạn tạm ngừng phiên tòa, phía nguyên đơn, bị đơn không cung cấp các tài liệu do Tòa án yêu cầu nên không có căn cứ trưng cầu giám định là phù hợp.
Từ những phân tích trên có thể thấy bản án sơ thẩm xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của công ty IB ENG là có căn cứ. Hơn nữa, tại phiên tòa phúc thẩm bị đơn là Công ty L cũng không cung cấp thêm được chứng cứ nào mới nên kháng cáo của Công ty L là không có căn cứ cần bác toàn bộ kháng cáo của Công ty L và giữ nguyên bản án sơ thẩm xử.
[3]. Án phí phúc thẩm: Do kháng cáo không được chấp nhận nên Công ty L phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ Điều 148, khoản 1 Điều 308 bộ luật tố tụng dân sự; Các Điều 84, 117, 137, 357 của Bộ luật dân sự 2015; Các Điều 3, 24, 50, 306, 319 Luật thương mại và Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Xử: Giữ nguyên bản án sơ thẩm.
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty TNHH I.
2. Buộc Công ty TNHH L phải trả cho Công ty Công ty TNHH I tổng số tiền là: 988.986.736 đồng, (trong đó số tiền nợ gốc là: 902.224.840 đồng; số tiền lãi chậm trả tạm tính đến hết ngày 29/11/2021 là: 86.761.896 đồng).
Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật (đối với trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
3. Về án phí: Công ty TNHH I không phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm và án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm. Hoàn trả lại Công ty TNHH I 20.888.000 đồng tiền tạm ứng án phí theo biên lai thu số 0001040 ngày 30/7/20201 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.
Công ty TNHH L phải chịu 41.669.602 đồng án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm và 2.000.000 đồng tiền án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm, nhưng được trừ số tiền 2.000.000 đồng tạm ứng án phí phúc thẩm theo biên lai thu số 0001015 ngày 14/12/2021 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại điều 30 Luật thi hành án.
Bản án 13/2022/KDTM-PT về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa
Số hiệu: | 13/2022/KDTM-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Bắc Ninh |
Lĩnh vực: | Kinh tế |
Ngày ban hành: | 19/07/2022 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về